Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Câu chuyện Dì Sáu

18/09/201405:32(Xem: 7826)
Câu chuyện Dì Sáu

 

Niem Phat-2

 

Câu chuyện này tôi đã viết trên mạng. Nay xin phép đăng lại trong Trang Nhà Quảng Đức mời Quí Vị đọc cho vui (có sửa đổi một chút và viết thêm đoạn cuối)

 

Dì Sáu là một người đàn bà rất đáng phục. Sinh trưởng ở miền nam Việt Nam, lúc nhỏ chắc học hành cũng chẵng bao nhiêu. Sau 1975 di tản sang tây, không biết một tí tiếng Pháp nào, vậy mà lại một thân một mình sống được yên hàn từ mấy chục năm nay tại xóm La Tinh, ở ngay trung tâm thành phố Ba Lê hoa lệ.
 
1. Gặp Dì Sáu. Chúng tôi gặp Dì lần đầu khoảng trước đây đã mấy chục năm. Khi đó vùng Ba Lê còn ít người Việt, và họ phần lớn sống ở ngoại ô. Trong xóm La Tinh có môt tiệm bán thức ăn Việt Nam rất nổi tiếng. Tôi ở ngoại ô, mỗi cuối tuần là lái xe chở vợ và hai con nhỏ vào xóm La Tinh mua thức ăn Việt. Một ngày nọ, mua hàng xong, tôi vừa mở cửa xe cho hai cháu lên, thì bỗng có một bà người Việt, tuổi cỡ trên năm mươi, quần áo đen, xách một cái thúng lớn xô hai đứa con tôi, chen vào ngồi trốn trong xe. Nhìn phía sau xe, tôi thấy có hai người cảnh sát đang rảo bước tới. Tôi không khỏi lo sợ, vì nghĩ bà đã làm điều gì bất chính, bị cảnh sát rượt. Nào ngờ khi hai người cảnh sát đến nơi, thì họ chỉ ghé đầu vào xe, trừng mắt nhìn bà một cách nghiêm khắc, rồi quay nhìn nhau tủm tỉm cười rồi bỏ đi. Bà chui ra, cảm ơn tôi, rồi xách thúng ngồi ở một cái ghế dài bên lề đường. Thì ra là bà làm món ăn Việt Nam, rồi mang tới bán (không có giấy phép) ở trước cửa hàng kia.
Sau đó ít lâu, chúng tôi cũng dọn vào ở xóm La Tinh, tình cờ gần nhà bà, thành ra chúng tôi là hàng xóm và tình bạn với bà kéo dài mấy mươi năm, tới khi bà tự nhiên mất tích, nhưng đó là chuyện về sau.

 

2. Một thân một mình từ Rạch Giá đến Ba Lê. Dì Sáu người miền nam, sinh trưởng ở Rạch Giá, con thứ năm một gia đình chuyên làm nước mắm. Vì là con thứ năm, nên chúng tôi gọi bà là dì Sáu. Dì Sáu hồi nhỏ cũng chỉ học cho tới biết đọc biết viết, rồi lớn lên đi buôn bán chút đỉnh, chờ ngày lấy chồng sinh con đẻ cái như nhiều con gái trong làng thời bấy giờ. Nhưng khi đó, chiến tranh đã tới lúc khốc liệt, con trai trong làng đi lính hết, quân Mỹ càn quét, dân tình ta, nhất là ở vùng quê, hết sức khổ sở. Sau năm 75, gia đình bà ở lại. Trong cảnh sống cùng cực, bà được chứng kiến nhiều vụ người ta vượt biển, vì nhà bà ngay ở bờ biển. Trước nhà là đường cái, sau vườn là ra cửa biển. Có người lạ không biết là ai, vào nhà bà, chạy chui ra sau, lên thuyền đã đỗ sẵn, rồi rông tuốt. Một ngày kia, bà thấy nhiều người chạy qua nhà mình lên thuyền phía sau nhà. Hình như có công an rình rập, bà hốt hoảng chạy theo người ta lên thuyền. Không ai dám phản đối. Rồi người ta đưa bà đi. Thời cuộc xô đẩy, bám theo hết nhóm này rồi đến nhóm kia, không hiểu thế nào sang đến đất Pháp, vào một trại tị nạn ở gần Ba Lê. Rồi một ban từ thiện tìm cho bà được một căn nhà bỏ hoang, ngay tại xóm La Tinh, như đã nói ở trên.

 

3. Lẻ loi trong Xóm La Tinh. Bà tìm ra một nghề là làm món ăn Việt Nam, rồi bán cho hàng xóm hay ra đường bán rong một cách kín đáo. Khi vào Ba Lê, chúng tôi hay tò mò đứng xa nhìn, thì quả nhiên thấy thỉnh thoảng có mấy bà đầm tới mua hàng của bà. Tôi đã thấy ngay là bà không biết tiếng Pháp, vì người khách nào khi mua cũng đưa tiền rồi tự tay cầm cái túi tiền của bà để lấy tiền thối lại, một cách rất tự nhiên, không nói một lời nào với bà cả. Hai bên có vẻ đã quen nhau từ trước, họ chỉ cười với nhau một cái, rồi người khách bỏ đi. Chắc bà bán tại đây từ lâu rồi. Bán như thế là không có giấy má, không trả thuế, và cạnh tranh với cửa hàng chung quanh. Dĩ nhiên là nhà hàng Việt Nam biết, nhưng bà đâu có bán được bao nhiêu, thành họ cũng bỏ qua. Còn cảnh sát thì quá biết. Nhưng bà hiền lành không gây rối trật tự công cộng gì, nên cảnh sát cũng làm ngơ.

Dì Sáu người lùn tịt, lúc nào cũng mặc quần áo đen. Tóc đã hoa râm, mặt đầy vết nhăn nheo vì đã quá nhiều gian khổ. Nét mặt đều đặn, mũi cao miệng nhỏ, hồi còn con gái chắc cũng xinh xắn. Da mặt bóng loáng vì bao năm làm bếp đầy dầu mỡ. Chân tay bà gầy guộc nhưng cứng cát vì sáng tối làm việc. Không những đêm phải làm món ăn, ngày còn phải vác thúng đi bán, như đã nói ở trên. Trời nóng ran hay rét cóng cũng vậy. Nhiều người sống chung quanh đã biết ngày giờ sinh hoạt của bà. Họ tới mua, còn tới đặt hàng, thành bà không những sống thoải mái, còn có chút tiền để dành nữa.

4. Căn nhà kín đáo. Quen nhau ít lâu, chúng tôi khi có khách, đến đặt nhờ bà làm những món ăn riêng. Nhà Dì ở tầng hai, trong một chung cư đồ sộ mặt ngoài tường cao cửa lớn đầy chạm trổ. Ngày xưa chắc chắn là nhà rất đẹp, nhưng vì xây từ đầu thế kỷ, nay đã nhiều mục nát, rỉ sét. Vừa vào cửa, theo hành lang, chưa đi lên lầu, đã biết là có bà con ta ở, vì mùi xào nấu nước mắm phảng phất. Hơn nữa lại nghe âm thanh tiếng cải lương rề rề hay tiếng tụng kinh gõ mõ nhè nhẹ. Sau này tôi biết nhiều người ở chung cư ta thán. Người ta cắt nghĩa cho bà thì bà không hiểu, hoặc có hiểu nhưng làm như không. Nhà bà có hai căn buồng. Một căn để ngủ, có giường và hai cái nệm trải trên sàn nhà. Căn kia là bếp, để đầy nồi niêu xoong chảo, một máy ướp lạnh đồ sộ, thức ăn chật cứng. Cửa nhà ngày đêm không bao giờ khoá. Đẩy cửa vào là thấy bà, tay mặt đầy dầu mỡ mồ hôi, hối hả ra chào đón.

 

5. Một tấm lòng vàng. Dì Sáu nghèo nàn, nhưng lại có một tấm lòng vàng. Chúng tôi thường nói : “Người này ít chữ nghĩa, nhưng giầu lòng Phật”. Ra đường hễ thấy người Á Châu trông dáng nghèo đói đi lang thang là bà tới hỏi thăm, và cho thức ăn. Nếu là đàn bà, thì đem về cho ở nhờ. Vì thế gần như lúc nào trong nhà Dì cũng có người tá túc. Bà nói: “Có người ở dăm ba ngày, có người ở cả tháng. Tôi nuôi cho ăn, rồi còn cho chút đỉnh tiền xài. Có người cũng làm bếp giùm tôi, có người cả ngày chỉ nằm ngủ”. Điều rất mầu nhiệm là những người ở nhờ toàn là dân nghèo khổ, thế nào cũng có kẻ bất lương, nhà bà thì đồ đạc hở hang, vậy mà chưa một ai lừa đảo trộm cắp của bà một thứ gì. Tấm lòng Phật của bà đã cảm hoá được những người nghèo khổ, dù họ rất dễ bị lôi cuốn vào con đường gian giảo.

Niem Phat

 

6. Người con của Phật. Dì Sáu ngoài tiếng Việt còn nói được tiếng Miên và tiếng Tầu. Hình như bà gốc gác là người Trung Hoa. Bà ít chử nghĩa nhưng lại thuộc kinh làu làu. Nhất là kinh tiếng Phạn, như Chú Đại Bi, Bát Nhã Tâm Kinh. Có hiểu gì đâu, vậy mà bài nào bà cũng thuộc lòng. Nhiều lần tôi đến thăm đứng lại hành lang nghe bà tụng kinh Phổ Môn, tiếng chuông mõ rất nhịp nhàng. Vấn đề là bà để băng nhạc cải lương suốt ngày không ngừng. Ngay lúc tụng kinh bà cũng để băng cải lương. Bà nói : “Cải lương tôi đã thuộc lòng, có nghe gì nữa đâu, nhưng để nhạc cho đỡ lẻ loi”. Trong buồng bà có một cái lò sưởi đã xây sẵn đục vào tường, bà dùng làm bàn thờ. Có lọ hoa, lư hương, chuông mõ, môt đĩa nhỏ trái cây, nhiều tranh và tượng Phật. Bà rất hãnh diện có một bức hình Phật Bà Quan Âm hiện ra trên trời ở Sài Gòn trong năm Pháp nạn 1963, nghe nói  do một phi công bay lên chụp được. Bức hình này rất nổi tiếng ở Sài Gòn vào dạo đó.

Dì Sáu biết rất nhiều sự tích về đức Phật. Không bao giờ thấy Dì than phiền về đời sống vất vả. Lúc nào cũng thấy bà tươi cười. Nếu gặp trắc trở thì coi là kiếp trước làm tội nay phải trả. Luôn luôn lo làm phước, nói là để phúc cho đời sau. Dì tin là ai cũng tốt. Dì trả tiền thuê nhà rất sòng phẳng. Đi chợ, Dì cứ đưa túi tiền ra, người ta móc lấy đúng tiền mua. Tôi biết là dân bán hàng ở đây nhiều lúc lạm dụng du khách, nhưng tôi chắc là chưa ai lừa đảo Dì Sáu một lần nào. Thì ra lòng thành thật của Dì đã vun xới lòng thành thật của mọi người chung quanh.

 

7. Dì Sáu đi đâu?. Một ngày nọ, chúng tôi đến thăm, thấy đầy thợ đang tu sửa lại hai căn buồng của bà. Dì Sáu đã đi đâu mất. Những người thợ nói là bà đã dọn đi. Họ cho tôi địa chỉ mới của bà, nhưng tới đó, chỉ thấy một căn nhà cũ kỹ, kín cửa cao tường, không một bóng người. Vì lý do gì bà bỏ đi thì có ai biết đâu!

Từ đó tôi mất tin Dì Sáu luôn. Người đàn bà từ đồng quê nước mặn xứ nghèo, theo xô đẩy của thời cuộc, đã đến tận kinh đô ánh sáng Ba-Lê, sống một thân một mình, rồi biến mất, không biết lưu lạc nơi nào. Dì sống như một nhà tu hành nhỏ phận, dấn thân ngoài đời, tự lập cánh sinh. Dì đã cảm hóa được những người chung quanh trong một khung cảnh thanh đạm, hiền hoà, từ thiện. Gặp người Pháp không nói được gì với nhau thì có khác chi hai bên cùng tịnh khẩu như trong một phép tu hành. Cũng như các nhà tu tịnh khẩu, họ dùng nụ cười chân thật thân tình làm giao thiệp.

Trước khi đăng lại bài này, tôi trở về địa chỉ mới của bà xem có tin tức gì không. Ôi, thời cuộc đổi thay, căn nhà đó đã hoàn toàn được sửa lại, bây giờ kiến trúc hiện đại trong sáng nguy nga. Thỉnh thoảng có người ra vào, ai cũng ăn mặc rất sang trọng. Tôi đi vòng quanh cả giờ, không thấy Dì đâu. Có thể Dì đã ra đi. Dì ở hiền gặp lành, được Phật độ và Phật sẽ không bao giờ bỏ Dì. Nếu Dì đã ra đi thì thế nào cũng đã được các Bồ tát đưa về nơi đất Phật….

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/08/2014(Xem: 7000)
Bạn nghe tiêu đề và thấy vô lý quá đúng không. Tôi cũng thế, nếu tôi chỉ đọc tên bài viết này thì cũng giật mình vì cho rằng có vấn đề. Rồi thấy buồn cười. Hằng ngày chúng ta suy nghĩ, nói năng, làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngay cả khi ngủ chúng ta cũng không nghỉ. Hằng ngày, khi chúng ta làm việc mà nếu tâm vẫn trong sạch, không mọc rễ, thì khi đó ta đã đưa tâm về nhà. I have a rrived. I am home. Ta đã về. Ta đã tới. Nhưng nếu ta làm cái gì đó rồi tâm ta mọc rễ thì ta đã đưa tâm đi xa nhà. I am far from my home. Ta đã đi xa nhà mất rồi, thật rồi.
01/08/2014(Xem: 9185)
Bạn bè tôi thường hay đùa nhau nói: giày dép còn có số huống chi con người ta. Tôi biết, đó là bạn bè đùa vui thôi! Cuộc đời tôi thì có gắn bó nhiều với những câu chuyện về giày dép. Có bạn còn nói: cái mũ người ta đội trên đầu mới đáng nói hơn, nói chi lòng vòng mấy cái chuyện giày chuyện dép, chỉ là món đồ dùng người ta mượn để đạp dưới đất mà đi. Thì cũng có sao đâu! Cái mũ đội trên đầu thấy „cao thượng“ nhưng lúc lỡ quên mang theo thì mình có thể chui vào đâu đó tránh nắng hay dùng khăn chùm đầu cũng đỡ lạnh. Nhưng giày dép mà vắng mặt thì… bạn ơi, có hơi chật vật đấy! Sỏi đá, gai góc vào chân thì chỉ có khóc thôi. Phải vậy không? Ai từng gặp cảnh ấy mới biết. Bởi nghĩ thế nên mấy cái chuyện giày chuyện dép ấy nó cứ đeo đuổi theo tôi nhiều năm, đến hôm nay mới có dịp kể ra đây.
31/07/2014(Xem: 7310)
Máy bay cất cánh từ phi trường Kastrup, Copenhagen lúc 20 giờ 30 tối, trong đầu tôi vẫn còn nỗi lo là mình đến phi trường Geneva lúc 22 giờ 25 rồi có gặp được các học viên của Khóa Tu Học Phật Pháp, hay có ai đến đón chúng tôi không? Như Thầy Quảng Hiền đã trấn an không?
30/07/2014(Xem: 6800)
‘Bạch Thế Tôn, mới rồi, một gia chủ giàu có ở thành Savatthi này qua đời mà không có con thừa kế. Con vừa cho chuyển tài sản của ông ta vào kho của hoàng cung; những tám triệu đồng tiền bằng vàng chưa kể số tiền bằng bạc. Mặc dù là một gia chủ giàu có, thế nhưng bữa ăn hằng ngày của ông ta thì chỉ là cháo nấu bằng gạo nát với bánh làm bằng đậu khô; y phục vỏn vẹn chỉ có ba mảnh vải dệt bằng sợi gai; phương tiện di chuyển là chiếc xe bò gãy gọng nóc lợp bằng rơm’.
29/07/2014(Xem: 8772)
Thông thường làm từ thiện, ai cũng liên kết với lòng Từ bi. Thấy ai làm từ thiện đều nghĩ người đó có tâm từ. Thật ra, cùng một động thái nhưng nội hàm có nhiều sai biệt. Có người vì xu hướng mà làm từ thiện, có người vì ham danh mà làm từ thiện, có người chạy theo phong trào mà làm từ thiện...những trường hợp nầy thiết nghĩ không cần phải đề cập, cái cần đề cập là những người thực tâm vì thương xót đối tượng mà làm từ thiện. Trường hợp nầy hoàn toàn đồng ý đây là tâm tốt, nhưng tốt đối với người bình thường trong xã hội, riêng với một Phật tử dù xuất gia hay tại gia, việc hành thiện còn phải xây dựng trên nền tảng tâm Bồ đề.
29/07/2014(Xem: 8703)
Tất cả chúng ta đều có thể bị bệnh. Một khi chúng ta được sinh ra trong vòng luân hồi sinh tử với thân thể này thì có nghĩa là chúng ta đã chịu sự ảnh hưởng của những phiền não và nghiệp chướng, cho nên bị ốm đau là điều không thể nào tránh khỏi. Đó cũng chính là bản chất của cơ thể chúng ta - thân thể này sẽ già đi và sẽ bị bệnh. Ma-ha Tăng kỳ luật, quyển 28, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, tập 22, trang 455b)
24/07/2014(Xem: 10562)
Hôm nay chúng tôi xin nói đề tài Ba điều căn bản của người tu Phật. Vì chúng ta tu Phật phải biết thế nào là cội gốc, thế nào là ngọn ngành. Ba điều này tôi căn cứ theo kinh Pháp Hoa, nhắc lại cho quí vị nhớ và thực hành.
22/07/2014(Xem: 9666)
Hoà thượng Chánh Tâm trụ trì ở chùa Kim Liên. Một ngôi chùa cổ, xinh xắn, ấm cúng, nhiều cây cổ thụ bao quanh. Chùa toạ lạc dưới chân núi, cạnh một con suối nhỏ chảy róc rách. Ngài có hai đệ tử, thầy tỳ kheo Tâm An và chú sa di Tâm Bình. Thầy Tâm An xuất gia từ thuở ấu thơ, vì mồ côi mẹ sớm. Thầy lớn hơn chú Tâm Bình đến hai mươi tuổi. Thầy đảm trách hai chức vị, Thị giả và Tri khách, nghĩa là vừa chăm sóc Hoà thượng, vừa lo việc trong, việc ngoài ở chùa. Thầy bận rộn suốt ngày, nhưng lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Chưa bao giờ ai thấy Thầy sân si. Thầy luôn luôn giữ phép lục hoà, trên kính, dưới nhường, làm mọi việc trong chánh niệm tỉnh giác, cần mẫn tinh tiến trong việc tu học. Sau công phu tối, Thầy thường toạ thiền dưới gốc cây cổ thụ bên bờ hồ sau chùa. Từ khi còn thơ ấu, Thầy đã được sự dìu dắt dạy bảo ân cần của Thầy Bổn Sư.
21/07/2014(Xem: 10504)
Những món thực phẩm dưới đây rất quen thuộc và bổ dưỡng. Nhưng nếu ăn không đúng cách thì hậu quả mà chúng đem lại cũng khôn lường.
19/07/2014(Xem: 13187)
Ba nạn nhân vụ máy bay MH17 bị bắn gồm chị Nguyễn Ngọc Minh, 37 tuổi; con gái Đặng Minh Châu, 17 tuổi; và con trai Đặng Quốc Duy, 13 tuổi. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận có ba công dân Việt Nam mang quốc tịch Hà Lan trên máy bay thiệt mạng. Sáng nay cán bộ Cục Lãnh sự đến thăm và chia buồn cùng gia đình chị Minh. Nguyện vọng của bố mẹ chị Minh là đưa thi thể ba mẹ con về Việt Nam vì chị Minh và hai cháu sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Gia đình cũng cung cấp mẫu ADN để gửi sang Ukraine giúp hỗ trợ công tác nhận dạng các nạn nhân. Người bạn thân của chị Ngọc Minh kể với VnExpress, rằng gia đình chị Minh vừa đến dự đám cưới bạn ở Anh hôm 13/7. Theo kế hoạch, ba mẹ con sẽ quá cảnh tại Kuala Lumpur, Malaysia, trước khi về Hà Nội. Chị Nguyễn Ngọc Minh và hai con sống ở Delft, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Amsterdam (Hà Lan) 60 km. Tháng 8/2013, chồng chị là Đặng Quốc Thắng qua đời trong một tai nạn tàu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]