Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Trao Thân

03/01/201916:04(Xem: 15342)
13. Trao Thân

Trao Thân

(giọng đọc Thanh Thủy)

 

Thỏa mãn dục vọng chính là sự ích kỷ hoàn hảo nhất. Vì tuy được hưởng thụ nhưng lại thấy mình bị thiệt thòi ngay sau đó.

 

 

 Ý thức trách nhiệm

 

Khi ta và người ấy đến với nhau vì những đồng cảm chân thành, sẵn sàng chia sớt cho nhau những gian khó và hiến tặng những niềm vui thì đó là một tình thương đích thực. Nhưng nếu ta bị những hình ảnh và giọng nói của người kia chiếm hết bộ nhớ, khiến ta thẫn thờ mơ mộng, lúc nào cũng mong muốn được gặp mặt nhau, thậm chí khát khao được chạm vào thể xác nhau thì chứng tỏ ta đang bước vào giai đoạn yêu. Cảm xúc bây giờ nghiêng về phía tính dục. Trí tưởng tượng cũng tham gia phóng đại cảm xúc lên gấp nhiều lần, khiến ta có cảm tưởng như trên đời này không có thứ gì tuyệt vời hơn thế nữa.

 

Khi ấy, từ sâu thẳm trong ta phát sinh nguồn năng lượng rất lạ, khiến ta vừa sung sướng lại vừa hoang mang. Mọi thứ trong ta gần như đảo lộn. Ta không còn giữ được sự thăng bằng và tự chủ khi ngồi một mình, khi làm việc, hay tiếp xúc với bất kỳ người nào khác. Thế rồi, cảm xúc yêu đương trong ta bỗng muốn được thăng hoa gấp bội. Nó thúc đẩy ta kết hợp với cảm xúc tự nguyện của người ấy. Sự cộng hưởng này sẽ tăng tới mức cao nhất khi hai bên chấp nhận trao thân cho nhau, ước muốn thắt chặt quan hệ với nhau, mà thực chất chính là tình trạng muốn tương tác cao độ và ràng buộc cảm xúc của nhau. Sự kết hợp này nếu không đứng trên nền tảng của một tình thương đích thực thì đó chỉ là một sự lợi dụng hay một sự đổi chác cảm xúc. Và đó chính là điểm khác biệt của tình yêu - vừa muốn hưởng thụ cảm xúc mà cũng vừa muốn chịu trách nhiệm cho cuộc đời nhau.

 

Vậy mà khi quyết định trao thân, ta thường chỉ quan tâm tới cái khát khao muốn được nếm trải cảm xúc bay bổng nhất của tình yêu mà không hề ý thức (hoặc ý thức một cách mơ hồ) về trách nhiệm. Tại sao phải chịu trách nhiệm khi cả hai cùng tự nguyện chia sẻ cảm xúc? Chỉ cần nhắc nhau cẩn thận đừng để cho tình trạng thụ thai xảy ra là được, đâu có ai mất mát gì đâu! Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Cảm xúc yêu đương bùng vỡ sau khi hai thể xác hòa hợp cùng nhau, sẽ làm toàn bộ cơ chế tâm thức của đôi bên xáo trộn dữ dội. Nó phát sinh một cách đột biến hàng loạt những tâm lý phức tạp như: giận hờn, ghen tuông, nghi ngờ, sợ hãi, lạc lõng Bởi trong sâu xa, mỗi bên đều ngầm chứa ý muốn "độc quyền" sở hữu nhau để lấy lại những gì quý giá đã hiến tặng cho nhau. Ngoài ra, khi dễ dàng đạt được đỉnh cao của cảm xúc, ta sẽ không còn cảm hứng và thiện chí để hiểu biết và thương yêu nhau sâu sắc hơn, để xây dựng liên hệ bền vững hơn. Vì lẽ đó, khi cảm xúc thỏa mãn trong ta yếu dần hoặc chuyển hướng thì sự bội bạc rất dễ xảy ra.

 

Trong bất cứ liên hệ tình cảm nào cũng cần có sự dẫn dắt, bên nào mạnh sẽ kéo bên kia theo. Một khi định hướng sai lầm, thay vì giúp nhau phát huy sự hiểu biết và nghị lực để vượt qua bản năng, hòa điệu với mọi người và sự sống, thì ta lại đưa người yêu của mình đơn độc đi về phía hưởng thụ để vô tình trở thành "con nghiện cảm xúc". Nên sớm muộn gì tình yêu kia cũng sẽ cạn mòn sinh lực và lụi tàn. Kết cuộc cả hai đều xảy ra thương tích mà phía nữ thường nặng nề hơn. Bởi cấu trúc tâm sinh lý của "phái yếu" vốn rất nhạy cảm nhưng lại mỏng manh, nên rất dễ bị thương tổn. Tệ hại hơn nữa là tâm thức sẽ hình thành cơ chế rất bén nhạy về dục vọng và nó mặc định luôn mức thỏa mãn đã từng đạt được. Điều này sẽ hành hạ ta ít nhiều trong thời gian ta phải sống một mình. Nếu mau chóng tìm được đối tượng khác trong khi chưa thực sự chuyển hóa năng lượng ham muốn ấy thì chắc chắn ta sẽ dễ lặp lại vết xe cũ, hoặc sẽ gập ghềnh khi đối tượng mới nghiêng về phía nguyên tắc của khối óc hơn là cảm xúc của con tim.

 

  

Thái độ kính trọng

 

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, người vợ không bao giờ được thay áo trước mặt chồng. Dù sống với nhau lâu năm, nhưng họ vẫn kính nhau như khách (tương kính như tân). Đã là vợ chồng, nhưng mỗi khi liên hệ xác thân họ vẫn giữ gìn nhiều thủ tục rất trang trọng, để cho đối phương hiểu rằng: hai thể xác chỉ hòa quyện, khi hai tâm hồn đã thật sự hòa quyện. Thế nhưng, cụ Nguyễn Du lại có những vần thơ rất lạ: "Trong khi chắp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên" (Truyện Kiều). Quả thật, nếu thiếu sự tinh tế, thấu hiểu và trao nhau đầy đặn ân tình, thì đằng sau lớp cảm xúc thăng hoa kia sẽ phát sinh niềm khinh rẻ rất lớn về sự thèm khát vô độ hay sự buông mình dễ dãi của nhau. Sự thất kính này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những xung đột chẳng đáng vào đâu trong đời sống lứa đôi. Nên có thể nói thỏa mãn dục vọng chính là sự ích kỷ hoàn hảo nhất. Vì tuy được hưởng thụ nhưng lại thấy mình bị thiệt thòi ngay sau màn kết thúc.

 

Huống chi, ta và người ấy chưa chính thức tuyên bố trách nhiệm sống chung với nhau trước cộng đồng, chưa thông qua những hình thức trang nghiêm của truyền thống gia đình, pháp luật hay tôn giáo, để buộc đôi bên phải cố gắng dập tắt những dự phòng toan tính khác mà đảm bảo sự thủy chung. Cho nên, "trao thân gửi phận" là nguyên tắc rất trí tuệ để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Chỉ khi nào ta chính thức "gửi phận" thì mới chấp nhận "trao thân". Hai cái này không thể tách rời nhau được. Vì vậy, lễ cưới cũng trở nên quan trọng và cần thiết để gia đình, bạn bè, chòm xóm cùng chứng minh ngày ta chính thức trao trọn cuộc đời cho nhau. Năng lượng tập thể sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp ta vượt qua nhiều thử thách và khó khăn trong đời sống hôn nhân. Nghĩ đến ngày đó, ta sẽ ít dám quyết định bỏ nhau khi chưa kịp lấy đủ sức để đi tiếp.

 

Ở  xã hội Tây phương, người ta sống chung với nhau có khi năm bảy năm rồi mới cưới. Ngày ấy có khi không bao giờ xảy ra, vì họ không còn thấy ý nghĩa thiêng liêng của nó nữa. Cũng có thể vì họ đã nhàm chán nhau trước đó. Ở những nước kinh tế phát triển càng mạnh thì số lượng thanh thiếu niên tự vẫn lại càng cao. Phần lớn những người trẻ đó đều là nạn nhân của sự đổ vỡ quan hệ tình cảm trong khi sống thử. Họ không chịu đựng nổi cảm giác chơi vơi khi không còn chỗ bám cho thói quen cảm xúc và thấy thật tổn thương khi cái tôi bị hất hủi. Đó là một trong những bi kịch lớn nhất của thời đại. Càng có nhiều điều kiện hưởng thụ thì con người càng trở nên yếu đuối; càng văn minh thì con người lại lui về với lối sống bản năng hoang dại. Khi mất niềm tin vào hạnh phúc gia đình và cuộc sống, những người trẻ rất dễ trở thành nạn nhân của sự cô đơn lạc lõng. Vì thế, họ cũng dễ dàng buông mình vào con đường hưởng thụ vô trách nhiệm.

 

Một tình yêu chân chính phải luôn biểu lộ sức sống vươn lên, không thể là thứ đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sức khỏe, tàn phá trí tuệ và tàn phá cả lý tưởng. Giả sử, có một người yêu ta ít nhưng kính trọng nhiều và một người yêu ta nhiều nhưng kính trọng ít thì ta sẽ chọn người nào? Người yêu ta nhiều chắc chắn sẽ đem tới những cảm xúc thỏa mãn hấp dẫn, nhưng cũng sẽ dễ dàng bỏ mặc ta đương đầu với những hậu quả khổ đau bất kỳ lúc nào. Chỉ có người hết lòng kính trọng ta mới có ý thức trách nhiệm với cuộc đời ta. Mà chịu trách nhiệm với nhau chính là đã yêu thương nhau đích thực rồi.

 

Nếu đã thấy được khổ đau do hành vi thỏa mãn nhục dục không đúng nguyên tắc gây ra, thì từ nay ta hãy cam kết sẽ không trao thân với người không phải là vợ hay chồng của mình. Ta không tán thành kẻ phản bội lời cam kết hôn phối và còn học theo tinh thần trách nhiệm bảo vệ tiết hạnh và an toàn cho mọi người. Ngoài ra, ta còn quyết tâm ngăn chặn không cho thói tà dâm tiếp tục gây ra đổ vỡ gia đình và xã hội. Nếu tất cả các bạn trẻ ở khắp mọi nơi đều thực tập được như thế thì thế giới sẽ tiết kiệm được một nguồn năng lượng khổng lồ. Năng lượng ấy dành để tạo dựng lại nếp sống văn minh tâm hồn.

 

 

Ôi đóa hoa thơm ngát

Đang nở nụ cười xinh

Nhìn nhau trong cẩn trọng

Đẹp thay những ân tình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/12/2016(Xem: 11986)
Tôi tình cờ có được cuốn sách “Nhân tố Enzyme – phương thức sống lành mạnh” của tác giả Hiromi Shinya một cách tình cờ. Tôi đọc ngấu nghiến một mạch hết cuốn sách bởi được dịch giả Như Nữ khuyên rằng tôi rất nên đọc. Phải nói thật rằng, vốn là con mọt sách, mê đọc sách vô cùng, nhưng đã lâu lắm rồi tôi mới đọc được 1 cuốn sách thú vị và bổ ích đến thế. Cá nhân tôi rất ấn tượng với tít phụ trên bìa sách rằng đây là phương thức sống lành mạnh và lời nói đầu đặt ra vấn đề, rằng bạn có thể sống lâu mà không bệnh tật của chính tác giả.
25/12/2016(Xem: 9339)
Kinh chuyển Pháp luân là bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca sau khi Ngài đã đắc đạo. Ngài đã thuyết giảng bài Kinh này cho 5 người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia là Kondanna (người Trung Hoa phiên âm là Kiều Trần Như), Bhaddiya, Vappa, Mahanama, Asaji tại vườn Lộc Uyển (Deer Park). Bài thuyết Pháp này được ghi lại trong Bộ Kinh Tương Ưng (Samyutta Nikaya) quyển V (Pali edition, p.420).
24/12/2016(Xem: 8232)
Trong từ đạo Phật, "đạo" là con đường, "Phật" là giác ngộ. Thực hành lời Phật chỉ dạy đi con đường giác ngộ giải thoát, đó mới là tu.
22/12/2016(Xem: 10726)
Lợi ích của thiền hành Hòa thượng U Silananda Trong các khóa thiền tập của chúng ta, các thiền sinh phải tập chú niệm trong cả bốn tư thế đi, đứng, ngồi, nằm. Họ phải duy trì chánh niệm trong mọi thời khắc, ở mọi tư thế của họ.
22/12/2016(Xem: 8306)
Mẹ ưu sầu suốt một tháng qua. Có lẽ giữa mẹ và cha có bất đồng xích mích về chuyện gì đó, mà tôi không được rõ. Cha mất việc làm, nói đúng là bị đuổi việc, bởi một sự trù dập trả đũa về chuyện cha viết bài báo tố cáo những hành vi tiêu cực của ban giám đốc cơ quan.
22/12/2016(Xem: 10627)
Khi đông vừa tàn là xuân đến, vẽ đẹp cao quý trong ngày xuân là mọi người có dịp làm mới lại những truyền thống văn hóa, đạo đức và di huấn của tổ tiên chúng ta để lại. Những người con Việt dù ở đâu không quên văn hóa mừng xuân, gửi cho nhau câu chuyện tâm tình về quê hương xứ sở.
22/12/2016(Xem: 28400)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/12/2016(Xem: 8272)
Ngày cô gái chuẩn bị về nhà chồng, cô đến đảnh lễ Phật và xin đôi lời dạy bảo. Phật nói cô giữ gìn 2 điều: Một là, đừng mang lửa từ nhà ra ngoài và cũng đừng mang lửa từ ngoài vào nhà. Hai là phải luôn soi gương. Cô gái không hiểu, xin Phật dạy rõ.
18/12/2016(Xem: 6111)
Như thông lệ hằng năm, giữa tháng 12 là lúc thời điểm Pháp hội Puja of Merit Accumulation khai hội tu tập & cầu nguyện cho'' Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc'' tại Bồ Đề Đạo Tràng. Nhân cơ duyên này, chúng tôi đã được quí vị pháp hữu, thiện hữu phát tâm cúng dường gieo duyên cùng Pháp hội và chư Đại tăng trong thời gian 1 tuẫn lễ pháp hội diễn ra. (Dec 15 to Dec 22-2016)
14/12/2016(Xem: 13233)
Bước vào thiên niên kỷ mới, trong mười năm của giai đoạn đầu tiên (2006-2016), Phật giáo đã khai dụng được nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối diện với lắm thách thức giữa một thế giới đầy biến động. ● Xin nhận diện một số cơ hội: Xu thế mà người dân trong hai lục địa Âu và Mỹ đón nhận Phật giáo vừa như một triết lý sống nhân bản, vừa như một khoa học trị liệu hiệu quả đã bước qua khỏi giai đoạn nghiên cứu kinh viện để lan tỏa ra trong nhiều lãnh vực ứng dụng thiết thực khác của đời sống. – Hiện tượng những tổ chức Phật giáo quốc gia đơn lẽ đang nhịp nhàng gia nhập vào các mạng lưới Phật giáo quốc tế đã trở nên chặt chẻ hơn. – Những công trình nghiên cứu và khảo sát kinh điển Phật pháp càng lúc càng nhiều và càng có phẩm chất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin khi xử lý các văn bản. – Nghệ thuật và văn học Phật giáo được giới trí thức trên thế giới khám phá và xác nhận như một dòng chủ lưu đóng góp vào những giá trị nhân văn của nhân loại – …
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]