Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm nghĩ của một giới tử trong ngày Thọ Bát Quan Trai

19/03/201510:36(Xem: 7620)
Cảm nghĩ của một giới tử trong ngày Thọ Bát Quan Trai

 khoa-tu-hoc-13

 

Cảm nghĩ

của một giới tử trong ngày Thọ Bát Quan Trai

 

 

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được Thọ Bát, được làm “Ni Cô chải tóc bên dòng suối“ một ngày một đêm đâu các bạn ạ! Từ bao năm nay hễ chùa Linh Thứu có lên lịch trình Thọ Bát là có mặt tôi, cho dù ngày ấy tuyết phủ ngập chùa, hay mưa dầm giăng lối. Nhưng chẳng bao giờ tôi tu trọn vẹn được đầy đủ 24 giờ tinh khôi cả, cứ buổi cháo chiều vừa dùng xong tôi đã tìm đường ra xe về nhà để sáng mai lên chùa sớm cho kịp buổi công phu khuya. Hay nhiều khi không thể tham dự được tôi cũng cố lên chùa nghe cho được bài Pháp mới thật hả dạ. Tất cả cũng chỉ vì Gia Duyên còn ràng buộc như câu các Thầy truyền giới vẫn thường đọc trong những buổi Thọ Bát Quan Trai, nên sự thể mới như vậy mà thôi.

Nhưng lần Thọ Bát này đã gây nhiều ấn tượng khiến tôi phải trải dài cảm nghĩ của mình lên trang giấy. Ấn tượng thứ nhất, chưa bao giờ lực lượng các Thầy về truyền giới lại hùng hậu như lần này. Về đến 3 vị đều ở phương xa, Thầy Hạnh Tấn từ sông Hằng của xứ Ấn, Thầy Quảng Điền từ đồng bằng sông Cửu Long đổ về đây và Thầy Hạnh Sa mới lưu lạc trên những rặng núi tuyết của ngọn Hy Mã Lạp Sơn (cái này tôi đoán mò thôi, chỉ dựa theo bài thuyết pháp của Thầy).

Ngoài ra còn có 2 Thị Giả đi theo Điệu Vân và Chú Đồng Tài, một cao một thấp trông thật khí thế.

Tôi ngồi xếp bằng kiểu bán già ở phía dưới, nhìn 3 Cao Tăng trên Pháp tòa chuyền nhau mi-crô trả lời những câu hỏi hóc búa của các giới tử. Liên tưởng đến hình ảnh của Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, đeo gươm báu Trí Tuệ bên mình, xông pha trong Biển Khổ của thế gian để cứu vớt các chúng sanh còn ham vui lạc lối... cỡ như tôi.

Nhưng thôi, đừng tưởng tượng nhiều nữa! Hãy tập trung nhớ lại bài Pháp về Bồ Tát Hạnh của Thầy Hạnh Sa đi, rồi kể lại cho các bạn không được tham dự cùng nghe có phải lợi lạc nhiều hơn không?

Các bạn ơi! Vì không có được bộ nhớ dai như thần đồng Lê Quí Đôn ngày xưa, hay các Thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu ngày nay. Nên tôi chỉ nhớ lõm bõm được có một câu Kệ trong rất nhiều bài Kệ của ngài Krông Pa trên xứ tuyết của Tây Tạng. Các bạn đừng phiền hà tôi tại sao tu lâu mà chẳng chịu phát sinh trí tuệ, có vài ba câu kệ mà học hoài vẫn không thuộc, lại còn đòi viết lách cho thiên hạ cùng nghe nữa chứ. Không sao, trong nhà Phật chỉ quan trọng ở sự thực hành, thuộc được câu nào xay nhuyễn ra hòa với nước uống vào trong bụng cho tan biến ra thành máu nuôi khắp tứ chi. Còn phần bài bản nếu cần các bạn chỉ việc gọi điện về chùa Viên Giác, tìm cho ra tung tích Thầy Hạnh Sa là có tất cả.

Huyền thoại về thầy Krông Pa và các vị thầy của ngài, hình như tôi đã được nghe qua trong cuốn băng Đường Mây Qua Xứ Tuyết nhiều lần rồi. Đang tính định đưa các Link, chuyển địa chỉ về thầy Hạnh Sa và cuốn Đường Mây Qua Xứ Tuyết để khỏi phải thuật lại bài pháp trong ngày Thọ Bát, nhưng sợ các bạn xuống chùa phản đối nên tôi phải vặn đầu vặn óc nhớ lại kể được đoạn nào hay đoạn ấy. Nếu có chỗ nào kể sai bài bản, các bạn cứ việc gọi về chùa Viên Giác mách vốn với thầy Hạnh Sa là xong chuyện ngay.

Thuở ấy trên rặng núi tuyết của ngọn Hy Mã Lạp Sơn của xứ Tây Tạng, có một vị vua trị vì rất anh minh và nhân đức. Nhà vua muốn chấn hưng lại đạo Phật đang trên đà thoái hóa trong đất nước mình. Ông ta quyên góp tiền của ở khắp nơi rồi bí mật sai sứ thần mang số châu báu cùng tịnh tài, sang Ấn Độ thỉnh ngài Alisha một Cao Tăng đạo hạnh đến Tây Tạng hoằng pháp và trùng tu lại chánh pháp. Nhưng ước nguyện của vị vua bị các cận thần ngoại đạo diệt trừ đến tận gốc, họ uy hiếp nhà vua, bắt ông phải thu hồi mệnh lệnh đem số tiền đi thỉnh cao tăng trở về gấp, nếu không sẽ cho vị vua đi chầu tiên đế sớm. Nhà vua là hóa thân của một vị Bồ Tát nên bằng lòng vì đại nghĩa chịu thiệt thân.

Tin chẳng lành này đến tai ngài Alisha, cảm động vì cái chết của vị vua cho đạo pháp, ngài chống gậy trúc trèo đèo vượt suối sang Tây Tạng trùng tu lại Phật pháp cho xứ sở có một vị vua đã dám chết vì ngài. Tôi không dám viết là ngài Alisha có thần thông đã cưỡi mây trắng bay qua Tây Tạng, vì sợ phạm tội nói dối khi mắt mình chưa được nhìn thấy tận nơi.

Từ đấy đất Tây Tạng trở nên Xứ Phật, đệ tử của ngài Alisha có rất nhiều, rồi đến dòng kế tiếp cho đến ngài Krông Pa, tác giả của các bài Kệ nói về Bồ Tát Đạo, đề tài thầy Hạnh Sa định gửi gấm cho các giới tử của chùa Linh Thứu, nhưng thời gian quá eo hẹp Thầy chỉ giảng được mỗi một bài kệ có tám câu. Giới tử như tôi chỉ thu nhận được mỗi một câu, diễn Nôm đại loại như, ta phải xem và đối đãi với chúng sanh như là chư Phật, chư Bồ Tát.

Ôi chao ơi! Đề tài sao mà khó thế, cái con mẹ mặt mày hắc ám, vào chùa cứ vênh vênh cái mặt, trong nhà bếp lại lên giọng chị hai sai bảo mọi người. Cái người ấy ta phải cung kính đối xử như là chư Bồ Tát được sao? Chỉ có Bồ Tát Thường Bất Khinh mới làm nổi điều này, chứ ta thì còn khuya mới làm nổi đấy.

Các bạn ơi! Đừng vội nổi bồ đề gai, lúc chưa tu tập ta mới nghĩ như thế mà thôi, nhưng khi đã thấm nhuần tương chao rồi, ta nhìn ai cũng thấy họ là Bồ Tát, là những vị Phật tương lai sẽ thành, còn ngày nào họ thành Phật xa hay mau tùy theo khả năng tu tập của họ mà thôi. Ta chỉ cần rửa mắt và rửa tâm của ta để thấy được cái tâm Phật của họ là đủ rồi.

Này nhé! Bồ Tát cần Chúng Sanh như cá cần nước, không có Chúng Sanh làm sao có Bồ Tát. Nhạc phải được đổi lời như thế này mới phải: Bồ Tát vắng chúng sanh rồi... đi cứu ai? Do đó đời của các vị Bồ Tát sẽ mất hết ý nghĩa, họ sẽ trở thành Phật, cái khổ ở đây là họ thuộc tuýp người năng động, suốt ngày đi cứu khổ cứu nạn quen rồi, bây giờ không có chúng sanh quấy rầy đâm buồn nản, đi ra đi vào không có chuyện gì làm chịu sao nổi. Chẳng hạn chúng sanh khi buồn họ hay bày trò ăn nhậu, nhảy nhót, yêu đương vớ vẩn để giải sầu cho qua hết tháng ngày. Trái lại hàng Bồ Tát không thể bắt chước chúng sanh, vì có quá nhiều trí tuệ nên hiểu rằng: Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Thấy hết trơn nhân rồi, ai dám đụng đến quả làm gì cho thiệt đến thân.

Qua các nhận định như trên, tôi cảm nghiệm được bài Kệ của ngài Krông Pa là đúng, thầy Hạnh Sa không nói chuyện trên trời dưới biển đâu. Các chị bạn Đạo ngồi bên cạnh cũng gật gù khen đúng, Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ mà lị.

Ấn tượng thứ hai trong buổi Thọ Bát này là màn vấn đáp Phật pháp, buổi tối các giới tử được quyền viết câu hỏi bỏ vào chuông, hay chất vất trực tiếp những câu hỏi sẽ làm điên đầu người bị hỏi. Tuy nhiên lần này cán cân hơi bị lệch về phía bên kia, các thầy có đến 3 vị, gặp câu khó cứ việc đẩy mi-crô sang bên phải hay bên trái, tả xung hữu đột thế nào cũng thoát vòng vây.

Có một giới tử đã hỏi trực tiếp thầy Hạnh Tấn về một đề tài thầy rất thông hiểu, nhờ giảng về Lửa Tam Muội xem lửa này thuộc loại lửa gì, có đủ thần lực để dập tắt ngọn Lửa Tình đang quấy phá hay không? Nhờ khơi trúng mạch nước suối nguồn tươi trẻ của Thầy nên Lửa Ba Em (bản dịch tiếng Nôm) đã được khai triển rất cặn kẽ rõ ràng.

Thầy Quảng Điền đã chỉ dẫn cho các giới tử phương pháp ngồi Thiền, nên tập ngồi theo tư thế kiết già sẽ được nhiều lợi lạc hơn, đỡ bị mỏi chân hay đau lưng.

Sau khi mọi người xả Thiền xong, từng toán rút lui từ từ ra khỏi chánh điện, lo vệ sinh cá nhân rồi tiếp tục Thiền nằm trên giường cho đến khi nghe chuông chùa điểm tiếng công phu. Tôi vì gia duyên còn ràng buộc nên phải ra xe về nhà, trong tiếng dặn với của các bạn đạo, nhớ đến sớm để tụng công phu khuya. Là một giới tử tôi cẩn thận tắt máy radio trong xe để khỏi phạm giới, không được xem trò ca nhạc hay ngủ giường cao. Giường nhà tôi thuộc loại chân thấp kiểu Nhật nên không hề phạm phải giới nào. Buổi sáng phải dậy thật sớm đến chùa cho kịp dự buổi công phu khuya, mới thật gian nan. Nhưng phải ráng thôi, chỉ một ngày một đêm thôi mà cũng không làm được hay sao. May quá! Tôi đến kịp giờ cho buổi công phu.

Các bạn ạ! Cảm giác của tôi khi ngồi trong chánh điện của chùa Linh Thứu, nghe các Thầy tụng kinh Lăng Nghiêm, sao thấy xuất hồn như lạc vào thần lực của những buổi công phu khuya tại chùa Viên Giác với hàng chục chiếc Y Vàng. Hồn như bay bổng trong tiếng kinh tiếng mõ, rồi tiếng trống đệm quyện vào trong những tiếng ngân nga. Tôi khỏi cần tụng theo làm chi cho rớt điệu, cứ lim dim thưởng thức cho sảng khoái khắp toàn thân, cho lời kinh chạy dọc lẫn chạy ngang, thấm vào hồn người giới tử một cách nhẹ nhàng đến an lạc.

Ấn tượng ấy dễ gì có được phải không các bạn, tôi không chịu viết ra chia bớt cho các bạn cùng hưởng chung có phải phí của trời không?

Trước khi xả giới, thầy Hạnh Tấn còn nhắn nhủ và kiểm điểm tác phong tu tập của các giới tử. Căn bệnh thời đại của các giới tử, hễ có dịp xáp lại gần nhau là phải chuyện trò, không cần biết nội dung câu chuyện sẽ dẫn về đâu, bàn về Phật pháp cao siêu hay hỏi thăm sức khỏe của nhau xem đã bị mấy lần trúng gió, đã cạo gió chưa. Thầy hỏi ai là người trong suốt khóa tu, miệng câm như hến không nói đến một nửa lời, xin giơ cao tay. Dĩ nhiên đạo tràng im phăng phắt, không một tiếng cử động, không một câu giỡn đùa. Biết mình hỏi câu quá khó, Thầy giảm tốc độ xuống cho hợp với căn cơ, ai có nói chuyện nhưng chỉ bàn về Phập pháp. Đã hạ trình độ đến thế mà chỉ có một bàn tay bác Tâm Bích dám mạnh dạn đưa lên, còn tất cả vẫn bình chân như vại cho lý tưởng ăn to nói lớn của mình.

Thầy Hạnh Tấn hứa sẽ làm cho xong các bảng hiệu đeo trên cổ áo, phát cho các giới tử thích ồn ào câu, Tôi là người nhiều chuyện. Anh Thiện Bảo giơ tay xin nói cảm nghĩ của mình, cảm thấy rất khó chịu khi một ngày một đêm không được nói câu nào, không quen. Thầy bảo, tất cả chỉ là thói quen, bị đeo bảng tên Tôi là người nhiều chuyện chừng vài lần, quê quá sẽ chuyển thôi.

Nghe tin phong phanh, Thầy Hạnh Tấn yêu quí của chúng ta sắp đi nhập thất, không biết ở nơi nào, các giới tử cứ việc buồn năm phút, hay buồn tàn thu gì cũng được. Riêng tôi lúc thoạt nghe cứ mong đấy là tin “vịt giời“ cho đỡ đau khổ, nhưng sau suy nghĩ lại, cần tôn trọng quyết định của Thầy, chỉ mong sao cho Thầy đạt được vạn sự như ý trong đường tu.

 

                                                   Hoa Lan.

                                                   Mùa Đông 2007.

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 10280)
Nhiều người cho rằng Phật Giáo mang tư tưởng xuất thế nên không chủ trương có gia đình, không khuyến khích kết hôn, cũng tương đồng với việc cho rằng người theo đạo Phật đều phải xuất gia. Thật ra, đây là một quan niệm sai lầm.
09/04/2013(Xem: 7832)
Sống trên đời nầy, ai sinh ra rồi cũng phải có bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi đối với chính bản thân mình và đối với cộng đồng xã hội và từ đó luật pháp được đặt ra để bảo vệ cho những quyền lợi và trách nhiệm đó. Nếu người nào vi phạm, tức có luật pháp là cán cân dùng để giải quyết mọi việc trong cuộc đời.
09/04/2013(Xem: 7760)
Trong cuộc sống vốn dĩ mang tính chất vô thường biến đổi nầy, chẳng có gì mang tính chất nhất định cả. Vì vậy chư Phật và chư Tổ Sư đã vì đời mà khuyên nhủ chúng ta rằng: "Không có gì là thực tướng. Tất cả chỉ là mộng huyễn mà thôi".
09/04/2013(Xem: 6358)
Bằng tất cả trí tuệ, bạn mới có thể nhìn thấy cuộc đời là một dòng sống tương tác giữa cái này và cái kia, tạo ra một trường thiên diễn vô tận của ráng nắng, của bọt nước, của ánh chớp, của sương, của giấc mơ, của tâm thức giả huyễn – và bằng tất cả tình yêu, bạn có thể lắng nghe nụ cười và tiếng khóc trùng điệp đuổi bắt thay nhau của vạn loại chúng sanh trong thế giới phù hư giả ảo ấy.
09/04/2013(Xem: 18028)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc.
09/04/2013(Xem: 6698)
Theo cách nghĩ thông thường của người bên ngoài cửa chùa, Lục Hòa là một nguyên lý, một nguyên tắc hay qui tắc được áp dụng trong Tăng đoàn để có đời sống hòa hợp. Đơn giản mà nói, cách nghĩ ấy đúng. Nhưng dùng chữ “nguyên lý” hay “nguyên tắc” khiến người ta không khỏi có cảm nghĩ rằng để áp dụng Lục Hòa, tập thể xuất gia có vẻ như phải khép mình vào một thứ kỷ luật khắt khe, đầy khuôn khổ, phép tắc và thiếu tình cảm, giống như kỷ luật quân đội.
09/04/2013(Xem: 12041)
Nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan tâm tới chính mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi ngờ. Quan tâm tới lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi ngờ, trong khi đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh niềm tin và tình bằng hữu.
08/04/2013(Xem: 8588)
Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm nhuần năm Mậu Dần, nhằm ngày 24 tháng 6 năm 1998 sau khi làm lễ Bố Tát (Uposatta) tụng giới nơi chánh điện, trở lại thư phòng, tôi bắt đầu viết cho quyển sách của năm nay nhan đề là: Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.
08/04/2013(Xem: 9145)
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
08/04/2013(Xem: 6313)
Sáng nay, tôi đang rửa chén đoại trong quán, Thiện Đạt, một Phật tử công quả tại Chùa hớt hải chạy qua quán báo tin: - Anh Thị Chơn ơi! Anh có biết là Thượng Tọa Thiện Thông đã bị đưa vào nhà thương rồi chưa? - Chuyện gì vậy ? Tôi hỏi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]