Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thư gửi người cư sĩ trẻ

13/06/202220:08(Xem: 3485)
Thư gửi người cư sĩ trẻ

Thư gửi người cư sĩ trẻ

Nguyên Giác

Cu-si-tre-tai-gia

Duyên khởi bài viết này vì, mấy hôm đầu tháng 5/2022, được một người em họ từ Nebraska sang thăm, nghe vài chuyện Phật sự nơi miền Trung Tây Hoa Kỳ, lòng vui mừng được biết em mình vẫn tin sâu Tam Bảo cho dù đang ở một nơi rất vắng người Việt. Cũng không có nhiều thì giờ để nói chuyện tu học. Phần vì, người từ miền xa lần đầu tới Quận Cam, chỉ có vài ngày chủ yếu là để đi chơi, chụp hình lưu niệm. Do vậy, thư này được viết để trình bày một vài suy nghĩ về tu học và hộ trì Chánh pháp. Mặt khác, để tránh bầu không khí gia trưởng, và để bài viết thích hợp với nhiều bạn cư sĩ trẻ sơ cơ, bài này sẽ dùng cách xưng hô là “tôi” và “bạn” --- hy vọng có vài gợi ý khả dụng cho nhiều độc giả trẻ trong và ngoài nước. Bài viết sẽ trích dẫn kinh điển, tập trung về vai trò người cư sĩ, về khuyến tấn tu chứng quả Dự lưu để bảo đảm sẽ không bao giờ rơi về ác đạo nữa. Các sai sót nếu có, xin được sám hối cùng Tam Bảo.

 

Thế nào là cư sĩ?

Trước tiên, chúng ta nên thấy rõ thế nào là cư sĩ. Trong Kinh AN 8.25, cư sĩ Thích tử Mahànàma hỏi Đức Phật thế nào là một cư sĩ. Đức Phật trả lời, cư sĩ là người sống với 3 hạnh: thứ nhất, quy y Phật Pháp Tăng; thứ nhì, giữ năm giới; thứ ba, khuyến tấn và thực hành tự lợi và lợi tha. Nếu thiếu một trong ba chi vừa dẫn, hiển nhiên là còn thiếu sót.

Đức Phật dạy rằng cư sĩ là người, trích Kinh AN 8.25, bản dịch của Thầy Minh Châu: "...quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng... từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới; khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; khi nào tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỷ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ-kheo; khi nào tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác nghe diệu pháp; khi nào tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; khi nào tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp." (hết trích)

 

  Ác giới dẫn tới địa ngục, Thiện giới dẫn tới cõi trời

Trong Kinh AN 5.174, Đức Phật nói với cư sĩ Anàthapindika:

"—Này Gia chủ, ai không đoạn tận năm sợ hãi hận thù, được gọi là ác giới và sanh vào địa ngục. Thế nào là năm? Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Này Gia chủ, ai không đoạn tận năm sợ hãi hận thù này, được gọi là ác giới và sanh vào địa ngục.

—Này Gia chủ, ai đoạn tận năm sợ hãi hận thù, được gọi là có giới và sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm? Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Này Gia chủ, ai đoạn tận năm sợ hãi hận thù này, được gọi là có giới và sanh lên cõi Trời." (ngưng trích)

 

Kẻ bị quăng bỏ ra khỏi hàng ngũ cư sĩ, người là hòn ngọc trong giới cư sĩ

Không phải ai cũng là cư sĩ được. Trong Kinh AN 5.175, Đức Phật dạy rằng có những kẻ phải bị quăng bỏ ra ngoài hàng ngũ cư sĩ, và có những vị là viên ngọc sáng trong hàng cư sĩ. Bản dịch của Thầy Minh Châu trích:

"--- Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ là kẻ bị vất bỏ khỏi giới nam cư sĩ, là cấu uế cho nam cư sĩ, là tối hạ liệt cho nam cư sĩ. Thế nào là năm? Không tin; ác giới; đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; tin tưởng điềm lành; không tin hành động; tìm kiếm ngoài (Tăng chúng) người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước...

--- Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ. Thế nào là năm? Có lòng tin; có giới; không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; không tin tưởng điềm lành; tin tưởng ở hành động; không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước." (ngưng trích)

 

Thiện giới: Biết ơn ba mẹ, trả ơn ba mẹ

Đức Phât dạy rằng biết ơn, trả ơn ba mẹ là phải giúp cho ba mẹ có lòng tin vào Tam Bảo, an trú ba mẹ vào lòng tin, vào thiện giới, vào bố thí, vào trí tuệ. Trong Kinh AN 2.32, Đức Phật dạy về ơn ba mẹ: "Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha." (ngưng trích)

 

Quả Dự lưu có 4 chi: tin Tam Bảo, giữ giới để đắc định

Trong Kinh SN 55.2, Đức Phật dạy, trích bản dịch của Thầy Minh Châu: "Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không có thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Đây là bậc Ứng cúng … Phật, Thế Tôn”. Đối với Pháp … Đối với Tăng … Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính … đưa đến Thiền định. Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?" (ngưng trích) (1)

 

Dự lưu: thấy rõ tập khởi, đoạn diệt…

Trong Kinh SN 23.7, Đức Phật dạy: "Này Rādha, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn … thức thủ uẩn. Này Rādha, khi nào bậc Đa văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này. Vị này, này Rādha, được gọi là vị Thánh đệ tử đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến cứu cánh bồ-đề." (ngưng trích) (2)

 

Dự lưu: Lòng tịnh tín bất động là chìa khóa

Trong Kinh AN 10.64, Đức Phật dạy:

"Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tịnh tín bất động ở nơi Ta, tất cả những vị ấy là những bậc Dự lưu. Với những bậc Dự lưu ấy, năm hạng người đạt được cứu cánh ngay ở nơi đây. Năm hạng người, sau khi từ bỏ đời này, đạt được cứu cánh. Và năm hạng người nào, đạt được cứu cánh, ngay ở nơi đây?

Hạng trở lui nhiều nhất là bảy lần (Thất lai), hạng Gia gia, hạng Nhứt chủng, hạng Nhất lai, và vị nào là vị A-la hán ngay trong hiện tại. Năm hạng người này đạt được cứu cánh ngay ở nơi đây…” (ngưng trích) (3)

Ghi nhận: chữ “Gia gia” nơi đoạn thứ nhì ở trên là chỉ bậc Dự lưu còn tái sinh 7 lần, còn tái sinh từ nhà này sang nhà kia (theo bản dịch Sujato.)

 

Phạm giới nhỏ, cũng có thể là bậc Dự lưu

Trong Kinh SN 55.24, trích, bản dịch của Thầy Minh Châu:

"Ngồi một bên, họ Thích Mahānāma bạch Thế Tôn:

—Ở đây, bạch Thế Tôn, họ Thích Sarakàni đã mệnh chung và được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu … chứng quả giác ngộ. Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông họ Thích khi tụ tập lại với nhau, chỉ trích, phê bình, bàn tán: “Thật là lạ lùng! Thật là hy hữu! … Họ Thích Sarakàni đã phạm giới và uống rượu.”

—Này Mahānāma, một cư sĩ lâu ngày qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng làm sao có thể đi đến đọa xứ được?

Này Mahānāma, nếu nói một cách chơn chánh: Người cư sĩ nào đã lâu ngày qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nói một cách chơn chánh phải nói là họ Thích Sarakàni. Này Mahānāma, họ Thích Sarakàni đã lâu ngày quy y Phật, quy y Pháp, qui y Tăng, làm sao có thể đi đến đọa xứ? (...…)

Nếu những cây ta-la lớn này, này Mahānāma, biết những gì là thiện thuyết, ác thuyết, thời Ta cũng sẽ tuyên bố những cây ấy là những bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ, huống nữa là họ Thích Sarakàni..." (ngưng trích) (4)

Tương đương là bên A Hàm, Kinh SA 936, ghi thêm rằng có yếu tố cận tử biết tỉnh ngộ: “Này Ma-ha-nam, Bách Thủ họ Thích lúc sắp chết, nhờ thọ trì tịnh giới, bỏ uống rượu nên sau khi mạnh chung Ta ký thuyết ông đắc Tu-đà-hoàn,… cho đến cứu cánh thoát khổ.”

 

Dự lưu: tịnh tín Tam Bảo, lìa tham, thường bố thí

Trong Kinh SN 55.39, Đức Phật dạy cho một nữ cư sĩ, trích:

"— Thành tựu bốn pháp, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn? Ở đây, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Đây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn” … đối với Pháp … đối với chúng Tăng … Vị này trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Này Godhà, thành tựu bốn pháp này, một nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ." (ngưng trích) (5)

 

Chọn pháp tu thích hợp

Đọc kỹ lời Đức Phật dạy về quả Dự lưu, chúng ta thấy phần lớn tập trung vào giới và sự tương tác với xã hội chung quanh. Thí dụ, quy y, giữ giới, ngoài đời giỏi tay nghề, trong đạo tịnh tín bất động, lòng ưa bố thí, không vướng cấu uế, từ bỏ xan tham, không theo tà kiến (không đoán tương lai, không tin điềm lành, không theo nghi lễ đặc biệt [của ngoại đạo]...). Duy trong Kinh SN 23.7 nêu trên, Đức Phật nói người chứng Dự lưu là đã như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn --- tức là Thiền, tức là quán sát thân tâm để thấy sinh diệt của năm thủ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức); Đối chiếu với nhiều Kinh khác, nếu thấy thực sự trọn vẹn như thế, cũng chính là đã chứng quả A la hán.

Trong cương vị người cư sĩ hiện nay, nhất là những người sống nơi xa ở xứ người, may mắn thì còn gần chùa, gần thầy, còn thì cơ duyên học pháp phần lớn là đọc bài trên mạng, nghe pháp trên YouTube; trường hợp như thế, nên tự tu tập nhiều pháp, để rồi sẽ chọn một hay vài pháp thích nghi. Đôi khi, gặp những đoạn văn tiếng Việt khó hiểu trong Kinh, nên tìm đọc bản tiếng Anh đối chiếu để hiểu rõ hơn. Thêm nữa, đọc Kinh đối chiếu với tiếng Anh cũng là cơ hội học tiếng Anh. Nếu tiếng Anh còn kém, nên vào YouTube và gõ “learning English” để theo các video học tiếng Anh; không có trường nào dạy tiếng Anh trên đời này xuất sắc hơn YouTube.

Thiền tâm từ, tưởng bất tịnh, niệm hơi thở, tưởng vô thường, tưởng vô ngã…

Đức Phật có dạy một pháp để được 11 lợi ích, trong đó người tu sẽ được chư Thiên bảo hộ: đó là Thiền Tâm Từ. Kinh AN 11.15 ghi lời Đức Phật dạy: "...từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một? Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả); được sanh lên Phạm thiên giới."

Cách đơn giản để tu Tâm từ là ghi nhớ lời Đức Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là ba mẹ, anh chị của mình. Hoặc thọ trì Kinh Metta Sutta trong đó ghi lời Đức Phật dạy rằng tu Tâm từ là tự thấy mình là mẹ và xem tất cả chúng sinh các cõi như đứa con trai độc nhất của mình.

Trong Kinh Ud 4.1, Đức Phật dạy ngài Meghiya (một vị thị giả của Đức Phật trong những năm trước khi ngài Ananda giữ chức thị giả bên Phật): "Nên tu tưởng bất tịnh để xa lìa tham, tu tâm từ để xa lìa sân, tu niệm hơi thở để cắt đứt dòng suy nghĩ, và tu pháp tưởng vô thường để nhỗ gốc rễ cái chấp 'có tự ngã'."

Chúng ta nên đơn giản hóa pháp tu bất tịnh, dựa theo Kinh AN 4.169: "...sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng nhàm chán đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng chết, khéo an trú nội tâm..." Như thế, bất tịnh nghĩa là nhàm chán và không vui sướng  với tất cả những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được hay biết (nghĩa là thế giới trong và ngoài thân tâm). Còn niệm tử, hay tưởng chết, nên rút gọn về cái nhìn tất cả các pháp đang tịch diệt, như thế nghĩa là đang thấy, nghe, cảm thọ, hay biết tất cả các pháp đang biến mất, đang tan rã (kể cả thân tâm mình).

Thiền hơi thở có thể xem là một phần của Niệm Thân. Nhiều Kinh ghi về Thiền hơi thở đầy đủ có 16 chi. Tuy nhiên, có một số Kinh, ghi lời Đức Phật dạy cách thở đơn giản là “quán từ bỏ (xả ly) trong khi niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra.” Nghĩa là, chỉ có 2 chi .

Kinh SN 54.4 ghi rằng: "Tu tập như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như thế nào, niệm hơi thở vô, hơi thở ra có quả lớn, có lợi ích lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, được làm cho sung mãn như vậy, được chờ đợi một trong hai quả sau: Ngay trong hiện tại, được Chánh trí; nếu có dư y, chứng quả Bất lai." (ngưng trích) - (Các Kinh SN 54.6, SN 54.7, SN 54.9 cũng tương tự). (6)

Trong Kinh AN 9.20, Đức Phật dạy rằng niệm tâm từ và niệm vô thường có công đức và oai lực rất lớn, rằng có cúng dường 100 vị A la hán, 100 vị Độc giác Phật, một Như Lai, và xây tịnh xá cho vô lượng chư tăng mười phương thì cũng không bằng "có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia." (7)

Thế nào là niệm vô thường? Niệm vô thường là liên tục thấy rằng không có gì có thể gọi là một cái gì, vì dòng chảy xiết luôn luôn trôi chảy qua thế giới trong và ngoài thân tâm chúng ta. Chúng ta không thể nghĩ về cái hiện tiền, vì thế giới hiện tiền được ví như điểm tiếp giáp là hạt mè lơ lửng nơi đầu mũi kim. Thấy như thế, là thấy không có bất kỳ pháp nào có thể gọi là tự ngã. Chúng ta không có tự ngã, vì thân tâm chỉ là một dòng sông đang chảy xiết của “một nhúm bọt sắc thọ tưởng hành thức”… Các Thiền sư thời xưa thường nói, mở miệng là sai rồi. Bời vì mở miệng, là mất liền pháp hiện tiền.

Niệm vô thường cũng dẫn tới thấu triệt vô ngã. Để sống với dòng sông vô thường, để nhận ra khối lung linh vô ngã của thân tâm, cách tiếp cận phải là trực tiếp, không dựa vào bất kỳ phương pháp nào, phải là  cái thấy tỉnh thức của vô ngôn, của vô tâm. Khi chúng ta xem trận bóng đá trên TV, hễ suy nghĩ so đo là mất liền cái thấy hiện tiền nơi quả bóng, hễ mở miệng nhận định đúng sai giỏi dở là mất liền cái thấy hiện tiền của những bước chạy theo bóng. Nghĩa là, cái thấy hiện tiền là một tỉnh thức thường trực của vô ngôn (không bàn cãi nói năng), của vô tâm (không nghĩ ngợi). Tương tự, khi chúng ta nghe một ca sĩ hát, hễ suy nghĩ so đo là mất liền cái nghe hiện tiền nơi lời ca, hễ mở miệng nhận định đúng sai giỏi dở là mất liền cái nghe hiện tiền của ý nhạc. Nghĩa là, cái nghe hiện tiền là một tỉnh thức thường trực của vô ngôn (không bàn cãi nói năng), của vô tâm (không nghĩ ngợi). Tương tự, với cảm thọ, với nhận biết. Hễ nghĩ ngợi, hễ dùng ngôn ngữ là mất liền cái hiện tiền, bởi vì ngôn ngữ và nghĩ ngợi là cái khung của quá khứ, là cái gánh nặng của vô lượng ngày hôm qua. Ngay khi thấy nghe cái hiện tiền (dù là của trận bóng đá hay của cuộc hòa nhạc) thì vô lượng những cái ngày hôm qua biến mất, vì cái hiện tiền không phải Tây, Tàu, Mỹ, Việt, Nhật, Hàn… mà chính là vô lượng cái không biết, vô lượng cái chưa từng biết, và là cái hạnh phúc hiển lộ ngay khi chúng ta sống được trong cái hiện tiền vô thường (dù là đang xem đá bóng) thì đã không còn thấy bóng dáng tham sân si nơi nào.

Nhận biết mình đang tắm trong dòng sông vô thường  cũng là hiểu rõ như thật, cũng là Thiền Tịnh, theo lời Đức Phật dạy trong Kinh SN 35.100, trích: "Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Thiền tịnh, hiểu rõ như thật. Và hiểu rõ gì như thật? Như thật hiểu rõ mắt là vô thường, như thật hiểu rõ các sắc là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường… tai… lưỡi… thân… ý… Này các Tỷ-kheo, hãy hành trì hạnh Thiền tịnh." (ngưng trích) (8)

Đó chính là cái thấy tối thượng, cái nghe tối thượng… như ghi trong Kinh SN 35.100: "Tôn giả Bhaddaji vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau: —Khi người ta nhìn, này Hiền giả, không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự thấy tối thượng. Khi người ta nghe không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự nghe tối thượng. Khi người ta cảm giác lạc thọ không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là an lạc tối thượng. Khi người ta cảm tưởng không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là tưởng tối thượng. Khi người ta hiện hữu không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là hữu tối thượng." (9)

Đức Phật còn dạy nhiều pháp nữa. Nơi đây chỉ viết lại theo kiểu rút gọn một số pháp tiện dụng cho bạn. Khi hiểu được một cửa vào, rồi sẽ hiểu tất cả những cửa vào khác, vì vị giải thoát chỉ là một. Mỗi người cư sĩ đều sẽ tự thích nghi theo cách riêng. Chỉ hy vọng rằng bài viết này là một lời mời lên đường cho các bạn trẻ, để bước vào kho tàng mênh mông của Chánh pháp. Và đừng bao giờ đi chệch hướng.

GHI CHÚ:

(1). Kinh SN 55.2: https://suttacentral.net/sn55.2/vi/minh_chau

(2). Kinh SN 23.7: https://suttacentral.net/sn23.7/vi/minh_chau

(3) . Kinh AN 10.64: https://suttacentral.net/an10.64/vi/minh_chau

(4). Kinh SN 55.24: https://suttacentral.net/sn55.24/vi/minh_chau

(5). Kinh SN 55.39 https://suttacentral.net/sn55.39

(6). Kinh SN 54.4: https://suttacentral.net/sn54.4/vi/minh_chau

(7). Kinh AN 9.20: https://suttacentral.net/an9.20/vi/minh_chau

(8). Kinh SN 35.100: https://suttacentral.net/sn35.100/vi/minh_chau

(9). Kinh SN 35.100: https://suttacentral.net/sn35.100/vi/minh_chau

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2021(Xem: 7197)
Cao nguyên Tây Tạng, ngoài Bắc cực và Nam cực, là bồn chứa băng tuyết to lớn nhất, và thường được xem là "Cực Thứ ba". Tây Tạng là nguồn cung cấp nước cho một số sông to lớn nhất trên thế giới, trong số đó gồm có sông Brahmaputra, sông Hằng, sông Indus, sông Mê-kông, sông Salween, sông Hoàng hà và sông Trường giang. Các con sông đó là nguồn sống, bởi vì chúng cung cấp nước uống, dẫn nước vào các hệ thống thủy lợi, giúp việc canh tác và sản xuất thủy điện, cho gần hai tỉ người trên khắp các vùng Á châu. Nhiều băng hà trên Tây Tạng tan thành nước, các công trình xây đập và đổi hướng sông ngòi, kể cả việc phá rừng quy mô đã khiến các hậu quả tạo ra bởi thái độ tắc trách về môi trường, ngày càng lan rộng khắp nơi.
09/11/2021(Xem: 5820)
Gần đây, tôi đã nhận lời mời của đài truyền hình trực tuyến quốc nội "thử niệm" (此念) để chia sẻ về Triết lý Giáo dục “tăng trưởng cuộc sống" (生命成長), trong hàng loạt bài Triết lý Giáo dục của Tôi. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.
09/11/2021(Xem: 10148)
Tứ Niệm Xứ là phương pháp thực hành thiền quán tập trung 4 đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Thực hành Tứ Niệm Xứ, giúp người tu có được cái nhìn sâu sắc về vô thường, từ đó loại bỏ được những phiền não trong cuộc sống hàng ngày.
09/11/2021(Xem: 5683)
Điều đầu tiên chúng ta nhận thức vật chất, phải thông qua cơ thể của chính mình. Thậm chí có thể nói rằng, con người biết đến sự tồn tại của ý thức, thông qua cảm giác của thân thể. Ảnh hưởng của thân thể lên ý thức là điều hiển nhiên, giống như sự khó chịu và đau đớn do bệnh tật gây ra, khiến chúng ta nhận thức được sự tồn tại khách quan của tứ khổ sinh, lão, bệnh, tử.
08/11/2021(Xem: 7482)
Huế, không khí vẫn bình lặng, sự bình lặng làm cho những ai quen sống cuộc đời phóng túng phải kinh hãi và họ kinh hãi là phải lắm, vì rất ít ai có khả năng nghe được tiếng nói từ bình lặng và hiến dâng trọn vẹn cho sự bình lặng đó. Ngày xưa, khi những vị giáo sĩ ngoại đạo tranh cãi nhau, làm cho không khí xáo động hết bình lặng, hoặc tình cờ, hoặc vì chủ đích, đức Phật đi đến giữa chúng tranh cãi ấy, thì trong chúng đó họ tự bảo nhau: “Đức Gotama đến kia kìa! Ngài là bậc an tịnh, trầm lặng, Ngài không muốn ồn ào!”. Họ nói với nhau như vậy xong, họ liền giữ sự im lặng mỗi khi gặp đức Thế Tôn.
08/11/2021(Xem: 7378)
Mùa xuân là hình ảnh của con người. Tâm của con người như thế nào, nó sẽ tạo ra mùa xuân cho con người đúng như thế ấy. Tâm của một người xấu thì không thể nào tạo ra một mùa xuân đẹp cho chính mình, huống hồ gì họ có thể tạo ra một mùa xuân đẹp cho gia đình và xã hội. Mùa xuân là hình ảnh của cộng đồng người. Tâm thức của cộng đồng người như thế nào, họ sẽ tạo ra mùa xuân cho chính cộng đồng của họ đúng như thế ấy. Tâm của một cộng đồng người đặt đức tin của họ vào những thế lực ngoại tại, thì tự thân của cộng đồng đó sẽ tạo ra những biểu tượng thần thánh để tôn sùng và tô vẽ cho mùa xuân của cộng đồng họ qua hình ảnh thánh thần.
08/11/2021(Xem: 8855)
Sáng ngày 6/11/2021, tại thôn Nà Danh, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Đại diện Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, và các nhà tài trợ doanh nhân Phật tử Công ty TNHH ToTo, Cục Hải Quan Hà Nội, Công ty Cổ Phần TM&DV Ngọc Hà, Công ty TNHH Kentetsu World Express Việt Nam, Công ty Cổ Phần Tư Vấn Công Nghệ Thiết Bị và Kiểm Định xây dựng CONINCO, cùng Đại diện Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Lê Lai đã tiến hành Khánh thành trường Mầm non trên địa bàn xã.
08/11/2021(Xem: 5348)
Thói quen của chúng sinh thường tự cho mình là trung tâm, và việc mãi mê những ham muốn vật chất không bao giờ thỏa mãn. Đối với mọi thứ trên đời, các bạn muốn sở hữu những thứ tốt, và từ chối những cái xấu, tức là tham lam và chán ghét. Khi tâm trí con người bị chi phối bởi hai thế lực này, họ không thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan, và cách đối nhân xử thế dễ bị trục trặc. Một số người nổi tiếng, nhưng họ thực sự có hạnh phúc? Một số người không ngần ngại sử dụng các phương tiện không chính đáng để đạt được danh và lợi, chẳng hạn như làm hại người khác vì lợi ích riêng cho bản thân, hoặc ức hiếp đánh đập những người mà họ không thích. Mọi người không ngừng suy nghĩ về sự khác biệt, và họ có thể cảm thấy tội lỗi khi tỉnh giấc lúc nửa đêm dài trong mộng. Nếu tâm không thể thanh thản thì khó có thể gọi là một cuộc sống hạnh phúc.
08/11/2021(Xem: 5490)
Vô Tầm Vô Tứ Định là tầng Định thứ hai trong bốn chi Thiền do đức Phật thiết lập. Bốn chi Thiền đó gồm Sơ Thiền tương xứng với Sơ Định hay Định Hữu Tầm Hữu Tứ, Nhị Thiền tương xứng với Vô Tầm Vô Tứ Định, Tam Thiền tương xứng với Xả hay An Chỉ Định, Tứ Thiền tương xứng với Chánh Định.
08/11/2021(Xem: 5821)
Tổ chức Từ thiện Xã hội Cộng sinh Toàn cầu và Thiếu Lâm Tự (소림사), thành phố Bucheon, Gyeonggi, Hàn Quốc đã hoàn thiện trong xây dựng ngôi Trường Tiểu học Bucheon Sorimsa (부천소림사초등학교) và trao tặng một nơi lý tưởng học tập cho các em thiếu niên tại Nepal.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]