Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Liếp cải vườn chùa (bài viết của HT Thích Như Điển, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

12/09/202016:32(Xem: 8168)
Liếp cải vườn chùa (bài viết của HT Thích Như Điển, do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

ht nhu dien 3


Liếp cải vườn chùa


Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh
 






Năm 1989 là năm đầu tiên chân tôi đã được đặt lên miền đất của Phật; nơi Ngài đã sinh ra, lớn lên, thành đạo và nhập Niết Bàn cách đó hơn 2.500 năm về trước. Sau khi về lại Đức, tôi có viết quyển “Lòng Từ Đức Phật”, trong đó có ghi lại về chuyến đi lịch sử ấy và nghĩ rằng chỉ đi Ấn Độ có một lần thôi. Thế mà đến hôm nay (2004) đã là lần thứ bảy rồi đấy! Thế thì, xứ Phật có gì lạ và điều gì đã làm cho hồn tôi vương vấn? Phải trả lời 4 chữ đầu tiên là: “phép Phật nhiệm mầu”. Chỉ có phép Phật nhiệm mầu mới làm cho tâm tôi luôn hướng về cõi giác ngộ ấy. Tôi nhớ, hồi ấy (1989) đang xây dựng chùa Viên Giác tại Hannover, Thầy Huyền Diệu có ghé sang thăm và khuyên nên đi qua xứ Phật một chuyến. Thế là tôi và Hòa Thượng Minh Tâm khăn gói lên đường. Đến xứ Phật lần đầu tôi đã có nhiều điều cảm ứng; nhưng vì cái dơ nhớp bề ngoài và cái nghèo khó ấy của người Ấn Độ đã làm cho tôi chùn bước lữ du. Thế nhưng những điều nhiệm mầu ấy càng ngày càng thấm dần vào tâm thức của mình, cứ khơi động mãi và cứ thế, mỗi năm sau đó một lần tự nhiên tôi muốn đi Ấn Độ để về đất Phật lạy tạ, đền ơn Tam Bảo. Cũng phải kết luận rằng: Nếu năm 1989 tôi không đi về xứ Phật thì năm 1991 đã không thể tổ chức lễ khánh thành chùa Viên Giác tại Hannover và năm 1993 tổ chức lễ hoàn nguyện được. Đúng là một chuỗi dài nhân duyên nó trói buộc nhau, như 12 mắc xích của Thập Nhị Nhân Duyên vậy. Cái nầy có cho nên cái kia có, cái nầy sinh cho nên cái khác cứ tiếp tục sinh ra. Như thế và như thế. Đến năm 2000, trong khi tổ chức Expo diễn ra, chùa Viên Giác ở Hannover cũng phải đóng góp phần mình vào đó thì Thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn có thưa với tôi rằng quý vị ấy muốn xây tại Bồ Đề Đạo Tràng một ngôi chùa lấy tên là Trung Tâm Tu Học Viên Giác. Dĩ nhiên là tôi không chần chờ để trả lời là được hay không, mà đồng ý ngay. Vì biết rằng đó là một việc thiện đáng làm. Nếu cấm cản, té ra tôi là người: “cản duyên thiện sự” thì sau nầy biết ăn nói làm sao đây với học trò đệ tử và với lịch sử truyền thừa? Do vậy mà tôi đã thuận. Dĩ nhiên là tôi cũng phải đưa ra điều kiện là bắt buộc quý Thầy ấy, đặc biệt là Hạnh Nguyện phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề xây dựng và phần chùa Viên Giác tại Hannover thì đóng góp 10% cho công trình. Thế là việc vận động đã bắt đầu. Thầy ấy một mình tả xung hữu đột như tôi hồi năm 89 vậy. Nghĩa là chỉ cách 11 năm sau thôi là đệ tử xuất gia đã bắt đầu đi vận động làm chùa. Thuận duyên rất nhiều. Vì là ngôi chùa ở xứ Phật nên đã có nhiều người đóng góp giúp đỡ; nhưng nghịch cảnh vẫn không phải là hiếm vì ngay các bậc Tôn Túc ở Hải ngoại lúc ấy cũng nghĩ rằng làm sao hai Thầy ấy có khả năng để xây dựng cho xong một dự án đồ sộ như vậy. Có nhiều vị hỏi tôi là có dám bảo đảm rằng hai Thầy ấy xây xong Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng hay không? Thì tôi trả lời rằng: Tục ngữ Đức có câu: Ohne Anfang Ohne Ende. Nghĩa là không có cái bắt đầu thì sẽ không có cái chấm dứt và dĩ nhiên là những sự giúp đỡ cúng dường, trợ vốn, lạc quyên về tài chánh cứ từ từ được đóng góp. Thế mà ngôi chùa 1 triệu US dollars ấy đã thành hình và vẫn giữ lời hứa của mình; nên chùa Viên Giác tại Hannover đã đóng góp 100.000 USD vào đó. Nếu ngôi chùa ấy xây tại Âu Châu, hoặc Mỹ Châu hay Úc Châu cũng phải lên đến 3 triệu US dollars. Ở đây rẻ, vì vật liệu và nhân công so với Âu Mỹ không bằng một phần mười, thậm chí cả phần trăm nữa. Khi đi vận động thì Thầy Hạnh Nguyện đã đến Úc, Mỹ, Canada và Hoa Kỳ cũng như Âu Châu. Đi đến đâu cũng được hỗ trợ nhiệt liệt, mặc dầu Thầy ấy không có tài ăn nói mấy; nhưng hạnh nguyện, đúng là Hạnh Nguyện với 3 ngón tay đốt để cúng dường chư Phật, trong đó có một ngón đốt để cúng dường phát nguyện cho Trung Tâm Tu Học Viên Giác được thành tựu cùng với Thầy Đồng Văn, Thầy Hạnh Tấn sau khi đi tam bộ nhất bái từ Varanasi (Lộc Uyển); nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, đến Bồ Đề Đạo Tràng độ chừng 240 km, đi trong vòng 40 ngày. Chỉ chừng đó thôi, mọi người đã cảm động và hỗ trợ. Cho nên tôi thường nói: Sự hình thành Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng có 3 ngón tay của 3 Thầy ấy. Riêng Hạnh Nguyện đã đốt đến ngón thứ 3 thì lại càng làm cho nhiều người nể phục, kính trọng hơn. Vì ở lứa tuổi 35 - 40 ấy có mấy người ở Hải ngoại nầy làm được việc ấy. Đến tháng 3 năm 2002 tổ chức lễ khánh thành thì Thầy ấy cúng dường lại cho Giáo Hội. Hôm ấy có sự tham dự của Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Trưởng Lão Thích Chơn Điền, Hòa Thượng Thích Như Huệ và đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử chứng kiến. Tôi đã cử ra một Ban Điều Hành Trung Tâm và sau đó Hạnh Hảo chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành để Hạnh Nguyện đi học ở Trung Quốc. Một năm sau thì thay thế Hạnh Hảo bằng Hạnh Định và sang năm 2005 sẽ thay thế Thầy khác điều hành. Vì lẽ khí hậu, phong tục, cách làm việc của người Ấn, người mình khó mà duy trì lâu dài được. Với nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 40 đến 50 độ C và cách làm việc thì hết sức tùy tiện; nên ai giỏi bao nhiêu đi chăng nữa nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Được một cái là từ ấy đến nay (2002 - 2004) tại đây đã tổ chức được một đại giới đàn để truyền Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa Di, Sa Di Ni, Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, ngũ giới v.v... và 2 lần khác truyền Sa Di cũng như cho xuất gia tất cả là 4 vị, gồm 3 nam và 1 nữ. Trong 3 năm ấy có một người Ấn Độ gốc Assam; Một người bạn cũ của tôi đồng tu lúc 41 năm về trước; nhưng vì gia duyên ràng buộc như trong quyển “Có và Không” của tôi đã trình bày; nên bây giờ đã xuất gia, thọ giới Sa Di và làm đệ tử của tôi. Đó là chú Hạnh Giải, người chủ làm vườn của Trung Tâm Tu Học Viên Giác mà tôi sẽ giới thiệu với quý vị sau đây. Một người nữ xuất gia cũng là một nhân duyên hy hữu. Cô ta đi du học tại Hoa Kỳ năm 1973, đã đỗ Tiến Sĩ và dạy tại Đại Học Berkley trong vòng 18 năm, nhưng sau khi xây dựng hoàn thành ngôi nhà để Đại Hồng Chung trong vườn Đại Tháp Bồ Đề cũng như hòn non bộ phía sau hồ nước thiêng nơi Đức Phật đã ngồi Thiền Định có thần long che chở, thì lần nầy (2004) khi tôi qua thăm xứ Phật, cô ta đã phát tâm xuống tóc xuất gia với Pháp danh Diệu Liên được đổi lại là Thiện Liên. Chú Đồng Thuận nay có pháp tự là Thông Trị đang ở chùa Viên Giác Hannover, là cháu của Hạnh Bảo và đệ tử của Hạnh Tấn. Một chú khác người Assam ở đây đã hơn một năm. Nay thì xin xuất gia với pháp danh là Đồng Tác làm đệ tử của Hạnh Nguyện và Y chỉ với Hạnh Định. Chú nầy mới một năm mà nói tiếng Việt đã khá. Tuy dấu giọng chưa rõ lắm; nhưng quả là một cố gắng phi thường. Vừa đi học kế toán ở trường đời, về chùa Hạnh Định chỉ vẽ kinh kệ, làm việc chùa v.v... thế mà mọi việc đều thành công tốt đẹp, quả là điều đáng tán thán Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại đây gồm 4 tầng. Tầng trên cùng để thờ Phật, thờ Tổ và thư viện cũng như 4 phòng của chư Tăng. Tầng dưới gồm sảnh đường, chùa một cột và các phòng dành cho khách hành hương. Tầng trệt có Lobby, một tượng Di Lặc cao 5 mét tạc theo kiểu Bhutan, những phòng cho khách hành hương và nhà bếp. Tầng dưới cùng là nhà ăn, phòng phát hành pháp cụ cũng như phòng sinh hoạt. Diện tích sử dụng cho tất cả 4 tầng là 2.700m². Ít hơn chùa Viên Giác tại Hannover 300m². Điều đặc biệt là tất cả các tầng đều được lót đá cẩm thạch thiên nhiên. Có miếng rộng đến 2m. Những đá ấy mà ở Đức thì chỉ có mơ chứ khó có tiền để thực hiện được. Đắt vì tiền, mà đắt vì công thợ nữa. Ở Âu Châu khó thể thực hiện được điều nầy. Nhờ lót đá cẩm thạch thiên nhiên ấy mà mùa hè rất mát. Đang đi bên ngoài nóng nực, khi bước vào chùa, tự nhiên một không khí mát dịu, thanh lương, làm cho khách hành hương rất vô cùng dễ chịu. Xây dựng xong là điều quý; nhưng bảo trì ngôi chùa nầy cũng không đơn giản. Hiện tại trong chùa có một Thầy, 2 chú và 7 người làm. Mỗi tháng trung bình để trả tiền nhân công, điện, gas, nước v.v... cũng tốn độ 1.000USD và 12 tháng trong năm như thế phải nhân lên làm 12 lần. Do vậy các đoàn hành hương sau khi đến đây chiêm bái, sau khi về nước đều tự nguyện lập danh sách kêu gọi quý Phật tử ủng hộ định kỳ để duy trì nơi linh thiêng lịch sử nầy. Công đức ấy quả thật không nhỏ. Tôi vốn quan niệm rằng: Mỗi thế hệ chỉ bắt được một nhịp cầu. Nhịp cầu quá khứ của chúng tôi chỉ có thể bắt được đến hiện tại và nhịp cầu hiện tại ấy phải tiếp tục bắt đến tương lai, chứ nhịp cầu quá khứ ấy sẽ không bắt được đến tương lai. Nếu bắt, sẽ hỏng một nhịp cầu. Vì giữa quá khứ và tương lai, bắt buộc phải có một nhịp cầu hiện tại. Vị trí ấy quý Thầy đệ tử của tôi đang làm và nhiều khi còn giỏi hơn Sư phụ nữa. Điều ấy thật đáng hãnh diện về những người đệ tử của mình. Nhiều khi tôi bảo: Thầy chỉ nuôi con thôi và sẽ không nuôi cháu. Nghĩa là tôi chỉ lo giáo dục, dưỡng thành cho thế hệ đệ tử; còn đồ tôn thì quý đệ tử phải lo chứ Thầy sẽ không lo. Nếu có cho những gì cho đệ tử thì Thầy sẽ chỉ cho phương pháp làm một cái bánh, chứ Thầy không cho cái bánh hay cho bột cho đường. Vì nếu cho cái bánh thì sẽ có người trong 44 đệ tử xuất gia ấy sẽ phân bì cái bánh lớn, bánh nhỏ. Còn cho một phương pháp làm bánh thì mỗi người có tự do để giới thiệu cái bánh của mình đến với tất cả mọi giới bằng khả năng tự tạo tác của mình. Trước vườn chùa tại đây có một vườn cải xinh xinh, trong ấy trồng nào là xà-lách, cải bẹ xanh, rau diếp cá, rau thơm, bầu, mướp v.v... đúng là một vườn rau cải Việt Nam tại quê hương của Đức Phật. Nhìn những liếp cải xanh mơn mởn dưới ánh thái dương ban mai rọi chiếu, tôi nhớ thuở làm điệu tại chùa Phước Lâm ở Hội An năm 1964 cách đây cũng đã 41 năm rồi. Thuở ấy tôi và chú Thị Duyên (bây giờ là Hạnh Giải) cùng với những bạn đồng tu khác mỗi ngày phải gánh nước tưới cây. Mỗi đội như thế phải làm cho xong một số nhiệm vụ trước khi đi đến trường, chú ấy lanh hơn tôi nên đã tưới xong cây cải và cây kiểng, còn tôi cứ thật tình làm việc; nên công việc đến chậm hơn. Thế mà chắc. Cũng giống như người Đức thường hay nói: langsam aber sicher (chậm nhưng chắc chắn). Chú đi nhanh nên bị vấp ngã dây chắn của cuộc đời. Sau gần 30 năm chú trở lại con đường tu, lại phát nguyện làm đệ tử của tôi, quả là điều ở thế gian nầy ít có, mà ngày xưa là bạn cùng trang lứa đó. Chú rất thành thực để vun xới những liếp cải nầy để có những cây cải thật xanh tươi để cho phái đoàn dùng, đặc biệt là tôi, đến từ miền đất lạnh của Âu Châu và dường như trong thâm tâm đâu đó của chú làm như thế để chuộc lỗi lại thuở xưa nơi chốn Tổ Đình đã không làm tròn nhiệm vụ. Giờ đây có Phật chứng tri cho lòng thành của chú vậy. Người Việt Nam mình đi đâu là mang quê hương theo đến đó. Quê hương ấy có cây húng, cây ngò, cây rau răm, cây diếp cá. Chính những cây rau thơm ấy đã làm nên mùi vị rất Việt Nam. Cũng như thế ấy, 100 sinh viên Tăng Ni đang ở Ấn Độ, nhận học bổng của chùa Viên Giác Đức quốc là kết quả của những cái bánh được phát hành do quý Sư Cô và quý Phật Tử tại chùa trong các dịp lễ Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán cũng như Rằm Tháng Giêng làm nên. Mỗi cái bánh khi làm, quý Sư cô niệm một câu Phật hiệu và 25 cái bằng Tiến Sĩ đã ra trường ở Ấn Độ nầy đều do chất liệu bánh của chùa Viên Giác ở Đức tạo thành và 75 cái bằng thế hệ kế tiếp trong tương lai cũng sẽ được xây dựng trên những cái bánh công đức như thế. Ở trên đời nầy không có cái gì là phép lạ cả. Mà phép lạ chính là những điều mình tạo ra được và làm chủ chính nó. Từ năm 1994 đến nay (2004) là 10 năm ròng rã; Nhờ bánh trái phát hành mà chùa Viên Giác đã giúp cho 350 cái học bổng khắp nơi như thế. Từ Trung Hoa cho đến Việt Nam, rồi Thái Lan qua Hoa Kỳ, Anh quốc v.v... tất cả đều nhờ bánh. Dĩ nhiên khi giúp đỡ, tôi đã không đặt ra một điều kiện nào cả. Điều kiện duy nhất là quý Thầy quý Cô học cho thành tài ra trường và phục vụ cho Phật Giáo. Có nhiều người bảo tôi là trọng bằng cấp; nhưng không phải vậy. Tôi quý những người có học vị thì đúng hơn. Nếu Phật Giáo Việt Nam không có những Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Sư Trí Hải v.v... thì đâu có trí thức Việt Nam. Tất cả những vị ấy đều do tu, do học mà thành tựu. Tôi vẫn thường bảo cho học trò và đệ tử của mình rằng: Sự học và bằng cấp nó không làm cho mình giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được. Ngày xưa và ngày nay tất cả đều giống nhau thôi. Các bậc trí thức Phật Giáo, những vị chứng đạo; những người làm nên lịch sử v.v... đều là những người có tu và có học. Còn ngày nay nếu bảo sự học không quan trọng thì trường ốc khắp nơi trên thế giới người ta mở ra để làm gì? Có phải là để đào tạo và tìm kiếm nhân tài chăng? Nếu Phật Giáo muốn phát triển mạnh trong tương lai, không thể thiếu những người có tu và có học được. Ngày xưa đất Quảng Nam mới chỉ có 5 người thi đỗ Tiến Sĩ, Bảng Nhãn, Thám Hoa cùng một khoa mà Vua đã ban cho 5 con phụng cùng một lúc bay về nơi đất mẹ từ kinh đô Thuận Hóa. Cho nên người Quảng Nam vẫn luôn tự hào là xứ: Ngũ Phụng Tề Phi. Xứ của ngàn năm văn vật, xứ của địa linh nhân kiệt v.v... Còn Phật Giáo Việt Nam chừng 5, 10 năm nữa có hằng trăm vị tân khoa Tiến sĩ ra trường. Lúc ấy ngôi nhà Phật Giáo sẽ càng vững vàng hơn bao giờ hết. Tôi có quyền hy vọng và đặt niềm tin như thế. Đã có lần tôi viết: Tôi không có tay trồng cây; nhưng trồng người thì rất có kết quả. Mà quả thật như thế, ai cho tôi bất cứ một cây gì, dẫu cho cây hoa thật đẹp, mà cây ấy được bày biện trong phòng tôi thì nhiều lắm là 4 ngày sau hoa sẽ héo và cây sẽ chết. Mặc dầu tôi đã hỏi người cho về cách tưới nước, chăm sóc cây rất kỹ càng. Chẳng lẽ tôi không có duyên với cây cảnh. Hay tại tôi mạng hỏa, mà còn là tích lịch hỏa nữa. Lửa sấm sét xảy ra trên trời và nơi trần thế nữa nên nó mạnh và làm cho cây cối không sống được. Còn con người, tôi vốn đem lòng từ bi và tấm lòng chơn thật để đối đãi; nên có lẽ vì thế mà đã gần gũi, hóa độ được nhiều người chăng? Nếu là người ấy có hư đốn đến đâu đi chăng nữa, qua bàn tay uốn nắn của tôi, vị ấy chắc chắn sẽ thành người. Đó là kinh nghiệm sau 25 năm tiếp Tăng độ chúng vậy “Cây trái vườn chùa” là một tiêu đề mà tôi đã đặt, viết cũng như đăng trên tạp chí Viên Giác để giới thiệu người làm vườn là Bác Sáu, đã được nhiều người nhiệt liệt hoan nghinh. Đến nay tôi viết: “Liếp cải vườn chùa” không biết rằng có được đón tiếp nồng hậu như thế nữa không? Tuy nhiên dẫu có sao đi chăng nữa, những liếp rau ấy đã nuôi dưỡng thân tứ đại của mình, tạo thành huệ mạng cho Phật pháp, thì riêng chính nó đã có một ý nghĩa cao cả rồi. Còn tôi, nhiệm vụ của mình cũng ví như một ông lái đò, mà 2 câu thơ của Thầy Thiện Thuận đã đi nhân lễ kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác Hannover vào năm 2003 như sau: “Đón đưa bao kẻ qua sông Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò”. Ai nhớ, ai quên, ông chèo đò vẫn chỉ có nhiệm vụ đưa khách sang sông. Đưa qua, đón về là nhiệm vụ và bổn phận của mình, chẳng có gì đáng phiền, đáng lo. Lại càng chả phải vì danh vọng, địa vị, tiền tài mà chọn nghề lái đò như thế. Tất cả mọi việc, mọi vật trên trần gian nầy có xảy đến, trôi đi v.v... chúng ta đều phải quán bằng 2 chữ: như thị. Từ trong phòng ở nơi lầu tư của Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng nầy từ sáng đến tối, tôi đã nghe đủ thứ âm thanh tạp chủng. Nào tiếng chửi mắng vào ban trưa vọng vào; tiếng rên la của côn trùng, súc vật. Tiếng chó sủa, tiếng vịt kêu, tiếng chim hót, tiếng mèo kêu, tiếng dê hí, ngựa, trâu, bò rống v.v... đã tạo nên một âm thanh rất hỗn tạp, một cảnh sống rất xô bồ. Trong ấy có nhiều lúc tôi tự nghĩ: mình là ai đây? Là một con người với thực thể của đầu, mắt, tay, chân hay là một giả tướng như trong kinh Kim Cang đã dạy? Thấy cái sạch và cái dơ, cái tốt và cái xấu. Cái thượng lưu trong xã hội và cái cơ cực của con người, cái sống và cái chết gần trong từng gang tấc của miếng cơm manh áo thì phải định nghĩa sao đây cho đúng? Thế mà ở nơi đây cách mấy ngàn năm trước dẫn đến hiện tại đã có biết bao nhiêu chúng sanh đã sanh ra, tồn tại rồi mất đi, rồi luân hồi biến thể. Họ đã tự chọn cho mình một nghiệp dĩ như thế. Cho nên ca dao xứ Huế mới có câu: “Trăm năm trước thì ta chẳng có Trăm năm sau có cũng như không Cuộc đời sắc sắc không không Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”. Chỉ có “tấm lòng từ bi” là còn lại thôi. Còn bao nhiêu cung vàng điện ngọc, lầu son gác tía, dinh thự, chức tước, địa vị v.v... tất cả rồi cũng chỉ là một đám sương mù của lịch sử mà thôi. Đời đúng là thế; nhưng mấy ai ý thức được việc đời? Người ta giết nhau vì tình, chém nhau vì tiền, tranh nhau từng tấc đất, từng tiếng nói, từng chút lợi danh; nhưng khi tử thần đã đến gõ cửa rồi thì lúc ấy ai là người tranh thiệt hơn, hơn thiệt đây? Hay cũng phải nhắm mắt đành chấp nhận buông xuôi hai tay về nơi chín suối? Liệu rằng câu Phật hiệu có còn giá trị lúc ấy hay không? Hay cũng chỉ là lợi danh phù phiếm? Như Ngô Thời Nhậm và Đặng Trần Thường đã đối đáp với nhau: Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai? Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế. Cây cỏ tuy vô tình; nhưng nó đã dưỡng nuôi biết bao nhiêu con người, chúng sanh để làm nên lịch sử. Còn con người nếu chẳng biết nghĩa nhân thì dẫu có sống trên cõi thế nầy trăm năm mà không biết nhục vinh, còn mất thì sự sống ấy nó vẫn không có giá trị chút nào. Có những người đang sống mà như đã chết. Có những kẻ đã chết mà vẫn còn sống trong lòng của mọi người. Có những người trẻ tuổi 20 mà lối suy nghĩ như cụ già 80. Trong khi đó có những người tuy già với thân thể mà đầu óc vẫn còn son trẻ như thuở tuổi còn xanh. Vậy trẻ hay già, cao thượng hay thấp hèn, tốt hay xấu v.v... tất cả đều do quan niệm của con người tự tạo nên; rồi thức chấp thủ, chấp ngã bảo vệ nó; nên ta cho đó là đúng là sai; chứ trên thực tế thì đúng sai, tốt xấu v.v... tất cả chỉ là những đối đãi của cuộc đời mà thôi chẳng có gì đáng nói cả. Trước khi sang Ấn Độ lần nầy, tôi đã có mặt hai tuần tại Phật Học Viện Quốc Tế ở North Hills thuộc tiểu bang California; nơi Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận đã làm Giám Đốc, nhằm hướng dẫn Tăng chúng của viện trong khi vắng bóng ân sư của mình. Một nỗi đau về vô thường đã lắng đọng nơi hồn tôi. Có nhiều buổi sáng tinh sương hoặc buổi chiều êm đềm nơi Viện, tôi đã dạo quanh chùa, quanh vườn để xem cây cảnh, rồi chạnh lòng nghĩ đến mình, mai sau lại còn chi? hay cũng chỉ là hư danh và ảo ảnh. Nhìn ngôi chùa đồ sộ, nhìn những cây nhãn, cây lựu, cây mơ, cây hồng, cây chanh, cây quít sai trái, tôi liên tưởng đến Hòa Thượng cũng như người làm vườn đem hạt giống thiện để ươm và sau 20 năm, một thế hệ đã qua. Bây giờ thế hệ nầy đã bắt đầu gặt hái những kết quả ấy. Còn ở nơi Hòa Thượng, chắc Ngài đã chứng được pháp vô sanh? Nên sẽ mỉm cười về những gì mà mình đã đến, đã đi và đã chẳng còn để lại dấu vết? Tuy hậu thế kim cổ vẫn còn mong chờ, nhớ nghĩ về Ngài. Bởi thế, khi nhập thất lần đầu tại Tu Viện Đa Bảo trên núi đồi tại Úc Đại Lợi năm 2003 vừa qua, tôi đã tính lui cuộc đời của mình để thấy rằng bây giờ chẳng phải còn thời giờ để làm bài toán cộng nữa, mà phải biết rằng mỗi năm phải trừ đi một tuổi rồi đấy; để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi, buông xuôi hai tay về nơi chín suối, để nhìn cuộc thế vần xoay, thì ta sẽ được gì? Do vậy, mỗi tối mỗi trang kinh Kim Cang mầu nhiệm đã dẫn tôi vào thực tế là: Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc. Để biết rằng: Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. Năm nay lần thứ 2, sau khi lạy Phật dưới cội Bồ Đề ở Ấn Độ rồi, tôi và hai chú đệ tử sẽ đi về phía Nam Bán Cầu để nhập thất, dịch kinh trong khoảng gần 3 tháng như thế. Mong rằng năm nay tôi cũng sẽ dịch được nhiều trang kinh như năm rồi (2003) đã dịch Đại Đường Tây Vức ký, đã ấn tống tại Hoa Kỳ năm 2004 nầy 4.000 cuốn, tại Âu châu 1.000 cuốn và tại Úc châu 2.000 cuốn sẽ dự định in vào cuối năm nay. Một điều bất ngờ là tại Việt Nam người ta đã tự động in lại quyển Đại Đường Tây Vức ký nầy ra nhiều ngàn bản để phát hành. Như vậy cũng tốt thôi. Vì có như thế Phật pháp mới được lưu thông. Ngoài ra quyển: Làm thế nào để trở thành một người tốt cũng đã được xuất bản tại Đức 1.000 ấn bản, đã được Phật tử khắp nơi hưởng ứng ủng hộ. Mong rằng những dịch phẩm và tác phẩm trong tương lai cũng sẽ được quý vị hỗ trợ như thế! Trời đã về chiều, những bẹ cải xanh của chú Hạnh Giải ngoài vườn chùa, tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Ấn Độ cũng đã từ từ xếp lại để đón những giọt sương đêm nhằm nuôi vững thân cây cho xanh cành tốt ngọn, nhằm tô điểm chất ngọt cho đời, thì ở đây tôi cũng tạm gác bút sau một ngày viết 18 trang viết tay cho bài nầy và lá Thư Tòa Soạn cho báo Viên Giác số 144. Kính chúc quý độc giả được vạn an.


Viết xong vào tối ngày 29-10-2004 tại thư phòng Trung Tâm Tu Học Viên Giác, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.


***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/12/2015(Xem: 8004)
Được quí vị quan hoài, thương tưởng đến tâm nguyện hành thiện của chúng tôi trên xứ Phật. Cuối tuần qua, nhân dịp lễ Thanks Giving (26-Nov-2015) chúng tôi lại có dịp tiếp tục lên đường mang cho đời chút ấm lúc Đông sang. Xin tường trình buổi phát quà từ thiện tại làng Armoba- Bodhgaya, được bảo trợ bởi những Tấm Lòng:
29/11/2015(Xem: 10605)
Chúng ta cần có một động cơ thích đáng cho việc lắng nghe giáo huấn; bằng khác đi chúng ta sẽ mất một cơ hội để xây dựng một năng lực tích cực lớn là phước đức và hòa nhập giáo huấn này vào trong sự tương tục tinh thần của chúng ta.
28/11/2015(Xem: 9807)
Đoạn video về cuộc trò chuyện cảm động giữa cha con người Pháp gốc Việt về vụ khủng bố Paris, trong đó ít nhất 128 người chết, đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trong cuộc phỏng vấn của chương trình Le Petit Journal, đài Canal+, phóng viên hỏi bé trai Brandon liệu bé có hiểu lý do những kẻ cực đoan giết người ở Paris tối ngày 13/11 hay không. Brandon, người đang thăm một khu vực tưởng niệm bên ngoài nhà hát Bataclan cùng cha, trả lời: "Có ạ, vì họ rất rất xấu xa". "Và chúng ta phải rất cẩn thận vì chúng ta phải dọn nhà đi nơi khác". Chính lúc này, người cha Angel Le tham gia vào cuộc trò chuyện cảm động về cuộc tấn công. Ông đảm bảo với con trai rằng họ sẽ không rời bỏ Paris vì "nước Pháp là nhà mình".
28/11/2015(Xem: 9892)
Trong kinh Pháp Cú có câu "Sabba danam dhammadanam jinati" có nghĩa là "Hiến dâng Đạo Pháp - hay Sự Thật - vượt hơn tất cả các hiến dâng khác", thế nhưng sự hiến dâng đó quả khó thực hiện bởi vì cần có một chút vốn liếng nào đó để có thể hiến dâng. Tuy nhiên dường như mỗi người trong tất cả chúng ta đều sẵn có một thứ vốn liếng mang tính cách bẩm sinh, đấy là tình thương yêu trong trái tim mình. Tình thương đó đôi khi cũng không quá mơ hồ và trừu tượng mà có thể hiện ra rất cụ thể qua nếp sống và cung cách hành xử của chính mình, đấy là quyết tâm mang lại sự "an toàn" và "không sợ hãi" cho tất cả chúng sinh, kể cả những côn trùng nhỏ bé. Việc bố thí sự "không sợ hãi" và hiến dâng sự "an toàn" cho tất cả chúng sinh thật hết sức đơn giản: chỉ cần tuân thủ giới luật "không sát sinh", và đấy cũng là giới luật quan trọng nhất trong Phật giáo. Dưới đây là một bài viết của Hòa Thượng Parawahera Chandaratana về ý nghĩa của sự bố thí trong Phật giáo Theravada. Ông là một nhà sư
24/11/2015(Xem: 12716)
Sự đáo vô tâm giai khả lạc Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao Chẳng bận tâm thì lòng an vui Người vô cầu là bậc cao thượng.
24/11/2015(Xem: 7229)
Xứ Ấn giữa tháng 11 đã bắt đầu se lạnh. Nhờ sự trợ duyên từ thiện của quý vị Phật tử thiện hữu, sáng hôm qua (Nov 13 -2015) chúng tôi vừa đến thăm và '' đắp mền '' cho một ngôi làng, nghèo cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 7 cây số. Xin gửi về một vài hình ảnh tường trình thay cho lời tri ân cùng quí vị ân nhân. Buổi phát quà được bảo trợ bởi những Tấm Lòng :
23/11/2015(Xem: 6575)
1, Có bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận; 2, Có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho; 3, Có bố thí không thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận; 4,Có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận.
22/11/2015(Xem: 11579)
Thiền tập .b ở trường Trung học Phật giáo Pal, Sydney The Mindfulness in Schools được biết đến rộng rãi trên thế giới có tên gọi .b (dot bee), và theo khảo nghiệm của đại học Cambridge và Oxford thì .b mang đến những tác động tích cực cho các em học sinh luyện tập đúng cách. Trinh Nguyễn tìm hiểu chương trình này trong cuộc phỏng vấn với Giáo viên hướng dẫn Bodhidasa Caldwell của trường Pal, và phiên dịch viên Thu Vân. Muốn tìm hiểu thêm về hoạt động 'Mindfulness in Schools', chương trình 'Teach 4 Peace', và buổi dạ tiệc gây quỹ 'Little Buddha', liên lạc với trường Trung học Phật giáo Pal Phone: +612 9755 7778 Email: [email protected] Web: http://pal.nsw.edu.au/
22/11/2015(Xem: 7732)
Khuôn mặt của anh Hardison đã bị hủy hoại kinh hoàng, sau một lần tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Daily Mail đưa tin. Kể về “ngày định mệnh” cách đây hơn 10 năm, anh cho biết: “Đó chỉ là một ngày bình thường, cũng giống như những đám cháy khác". "Chúng tôi đi vào bên trong để tìm kiếm một phụ nữ đang mắc kẹt”. Hardison bước vào căn nhà cùng với 3 đồng nghiệp khác. Thảm kịch xảy ra khi trần nhà sụp xuống đúng chỗ anh đang đứng. “Mặt nạ đã tan chảy vào khuôn mặt tôi”, anh Hardison kể lại.
22/11/2015(Xem: 7874)
Quân khủng bố IS đặt bom nổ ở Paris, đã giết hại hơn hai trăm người dân vô tội vào ngày thứ sáu 13.11.15. Quân khủng bố IS đã đánh bom nổ tung chiếc máy bay A321 từ Ai Cập đi Nga hôm 31.10.15 khiến 224 hành khách thiệt mạng. Trong năm nay cũng đã hàng loạt những hành động giết người dã man hay phá loại vô lương tâm của IS ở Ankara Thổ Nhĩ Kỳ (10.10), ở Kuwait (26.2), ở Aousse Tenisia (26.6), ở Saudi Arabien, Ai Cập, Yemen, Tunis, ở Mali v.v… Quân khủng bố IS còn đe dọa ở sân banh Hannover Đức quốc, làm trận cầu quốc tế hữu nghị Đức và Hòa Lan hôm thứ ba 17.11.15 phải hủy bỏ. Quân khủng bố đang IS đe dọa liên tục tinh thần người dân Âu châu trong mùa Vọng Giáng Sinh năm nay. Cả với cá nhân tôi, người ít khi đi hội chợ Giáng sinh cũng không đi xem đá banh ở sân vận động nhưng vẫn cứ thấy lòng bất an.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]