Thân/kính tặng tác giả sách “Khủng Hoảng Môi Trường, Có Phải Nguy Cơ Hết Thuốc Chữa”, anh Trần Văn Chánh.
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè họ nói
Chuyện người chuyện sói.
Sói nói tiếng người
Sói biết đọc chữ
Lão người thì không
Cả kiếp lông bông
Lão làm bạn sói
Sống vui với sói.
Nói cho vui vậy chứ không phải vè dân gian mà là vè tự đặt, chắc còn tệ hơn thơ con cóc. Vậy, thôi xin ngưng múa rìu, tôi xin chép đoạn văn hay này ra đây trước đã, chuyện khác xin hạ hồi phân giải.
„Ursus và Homo gắn bó với nhau bởi một tình bạn tha thiết. Ursus là một con người, Homo là con sói. Đôi bên rất tâm đầu ý hợp. Chính con người đã đặt tên cho con sói. Cũng có thể chính ông đã chọn tên cho mình; thấy Ursus hợp với mình, nên ông thấy Homo rất hợp với con vật (Ursus: gấu; Homo: người). Việc kết bạn giữa người này và sói nọ những kẻ tò mò xúm đen xúm đỏ, Ursus lại cất tiếng ba hoa, Homo lại tán thành. Mõm ngậm một cái bát gỗ, Homo lễ phép đi xin tiền khán giả. Thầy trò cứ thế kiếm sống qua ngày. Sói biết chữ mà người không biết chữ. Sói được người huấn luyện, hoặc tự luyện lấy một mình, làm được nhiều trò sói rất dễ thương, góp thêm phần thu nhập. “Cốt nhất chú mày đừng thoái hóa thành người đấy”, ông bạn nói với nó như thế.
Sói không bao giờ cắn, nhưng người thì cũng thỉnh thoảng. Ít ra cắn là ước vọng của Ursus. Ông vốn là một người yếm thế, và, để tỏ rõ tính yếm thế của mình, ông đã chọn lấy cái nghề múa rối. Cũng cốt là để kiếm sống, vì dạ dày hay áp đặt điều kiện của nó“. [1]
Đó là nguyên bản một đoạn văn tôi đã tự chép tay khi ngồi trong một khách sạn vùng quê ở Đan Mạch sau một cuộc hội thảo khoa học nặng óc ù tai. Ở vùng biên của hai nước Đan Mạch và Đức này người ta vừa dựng xong một hàng rào dọc đường biên giới để ngăn chận heo rừng vì sợ chạy qua lại mang theo bệnh truyền nhiễm, làm sói ta cũng bị vạ lây. Thấy vậy mới biết thú vật chơi đẹp với đồng loại hơn con người. Chúng đi lang thang không cần chiếu khán nhập nội gì cả, cũng chẳng cần biên giới, khỏi khai quốc tịch. Do quên mang theo sổ tay nên tôi đã phải dùng 5 tờ giấy loại nhỏ xíu của khách sạn dành cho khách ghi chú mới chép đủ đoạn văn ngắn này. Rồi tôi đã kẹp mấy miếng giấy nhỏ đó gọn trong cái tập bìa cũng nhỏ, dùng lưu giữ linh tinh các thứ cần cho các chuyến công tác họp hành, số điện thoại, danh thiếp… Sau đó quên mất. Mấy ngày nay rảnh rỗi lục ra sắp xếp dọn dẹp mới gặp lại được, xem như là… ngộ cố tri. Đúng hơn phải nói là gặp lại người thầy giáo cũ, thầy Sói.
Tôi nghĩ, sao con người ta cứ ưa chụp mũ cho sói, đổ tội là sói ăn thịt người. Đúng ra người mới ăn thịt súc vật. Và tất nhiên người cũng có thể ăn thịt luôn cả sói. Không những thế, người còn có thể ăn thịt cả đồng loại của mình – nói đúng chữ là họ làm thịt đồng loại mình, bằng cách này hay cách khác.
Trước tiên phải trách anh em nhà Grimm, dù chỉ một lời trách nhẹ. Năm xưa, trong lúc hứng chí hai ông người Đức có tên Jacob và Wilhelm Grimm vui miệng kể ra câu chuyện cổ tích. Câu chuyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ anh em nhà Grimm kể nghe quá hấp dẫn, tưởng như thật nên ai cũng tin. Con nít tin mà người lớn cũng tin. Tin nên chi mới làm hại cả giòng họ nhà sói. Từ đó sói phải chịu tiếng oan.
Truyện kể có cô bé quàng khăn đỏ đem bánh và sữa đến biếu bà ngoại. Chẳng ngờ bà ngoại đã bị sói nuốt chửng vào bụng trước rồi. Sói còn tinh ranh nằm trên giường giả dạng làm bà ngoại. Anh em nhà Grimm còn kể đoạn đối thoại hấp dẫn giữa sói (trong hình thù bà ngoại) với bé Khăn Đỏ như sau.
Gõ cửa nhà chẳng nghe có tiếng trả lời. Bé Khăn Đỏ đẩy cửa đi vào, bước đến bên giường ngoại, kéo màn ra thì thấy bà nằm đó, trùm người kín mặt, trông hơi khác lạ.
- Bà ơi bà! Sao hôm nay lỗ tai của bà to quá vậy? Khăn Đỏ ngạc nhiên hỏi.
- Tai bà to là để nghe cháu nói rõ hơn đó.
- Bà ơi bà! Sao mắt bà lớn vậy?
- Mắt bà lớn là để bà nhìn thấy cháu thật rõ.
- Bà ơi bà! Sao tay bà cũng dài hơn vậy?
- Tay bà dài để bà nắm lấy cháu dễ hơn.
- Ô, trời ơi! Sao miệng của bà cũng to, trông dễ sợ quá!
- Miệng bà to là để bà có thể nuốt cháu dễ hơn đó.
Vừa dứt lời, sói ta liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng Khăn Đỏ đáng thương vào bụng.
Truyện còn thêm một đoạn nữa, kiểu happy end. Khăn Đỏ được ông lão tiều phu cứu sống. Anh em nhà Grimm say mê kể mà bỏ quên không nhắc tới ngoại, để cho bà chết luôn. Tội nghiệp và thương ngoại quá!
Tổ chức NABU của Đức đã nghiên cứu và tuyên bố rằng sói không hề ăn thịt người. Tất nhiên khi người dồn sói vào đường cùng thì sói sẽ phản ứng và cắn lại. Ai chả vậy! Nhưng tuyệt nhiên sói vẫn không ăn thịt người. Sói ăn thịt các loài động vật như: nai (52,1%), hươu (24,7%), heo rừng (16,3%) và một vài những động vật khác như trong hình minh họa.
Nguồn: https://www.nabu.de/tiere-und-pflanzen/
Xưa người cũng có thời ăn thịt sống như các loài thú. Người tiền sử mới đầu đi săn mồi để ăn thịt. Bởi vậy, do cạnh tranh nên loài người đã từng rất sợ các loài thú dữ có sức mạnh. Đó là cái thời mà quyền lực được đo bằng bắp thịt, kẻ nào khỏe hơn và vồ mồi nhanh hơn thì kẻ ấy thắng. Con người do vậy, từ nỗi khiếp sợ dẫn đến lòng kính sợ các loài thú dữ có sức khỏe. Ví dụ như người đã không dám gọi cọp là con mà gọi bằng ông – Ông Ba Mươi.
Sau đó loài người tinh khôn hơn, dạy thú giúp người đi săn thịt. Tiến xa hơn, người nuôi thú để ăn thịt mà không phải mất công đi săn nữa. Người biết cách dùng lửa hun khói giữ thịt lâu hơn, biết dùng băng tuyết đông lạnh để thịt không hư thúi v.v… Thêm bước nữa, con người chế ra tủ lạnh, kho đông đá… để tích lũy đồ ăn càng ngày càng chất chồng. Song song đó con người bắt đầu tích lũy tài sản, nhà cửa, ruộng vườn và những thứ khác. Con người với ít nhiều tính tinh ranh, tự phong cho mình là chúa tể của muôn loài. Người nói: tất cả những loài vật khác sinh ra là để cho người ăn thịt. Sướng không? Sao nói ngang ngược vậy, nghe sao cho được! Bộ chỉ có người là được quyền sống sao? Những loài chúng sinh khác thì chỉ sinh ra và nằm đó chờ lệnh điểm danh để nạp mạng. Đó là điều phi lý nhất trong tất cả những lý luận hồ đồ của loài người.
Và từ đó người sinh ra hư đốn dần. Sói vẫn cứ sống đời sói. Sói biết đủ, chỉ săn mồi vừa đủ ăn. Ăn no rồi đi dạo chơi, mệt thì lăn đùng ra ngủ. Lúc đói lại đi săn mồi tiếp – như quy luật cung cầu của thiên nhiên.
Người thì khác lắm! Người gom góp càng nhiều càng tốt. Khi đã có nhiều rồi người vẫn thấy chưa đủ. Đến lúc dư thừa thì đổ bỏ đi làm hư thối địa cầu. Rồi vì quá dư thừa nên sinh chán, người thích tìm thêm những món lạ. Người giàu sang quý phái thích tổ chức những cuộc vui linh đình với các bữa tiệc gồm các món gọi là „sơn hào hải vị“. Sơn hào hải vị là hết thảy các món ngon lạ quý từ trên núi cao đến đáy biển sâu; nghĩa là ráo trọi từ gấu, hổ báo, voi rừng, khỉ vượn cho đến cá voi, cá heo, rùa biển… họ đều không tha món nào. Những loài động vật vừa kể tên này đang trên đà diệt chủng vì cái miệng háu ăn của con người.
Cho đến nay, ở thế kỷ 21 mà vẫn còn khối kẻ tin rằng, nếu ăn được các loại động vật có sức mạnh, nói đúng hơn là các bộ phận của cơ thể các động vật này thì sẽ bổ dưỡng hay chữa bệnh – ngay cả khi mấy ông bà ấy chẳng bệnh gì đáng quan tâm cả. Chỉ cái bệnh ích kỷ của họ là bệnh cần chữa trị nhất thì lại không lo. Quan điểm ăn uống mà họ tin tưởng đến độ thành phương châm ẩm thực là lý thuyết “dĩ hình bổ hình”. Bốn chữ này nghĩa nôm na là “ăn gì bổ nấy”. Từ đó hàng loạt những loài thú hoang dã được họ liệt kê trong một thực đơn dài thòng theo cái thuyết kém khoa học và vô căn cứ kia. Tệ hại hơn, để tăng thêm phần cầu kỳ mới lạ các nhà hàng ăn còn bày thêm các trò hành hạ con vật trước khi làm thịt, như làm các show cắt cổ mổ bụng để mua vui cho thực khách. Trước đây nhiều lần các cơ quan thông tin tây phương đưa tin và phê phán cách thức một số nhà hàng ở Á Châu dọn món óc khỉ lên bàn trong khi con khỉ vẫn còn sống, cặp mắt vẫn còn trợn ngược nhìn trân tráo ngay giữa mâm ăn.
Trong một bài viết của giáo sư Yi-Zheng Lian, Trần Thế Kiệt dịch [2] có nhắc và phê phán cách dùng một món „thuốc“ khác là món chồn hương (palm civet), một loài động vật cũng bị nghi ngờ là nguồn lây lan virus SARS-CoV-2. Bài viết nói rằng, người ta nghĩ chồn hương đem hầm thịt rắn có thể chữa bệnh mất ngủ. Dân ít tiền thay chồn hương bằng thịt chó. Để món ăn này thêm phần bổ dưỡng, người dồn đuổi con vật chạy quanh cho đến khi sinh lực thấm vào da thịt, khi vật đuối sức gục xuống thì họ mới đem làm thịt. Rồi do phải bảo đảm 100% thịt tươi sống nên tất cả những động vật này thường bị giết ngay trước buổi tiệc, thậm chí còn ngay trước bàn ăn. Thuở xưa người ta dùng từ „chim kêu vượn hú“ là để diễn tả cảnh rừng sâu thăm thẳm. Bây giờ nghe nói có rất nhiều nhà hàng ăn ở thành phố nhốt vượn trong chuồng đặt ngay nhà bếp, chúng cũng cất tiếng kêu rất thảm thiết. Khi mang các động vật hoang dã vào tận bếp họ đã vô tình kéo theo những vi khuẩn gây nhiều bệnh hiểm nghèo.
Còn hàng khối các loại „thuốc bổ“ theo lý thuyết „dĩ hình bổ hình“ khác mà nhóm người này tin theo. Ví dụ như dương vật của bò và dê (ngầu pín và ngọc dương) tốt cho đàn ông trong chuyện sinh dục. Tức cười nhất là họ cho rằng ăn thịt dơi, con vật cũng được xem là mầm gây ra dịch corona, thì sẽ bổ mắt vì dơi bay suốt đêm mà chẳng đụng chạm vật gì. Thật ra kiến thức ấy sai bét. Mắt dơi như mù, chỉ có tai dơi mới cực thính, nghe được làn sóng siêu âm từ chính miệng nó phát ra, để khi gặp một vật thể khác thì sẽ dội lại vào tai chúng nên dơi bay trong tối mà không chạm đến các vật cản. Cho nên nếu ai ăn „thuốc bổ“ này thì càng ăn mắt càng … đui thêm (!). Họ còn tin rằng, dùng mật gấu (hùng đởm) là chữa được bệnh đau khớp và xơ gan; xương cọp (cao hổ cốt) là thần dược cho cường dương, mạnh sinh lý. Vân vân và vân vân. Đó là những kiến thức lỗi thời. Cứ tạm cho rằng các „thần dược“ nói trên vào một thời xa xưa nào đó đã từng chữa khỏi một phần những căn bệnh ấy, thì thời nay những dược tính của nó đều có thể được bào chế thành thuốc mà ít tổn hại sinh vật, ít phá hoại thiên nhiên. Sự tàn nhẫn của loài người thời nay kể không hết được.
Thức giả từ Tây đến Đông đều không ai có thể ngờ được, bây giờ vẫn có người có thể tin cái kiến thức cạn cợt đó. Giáo sư Yi-Zheng Lian còn cho rằng chỉ có nhà bếp của các „Hoàng Đế Nội Kinh“ Trung Hoa thời xa xưa mới có một kiểu ẩm thực kỳ cục như vậy. Có thể là do các ngài thời ấy ăn chơi, hoang dâm vô độ nên người hầu kẻ hạ mới nghĩ ra các loại ẩm thực và các cách nấu nướng quái chiêu để làm vui lòng họ. Vậy mà mãi tới ngày nay chuyện ấy vẫn được đám hậu duệ của họ và một số tay dân chơi ở những nước Á Đông lân bang học theo. Tiếc thật!
Một điều chắc chắn: các bậc trí giả, những tiền nhân của họ đã không hề nghĩ vậy!
Nền Đạo học Đông Phương khuyên dạy con người, thậm chí không chạm đến „lằn ranh bất thiện“ chứ nói chi đi đến „cửa ác“. Đạo học Đông Phương của Trung Hoa theo tư tưởng Dịch Lý dạy con người phải biết sống thuận với đất trời, hòa hợp trong môi trường thiên nhiên, trong đó có mình và những động, thực vật khác cùng chung sống.
Học giả Nguyễn Hiến Lê qua tác phẩm Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử đã tóm tắt mấy điểm căn bản của nếp sống văn hóa và đạo đức ấy như sau đây.
* Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.
天行健,君子以自強不息。
Sự vận chuyển của trời đất rất mạnh (không lúc nào nghỉ), người quân tử cũng theo trời mà tự cường không nghỉ. Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật. (Đại Tượng truyện – quẻ Khôn)
* Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương.[3]
積善之家必有餘慶。積不善之家必有餘殃。
Nhà nào tích lũy điều lành thì có thừa phúc (để đến đời sau). Nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). (Văn Ngôn truyện).
* Dịch, cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu.
易,窮則變,變則通,通則久。
Đạo dịch là đến lúc cùng tất phải biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài. (Hệ Từ truyện – quyển hạ).
Điều đó xác minh rõ ràng như hai với hai là bốn rằng, cái dịch bệnh như Corona đến gieo kinh hoàng trên địa cầu này là chuyện dĩ nhiên, chính con người chúng ta đã „mời“ nó đến. Và giả sử như không có Covid19 thì chắc chắn cũng sẽ có những dịch khác tràn lan, khi con người cứ sống bừa bãi, sát hại động vật hoang dã, phá hoại núi rừng thiên nhiên như hiện nay.
„Cùng“ thì sẽ dẫn đến „tất biến“.
Giờ xin phép quay lại câu chuyện Ursus và Homo đã nói từ đầu chút.
Cụ Victor Hugo đâu hề muốn mất lòng ông cụ Charles Darwin đâu. Hai cụ cũng không hề nói ngược ý nhau. Mỗi cụ đã nhìn đời nhìn người theo mỗi góc. Một ông nhìn theo hình tướng, cấu trúc thiên nhiên vì ông nghiên cứu khoa học. Ông kia nhìn theo tâm tư và giá trị đạo đức vì ông làm văn hóa. Ông khoa học thì thấy con người đã tiến hóa thân tướng từ vượn lên người. Ông nhà văn lo rằng con người càng tiến hóa nhanh thì e rằng sẽ thoái hóa khả năng ứng xử bầy đàn, thoái hóa đạo đức.
Cái hôm ngồi xem tin tức truyền hình thấy một ông mặt vẽ rằn ri sặc sỡ, đeo cái đầu thú có sừng, miệng hú vang lúc đi săn người trong tòa nhà quốc hội ở Mỹ, thì tôi nghiệm ra rằng, chính con người chúng ta đang làm nhục giòng họ nhà thú có sừng đây. Hổ thẹn quá!
Cho nên ông cụ Victor Hugo đã mượn bóng dáng ông Người-Ursus và Sói-Homo nhắc chúng ta lưu tâm cái điều mà ông lo ngại từ 150 năm trước. Thầy Sói ghi nhớ giùm cho lời ấy: Cốt nhất chú mày đừng thoái hóa thành người đấy nhé.
***
Nói vậy nhưng cũng xin thưa thêm, đã nói qua thì cũng phải nói lại! Mấy chuyện sờ sờ ra đó, tuy là chuyện có thật và ít vui, nhưng nó cũng không đáng để làm ta nhụt chí. Bởi công tâm mà nói, điều may mắn là số người làm các điều „chẳng giống ai“ đó không nhiều. Họ chỉ là thiểu số, chỉ là… cái con sâu rơi vào nồi canh.
Không phải vậy sao? Chứ khi không mắc mớ gì mà hôm nay chúng ta, những người con còn nặng lòng với đất mẹ, lại ngồi đây để hàn huyên câu chuyện „địa cầu xanh“ này với nhau? Và không phải chỉ có chúng ta, trên thế giới cũng có hàng vạn, hàng triệu, hàng tỷ người đồng quan điểm, cùng nếp nghĩ như vậy. Điển hình như các hoạt động nhân Ngày Trái Đất – Earthday với chủ đề „Khôi phục Trái đất của chúng ta“ vào tháng 4/21. Do dịch Covid19 nên đã có 40 nguyên thủ quốc gia trên toàn cầu, cùng các nhà hoạt động về môi trường năng động trẻ tuổi như Greta Thunberg, Alexandria Villaseñor hay Licypriya Kangujam... cũng như nhiều chuyên viên từ các lĩnh vực khác, cùng tham gia thảo luận trong các cuộc hội thảo trực tuyến. Song song đó cũng có hàng vạn (có thể cả đến hàng triệu) các hoạt động lớn nhỏ bảo vệ, làm sạch môi trường đã được dân chúng đồng loạt khởi xướng khắp nơi trên toàn cầu. Những chức sắc tôn giáo cũng đã lên tiếng. Đức Giáo hoàng Franziskus đã gởi một sứ điệp video tham dự. Ngài nói: Thiên Chúa luôn tha thứ, chúng ta thỉnh thoảng tha thứ, thiên nhiên không bao giờ tha thứ. (…) Nghịch cảnh mà chúng ta đang trải qua với đại dịch, và chúng ta đã thấy trong biến đổi khí hậu phải thúc đẩy chúng ta đổi mới, phát minh, để tìm kiếm những con đường mới. Từ một cuộc khủng hoảng, người ta không bước ra giống nhau, chúng ta bước ra hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Đây là một thách đố, và nếu chúng ta không bước ra tốt hơn chúng ta sẽ đi đến một con đường tự hủy. (Trích theo Ngọc Yến - Vatican News).
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng đã góp lời. Qua Thông Điệp nhân Ngày Trái Đất Ngài đã viết: Sự phụ thuộc lẫn nhau là một quy luật cơ bản của tự nhiên. Sự thiếu hiểu biết về vấn đề phụ thuộc lẫn nhau đã gây ra sự tổn hại không chỉ cho môi trường tự nhiên của chúng ta, mà còn cho cả xã hội loài người của chúng ta nữa (...). Nhân Ngày Trái Đất này, tất cả chúng ta hãy cam kết thực hiện phần việc của mình để giúp tạo ra sự khác biệt tích cực cho môi trường của ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta – trái đất xinh đẹp này. (Trích theo https://vn.dalailama.com/news)
Vậy đó. Cái gốc của con người chúng ta vẫn là cái nếp ăn hiền ở lành. Dù ở đâu, dù sắc tộc nào cũng vậy. Cốt sao đừng để nó bị đám khói bụi vô cảm làm lu mờ đi.
Sau đêm tối ắt đến bình minh!
--
Nguyên Đạo - Văn Công Tuấn
Đức Quốc - 2021
[1] Victor Hugo – Hoàng Lâm & Lê Chi dịch: Thằng Cười. Nxb Văn Học, 2019. [Câu văn gạch đậm là do tác giả bài này (VCT) tô để nhấn mạnh, bản chánh không có].
[2] Theo https://www.diendantheky.net/2020/04/yi-zheng-lian-tai-sao-dich-coronavirus.html (truy cập 30/ 4/2021). Giáo sư Lian gốc người Hongkong, đang giảng dạy tại đại học Yamanashi Gakuin University, in Kofu, Japan; là tác giả nhiều bài viết giá trị về các nước Á Châu, đặc biệt về Trung quốc.
[3] Chữ 慶 có khi đọc âm khác là khánh, đều cùng nghĩa là điều phúc, tốt lành.