Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một Ngày Có Bốn Mùa (bài viết của HT Như Điển kỷ niệm 20 năm TV Quảng Đức, do PT Diệu Danh diễn đọc)

10/11/201318:11(Xem: 28316)
Một Ngày Có Bốn Mùa (bài viết của HT Như Điển kỷ niệm 20 năm TV Quảng Đức, do PT Diệu Danh diễn đọc)

Canh_Tu_Vien_Quang_Duc (34)

Một Ngày Có Bốn Mùa

Bài viết của HT Thích Như Điển

Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc





Chắc không có nơi nào trên quả địa cầu này có thời tiết như vậy. Chỉ trừ Melbourne ở Úc. Buổi sáng tinh sương là mùa đông lạnh buốt; nửa ngày là mùa xuân; trưa và xế trong ngày là thuộc về mùa Hạ và cuối ngày là vào Thu. Chính tại địa phương lạ lùng nầy có một Tu Viện nổi tiếng mang tên Bồ Tát Quảng Đức. Năm nay kỷ niệm 20 năm thành lập nên tôi viết đoản văn này để ghi lại một vài kỷ niệm về ngôi Tu Viện mang tên một bậc Bồ Tát và cũng để ca ngợi, tán dương thành quả có được hơn 20 năm qua, do công đức của Thượng Tọa Thích Tâm Phương, sáng lập trụ trì và bào đệ là Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng làm phó trụ trì tại đó.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Úc vào tháng 12 năm 1978. Địa phương tôi muốn đến là Brisbanne, vì giấy bảo lãnh được gởi qua Đức từ nơi này.Thuở ấy máy bay Lufthansra không bay trực tiếp từ Đức qua Úc, nên tôi phải bay bằng Singapore airlines. Đây có lẽ là chuyến bay dài nhất trong đời và cũng là chuyến bay có nhiều kỷ niệm nhất.Vì thuở ấy hàng không Singapore mới phát triển nên việc khuyến mại bằng nhiều hình thức khác nhau. Cứ mỗi lần lên xuống, hành khách được nhận một món quà, ví dụ như ví tay đựng tiền hay bút máy. Đoạn đường từ Frankurtt đi Singapore và từ Singapore qua Melbourne rồi Sydney, đi về như thế có được sáu lần nhận quà kỷ niệm. Có điều làm cho tôi nhớ mãi và suy nghĩ thật nhiều qua những chuyến bay như thế, là việc nhân viên sở di trú của Úc lên máy bay xịt thuốc sát trùng khi máy bay đáp xuống phi trường Melbourne. Thuở ấy phi trường Sydney chưa mở rộng nên hầu hết các chuyến bay đều phải hạ cánh tại phi trường Melbourne trước, trước khi bay đến Sydney. Còn bây giờ thì ngược lại, đa phần máy bay đáp xuống phi trường Sydney trước và sau đó mới bay đến Melbourne để đón khách, hoặc giả cũng có nhiều chuyến bay đến và đi thẳng từ phi trường Melbourne chứ không cần qua Sydney.

Điều làm cho tôi ái ngại và tự hỏi là tại sao Úc lại làm như thế! Chúng tôi đến từ những xứ văn minh Âu Châu chứ đâu phải đến từ xứ nào mang bệnh tật vào Úc mà họ phải làm thế. Tục lệ này sau chừng 20 năm hình như không còn nữa, có thể vì tốn kém cho nhà nước, hay vì một lý do nào chăng? Ngày ấy, Melbourne là cửa ngõ quốc tế vào Úc, nên tất cả các du khách đều phải xuống máy bay tại đây trình passport, đóng dấu nhập cảnh và nhận hành lý, sau đó cho hành lý trở lại máy bay để đi tiếp Sydney.Thật là nhiêu khê chẳng ít.

Kế đó là việc phát âm chữ Melbourne. Nếu đánh vần theo tiếng Pháp thì phải đọc hết các mẫu tự, nó trở thành sai, chẳng ai hiểu hết. Mà nó phải được đánh vần theo tiếng Anh, tiếng Úc là “Melbell” mới đúng. Đây là việc khôi hài khi mua vé máy bay.Vì tôi nói cách nào đi nữa thì người Đức cũng chẳng hiểu là tôi muốn đi đâu.Vả chăng ngôn ngữ nó có những cách riêng của nó, ngay cả vấn đề phát âm của tiếng địa phương chăng? Tiếng Anh tại Anh khác, tiếng Anh tại Úc khác với tiếng Anh tại Mỹ và ngay cả tiếng Anh tại Á châu cũng rất khó nghe. Do vậy mà học bao nhiêu cũng không đủ là vậy và đi bao nhiêu cũng không cùng.Vì nơi nào cũng có cái mới cái lạ. Ngày còn học tiểu học (1956-1961) có bài học thuộc lòng, cho đến nay tôi vẫn còn nhớ. Đó là bài: “Đi ngày đàng, học sàng khôn”:

Đi cho biết đó biết đây,

Ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn.

Kìa thế giới năm châu quanh quất,

Người bao nhiêu thì đất bấy nhiêu.

Sông to núi lớn cũng nhiều,

Đường đi lối lại trăm chiều ngổn ngang.

Người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng,

Trời bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây.

Non non, nước nước ,mây mây,

Chẳng đi sao biết thông này thảo kia.

Khi còn nhỏ tôi được học những bài học thuộc lòng như thế. Hình như mỗi tháng phải trả bài cho Thầy, Cô giáo từ một đến hai lần. Nhờ vậy mà sau hơn 50 năm, học trò vẫn còn thuộc.Và thuở ấy, cứ mỗi thứ hai, trên bảng đen có viết một câu thành ngữ, tục ngữ bằng tiếng Pháp hay bằng tiếng Việt.Ví dụ như câu: “Les murs sont des Oriels” (Bức tường có lỗ tai); hoặc: “Tiên học lễ, hậu học văn”; hay: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”v.v…

Ngày nay hình như người ta không còn học như thế nữa.Vả lại mỗi thời, sự giáo dục luôn đổi mới, cho nên tất cả cũng chỉ là “hoài cổ”mà thôi. Ngay như thời Nho học không còn thịnh hành nữa vào đầu thế kỷ 20, cụ Trần Tế Xương đã than rằng:

“Cái học nhà Nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi

Cô hàng bán sách lim dim ngủ

Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi

Sĩ khí rụt rè, già phải cáo

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi

Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ

Trình có quán Tiên, Thứ, chỉ thôi”.


Đến Úc vào những năm 1978, 79 và rồi những năm 80, 81 trở đi, tôi thấy bầu trời Úc còn quang đãng lắm.Thuở ấy, người Việt ở Úc cũng chưa nhiều, Chùa Việt hầu như không có, chỉ có một số Hội Phật Giáo được thành lập do các vị Cư sĩ tại Brisbanne, Sydney và Adelaide mà thôi. Ngay như Tăng Ni thuở ấy cũng chỉ có mấy vị. Đó là Sư chú Sa Di Đồng Trung, sau này đi Hoa kỳ và kế tiếp là Hòa Thượng Thích Phước Huệ, Hòa Thượng Thích Huyền Tôn đến, rồi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích Như Huệ,Thượng Tọa Thích Phước Nhơn, Thượng Tọa Thích Quảng Ba v.v…Tôi là người đến thứ hai tại Úc, nhưng lại có nhân duyên rất gần với Chùa Pháp Bảo tại Sydney và chùa Pháp Hoa tại Adelaide.

Melbourne thuở ấy chỉ là trạm dừng chân của quý Thầy.Vì thời tiết thay đổi bất thường cũng như cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản thuở ấy tại đây ít hơn Sydney nên Hòa Thượng Thích Phước Huệ đầu tiên đến Melbourne rồi sau đó cũng đổi địa bàn hoạt động về Sydney, có lẽ cũng do những lý do trên. Những năm tháng ấy, tôi cũng có qua lại Melbourne nhưng chẳng có nhơn duyên nên ít gần gũi hơn những nơi vừa kể trên.Tôi quan sát người Melbourne đi đâu trong ngày cũng phải mang theo dù và áo ấm, làm như thể họ đoán biết được tất cả những gì sẽ xảy ra trong ngày, nhưng có lẽ đó là thói quen cố hữu của người địa phương chăng?

Melbourne có xe điện chạy trên đường rầy trong phố và nhà cửa tại Úc nói chung hay tại Melbourne nói riêng, giống hệt như ở Anh chẳng khác một tí nào.Từ cách kiến trúc, cho đến việc di chuyển, tên các địa phương v.v…đều nhại lại của Anh. Việc này cũng giống như Sàigòn lại giống hệt như Paris.Vì người đi chiếm thuộc địa bao giờ cũng trồng vào đấy những cây trái của ngôn ngữ, học thuật, kiến trúc, văn hóa v.v…để cho hạt giống của “thực dân địa”được trưởng thành. Chữ thực này có nghĩa là sự xâm thực, gồm có cây, có rễ và bám chặt ngay vào đất đai tại địa phương ấy. Chính sách này ngày nay không còn nữa, nhưng hơn 200 năm trước, người Anh, người Pháp, người Hòa Lan, Tây Ban Nha đã làm những việc này và họ đã thu về cho quê hương của họ không biết bao nhiêu là lợi nhuận từ chính sách “thực dân” này.

Từ năm 1984 trở đi, cứ 2 hay 3 năm, tôi tổ chức một chuyến hành hương đi từ Đức đến Úc. Vì lẽ quý Cụ, quý Bác không rành ngôn ngữ và đường xa không ai giúp đỡ, nên kết hợp việc đi hành hương cũng như thăm con cháu và người thân tại Úc là việc tiện lợi, nên nhiều người đã tham gia. Mỗi lần như thế thường có từ 20 đến 40 người tham dự. Tôi nhớ có lần đoàn hành hương của chúng tôi khởi hành bằng xe Bus đi từ chùa Pháp Bảo xuống Melbourne và chùa đầu tiên ghé lại là ngôi chùa nhỏ Quảng Đức, Thuở ấy (1990) ngôi Tu Viện nhỏ này còn khiêm nhường lắm, chỉ là một ngôi nhà 3 phòng, cải gia vi tự. Thầy trụ trì ốm ốm, cao cao ra đón chúng tôi và từ đó tôi biết rằng, đó là Đại Đức Thích Tâm Phương mới vừa cho kiến tạo Đạo tràng này. Đoàn hành hương năm ấy còn có Cố HT Thích Thiền Định và 40 Phật tử, tất cả đã nghỉ qua đêm trong ngôi chùa nhỏ ấm cúng này.

Bẵng đi một thời gian, sau đó tôi nghe rằng Thầy ấy vừa tạo mãi được một ngôi trường Tiểu Học và bây giờ có đầy đủ điều kiện hơn để thành lập một ngôi chùa.Ví dụ như phòng ốc nhiều hơn, có bãi đậu xe công cộng và chùa sẽ thích hợp với nơi sinh hoạt công cộng như thế. Đây là một niềm vui, và cũng là một nỗi lo của Thầy ấy cũng như của Phật tử địa phương vì chùa phải trả góp hằng tháng cho ngân hàng. Ở đây chúng ta có thể mở một dấu ngoặc để nói về việc này .

Vào năm 1968, khi còn Hòa Thượng Thích Thiện Hoa làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Ngài và Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Hòa Thượng Thích Huyền Quang v.v... muốn tại ngoại quốc có được 3 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam, nên cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa đã cho gởi 3 pho tượng Phật Thích Ca sang Ấn độ, Pháp và Nhật để hy vọng một ngày nào đó sẽ có chùa để làm nơi thờ tự đấng Từ phụ, nhưng mãi cho đến năm 1975, GHPGVNTN trong nước vẫn không thể thực hiện được việc ấy. Vì lẽ điều kiện tài chánh eo hẹp, cũng như chư Tăng Ni sau khi du học thành tài tại các xứ ấy, lại về nước chẳng ai muốn ở lại Nhật, Pháp hay Ấn độ làm gì. Bây giờ 3 tượng ấy được thờ tại chùa Khánh Anh ở Pháp, chùa Việt Nam Phật quốc tự ở Ấn độ, và chùa Viên Giác ở Đức.

Rồi 30 tháng 4 năm 1975 đã đến, kẻ được và người mất, kẻ ra đi, người ở lại. Cái đau, cái buồn, cái xót xa cho vận nước. Vì không có tự do nên đã có 2 triệu người bỏ nước ra đi. Họ ra đi không phải vì thiếu cơm gạo, mà thiếu tất cả những gì căn bản mà con người cần đến như: Tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do ngôn luận v.v… Khi đến được bến bờ tự do, người ta liền nghĩ đến hình ảnh của ngôi chùa. Từ đó (1975) đến nay (2010), qua 35 năm biến thiên của lịch sử, đã có gần 500 ngôi chùa lớn nhỏ góp mặt cho Đời và Đạo, nhằm phát huy cũng như bảo vệ truyền thống văn hóa Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Có nhiều người đã mất tất cả, nhưng nhờ còn có được niềm tin, nên họ đã thành công trên nhiều phương diện sau nầy. Họ lập hội, lập chùa và làm những công tác thiện nguyện khác. Tất cả đều tự động và tất cả đều khởi đi từ con số không to tướng. Chỉ có niềm tin vào đức Phật và tôn giáo của mình đang theo đuổi là to lớn và có một giá trị miên viễn mà thôi. Từ đó, những ngôi chùa khắp nơi trên thế giới được mọc lên, trong đó có Tu viện Quảng Đức tại Melbourne Úc Châu.

Sau một thời gian sửa chữa ngôi trường cũ và ổn định việc tu học của các Phật tử địa phương, Thầy Thích Tâm Phương đã có dự án cho việc xây dựng một ngôi Già lam thực thụ. Thế là Thầy trò của Thầy ấy lại đi vận động qua các tiệc chay gây quỹ hay các đại nhạc hội để có được tịnh tài, nhằm thực hiện giấc mộng “lấy đá vá trời” nầy. Vì không ai có thể tưởng tượng được rằng phía trước đang chờ đợi chúng ta cái gì nữa. Dĩ nhiên là Thầy Cô nào khi xây chùa cũng biết là khó khăn không ít, nhưng cứ dốc tâm cầu Phật thì Phật sẽ gia hộ. Có lẽ đây là chất liệu dưỡng sinh bền bỉ nhất, để cho những người Tăng sĩ tự hào. Đây cũng là chất hồ, chất keo khi dán lên tường còn bền chắc hơn là xi măng, bê tông và cốt sắt nữa. Suốt 35 năm qua, kể từ năm 1975 đến nay, tôi đã thấy rõ được điều đó.

Đến giữa năm 2003, tôi nhận được giấy mời dự lễ Khánh thành Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne do Thượng Tọa Thích Tâm Phương gởi qua Đức và cũng vào tháng 6 năm 2003 ấy, Thượng Tọa có qua Đức tham dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác tại Hannover. Thầy cũng cho biết rằng tháng 10 năm 2003 sẽ làm lễ khánh thành và nhân dịp ấy có tổ chức Đại Hội GHPGVNTN Hải Ngoại. Năm ấy cũng là năm tôi trở về ngôi Phương Trượng và là năm nhập thất, tịnh tu đầu tiên tại Thất Đa Bảo ở Sydney nên tôi đã đến với Thầy ấy vào tháng 10 năm 2003 để tham gia Đại Hội và dự lễ Khánh thành Tu Viện Quảng Đức cùng với hàng trăm Tăng Ni và hàng ngàn đồng bào Phật tử. Nhân Đại Hội GHPGVNTN Hải Ngoại, tất cả các thành viên của Giáo Hội tại hải ngoại đã suy tôn cố đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng thống của Giáo Hội. Đây là một sự kiện lịch sử chúng ta không được phép quên. Vì ngày tháng và niên đại suy tôn vẫn còn đó, lịch sử vẫn còn đây, không ai trong chúng ta có quyền phủ nhận được lịch sử truyền thừa nầy.

Trước đó mấy năm, Thầy Nguyên Tạng, bào đệ của Thầy Tâm Phương đã đến Úc và trong những lễ lớn như thế nầy, Thầy Nguyên Tạng hay cán đáng nhiều công việc để giúp đỡ thầy Tâm Phương. Thầy Nguyên Tạng có dáng người nhỏ nhắn với gương mặt sáng như Thầy Tâm Phương, Thầy giúp đỡ cho bào huynh nhiều mặt trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh, đặc biệt Thầy Nguyên Tạng đã có công lớn trong việc tạo dựng Trang Nhà Quảng Đức để phổ biến giáo lý của tất cả những tông phái Phật Giáo, đến nay đã có trên 2 triệu lượt người truy cập. Có thể nói trang nhà Quảng Đức là một trong số ít mạng lưới toàn cầu Phật Giáo có được nhiều người biết và đến xem kinh sách, nghe bài giảng mp3 mỗi ngày. Ngày nay người ta ngồi tại nhà có thể truy cập máy điện toán về mọi chuyện của thế giới và biết được mọi điều mà người ta muốn biết, nhưng nếu không có những người bỏ ra thật nhiều thời gian để trưởng dưỡng những món ăn tâm linh ấy thì ta cũng không có cơ hội để dò tìm. Xin ngưỡng vọng và tri ân tất cả những ai đã, đang và sẽ có những tấm lòng hy sinh cho những người khác như vậy. Đây cũng là những hình ảnh của những người hành Bồ tát hạnh. Thật ra thọ Bồ tát giới không khó, nhưng hành Bồ tát hạnh thật chẳng dễ dàng chút nào.

Dưới mái chùa của Tu Viện Quảng Đức Melbourne đã trưởng dưỡng những tâm hồn như thế và ngày nay ngoài những người Việt tha hương muốn tìm về hình ảnh của ngôi chùa, họ đã đến và đã đi cũng như sẽ có nhiều người đến, nhưng đặc biệt tại đây có rất nhiều người Úc, người Nhật, người Hoa, cũng đã đến chùa làm công quả và học hỏi giáo lý Phật Đà qua ngôn ngữ địa phương. Quả là điều thật ít có.

Vào tháng 12 năm 2009 vừa qua, Tu Viện Quảng Đức tổ chức rước Phật Ngọc và khánh thành Tăng xá, tôi cũng đã hiện diện chia sẻ niềm vui với hai Thầy chánh phó trụ trì. Thật đúng như câu tục ngữ của Pháp nói rằng: “Sự thành công không phải vấn đề quan trọng, mà vấn đề quan trọng là làm sao để đi đến sự thành công” mới là điều đáng nói. Hai mươi năm một chặn đường ngắn trong 100 năm lịch sử, nhưng là một chặn đường dài cho những ai đang: “đem chuông đi đánh xứ người”. Đã có lần cố hoà thượng Thích Quảng Thạc tặng cho tôi hai câu thơ rằng:

“Tuệ cự cao tiêu quang Việt địa

Từ chung trường khấu chấn Tây dương”

Nghĩa là:

“Trí tuệ cao vời, rõ đất Việt

Trời tây chuông vọng, động lòng từ”

Nay tôi tặng lại 2 câu thơ nầy cho nhị vị, chắc cố Hoà thượng Thích Quảng Thạc cũng sẽ mỉm cười. Vì mấy ai “mang chuông đi đánh xứ người” mà không mong được như vậy.

Bây giờ Melbourne dầu cho một ngày có năm mùa đi chăng nữa thì Tu Viện Quảng Đức tại đây cũng chẳng ngại ngùng gì với gió sương hay mưa dầm, nắng bức. Vì lẽ tiếng chuông ấy đã vươn lên và thoát ra khỏi bao nhiêu lụy phiền, đắng cay của nhân thế để bay mãi vào hư không, thấm sâu vào lòng đất để cho các cõi nhơn thiên được gội nhuần ơn cứu độ.

Bồ tát Thích Quảng Đức là người đã vị pháp thiêu thân vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão (1963) tính đến nay cũng đã gần 50 năm rồi. Lịch sử vẫn còn đó, trái tim của Ngài vẫn còn đây. Thế giới ngưỡng mộ hướng về và triều đại nhà Ngô đã trôi vào dĩ vãng, nhưng những âm thanh cầu nguyện và những bóng hình của ngày hôm ấy tại ngã tư Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn vẫn vang vọng mãi suốt thời gian không bao giờ mất cả. Nay tên của Ngài đã được Thượng Tọa Thích Tâm Phương đặt tên cho ngôi Tu Viện nầy, quả là người có cái nhìn xa và biết “ôn cố tri tân” để mãi mãi ngôi chùa sẽ là ngọn hải đăng để soi lối cho nhiều kẻ cần về nương tựa.

Rồi đây ai cũng phải ra đi. Vì thân cát bụi sẽ trở về cho cát bụi, nhưng hình ảnh của ngôi chùa và hình ảnh của Bồ tát tuy không tồn tại mãi với thời gian, nhưng tinh thần hy sinh để bảo vệ đạo pháp ấy vẫn luôn luôn ở lại với đạo và với đời. Cho nên cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết trong bài thơ: “Lửa Từ Bi” rằng:

…"Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định, hướng về Tây

Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ
Phật Pháp chẳng rời tay
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng... giông bão lắng từ đây
Bóng người vượt chín từng mây
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
Chỗ Người ngồi: Một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi..."

và cố thi sĩ Huyền Không tức Hòa Thượng Thích Mãn Giác, tuy người đã “qua cầu lịch sử”; nhưng 2 câu thơ bất hủ nầy vẫn còn tồn tại với thời gian, năm tháng nhiệm mầu.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”

Suốt giòng lịch sử mấy ngàn năm qua, mái chùa đã xứng đáng là chỗ che chở tâm hồn cho Dân Tộc và nhiều ngàn năm còn lại với đời sau, chùa cũng như thế:

“Chùa là văn hóa quê hương

Là nơi thể hiện tình thương giống nòi”.



Tại Melbourne ngày nay không phải chỉ có một Tu Viện Quảng Đức, mà còn có nhiều chùa khác nữa như: Chùa Quang Minh, Chùa Bảo Vương và hình như cũng không dưới 20 ngôi chùa lớn nhỏ đã có mặt tại đây từ thuở ban sơ của năm 80, 81; cho đến nay cũng đã 30 năm rồi. Dầu cho có khác Tông phái, khác pháp tu, khác tổ chức v. v… nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bây giờ và mai hậu của không biết bao nhiêu thế hệ đã, đương và sẽ đi qua trên cuộc đời nầy.

Melbourne
Toàn cảnh thành phố Melbourne, Úc Châu



Nhìn những ngôi chùa Phổ Phước, Cảnh Phước, Khánh Vân tại Thủ đô Bangkok Thái Lan đã trải qua hơn 200 năm lịch sử, khi mà vua Gia Long lánh nạn Tây Sơn vào những năm cuối thế kỷ thứ 18, nhà vua cũng đã mang theo hình ảnh của những ngôi chùa và những ngôi chùa ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay trên đất Thái, mặc dầu nhà vua đã về nước, lên ngôi năm 1802 và triều đại nhà Nguyễn ấy đã kết thúc từ năm 1945 sau khi đã trị vì từ 1600 trở đi. Như thế 9 chúa và 13 vị vua của Triều Nguyễn tuy không là những Phật tử thuần thành như các vua của Triều Lý, Triều Trần (1010-1222) và (1222-1400), nhưng cũng là những vị vua minh quân hiền đức, biết lo cho dân, cho nước và cho sự sống còn của dân tộc.

Ngày nay nếu có ai đó ghé ngang qua các chùa Phổ Phước, Cảnh Phước, hay Khánh Vân tại thủ đô Bangkok Thái Lan, không còn nhìn thấy hình bóng của những nhà sư Việt Nam nữa, nhưng trong những buổi công phu khuya tại các chánh điện của những ngôi chùa nầy, ta có thể nghe được những âm thanh tụng kinh từ người Thái bằng tiếng Việt là:

“Diệu trạm tổng trì bất động tôn

Thủ lăng nghiêm vương thế hi hữu

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân. . .”

Hay những buổi công phu chiều, quý vị có thể nghe tiếng Việt: “Như thị ngã văn, nhứt thời Phật tại Xá vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên. . .” thật là cảm động vô cùng vì đã qua rồi 200 năm lịch sử, người xưa không còn nữa, mà ngôn ngữ xưa vẫn còn vang vọng nơi đây. Điều ấy chứng tỏ rằng: Bảo thủ cũng không phải là điều dở, hay nói đúng hơn là nên gìn giữ lại truyền thống để chúng ta không đánh mất đi cái hồn của quê hương tại xứ người.

Tu viện Quảng Đức tại Melbourne mới hai mươi năm với phong sương và tuế nguyệt, nhưng biết đâu đó 200 năm sau sẽ có những chú tiểu người Úc mũi cao, mắt xanh, da trắng sẽ ngồi trên chánh điện ngày nay để tụng lên những bài kinh bằng tiếng Việt như:

“Dương chi tịnh thủy

Biến sái tam thiên . . .”

Thì Thầy Tâm Phương và Thầy Nguyên Tạng ở một cõi giới xa xăm nào đó nhìn về quê xưa, nơi mình đã trú ngụ ở đó một thời gian, chắc rằng quý Thầy sẽ mỉm cười, an lạc . . .


Viết để tặng quý Thầy nhân kỷ niệm 20 năm Tu Viện Quảng Đức

Sa Môn Thích Như Điển

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/01/2013(Xem: 7608)
Một hệ thống Giáo dục mới và toàn diện chỉ duy trì những truyền thống tốt đẹp, những gì văn hóa cũ thích hợp với đường hướng giáo dục này. Chính vai trò của nền giáo dục toàn diện là xây dựng một nền văn hoa mới toàn diện.
08/01/2013(Xem: 7237)
Hôm nay sẽ nói chuyện về đề tài “Sống Vươn Lên”, bây giờ mình không thể sống chìm lịm trong bùn lầy của thế gian này, mà phải sống vươn lên. Nhưng sống vươn lên như thế nào ? Trước tiên phải xét xem tại sao chúng ta có mặt ở thế gian này? Có ai bỗng dưng mà có đây không? Nếu bỗng dưng thì mình mới có mặt lần đầu ở đây sao? Nhưng điều đó thì không đúng với lẽ thật Phật đã dạy: “Chúng san
07/01/2013(Xem: 8002)
Tu Phật cốt yếu là CHUYỂN HÓA. Thế nào là chuyển hóa? Chuyển hóa có nghĩa là làm cho tâm tính, làm cho căn khí, nhận định của ta thay đổi.
02/01/2013(Xem: 8225)
Có lẽ chúng ta nên cùng nhau nghiền ngẫm lại câu nói của bậc cao tăng Già-la Đồ-lê : hãy bắt đầu bằng việc nói cho bá tính biết những gì họ đang mong muốn biết chứ chưa vội nói với họ tất cả những gì chúng ta biết.
02/01/2013(Xem: 6204)
Giáo lý nhà Phật thì có nhiều, song tùy từng đối tượng, từng thời đại, mà ta chọn ra những nội dung phù hợp, thiết thực, dễ tiếp thu để giảng dạy.
01/01/2013(Xem: 6703)
Mục tiêu của Phật giáo là đưa mọi người đến chỗ giải thoát tối hậu, nhưng giáo pháp của Đức Phật có phân biệt từng trường hợp, từng hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà hướng dẫn từng cá nhân đi theo những con đường nhanh hay chậm, trực tiếp hay gián tiếp. Để nêu ra được những mục tiêu cụ thể và thực tiễn cho Giáo dục Phật giáo Việt Nam, điều tất yếu là phải duyệt lại những mục tiêu của giáo dục và mục tiêu của Phật giáo nói chung, ngoài ra phải có một cái nhìn tổng quát về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam. Thật vậy, chỉ có thể căn cứ trên mục tiêu căn bản của giáo dục và của Phật giáo, s au đó, các nhà nghiên cứu mới có thể xác lập được những mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, những mục cơ bản và mục tiêu dẫn xuất của giáo dục Phật giáo Việt Nam, xuất phát từ tình trạng của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Do đó, bản tham luận này sẽ trình bày về mục tiêu của giáo dục, mục tiêu của Phật giáo, và hiện trạng Phật giáo Việt Nam trước khi nói đến mục tiêu của Giáo dục Phật
31/12/2012(Xem: 6490)
Việc điều trị tâm là thiết yếu, vì nếu không thì các vấn đề bất ổn của chúng ta, vốn không có điểm khởi đầu, sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta có thể dùng thuốc hay các phương thức bên ngoài khác để chữa lành một căn bệnh nào đó, nhưng bệnh sẽ tái phát nếu chúng ta không điều trị tâm. Nếu không điều trị Tâm thì luôn luôn có nguy cơ là ta sẽ lại tạo ra nguyên nhân của bệnh, chúng ta sẽ tái diễn các hành vi mà trước đây đã khiến cho cơ thể chúng ta bị đau ốm. Và rồi chúng ta sẽ bị cùng căn bệnh đó trong các kiếp sau, hay thậm chí ngay trong kiếp này. Lama Zopa Rinpoche
27/12/2012(Xem: 8822)
Cấu trúc củaMười điều tâm niệm gồm ba phần: - Phần một,mô tả về mười nghịch cảnh với các đối tượng và cách đối trị để tất cả hành giảphải giữ chánh niệm và tỉnh thức, nhằm thấy được “mặt mũi” của chúng, nguyênnhân và cách thức đối trị. - Phần hailà giải pháp đối trị, tìm đối tượng có tính đối lập ở mức độ cao nhất hay hơn đểtừ vế A của hiện thực khổ đau, ta có được vế B của tâm linh như là kết quả tấtyếu của sự hành trì. - Phần ba làphần khuyến tu như tựa đề chung của tác phẩm Bảo vương tam muội niệm Phật trựcchỉ, để giúp ta thấy rõ hiện tính vô thường như bản chất và quy luật của sựvật hiện tượng để từ đó ta không quá bận tâm về những đổi thay liên hệ đến bảnthân và tất cả những gì diễn ra xung quanh.
27/12/2012(Xem: 12990)
Không tách lìa hiện tướng và tánh không. Đây chính là chánh kiến, chẳng còn gì sở đắc được hơn.
26/12/2012(Xem: 10130)
Người đời ai cũng muốn tìm cầu hạnh phúc, nên chạy đuổi theo tiền của, sắc đẹp, danh vọng, quyền thế, ăn uống và ngủ nghỉ… Họ lầm tưởng rằng sẽ được vui sướng lâu dài, nhưng cuối cùng vẫn phải gánh chịu nhiều đau khổ!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]