Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sao Gọi Là Lục Đại Tông Chỉ?

09/07/202005:17(Xem: 7201)
Sao Gọi Là Lục Đại Tông Chỉ?

Phap Su Tuyen Hoa

Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành là mục tiêu tu hành: 

Không tranh

Không tham

Không mong cầu

Không ích kỷ

Không tự lợi

Không nói dối

Những điều này là căn bản làm người, là nền tảng tu hành, và là tiêu chuẩn của chánh quyền. Sáu Đại Tông Chỉ này là sáu con đường sáng. Nếu nhớ được sáu đại tông chỉ này, quý vị có thể thành Phật. Tôi đưa ra sáu đại tông chỉ này cho những người muốn thành Phật, thành Bồ Tát, muốn thành Thanh Văn, A La Hán. Đây là những tông chỉ quan trọng nhất. Nếu thực hành được, quý vị có thể dùng suốt đời, mà vẫn không tận dụng hết được!

 

Không nên lấy tình thức để học Phật pháp.

Phải thực thà lấy chân tâm mà học Phật!

 

Người tu hành là cần dẹp bỏ tình thức. Đối với mọi người, ta không dùng tình cảm để mua chuộc ai, trong quan hệ bạn bè thì không có tư tâm, luôn luôn giữ sự thực thà và không có một tình cảm nào khác ngoài sự chân thành; phải kiên quyết đối xử với mọi người như đối xử với chính mình vậy.

Trong lòng ta không nên có ý nghĩ, chẳng hạn như : ‘A! Có người hại mình!’, bởi vì nếu ta không hại người thì người đâu có hại ta. Thản hoặc có người hại ta mặc dù ta không làm điều gì phương hại đến ai, điều này có nghĩa là do nghiệp tội trước đây của ta đã gây ra, nay đem lại hậu quả, nhưng chẳng vì vậy mà ta oán trời trách người, ta không nên oán ai hết, chuyện gì xảy đến ta sẽ nhận lãnh.

Dùng tình thức trong việc cư xử là không đúng! Tình tức là cảm tình, thức là thức tâm. Phàm người tu đạo, không loại trừ ai, không thể lấy cảm tình, cũng không thể lấy thức tâm mà tu tập, chỉ có lấy chân tâm mà tu thôi, nghĩa là lấy cái tâm không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không nói dối, nếu như tu được những cái tâm đó trong mọi hoàn cảnh thì tự nhiên sẽ có sự cảm ứng.

Tuy nhiên, chúng ta lại phải gạt ra ngoài ý niệm muốn có sự cảm ứng. Tu được một hai ngày, không thấy có gì khác lạ, đã vội thối chí : “Ủa! Sao chẳng thấy công hiệu gì? Sao công phu của ta chẳng có chút thành tựu nào vậy?” Quý vị không nên nghĩ có sự thành tựu chóng vánh. Không nên gấp rút, bởi “dục tốc tắc bất đạt”, gấp rút thì không thể thành công. Chỉ nhằm vào cái lợi nhỏ thì việc lớn tất chẳng xong, tóm lại không nên tham điều lợi nhỏ.

          Bởi vậy, đối với người xuất gia tại Vạn Phật Thành chúng ta thì lề lối tu học là :  

Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo

Học đáo như ngu thủy kiến kỳ.

Nuôi dưỡng cái vụng về lớn mới là khéo,

Học đến chỗ ngu si mới thấy cái kỳ diệu.

 

Học khờ dại, học ngu si, học không tính toán, cam chịu thiệt thòi, học trong sự nhẫn nhục, không tranh lấy tiện nghi, học như vậy đó! Không bao giờ dùng mánh lới hay sự lanh lợi của mình để dối người hay để mua chuộc tình cảm của ai. Bởi vậy, những người xuất gia như chúng ta ở đây đều là khờ dại cả; càng khờ dại càng tốt, càng ngu si càng hay. Tại sao vậy? Bởi quý vị đương tu học theo sư phụ của quý vị, mà vị sư phụ đó thì quá khờ dại, khờ dại đến cực điểm! Những gì quý vị học được đều là các pháp khờ dại hết. Mặc dầu hiện nay, nhân loại đã đi vào thời đại không gian, nhưng chúng ta thì vẫn cứ cần cù dụng công, chẳng hề dùng tới các phương pháp khoa học.

Quý vị không thể dùng phương pháp khoa học để áp dụng vào việc tu hành của quý vị được! Quý vị phải tận dụng thời gian của mình, đem hết chân tâm ra tu tập, với một tinh thần không sợ khổ, không sợ khó, không sợ nghèo hèn! Phải thực sự đi ngược lại trào lưu của thế gian! Những gì mà thế gian ưa thích thì chúng ta không ưa thích, thế gian ham thì chúng ta không ham, thế gian mong cầu thì chúng ta không mong cầu. Chúng ta tới đây chẳng phải là để kiếm cái danh, kiếm cái lợi, chẳng phải kiếm cơ hội để xuất đầu lộ diện, những thứ đó đều phải bỏ lại hết!  

...

Trên quan điểm Phật giáo, nếu tu hành mà dụng công thực sự thì công phu đó không hề uổng phí. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không kể tới các trường hợp nói khoác lác, nói phóng đại, tới khi kiểm điểm lại thì chẳng có gì gọi là thực chứng. Trong việc tu hành thường ngày, chúng ta không nên dối trá, mà phải thực tâm tu tập cần cù, không màng tới kết quả, thành tựu tới đâu cũng không quan tâm. Khi thời khắc đến, thấy có kết quả thì càng hay, nếu chưa thấy gì thì lại tiếp tục ráng sức, chỉ biết tu, qua đời này kiếp khác, lấy sự hoằng dương Phật pháp làm trách nhiệm của mình.

...

Thật ra dù quý vị có những vọng tưởng gì, tôi cũng không quan tâm, hôm nay tôi chỉ có một điều mong quý vị ghi nhớ là chúng ta không nên lấy tình thức để dụng công, không lấy tình thức để học Phật pháp. Chúng ta phải thực thà lấy chân tâm mà học Phật!

 

Cần Phải Tôn Trọng Trí Huệ Của Mình

Phật giáo chúng ta sở dĩ khác với các Tôn giáo khác, là vì thần của các Tôn giáo này thì con người không thể đạt đến ; chỉ có Phật giáo, Phật là một đấng có đại trí huệ, Ngài dạy chúng ta mỗi người khai mở trí huệ, đều có thể thành Phật.

Thành Phật thì như thế nào ? chính là không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Hỏi : "Đơn giản như thế sao ?". Đúng, đơn giản như thế ! Nếu ông thực hành được sáu đại tông chỉ thì sẽ thành Phật, chỉ sợ rằng ông không làm được. Nói tôi không tranh ! nhưng khi sự việc đến vẫn tranh như cũ ; nói tôi không tham, nhưng đến khi gặp lúc hơn thiệt vẫn là tham ; nói tôi không cầu, nhưng đến lúc cần thiết vẫn phải cầu ; nói tôi không ích kỷ, nhưng khi cảnh đến, có rất nhiều chỗ quan trọng, vẫn không buông bỏ được, nhìn không thấu suốt, vẫn là tự tư ích kỷ; nói không tự lợi nhưng vẫn là tự lợi ; lại thêm vọng ngữ ! Vọng ngữ này không cần học mà mỗi người đều biết. Như một người nào đó, bạn nói người đó vọng ngữ, người đó bèn nói, đây là lời phương tiện, phải cần nói như thế ! Bạn xem có cách gì chăng ? Vọng ngữ, họ cho rằng là phương tiện ngữ, phương tiện ngữ họ cho rằng phải nên như thế.

Vậy thì sáu đại tông chỉ này, nếu mà triệt để nhận thức, triệt để theo đó mà làm, tuy không thể nói lập tức thành Phật, nhưng ngày thành Phật không xa.

Vậy thì tôn trọng tánh linh của mình như thế nào ? Chính là cần phải tôn trọng Phật tánh của mình, không nên lãng phí chà đạp nó. Không nên đem món đồ quý giá có thể làm bàn thờ Phật mà làm củi đốt, thì một chút giá trị cũng không có. Cho nên nhân duyên thứ bảy của sự phát tâm Bồ đề chính là cần phải tôn trọng tánh linh của mình, không nên xem thường mình, cần phải tôn trọng trí huệ của mình.

 

 

Học Giới Luật Như Thế Nào?

Hỏi: Chúng con hy vọng Sư Phụ sẽ chỉ dạy chúng con làm thế nào để Chánh Pháp được trụ thế lâu dài.

Đáp: Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ vậy là làm cho Chánh Pháp trụ thế đó.

Hỏi: Chúng con không biết phải học giới luật như thế nào?

Đáp: Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành là giới luật đấy. Tức là:

Không tranh thì không phạm giới sát. Vì sao phải sát sanh? Bởi vì muốn tranh. Anh tranh tôi đoạt thì sanh ra hành vi giết người, phóng hỏa. Không tranh thì không sát, như vậy là giữ được giới không sát sanh.

Không tham thì không phạm giới trộm cắp. Tại sao muốn trộm cắp? Thì đều bởi vì tham. Tham muốn vật của người làm của mình. Nếu không tham thì có thể giữ được giới không trộm cắp.

Không cầu thì không phạm giới dâm. Người nam truy tìm người nữ, đó là cầu; người nữ truy tìm người nam cũng là cầu. Cầu không được thì thần hồn điên đảo, thậm chí trong giấc mộng vẫn còn truy cầu, thân tâm không yên.

Không ích kỷ tự tư thì không phạm giới vọng ngữ. Tại sao phải vọng ngữ? Bởi vì muốn bảo vệ lợi ích riêng tư của mình, cho nên đi đến đâu thì gạt người và nói dối đến đó. Nếu mình không ích kỷ, dù ở đâu mình cũng có thể nói lời chân thật và không có chút hành vi lừa dối nào.

Không tự lợi thì không phạm đến giới rượu. Người uống rượu cho rằng uống rượu có thể làm cho máu huyết lưu thông, có lợi cho thân thể, nhất định sẽ được mạnh khoẻ. Như người say cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng như đã thành thần, thành tiên. Đó đều là vọng tưởng của người uống rượu. Họ đang bị sự tự lợi tác quái đấy.

Không vọng ngữ, trong năm điều kể trên đã bao hàm luôn cả vọng ngữ rồi. Tuy nhiên, vì để mọi người đề cao cảnh giác, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến chỗ xấu xa của vọng ngữ. Bởi vậy tôi mới nhắc nhở thêm mục nầy. 

Nếu như ai nấy đều thật sự không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thì xã hội nhất định sẽ được an ninh, gia đình nhất định sẽ được hạnh phúc.

Nếu người người trên thế gian chịu nghiêm chỉnh giữ gìn năm giới, không có những hành vi như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, và nghiện rượu thì họ sẽ không có phiền não, không có lo nghĩ, ưu sầu. Cho nên nói Lục Đại Tông Chỉ nầy là pháp môn tối diệu, lại cũng có thể nói là:

“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.
Nguyện giải tố nhân chân thật nghĩa.”

Tức là Pháp vi diệu rất sâu vô thượng. Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp. Nay con thấy nghe được thọ trì. Nguyện hiểu chân nghĩa cách làm người.

Tôi xin nói thêm một câu nữa, như thân làm Phật tử, mức độ thấp nhất là phải nghiêm giữ năm đại giới cơ bản nầy và thực hành theo một cách triệt để, như vậy chúng ta mới được an lạc và tự tại. Giả như năm giới nầy mà không giữ được, thế thời 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni lại càng khó giữ hơn. Cho nên tại rừng Ta-la song thọ, lúc Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã nói với Tôn giả A Nan rằng: “Lấy giới luật làm thầy.” Do đó, chúng ta biết rằng giới luật thật là trọng yếu biết bao!

Giảng ngày 7 tháng 7 năm 1986

Sao Gọi Là Lục Đại Tông Chỉ?

Quý vị hãy nhìn xem! Hiện nay đa số con người trên thế giới hầu như đang phát điên phát cuồng, trông giống như người mắc bệnh tâm thần vậy. Thế giới nầy sắp sửa biến thành thế giới điên cuồng mất. Bất luận là nam hay nữ, già hay trẻ cũng đều không nhận thức được về các điều kiện cơ bản làm người. Cho nên mới có cảnh anh tranh, tôi đoạt. Vì muốn đạt được mục đích cá nhân mà con người bất chấp mọi thủ đoạn, thấy lợi quên nghĩa, bán rẻ bạn bè. Thật đáng sợ thay! Vậy điều kiện cơ bản làm người là gì? Tức là Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành. Nếu ai ai cũng chịu tuân theo như vậy thì thiên hạ sẽ được thái bình.

Lục Đại Tông Chỉ là:

1- Không tranh: Không tranh với bất cứ người nào. Tự giữ những gì mình nên có, và không nên có những thứ mình không cần. Tuyệt đối là không nổi nóng.

2- Không tham: Bất luận những gì về vật chất, hễ mình có đủ dùng là được rồi, và cái gì cũng không tham. Đồ vật của tôi, nếu anh cần thì tôi sẽ cho anh. Chúng ta đừng nên keo tham tiếc của.

3- Không cầu: Không tìm cầu những thứ bên ngoài, gọi là: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao,” người không tìm cầu tức là người có nhân cách cao thượng. Phàm người có nhân cách là người thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ. Người nào không tham tài, không tham sắc, không tham danh, không tham ăn, không tham ngủ thì tâm người ấy sẽ được nhiều an lạc và lòng họ cũng không cảm thấy lo sợ gì cả.

4- Không tự tư, ích kỷ: Bất cứ vật gì thuộc về công cộng để mọi người thuận tiện dùng, chúng ta không được cất dấu cho riêng mình. Quý vị có thể bố thí, tức là quý vị không có lòng tự tư, ích kỷ, gọi là: “Xem tất cả người già như cha mẹ ta, thương tất cả trẻ thơ như thương con em mình.” Đó là sự biểu hiện của người không có lòng tự tư ích kỷ. Sự thành lập các trường đại học, trung học, tiểu học và viện dưỡng lão tại Vạn Phật Thánh Thành vốn cũng từ tư tưởng đó.

5- Không tự lợi: Là xả mình vì người. Việc gì có lợi thì ta nhường cho người khác làm. Trái lại, việc gì không lợi thì để lại mình làm. Tuyệt không bao giờ có tham đồ về danh văn lợi dưỡng, mua danh câu tiếng, vì đó là những tư tưởng tự tư, tự lợi.

6- Không vọng ngữ: Miệng có bốn tội ác là: vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu và lưỡng thiệt. Người mà phạm một trong các tội ác nầy, tương lai sẽ bị đọa địa ngục bạt thiệt cắt lưỡi. Vọng ngữ là một trong Năm Giới. Người học Phật Pháp, nhất định nên nghiêm giữ Năm Giới. Vọng ngữ là gì? Là nói lời giả dối, gọi là: Thấy - nói không thấy; không thấy - nói thấy; nghe - nói không nghe, không nghe - nói nghe; không hiểu - nói hiểu, hiểu - nói không hiểu; biết - nói không biết, không biết - nói biết. Đó tức là vọng ngữ.

Tại sao người trên thế gian lại phát điên, phát cuồng như thế? Bởi vì họ có tâm tranh, tâm tham, tâm cầu, tâm ích kỷ, tâm tự lợi và tâm vọng ngữ. Cho nên suốt ngày họ cứ điên điên đảo đảo chẳng được tự tại. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, chúng ta không nên xem đó như những lời hý luận mà hãy mau cải thiện tập quán xã hội, nếu không thì sẽ nhận lãnh hậu quả không thể tưởng tượng được.

Giảng ngày 16 tháng 4 năm 1984

Bồi Dưỡng Nhân Cách Cao Thượng


Vạn Phật Thánh Thành là nơi tu đạo, cho nên các vị Thiên Long Bát Bộ lúc nào cũng hộ trì đạo tràng nầy. Nếu quý vị phát Bồ Đề tâm, họ nhất định sẽ hộ trì quý vị và khiến cho thân tâm quý vị được khinh an nhẹ nhàng, được đại thành tựu và có đại cảm ứng. Nhưng trong lòng quý vị đừng có hy vọng mình sẽ được như thế, thì những điều đó mới tự nhiên hiện tiền. Nếu quý vị còn có lòng hy vọng được thành tựu và cảm ứng thì đó là tham, cũng là phạm vào Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành.

Các sinh hoạt hằng ngày của người tu hành ở Vạn Phật Thánh Thành, đều không rời khỏi sáu điều mục như sau:

1. Không tranh. Tuyệt đối không tranh với bất cứ ai. Cũng không tranh danh, tranh lợi. Phàm đồ vật gì mà người khác thích thì mình nhường cho họ, chứ không cần phải tranh giành, gọi là: “Tranh chi bất túc, nhượng chi hữu dư,” nghĩa là tranh thì không đủ, nhường thì có dư.

2. Không tham. Không phải là miệng nói không tham, nhưng khi cảnh đến thì chỉ lo tham, chẳng thể bỏ qua, thế là sai rồi. Chúng ta cần phải là: Lời nói theo đúng việc làm, và làm đúng theo lời nói, đừng để chúng mâu thuẫn với nhau. Người không có lòng tham mới bồi dưỡng được nhân cách cao thượng.

3. Không cầu. Nếu chúng ta có cầu muốn điều gì, tức là chúng ta sẽ có phiền não. Cầu mà không được, đương nhiên là chúng ta sẽ phiền não. Cho nên nói: “Vô cầu tiện vô ưu,” không cầu sẽ không lo - thật là một danh ngôn chí lý. Một khi chúng ta đạt đến trình độ vô cầu, phẩm cách của chúng ta tự nhiên sẽ cao quý. Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao, tức là vậy. Trong Bát khổ có “cầu bất đắc khổ,” như cầu không được cũng khổ, mà cầu được cũng khổ luôn. Vì lo được lo mất mà tự tìm cái khổ cho mình. Vậy bởi tội gì mình phải khổ như thế. Nếu như quý vị thấy rõ ra mà buông hết tất cả thì quý vị sẽ không còn phiền não nữa.

4. Không tự tư, ích kỷ. Ai ai cũng có lòng ích kỷ. Chuyện gì chúng ta cũng tính toán cho mình trước, lo nghĩ cho con cháu của mình trước hết. Cho nên người tu hành là phải tu đến cảnh giới vô ngã. Vô ngã rồi thì chúng ta còn muốn tranh cái gì, tham cái gì, cầu cái gì nữa đây? Chúng ta phủ nhận hết, và cái gì cũng không muốn. Chúng ta phải học theo tinh thần của Bồ Tát là xả mình vì người. Tại sao thế giới nầy lại ngột ngạt đầy chướng khí, và không lúc nào trong sạch, xán lạn vậy? Bởi vì ai nấy đều tự tư, tự lợi, như nói: “Cái nầy là của tôi, cái kia thuộc về tôi,” nên khiến cho thiên hạ đại loạn, thế giới chẳng được an ổn.

5. Không tự lợi. Nếu mọi người đều không có tánh tự lợi, lúc nào cũng biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng cảm thấy an ổn, vậy tự nhiên ai nấy cũng sẽ chung sống hòa bình với nhau. Nếu như người có tâm tham thì giống như cá theo mồi, thấy lợi là quên mất hết tình nghĩa, rồi làm những chuyện tổn hại đạo lý. Có bao nhiêu người đã vì lợi mà thân bại danh liệt, tán gia bại sản. Thậm chí có kẻ còn làm cho nước mất nhà tan, đến nỗi phải lưu lạc, không nơi nương náu.

6. Không vọng ngữ. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta tuyệt đối cũng không nên vọng ngữ. Hễ thấy thì nói thấy, nghe thì nói nghe, chúng ta cứ thật thà mà nói, chớ nói những chuyện không có căn cứ. Chúng ta nên biết, vọng ngữ là nói những lời bịa đặt, làm tổn hại người mà chẳng có lợi ích gì cho mình, và sau khi chết nhất định bị đọa vào địa ngục cắt lưỡi. Điều đó không có chút nghi ngờ gì cả. Cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Hôm nay tôi nói với quý vị những lời tuy rất cạn cợt, nhưng nếu quý vị chịu y chiếu theo đạo lý đó mà làm, thì sẽ hữu dụng vô cùng. Cho nên có câu: “Nói cho hay! Thuyết cho diệu! Nhưng nếu không thực hành thì không phải là Đạo. Đạo là hành, không hành sao có Đạo? Đức là làm, không làm sao có Đức?” Nếu quý vị có thể thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thành, tự nhiên nhân cách của quý vị sẽ cao thượng hơn.

Tôi nói thêm một câu sau chót là: Quý vị đừng nên làm những chuyện ngu si như: “Yểm nhĩ đạo linh” tức bịt tai để trộm chuông. Vì quý vị không thể tự dối mình, mà cũng không thể gạt được Phật! Hà tất bụng dạ phải chứa đầy chuyện quỷ quyệt, rồi tưởng là mình có thể che đậy được hết để dối trên lừa dưới. Há như thế chẳng phải là tự chuốc lấy cái vô lý cho mình hay sao? Tôi hy vọng mọi người ở Vạn Phật Thánh Thành đều biểu hiện là người lương thiện, mẫu mực, để kẻ thế nhân nhìn vào bằng cặp mắt khâm phục.

Giảng ngày 25 tháng 9 năm 1984

Giới Luật Căn Bản

Giới luật căn bản chỉ có một, tức là không tự tư ích kỷ. Người có lòng ích kỷ sẽ phạm giới, nếu không có tâm ích kỷ sẽ không phạm giới. Cùng lý lẽ trên, ai có lòng ích kỷ sẽ phạm pháp, và người nào không có tâm ích kỷ sẽ không phạm pháp. Như có một số người bị tòa án pháp luật phán xét không công bình. Đó là vì thuở xưa họ đã có những hành vi không công bình đối với kẻ khác, cho nên ngày nay kẻ khác cũng đem việc không công bình mà gán vào cho họ.

Quý vị nên mở lớn mắt ra để chỉnh đốn lại tư tưởng của mình và hãy nhìn xem: Những người phạm pháp trên cõi đời nầy, thật ra đều là do lòng ích kỷ của họ dẫn khởi. Tất cả những người không giữ đúng quy củ đều phát nguồn từ lòng ích kỷ. Nếu như họ không có lòng ích kỷ, họ sẽ không phạm các pháp luật trên thế gian nầy.

Cho nên nếu quý vị có thể thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ thì quý vị chẳng những sẽ làm người tốt trên thế gian, mà quý vị cũng có thể là Thánh nhân xuất thế nữa. Nguyên nhân thế giới hỗn loạn là bởi người ta ích kỷ, chưa có thể vì đại công mà vô tư được.

Như có một số đảng phái, họ luôn miệng nói là đại công vô tư, nhưng trên thực tế, họ làm những việc hoàn toàn vì chính họ thôi. Bởi vậy mới làm cho thế giới hỗn loạn, khiến mọi người phập phồng lo sợ không được bình an. Tất cả những mặc cảm không được bình an, lo sợ đó đều là do từ lòng ích kỷ dẫn dắt đến.

Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu giới luật. Một khi hiểu rõ giới luật rồi, chúng ta sẽ biết cách làm người như thế nào. Một khi hiểu rõ bổn phận làm người, chúng ta cũng sẽ biết rõ bổn phận làm bậc Thánh nhân. Cho nên việc nghiên cứu giới luật là vô cùng trọng yếu. Vậy muốn giúp cho thế giới nầy, trước hết chúng ta phải không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Chúng ta nên đem bản thân mình để làm phép tắc, làm gương mẫu cho kẻ khác. Có vậy thế giới nầy mỗi ngày mới càng được bình an hơn. Cho nên khi học giới luật vào mỗi thứ sáu, chúng ta phải hết sức thành tâm cung kính thì mới đạt được chỗ lợi ích.

Giảng ngày 5 tháng 10 năm 1984

Cải Biến Tập Khí Cũ - Tuyển Chọn Tông Chỉ Mới

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm Giáp Tý và ngày mai sẽ bắt đầu năm Ất Sửu. Lúc bấy giờ chúng ta hãy nên sửa đổi lại các thói quen, tập khí cũ của mình. Những việc làm của chúng ta trong quá khứ, đều do từ các tập khí không tốt, cho nên có nhiều chỗ bất hợp pháp. Vậy bắt đầu từ ngày mai trở đi, chúng ta nên lựa chọn tông chỉ mới và làm lại con người mới. Như nếu chúng ta vẫn cứ không “biết nay là đúng, khi xưa là sai,” thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có tiến bộ mà lại uổng phí thời gian thôi!

Quý vị! Đừng bao che những chỗ thiếu sót của mình, mà hãy nên phát huy những cái hay của mình, gọi là: “Kiến hiền tư tề,” tức là thấy người hiền bèn lo chấn chỉnh lấy mình để được như họ. Chúng ta nên noi gương và học tập theo tác phong của thầy Tăng Tử. Trong Luận Ngữ có ghi rằng:

“Tăng Tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân.
Vị nhân mưu nhi bất trung hồ.
Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ.
Truyền bất tập hồ,”

Thầy Tăng Tử nói: “Mỗi ngày tôi có ba việc cần phải tự kiểm điểm bản thân là: Trong việc làm, mình có thật lòng làm hết khả năng chưa? Khi giao tiếp với bạn bè, mình có chỗ nào không thành thật chăng? Các bài tập được học mỗi ngày, mình có ôn luyện, nghiên cứu lại không?”

Vì vậy chúng ta cũng nên noi theo những câu nói đó để làm gương soi lấy mình.

Tam Tự Kinh đã bắt đầu bằng những câu nói như: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận. Tập tương viễn, cẩu bất giáo, tánh nãi thiên.” Nghĩa là: Lúc các hài nhi mới lọt lòng mẹ, bản tánh của chúng đều là lương thiện. Bởi vì bản tánh và cái thiện gần nhau, cho nên nói “tánh tương cận,” khi lớn lên, dần dần chúng bị huân tập theo hoàn cảnh và bị ô nhiễm bởi các tập khí. Như câu nói: “Nhuộm xanh sẽ thành xanh, nhuộm vàng sẽ thành vàng.” Thế là tánh tình của chúng dần dần rời xa cái thiện, cho nên nói: “Tập tương viễn.” Trong thời kỳ nầy, nếu con người không được giáo dục đàng hoàng để sửa đổi lại các tập khí cũ và phục hồi tánh thiện hảo, thì tánh tình của họ sẽ bị biến đổi.

Lúc tuổi còn trẻ, chúng ta được cha mẹ, thầy cô dạy dỗ, sửa đổi những thói hư nết xấu của chúng ta để trở nên tốt lành hơn. Nhưng khi lớn lên thì đâu còn ai dạy dỗ ta nữa. Vì vậy, nếu chúng ta muốn sửa đổi tánh tình cho tốt, tất phải do tự mình sửa đổi lấy mình. Bởi vì cớ nầy, nên đề tài hôm nay là: “Cải Biến Tập Khí Cũ, Tuyển Chọn Tông Chỉ Mới.”

Chúng ta nên nhận rõ mục tiêu của mình. Chúng ta muốn làm người như thế nào? Thế nào mới có thể trở thành người Phật tử chân chánh? Phương châm mới của chúng ta là gì? Tông chỉ mới của chúng ta ra sao? Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng có cách gì sửa đổi các tập khí, thói quen cũ của mình, cũng không có cách nào lựa chọn một tông chỉ mới cho được. Vì vậy quý vị hãy nên chú ý điểm nầy.

Nói tóm lại, những vấn đề đó cũng đơn giản lắm thôi. Tức là chúng ta cứ tận tâm thực hành: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,” nghĩa là các việc xấu không làm, vâng làm những điều lành, như vậy là tốt rồi. Nếu ai nấy đều thực hành y theo phương châm nầy, tự nhiên chúng ta sẽ đạt được mục tiêu làm người.

Phương châm mới là hãy tiêu diệt hoàn toàn các tật bệnh ghen ghét, gây chướng ngại, cống cao, ngã mạn, không cho chúng nó hoành hành. Chúng ta làm sao mới tiêu diệt được bốn loại tâm lý bất chánh đó? Tức là dùng Tứ Vô Lượng Tâm: từ, bi, hỷ, xả để điều trị chúng. Người có tâm từ sẽ không có lòng ghen ghét; có tâm bi thì sẽ không gây chướng ngại; có tâm hoan hỷ thì sẽ không cống cao; có tâm buông xả thì sẽ không ngã mạn. Quý vị nghiên cứu đi, xem thử như thế là có đạo lý hay không?

Tông chỉ mới là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Thật ra, những điều đó vốn là tông chỉ cũ xưa của Vạn Phật Thánh Thành. Tuy quý vị đã nghe qua nhiều lần, nhưng không có ai nghiêm chỉnh thực hành theo. Phàm việc gì mà quý vị chưa thực hành qua, thì xem như là mới vậy. Khi nào quý vị có thực hành rồi, đó sẽ không còn là mới nữa. Hôm nay tôi lập lại giọng điệu cũ, bàn về ý nghĩa của Lục Đại Tông Chỉ đó nữa, hy vọng quý vị sẽ chú ý!

Vì sao chúng ta có phiền não, có lo âu? Đó đều là do - có tranh, có tham, có cầu, có ích kỷ, có tự lợi, có vọng ngữ, chúng nó đang tác quái đấy. Chúng chi phối đến nỗi cả thân tâm chúng ta chẳng được an ổn, tự tại. Nếu hàng phục được chúng, thì mình sẽ không bị điên điên đảo đảo. Khi đó chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới không phiền não, không lo âu và bất luận lúc nào, chúng ta cũng đều được tự tại. Vì sao chúng ta không được tự tại? Nói tóm lại, là vì chúng ta bị sáu cảnh giới đó xoay chuyển.

Lúc tôi còn nhỏ, tôi thích tranh cãi với người và thường hay xen vào những chuyện bất bình. Như có chuyện gì không công bình xảy ra, trừ phi không biết thì thôi, nhưng hễ mà biết được thì tôi nhất định sẽ xông ra để tranh luận phải trái. Tôi cũng có tham, mà tham cái gì vậy? Thì là tham ăn, con nít đều hay có tật xấu nầy. Như có món gì ngon mà tôi không có phần, tôi nhất định phải tranh giành cho bằng được mới thôi. Lúc lên mười hai tuổi, tôi bắt đầu biết phản tỉnh, tự xét lại tánh nết của mình - Tại sao mình lại ngang ngạnh như thế? Đến khi đã tỏ rõ rồi, tôi liền sửa đổi lỗi lầm để làm lại con người mới. Từ đó, tôi bắt đầu khấu đầu quỳ lạy cha mẹ để tỏ lòng sám hối. Vì trong quá khứ, tôi đã từng làm nhiều chuyện khiến cho cha mẹ tôi phải nhọc lòng lo lắng. Từ đấy về sau, tôi cũng không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi. Tôi cảm thấy làm được như vậy rất có hữu dụng, cho nên tôi vẫn một mực áp dụng tuân theo cho mãi đến ngày hôm nay và cho đến trọn đời không hề thay đổi.

Sau đó, trừ việc đảnh lễ tạ tội với song thân, tôi lại đảnh lễ trời, đất, vua, bà con thân quyến, và thầy giáo. Tôi lại còn khấu đầu đảnh lễ các vị đại thánh, đại hiền, đại thiện, đại hiếu trong thiên hạ, và cả đến người đại ác, tôi cũng lạy luôn. Tại sao vậy? Vì tôi muốn họ cũng cải ác hướng thiện. Mỗi ngày tôi lạy hơn tám trăm lạy ở phía sau vườn, mất khoảng hai tiếng đồng hồ, và dù có mưa gió gì đi nữa cũng không cản trở việc lễ bái của tôi. Lần trước khi đến chùa Kim Phật ở Canada, tôi có nói với hai vị Tam Bộ Nhất Bái (thầy Hằng Thật và thầy Hằng Triều) rằng: “Các vị thử xem, nếu không tranh, không tham, không cầu như vậy thì vi diệu biết dường nào! Không ích kỷ, không tự lợi, đó là sự vi diệu trong cái vi diệu, và chẳng có pháp nào vi diệu hơn thế nữa. Nếu như ai nấy đều chân chánh thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ, các vị thử hỏi là còn có pháp nào siêu xuất hơn pháp nầy nữa chăng?”

Quý vị! Hãy nỗ lực thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ, có vậy quý vị tu hành mới tiến bộ được. Bằng không, tất cả chỉ là lời nói suông, cũng như ăn bánh vẽ không thể hết đói, như nấu cát thì không thể thành cơm được. Lục Đại Tông Chỉ nầy ở Vạn Phật Thành, người người nên nhớ ghi khắc trong tâm chớ quên. Bởi có nó cho nên cái gì ta cũng buông xả, cái gì ta cũng bố thí cho người, chứ không phải bảo người bố thí cho mình. Đương nhiên là nếu có người bố thí cho ta, ta cũng không từ chối. Nhưng ta nên hết sức mình làm việc bố thí, hễ có cơ hội là ta bố thí một ít. Phàm làm việc gì, nếu ta có thể làm được thì hãy làm, còn việc gì làm không được thì ta cũng không nên miễn cưỡng.

Quý vị nghĩ thử xem! Nếu chúng ta làm được như thế thì còn cái gì để ưu sầu, còn cái gì mà buông bỏ không được chớ? Nếu chúng ta nghiêm chỉnh thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ nầy, thế mới thật sự hiểu rõ được Phật Pháp. Nói cách khác, chân đế của Phật Pháp đã bao quát trong Lục Đại Tông Chỉ rồi.

Không tranh: Là không phạm giới sát. Vì sao phải sát sanh? Bởi vì muốn tranh, anh tranh tôi đoạt, rồi phát sanh những hành vi giết người, phóng hỏa. Hơn nữa nếu không tranh sẽ không sát, như vậy là giữ được giới sát rồi. 

Không tham: Thì không phạm giới trộm. Vì sao phải trộm cắp? Bởi là tham, tham muốn vật của người làm của riêng mình. Nếu không tham tức là giữ được giới không trộm cắp.

Không cầu: Thì không phạm giới dâm. Người nam truy tìm người nữ, đó là cầu. Người nữ truy tìm người nam, đó cũng là cầu. Cầu mà không được thì thần hồn điên đảo. Thậm chí trong giấc ngủ cũng mơ mộng truy cầu, thân tâm không an ổn.

Không ích kỷ: Thì không phạm giới vọng ngữ. Vì sao phải nói dối? Bởi vì muốn bảo vệ cái quyền lợi của bản thân, cho nên đi đến đâu cũng nói dối để gạt người. Nếu người không ích kỷ, đến đâu họ cũng nói lời chân thật, và không bao giờ có những hành vi dối trá.

Không tự lợi: Thì không phạm giới rượu. Người uống rượu cho rằng rượu làm máu huyết lưu thông, có lợi ích cho thân thể, nhất định sẽ được tráng kiện. Khi say rượu, người ta cảm thấy tâm thần lâng lâng như ở cõi thần tiên. Đó là do lòng tự lợi của họ đang tác yêu tác quái đấy.

Không vọng ngữ: Chúng ta đã nói bao quát năm giới trên, nhưng vì muốn đề cao cảnh giác mọi người và đặc biệt nhấn mạnh chỗ xấu xa của vọng ngữ, cho nên chúng ta lại cộng thêm mục nầy để nhắc nhở vậy.

Hiện chùa Kim Phật ở Vancouver, Canada, chúng ta thường hay giảng về Lục Đại Tông Chỉ để dạy mọi người, gồm cả người già, thanh niên và trẻ em, để cho họ biết rõ tánh cách trọng yếu của Phật Pháp. Như nếu con người có thể thật sự không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thế thì xã hội nhất định sẽ được an ninh và gia đình nhất định sẽ được hạnh phúc.

Nếu con người trên thế giới có thể nghiêm chỉnh giữ năm giới và không có những hành vi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, rượu chè thì họ sẽ không có phiền não, không lo âu gì cả. Cho nên tôi nói Lục Đại Tông Chỉ nầy là pháp môn tối mầu nhiệm. Quý vị cũng có thể nói đó là:

“Pháp vi diệu thậm thâm vô thượng,
Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp,
Nay con thấy nghe được thọ trì,
Nguyện hiểu Như Lai chân thật nghĩa.”

Tôi xin nói thêm một câu nữa: Như thân đã là đệ tử Phật, tối thiểu là chúng ta phải nghiêm trì năm đại giới cơ bản nầy và triệt để thực hành theo. Như vậy chúng ta mới được an vui tự tại. Giả dụ như chúng ta không giữ được năm giới đó, thế thì 250 giới của Tỳ Kheo, hoặc 348 giới của Tỳ Kheo Ni lại càng không dễ gì giữ đặng. Cho nên tại rừng cây Song Thọ, lúc Đức Phật Thích Ca sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã căn dặn tôn giả A Nan nên “lấy giới làm thầy.” Do đấy, chúng ta cũng biết được giới luật là trọng yếu như thế nào!

Giảng ngày 19 tháng 2 năm 1985

Sáu Đại Tông Chỉ của

Vạn Phật Thánh Thành

Các bạn ở xa lại, các vị Thiện-tri-thức ở gần đến! Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu đạo làm người và để thành Phật. Đạo làm người thì nhất định phải căn cứ trên tám đức hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ làm tiêu chuẩn. Nếu muốn thành Phật thì phải nới rộng phạm vi của tám đức này, hiếu thảo với toàn thế giới, hòa thuận với toàn thế giới, trung thành với toàn thế giới, thành tín với toàn thế giới; thậm chí nhân đức, nghĩa khí, lễ độ, trí dũng với toàn thế giới. Chúng ta phải dùng tinh thần cởi mở, bao dung, "đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội" để tu hành Phật Pháp; song, không dễ gì đạt tới chỗ tận thiện, tận mỹ của tinh thần này.

Hiện tại có nhiều người tu hành cảm thấy tu trì Phật Pháp giống như đánh mất cái gì vậy. Tại sao nói là "giống như đánh mất cái gì?" Bởi không có lợi ích gì cho họ nắm bắt hoặc thọ hưởng, nên họ cảm thấy như bị thua lỗ hay thiệt thòi vậy; rồi vì thế mà họ trở nên uể oải, chán nản, không còn hăng hái dụng công tu trì nữa. Các bạn Thiện-tri-thức hãy chú ý!

Xả bất liễu tử, hoán bất liễu sanh;

Xả bất liễu giả, thành bất liễu chân.

(Buông bỏ không được cái chết thì chẳng đánh đổi được sự sống;

Buông bỏ không được cái giả thì chẳng thành tựu được cái thật!)

Chúng ta nên mở rộng tầm mắt và có tư tưởng phóng khoáng; đừng chỉ biết có cá nhân mình, gia đình mình, hay đất nước mình mà thôi. Chúng ta cần phải làm cho tâm lượng của mình rộng lớn như hư không, bao trùm cả Pháp Giới, và phải nghĩ đến lợi ích của toàn nhân loại, không nên chỉ tính toán hơn thiệt cho riêng bản thân mình!

Đối với nhân loại chỉ có lợi ích chứ không tổn hại, đó là điều căn bản của việc tu Đạo. Làm thế nào để mang lợi ích nhân loại? Làm thế nào để không tổn hại đến nhân quần? Phải thực hành Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành:

1) Thứ nhất, Không Tranh. Chúng ta không tranh chấp với bất cứ người nào. Nếu bạn tranh với tôi, tôi không tranh với bạn; bạn mắng tôi, tôi không mắng bạn; bạn đánh tôi, tôi không đánh bạn; bạn ức hiếp tôi, tôi không ức hiếp bạn. Đó là tông chỉ từ trước đến nay của Vạn Phật Thánh Thành.

Thuở xưa, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang là một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục, Ngài không tranh chấp với vua Ca Lợi mà chỉ lấy đức để cảm hóa vị vua ấy. Sau khi chém đứt tay chân của tiên nhân, Vua Ca Lợi hỏi: "Ngươi có nổi tâm sân hận chăng?"

Tiên Nhẫn Nhục đáp: "Không! Tôi không sân hận!"

Vua Ca Lợi không tin, nên lại hỏi: "Ngươi lấy gì để chứng minh là ngươi không có tâm sân hận?"

Tiên nhân nói: "Nếu tôi thật sự không có lòng sân hận thì tay chân tôi lập tức sẽ mọc lại!" Nói xong, quả nhiên tay chân Ngài mọc ra lại, bình thường như cũ.

Tiên nhân chẳng những không sanh tâm sân hận mà còn khởi lòng đại từ bi, nói với vua Ca Lợi rằng: "Tương lai khi tôi thành Phật, tôi sẽ độ nhà vua xuất gia tu Đạo trước nhất." Về sau, tiên nhân thành Phật, tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Dựa vào nguyện lực xưa kia, Ngài tới vườn Lộc Uyển để độ Tôn-giả Kiều Trần Như (hậu thân của vua Ca Lợi) xuất gia và Tôn-giả trở thành một trong năm vị Tỳ Kheo đầu tiên.

2) Thứ nhì, Không Tham. Tâm tham lam mà nổi dậy thì đúng là lòng tham vô đáy, bất luận là tham tiền bạc hay vật chất, đều cứ thấy không đủ. Càng tham thì càng thấy không đủ, càng thấy không đủ thì lại càng tham, tham cho tới già mà vẫn chưa tỉnh ngộ! Con người bị chữ "tham" này hại cả đời, cho đến chết cũng còn cảm thấy rằng mình chưa sở hữu được vật này vật nọ, nên hết sức nuối tiếc. Thật là đáng thương biết bao! Tông chỉ thứ hai của Vạn Phật Thánh Thành là không tham bất kỳ tiền bạc, lợi ích, hay danh tiếng tốt đẹp, nói tóm lại là không tham gì cả; mỗi người chỉ theo bổn phận mà hoằng dương Phật Pháp, nối tiếp huệ mạng của Phật mà thôi!

Khi Đức Phật còn tại thế, có một hôm Ngài và Tôn Giả A Nan đang đi thì dọc đường gặp một đống vàng. Phật chẳng nhìn đống vàng ấy, cứ tiếp tục đi. Tôn Giả A Nan vì định lực chưa tới "hỏa hầu" nên còn đưa mắt nhìn một lần nữa rồi mới đi. Phật nói với Ngài A Nan: "Đấy là con rắn độc!"

Bấy giờ có người nông dân đang làm ruộng gần đấy nghe nói tới rắn độc thì liền đến xem, ngờ đâu lại là một đống vàng! Thế là anh ta sung sướng đem đống vàng ấy về nhà và lập tức trở thành người giàu có. Hàng xóm hoài nghi, không biết do đâu mà anh nông dân có được nhiều tiền như vậy, nên mới trình báo Quốc vương. Quốc vương liền phái người tới bắt anh nông dân để tra hỏi nguyên do sự giàu có đột ngột của anh ta. Anh nông dân bèn thật tình kể rõ tự sự.

Quốc vương lại còn phái người tới khám xét nhà anh nông dân. Phát hiện ra trong nhà có rất nhiều vàng, họ liền tịch thu toàn bộ và trình lên Quốc vương. Trông thấy số vàng, Quốc Vương liền nổi trận lôi đình, bởi số vàng ấy chính là vàng của quốc khố bị mất trộm. Vì cho rằng anh nông dân đúng là kẻ cướp nên Quốc vương hạ lệnh giam anh ta vào ngục tối. Bấy giờ anh nông dân mới chợt hiểu vì sao Đức Phật lại nói đống vàng ấy là rắn độc. Sự kiện này chứng tỏ rằng chúng ta không nên tham những thứ tài sản đưa đến một cách bất ngờ!

3) Thứ ba, Không Cầu. Chủ trương của Vạn Phật Thánh Thành là không phan duyên, không cầu duyên, và không hóa duyên. "Cầu" và "Tham" vốn không khác nhau mấy, tham là như có mà lại như không, chưa hiện thành ra hành động; còn cầu là sự mong muốn có tính cách thực tiễn, tới đâu cũng chèo kéo, lân la móc nối, dùng mọi thủ đoạn để đạt cho bằng được điều cầu xin. Cầu xin gì? Cầu xin tiền bạc, cầu xin vật chất, nói chung là cầu xin hết thảy lợi ích.

Vạn Phật Thánh Thành thì hướng vào trong chứ không hướng ra ngoài mà cầu. "Nội cầu ư tâm" tức là hướng vào trong để trừ sạch mọi mê muội, vọng, tưởng, cuồng tâm dã tánh, đố kỵ, chướng ngại, tham, sân, si, nơi tâm mình. Không hướng ra ngoài mà tô điểm vẽ vời, chỉ cần làm bên trong được thanh tịnh, trang nghiêm là đủ. Có người nói:

Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao.

(Con người khi đạt tới chỗ không mong cầu thì phẩm cách tự nhiên thanh cao.)

Nếu chúng ta không quỵ lụy cầu xin gì ở người khác thì phẩm cách của mình tự nhiên sẽ trở nên thanh cao, không còn những ý tưởng ô trọc nữa.

Khi Đức Phật còn tại thế, có một cặp vợ chồng nghèo nọ chẳng những không có đất cắm dùi mà cơm ăn cũng bữa có bữa không. Họ trú ngụ trong một sơn động và cả hai người chỉ có một tấm vải che thânỦai đi ra ngoài xin ăn thì khoác tấm vải đó. Họ nghèo tới mức độ nào, không nói nhưng chắc các bạn cũng hiểu. Một hôm, có vị Bích Chi Phật vì muốn thử coi hai vợ chồng nọ có tâm tham cầu hay không, nên Ngài tới sơn động của họ để hóa duyên. Hai vợ chồng mới bàn tính với nhau làm sao để cúng dường vị xuất gia này. Họ thật sự là không có gì có thể cúng dường được cả, nên mới đem tấm vải duy nhất ấy ra cúng dường. Song le, họ không mong cầu bất kỳ điều gì, chỉ một lòng chí thành cúng dường người xuất gia mà thôi.

Vị Bích Chi Phật này lập tức mang tấm vải ấy đến cúng dường Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rõ lai lịch của tấm vải, nên Ngài mới kể lại đầu đuôi câu chuyện cho đại chúng trong Pháp Hội nghe, đồng thời tán dương công đức của vị thí chủ đã cúng dường tấm vải ấỵ Lúc bấy giờ Quốc vương cũng có mặt tại Pháp Hội. Khi biết được chuyện, Quốc vương cảm thấy vô cùng hổ thẹn, không ngờ ngay trong đất nước mình trị vì lại có người nghèo khó đến như vậy; nên liền phái một vị Đại thần đem đồ lương thực và áo quần tới tặng cho hai vợ chồng nghèo nọ, đồng thời chu cấp chỗ ở và kiếm việc làm cho họ. Cặp vợ chồng ấy không có lòng mong cầu mà lại được hưởng quả báo như thế, thật đúng là xả nhất đắc vạn báo (bỏ một mà được quả báo vô vàn vậy!)

4) Thứ tư, Không ích Kỷ. Vì sao thế giới suy đồi tới mức độ như ngày nay? Bởi vì con người quá ích kỷ, đối với những việc có lợi cho mình thì tranh nhau mà làm, còn đối với việc gì không có lợi cho mình thì thờ ơ khoanh tay ngồi nhìn, hoặc thản nhiên nói chuyện bâng quơ với tâm trạng "đứng bên kia bờ xem lửa cháy!"

ích kỷ cũng có nhiều thứ: ích kỷ về địa vị, ích kỷ về danh dự, ích kỷ về quyền lợi, ích kỷ về tiền bạc... Nói một cách khái quát, tất cả mọi sự đều do lòng ích kỷ tác quái mà ra. Vì ích kỷ nên mới không nghĩ đến kẻ khác, chỉ lo toan cho riêng mình. Có câu rằng:

Ma ha tát bất quản tha,

Di Đà Phật các cố các.

(Bậc Ma Ha Tát không nghĩ đến người khác,

A Di Đà Phật, phần ai nấy lo.)

Đó là lời nói đùa mang tư tưởng Tiểu Thừa. Nhà Nho cũng từng nói:

Các nhân tự tảo môn tiền tuyết,

Mạc quản tha nhân ngõa thượng sương.

(Tuyết trước cửa nhà mình tự quét,

Sương mái nhà người chớ bận tâm!)

Đó là tác phong không xen vào chuyện người khác. Làm người ở trần thế thì phải giúp đỡ lẫn nhau, chỉ dẫn cho nhau. Do đó, mọi người nên đề xướng tư tưởng Đại Thừa, học tập tinh thần Bồ-tát, nghe khổ thì tới cứu, không được có tâm trạng vui sướng trước tai họa của người khác! Người đời nếu không có lòng ích kỷ thì có thể sống chung hòa thuận như trong một nhà vậy. Chính vì có lòng ích kỷ nên mới xảy ra nhiều vấn đề rắc rối. Do đó, Không ích Kỷ là tông chỉ thứ tư của Vạn Phật Thánh Thành.

5) Thứ năm, Không Tự Lợi. Tông chỉ này càng quan trọng hơn cả tông chỉ thứ tư nữa. Ai ai cũng muốn tự lợi; song le, chúng ta nhất định không tự lợi bởi vì có như thế thì thế giới mới trở nên tốt đẹp được. "Không tự lợi" tức là muốn lợi ích cho người khác, quên đi chính mình. Tinh thần "xả kỷ vị nhân" (quên mình vì người) này còn vượt lên trên cả hành vi của Bồ-tát vì Bồ-tát thì tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha chớ không chỉ lợi tha, chỉ độ tha và chỉ giác tha mà thôi!

6) Thứ sáu, Không Vọng Ngữ. Không vọng ngữ (không nói dối) tức là không cố ý lừa dối người khác. Vì sao người ta nói dối? Chính vì sợ bị mất lợi, sợ bị thua lỗ, nên người ta mới tìm cách dối trá! Nếu các bạn luôn luôn lấy lòng thành thật mà đối đãi với mọi người thì tự nhiên sẽ giữ tròn được tông chỉ thứ sáu Không Vọng Ngữ này.

Có nhiều người nghe nói tới Sáu Đại Tông Chỉ này thì cảm thấy rất khó chịu, không được vui. Nếu có người nào không vui hoặc không tiếp nhận thì tôi cũng mặc, không chấp nhất. Tôi muốn nói rõ với mọi người rằng: Từ trước đến nay tôi không hề phản đối bất kỳ chuyện gì trên thế giới. Vì sao vậy? Bởi vì tông chỉ của tôi là "Everything's OK" - tất cả mọi thứ đều OK. Song, nếu có người phản đối tôi thì tôi hết sức hoan nghinh, tuyệt đối không bác bỏ!

Ngày hôm nay tôi chỉ trình bày sơ lược với các bạn về Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành; nếu muốn nói cho đầy đủ thì không bao giờ nói hết được. Nếu đem Sáu Tông Chỉ này áp dụng cho bản thân thì sẽ vô cùng lợi ích cho các bạn!

(Ngày 14 tháng 8 năm 1983)

 


Lục Đại Tông Chỉ

tức là Ngũ Giới

Lúc dụng công, phải biết đề khởi, phải biết buông bỏ, làm chuyện gì phải ra chuyện đó.

 

Người thích niệm Phật thì tham gia Phật-thất, người thích tham thiền thì tham gia Thiền-thất. Người không thích niệm Phật cũng chẳng thích tham thiền, thì có thể tham gia "thất làm biếng" hoặc là "thất ngủ khò." Thất làm biếng hay thất ngủ khò nghe có vẻ mới lạ nhưng thực sự nó hết sức là có lý.

"Thất làm biếng": Dù bạn biếng nhác không thể làm biếng được. Tuy bạn không làm gì cả, nhưng trong tâm lúc nào cũng có chuyện làm, đó là nghĩ vẩn vơ, vọng tưởng. Lúc thì trên trời, khi thì dưới đất, lúc làm ác quỷ, khi đọa địa ngục, lúc làm người, khi làm trời. Ở nơi cái tâm mà chế tạo ra đủ thứ máy móc vật liệu trong lục đạo luân hồi. Khi cơ quan nầy đã phát động rồi, thì chuyển tới chuyển lui, muốn làm biếng cũng chỉ lãng phí sức lực và tinh thần mà thôi. Từ đó mình càng thêm mệt mõi, càng lười biếng hơn rồi cảm thấy mọi việc chẳng có ý nghĩa, không có mùi vị gì cả.

Còn "thất ngủ khò" thì sao? Ngủ song đầu óc lại mộng mị. Có lúc mộng phát tài giàu có, có lúc mộng nghèo cùng khốn khổ, có lúc mộng làm quan, có lúc mộng đi xin ăn, có lúc mộng thấy cọp hoặc rắn độc. Vì mộng nên ngủ cũng không an lạc, muốn đả thất ngủ khò cũng không xong.

Vì mình không biết dụng công, nên bất luận làm gì cũng không tốt. Người biết dụng công thì làm gì cũng tốt, tham thiền hay niệm Phật đều tốt, ngay cả làm biếng hay ngủ nghỉ, người đó cũng dụng công được.

Ở Vạn Phật Thánh Thành có năm tông phái: Thiền, Giáo, Mật, Tịnh, và Luật. Quý-vị muốn tu pháp môn nào cũng được, cứ tự do lựa chọn đừng ngại. Nếu muốn làm biếng, muốn ngủ cũng được. Vì do làm biếng mà mình không đi ăn cắp, đó là trì giới. Tuy ngủ mà mình không đi giết người, không sát sinh, thì đó cũng là trì giới. Niệm Phật, Tham-thiền, hoặc là học Giáo, tập Luật hay tu Mật-tông đều là trì giới cả. Do thế khi mình học năm giáo phái, chính là mình đang trì Ngũ-giới: Không sát sinh, không ăn cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu. Dụng công tức là không phạm giới. Tuy bên ngoài mình không biểu hiện là có hành trì giới luật (kẻ khác tuy không thấy mình trì giới), thật ra trì mà không có hình tướng trì. Mình chẳng cần dùng danh từ trì giới để hình dung khi đang giữ giới; lối dụng công như vậy rất tốt.

Bởi vì lý do đó, nên ở Vạn Phật Thánh Thành quý-vị được tự do lựa chọn pháp môn tu hành, không ai quản thúc mình cả. Bởi vì quốc gia nầy là quốc gia dân chủ, nên đạo tràng nầy càng phải thực hành chủ nghĩa dân chủ, và tự do cá nhân. Vì vậy đã nhiều ngày qua quý-vị muốn dụng công tu pháp gì đều được cả, chỉ cần chuyên tâm tu hành, làm chuyện gì phải ra chuyện đó, làm gì phải làm cho tốt, chuyên tâm chú ý là đủ.

Lại nữa, Vạn Phật Thánh Thành có Sáu Đại Tông-chỉ:

1. Không Tranh: Nếu không tranh sẽ không dẫn đến sát sanh. Sát sanh là do tâm tranh hiện lên tác quái. Khi tranh thì chỉ muốn mình thắng, đối phương thua, dù có chết hại vô số.

2. Không Tham: Không tham thì sẽ không trộm cắp. Tại sao lại đi ăn cắp đồ của người khác? Là bởi mình có tâm tham lam. Nếu bạn không có tâm tham lam, thì có kẻ tặng, bạn cũng không lấy. Lòng tham mà trừ thì nhất định không phạm tội ăn cắp.

3. Không Truy Cầu: Không truy cầu thì sẽ không khởi ý niệm dâm dục. Dâm dục là do mình có mong cầu. Con gái mong con trai, con trai mong cầu bạn gái, đó là thứ truy cầu kẻ đối phương. Không những chỉ cầu thôi mà còn truy, theo đuổi nữa, giống như cái khoan, cứ nhắm về phía trước mà khoan. Nếu không có sở cầu, thì làm sao còn ý niệm tà dâm? Một chàng trai tuấn tú, một cô gái xinh xắn bất quá chỉ là hai bị thịt hôi hám mà thôi. Tại sao tham luyến chứ? Nếu không có sở cầu thì mình không sao phạm giới dâm này.

4. Không ích Kỷ: Không ích kỷ sẽ giúp mình chẳng nói láo. Người ta nói dối vì sợ mất đi lợi ích riêng mình, nên tâm ích kỷ mới tác quái. Rồi mình mới đi lừa người khác, nói lời dối trá, muốn người khác không biết được bộ mặt thật của mình.

5. Không Tư Lợi: Không tư lợi sẽ giúp mình không phạm tửu giới. Con người vì sao uống rượu? Là vì muốn hưởng thụ, muốn thân thể mình sung sướng. Nhưng sung sướng làm tâm mình mê loạn khủng hoảng; cứ tưởng rằng đã trở thành thần tiên, tiêu dao trên trời vậy. Khi đã say rượu thì lại chửi rủa người khác, muốn làm gì thì làm, tăng trưởng thêm lòng dâm dục. Có người muốn đem rượu lại trợ cho huyết khí được lưu thông sảng khoái. Nhưng uống rồi thì mọi sự đều quên hết. Cũng đồng một loại với hút thuốc phiện, xì ke, ma túy. Đó đều do tâm tự lợi hoành hành; cho nên mới đi uống rượu.

6. Không Vọng Ngữ:

Như vậy, Lục Đại Tông-chỉ chính là Ngũ-giới. Tại sao không nói Ngũ-giới? Là vì danh từ Ngũ-giới nghe quen rồi, nên khi nghe không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu thì người ta thường nói: "Tôi biết rồi, bạn nói mãi lời nầy làm chi?" Bởi vậy nên đổi thành: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối. Những danh từ này ai ai cũng nghe qua, cũng đã biết rồi. Nhưng rất ít người thật sự thực hành chúng, vậy tôi lại nhắc lại rằng:

Không tranh, tức là không sát sinh;

Không tham, tức là không trộm cắp;

Không cầu, tức là không dâm dục;

Không ích kỷ, tức là không vọng ngữ;

Không tự lợi, tức là không uống rượu.

Giảng ngày 5 tháng 12, năm 1982


 

Sáu Đại Tông Chỉ Của Người Tu Đạo - Trạch Pháp Nhãn, Hồi Quang Phản Chiếu

Kẻ tu hành phải có con mắt trạch pháp ("Trạch Pháp nhãn" hay "Dharma-selecting vision"), mới có thể chọn lựa thứ gì là chánh pháp, thứ gì là tà pháp. Chánh pháp là Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Đây là sáu đại tông chỉ, người tu Đạo noi theo sẽ có được chánh tri và chánh kiến. Ngược lại, tà pháp chính là tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối. Nếu có sáu thứ đó thì sẽ có tà tri tà kiến. Đây là điểm then chốt, là đường phân ranh giữa hai phía, hướng tới phía trước là Chánh pháp, về phía sau là tà pháp. Chúng ta phải nhận cho rõ điểm này.

Giả như không có tà tri tà kiến thì chỉ cần giữ định lực kiên cố, ma vương sẽ không có cách gì quấy phá ta, không thể làm cho tâm ta lay động. Có câu rằng: "Phật đến giết Phật, ma đến giết ma". Câu này là nghĩa thế nào? Đây chỉ là lời khuyên ta không nên quá chấp vào cảnh giới. Thấy Phật đến mà cũng không tiếp nhận hình ảnh này, huống chi là thấy ma! Tuy rằng trong nhiều trường hợp các cảnh giới đó là những tin báo trước, rất linh ứng, nhưng chúng ta cũng không nên tin vào. Điều mà chúng ta cần tin tưởng chính là sáu đại tông chỉ, chẳng tranh, chẳng tham, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng tự lợi, chẳng nói dối. Đó chính là lưỡi gươm chém ma, cái chầy hàng phục ma vậy.

Như có đủ chánh tri chánh kiến thì dầu có được chư thiên hiện thân đến cúng dường, và cung kính khấu đầu, người tu cũng không động tâm. Rủi có sự động tâm hay sanh tâm hoan hỷ, thì loại ma hoan hỷ sẽ thừa cơ đến phá, làm người tu phát cuồng. Rủi có tâm u sầu thì loại ma u sầu sẽ đến làm cho tâm nhiễm phiền não, hoặc có khi sanh tâm chấp trước, tâm ngã mạn. Tất cả những thứ đó đều do ma quấy phá, khiến cho tâm mất sự thanh tịnh.

Bởi vậy cho nên hễ gặp bất cứ loại cảnh giới kỳ quặc nào, người tu cũng không nên tin, không để cho tâm động. Chỉ nên tin vào trí huệ của mình, tin rằng tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, tự tánh bổn lai là thanh tịnh, bổn lai không bị nhiễm ô, bổn lai không điên đảo. Như vậy thì còn cái gì để mong cầu nữa? Phàm có sự cầu mong là có sự nhiễm ô; có tranh, có tham, có ích kỷ, có tự lợi, có nói dối tức là có nhiễm ô. Gặp bất cứ pháp nào chúng ta đều có thể lấy sáu tông chỉ lớn đó làm thước đo, để quan sát, thứ nào hợp là Chánh pháp, thứ nào không hợp là tà pháp.

Sáu đại tông chỉ có thể phá tà tri tà kiến của thiên ma ngoại đạo. Tất cả những hành vi tạo tác của thiên ma ngoại đạo đều có tính cách sở cầu, chủ ý để tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối, cho chính mình chẳng phải cho tha nhân. Đó là những tư tưởng thuộc về hàng bàng môn tả đạo.

Người tu Đạo phải tích lũy công, bồi đắp đức hạnh, nhưng không được chấp trước những điều đã thực hiện, như câu thường nói: "quét sách mọi pháp, ly hết mọi tướng", chớ không thể nói rằng: "Tôi làm công đức này, tôi tu hành như thế kia" hay nói: "Tôi đã đạt tới cảnh giới này, tôi có pháp thần thông kia". Cho rằng có những thứ đó, nhưng xét kỹ chúng đều là hư dối, không nên tin, không thể bị mắc vào. Nếu tin vào nhưng điều kỳ dị, những pháp thần thông thì người tu không thể vào được chánh định, chánh thọ (tức Tam-muội). Nên hiểu rằng chánh định, chánh thọ không phải từ bên ngoài mà có được, nó phải từ trong tự tánh mà sanh ra. Bằng cách nào người tu đạt được? Đó là do công phu hồi quang phản chiếu, quay lại nơi mình (phản cầu chư kỷ), chánh định chánh thọ mới thành tựu được.

Vạn Phật Thánh Thành là nơi tụ hội của muôn vạn bậc thánh. Tuy nhiên bốn phía xung quang Thành lại có những ma vương đương chờ cơ hội để nhập vào. Nếu như người tu mà tâm không thanh tịnh, trong đầu chỉ toàn là vọng tưởng thì ma vương sẽ thừa cơ lẻn đến xúi bẩy, tỷ dụ như chúng làm cho người tu tiên đoán chuyện này chuyện nọ. Nếu người tu lại tin rằng đó là thần thông mình đạt được, thì chính người đó đã bị cho vào tròng, thành kẻ quyến thuộc của Ma vương.

Cũng như khi nghe được một thanh âm nào, quý vị đã vội cho rằng đó là lời trong hư không. Thật ra hư không chẳng có tiếng nói, mà phải biết rằng: "lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm theo duyên". Giả tỷ nghe thấy thanh âm của hư không, đó chỉ là cảnh giới ma chớ không phải do "Đại Viên Kính Trí" mang lại. Có xá gì một chút tin tức nhỏ nhoi không đáng kể!

Tâm tư của người tu phải thanh tịnh. Chớ tham cầu khả năng dự tri. Dự tri chẳng mang lại điều gì hay mà ngược lại chỉ gây thêm phiền phức, khiến cho chúng ta phân tâm, không tập trung được tinh thần, do đó vọng tưởng sẽ rối bời và phiền não thêm chồng chất. Nếu chẳng có dự tri, quý vị sẽ không có phiền não, tâm không bị chướng ngại. Tâm Kinh có nói: "Bởi không chướng ngại, nên không sợ hãi, ly hết mọi mộng tưởng điên đảo, Niết-bàn cứu cánh". Đây mới chính là mục tiêu của hành giả trên con đường tu Đạo.

 
https://www.dharmasite.net/6DaiTongChi.htm#4



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2018(Xem: 4847)
Trong khoảng 10 năm gần đây, tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, đã thay đổi cuộc diện đời sống của nhân loại. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới. Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We Are Social, tính đến tháng 01 năm 2018, dân số Việt Nam có 96.02 triệu người, với tổng số người dùng Internet là 64 triệu người. Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, tỷ lệ người dùng internet cao nhất Châu Á, số lượng người dùng Facebook đứng thứ 7 trên thế giới.
15/08/2018(Xem: 8648)
Thời gian luôn di chuyển về phía trước. Kể từ khi chúng ta được sanh ra đời cho tới bây giờ, mỗi một giây phút trôi qua là chúng ta đến gần hơn chỗ cuối cùng của cuộc đời, đến gần cái chết hơn. Đây là điều bình thường ở trong vũ trụ. Kể từ lúc tôi bước vào tuổi 70 đến nay, sức khỏe tôi bị giảm dần, và tôi thường xuyên nhận được tin tức từ bạn bè: có người bị bịnh này, người bị bịnh kia , có nhiều bạn vô nhà dưỡng lão, và nhận được những tin buồn: bạn bè, người thân lần lượt “ra đi” không như thời còn trẻ tôi thường nhận được những thiệp cưới thường xuyên từ bạn bè.
14/08/2018(Xem: 5678)
Niềm hy vọng là trạng thái tâm an trong tình cảnh bất ổn định bởi những ràng buộc phiền não cuộc đời, là sự bình dị trong tâm hồn có được khi rơi vào tình huống tồi tệ mà ở đó tâm được thắp sáng bởi niềm tin tưởng, niềm hy vọng và sự lạc quan.
11/08/2018(Xem: 7201)
Vào sáng Thứ Năm 2 tháng 8, tại trường Trung Học Grand Terrace thuộc Học Khu Colton Joint (Quận Hạt San Bernadino, Nam California), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi thuyết trình với đề tài “Phát Triển Kỹ Năng Chuyên Môn Của Giáo Viên Nhờ Vào Sự Tỉnh Thức”. Có khoảng 100 giáo viên đến tham dự hai buổi thuyết trình. Và họ đã tỏ ra rất thú vị, quan tâm đến đề tài này.
11/08/2018(Xem: 7216)
THANH TỊNH TÂM Làm Sao Một Vị Tu Sĩ Phật Giáo Với Văn Bằng Tiến Sỹ Trong Tâm Lý Học Kết Hợp Triết Học Đông Phương và Tây Phương Để Tìm Sự Tĩnh Lặng của Nội Tâm Không có gì lạ lắm cho sinh viên hậu đại học (cao học và tiến sỹ) về sự căng thẳng. Trong thực tế, một nghiên cứu năm 2012 của Đại học nổi tiếng Berkeley, California, cho thấy rằng 45% sinh viên hậu đại học báo cáo có một vấn đề khủng hoảng cảm xúc hoặc liên quan đến căng thẳng trong việc học.
11/08/2018(Xem: 12668)
Sau Hiệp định Paris 1973, những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Từ đó đến nay đã 45 năm, những “di chứng” chiến tranh vẫn còn trên mảnh đất này, và di chứng ấy còn trong tâm trí những người lính ở bên kia bán cầu. Bên cạnh việc hóa giải nỗi đau hiện hữu của chiến tranh, thì hóa giải những uẩn khúc trong lòng người cũng cho thấy nỗ lực phục thiện mà tất cả mọi người bất kể chiến tuyến đều hướng đến. Một buổi trưa đầu tháng 6 năm 2018, có bốn người cựu binh Mỹ tuổi chừng tám mươi tìm về ngôi chùa làng Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trên xe bước xuống, ông Anderson ôm trước ngực một bức tượng Quán Thế Âm Bồ-tát màu trắng, trang nghiêm đi vào chùa. Đại đức Thích Mãn Toàn, người trụ trì ngôi chùa ra tiếp đoàn. Anderson hỏi Đại đức Thích Mãn Toàn đây có phải chùa Trường Khánh không? Đại đức Thích Mãn Toàn đáp phải, cả vùng chỉ một ngôi chùa này tên Trường Khánh, người dân thường gọi là chùa Bồ Bản. Ông Anderson chưa dám tin lời vị sư trụ trì mà v
09/08/2018(Xem: 7178)
Giải Thoát Khỏi Sự Sợ Chết, His Holiness Dalai Lama, Jefrey Hopkins, Toàn Không
09/08/2018(Xem: 9938)
Nghiệp tạo ra số phận và chỉ có đức năng mới thắng số mà thôi. Đức chính là đức độ tích lũy được thông qua những hành vi thiện thân khẩu ý đem lại. Từ xa xưa có câu để lại là " đức năng thắng số", vậy đức năng ở đây được hiểu như thế nào? và cái gì tạo ra số và số được thể hiện ra sao?
07/08/2018(Xem: 8866)
Kính bạch Thầy, xã hội VN và thế giới càng ngày càng nhiều não loạn, có lẽ ít người được an bình như những người con Phật, con xin gửi đến Trang Nhà quangduc.com một bài thơ để tự sách tấn mình và cũng để tán dương công đức những Phật tử cống hiến điều thiện lành, mang niềm vui đến cho người, làm vơi bớt khổ đau cho kiếp người như việc gởi tịnh tài phụ giúp chữa bệnh của Hòa Thượng Bangladesh Ajitananda Mahathera , trên trang nhà hay giúp đở qua các hoạt động từ thiện.
06/08/2018(Xem: 5786)
Khổ đau là điều ai cũng muốn tránh trong cuộc sống, không ai mà muốn bất hạnh xảy ra đối với mình. Nhưng cuộc đời là những bước thăng trầm của tâm hồn, là con đường chông chênh nhiều lúc nhiều hầm hố. Chỉ những người khi ngã mà không nản chí quyết tâm bước dậy đi tiếp mới là đáng trân quý biết bao. Và mỗi lần vấp ngã trong cái của khổ đau lại cho ta nhiều bài học về kinh nghiệm sâu sắc mà không ở đâu có được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]