Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðạo Binh Ma Thứ Bảy: Hoài Nghi

24/07/201208:03(Xem: 6718)
Ðạo Binh Ma Thứ Bảy: Hoài Nghi

NGAY TRONG KIẾP SỐNG NÀY
Tác giả: Sayadaw U. Pandita
Dịch giả: Khánh Hỷ

Mười Ðạo Binh Ma

oo0oo

Ðạo Binh Ma Thứ Bảy: Hoài Nghi

Dã dượi buồn ngủ là lý do độc nhất khiến thiền sinh nghi ngờ khả năng của mình. Nghi ngờ là đạo binh ma đáng sợ. Khi thiền sinh bắt đầu buông thả trên việc hành thiền của mình, thì thiền sinh cũng bắt đầu nghi ngờ khả năng của chính mình. Băn khoăn suy nghĩ đã không giúp bạn tiến bộ mà còn làm hoài nghi lan rộng thêm. Ðầu tiên là nghi ngờ khả năng của chính mình. Tiếp đến nghi ngờ phương pháp hành thiền, rồi hoài nghi có thể bành trướng rộng hơn và trở thành nghi ngờ thiền sư. Lúc ấy, thiền sinh có thể tự hỏi: "Không biết ông thầy này có đủ khả năng để am tường tình trạng của mình không?". Dĩ nhiên, đây là một trường hợp đặc biệt, cần có một loại chỉ dẫn mới. Trong lúc trình pháp, những điều trình bày của thiền sinh này chỉ do tưởng tượng mà ra. Mọi khía cạnh có thể lý giải, có thể hiểu được trong việc hành thiền đều trở nên đáng ngờ vực.

Ðạo Binh Thứ Bảy, tiếng Pali gọi là Vicikiccha. Vicikiccha có nghĩa rộng hơn chữ hoài nghi. Ðó là trạng thái của một tâm mệt mỏi do hiểu không trọn vẹn, không thấu đáo, sự hiểu thiếu bằng cớ, sự phỏng đoán. Một thiền sinh bị dã dượi buồn ngủ chế ngự không thể chú tâm liên tục vào đề mục để tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển. Nếu thiền sinh loại này chịu khó chánh niệm thì có thể biết được danh sắc một cách trực tiếp và thấy rõ chúng có liên hệ nhân quả với nhau. Nếu không chịu chánh niệm quán sát thì sẽ mờ tối trước danh và sắc. Thiền sinh vẫn chưa hiểu được những gì mà mình chưa thấy trước đây. Bấy giờ thiền sinh thiếu chánh niệm bèn suy tư và lý luận: "Ta phân vân không biết cái gì hợp thành danh và sắc. Danh và sắc liên hệ với nhau như thế nào?". Lúc trình pháp, thiền sinh chỉ bày tỏ kinh nghiệm của mình dựa trên những hiểu biết nông cạn và non nớt trộn lẫn với tưởng tượng. Vì tâm không quán thấu được chân lý nên giao động phát sinh. Sau đó là hoang mang, bối rối và do dự kéo đến. Ðó là một khía cạnh khác của vicikicchẻ. Suy nghĩ, lý luận nhiều quá sinh ra mệt mỏi, kiệt quệ.

Sự non kém nội quán, hay minh sát, ngăn chặn thiền sinh có một vị thế ổn cố và vững tin. Tâm thiềnsinh chạy lung tung trước vô số hướng đi. Thiền sinh nhớ lại những cách hành thiền đã từng nghe trước đây, nơi này một ít, nơi kia một ít, đem ra thực hành. Thiền sinh bây giờ như người rơi vào trong một nồi cám heo với đủ thứ tạp nham và chìm trong đó. Vicikiccha là một trở ngại lớn lao trong việc hành thiền. Nguyên nhân gần của nó là do dự hoài nghi và thiếu chú tâm chính đáng, tâm không được điều khiển thích hợp để làm tròn nhiệm vụ khám phá chân lý. Phương pháp hữu hiệu và trực tiếp nhất để điều trị hoài nghi là có sự chú tâm thích đáng.

Nếu bạn biết cách nhìn và hướng mắt vào đúng, bạn sẽ thấy rõ những gì bạn đang tìm, đó là thực tánh của mọi vật. Chính bạn thấy rõ thực tánh của mọi vật thì bạn không còn hoài nghi về chúng nữa. Muốn tạo điều kiện thích hợp cho một sự chú tâm chính đáng, việc thiết yếu đầu tiên là phải có một vị thầy. Vị thầy này sẽ hướng dẫn bạn trên con đường dẫn đến chân lý và trí tuệ. Ðức Phật đã nhiều lần nhắc nhở, người muốn tìm chân lý, phải tìm một vị thầy đủ khả năng hướng dẫn. Nếu không tìm ra một vị thầy giỏi để hành theo những lời chỉ dẫn của vị này bấy giờ bạn hãy trở về với hàng khối sách dạy thiền đang tràn ngập thị trường. Nhưng hãy thận trọng, đặc biệt nếu bạn là một con mọt sách.

Nếu bạn có nhiều kiến thức về các phương pháp hành thiền và muốn tổng hợp chúng lại, chắc chắn là bạn sẽ thất vọng, và có thể, hoài nghi của bạn càng gia tăng nhiều hơn khi chưa đọc sách. Dầu bạn có gặp được một số phương pháp hành thiền tốt đẹp, nhưng vì bạn không thực hành rốt ráo đúng theo những lời chỉ dẫn của các phương pháp này, thì kết quả cũng chẳng đến đâu và bạn lại nghi ngờ luôn cả những phương pháp này nữa. Bạn phải kiên nhẫn thực hành để có cơ hội tự mình chứng nghiệm những lợi ích của việc hành thiền. Nếu không thực hành một cách thích đáng, thì không thể nào tự mình chứng nghiệm, tự mình thấy rõ chân tánh của mọi hiện tượng. Nếu không hành thiền đúng, thì không những hoài nghi gia tăng mà tâm bạn còn trở nên ngưng đọng, cứng ngắt, đầy sân hận, bất mãn, và chống đối.

Tâm Gai Góc

Sân hận làm cho tâm cứng ngắt và gắt gao như gai nhọn. Dưới ảnh hưởng của gai nhọn, thiền sinh bị tâm cấu xé như một kẻ lữ hành bị lạc vào một đám gai góc rậm rạp; mỗi bước đi là mỗi bước khổ đau. Sân hận là một trở ngại lớn lao trong việc hành thiền. Ðây là trở ngại mà nhiều thiền sinh gặp phải nên tôi muốn nói đến một vài chi tiết của loại phiền não này với mục đích để những người có chủ tâm hành thiền có thể biết được cách thức chế ngự nó. Một cách tổng quát, sân hận bắt nguồn từ hai loại tâm sở. Trước hết là hoài nghi. Thứ đến là một loại dây ràng buộc của tâm.

Có năm loại hoài nghi khiến cho tâm trở thành gai góc. (1) Thứ nhứt, nghi ngờ Phật, vị thầy vô thượng đã chỉ chúng ta con đường giải thoát. (2) Nghi ngờ Pháp, con đường thoát khổ. (3) Nghi ngờ Tăng, những bậc Thánh đã diệt được một phần hay toàn thể phiền não, kế đến nghi ngờ chính mình, nghi ngờ giới luật và cách hành thiền của mình. (4) Nghi ngờ thiền sinh, bao gồm cả thiền sư. Khi có nhiều nghi ngờ thì thiền sinh sẽ bị tràn ngập bởi sân hận và phản kháng. Bởi thế, tâm thiền sinh đầy gai góc và cảm thấy chẳng muốn hành thiền chút nào. (5) Nghi ngờ và không tin tưởng cả vào việc hành thiền.

Tuy nhiên, hãy yên tâm! Không có gì mất mát cả. Trí tuệ và sự hiểu biết là thần dược để điều trị hoài nghi. Một trong những loại hiểu biết quan trọng là nhận được sự chỉ dẫn thích đáng. Thường những lời chỉ dẫn, giải thích, và sự hiểu biết của thiền sư có thể giúp cho thiền sinh vượt qua khỏi đám gai góc dầy đặc của hoài nghi này. Những câu khuyên nhủ thích đáng, những bài pháp đúng chân lý, khích lệ và đi sâu vào tâm trạng của thiền sinh có khả năng đưa thiền sinh trở về con đường sáng. Con đường sáng này không gì khác hơn là sự quan sát trực tiếp, đối diện với thực trạng. Thiền sinh sẽ thở một hơi dài nhẹ nhõm và đầy biết ơn. Bấy giờ thiền sinh có cơ hội để thấy rõ sự vật đúng theo thực tướng của nó. Thiền sinh sẽ đạt được tuệ giác, và những tuệ giác cao hơn sẽ là linh dược để điều trị bệnh tâm đầy gai góc.

Nếu không trở về đường chính mà để cho nghi ngờ tiếp tục phát triển, e rằng bệnh sẽ trở thành bất trị.

Năm Dây Trói Buộc

Tâm gai góc không phải chỉ bắt nguồn từ hoài nghi mà còn sinh ra từ năm loại thằng thúc khác nữa. Khi năm dây trói buộc này có mặt thì tâm bị sân hận, thoái hóa và phản kháng dày vò. Nhưng vẫn có phương pháp để trị các giây trói buộc này. Thiền Minh Sát sẽ tự động quét sạch chúng và làm cho tâm sáng sủa. Nếu năm thằng thúc này xâm nhập vào việc hành thiền của ta, thì việc đầu tiên là phải nhận diện chúng. Có thế mới có thể tháo gỡ được những dây ràng buộc dài nhằng và dai dẳng bền chặt này.

(1) Ràng buộc đầu tiên là bị trói buộc vào ngũ dục. Vì chỉ thích những đối tượng tốt đẹp nên thiền sinh không hài lòng với những gì đang thực sự diễn ra trong giây phút hiện tại. Ðối tượng chính là sự chuyển động của bụng không đủ sức hấp dẫn và thích thú so với những đối tượng hợp với thị hiếu và mong mỏi của thiền sinh. Nếu sự không hài lòng này xuất hiện thì việc hành thiền bị phá hủy.

(2) Dây ràng buộc thứ hai là quá luyến ái vào thân thể mình. Sự luyến ái này nhiều khi được hiểu là quá yêu chuộng thân xác. Quá yêu chuộng tự thân có thể được thấy rõ là phiền não chướng ngại khi bạn hành thiền. Khi bạn ngồi một thời gian dài, nhiều loại khổ thọ phát sinh. Nhiều loại thật khó chịu. Lúc ấy, bạn bắt đầu nghĩ đến cái chân thảm thương của bạn. Không biết nó có còn đi được nữa không? Có thể bạn quyết định mở mắt và duỗi chân ra. Thế là sự liên tục chú tâm bị phá vỡ. Bạn bị mất đà giống như xe lên dốc nửa chừng mà dừng lại nên mất trớn. Quan tâm đến thân xác một cách nhẹ nhàng hợp lý nhiều lúc có thể giúp ta có đủ can đảm cần thiết để nhìn sâu vào bản chất của sự đau, nhưng quan tâm quá nhiều là một trở ngại.

Chú trọng đến sự săn sóc bề ngoài của thân thể mình cũng là cơ hội để sợi dây ràng buộc thứ hai này phát khởi. Nhiều người cảm thấy vui vẻ hạnh phúc với những loại áo quần đúng kiểu hay các loại mỹ phẩm đắt tiền. Nếu vì lý do nào đó không thể trang điểm và ăn mặc theo ý mình, thì họ sẽ cảm thấy có cái gì mất mát. Dĩ nhiên, trong khi hành thiền thì việc trang điểm và áo quần thời trang là một thú tiêu khiển không thích hợp. Ðây là một trở ngại tạo cơ hội cho băn khoăn lo lắng xen vào việc hành thiền.

(3) Dây ràng buộc thứ ba là luyến ái vào kẻ khác hay thân thể của họ. Ðây là một tình trạng phổ thông cần phải được loại bỏ.

(4) Dây ràng buộc thứ tư là dính mắc vào thực phẩm. Nhiều người thích ăn nhiều. Nhiều người thích ăn món này món nọ hợp với khẩu vị mình. Những người mà quan tâm đầu tiên của họ là thỏa mãn cái bụng thường có khuynh hướng tìm lạc thú trong việc ngủ hơn là thực hành chánh niệm. Nhiều thiền sinh lại có vấn đề ngược lại. Họ sợ bị lên cân. Những người này cũng bị trói buộc vào sự ăn uống.

(5) Dây trói buộc thứ năm là hành thiền với mục đích được tái sanh vào cõi trời. Việc hành thiền đặt căn bản trên tham ái với mục đích để hưởng thụ dục lạc trên các cõi trời là một dây ràng buộc và cũng là một quan niệm chật hẹp và thấp kém.

Nếu nỗ lực chăm chỉ hành thiền thì sẽ chế ngự được năm dây trói buộc này, và như thế, sẽ chế ngự được hoài nghi và sân hận theo sau nó. Khi tâm thoát khỏi đám rừng gai góc trói buộc thì sẽ trong sáng như pha lê. Tâm sáng suốt này sẽ giúp bạn hoan hỉ, tạo nên sự tinh tấn đầu tiên trong việc hành thiền. Tiếp theo, sự tinh tấn đều đặn hay tinh tấn duy trì giúp cho chánh niệm và chánh định của bạn tiến triển sâu xa thêm, và sự tinh tấn vượt bực ở mức độ thiền cao hơn đưa đến giải thoát. Ba loại tinh tấn này: tinh tấn khởi đầu, tinh tấn duy trì và tinh tấn vượt bực cao cấp giúp thiền sinh chuyên cần, tỉnh giác và chánh niệm. Ðây là một loại chiến thuật tự nhiên và hữu hiệu nhất để đánh bại đạo quân hoài nghi. Chỉ khi nào tâm trượt khỏi đề mục, nghĩa là lúc thiếu tinh tấn, thì sự mơ hồ, mờ tối của hoài nghi mới có cơ hội nhảy vào.

Ðức Tin Khai Sáng Tâm

Ðặc tính của đức tin hay Saddha là có sức mạnh quét sạch đám mây hoài nghi và khiến tâm trong sáng. Như nước bùn dơ được đánh phèn, bao nhiêu cặn bẩn lắng xuống và ta có được nước trong sạch để dùng. Ðức tin cũng có hiệu năng tương tự. Ðức tin loại trừ mọi dơ bẩn và đem lại sự trong sáng cho tâm.

Một thiền sinh không hiểu được những đặc tánh quí báu của Phật, Pháp, Tăng sẽ nghi ngờ giá trị của Tam Bảo và hiệu năng của việc hành thiền. Thiền sinh này dễ bị đạo binh ma thứ bảy chinh phục và tâm họ chẳng khác nào nước bùn dơ. Nhưng sau khi được đọc những bài giáo lý, hay được nghe những lời dạy thích hợp của thiền sư, thiền sinh này sẽ dần dần giảm bớt hoài nghi và đức tin được củng cố vững chắc.

Nhờ có đức tin, thiền sinh sẽ thích thú trong việc hành thiền. Sự thiết tha này sẽ tạo năng lực cho thiền sinh tiến đến mục tiêu cuối cùng. Một đức tin mạnh mẽ sẽ tạo nên thiện chí, chân thành và lòng tín nhiệm. Có thiện chí và chân thành trong việc hành thiền, có tín nhiệm sâu xa vào giáo pháp là con đường dẫn đến tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Thế rồi trí tuệ sẽ hiển bày dưới hình thức các tuệ minh sát.

Khi có đủ điều kiện và hoàn cảnh thích nghi, hoa trí tuệ sẽ tự động khai mở. Tuệ minh sát sẽ xuất hiện khi thiền sinh thấy rõ những đặc tính đặc thù và phổ thông của tiến trình thân tâm. Mỗi hiện tượng phát khởi trong tâm đều có những đặc tính riêng của chúng, nhưng những hiện tượng này chịu sự chi phối của định luật chung, đó là vô thường, khổ và vô ngã. (Các đặc tính đặc thù hay đặc tính riêng của thân là nóng lạnh, dính hút, cứng mềm, chuyển động, v.v... và các đặc tính đặc thù hay đặc tính riêng của tâm là sự nhận biết bao gồm các cảm xúc giận hờn, tham muốn, vui buồn, v.v.... Các đặc tính chung hay đặc tính phổ thông của cả hai tiến trình thân tâm là vô thường, khổ và vô ngã.)

Khi tuệ minh sát phát sinh, thiền sinh sẽ thấu hiểu một cách rõ ràng, tường tận hai đặc tính riêng và chung của mọi hiện tượng giới. Ðây là kết quả của công trình chánh niệm thuần túy. Một đóng góp của trí tuệ này là sự sáng tỏ rõ ràng. Trí tuệ thắp sáng cho chánh niệm. Trí tuệ chẳng khác nào ngọn đèn sáng xua đuổi bóng đêm tăm tối làm hiển lộ mọi vật. Nhờ ánh sáng trí tuệ, ta thấy rõ đặc tính chung và đặc tính riêng của thân và tâm. Thấy rõ các khía cạnh của từng hoạt động mà ta tham gia vào: nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và cảm giác, hay tư tưởng.

Ðặc tính của trí tuệ là không lẫn lộn. Khi tuệ minh sát hiện diện thì tâm không còn lẫn lộn, mê muội, và không còn hiểu lầm danh và sắc, hay thân và tâm nữa.

Nhờ thấy rõ ràng, trong sáng, và không lẫn lộn, tâm sẽ bắt đầu đầy ắp đức tin, được gọi là chân tín. Một đức tin sáng tỏ chứ không mù quáng, mê mờ, lẫn lộn. Ðức tin này đến trực tiếp từ kinh nghiệm sự thật của cá nhân. Ta có thể so sánh đức tin này với sự tin tưởng rằng: hai với hai là bốn. Ðó là điều đương nhiên. Một cách đúng nghĩa, thì đức tin ở đây là thấy và hiểu rõ ràng chính xác. Kinh điển gọi đức tin này là căn bản quyết định để hướng dẫn sự chứng nghiệm cá nhân. Như vậy, đức tin ở đây rất gần nghĩa với trí tuệ.

Chân tín không phát sinh ở sự thừa nhận một điều gì mà ta đã nghe được; cũng không đến từ sự nghiên cứu, so sánh hay phán đoán, lý luận; không xuất phát từ kim khẩu của một vị thượng tọa, đại đức, học giả, hay một nhóm trí thức nào. Chân tín đến trực tiếp từ trực giác chiêm nghiệm cá nhân và từ một trí tuệ vững chắc, thấy rõ, hiểu rõ.

Ðiều quan trọng nhất để phát triển và có được một đức tin chân chánh là phải thực hành theo sự chỉ dẫn trong kinh điển. Ðối với những người mới hành thiền, thì phương pháp thiền tứ niệm xứ có vẻ quá đơn giản và giới hạn. Nhưng khi thực hành sâu xa, trí tuệ bắt đầu hiển lộ, thiền sinh sẽ do kinh nghiệm của chính mình mà phá vỡ được sự đơn giản và giới hạn này.

Trong sự hiện diện của đức tin, thiền sinh có thể nhận biết tức thì, là tâm đã trở nên trong sáng và không bị ô nhiễm. Cũng ngay lúc ấy, tâm thiền sinh tràn đầy an lạc và sáng suốt. Ðức tin chân chánh có công năng tập trung và làm sáng tỏ ngũ lực: tín, tấn, niệm, định, huệ. Ngũ lực sẽ trở thành đạo binh tinh nhuệ, tỉnh giác và đầy hiệu năng. Ðạo binh này sẽ đánh mạnh để mở rộng chiến trường giúp cho tâm tập trung an lạc và dũng mãnh - không những thắng được đạo binh thứ bảy, mà còn phá tan cả chín đạo binh ma kia.

Bốn Sức Mạnh Giúp Việc Hành Thiền Có Hiệu Quả

Trong việc hành thiền, cũng như trong mọi công việc ở đời, người có nỗ lực và tâm kiên định ắt hẳn sẽ hoàn thành những gì mình mơ ước. Kiên định và dũng cảm là hai trong bốn sức mạnh giúp việc hành thiền có kết quả. Bốn sức mạnh hỗ trợ hay tứ như ý túcnày gồm có: thứ nhất là Dục, là có ý muốn, ý chí nhiệt tâm; thứ hai là Cần, là tinh tấn nỗ lực; thứ ba là Tâm, là sự kiên định vững chắc không thối chuyển; thứ tư là Quán, tức là trí tuệ, hay sự hiểu biết thấu đáo. Nếu bốn yếu tố này tròn đủ thì thiền sinh sẽ sớm đạt được ước mơ của mình và thấy rõ Niết Bàn.

Ðức Phật đã đưa ra một thí dụ giản dị để thấy rõ phương thức hành thiền có hiệu quả. Ðó là hình ảnh một con gà mái ấp trứng. Nếu gà đẻ trứng và muốn cho trứng nở, nhưng gà cứ để trứng đó, phó mặc cho thiên nhiên, thì chắc chắn trứng sẽ thối. Ngược lại, nếu gà quan tâm đến việc ấp trứng, nằm ấp suốt ngày, thì sức nóng của thân thể gà sẽ làm cho trứng nở. Nằm ấp trứng là một bổn phận quan trọng của gà. Gà phải biết ấp đúng cách. Ðôi cánh phải trải rộng vừa phải đủ để che trứng khỏi bị mưa. Gà phải thận trọng để nằm lên trứng mà không làm cho trứng vỡ. Nếu gà nằm ấp đúng cách và đúng thời gian thì trứng sẽ nhận đủ sức nóng để phát triển. Bên trong quả trứng, tròng đỏ và tròng trắng bắt đầu biến dạng, và gà con tượng hình. Một thời gian sau vỏ trứng bắt đầu mỏng đi, gà con bên trong thấy được ánh sáng lờ mờ bên ngoài. Rồi một con gà con lông vàng mướt ra khỏi vỏ trứng tù túng. Công việc của gà là chuyên cần nằm ấp trứng, còn trứng có nở hay không, bao giờ nở, phát triển như thế nào, gà chẳng phải bận tâm đến.

Gà mẹ rất chuyên cần và nhiệt tâm trong nhiệm vụ của mình. Nếu gà mẹ cảm thấy đói hay khát, gà tạm thời dời tổ trong một thời gian ngắn, rồi lại trở về với ổ trứng của mình.

Tôi không đòi hỏi các bạn bỏ ăn hay ngưng uống hoặc nhịn việc tiêu tiểu. Tôi chỉ mong các bạn học lấy bài học nhiệt tâm và chuyên cần của gà. Hãy tưởng tượng xem, nếu gà mẹ lười biếng và thiếu nhiệt tâm, cứ ấp được vài phút rồi lại dời tổ làm việc khác, thì trứng chắc chắn sẽ bị thối, và gà con sẽ không có cơ hội chào đời.

Tương tự như vậy. Nếu thiền sinh mới ngồi thiền được một lát lại gãi, lại đổi chân, lại uốn éo cựa quậy, chuyển bên này, chuyển bên kia, thì sự tinh tấn không đủ liên tục để giữ tâm tươi mát, thoát khỏi các ảnh hưởng tai hại của các loại phiền não chỉ chực cơ hội để nhảy vào quấy rối.

Thiền sinh cố gắng chánh niệm trong mọi lúc để tạo được một luồng năng lực bền dai giống như sức nóng liên tục được gà mẹ duy trì trong khi ấp trứng. Sức nóng của tinh tấn giúp cho tâm không bị hư thối và phiền não không tìm ra chỗ hư thối để tấn công. Tinh tấn cũng giúp cho trí tuệ phát triển và già dặn trong từng bước tiến bộ.

Năm loại ràng buộc tâm chỉ có thể khởi lên khi chánh niệm vắng bóng. Nếu không thận trọng, thì khi tiếp xúc với đối tượng hài lòng, tâm sẽ đầy tham ái và chấp giữ, dây ràng buộc thứ nhứt. Tuy nhiên, sự chánh niệm sẽ chinh phục được loại ái dục này. Cũng vậy, nếu thấy rõ được bản chất của thân, thì luyến ái sẽ biến mất, tiếp theo, sự say mê thân thể người khác cũng tiêu tan. Thế là, dây ràng buộc thứ hai và ba cũng bị tháo gỡ. Sự chú tâm vào toàn thể tiến trình lúc ăn cũng cắt đứt được sự tham lam trong việc ăn uống, sợi dây thứ tư. Nếu trì chí hành thiền với mục tiêu thấy rõ Niết Bàn, thì sự thèm khát các loại thú vui ở trần tục, ở kiếp sau, dây ràng buộc thứ năm, cũng bị đoạn diệt. Khi năm dây ràng buộc này bị chấm dứt, tâm không còn đen tối và chật hẹp, mà thanh thản, tự do và sáng suốt như pha lê.

Tiếp tục tinh tấn chánh niệm và chánh định, tâm dần dần tràn đầy sự ấm cúng của giáo pháp. Năng lực của giáo pháp giúp tâm luôn luôn tươi mát, và cũng chính năng lực của giáo pháp làm khô héo phiền não. Hương thơm của giáo pháp có thể lan rộng khắp nơi và xuyên suốt qua mọi vật, giúp cho chiếc vỏ vô minh nhốt kín chúng ta dần dần mỏng đi và yếu mềm. Với tâm sáng suốt qua sự tinh tấn chánh niệm, thiền sinh sẽ bắt đầu thấy được thân và tâm cùng nhân, duyên của mọi vật. Nhờ sự hiểu biết này, đức tin đặt căn bản trực tiếp trên kinh nghiệm phát sinh. Thiền sinh hiểu được sự tương quan của tiến trình thân tâm, loại bỏ được tư tưởng có một cái ta độc lập có nhiệm vụ quyết định và hành động. Tiếp đến thiền sinh sẽ hiểu được rằng, trong quá khứ cũng có những quá trình nhân duyên như vậy, và trong tương lai cũng chỉ là những chuỗi nhân duyên tiếp diễn. Càng thực hành thâm sâu, thiền sinh sẽ càng có nhiều tự tin, không còn nghi ngờ vào khả năng hay sự thực tập của chính mình. Không còn nghi ngờ các thiền sinh khác hay thiền sư. Tâm thiền sinh lúc bấy giờ đầy ắp lòng biết ơn Phật, Pháp, Tăng.

Thế rồi thiền sinh bắt đầu thấy sự xuất hiện và sự biến mất của mọi vật. Hiểu được bản chất vô thường, khổ não và vô ngã của chúng. Khi tuệ giác này xuất hiện, thì sự mê mờ hiểu biết sai lầm về những hiện tượng này cũng biến mất.

Giống như gà con đã đủ ngày tháng sắp sửa thoát ra khỏi chiếc vỏ tù túng. Từ đây, thiền sinh bắt đầu thấy được ánh sáng chân lý. Tâm chánh niệm ghi nhận sự vật ngày càng nhanh hơn. Thiền sinh thấy ngập tràn năng lực tinh tấn mà từ trước đến nay mình chưa từng có. Thế rồi một đức tin mạnh mẽ phát khởi.

Nếu bạn tiếp tục tinh tấn hành thiền để duy trì và phát triển trí tuệ, như gà mẹ tiếp tục ấp để duy trì trứng trong điều kiện thuận lợi chờ ngày khai nở, thì bạn đạt được mục tiêu cuối cùng, đó là thấy rõ Niết Bàn, chứng được đạo và quả tâm, thoát ra khỏi cái vỏ tối tăm tù túng giống như chú gà con sung sướng nhìn thế giới bao la, theo chân gà mẹ, tung tăng khắp khu vườn ngập nắng. Tâm bạn sẽ ngập tràn an lạc hạnh phúc. Thiền sinh chứng nghiệm Niết Bàn sẽ cảm nhận được một sự an lạc hạnh phúc mới mẻ. Ðức tin, tinh tấn, chánh niệm và chánh định của thiền sinh ở mức độ này sẽ có một sức mạnh đặc biệt.

Hy vọng các bạn lưu tâm đến chuyện gà ấp trứng này để duy trì sự tinh tấn và quyết tâm cho đến lúc đạt được mục tiêu cuối cùng.

Mong bạn tinh cần chánh niệm để khỏi trở thành một quả trứng thối.

Hãy Lèo Lái Thuyền Mình

Tôi đã để ra nhiều thì giờ để nói đến hoài nghi và những rắc rối của nó vì tôi thấy đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Tôi muốn giúp các bạn tránh nó. Chính tôi đã bị hoài nghi gây ra nhiều đau khổ. Khi tôi được hai mươi tám hay hai mươi chín tuổi, tôi bắt đầu hành thiền dưới sự hướng dẫn của hoà thượng Mahasi, vị thiền sư trưởng đầu tiên của Thiền Viện Mahasi. Sau một tuần ở tại thiền viện, tôi bắt đầu cảm thấy không hài lòng với các vị sư khác, và bắt đầu chỉ trích. Một số dường như không giữ giới luật hoàn hảo. Các vị này, dưới mắt tôi, chẳng có thận trọng nghiêm chỉnh chút nào. Còn các thiền sinh cư sĩ nữa. Dường như họ thích tụ họp chuyện trò, đi đi lại lại, có thái độ khiếm nhã và vô lễ. Thế là hoài nghi bắt đầu tràn ngập tâm tôi. Ngay cả thầy tôi, một vị phụ tá cho hòa thượng Mahasi cũng bị tôi chỉ trích. Vị này chẳng bao giờ cười, nhiều lúc cộc lốc và khắc nghiệt. Tôi nghĩ rằng, một thiền sư thì phải luôn luôn dịu dàng và ân cần.

Một vị thiền sư thành thạo nhờ có kinh nghiệm hướng dẫn nhiều loại thiền sinh, cũng như nhờ ở sự học hỏi từ kinh điển, có thể đoán biết được tâm trạng của thiền sinh. Vị thầy dạy tôi cũng là một vị có nhiều kinh nghiệm. Khi thấy việc hành thiền của tôi bắt đầu thoái bộ, và nghĩ rằng hoài nghi đã tấn công tôi, thầy tôi quở trách tôi một cách nhẹ nhàng và khôn khéo. Sau khi trở về phòng, tôi suy nghĩ những điều thầy nhắc nhở và tự nhủ, "Tại sao ta đến đây? Ta đến đây để chỉ trích người khác hay để thử thầy? Không!"

Tôi nhận ra rằng tôi đến thiền viện để loại bỏ càng nhiều càng tốt các phiền não mà tôi đã tích tụ trong suốt hành trình luân hồi của mình. Tôi hy vọng có thể đạt được mục đích nhờ thực hành giáo pháp của Ðức Phật trong thiền viện này. Phản tỉnh này là một sự khai sáng lớn lao đối với tôi.

Một sự so sánh đập mạnh vào tâm tôi. Tôi đang ở trên một con thuyền nằm ngoài khơi đang lâm vào cơn bão. Những lượn sóng lớn làm thuyền tôi nghiêng ngửa. Tôi bấp bênh giữa biển nước không gì hỗ trợ. Quanh tôi, nhiều thuyền khác cũng đang ở trong tình trạng khó khăn. Thay vì cố gắng lèo lái thuyền mình qua cơn bão tố, tôi la hét, chỉ dẫn các thuyền khác, "Này, hãy nâng buồm lên cao một chút. Còn thuyền kia, hãy hạ thấp buồm xuống một chút!". Nếu tôi cứ mãi bận rộn vì thuyền mọi người, tôi sẽ bị chìm xuống biển sâu.

Ðó là một bài học rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Sau đó, tôi chăm chỉ hành thiền, không để tâm gì đến người khác. Nhờ thích thú trong việc hành thiền, tôi chẳng còn hoài nghi nữa và lại trở thành người học trò cưng của thầy. Hy vọng các bạn có thể gặt hái được chút ít lợi ích qua kinh nghiệm của tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/07/2012(Xem: 8066)
Điều 1- Người Phật tử chân chính nương tựa đức Phật, người thầy dẫn đường giúp cho nhân loại biết cách hướng thượng, từ nay cho đến trọn đời không tu theo Trời, Thần, Quỷ, vật, nhưng vẫn tôn trọng bằng tình người trong cuộc sống.
09/07/2012(Xem: 6606)
Điều 1- Người Phật tử chân chính, trước khi làm gì và đi theo quan điểm của ai, chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư chiêm nghiệm, sau khi thấy rõ lợi ích thiết thực, không làm tổn hại người vật, ngay khi đó chúng ta mới tin và bắt đầu thực hành theo.
07/07/2012(Xem: 9208)
Tôn giáo là phương tiện, là phương pháp hoặc công cụ có thể hỗ trợ mọi người hòa nhập vào đời sống tâm linh. Điều đó nên như vậy nhưng đôi khi nó lại không được thực hiện.
06/07/2012(Xem: 9593)
Trước tiên xin cảm ơn Ngài vô cùng vì đã nói chuyện với chúng tôi sáng nay. Thưa Đức Thánh Thiện, Ngài vừa nói chuyện với sinh viên ở San Diego về 'lòng từ bi không biên giới', bây giờ tôi muốn hỏi Ngài trước hết về 'lòng từ bi trong biên giới'. Ngài nghĩ Hoa Kỳ có phải là một quốc gia từ bi không?
05/07/2012(Xem: 15182)
Truyen Tam Phap Yeu Giang Giai
05/07/2012(Xem: 8070)
Người đẹp thì dù đi tu, đầu cạo trọc, khoác cà-sa vẫn đẹp. Ở đời cũng như trong đạo, khả ái và dễ thương là một phước báo. Tuy vậy lợi điểm này đôi khi cũng bất cập hại và không ít người tu phải lao đao vì cái "đẹp" của mình.
04/07/2012(Xem: 9309)
Chư Phật Như Lai đã lìa mọi cái thấy, mọi tưởng, nên tâm không chỗ nào không hiện diện. Tâm chân thật ấy là tánh của tất cả các pháp.
01/07/2012(Xem: 15159)
Ai mong ước trở về Chân-Thiện-Mĩ Cũng phải vào nguồn tỉnh thức tâm linh Cần hướng đến mẫu số chung: Vô Ngã
26/06/2012(Xem: 7952)
Trong kinh điển Phật giáo, danh và thực là hai phạm trù được đề cập, phân tích cặn kẽ. Danh là tên gọi, hình thức bên ngoài. Thực là phẩm chất, nội dung bên trong.
26/06/2012(Xem: 13378)
Bồ đề tâm là vua các phép lành. Phát Bồ đề tâm là điều tối cần thiết của một đệ tử Phật. Có nhiều bản văn của chư Tổ viết để khuyên người phát tâm vô thượng ấy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]