Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Có những chữ Tình (Bài viết của HT Thích Như Điển do Cs Diệu Danh diễn đọc)

05/03/202219:13(Xem: 4374)
Có những chữ Tình (Bài viết của HT Thích Như Điển do Cs Diệu Danh diễn đọc)
hoa hong vang

Có những chữ Tình
Bài viết: HT. Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh




Mới vào đề chắc có người sẽ thắc mắc tại sao một người tu sao lại nói đến chữ Tình để làm gì? Xin quý vị hãy từ từ đọc vào nội dung sẽ hiểu. Hôm nay tôi sẽ viết về các loại Tình: tình bạn, tình người, tình yêu, thình thương, tình cảm v.v… Nếu viết bằng chữ Hán về chữ Tình nầy thì bên trái viết bộ tâm đứng, có nghĩa là những tình nầy đều khởi đi từ tâm của mỗi con người; bên phải viết chữ thanh là màu xanh hay cũng còn có ý là rõ ràng, trong sáng v.v…, hai chữ nầy ghép lại gọi là chữ Tình. Sau nầy tiếng Việt chúng ta dùng chữ tình yêu, tình cảm, tình thương, tình ý v.v…cũng đều sử dụng chữ tình nầy để ghép chung vào chữ Nôm của chúng ta, trở thành tiếng Việt thuần túy.

Khi còn nhỏ chúng ta có bạn bè chơi chung trong xóm và khi đến tuổi cắp sách đến trường, chúng ta có thêm những người bạn học cùng lớp hay cùng trường. Từ mẫu giáo đến tiểu học rồi trung học, đại học, hậu đại học chúng ta đều có rất nhiều bạn thân cũng như sơ. Có người sống suốt đời vì bạn hơn là vì tình riêng. Đôi khi tình bạn còn lâu bền hơn những loại tình cảm khác nữa. Ví dụ như trong tình bạn người ta có thể chia cho nhau thẻ kẹo, đổi nhau chiếc áo cũ hay tặng cho nhau những trò chơi lành mạnh. Đôi khi tình bạn nầy gắn chặt suốt cả cuộc đời của nhiều người. Ở đời có nhiều người thay đổi tình cảm với người yêu nhiều lần, nhưng đối với tình bạn thì có thể không có gì ngăn cản và làm cho lòng họ thay đổi được, dầu cho người bạn ấy sau nầy có giàu hay nghèo bao nhiêu đi chăng nữa, thì tình bạn thuở ấu thơ cho đến lúc bạc đầu ít làm cho người ta lao tâm khổ tứ, mà lại còn gắn bó hơn xưa. Khi một trong hai hay nhiều người sống cách xa nhau ở nhiều khoảng thời gian và không gian khác nhau, thì bạn bè bao giờ cũng luôn tìm cách hỏi han nhau khi bình an cũng như khi bệnh hoạn.

Tình người là một loại tình chung chung của người đồng loại. Khi một dân tộc khác bị nạn đói hay chiến tranh, chúng ta nghĩ lại thân phận của mình cũng đã trải qua một thời gian khó khăn như vậy, nên chúng ta dùng tình người để đối xử với nhau, giúp nhau tiền bạc hay thuốc men, thực phẩm v.v…để vượt qua cơn hiểm nghèo. Nhiều nước rất giàu có, nhưng khi tai trời ách nước xảy ra, các chính phủ hay kêu gọi các cơ quan từ thiện vì tình người mà hỗ trợ qua các trận động đất, Tsunami, lụt lội, Haricain v.v… Lúc nầy là lúc mà chúng ta có thể sử dụng cụm từ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là vậy. Người ta không thể sống riêng lẻ chỉ một mình trên quả địa cầu nầy. Do vậy khi tai trời ách nước xảy ra, mỗi người trong chúng ta đều nên có bổn phận tương trợ lẫn nhau, để cho quốc gia và quốc tế có được tình người chung trong tai ương hoạn nạn. Đây cũng là tình cảm của con người đối với con người, khi giúp đỡ nhau chúng ta không phân biệt Nam, Trung, Bắc hay người Hoa, người Nhật, người Mỹ, người Đức, người Pháp, người Úc v.v…Khi dùng tình người để đối xử với nhau, lúc sống có khi còn phân biệt ta, người, chính kiến khác nhau, nhưng khi chết đi tất cả chúng ta đều được bình đẳng, vì sự chết không phân biệt cao thấp sang hèn hay giàu nghèo v.v… Đây cũng là cái tình, cái ý mà giữa người với người nên đối xử với nhau như vậy; cho nên người Việt Nam chúng ta thường hay nói: “nghĩa tử là nghĩa tận”, có nghĩa là khi chết là cái nghĩa cuối cùng. Chúng ta không vì bất cứ lý do gì mà đối xử với nhau không phải là tình người. Ví dụ hai bên giao chiến với nhau khi còn sống là thù; nhưng khi bị thương hay lúc chết, cả hai bên đều bỏ qua hận thù để có thể giúp đỡ lẫn nhau, lúc nầy là lúc không phân biệt đây hay kia. Đó là một loại tình người mà chúng ta nên trân quý và bảo vệ.

Còn tình yêu, nếu là tình yêu nam nữ thì có lẽ đây là điều không nên đề cập đến với người xuất gia, nhưng người xuất gia cũng có nhiều loại tình yêu khác đó là tình yêu quê hương, yêu đồng loại, yêu Tổ Quốc, yêu đạo Pháp v.v... Do vậy Đức Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo cũng có một bài thơ nói về tình yêu rất hay như sau:

Tôi có tình yêu rất mặn nồng

Yêu đời yêu đạo lẫn non sông

Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ

Chẳng phải yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu

Thì trong tâm trí phải xoay chiều

Quay về phụng sự cho nhân loại

Sẽ gặp tình chung trong khối yêu.

Ta vốn đa mang một khối tình

Dường như hải thệ với sơn minh

Tình yêu không những riêng ai cả

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

Như vậy tình yêu nầy là tình yêu vị tha chứ không phải vị kỷ. Nhưng trong tình yêu nam nữ, đa phần khi người con trai đến với người con gái, bao giờ người con trai cũng dùng khuynh hướng chiếm hữu và buộc người con gái ấy thuộc về mình. Nếu không được vậy, người con trai có thể đi tìm đối phương khác để thể hiện tình yêu. Còn người con gái bao giờ cũng mang khuynh hướng nương tựa. Nếu người đàn ông đó không phải là chỗ nương tựa vững chắc của đời mình thì người con gái kia sẽ tìm nơi khác chắc chắn hơn để nương vào. Cả hai bên đều thủ với nhau. Khi tình yêu không còn nữa thì chia tay, đường ai nấy đi; chỉ tội cho con thơ, chẳng biết ai mà nương tựa. Khi ái tình đến, người ta hay mù quáng. Lúc bấy giờ cái tâm kia không còn trong sáng nữa, nên người đời thường nói rằng: Tình yêu bao giờ cũng mù quáng. Nếu lúc yêu nhau mà sử dụng lý trí, lúc đó chẳng thể gọi là tình yêu nữa. Và sau đây có những bài thơ của người xưa chúng ta có thể đọc lại để chiêm nghiệm về tình yêu nó có thật như thế không?

Đầu tiên là bài “Chữ Tình”của Cụ Nguyễn Công Trứ; Ông là một nhà thơ, một tướng công của triều đình và của làng Uy Viễn và Cụ đã thể nghiệm về chuyện tình nầy như sau:

Chữ tình là chữ chi chi

Dẫu chi chi cũng chi chi với tình

Sầu ai lấp cả vòm trời

Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung?

Đa tình là dở

Đã mắc vào đố gỡ cho ra

Khéo quấy người một giấc tinh ma

Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy

Đã gọi người nằm thiên cổ dậy

Lại đưa hồn lúc ngủ canh đi

Nực cười thay lúc phân kỳ

Trông chẳng nói, xiết bao nhiêu biệt lệ.

Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ

Càng tài tình, càng ngốc, càng si

Cái tình là cái chi chi?

Một tướng công của triều đình khi lâm trận chiến không sợ giặc đối phương mà khi lâm trận tình thì hỏi rằng: Nó là cái chi chi vậy?

Đến Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã thể hiện chuyện tình của mình qua nhiều bài thơ khác nhau; nhưng ở đây tôi chỉ trích ra hai bài thơ tiêu biểu để chiêm nghiệm về chuyện tình: bài “Giời mắng”

Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ

Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời

Xem thơ trời cũng nực cười

Cười cho hạ giới có người oái ăm

Khách hà nhân giả?

Cớ làm sao suồng sã dám đưa thơ

Chốn thiên cung ai kén rể bao giờ?

Chỉ những sự vẩn vơ mà giấy má

Chức Nữ tảo tùng giai tế giá

Hằng Nga bất nại bão phu miên

Mở then mây quăng trả bức hồng tiên

Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục

Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc

Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa

Trần gian đày mãi không chừa.

Ông Trời xem thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu xong trả lời rằng: “Chức Nữ thì đã theo chồng khá lâu rồi; còn Hằng Nga thì không chịu lấy chồng, ngươi hãy về đi, đừng có lôi thôi chi cả”. Thế là Tản Đà đem mộng trở về sau khi ngông cuồng hỏi vợ đến cõi trời cũng chưa được việc.

Sau khi mang tâm trạng sầu muộn tâm tư về lại trần gian thì Tản Đà viết “Thư đưa người tình nhân không quen biết” với nội dung như sau:

Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi

Viết bức thư này gửi đến ai

Non nước xa khơi tình bỡ ngỡ

Ai tri âm đó? Nhận mà coi

Làn mây biếc long lanh đáy nước

Ánh tà dương ngả gác non đoài

Tranh kia ai vẽ cho giời?

Ngoài sơn thuỷ lại một người đứng trơ

Hồn kiếp trước ngẩn ngơ chưa tỉnh

Mối tình riêng vơ vẩn càng thêm

Tuyệt mù tăm cá hơi chim

Nào người nhớ hỏi thăm tìm là đâu

Kể từ độ lọt đầu se tóc

Cũng cùng mang tiếng khóc mà ra

Cội sầu ta lại với ta

Lọ quen biết mới gọi là tương tri

Cơn gió thảm có khi cùng khóc

Bóng giăng thanh lắm lúc cùng chơi

Gượng vui cũng một nét cười

Nguyệt hoa cùng trải nước đời như nhau

Bể trần hải chẳng sâu mà sóng

Cầu hành tinh đã rộng thêm tròn

Tài tình một gánh con con

Đông, tây, nam, bắc, ai còn gặp ai

Nỗi bèo nước đã thôi thời thế

Tình cỏ sương chưa dễ mà khuây

Phòng văn giở lại gót giầy

Chén tương tư rót cho đầy lại vơi

Tấc son giãi mấy nhời huê bút

Tờ giấy bay theo ngọn gió đông

Lòng kia hỡi có in lòng?

Nước non khơi cách nghìn trùng chưa xa.

Sau khi đọc ba bài thơ tình nầy rồi, chắc nhiều người phải ngẫm nghĩ lại là Cụ Nguyễn Công Trứ và Thi Sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu diễn tả như vậy có đúng không? Hay lại có những chuyện tình khác? Từ đó mới có thơ tình của Hàn Mặc Tử, của Thế Lữ, của Xuân Diệu v.v..

Tình thương là một loại tình không biên giới và không có sự đổi chác, ban cho hay chờ đợi. Tình nầy phải có nơi những người cao thượng biết tha thứ, không vị kỷ. Tình nầy chỉ có nơi những bậc trượng phu; nơi các vị Bồ Tát, chư Phật và những người vì sự lợi ích của kẻ khác chứ tuyệt đối không vì sự lợi dưỡng riêng cho chính mình. Tình thương nầy luôn mang đến sự an vui cho kẻ khác; không sợ hãi, không điều kiện và khi người đối diện nhận ra được tình thương nầy thì chúng ta có một sự che chở, không sợ hãi bị chiếm đoạt hay bị lợi dụng. Khi con người yêu nhau giữa nam nữ hay sử dụng tình cảm để đối đãi với nhau; nhưng khi không còn chung nhau dưới một mái nhà hay trong một gia đình nữa thì người ta hay dùng lý để giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng như gia tài, con cái v.v... lúc bấy giờ tất cả đều đối xử với nhau bằng lý, còn tình cảm sẽ nhường mặt cho công đường. Trong khi đó tình thương thì không phải như vậy. Trước hay sau việc cứu giúp một người, một vật khi bị đắm chìm trong sinh tử thì Phật hay Bồ Tát không nhìn quá khứ hay tính chuyện tương lai của người ấy như thế nào, mà chỉ nhắm vào mục tiêu trong hiện tại là phải cứu người ấy. Chỉ đơn giản như thế thôi.

Khi hai người về già thì cái tình cảm lúc thanh niên không còn đeo đuổi nữa, mà lúc bấy giờ người ta sống với cái nghĩa của vợ chồng. Lúc nầy là lúc thể hiện tình cảm của hai người chăm sóc nhau cho đến khi răng long đầu bạc. Do vậy người xưa thường nói rằng: “Sống thì đồng tịch đồng sàng; chết thì đồng quan đồng quách” nhằm nói lên sự chung thủy của hai người và cuối cùng hai người sẽ đi về đâu là do cái nhân thiện hay ác tương ưng khi còn sống sẽ thể hiện lúc thân trung ấm hiện ra.

Dẫu cho có sống đến trăm năm đi nữa và dẫu cho có chung tình suốt đời đời kiếp kiếp đi chăng nữa thì những loại tình bên trên không thể thoát ra ngoài vòng tử sinh sinh tử được. Do vậy ngoài tình đời ra, chúng ta nên thể hiện tình đạo, tình người thì mới mong một mai đây khi thần thức rời khỏi xác thân tạm bợ nầy, chúng ta có được nơi nương tựa vững chắc hơn. Đó là cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và các vị Thánh chúng đang chờ đợi chúng ta tại đó. Bởi nơi ấy:

Không ân không oán không sầu

Không gìa không chết có đâu luân hồi

Tánh xưa nay đã tỏ rồi

Gương xưa nay đã lau chùi trần ô

Tu hành phải đợi kiếp mô?

Nguồn tình bể ái đã khô bao giờ?

Lựa là phải đợi thiên cơ

Mà đèn trí tuệ để lờ đi đâu?

Mấy lời hộ niệm trước sau

Nguyện cho thành Phật mau mau nữa mà

Phân thân ra khỏi Ta Bà

Từ Bi tiếp độ những là chúng sanh.

(Trích phần cuối của bài Cuộc hồng trần)

Viết xong vào ngày 2 tháng 3 năm 2022 tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.




***
facebook
youtube


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2021(Xem: 9443)
Nụ cười Anh tỏa nắng Giữa dịch bệnh đau thương Trái tim Anh lấp lánh Trong cuộc sống đời thường
27/08/2021(Xem: 5998)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm Hộ trì Tăng Bảo nhân mùa Vu Lan tự tứ, cũng như san sẻ với chư Tăng tu hành nơi xứ Phật trong lúc còn nhiều khó khăn do Dịch covid ... Vào sáng thứ Ba 24 Aug 2021 vừa qua chúng con, chúng tôi đã thiết lễ cúng dường chư Tăng thuộc các truyền thống Phật giáo tại Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya India với sự bảo trợ của chư tôn đức Ni và chư Phật tử 4 phương...
26/08/2021(Xem: 4796)
Namo Sakya Muni Buddha Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 9, 10, 11 & 12 2021 với sự chia sẻ của Thầy Thích Tánh Tụê. Thứ 7 ngày 4 tháng 9 - 2021 Từ 2PM to 5PM Pháp thoại & sinh hoạt với ACE Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông. 9311 McClure ave Westminster Ca 92683 Liên hệ chi tiết: Đạo hữu minh Anh (714) 319 3455
24/08/2021(Xem: 7245)
Tôi lúc nhỏ đi vào truy môn, ban đầu đọc tụng danh hiệu của 88 Đức Phật, trong lòng yên lắng, được điều chưa từng có! Nay tôi già rồi, mỗi khi xưng niệm danh hiệu, niềm hỷ lạc vẫn như xưa. Có điều tôi chưa xem xét [các danh hiệu ấy] xuất từ Kinh nào? Gần đây tôi tham cứu Đại tạng thì mới biết rằng 35 Đức Phật xuất từ Kinh Đại Bảo Tích, được trình bày rất rõ ràng xuyên suốt bản kinh. Người đương thời góp nhặt danh hiệu 88 Đức Phật, bỏ qua kinh văn, chỉ chép danh hiệu Phật là để giản tiện, nhưng người đọc sẽ không biết xuất xứ từ đâu.
23/08/2021(Xem: 4586)
Kính bạch Thầy hôm nay giỗ Mẹ , con tự khấn thầm sẽ học lại Trung bộ kinh mà trước đây đã học chưa trọn vẹn qua sách của HT Thích Minh Châu và Ni Sư Trí Hải chú giải thì may mắn làm sao con thấy online trọn bộ trên YouTube của Sư Sán Nhiên giảng tại Mỹ và được chú thích rõ ràng và ngay bài đầu tiên con đã thu thập và nhớ lại những gì đã học , kính xin phép Thầy cho con trình pháp xen kẻ với những pháp thoại của Thầy để cúng dường Pháp Bảo hầu kiếp sau có cơ hội tiến tu trên đường Đạo . Kính đảnh lễ Thầy, kính đa tạ và tri ân Thày, HH
20/08/2021(Xem: 5813)
Người Á Châu không ai là không biết đến hoa Sen. Vì Á Châu chúng ta có khí hậu ấm áp, nhất là những xứ như Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc và ngay cả Đại Hàn hay Nhật Bản, hoa Sen vẫn thường nở khoe sắc thắm vào mùa Hè nắng ấm. Sen có nhiều loại và nhiều màu khác nhau, nhưng hai màu chính mà chúng ta thường thấy là hoa Sen màu hồng và hoa Sen màu trắng. Trong Kinh A Di Đà diễn tả về màu sắc của hoa Sen ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có cả hoa Sen màu xanh tỏa ra ánh sáng xanh, hoa Sen màu vàng tỏa ra ánh sáng vàng nữa; nghĩa là có nhiều màu sắc khác nhau khi hoa được trổ ra nơi cảnh giới giải thoát ấy.
20/08/2021(Xem: 6613)
Ai đã sống trải qua thời kỳ u ám thê lương của những năm đất nước đói nghèo với tên gọi "thời bao cấp", ắt hẳn thấm thía và nhận biết giá trị quý báu của chén cơm, manh áo. Nói không quá, "cơm trắng, áo đẹp" hầu như chỉ có trong... giấc mơ. Một xị dầu lửa, hay một cục xà bông để vừa giặt, vừa tắm, vừa gội đầu, cũng là những vật phẩm giá trị không phải muốn có lúc nào là được đâu.
19/08/2021(Xem: 7028)
Không sống với quá khứ, cũng không mơ tưởng tương lai. Hãy tập trung tâm thức vào giây phút hiện tại.
19/08/2021(Xem: 7967)
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm. Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp. Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh. Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
19/08/2021(Xem: 6825)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]