Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Những viên thuốc bọc đường

27/08/201113:21(Xem: 10691)
6. Những viên thuốc bọc đường

CHẮP TAY LẠY NGƯỜI
Nguyên Minh

Những viên thuốc bọc đường


chaptaylaynguoi-bia2Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Cơ duyên có ghi lại chuyện ngài Pháp Đạt, xuất gia từ năm 7 tuổi, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa. Lần đầu tiên tìm đến lễ bái Lục tổ Huệ Năng, khi lễ lạy đầu không sát đất. Tổ sư thoáng nhìn đã biết Pháp Đạt trong tâm có chút kiêu mạn, liền gạn hỏi. Pháp Đạt nói: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã được ba ngàn lượt!”

Tụng kinh đến ba ngàn lượt, cho dù mỗi ngày tụng được trọn một bộ (cả thảy có 7 quyển, 28 phẩm) thì cũng phải mất đến khoảng 10 năm liên tục! Như vậy, ắt hẳn phải thuộc lòng văn kinh; và thọ trì kinh văn được như vậy đã có thể nói là rất chí thiết. Nhưng thái độ chưa đủ chí thành khi lễ lạy Tổ sư và câu trả lời đầy tự mãn như trên lại chứng tỏ vị tăng này chưa nhận hiểu và thực hành được theo đúng nghĩa kinh! Vì như chúng ta vừa đề cập trên, chỉ riêng một phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng đã dạy ta những điều hoàn toàn ngược lại với thái độ ấy, huống chi là đã thọ trì được trọn vẹn cả bộ kinh?

Thế nhưng, chúng ta đừng vội xem thường ngài Pháp Đạt. Kinh Pháp Bảo Đàn cũng ghi rõ là chỉ sau một lần đối thoại trong hôm đó, ngài đã nhận hiểu được những lời dạy của Lục tổ, khai mở được trí tuệ và trở thành một trong những vị danh tăng của thời ấy. Liệu có mấy ai trong chúng ta ngày nay có thể sánh được với năng lực tu tập và nhận hiểu như ngài?

Vấn đề cần lưu ý ở đây là, ngay cả khi có được sự nỗ lực hành trì rất mãnh liệt và chí thiết như ngài Pháp Đạt: xuất gia từ năm lên bảy, tụng đọc kinh Pháp Hoa đến ba ngàn lượt... nhưng vẫn chưa diệt hẳn được tâm chấp ngã! Điều đó cho thấy rằng một nhận thức chân thật về bản ngã không phải là điều có thể dễ dàng và nhanh chóng đạt đến.

Câu chuyện thứ hai tôi muốn đề cập ở đây là chuyện về Quốc sư Ngộ Đạt, được nhắc đến trong lời tựa sách Từ bi thủy sám pháp.

Ngài Ngộ Đạt là danh tăng vào đời nhà Đường của Trung Hoa, khi chưa là Quốc sư đã từng chăm sóc một vị tăng mang bệnh ghẻ lở, toàn thân hôi hám. Sau khi lành bệnh, trước lúc chia tay vị tăng ấy có dặn ngài về sau nếu gặp khổ nạn hãy đến tìm ông ta ở núi Cửu Lũng, Bành Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Thời gian sau, ngài Ngộ Đạt nhờ có đạo hạnh cao thâm, uyên bác kinh điển nên được vua Đường Ý Tông vô cùng kính trọng, quyết định tôn ngài làm Quốc sư. Trong một buổi lễ vô cùng long trọng, vua thỉnh ngài ngồi lên tòa trầm hương cao quý nhất trước sự cung kính lễ bái của chính nhà vua cùng với đông đảo thần dân và quan viên lớn nhỏ trong triều đình. Ngay khi ấy, ngài Ngộ Đạt liền khởi lên một ý niệm rằng: “Chỉ có ta mới được nhận sự cung kính đến như thế này!” Ngay khi đó, ngài thấy trong người khó chịu, choáng ngất. Đến chừng tỉnh lại thì nơi đầu gối đã mọc ra một cái ghẻ vô cùng đau nhức.

Đó là một cái ghẻ rất kỳ lạ, có hình dạng như một mặt người. Cái ghẻ ấy khiến ngài đau nhức không sao chịu nỗi, mà biết bao danh y được mời đến cũng đều bó tay không sao chữa trị được. Cuối cùng, ngài nhớ đến lời dặn của vị tăng năm xưa, liền tìm đến núi Cửu Lũng. Quả nhiên gặp được vị tăng ấy.

Vị tăng dạy ngài pháp sám hối và dùng nước suối nơi ấy để rửa cái ghẻ. Nhưng ngay trước khi ngài khoác nước rửa, cái ghẻ bỗng cất tiếng nói như người và nhắc lại mối thâm thù từ một kiếp xa xưa giữa ngài với nó. Trải qua nhiều kiếp sống theo đuổi nhưng kẻ thù này không thể ra tay, chỉ vì ngài luôn tu tập nghiêm cẩn, giữ gìn theo giới hạnh cao quý nên nó không đủ sức làm hại ngài. Chỉ đến lúc ngài được mời lên tòa trầm hương, thoáng một niệm sinh tâm kiêu mạn, kẻ thù mới nhân dịp đó mà ra tay, khiến ngài phải chịu khổ sở vì cái ghẻ oan nghiệt. Sau khi thành tâm sám hối và dùng nước suối nơi ấy rửa qua cái ghẻ, ngài mới được lành lặn như xưa.

Ngài Ngộ Đạt nhân chuyện này mới soạn ra bộ Từ bi thủy sám pháp, là một bản văn sám hối rất hay, lưu truyền mãi đến ngày nay. Pháp sám hối mà ngài đề cập trong bản văn chính là dùng nước từ bi để rửa sạch mọi oan nghiệt, oán thù, giống như ngài đã từng sám hối và nhờ nước suối nơi ngọn Cửu Lũng mà rửa sạch oán thù trong quá khứ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là câu chuyện ly kỳ được truyền tụng qua nhiều đời về Quốc sư Ngộ Đạt, mà chính là cái tâm kiêu mạn mà ngài đã khởi sinh trong chốc lát khi được thọ nhận sự cung kính lễ bái cúng dường. Trong chúng ta, liệu có mấy ai dám sánh với Quốc sư Ngộ Đạt về công phu tu tập cũng như đạo hạnh cao thâm? Vì thế, khi đối mặt với những tác động chi phối của tâm chấp ngã, không thể không hết lòng cẩn trọng.

Bài học muôn thuở được rút ra từ câu chuyện của ngài Ngộ Đạt chính là mối tương quan giữa sự tu tập và ngoại cảnh. Một chú sa-di mới tập tễnh vào chùa, bất cứ ai cũng có thể sai khiến được, sẽ có rất ít nguy cơ sinh lòng kiêu mạn, vì chú tự biết là mình chẳng hơn ai trong môi trường mới. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tinh tấn tu tập, dần dần trở thành một vị cao tăng thạc đức thì thái độ của mọi người chung quanh tất yếu cũng thay đổi, ngày càng bày tỏ sự cung kính nhiều hơn. Và như vậy, công phu tu tập càng cao, giới hạnh càng nghiêm cẩn, kiến thức càng thông tuệ, thì người ta càng nhận được nhiều sự cung kính và xưng tụng. Điều đáng sợ là, trong khi những sự cung kính và xưng tụng đó hoàn toàn xứng đáng đối với người có tài năng và đức hạnh, thì đồng thời nó cũng là liều thuốc có tác dụng ru ngủ sự tinh tấn đồng thời khơi dậy và nuôi lớn tâm kiêu mạn, trở thành một cái bẫy cực kỳ nguy hiểm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều rất dễ rơi vào.

Tiến trình này cũng diễn ra tương tự trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, nhưng dường như rất ít người nhận biết. Những khi cơ hàn lam lũ, tình nghĩa đệ huynh, bằng hữu thường gắn bó như keo sơn, luôn thương yêu tôn trọng lẫn nhau; nhưng đến khi thành đạt, nắm trong tay nhiều của cải, quyền lực, người ta lại rất thường trở nên xa lạ, nhạt nhẽo tình cảm với người khác. Đó là vì “cái ta” của mỗi người luôn lớn lên theo tỷ lệ thuận với giá trị của bản thân mà họ nhận biết được trong mối quan hệ với những người chung quanh. Càng được người khác tôn trọng, cung kính thì “cái ta” càng được nuôi lớn hơn, và “cái ta” càng lớn lên thì người ta sẽ có một cái nhìn khác hơn đối với mọi người quanh mình, thường là thiếu tôn trọng và rất dễ xem thường người khác.

Nếu như người tu hành dễ rơi vào cái bẫy của sự tôn kính lễ lạy, thì những kẻ thế tục cũng có cái bẫy của tiền tài và quyền lực. Bởi nhìn chung thì những thứ ấy đều khiến cho người khác phải bày tỏ sự phục tùng, cung kính đối với ta, và điều đó tất yếu sẽ làm cho sự kiêu căng ngã mạn vốn có của ta càng phát triển, cho đến khi nó khống chế hoàn toàn và biến ta thành một con người khác hơn so với trước đó.

Vì thế, khi ta bắt đầu bước vào con đường đạo thì mục tiêu trước mắt chỉ đơn thuần là học hỏi và tu tập, sao cho có thể dẹp bỏ dần những thói xấu và hoàn thiện bản thân mình. Nhưng khi sự tu tập của ta đạt nhiều thành tựu thì vấn đề bắt đầu thay đổi. Một mặt, ta thường tự hào với những kết quả mà mình đã có được với sự tinh tấn nỗ lực, nhất là khi những kết quả ấy nổi bật hơn so với nhiều người khác; mặt khác, ta cũng dễ dàng nhận ra là những người quanh ta bắt đầu bày tỏ sự ngợi khen, tán thán hay thậm chí là nể phục, tôn kính đối với ta, vì họ cũng thấy được những thành tựu mà ta đã đạt được.

Cho đến đây thì mọi việc vẫn diễn ra hoàn toàn hợp lý và tất yếu, bởi những gì ta có được là xứng đáng, vì chúng được tạo ra từ những nỗ lực chân chánh và đúng hướng của bản thân ta. Thế nhưng, nếu ta không có sự tỉnh táo để nhận biết được nguy cơ tiềm tàng vào lúc này, thì khả năng rơi vào cái bẫy kiêu mạn sẽ ngày càng lớn hơn. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục vững tiến trên đường tu tập thì ngay vào lúc này ta phải biết tỉnh táo để nhận ra ngay mọi khuynh hướng thay đổi đang chớm xuất hiện trong tâm thức.

Ta cần nhận hiểu một cách đúng thật hơn về sự tôn kính mà mọi người chung quanh đang dành cho ta. Lấy ví dụ, khi ta tu tập đúng theo lời Phật dạy và được nhiều người tôn kính, thì sự tôn kính đó rõ ràng có được là nhờ vào đức Phật, người đã vạch con đường cho ta đi theo. Khi ta giảng giải giáo pháp và được nhiều người tôn kính, thì sự tôn kính đó là hướng về giáo pháp, vốn do đức Phật truyền dạy chứ không phải do ta nghĩ ra. Nếu biết suy nghĩ như thế, ta sẽ chế ngự được tâm kiêu mạn ngay từ khi nó vừa chớm phát ra.

Mặt khác, nếu ta đạt được nhiều thành công, thậm chí là những kết quả phi thường, khiến mọi người quanh ta đều ngưỡng mộ và tôn kính, thì thật ra những điều đó cũng không phải chỉ riêng mình ta mà có thể đạt được. Điều tất yếu là ta phải có sự giúp sức của nhiều cộng sự, có sự thuận lợi đến từ nhiều yếu tố liên quan... Nếu không, ta không thể đạt được bất kỳ kết quả nào dù là rất nhỏ. Khi nhận thức về sự việc một cách đúng thật và toàn diện như thế, ta sẽ không thấy tự mãn một cách thái quá về những thành tựu của mình. Nhờ đó, ta sẽ chế ngự được tâm kiêu mạn.

Nhưng nếu thiếu sự suy xét tỉnh giác và nhận thức đúng đắn, ta sẽ rất dễ dàng rơi vào con đường tuột dốc vì ngã mạn, thay vì là tiến bộ. Do sự cung kính lễ bái của người khác, ta thường thấy mình trở nên quan trọng, tài đức hơn người, và có vẻ như những người khác không ai có thể sánh bằng ta được... Thậm chí mỗi khi có ai đó bày tỏ thái độ thiếu cung kính hoặc tôn trọng không đúng mức đối với ta, chẳng hạn như chỉ tán tụng sơ sài hơn những người khác hoặc xưng hô bằng những danh xưng không hợp ý ta, ta rất dễ sinh ra phiền não, bực dọc...

Không những thế, khuynh hướng này sẽ ngày càng phát triển. Sự cung kính lễ bái hoặc tán thán ngợi khen của người khác có tính chất tương tự như những liều thuốc kích thích, muốn giữ được tác dụng thì ngày càng phải tăng liều mạnh hơn, nhiều hơn. Nếu như lần đầu tiên được khen ngợi ta có thể hài lòng với một mức độ nào đó, thì về sau những lời khen tương tự như thế sẽ không còn làm ta thỏa mãn nữa. Ta cần đến những sự ca ngợi, tán tụng có mức độ mạnh mẽ hơn, và ta cũng khát khao, thèm muốn nhiều hơn đối với những sự ca ngợi, tán tụng như thế...

Và khi đã rơi vào căn bệnh ngã mạn, đã “nghiện nặng” đối với sự phục tùng và tôn xưng, kính trọng của người khác, ta sẽ dễ dàng đánh mất đi sự sáng suốt và trung thực vốn có trước đây của mình. Ta thèm muốn được người khác xưng tụng, ngợi khen, đến mức không ngần ngại đưa ra những đòi hỏi như thế. Thậm chí ta có thể đòi hỏi hoặc gợi ý người khác nhiều hình thức khác hơn nữa để bày tỏ sự kính trọng đối với ta, như viết văn thơ ca tụng, như tôn xưng ta trước đám đông, hoặc phải bày tỏ sự tôn kính tuyệt đối những lời ta nói ra, hay thậm chí dựng cả tượng đồng để vinh danh ta càng tốt... Nói chung, đó là một con đường tuột dốc cực kỳ nguy hại và không có điểm dừng!

Mặt khác, hệ quả của căn bệnh trầm kha này là ta sẽ luôn tìm mọi cách để che giấu những khuyết điểm hay lỗi lầm của mình, vì ta rất sợ những điều đó sẽ khiến ta mất đi sự tôn kính. Trong khi việc mắc phải một số lỗi lầm hay sai sót là chuyện rất bình thường đối với mọi con người khi chưa đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, thì đối với ta lại là điều không thể chấp nhận được. Đó chính là vì ta đã nuôi dưỡng “cái ta” lớn lên quá mức, và “cái ta” đó không cho phép ta tự mình hạ thấp hay bộc lộ sự thua kém trước người khác, ngay cả khi đó là sự thật. Than ôi! Ta có ngờ đâu chính khuynh hướng thiếu trung thực, che giấu lỗi lầm như thế sẽ làm cho tâm trí ta ngày càng mê muội hơn nữa, đánh mất đi khả năng trực nhận chân lý cũng như hoàn thiện chính bản thân mình.

Thật ra, trong cuộc sống thì những thay đổi theo khuynh hướng như trên thường rất dễ được mọi người quanh ta nhận ra, nhưng bản thân ta lại không mấy khi tự nhận biết! Chính vì tâm chấp ngã đã làm cho ta trở nên thiếu sáng suốt và luôn nhìn sự vật quanh ta qua một lăng kính biến đổi nhằm thỏa mãn đòi hỏi của nó. Với cách nhận thức biến đổi sự việc theo hướng đó, ta dễ dàng nhận ra và thậm chí là thường khuếch đại những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác, vì điều đó giúp ta cảm thấy mình tốt đẹp hơn, cao quý hơn so với họ. Ngược lại, ta không thể nhận ra hoặc không muốn nhận ra những khuyết điểm, những yếu kém hoặc lỗi lầm của chính bản thân mình, vì điều đó sẽ làm suy giảm sự tốt đẹp của ta đối với người khác, sẽ khiến ta cảm thấy bị tổn thương.

Nếu so sánh với câu chuyện về Bồ Tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, ta sẽ dễ dàng nhận ra hai khuynh hướng tác động trái ngược nhau. Trong khi sự chân thành tôn kính và lễ bái người khác có thể giúp ta điều phục tâm ý, phá trừ chấp ngã, vững vàng trong sự tu tập, thì tất cả những hình thức ngợi khen, xưng tán hay lễ bái mà người khác dành cho ta lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại, dễ dàng nuôi lớn tâm chấp ngã và đẩy ta vào một sự suy thoái về đạo đức lẫn tinh thần.

Điều đáng chú ý nhất ở đây là, tiến trình đó luôn diễn ra một cách âm thầm, chậm chạp nhưng vô cùng mạnh mẽ, khiến cho ta thậm chí không nhận biết được là mình đang dần thay đổi vì chịu sự tác động của nó!

Nhưng nói như vậy không phải là đổ lỗi cho những sự ngợi khen, xưng tán hay cung kính lễ bái... Trong thực tế, những người có tài năng, đức độ thì tất nhiên rất xứng đáng để được ngợi khen, xưng tán... Và mỗi chúng ta cũng cần thiết phải chân thành biểu lộ sự tôn kính, ngợi khen đối với những người có tài năng, đức độ hơn ta, vì điều đó sẽ giúp ta phát khởi tâm hướng thiện mạnh mẽ hơn, sẽ nỗ lực tinh tấn nhiều hơn để hoàn thiện chính mình.

Vấn đề ở đây là, mỗi khi nhận được sự ngợi khen, xưng tán từ người khác, ta phải luôn có sự tỉnh giác, tự giữ mình; luôn phải nhận biết rằng những lời khen ngợi đó sẽ dễ dàng trở thành những viên thuốc ngủ bọc đường nếu ta thiếu sự tỉnh giác. Và thật ra thì chỉ khi có thể tỉnh táo nhận biết được như vậy, ta mới thật sự xứng đáng với sự ngợi khen, xưng tán hay lễ bái của người khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/07/2015(Xem: 10324)
Phật từng lên tiếng dạy ta: “Những người tu đạo như là khúc cây Trôi trên dòng nước cuồng quay Khôn ngoan thì hãy trôi ngay giữa dòng Ai muốn vớt cũng khó lòng Quỷ thần ngăn chặn cũng không dễ gì
12/07/2015(Xem: 6201)
Bên ngoài trời vẫn mưa khiến cho mọi thứ trở nên buồn bả và ảm đạm hơn. Một bà lão đầu tóc đã bạc phơ với bộ bồ rách nát, vội vàng bước chân vào một quán vắng, chỉ có hai người thanh niên đang ngồi bàn bạc một điều gì đó. Trước mặt họ là hai tô mì bốc khói và nóng hổi. Bà đến bên bàn với lời lẽ như van nài: “Xin hai cậu làm ơn làm phước, giúp cho già này chút đỉnh để sống đỡ qua ngày”. Một cậu có vẻ mặt hơi sáng sủa mới thò tay vào túi lấy ra tờ năm ngàn định tặng cho bà lão, nhưng khi ấy cậu lại cất tiền vào túi, và lễ phép hỏi bà rằng: “Trời đã tối và mưa từ chiều đến giờ chắc bà đói bụng lắm rồi, con xin mời bà tô mì nóng để lót dạ nhé! Bà lão rất là vui vẻ và cám ơn chàng niên hết lời, vì có một buổi tối no đủ. Chàng niên liền gọi chủ quán cho một tô mì đặc biệt giá gấp đôi tô mì bình thường.
07/07/2015(Xem: 8487)
Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Honda Center vào ngày đầu tiên của Hội Nghị Thượng Đỉnh Toàn Cầu về Từ Bi tại Anaheim, California July 5, 2015
06/07/2015(Xem: 9569)
thumbnail.php?file=035___SK___Phien_Nao_Va_Benh_Tat__R__1_200646710Con người bình thường, khỏe mạnh là một thể thống nhất hài hòa giữa hai yếu tố thân và tâm hay thể xác và tinh thần. Giữa thân và tâm có sự tác động, ảnh hưởng qua lại với nhau. Khoảng 5.000 năm trước, sách Hoàng Đế Nội kinh, tác phẩm nổi tiếng của nền y học cổ đại Trung Quốc đã từng đề cập đến 7 loại tình chí (thất tình) là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, đặt vấn đề tu dưỡng tinh thần lên vị trí hàng đầu trong phép dưỡng sinh và phòng trị bệnh. Ngành Tâm lý học và Bệnh học hiện đại cũng cho biết các trạng thái tinh thần gồm có hai loại là tích cực và tiêu cực. Vui mừng, hoan hỷ, thương yêu, lạc quan, tin tưởng… là những trạng thái tinh thần tích cực có lợi cho sức khỏe. Buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, giận hờn, bất mãn, ghen ghét, đố kỵ, bi quan, chán nản… là những trạng thái tinh thần tiêu cực có hại cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật.
06/07/2015(Xem: 7111)
Nếu đạo hữu đang tìm kiếm ban hộ niệm để độ người thân và độ người tín Phật liên hệ với Ban hộ niệm tại địa phương mình trong danh sách bên dưới.
03/07/2015(Xem: 10041)
1. Bí mật của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đừng lo lắng về những thứ bạn không thể thay đổi và hãy có được chín giờ ngủ mỗi đêm. 2. "Mang theo thông điệp tình yêu, lòng khoan dung, và sự tha thứ." 3. "Hãy xem nhân loại là đồng nhất, sau đó không có cơ sở để giết hại lẫn nhau. Tôi yêu đời sống của tôi. Mọi người đều có quyền được sống hạnh phúc. Hầu hết các vấn đề gây ra bởi con người. Giết chóc, bắt nạt, bóc lột. Chúng ta phải tìm giải pháp dài hạn. Điều này rất khó khăn.
01/07/2015(Xem: 13332)
Hề chi một phận đời riêng Buông hơi nằm xuống mà nghiêng đất trời Thiếu ta, đời cũng vậy thôi! Ta là hạt bụi giữa đời bao la..
01/07/2015(Xem: 24092)
Trong sinh hoạt thường nhật ở Chùa ai ai cũng từng nghe qua câu “Ăn cơm Hương Tích, uống trà Tào Khê, ngồi thuyền Bát Nhã, ngắm trăng Lăng Già “, do đó mà nhiều người thắc mắc “Thuyền Bát Nhã” là loại thuyền như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp đôi điều về nghi vấn ấy. Nói theo Thập Nhị Bộ Kinh, Thuyền Bát Nhã là pháp dụ, tức lấy thí dụ trong thực tế đời thường để hiển bày pháp bí yếu của Phật. Thuyền là chỉ cho các loại thuyền, bè, ghe đi lại trên sông, trên biển. Còn Bát Nhã là trí tuệ, một loại trí tuệ thấu triệt cùng tận chân tướng của vạn pháp trên thế gian là không thật có, là huyền ảo không có thực thể, mà nói theo Đại Trí Độ Luận thì mọi thứ trên thế gian này như bóng trong gương, như trăng dưới nước, như mộng, như sóng nắng… để từ đó hành giả đi đến sự giác ngộ giải thoát vì giác ngộ được chân lý “Nhất thiết pháp vô ngã”. Do vậy, Thuyền Bát Nhã chính là con thuyền trí tuệ có thể chuyên chở chúng sanh vượt qua biển khổ sanh tử để đến bến bờ Niết bàn giải thoát an vui.
01/07/2015(Xem: 19623)
Chủ đề Một Cõi Đi Về, Thơ và Tạp Bút tập hai, một lần nữa, được cái cơ duyên thuận lợi hân hạnh ra mắt quý độc giả. Cách đây ba năm tập một đã được xuất bản vào năm 2011. Hình thức và nội dung của tập hai nầy, cũng không khác tập một. Nghĩa là chúng tôi cũng chia ra làm hai phần: Phần đầu là thơ và phần sau là những bài viết rải rác đã được đăng tải trên các tờ Đặc san Phước Huệ. Tờ báo mỗi năm phát hành ba kỳ vào những dịp đại lễ như: Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Do đó nên những bài viết có những tiêu đề trùng hợp và nội dung có chút ít giống nhau. Tuy nhiên, mỗi bài đều có những sắc thái hương vị riêng của nó. Ngoài ra, có những bài viết với những tiêu đề khác không nằm trong phạm vi của những ngày đại lễ đặc biệt đó. Nay chúng tôi gom góp tất cả những bài viết đó lại để in chung thành một quyển sách tập hai nầy. Về ý nghĩa của chủ đề nói trên, chúng tôi cũng đã có trình bày rõ trong tập một. Ở đây, chúng tôi không muốn lặp lại. Điều quan trọng mà chúng tôi muốn nói ở đây là
01/07/2015(Xem: 11352)
Có những tiếng những lời những âm thanh nghe hoài không chán, nghe mãi không quên, không nghe thì trông ngóng đợi chờ. Tiếng nói của người thương kẻ nhớ kẻ đợi người mong, âm thanh của những ngọt ngào êm dịu, lời ru miên man đưa ta về miền gợi nhớ, những yêu thương da diết chôn dấu trong từng góc khuất, những trăn trở buồn vui có dịp đi qua. Và còn nữa, những thứ mà lúc nào ta cũng trông mong, lời khen tán thưởng tiếng vỗ tay tung hô của thiên hạ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]