Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con đường Trung đạo

07/03/201722:38(Xem: 8238)
Con đường Trung đạo
Con đường Trung đạo
                  con-duong-trung-dao        
GS Nguyễn Vĩnh Thượng

 

Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong các bậc cao minh lượng thứ và sẽ phủ chính cho những sai lầm. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả để bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
NVT

Trong bài này, tôi sẽ trình bày:
I.-Đức Phật – Con đường Trung đạo.
II.-Long Thọ (Nagarjuna) - Con đường Trung đạo.
III.-Đức Dalai Lama thứ 14 - Giải pháp Trung dung cho Tây Tạng.
IV.-Khổng tử - Con đường Trung dung.
V.- Áp dụng thuyết Con đường Trung đạo trong cuộc sống hằng ngày.

 

 

I.-Đức Phật – Con đường Trung đạo:


Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài nói:
“Này các thầy Tỳ Kheo! Phép tu hành theo con đường ở giữa mà Như Lai đã ngộ là sự tu hành để phát triển nhãn quan, tri kiến, đưa đến sự an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn là gì? – Đó là Bát Chánh Đạo"
(Kinh Chuyển Pháp Luân, bản dịch và chú của NVT)

     Đức Phật gọi Bát Chánh Đạo là con đường Trung đạo/ con đường ở giữa (Pa. Majjhimāpaṭipadā; Sa. Madhyamāpratipad, HV. 中道  Trung đạo, Av. Middle Way/ Middle Path) bởi vì Bát Chánh Đạo tránh tất cả các cực đoan trong các cách ứng xử ở đời, và trong các quan điểm.
      Câu chuyện của cuộc đời Đức Phật lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng sau khi Ngài đã giác ngộ Ngài đem lý thuyết Con đường Trung đạo mà Ngài đã chứng ngộ để giảng cho 5 vị đệ tử đầu tiên. “Con đường Trung đạo” là một phương pháp được đưa ra để thực hành chứ không phải là một niềm tin siêu hình.
(Xem thêm bài “Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca” của NVT)

      Chúng tôi xin tóm tắt như sau: Đức Phật nguyên là một Thái tử, sống một đời vương giả quyền quý trong Kinh thành. Vua cha của Ngài muốn bảo vệ và ngăn cản Ngài khỏi những nhận biết về sự khổ sở ở đời bằng cách cung phụng những thú vui dục lạc được khép kín ở trong cung đình. Tuy nhiên, là một thanh niên lớn lên, Ngài đã tò mò muốn biết những gì xảy ra ở ngoài cung vua, nên Ngài đã dùng xe ngựa để trốn ra khỏi thành vua bằng cách qua mắt các kẻ trông nom mình. Khi ra được thế giới bên ngoài của hoàng cung, Ngài đã tham quan 4 nơi, và mỗi nơi Ngài chứng kiến được một cảnh tượng: người già, người bịnh, người chết và vị tu sĩ khất thực. 3 cảnh đầu tiên đã giúp Ngài nhận thức về sự khổ đau của cuộc đời, cảnh thứ 4 giúp Ngài nhận thức được sự thanh thản của cuộc đời. Với ảnh hưởng của 4 lần tham quan này, Đức Phật đã quyết định đi tìm giải pháp để diệt trừ sự khổ đau của cuộc đời mà Ngài đã chứng kiến. Ngài đã rời khỏi Kinh thành và quyết định trở thành tu sĩ khất thực, Ngài đã đi lang thang vào rừng sâu. Nơi rừng sâu, Đức Phật đã theo học với hai vị thầy tu khác nhau về thiền học, nhưng Ngài vẫn chưa tìm được chân lý như mình ước muốn mặc dầu Ngài đã học tất cả những gì hai bậc thầy này truyền dạy. Rồi Đức Phật đi theo 5 vị thầy tu khổ hạnh, cách tu khổ hạnh là nhịn ăn và tự hành xác của mình với niềm tin rằng mình sẽ đạt được một ân thưởng trong đời sống tương lai. Nhưng sau đó, Đức Phật nhận thấy rằng lối tu khắc khổ có nhiều giới hạn, Ngài quyết định bỏ cách tu khắc khổ, bỏ việc nhịn ăn, nhịn uống. Ngài nhận thức rằng cả hai lối sống hưởng thụ dục lạc và sống khắc khổ không hoàn hảo; và Ngài khẳng định rằng Ngài cần phải tìm một con đường khác. Ngài chợt khám phá ra được “con đường trung đạo”.

 Con đường Trung đạo (Pa.Majjhima patipada, Sa. Madhyamāpratipad, Anh. Middle Way, Việt Hán. Trung đạo 中道) là con đường loại bỏ hai cực đoan để đạt được sự giải thoát khỏi dukkha, Đức Phật nói:
    1.-Một cực đoan là chìm đắm trong dục lạc (sensual pleasures), một dự tính loại bỏ những điều “không hài lòng” bằng cách thỏa mãn những dục vọng. Cách này đem đến những sự thỏa thích, những sự thụ hưởng đạt được chỉ có tính cách tạm thời và không đi vào chiều sâu của sự hài lòng. Đức Phật nhận thức rằng dục lạc là những trải nghiệm đã bám chặt vào tâm tư của chúng sanh, và Ngài đã nhận thức một cách sâu sắc rằng đó là những sự bám víu nóng bỏng, đã trở thành những thỏa thích dục lạc  của chúng sanh bình thường. Đức Phật đã thấu hiểu rằng những dục lạc ấy thấp kém hơn những hạnh phúc đến từ sự từ bỏ các dục lạc ấy. Do đó, Ngài đã dạy nhiều lần rằng con đường đi tới mục đích tối thượng Nirvana đòi hỏi phải từ bỏ dục lạc. Đức Phật nói rằng những khoái lạc trong dục lạc thì thấp hèn, phàm tục và vô ích, nó không dẩn đến mục đích tối thượng.

   2.-Một cực đoan khác là sự thực hành lối tu hành xác, nhằm cố gắng đạt được sự giải thoát bằng việc làm đau đớn thân xác của mình. Con đường này đi đến kết quả là thân xác ốm yếu cằn cỗi. Cái sai lầm là lấy thân xác làm nô lệ cho một tâm thức mà cội rể của tâm thức này là dựa vào lòng tham, sân, si. Việc thực hành ý muốn hành xác không những chẳng đem đến lợi ích gì mà còn cần phải loại trừ. Vì vậy, Đức Phật nói rằng cái cực đoan thứ hai này làm đau đớn thân xác và vô ích, nó không đưa đến mục đích tối thượng Nirvana: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” (tục ngữ).

Đứng xa cách khỏi hai cực đoan trên là “Bát Chánh Đạo”, còn gọi là “Con đường Trung đạo”.
   Con đường Trung đạo không có nghĩa là một sự kết hợp giữa hai cực đoan này mà có nghĩa là phải vượt qua, vượt lên trên hai cực đoan này bằng cách tránh những sai lầm mà mỗi cực đoan đều có.

II.-Long Thọ (Nagarjuna) - Con đường Trung đạo:

Nagarjuna (HV. Long thọ, 龍樹, khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch, tức khoảng 700 năm sau ngày Đức Phật Thích ca nhập diệt, ông thuộc dòng dõi Bà-la-môn) đã lấy quan niệm “con đường đứng giữa”/ Con đường Trung đạo của Đức Phật lịch sử và phát triển thêm để đưa ra học thuyết Trung đạo (Madhyamaka) được luận giải trong quyển Mula-madhyamaka Karika (中論, Trung luận, Anh. Fundamental verses on the middle way) được viết vào khoảng năm 150 Tây Lịch).

Madhyamaka là tiếng Sanskrit có nghĩa là con đường ở giữa/con đường trung đạo  (the middle way). Trung luận đặt trên một lý luận rằng không có gì tuyệt đối, mọi sự vật đều tương đối, không có sự vật nào tự tồn tại, mọi sự vật đều tùy thuộc lẫn nhau (everything is interdependent). Ngài Long Thọ còn phát triển thuyết Trung đạo sâu xa hơn nữa bằng cách căn cứ vào thuyết Duyên Khởi để lập nên một biện chứng “Bát Bất”/Tám cái Phủ định/ của con đường Trung đạo (the Eight Negation of the Middle Way) gồm những phủ định của các cặp cực đoan với nhau:

                       “Bất sanh, bất diệt,
                            Bất đoạn, bất thường,
                            Bất nhất, bất dị,
                            Bất khứ, bất lai.”

                 (trong Trung Quán Luận, đoạn tóm tắt từ Tạp A-hàm Kinh)

                            “It neither exists nor not exists,
                              It is not permanent nor discontinuous,
                              It is not one nor different,
                              It is not coming nor going.”
           (in the Madhyamika Sustra, an abstract from Samyukta Agama , Av. Connect Discourses)

Từ lý luận này, Trung luận đi đến khái niệm về tánh không (shunyata). Shunyata nghĩa là trống không (Shunyata means emptiness). Điều này không có nghĩa là không có cái gì hiện có. Nó có nghĩa là không có cái gì tự nó hiện hữu, cái đó là một phần của “mạng lưới phổ biếncủa hiện hữu (a part of a universal web of being). Quan niệm này là trọng tâm tư tưởng của các trường phái trong Phong trào Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại thừa.Thực ra quan niệm “tánh không” là một hình thức diễn tả lại quan niệm về vô ngã (anatman, Av.not soul, not self-possessed), về vô thường (anitya, Anh. Impermanent), khổ (dukkha, Anh. dissatisfactoriness, pain, sorrow). 
(Xem thêm: Phật giáo Nguyên thủy, Thượng Tọa Bộ và Phật giáo Phát triển của NVT)


III.-Đức Dalai Lama thứ 14 - Giải pháp Trung dung cho Tây Tạng:

“Ngài Tenzin Gyatsa (1935 -   ) là vị Dalai Lama thứ 14 của Phật giáoTây Tạng (Tibetan Buddhism):

Tương truyền, Phật giáo đã được du nhập vô Tây Tạng vào thế kỷ thứ 3 sau CN.  Nhưng theo sử liệu thì Phật giáo đã chính thức thâm nhập vô Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 CN, dưới thời Vua Songtsen Gampo, trị vị từ năm 605-650 CN. Vua này có 2 bà vợ: một là công chúa Bhrikuti Devi xứ Népal, hai là công chúa Văn Thành, cháu gái vua Đường thái Tông (635-638) xứ Trung Hoa. Cả hai bà đều rất mộ đạo Phật, nên họ đã khẩn cầu nhà Vua cho Phật giáo thâm nhập vào xứ Tây Tạng. Trong lịch sử phát triển đạo Phật ở Trung Hoa và ở Việt Nam, phụ nữ là những người hộ pháp nhiệt thành và đắc lực nhất, nhờ lòng mộ đạo nhiệt thành của họ nên rất nhiều chùa chiền Phật giáo đã được xây cất không những có kiến trúc hoành tráng mà số lượng còn hơn các Văn Thánh miếu của Khổng giáo nữa.

 

Vào hậu bán thế kỷ 14 sang đầu thế kỷ 15, Đại sư Tsongkhapa (1359 – 1419), vị lãnh đạo tôn giáo tối cao, đã canh tân Phật giáo Tây Tạng, còn gọi là Lạt-Ma giáo, đây là quốc giáo của Tây Tạng. Lạt-Ma giáo được truyền vào phía Bắc Trung Hoa, Mông Cổ từ đời Minh (1368-1644). Kể từ năm 1575, Đại sư Tsongkhapa đặt ra hai vị lãnh đạo tối cao cho Lạt-Ma giáo là:
              1. Dalai Lama (Đạt-lai Lạt-ma) có  nghĩa
là  vị  Lama có  tâm  hồn bao la như  biển cả,( Dalai= biển cả , ocean), ( Lama = tối thượng sư, vị  sư sống đời độc thân (celebrate priest). Vị này ngự tại Giáo đền ở Lhasa để hành xử thế quyền, được coi như là hoá thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (re-incarnation of Avolokitesvara). Sau khi Dalai Lama chết thì Panchen Lama (Ban-thiền Lạt – Ma) tìm người thay thế trong số các trẻ em vừa mới sanh sau cái chết của Dalai Lama vì họ tin rằng đó là hoá thân của vị Dalai lama này, và ngược lại . Vị Dalai Lama thứ nhất là Gedun Drupa (1391 – 1474).  
             2. Panchen Lama (Ban-thiền Lạt –ma) có nghĩa là đại học giả ( great scholar), vị này chủ quản đời sống tâm linh, nắm giữ thần quyền, được coi như là hoá thân của Đức Phật A-di-đà (Amitabha Buddha).

 

Năm 1910, nhà Thanh đem quân xâm chiếm Tây Tạng. Tuy nhiên năm sau thì nhà Thanh sụp đổ, nhân đó vị Dalai Lama thứ 13 Thupten Gyatso (1876 – 1933 ) , đã trị vì từ 1895, tuyên bố độc lập cho đất nước Tây Tạng, đuổi quân đội ngoại xâm nhà Thanh ra khỏi xứ. Tây Tạng hưởng được độc lập thực sự từ 1912 đến 1950.

               (Nguồn : internet)

 

Vị Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso (1935-   ) lên thay thế. Năm 1949, Mao trạch Đông chiến thắng ở Trung quốc, Mao cho quân tái chiếm Tây Tạng. Năm 1950, chánh phủ Tây Tạng tôn vinh Đức Dalai Lama thứ 14 làm nhà lãnh đạo xứ Tây Tạng, lúc ấy Ngài được 15 tuổi. Suốt thập niên 1950, Mao đã dần dần áp đặt chủ nghĩa xã hội trên đất Tây Tạng. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1959, Dalai Lama thứ 14, lúc ấy Ngài được 23 tuổi, đã giả dạng thường dân và đã cùng với một số ít người tùy tùng trốn qua Ấn độ. Từ đó Ngài sống cuộc đời lưu vong và chưa bao giờ có cơ hội trở lại quê hương của mình. Tại hải ngoại, Ngài đi bôn ba khắp nơi để vận động giành độc lập cho Tây Tạng. Đức Dalai Lama đã đem đến cho phong trào tranh đấu Phật giáo thế giới một đức lý xã hội của Phật giáo dấn thân ( Social Ethics of Engaged Buddhism).

 

Năm 1988, Đức Dalai Lama tuyên đọc “Giải Pháp Trung Dung” (Middle Way Approach) để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Trung quốc và Tây Tạng tại Quốc Hội Liên Bang Âu Châu (European Parliament) ở  Strasbourg, Pháp quốc. “Giải Pháp Trung Dung” được Ngài lấy từ “”Bài thuyết pháp đầu tiên” của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni cho 5 người đệ tử đầu tiên của Ngài.Con đường trung đạo là con đường ở giữa hai cực đoan: một là lối tu khổ hạnh ( asceticism), hai là cuộc sống tự thoả mãn trong dục lạc ( self indulgence ). Quý vị có thể đọc diển văn chính trị nầy một cách chi tiết hơn ở  www.dalailama.com/messages/middleway-approach,accessed Jan.30,2013.Theo “giải pháp trung dung” của Ngài, thay vì Tây Tạng đòi độc lập hoàn toàn từ Trung Quốc thì giờ đây : Tây Tạng muốn được tự do về các việc nội trị như tôn giáo, văn hoá , giáo dục,  kinh tế, y tế và môi trường qua một chính phủ được dân bầu một cách dân chủ; còn Trung Quốc thì lo việc ngoại trị: ngoại giao và quốc phòng. Theo Ngài Dalai Lama, với giải pháp trung dung, thì cả Trung Quốc và Tây Tạng đều được hưởng lợi ích chung.

 

Nhưng tiếc thay, các nhà lãnh đạo  Trung Quốc không để ý tới “ Giải pháp trung dung” của Ngài Dalai Lama. Càng ngày Trung Quốc càng vi phạm nhân quyền, và đã đàn áp nhiều cuộc phản kháng bất bạo động ở Tây Tạng. Ở hải ngoại,  Dalai Lama tiếp tục đi bôn ba vận động sự ủng hộ cho Tây Tạng ở khắp nơi. Cộng đồng các quốc gia tự do dân chủ ở Âu Châu, Bắc Mỹ, Úc Châu đều ủng hộ lời kêu gọi của Ngài.

 

Năm 1989, Ngài được trao giải thưởng Nobel về hoà bình (Nobel Peace Prize). Năm 2007, Ngài được trao huy chương vàng của Ngành Lập Pháp Hoa kỳ ( U.S Congressional Gold Medal).

 

Đức độ đáng tôn kính của Đức Dalai Lama thứ 14 đã được cả thế giới khâm phục, từ các vị lãnh đạo các nước dân chủ cho đến mọi người dân ở Bắc Mỹ/ Hoa kỳ và Canada, Anh,Pháp, Đức, Úc v.v.. nên có rất nhiều người đã cải đạo sang Phật giáo Tây Tạng, hay Lạt-Ma giáo, rất đông.”
(Xem thêm bài “Phật giáo như là một triết học hay như là một tôn giáo” của NVT)

 

Không đồng ý với quan điểm áp dụng “Con đường Trung đạo” trong chính trị, Tổng Thống Hoa Kỳ John Adams* (1735 – 1826) đã viết cách đây trên 200 năm rằng:
          “In politics the middle way is none at all
               (Letter to Horatio Gates, 23 Mar. 1776)
            (Trong chính trị, không hề có cái gọi là"con đường trung dung"nào cả".
[* John Adams là vị Tổng Thống thứ 2 của Hoa Kỳ (1797 – 1801), đã là vị Phó Tổng Thống thứ 1 của Hoa Kỳ (1798 – 1797), ông là vị lãnh đạo đã thu hồi nền độc lập Hoa Kỳ khỏi sự lệ thuộc vào nước Anh]

IV.-Khổng Tử - Con đường Trung Dung:
Nho giáo có “tứ thư” là 4 cuốn sách: Đại Học (大學), Luận Ngữ (論語), Trung Dung (中庸 ) và Mạnh Tử (孟子). Trung Dung là quyển sách do Tử Tư (483 – 402 trước CN) làm ra, Tử Tư là học trò của Tăng Tử, là cháu nội của Khổng Tử.

Trọng tâm triết lý của Trung Dung (中庸 )  có điểm tương tự với triết lý trung đạo  của Phật giáo. Trung (中) là ở giữa, tâm điểm, Dung (庸) là bình thường; Trung Dung tức là “không thái quá, không bất cập”, tùy thời mà hành động. Tuy nhiên, biết “trung” cho hợp lẽ là điều rất khó, bậc hiền nhân nhiều khi cũng không theo nỗi.

Người đầu tiên đề cao “đạo trung dung” là Khổng Tử (孔子, 551 trước CN -  479 trước CN), còn Đức Phật Thích-ca đã sống và hoằng pháp ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và 4 trước CN.  Theo  Khổng Tử, muốn giữ “đạo trung” thì phải biết quyền biến tùy thời, điều này rất ít người theo được: 

子曰:中庸之为德也,其至矣乎!民鲜久矣
Tử viết:  Trung dung chi vi đức dã, kỳ chí hĩ hồ! Dân tiển cửu hĩ.
dịch: Khổng Tử nói: Trung dung là đạo đức tốt đẹp cao nhất ! Dân chúng từ lâu thiếu hẳn đạo đức này. 

Các môn đệ của Khổng Tử rất phục Ngài và đề cao Ngài là bậc Thánh của “đạo trung dung”, “đạo tùy thời” . Xét cuộc đời của Khổng Tử, chúng ta nhận thấy Ngài đã  thực hiện đúng theo “đạo trung dung”: Khi cần phải nói thì nói, khi cần phải im thì im, lúc cần đi thì đi, lúc cần dừng thì dừng, cần đi nhanh thì đi nhanh, cần đi chậm thì đi chậm, lúc nên làm quan thì làm quan, lúc không nên làm quan thì từ chức, thôi không làm nữa.

V.-Áp dụng thuyết Trung đạo trong cuộc sống hằng ngày:

Chúng ta không nên bám chặt vào một thành kiến, vào một chủ nghĩa, một giáo điều cứng nhắc nào rồi cứ cho những gì mình chọn lựa là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Đây là một sai lầm và đưa đến hậu quả là làm hại cho chính mình và làm khổ đau cho bá tánh. Trong đời sống đạo đức hằng ngày, chúng ta nên vận dụng lời Đức Phật dạy về thuyết Trung đạo để thực hành một hướng đi có lợi cho mình và đem lại phúc lợi cho kẻ khác nữa.


Toronto, 02 March 2017
Nguyễn Vĩnh Thượng
Cựu  Giáo sư Triết học (1969-1975) tại các trường Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước và trường Sư Phạm Saigon.

 

Tài liệu tham khảo chính yếu:


-Đức Phật Thích-ca, Kinh chuyển Pháp luân, dịch và chú bởi NVT, 2016.
-Bhikkhu Bodhi, edited & introduced, In the Buddha’s Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon, Foreword by The Dalai Lama, Boston: Wisdom Publications, 2005.
-Gombrich, Richard, Theravada Buddhism, London: Routledge, First published 1988, Reprinted 1991, 1994, 1995.
-Kalupahana, David J., Buddhist Philosophy: A Historical Analysis, Honolulu: University of Hawai Press, 1976.
-Kimura Taiken, Nguyên Thủy Phật giáo Tư Tưởng Luận; nguyên văn chữ Nhật, Hán dịch: Âu Dương Hãn Tồn, Việt dịch: Thích Quảng Độ, Saigon: ĐHVH, 1969. Chùa Khánh Anh ở Paris in lại, Phật học Viện Quốc tế ở California phát hành.
-Kyabgon, Traleg, The Essence of Buddhism: An Introduction to its Philosophy and Practice, Boston & London: Shambhala, 2001.
-Mai Thọ Truyền, Phật học đại cương, bài cours cho Tín chỉ Phật học đại cương, Khóa mùa xuân 1964, Viện Cao đẳng Phật học Saigon, in ronéo; bài cours (có bổ sung) cho chứng chỉ Lịch sử triết học Đông Phương, niên khóa 1967 - 1968, ĐHVK Saigon, in ronéo.
-Murti, T.R.V., The Central Philosophy of Buddhism, London: Unwin Paperbacks, First published in 1955, Reprinted in 1987.
-Narada, Mahathera, The Buddha and his Teachings, Kandy (Sri Lanka): Buddhist Publication Society, First enlarged edition: 1964, Second revised and enlarged edition: 1973.
-Nguyễn Văn Thọ, Trung Dung bình giảng, bài cours cho Chứng chỉ Triết học Trung Hoa, Đại Học Văn Khoa Saigon, in ronéo, 1968.
-Rahula, Walpola, What the Buddha taught, New York: Grove Press, 1962.
-Thích Chơn Thiện, Phật học Khái luận, California: Thanh Văn, 1992.
-Thích Quảng Liên, Sử cương Triết học Ấn độ, Saigon: tác giả x.b., bài cours cho sinh viên chứng chỉ Triết học Ấn độ, ĐHVK Saigon, 1965.
-Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông từ khóa I đến khóa XII (gồm 12 quyển), đã xuất bản ở Saigon từ 1955 – 1964. Tái bản: Phật Học Viện Quốc tế, Sepulveda, CA, USA, 1982.
-Williams, Paul, Mahayana Buddhism, London: Routledge, First published 1989, Reprinted 1991, 1993.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 7506)
Sống trên đời nầy, ai sinh ra rồi cũng phải có bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi đối với chính bản thân mình và đối với cộng đồng xã hội và từ đó luật pháp được đặt ra để bảo vệ cho những quyền lợi và trách nhiệm đó. Nếu người nào vi phạm, tức có luật pháp là cán cân dùng để giải quyết mọi việc trong cuộc đời.
09/04/2013(Xem: 7738)
Trong cuộc sống vốn dĩ mang tính chất vô thường biến đổi nầy, chẳng có gì mang tính chất nhất định cả. Vì vậy chư Phật và chư Tổ Sư đã vì đời mà khuyên nhủ chúng ta rằng: "Không có gì là thực tướng. Tất cả chỉ là mộng huyễn mà thôi".
09/04/2013(Xem: 6344)
Bằng tất cả trí tuệ, bạn mới có thể nhìn thấy cuộc đời là một dòng sống tương tác giữa cái này và cái kia, tạo ra một trường thiên diễn vô tận của ráng nắng, của bọt nước, của ánh chớp, của sương, của giấc mơ, của tâm thức giả huyễn – và bằng tất cả tình yêu, bạn có thể lắng nghe nụ cười và tiếng khóc trùng điệp đuổi bắt thay nhau của vạn loại chúng sanh trong thế giới phù hư giả ảo ấy.
09/04/2013(Xem: 18010)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc.
09/04/2013(Xem: 6676)
Theo cách nghĩ thông thường của người bên ngoài cửa chùa, Lục Hòa là một nguyên lý, một nguyên tắc hay qui tắc được áp dụng trong Tăng đoàn để có đời sống hòa hợp. Đơn giản mà nói, cách nghĩ ấy đúng. Nhưng dùng chữ “nguyên lý” hay “nguyên tắc” khiến người ta không khỏi có cảm nghĩ rằng để áp dụng Lục Hòa, tập thể xuất gia có vẻ như phải khép mình vào một thứ kỷ luật khắt khe, đầy khuôn khổ, phép tắc và thiếu tình cảm, giống như kỷ luật quân đội.
09/04/2013(Xem: 12027)
Nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan tâm tới chính mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi ngờ. Quan tâm tới lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi ngờ, trong khi đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh niềm tin và tình bằng hữu.
08/04/2013(Xem: 8575)
Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm nhuần năm Mậu Dần, nhằm ngày 24 tháng 6 năm 1998 sau khi làm lễ Bố Tát (Uposatta) tụng giới nơi chánh điện, trở lại thư phòng, tôi bắt đầu viết cho quyển sách của năm nay nhan đề là: Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.
08/04/2013(Xem: 9138)
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
08/04/2013(Xem: 6304)
Sáng nay, tôi đang rửa chén đoại trong quán, Thiện Đạt, một Phật tử công quả tại Chùa hớt hải chạy qua quán báo tin: - Anh Thị Chơn ơi! Anh có biết là Thượng Tọa Thiện Thông đã bị đưa vào nhà thương rồi chưa? - Chuyện gì vậy ? Tôi hỏi.
08/04/2013(Xem: 5757)
Vô thường không phải là một điều xấu, nó cũng có mặt tốt: nếu hạnh phúc không tồn tại mãi mãi, thì sự bất hạnh cũng không vĩnh cửu. Khi hết hạnh phúc, người ta bất hạnh; và người ta cũng trở nên hạnh phúc khi hết bất hạnh. Đi từ trạng thái này qua trạng thái kia xảy ra tự nhiên. Không phải hãm lại sự chuyển động và biết nắm lấy những sự vật như chúng đến, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]