Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thuyết Luân Hồi Trong Đạo Phật

16/05/202013:54(Xem: 6243)
Thuyết Luân Hồi Trong Đạo Phật

THUYẾT LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT

Thích Nữ Hằng Như
Vong_Luan_Hoi

-----------------------------------

I. DẪN NHẬP

Cứ mỗi lần chúng ta chứng kiến người thân qua đời là mỗi lần chúng ta đau xót, buồn rầu, vì từ nay chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ được nhìn thấy người thân yêu đó trên cõi đời này nữa. Tình cảm sâu đậm mấy mươi năm do thói quen sống gần gũi, do những yêu thương chăm sóc lẫn nhau, do những thành công hay thất bại đều có người đó bên cạnh chung vai chia xẻ. Bây giờ người thân yêu đó đã dứt khoát ra đi, nghĩa là đã chết. Cái thân xác cứng đờ còn đó nhưng linh hồn sức sống của người đó biến đi đâu? Câu hỏi này ngày thường chúng ta ít nghĩ tới. Nhưng khi giáp mặt với sự kiện mất mát này thì câu hỏi đó khiến cho tâm trí chúng ta tràn ngập với bao thắc mắc phiền muộn lo âu. Để giải quyết vấn đề này, hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem con người từ đâu sanh ra và sau khi chết thì cuộc sống của con người có thực sự đã hoàn toàn chấm dứt,hay còn một ẩn khúc nào khác, qua chủ đề "Thuyết Luân Hồi Trong Đạo Phật".

 

II. THUYẾT LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT

Luân hồi là cái gì? Nghĩa đen, luân là luân chuyển, xoay vần. Hồi là trở về, quay về.  Luân cũng có nghĩa là một vòng tròn, một bánh xe.

Luân hồi, tiếng Phạn là Samsàra, là sự xoay chuyển, sự lên xuống, sự tiếp diễn liên tục của những kiếp sống. Sự xoay chuyển liên tục này thường được biểu hiện bằng bánh xe (cakka) và được gọi là bánh xe luân hồi (samsaracakka).

Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như là một vòng trònmà sự sinh tử của con người luôn tiếp diễn trên vòng tròn đó không bao giờ dừng.  Và vì thế chúng ta sẽ không biết chỗ nào là điểm khởi đầu, cũng như chỗ nào là điểm kết thúc. Cứ như thế, bánh xe sinh tử ấy quay tròn và nhận chìm con người trong biển khổ đau từ đời này sang đời khác, cho đến khi nào con người tu tập đạt được ánh sáng giác ngộ tối hậu mới giải thoát khỏi vòng luân hồi này.

Trên thế giới, hầu hết các tín ngưỡng tôn giáo đều có đề cập đến luân hồi, nhưng quan niệm về luân hồi, mỗi tôn giáo mỗi khác. Riêng đối với Phật giáo, khi Đức Phật chứng ngộ ba minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh. Các Minh này đã giải đáp những câu hỏi của Đức Phật :“Con người từ đâu sanh ra và sau khi chết sẽ đi vềđâu?”. Nó cũng kiến giải cho biết nguyên nhân vì sao mà con người phải chịu luân hồi sanh tử.

Qua sự tự chứng này Đức Phật cũng ngộ ra rằng: Luân hồi vốn là một sự thật hiển nhiên, nó áp đặt lên tất cả chúng sanh không chừa một người nào. Sự kiện này không phải do Đức Phật suy nghĩ tưởng tượng ra mà do Ngài chứng ngộ nhìn thấy và biết nó hiện diện trên thế gian này từ vô thủy vô chung, trước cả khi ĐứcPhật ra đời.

Túc Mạng Minh là trí tuệ sáng suốt biết rõ vô lượng kiếp quá khứ của chính bản thân hiện tại của Ngài. Sự chứng ngộ này xác định đời sống của con người có luân hồi. Trong kinh Bổn Sanh có ghi Đức Phật đã thấy rõ, nhớ rõ vô số kiếp trước của Ngài, như Ngài là ai, từng sanh ra ở đâu và làm gì?

Thắc mắc "Do đâu mà có con người?" được giải đáp qua sự chứng ngộ Thiên Nhãn Minh rằng -- Con người sanh ra do Nghiệp lựctheo quy trình Tương Quan Nhân Quả-- Hễ có Nhân thì sẽ có Quả: “Cái này có cái kia có. Cái này sanh cái kia sanh. Cái này không cái kia không. Cái này diệt cái kia diệt.”

Thiên Nhãn Minh là mắt tuệ sáng suốt, thấy tường tận chi tiết về quá khứ và tương lai của chúng sanh. Ngài thấy chúng sanh chết ở chỗ này lại sanh ở chỗ kia trong sáu nẻo. Ngài thấy cảnh con người đi tái sanh rõ ràng tựa như người đang đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua, người lại bên dưới. Như vậy, con người chết rồi không phải là hết, mà bị nghiệp dẫn đi thọ sanh trong lục đạo luân hồi.

Cũng trong đêm cuối cùng của tuần lễ thứ Tư, vào lúc canh Ba, dưới cội Bồ Đề, Đức Phật tiếp tục chứng được Lậu Tận Minh. Lậu là những thứ xấu xa ô nhiễm, là tham sân si, còn gọi là Nghiệp, là Nhân xấu hay tốt tích tụ từ nhiều đời trong tâm con người. Tận là chấm dứt. Nghĩa là Đức Phật biết rõ nguyên do nào khiến cho chúng sanh phải chịu luân hồi sanh tử. Nếu muốn được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử phải tu tập diệt bỏ hoàn toàn lậu hoặc.

Tóm lại, do tâm hoàn toàn an định, trí huệ tâm linh phát sáng, nên Ngài nhớ được tất cả mọi việc trong vô số kiếp quá khứ. Những điều Đức Phật chứng ngộ đối với tâm trí người phàm phu khó mà thấu hiểu, nhưng chúng ta không thể không đặt niềm tin vào những lời dạy của Đức Phật, bởi từ hơn 2,600 năm về trước Đức Phật đã từng tuyên bố những điều mà mắt người thường không trông thấy, thế nhưng ngày nay Khoa học đã chứng minh được qua kính hiển vi. Ngài đã nói rằng trong ly nước có tám mươi bốn ngàn con vi trùng.  Về không gian, thì Ngài nói rằng ngoài không gian bao la kia có hằng hà sa số thế giới không thể kể hết được.

Sau này khi đi hoằng pháp, Đức Phật đã mang thuyết luân hồi ra giảng giải cho chúng sanh. Ngài thuyết rằng sở dĩ con người chịu cảnh luân hồi sinh tử hết đời này sang đời khác, là do họ tự gây ra, chứ không một thần linh hay thượng đế nào nhúng tay vào việc này. Những hành động, lời nói, ý nghĩ tốt hay xấu, những đam mê, ghiền nghiện tích tụ từ nhiều đời, nhiều kiếp theo cho tới đời nàyvẫn còn tiếp tục huân tập thêm, gọi chung là Nghiệp. Nghiệp đó chính là Nhân. Đã có Nhân thì sẽ trổ Quả. Chính vì vậy mà sau khi chết con người vẫn phải tái sanh để hưởng Quả tốt nhờ đã tạo Nhân lành ở đời trước, hay thọ Quả khổ vì đã tạo Nhân ác hay Nghiệp ác.

 

III. LUÂN HỒI KHÔNG PHẢI LÀ SỰ TƯỞNG TƯỢNG MÔNG LUNG.

Thuyết luân hồi bao trùm cả vũ trụ. Trong vũ trụ có con người, vạn vật. Nói chung là bất cứ thứ gì có mặt trên thế gian này đều bị nằm trong vòng quay của luân hồi.

Thí dụ như quả địa cầu khổng lồ đang xoay tròn quanh một cái trục trong không gian. Do sự xoay tròn này, phía nào của quả đất hướng về mặt trời là sáng, phiá bị khuất là tối. Cho nêntrần gian mới có sáng có tối, có ngày có đêm. Sự kiện này xảy ra liên tục từ hằng triệu-triệu năm nay chưa chấm dứt. Sự kiện xoay vần của trái đất từ sáng qua tối, từ tối qua sáng, không ngừng nghỉ, đó là sự luân hồi của ánh sáng và bóng tối hay ban ngày và ban đêm.

Do sự xê dịch lúc gần lúc xa của quả địa cầu đối với mặt trời,cho nên sức nóng của địa cầu chỗ này khác chỗ kia. Từ đó, người thế gian mới phân chia không gian sống của họ thành bốn mùa Xuân,Hạ, Thu, Đông. Sự thay đổi xoay vần của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn tiếp tục chưa bao giờ dừng lại, đó là sự luân hồi của bốn mùa.

Bàn về luân hồi của vạn vật, chúng ta thử nhìn chung, tất cả cây cối lớn nhỏ, núi đồi cao thấp, sông dài, biển rộng... mỗi mỗi đều không thoát khỏi luân hồi.  Như từ hạt xoài, hạt cam, hạt bưởi, hạt quýt, hạt thông... Hạt nào rơi xuống đất, khi đủ điều kiện sẽ nảy mầm thành cây con. Cây con lớn lên theo thời gian đủ sức sinh hoa, đậu trái. Trái chín, nếu người ta không thu hoạch, trái rơi xuống đất, hạt rời ra, và khi đủ duyên sẽ lại mọc thành một cây mới. Đó là đời sống luân hồi của cây.

Nước sông, sóng biển cũng thế. Nước là thể lỏng gặp sức nóng của mặt trời sẽ bốc hơi. Hơi gặp lạnh thành mây. Mây gặp gió rơi xuống thành nước. Nước lại bốc thành hơi.... Cứ như thế mà xoay vần, nên nước cũng có đời sống luân hồi của nước. 

Bàn về con người, chúng ta thấy luân hồi còn rõ ràng hơn nữa. Phật dạy con người gồm hai phần: Danh và Sắc. Sắc là vật chất. Danh là tinh thần, là tâm. Danh và tâm đều có đời sống luân hồi của nó. Chẳng hạn thân con người gồm 4 yếu tố kết hợp, đó là: Đất, nước, gió, lửa. Những loại cứng tương ứng với đất, gồm các chất cứng trong cơ thể như da, thịt (cơ bắp), gân, xương, tóc, lông, răng, móng ... Máu, mủ, mồ hôi, nước mắt, nước mủi... được xem như là nước. Hệ thống hô hấp hoạt động do ta hít không khí vào, thở ra bằng mũi hay bằng miệng tạo hơi gió. Thân thể con người lúc nào cũng ấm áp tương ứng với lửa.

Khi nào bốn thứ đất, nước, gió, lửa trong cơ thể con người không hài hoà thì con người bị bệnh, hoặc thiếu một thứ, con người không thể sống. Khi con người chết thì bốn thứ này cũng tan rã trở về với vũ trụ thiên nhiên bên ngoài không mất đi, nên đất, nước, gió, lửa tức phần vật chất, hay thân của con người, cũng có luân hồi của nó.

Còn về Danh hay tâm của con người,nhìn chung thì tâm thay đổi không ngừng nghỉ. Lúc thì vui vẻ, lúc thì buồn rầu, lúc thương lúc ghét, lúc hiền lành, lúc dữ tợn. Khi khởi tâm vui thì lúc đó là sanh, và khi hết vui thì gọi là diệt. Khởi niệm suy nghĩ là sanh, hết suy nghĩ là diệt. Cứ sinh rồi diệt, hết diệt rồi sinh. Trong nhà Phật trạng thái này gọi là tâm sinh diệt. Nói cách khác, chúng ta có thể xem đó là tâm luân hồi.

Nhìn chung, mọi hiện tượng thế gian họp tan là do duyên quyết định, khiến vạn vật thay đổi hình tướng hay trạng thái. Ví dụ nước do duyên nóng bốc thành hơi, gặp duyên lạnh đóng thành khối (nước đá). Sự biến thái này do duyên quyết định. Đối với con người, Đức Phật xác định con người bị luân hồi là do lậuhoặc. Lậu hoặc còn thì sanh tử còn. Lậu hoặc hết thì chấm dứt luân hồi sanh tử.

 

IV. LẬU HOẶC HAY NGHIỆPLÀ NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN LUÂN HỒI

Lậu hoặc theo nghĩa trong nhà Phật là những chất ô nhiễm xấu xa, những đam mê ghiền nghiện, những suy nghĩ sai quấy đưa đến hành động hại mình hại người. Những thứ này huân tập trong tâm tưởng của con người từ nhiều đời nhiều kiếp, và đời này vẫn còn tiếp tục tạo thêm qua hành động từ thân miệng, ý. Những gì con người tạo ra dù thiện lành hay ác dữ… lâu ngày biến thành Nghiệp. Cho nên Nghiệp có hai loại: Thiện vàác.

- Nghiệp thiện:Là những điều suy nghĩ, lời nói, hành động mang lại an ổn vui vẻ cho mình và người. Giữ thân thanh tịnh bằng cách không sát sanh, hại người, hại vật. Không trộm cướp.  Không tà dâm. Giữ miệng lưỡi thanh tịnh làkhông nói dối, không nói lời ác độc, ly gián, thêu dệt v.v... Giữ Ý trong sạch là tâm không nghĩ xấu ác, không tham sân si.

- Nghiệp ác: Là có hành động, lời nói, ý nghĩ trái ngược với nghiệp thiện khiến tự mình chuốc lấy phiền não lo âu và tạo sự buồn phiền đau khổ cho người khác.

Nghiệp tự khái niệm trừu tượngkhông có hình dáng nhưng nócó khả năng lôi cuốn chúng ta đi khắp nẻo luân hồi. Càng tạo nhiều Nghiệp, tích trữ Nghiệp càng lâu, thì lực của Nghiệp càng mạnh, thuật ngữ gọi là Nghiệp lực.

Nghiệp lành hay dữ không tự nhiên có, mà do con người tạo nên, để cuối cùng con người không thể nào cưỡng lại sự dẫn dắt của Nghiệp để thọ Quả lành hay Quả dữtrong đời hiện tại, hoặc đời sau,hay bất cứ lúc nào khi đủ duyên Quả trổ.

 

V. SÁU CÕI LUÂN HỒI LÀ GÌ?

Hình ảnh sáu cõi luân hồi diễn tả sự tồn tại có điều kiện dẫn đến nơi mà chúng sanh sau khi chết phải đi tái sanh. Luân hồi là xoay tròn, tiếp nối lên xuống của mỗi chúng sanh trong sáu cõi. Khi tái sanh ở cõi này, khi đầu thai ở cõi khác, tiếp nối tử sinh, sinh tử không ngừng. Chỉ khi nào tu tập dẹp được lậu hoặc, chứng quả A-La-Hán thì mới thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử đó.Sáu cảnh giới thường được minh hoạ bởi Bánh Xe Sự Sống hay Vòng Luân Hồi gồm: Cõi Trời, A-tu-la, Người, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục.

1. Cõi Trời: Trong truyền thống Phật giáo, cõi Trời là nơi cư trú của chư thiên, là những vị thần tiên có phép thuật, hình dáng oai nghiêm, nhẹ nhàng, xinh đẹp hơn con người. Cõi Trời là nơi thanh thoát an vui, không có sự lo buồn, tức giận, đau khổ hay chán chường. Các chư thiên này, đời trước là những con người sống thiện lương, làm nhiều điều tốt lành, tạo nhiều phước đức, tu niệm chân chánh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh về cảnh giới này. Họ sống sung sướngchìm đắm trong cuộc sống an lạc không lo lắng gì cho ngày mai, bởi họ có quyền năng biến hóa, muốn gì được nấy. Cho nên các vị tiên này có khi quên hẳn việc tu hành phát triển tâm từ bi và trí tuệ của đời trước.

Trong kinh nói rằng cõi Trời rất rộng lớn và chia làm nhiều tầng, mỗi tầng ứng với mỗi cấp độ khác nhau về nghiệp lành. Như Hoàng hậu MahaMaya, sau khi sanh Thái Tử Tất-Đạt-Đa, nhờ đại phước báo sanh ra một vị Phật tương lai nên 7 ngày sau khi hạ sanh Thái tử, bà lìa bỏ thân người, thác sinh lên cung trời Đao Lợi. Một vị khác là Bồ tát Di-Lặc hiện đang ở trên cung trời Đâu Suất, chờ đủ nhân duyên sẽ xuống giáo hoá nơi cõi Ta Bà này. Trong kinh cũng cho biết Đức Phật Thích Ca, trước khi hạ phàm, ngài là Bồ Tát Hộ Minh ở cung trời Đâu Suất.

Chúng tiên không phải sống mãi ở cõi Trời, mà sau khi hưởng hết phước, chư thiên cũng không tránh khỏi luân hồi, nghĩa là phải chết, tuỳ theo nghiệp lực lúc sống lành hay dữ ,màcó thể được tái sanh trở lại làm người, hay sinh lên cõi Trời cao hơn, hoặc bị đoạ xuống các cõi dưới.

2) Cõi A-tu-la: Hình dáng không oai nghiêm bằng cõi trời nhưng cũng có phép thuật. A-tu-la là những sinh vật mạnh mẽ, là những người khi còn sống có nhiều tài năng nhưng tham danh lợi, tánh tình tự đắc, huênh hoang. Có khi là người tu hành tuổi hạ cao nhưng vẫn còn tham sân si, thích tán tụng công đức, đi đâu có tàng, có lọng che, có người hầu kẻ hạ, thích được tôn xưng bái lạy. Có thể họ là người có công với đạo pháp, xây nhiều tự viện cho mọi người tu tập, nhưng vẫn còn tham luyến sân si, được khen thì vui, bị chê thì giận v.v…Phúc đức của họ kém hơn chúng tiên ở cõi Trời, nên khi qua đời sanh vào cõi A-tu-la. Nếu sanh vào cõi A-Tu-La mà biết làm thiện, ít giận hờn, không đánh phá ai, sau khi chết sẽ sanh làm Người trở lại. Nếu chịu tu tập dẹp bỏ tánh hung dữ, không gây chuyện, không tranh giành, không đánh đập, không sân hận làm khổ chúng sanh xung quanh, thì sau khi chết sẽ sanh vào cõi Trời. Nếu sanh ở cõi A-Tu-La mà còn giận dữ, bỏn xẻn, ích kỷ thì khi bỏ thân A-Tu-La sẽ sanh vào Ngạ quỷ.

3) Cõi Người (Cõi Ta Bà hay gọi là thế giới loài người): Là nơi dành cho những người tạo Nghiệp lành trước khi chết, hoặc có lành có ác. Tuỳ theo Nghiệp mà người đó sanh ra đời đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay khổ đau. Cõi Người chia thành nhiều quốc gia và nhiều dân tộc khác nhau, vì thế mà khi tái sanh có người được sanh vào nước văn minh hưởng phước, có người tái sinh vào nước man di sống nghèo hèn khắc khổ.

Kinh sách thường khuyên: Kiếp này được sanh làm người thật là may mắn, hãy cố gắng làm phước, tạo nghiệp lành, giữ gìn năm giới để khi chết, được tái sanh lại làm người sống hạnh phúc, an vui, sung sướng. Hoặc tu thập thiện, tu Thiền để được lên cõi Trời hưởng phước.

4) Cõi súc sinh (Thế giới động vật):Đây là cõi giới của những loài động vật, gồm cả những con vật sống dưới nước, dưới mặt đất, trên mặt đất. Loài động vật có hai chân, bốn chân, nhiều chân hay có thân dài không chân, loài có lông có sừng, loài  cánh bay trên không trung hay loài côn trùng hoặc vi sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không trông thấy được... Súc sinh chỉ biết sống theo bản năng chớ không có lý trí. Những kẻ lúc còn sống ở thế gian chuyên chạy theo vật chất, ham muốn nhục dục thể xác, chuyên mua bán cần sa, bạch phiến, hút xách khiến đầu óc lúc nào cũng mê muội. Những người khi sống không từ những hành động tàn ác giết vật hại người. Khi chết bị đọa vào cõi súc sinh.

Ở cõi súc sinh này, khi cái chết đến, thường kết thúc bi thảm do loài này ăn thịt loài kia một cách dã man. Súc sanh sau khi chết tuỳ theo nghiệp lực đã tạo trước đó tốt hay xấuhoặc trả hết Nghiệp đời trước, mà được chuyển kiếp, hoặc bị đoạ trở lại cõi này.

5) Cõi Ngạ quỷ: Đây là cõi của những linh hồn khi còn sống tham lam vô độ, gian manh xảo quyệt, hối lộ tham nhũng, vơ vét của công, giết người cướp của, lấy của từ thiện làm của mình, thấy người đói khát lòng không mảy may thương xót còn đánh đập xua đuổi v.v... và v.v... Chúng Ngạ quỷ được mô tả bụng lớn, miệng và cổ thì nhỏ đến nổi không nuốt được đồ ăn thức uống nên đói khát triền miên.

6) Cõi Địa ngục (Cõi âm, lànơi chịu sự trừng phạt, đoạ đày, cực hình):Là nơi dành cho những con người đại gian đại ác, vô lương tâm, không tin nhân quả, chuyên khủng bố, giết người không gớm tay, gây tai hoạ đau thương nghiệt ngả cho vô số đồng loại và giết hại cả những loài động vật vô tội. Khi chết bị đày xuống địa ngục để trải nghiệm sựđau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Kinh Địa Tạng mô tả địa ngục phân chia thành nhiều tầng khác nhau, chúng sanh ở địa ngục tùy vào mức độ và hành vi của họ gây ra mà bị đọa vào tầng thích hợp. Theo Phật giáo, chúng sanh sống ở địa ngục, sau khi chịu trừng phạt vì những tội lỗi đã gây ra, có thể tái sanh vào cảnh giới cao hơn như súc sanh hay cõi người để tiếp tục trả Nghiệp.

 

V. SÁU CÕI LUÂN HỒI NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI

Thuyết luân hồi trong đạo Phật mô tả hình ảnh một vòng tròn sự sống chết của con người không bao giờ dừng, do Nghiệp lực thúc đẩy. Nghiệp lực ấy do chính con người tạo ra, và bị nó làm chủ thúc đẩy sau khi chết tái sanh vào một cõi tương ứng với hành vi tốt xấu của mình lúc còn sống vào một trong sáu cõi luân hồi, từ đời này sang đời khác, và cứ tiếp tục như thế không bao giờ chấm dứt, nếu con người không chịu tu tập để được giác ngộ giải thoát.

Với cái nhìn của người tỉnh ngộ, thì sáu cõi luân hồi chính là sáu cảnh giới xuất hiện ngay trên thân tâm của con người khi họ còn sống ở trên thế gian này, chứ không phải chờ sau khi chết mới chịu luân hồi tái sanh. Sáu cõi luân hồi là sáu trạng thái tâm của con người như sau:

- Những bậc chân tu sống thầm lặng bình thản, tâm hồn luôn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh, họ sống vui vẻ thoải mái, không buồn lo, dính mắc như người đời, cũng xem như họ là những  bậc tiên nhân đang sống ở cõi Trời vậy. Có những người tuy đang sống ngoài đời, nhưng tu thập thiện, họ sống có đạo đức, không làm khổ mình, khổ người, không làm điều ác, toàn làm điều thiện, tâm không tham lam, thường hay tu hạnh bố thí, không bị dục vọng lôi cuốn, nên tâm trạng họ lúc nào cũng cảm thấy bình yên vui vẻ. Những người này tuy sống ở cõi Người mà không khác gì đang ở cõi Trời.

- Những Phật tử giữ giới luật, hoặc những người chưa quy y Tam Bảo nhưng sống hiền lành đạo đức, không sát sanh giết người giết vật, không tham lam trộm cướp, không để dục vọng tà dâm lôi cuốn, không nói lời hung dữ gây đau khổ cho người, không cờ bạc rượu chèđánh mất lương tri. Nhờ những đức lành này nên được sanh vào cõi Người. Cõi Người thì có khổ có vui. Muốn thoát khổ thì chọn cuộc sống tu hành loại bỏ tham ái dục vọng thì tâm sẽ được thảnh thơi nhẹ nhàng.

- A-Tu-La ám chỉ những người hay sân hận, giận dữ, không biết nhường nhịn, chỉ biết la hét, đánh đập đối phương. Những người này lúc nào cũng tự cho mình là đúng. Ngay cả khi họ có lòng tốt làm việc thiện, họ cũng dễ dàng nổi cáu, có cử chỉ hành động lời nói làm tổn thương người được họ giúp đỡ. Họ muốn những người này phải nhớ ơn họ và làm những gì theo ý họ muốn. Tóm lại A-Tu-La là nhưng người thường sống trong tâm trạng sân hận, ưa tranh cải, thích đánh nhau với người khác.

- Những người bất hạnh, nghèo hèn, khổ sở luôn thiếu ăn thiếu mặc. Mùa đông phải chịu lạnhMùa hè phải chịu nóngMùa mưa phải chịu ướt. Cuộc sống thiếu thốn đủ mọi mặt. Người luôn sống trong tâm trạng thèm thuồng đói khát này cũng giống như tâm trạng của loài ngạ quỷ.

- Người bị xếp vào hạng súc sanh là vì tuy thân họ mang hình người mà bản chất sống của họ giống như loài thú. Luôn sống theo đòi hỏi của bản năng, thoả mãn dục vọng. Sống không hề có lý trí cũng như đạo đức.

- Người sống trong địa ngục là người bị đọa đày đau đớn không lúc nào ngừng, có thể so sánh như những người sống trên đời mang thân bệnh hoạn đau đớn triền miên thế lúc nào tâm họ cũng bị dày vò khốn khổ. Cuộc sống của những người này giống như chúng sanh đang bị hành hạ ở Địa ngục vậy.

 

VII. KẾT LUẬN

Tìm hiểu ý nghĩa của thuyết luân hồi sanh tử qua sáu nẻo: Trời, Người, A-Tu-La, Ngạ quỷ, Súc Sanh và Địa ngục trong đạo Phật, không phải để chán nản, thất vọng, rồi buông lơi xả láng, hay mù quáng mê tín dị đoan, mà để tự mình chăm sóc cải thiện đời sống của chính mình từ buồn phiền, sân hận, hay từ phóng túng, vô đạo đức… sang một đời sống vui tươi hạnh phúc, có lợi cho mình và có lợi cho nhân quần xã hội.

Trong sáu cõi luân hồi, với nhục nhãn phàm phu chúng ta chỉ thấy được hai cõi là Cõi Người và Cõi Súc Sinh. Còn bốn cõi kia thì chúng ta chỉ biết được theo trong kinh sách kể lại. Nhưng không thấy chưa hẳn là không có.

Sự thật là chúng ta hiện đang ở trong Cõi Người.  Làm sao chúng ta có thể giải thích, cũng thời là con người mà có người da vàng, da trắng, da đen hay da đỏ. Có người tóc đen, tóc vàng hay tóc đỏ. Có người xinh đẹp, giàu sang, sung sướng, có người tật nguyền, đau khổ cảđời. Để giải thích những điều này, Đức Phật là bậc giác ngộ đã nói cho chúng ta biết, con người sanh ra bởi Nhân Quả, bởi Nghiệp. Đại khái nếu trong đời sống này, mình làm việc xấu ác gây khổ cho người, thì nơi tái sanh sắp tới của mình sẽ tương ưng với đời sống khổ phiền nghèo đói. Ngược lại nếu đời này mình sống tốt với mọi người, thì đời sau mình cũng có đời sống tốt đẹp.

Cõi Người là cõi dục, con người sanh ra do đam mê, ham muốn, hoài nghi, ngã mạn, tham, sân, si… tựu trung Đức Phật gọi những thứ đó là lậu hoặc, lậu hoặc huân tập lâu ngày thành Nghiệp. Con người không tu tập giác ngộ thì mãi là nô lệ của Nghiệp, mãi mãi phải chịu luân hồi sanh tử. Sau khi chết, thân tứ đại tan rã, trả lại cho thiên nhiên, chỉ còn lại cái tâm là tử thức, do Nghiệp làm chủ, nó dẫn đi đâu thì thức tái sanh phải đi theo tới đó. Mà Nghiệp dẫn đi đâu?  Trong kinh nói là đi tái sanh một trong sáu cõi.

Muốn biết hay thấy được sáu cõi luân hồi thì con người phải tu tập. Có hai cái thấy về sáu cõi luân hồi.

Đó là cái thấy luân hồi xảy ra ngay trong đời sống hiện tại của chính mình qua sự tu tập, khai mở tuệ tri và nhận ra nó. Và cái thấy siêu việt tuyệt đối vượt không gian và thời gian, đócái thấy của Đức Phật bậc toàn giác.

Tóm lại, dù sanh ra ở Cõi Người không được hoàn toàn sung sướng như ở cõi Trời. Nhưng trong kinh có ghi là muốn thành Phật thì phải sanh ra làm người để tu. Ở cõi Người có vui có khổ. Có người nghèo đói khổ sở thì mình mới tu được hạnh Bố Thí, Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, xả). Con người cóác độc mình mới tu được hạnh Nhẫn Nhục v.v… Còn những cõi khác thì thật khó tu. Thí dụ như cõi Trời, tất cả chúng tiên không ai khổ, người nào cũng sống hưởng thụ vui vẻ không nghĩ đến tương lai, nhưng đến khi hết phước lại bị đoạ xuống những cảnh giới khác. Chúng thần ở cõi A-Tu-La thì sân si làm mờ lý trí. Cõi súc sanh thì sống với bản năng, làm sao mở mang trí tuệ. Cõi Ngạ quỷ cả đời đói khát chỉ biết nghĩ đến miếng ăn không nghĩ đến cái gì khác. Chúng sanh ở Địa ngục bị hành hình đau đớn không lúc nào yên, làm gì có thời giờ để nghĩ đến việc tu hành?

Riêng ở cõi Người, nếu may mắn có tấm thân khoẻ mạnh đầy đủ các căn, lại có bộ não nguyên vẹn. Đây là một phước báu lớn mà con người đã dày công vun bồi từ bao nhiêu đời mới cóđược. Chúng ta đừng để dục vọng lôi kéo sa vào đời sống tội lỗi tạo nghiệp xấu, để ngay khi còn sống, cũng như sau khi chết bị đoạ vào cõi tối tăm nhiều đau khổ.

Thuyết luân hồi hay sáu nẻo luân hồi sanh tử trong đạo Phật là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta hãy sớm tu tập theo lời Phật dạy: Hãy sống một đời đáng sống, nghĩa là sống đạo đức, sống thương yêu, sống đúng với tiêu đề “Chân Thiện Mỹ”, sống có lợi cho người và lợi cho mình trong hiện tại và tạo Nhân lành cho đời sống tương lai, hoặc sâu sắc hơn là sống và tu tập theo lời Phật dạy để sớm giác ngộ thoát khỏi bánh xe luân hồi sanh tử.

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(Chân Tâm thiền đường)

15-5-2020

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 7205)
Người tu gánh vác được giáo pháp của Phật, làm lợi ích cho đời đều là những người trước hiếu thảo với cha mẹ. Kế đến biết quí kính Thầy Tổ là bậc tiền bối đã duy trì Phật pháp tồn tại, ngày nay chúng ta mới biết để tu hành. Nếu đi tu chỉ muốn cho thân mình được nhàn hạ sung sướng, mà không nghĩ đến công ơn của những bậc tiền bối,
11/12/2013(Xem: 23685)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
10/12/2013(Xem: 19249)
Những người dân Tây Tạng thân mến của tôi, ở cả trong lẫn ngoài đất nước Tây Tạng, cùng tất cả những ai đang tu tập theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng và những ai đang có những nối kết với Tây Tạng và người Tây Tạng.
10/12/2013(Xem: 19607)
Cánh cửa của thế kỷ 20 sắp khép lại, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng thế giới đã trở nên nhỏ hơn, loài người trên hành tinh đã trở thành một cộng đồng lớn, các liên minh về chính trị và quân sự đã tạo ra những khối đa quốc gia, làn sóng của thương mại và công nghiệp thế giới đã cho ra nền kinh tế toàn cầu, những phương tiện thông tin của thế giới đã loại bỏ những chướng ngại về ngôn ngữ và chủng tộc.
10/12/2013(Xem: 24514)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
10/12/2013(Xem: 9566)
Đây là một đề tài khá phức tạp và dễ bị hiểu lầm. Có câu nói: ‘Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước đi (a journey of a thousand miles begins with a single step). Vì vậy, vấn đề cần phải nêu ra là khi nào và từ đâu chúng ta bắt đầu cất bước trên con đường tâm linh? Đa phần chúng ta đi tìm con đường tâm linh cho mình khá trễ. Trễ là do mình không cảm thấy nhu cầu cần thiết cho tâm linh lúc trẻ vì quan niệm rằng chùa chiền không thể nào giải quyết được những ưu phiền, đau khổ trong cuộc sống của tuổi trẻ. Chùa là dành cho những người lớn tuổi, xế chiều. Họ cần đến chùa là để vun bồi phước đức như làm việc thiện, bố thí, công quả .v..v… để ‘sau này’ được hưởng phước tốt lành.
09/12/2013(Xem: 6850)
Gia đình nghèo kia có ba người: Bố – Mẹ – và Con trai. Họ sống âm thầm và bình lặng trong một thôn làng hẻo lánh, người Bố đi làm thuê để kiếm cơm gạo nuôi gia đình, người mẹ lo việc bếp núc, trồng mấy luống rau, và chăm sóc con. - Một buổi trưa hè nắng nóng, người mẹ trên đường từ chợ về nhà chợt nhặt được một trái cam ai đó đánh rơi bên đường, cơn khát và mệt nhọc dường như tiêu tan khi bà nghĩ đến miếng cam ngọt lịm và mọng nước. Nhưng nghĩ đến đứa con ngoan ngoãn chẳng mấy khi được ăn hoa trái thơm ngon, bà liền lau sạch trái cam và cất vào túi.
09/12/2013(Xem: 8534)
Giáo lý đạo Phật không chỉ nói về những vấn đề “xuất thế”, mà Đức Phật cũng đã rất chú trọng về vấn đề “nhập thế” - hoàn thiện nhân cách trước khi đạt được thánh cách - giúp cho tất cả chúng ta một phương pháp ứng xử phù hợp với đạo lý làm người, tạo nên một nhân cách sống. Nhân cách sống đó, dù bất cứ ở đâu và bất cứ thời điểm nào, cũng có thể ứng dụng và mang lại những kết quả tốt đẹp...
09/12/2013(Xem: 8692)
Có thầy trò một nhà kia làm nghề hát xiệc. Người thầy là một người đàn ông góa vợ và người học trò là một cô gái nhỏ tên là Kathullika. Hai thầy trò đi đây đó trình diễn để kiếm ăn. Màn trình diễn của họ là người thầy đặt một thanh tre cao trên đỉnh đầu mình, trong khi bé gái leo dần lên đầu cây rồi dừng lại trên đó, để người thầy tiếp tục đi trên đất. Cả hai thầy trò đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một mức độ khá cao, để giữ thăng bằng và để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]