Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Những viên thuốc bọc đường

27/08/201113:21(Xem: 10692)
6. Những viên thuốc bọc đường

CHẮP TAY LẠY NGƯỜI
Nguyên Minh

Những viên thuốc bọc đường


chaptaylaynguoi-bia2Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Cơ duyên có ghi lại chuyện ngài Pháp Đạt, xuất gia từ năm 7 tuổi, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa. Lần đầu tiên tìm đến lễ bái Lục tổ Huệ Năng, khi lễ lạy đầu không sát đất. Tổ sư thoáng nhìn đã biết Pháp Đạt trong tâm có chút kiêu mạn, liền gạn hỏi. Pháp Đạt nói: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã được ba ngàn lượt!”

Tụng kinh đến ba ngàn lượt, cho dù mỗi ngày tụng được trọn một bộ (cả thảy có 7 quyển, 28 phẩm) thì cũng phải mất đến khoảng 10 năm liên tục! Như vậy, ắt hẳn phải thuộc lòng văn kinh; và thọ trì kinh văn được như vậy đã có thể nói là rất chí thiết. Nhưng thái độ chưa đủ chí thành khi lễ lạy Tổ sư và câu trả lời đầy tự mãn như trên lại chứng tỏ vị tăng này chưa nhận hiểu và thực hành được theo đúng nghĩa kinh! Vì như chúng ta vừa đề cập trên, chỉ riêng một phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng đã dạy ta những điều hoàn toàn ngược lại với thái độ ấy, huống chi là đã thọ trì được trọn vẹn cả bộ kinh?

Thế nhưng, chúng ta đừng vội xem thường ngài Pháp Đạt. Kinh Pháp Bảo Đàn cũng ghi rõ là chỉ sau một lần đối thoại trong hôm đó, ngài đã nhận hiểu được những lời dạy của Lục tổ, khai mở được trí tuệ và trở thành một trong những vị danh tăng của thời ấy. Liệu có mấy ai trong chúng ta ngày nay có thể sánh được với năng lực tu tập và nhận hiểu như ngài?

Vấn đề cần lưu ý ở đây là, ngay cả khi có được sự nỗ lực hành trì rất mãnh liệt và chí thiết như ngài Pháp Đạt: xuất gia từ năm lên bảy, tụng đọc kinh Pháp Hoa đến ba ngàn lượt... nhưng vẫn chưa diệt hẳn được tâm chấp ngã! Điều đó cho thấy rằng một nhận thức chân thật về bản ngã không phải là điều có thể dễ dàng và nhanh chóng đạt đến.

Câu chuyện thứ hai tôi muốn đề cập ở đây là chuyện về Quốc sư Ngộ Đạt, được nhắc đến trong lời tựa sách Từ bi thủy sám pháp.

Ngài Ngộ Đạt là danh tăng vào đời nhà Đường của Trung Hoa, khi chưa là Quốc sư đã từng chăm sóc một vị tăng mang bệnh ghẻ lở, toàn thân hôi hám. Sau khi lành bệnh, trước lúc chia tay vị tăng ấy có dặn ngài về sau nếu gặp khổ nạn hãy đến tìm ông ta ở núi Cửu Lũng, Bành Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Thời gian sau, ngài Ngộ Đạt nhờ có đạo hạnh cao thâm, uyên bác kinh điển nên được vua Đường Ý Tông vô cùng kính trọng, quyết định tôn ngài làm Quốc sư. Trong một buổi lễ vô cùng long trọng, vua thỉnh ngài ngồi lên tòa trầm hương cao quý nhất trước sự cung kính lễ bái của chính nhà vua cùng với đông đảo thần dân và quan viên lớn nhỏ trong triều đình. Ngay khi ấy, ngài Ngộ Đạt liền khởi lên một ý niệm rằng: “Chỉ có ta mới được nhận sự cung kính đến như thế này!” Ngay khi đó, ngài thấy trong người khó chịu, choáng ngất. Đến chừng tỉnh lại thì nơi đầu gối đã mọc ra một cái ghẻ vô cùng đau nhức.

Đó là một cái ghẻ rất kỳ lạ, có hình dạng như một mặt người. Cái ghẻ ấy khiến ngài đau nhức không sao chịu nỗi, mà biết bao danh y được mời đến cũng đều bó tay không sao chữa trị được. Cuối cùng, ngài nhớ đến lời dặn của vị tăng năm xưa, liền tìm đến núi Cửu Lũng. Quả nhiên gặp được vị tăng ấy.

Vị tăng dạy ngài pháp sám hối và dùng nước suối nơi ấy để rửa cái ghẻ. Nhưng ngay trước khi ngài khoác nước rửa, cái ghẻ bỗng cất tiếng nói như người và nhắc lại mối thâm thù từ một kiếp xa xưa giữa ngài với nó. Trải qua nhiều kiếp sống theo đuổi nhưng kẻ thù này không thể ra tay, chỉ vì ngài luôn tu tập nghiêm cẩn, giữ gìn theo giới hạnh cao quý nên nó không đủ sức làm hại ngài. Chỉ đến lúc ngài được mời lên tòa trầm hương, thoáng một niệm sinh tâm kiêu mạn, kẻ thù mới nhân dịp đó mà ra tay, khiến ngài phải chịu khổ sở vì cái ghẻ oan nghiệt. Sau khi thành tâm sám hối và dùng nước suối nơi ấy rửa qua cái ghẻ, ngài mới được lành lặn như xưa.

Ngài Ngộ Đạt nhân chuyện này mới soạn ra bộ Từ bi thủy sám pháp, là một bản văn sám hối rất hay, lưu truyền mãi đến ngày nay. Pháp sám hối mà ngài đề cập trong bản văn chính là dùng nước từ bi để rửa sạch mọi oan nghiệt, oán thù, giống như ngài đã từng sám hối và nhờ nước suối nơi ngọn Cửu Lũng mà rửa sạch oán thù trong quá khứ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là câu chuyện ly kỳ được truyền tụng qua nhiều đời về Quốc sư Ngộ Đạt, mà chính là cái tâm kiêu mạn mà ngài đã khởi sinh trong chốc lát khi được thọ nhận sự cung kính lễ bái cúng dường. Trong chúng ta, liệu có mấy ai dám sánh với Quốc sư Ngộ Đạt về công phu tu tập cũng như đạo hạnh cao thâm? Vì thế, khi đối mặt với những tác động chi phối của tâm chấp ngã, không thể không hết lòng cẩn trọng.

Bài học muôn thuở được rút ra từ câu chuyện của ngài Ngộ Đạt chính là mối tương quan giữa sự tu tập và ngoại cảnh. Một chú sa-di mới tập tễnh vào chùa, bất cứ ai cũng có thể sai khiến được, sẽ có rất ít nguy cơ sinh lòng kiêu mạn, vì chú tự biết là mình chẳng hơn ai trong môi trường mới. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tinh tấn tu tập, dần dần trở thành một vị cao tăng thạc đức thì thái độ của mọi người chung quanh tất yếu cũng thay đổi, ngày càng bày tỏ sự cung kính nhiều hơn. Và như vậy, công phu tu tập càng cao, giới hạnh càng nghiêm cẩn, kiến thức càng thông tuệ, thì người ta càng nhận được nhiều sự cung kính và xưng tụng. Điều đáng sợ là, trong khi những sự cung kính và xưng tụng đó hoàn toàn xứng đáng đối với người có tài năng và đức hạnh, thì đồng thời nó cũng là liều thuốc có tác dụng ru ngủ sự tinh tấn đồng thời khơi dậy và nuôi lớn tâm kiêu mạn, trở thành một cái bẫy cực kỳ nguy hiểm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều rất dễ rơi vào.

Tiến trình này cũng diễn ra tương tự trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, nhưng dường như rất ít người nhận biết. Những khi cơ hàn lam lũ, tình nghĩa đệ huynh, bằng hữu thường gắn bó như keo sơn, luôn thương yêu tôn trọng lẫn nhau; nhưng đến khi thành đạt, nắm trong tay nhiều của cải, quyền lực, người ta lại rất thường trở nên xa lạ, nhạt nhẽo tình cảm với người khác. Đó là vì “cái ta” của mỗi người luôn lớn lên theo tỷ lệ thuận với giá trị của bản thân mà họ nhận biết được trong mối quan hệ với những người chung quanh. Càng được người khác tôn trọng, cung kính thì “cái ta” càng được nuôi lớn hơn, và “cái ta” càng lớn lên thì người ta sẽ có một cái nhìn khác hơn đối với mọi người quanh mình, thường là thiếu tôn trọng và rất dễ xem thường người khác.

Nếu như người tu hành dễ rơi vào cái bẫy của sự tôn kính lễ lạy, thì những kẻ thế tục cũng có cái bẫy của tiền tài và quyền lực. Bởi nhìn chung thì những thứ ấy đều khiến cho người khác phải bày tỏ sự phục tùng, cung kính đối với ta, và điều đó tất yếu sẽ làm cho sự kiêu căng ngã mạn vốn có của ta càng phát triển, cho đến khi nó khống chế hoàn toàn và biến ta thành một con người khác hơn so với trước đó.

Vì thế, khi ta bắt đầu bước vào con đường đạo thì mục tiêu trước mắt chỉ đơn thuần là học hỏi và tu tập, sao cho có thể dẹp bỏ dần những thói xấu và hoàn thiện bản thân mình. Nhưng khi sự tu tập của ta đạt nhiều thành tựu thì vấn đề bắt đầu thay đổi. Một mặt, ta thường tự hào với những kết quả mà mình đã có được với sự tinh tấn nỗ lực, nhất là khi những kết quả ấy nổi bật hơn so với nhiều người khác; mặt khác, ta cũng dễ dàng nhận ra là những người quanh ta bắt đầu bày tỏ sự ngợi khen, tán thán hay thậm chí là nể phục, tôn kính đối với ta, vì họ cũng thấy được những thành tựu mà ta đã đạt được.

Cho đến đây thì mọi việc vẫn diễn ra hoàn toàn hợp lý và tất yếu, bởi những gì ta có được là xứng đáng, vì chúng được tạo ra từ những nỗ lực chân chánh và đúng hướng của bản thân ta. Thế nhưng, nếu ta không có sự tỉnh táo để nhận biết được nguy cơ tiềm tàng vào lúc này, thì khả năng rơi vào cái bẫy kiêu mạn sẽ ngày càng lớn hơn. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục vững tiến trên đường tu tập thì ngay vào lúc này ta phải biết tỉnh táo để nhận ra ngay mọi khuynh hướng thay đổi đang chớm xuất hiện trong tâm thức.

Ta cần nhận hiểu một cách đúng thật hơn về sự tôn kính mà mọi người chung quanh đang dành cho ta. Lấy ví dụ, khi ta tu tập đúng theo lời Phật dạy và được nhiều người tôn kính, thì sự tôn kính đó rõ ràng có được là nhờ vào đức Phật, người đã vạch con đường cho ta đi theo. Khi ta giảng giải giáo pháp và được nhiều người tôn kính, thì sự tôn kính đó là hướng về giáo pháp, vốn do đức Phật truyền dạy chứ không phải do ta nghĩ ra. Nếu biết suy nghĩ như thế, ta sẽ chế ngự được tâm kiêu mạn ngay từ khi nó vừa chớm phát ra.

Mặt khác, nếu ta đạt được nhiều thành công, thậm chí là những kết quả phi thường, khiến mọi người quanh ta đều ngưỡng mộ và tôn kính, thì thật ra những điều đó cũng không phải chỉ riêng mình ta mà có thể đạt được. Điều tất yếu là ta phải có sự giúp sức của nhiều cộng sự, có sự thuận lợi đến từ nhiều yếu tố liên quan... Nếu không, ta không thể đạt được bất kỳ kết quả nào dù là rất nhỏ. Khi nhận thức về sự việc một cách đúng thật và toàn diện như thế, ta sẽ không thấy tự mãn một cách thái quá về những thành tựu của mình. Nhờ đó, ta sẽ chế ngự được tâm kiêu mạn.

Nhưng nếu thiếu sự suy xét tỉnh giác và nhận thức đúng đắn, ta sẽ rất dễ dàng rơi vào con đường tuột dốc vì ngã mạn, thay vì là tiến bộ. Do sự cung kính lễ bái của người khác, ta thường thấy mình trở nên quan trọng, tài đức hơn người, và có vẻ như những người khác không ai có thể sánh bằng ta được... Thậm chí mỗi khi có ai đó bày tỏ thái độ thiếu cung kính hoặc tôn trọng không đúng mức đối với ta, chẳng hạn như chỉ tán tụng sơ sài hơn những người khác hoặc xưng hô bằng những danh xưng không hợp ý ta, ta rất dễ sinh ra phiền não, bực dọc...

Không những thế, khuynh hướng này sẽ ngày càng phát triển. Sự cung kính lễ bái hoặc tán thán ngợi khen của người khác có tính chất tương tự như những liều thuốc kích thích, muốn giữ được tác dụng thì ngày càng phải tăng liều mạnh hơn, nhiều hơn. Nếu như lần đầu tiên được khen ngợi ta có thể hài lòng với một mức độ nào đó, thì về sau những lời khen tương tự như thế sẽ không còn làm ta thỏa mãn nữa. Ta cần đến những sự ca ngợi, tán tụng có mức độ mạnh mẽ hơn, và ta cũng khát khao, thèm muốn nhiều hơn đối với những sự ca ngợi, tán tụng như thế...

Và khi đã rơi vào căn bệnh ngã mạn, đã “nghiện nặng” đối với sự phục tùng và tôn xưng, kính trọng của người khác, ta sẽ dễ dàng đánh mất đi sự sáng suốt và trung thực vốn có trước đây của mình. Ta thèm muốn được người khác xưng tụng, ngợi khen, đến mức không ngần ngại đưa ra những đòi hỏi như thế. Thậm chí ta có thể đòi hỏi hoặc gợi ý người khác nhiều hình thức khác hơn nữa để bày tỏ sự kính trọng đối với ta, như viết văn thơ ca tụng, như tôn xưng ta trước đám đông, hoặc phải bày tỏ sự tôn kính tuyệt đối những lời ta nói ra, hay thậm chí dựng cả tượng đồng để vinh danh ta càng tốt... Nói chung, đó là một con đường tuột dốc cực kỳ nguy hại và không có điểm dừng!

Mặt khác, hệ quả của căn bệnh trầm kha này là ta sẽ luôn tìm mọi cách để che giấu những khuyết điểm hay lỗi lầm của mình, vì ta rất sợ những điều đó sẽ khiến ta mất đi sự tôn kính. Trong khi việc mắc phải một số lỗi lầm hay sai sót là chuyện rất bình thường đối với mọi con người khi chưa đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, thì đối với ta lại là điều không thể chấp nhận được. Đó chính là vì ta đã nuôi dưỡng “cái ta” lớn lên quá mức, và “cái ta” đó không cho phép ta tự mình hạ thấp hay bộc lộ sự thua kém trước người khác, ngay cả khi đó là sự thật. Than ôi! Ta có ngờ đâu chính khuynh hướng thiếu trung thực, che giấu lỗi lầm như thế sẽ làm cho tâm trí ta ngày càng mê muội hơn nữa, đánh mất đi khả năng trực nhận chân lý cũng như hoàn thiện chính bản thân mình.

Thật ra, trong cuộc sống thì những thay đổi theo khuynh hướng như trên thường rất dễ được mọi người quanh ta nhận ra, nhưng bản thân ta lại không mấy khi tự nhận biết! Chính vì tâm chấp ngã đã làm cho ta trở nên thiếu sáng suốt và luôn nhìn sự vật quanh ta qua một lăng kính biến đổi nhằm thỏa mãn đòi hỏi của nó. Với cách nhận thức biến đổi sự việc theo hướng đó, ta dễ dàng nhận ra và thậm chí là thường khuếch đại những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác, vì điều đó giúp ta cảm thấy mình tốt đẹp hơn, cao quý hơn so với họ. Ngược lại, ta không thể nhận ra hoặc không muốn nhận ra những khuyết điểm, những yếu kém hoặc lỗi lầm của chính bản thân mình, vì điều đó sẽ làm suy giảm sự tốt đẹp của ta đối với người khác, sẽ khiến ta cảm thấy bị tổn thương.

Nếu so sánh với câu chuyện về Bồ Tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, ta sẽ dễ dàng nhận ra hai khuynh hướng tác động trái ngược nhau. Trong khi sự chân thành tôn kính và lễ bái người khác có thể giúp ta điều phục tâm ý, phá trừ chấp ngã, vững vàng trong sự tu tập, thì tất cả những hình thức ngợi khen, xưng tán hay lễ bái mà người khác dành cho ta lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại, dễ dàng nuôi lớn tâm chấp ngã và đẩy ta vào một sự suy thoái về đạo đức lẫn tinh thần.

Điều đáng chú ý nhất ở đây là, tiến trình đó luôn diễn ra một cách âm thầm, chậm chạp nhưng vô cùng mạnh mẽ, khiến cho ta thậm chí không nhận biết được là mình đang dần thay đổi vì chịu sự tác động của nó!

Nhưng nói như vậy không phải là đổ lỗi cho những sự ngợi khen, xưng tán hay cung kính lễ bái... Trong thực tế, những người có tài năng, đức độ thì tất nhiên rất xứng đáng để được ngợi khen, xưng tán... Và mỗi chúng ta cũng cần thiết phải chân thành biểu lộ sự tôn kính, ngợi khen đối với những người có tài năng, đức độ hơn ta, vì điều đó sẽ giúp ta phát khởi tâm hướng thiện mạnh mẽ hơn, sẽ nỗ lực tinh tấn nhiều hơn để hoàn thiện chính mình.

Vấn đề ở đây là, mỗi khi nhận được sự ngợi khen, xưng tán từ người khác, ta phải luôn có sự tỉnh giác, tự giữ mình; luôn phải nhận biết rằng những lời khen ngợi đó sẽ dễ dàng trở thành những viên thuốc ngủ bọc đường nếu ta thiếu sự tỉnh giác. Và thật ra thì chỉ khi có thể tỉnh táo nhận biết được như vậy, ta mới thật sự xứng đáng với sự ngợi khen, xưng tán hay lễ bái của người khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/09/2015(Xem: 23875)
Nói đến giáo lý Phật giáo là nói đến chữ Tâm. Ngay sau khi thành đạo, đầu tiên đức Phật thuyết về tâm (kinh Hoa Nghiêm), rồi đến khi sắp nhập Niết-bàn, Phật cũng đã dặn dò hàng đệ tử phải chế ngự tâm (kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Di Giáo). Phật pháp lấy tâm làm gốc. Có thể nói mà không sợ lầm lẫn, tất cả những điều đức Thế Tôn đã dạy, được hai phái Tiểu thừa, Đại thừa kết tập lại trong Tam tạng, đều nói đến chữ “tâm”. Đệ tử của Phật, thực hành theo những gì đức Phật đã giáo hóa, cho dù tu học theo tông phái, pháp môn nào, cũng không ngoài bốn chữ: “tu tâm dưỡng tánh”. Vậy tìm hiểu chữ tâm cho thấu đáo, khảo sát, thẩm cứu, thường xuyên quán chiếu về tâm, trộm nghĩ đó cũng là điều lý thú và hết sức cần thiết đối với hành giả, đấy chứ.
01/09/2015(Xem: 6852)
Khi ở trong ngôi nhà Nhật, sống với người Nhật trên đất nước Nhật và, được chủ nhà mời đi tắm, khách mới ngỡ ngàng nhận ra: Người Nhật không chỉ có “cung đạo”, “kiếm đạo”, “trà đạo”, “võ sĩ đạo”…, mà còn có “tắm đạo”! Cơm chiều xong khách được chủ nhà trao cho một cái túi vải lớn hơn bàn tay, thêu hoa văn xinh xắn, đầu túi có dây gút, bên trong có cái khăn tay, tuýp kem đánh răng nhỏ, bàn chải và một hộp bằng đầu ngón tay cái đựng chút chất dẻo màu hồng. Chủ nhà còn trao tận tay khách bộ Yukata (giống Kymono nhưng mỏng hơn dành mặc mùa Hè), hướng dẫn cách mặc, rồi giúp khách bới tóc gọn gàng. Nhìn mình tươm tất trong gương, khách thưa: “Chúng ta đi tiếp khách à?”. Chủ thân thiện: “Hây, mời khách đi tắm tập thể ạ.”. Điếng hồn chưa!
28/08/2015(Xem: 9582)
Con đường của Đức Phật là con đường xuất thế, từ bỏ mọi ham muốn và quyền lợi thế tục. Vì vậy, người ta ngạc nhiên khi thấy những Phật Tử thuần thành, nhất là giới xuất gia, lấy lập trường trên những vấn đề chính trị. Ngày 14 tháng Năm vừa qua, một số các vị lãnh đạo Phật giáo ở Mỹ, trong đó có vị Trưởng lão đáng kính, Thầy Bodhi, đã có một buổi họp ở Nhà Trắng để thảo luận những vấn đề quan trọng, khẩn cấp và hiện đại, trong đó có vấn đề thay đổi khí hậu. Sự kiện này đã gây ra một số phẫn nộ trên mạng; thật ra đây không phải là việc khó làm. Một số lập luận rằng tu sĩ Phật Giáo phải hoàn toàn tránh xa lãnh vực chính trị. Tuy nhiên, việc tăng sĩ tham gia vào chính trị không có gì là khác thường. Ở Thái Lan, có một đạo luật dành cho Tăng đòan. Tăng sĩ nước này đã từng tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố, đấu tranh cho quyền lợi của mình. Dường như không có trường hợp tăng sĩ Thái Lan biểu tình đấu tranh cho quyền lợi của bất cứ ai khác .
21/08/2015(Xem: 7288)
Chùa Đa Bảo an vị trên ngọn Núi Cô Tiên, thuộc khóm Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, phía Bắc thành phố Nha Trang, được xây dựng vào năm 1996, do Đại đức Thích Giác Mai trụ trì. Những năm trước đây, vùng núi này đìu hiu quạnh quẽ, đường xá đi lại vô cùng gian nan khăn khó, nên rất ít ai được biết đến một tịnh thất đơn sơ mộc mạc hiện hữu trên ngọn núi cao dốc đứng này..
15/08/2015(Xem: 9793)
Đây là cuốn sách thứ 4 của cư sỹ sau 3 cuốn trước “Bài học từ người quét rác”, “Tâm từ tâm”, “Hạnh phúc thật giản đơn”. Cuốn sách là những trải nghiệm thật trong cuộc sống và công việc của ông.Mong rằng mỗi bài viết trong cuốn sách này giúp bạn đọc nhận ra gì đó mới mẻ, có thể là chiếc gương để soi lại chính mình.Và biết đâu ngộ ra được một chân ý cũng nên.Xin trân trọng giới thiệu lời mở đầu của chính tác giả cho cuốn sách mới xuất bản này.
30/07/2015(Xem: 6760)
Lúc hồi còn học ở Thừa Thiên, Các ôn Trưởng Lão thường dạy các Thầy các chú không nên ham biết mật ngữ trong chú nói gì mà cứ nghiệm hiểu đề danh của “Chú” là biết hết cả rồi. Chú tâm mà thọ trì do Tâm cảm tha thiết là Ứng quả rõ ràng. Dịch ra rồi, tất cả mầu nhiệm sẽ biến mất hết. Thú thật lời dạy chí thiết đó, chúng tôi tuy không dám không tin, nhưng lòng vẫn còn muốn khám phá ! Điều hiểu tất đã hiểu, vì ngay nơi đề danh như : Bạt Nhứt Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắt Sanh Tịnh Độ Đà La Ni”. Đề Danh qúa rõ, “Nhổ bỏ hết cội gốc phiền não chướng nghiệp tất sanh về Tịnh Độ” Gọi tắt là Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú.
29/07/2015(Xem: 9582)
.. Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh ''những chiếc ghế ''. Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng. Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước. Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình. Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế. Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng. Ngày nay vẫn có những người cố chiếm cho bằng được chiếc ghế cao để ung dung hưởng thụ hoặc vênh váo với đời.
27/07/2015(Xem: 6941)
Hãy nói về những kẻ không nhà, đứng nơi đầu đường, ngủ nơi góc phố. Lo toan không? khổ đau không? – Khó ai biết; chỉ thấy khi ngửa tay xin ăn thì gương mặt phải lộ ra vẻ thảm thương, tội nghiệp; và khi ngồi co ro nơi ghế đá công viên, hay dưới gầm cầu, thì cả thân người, cả thân phận, như bị gánh nặng của trời cao phủ xuống, nén xuống, tưởng chừng không bao giờ có thể vươn mình lên được.
26/07/2015(Xem: 7328)
Tôi bước xuống sân bay Cần Thơ vào một chiều nắng đẹp. Tôi ít có dịp dùng sân bay ở quê nhà vì các chuyến bay quốc tế tôi thường về Tân Sơn Nhất và ở đây không có chuyến bay kết nối đến Cần Thơ. Ấn tượng đầu tiên là sân bay sạch sẽ, dịch vụ tốt, nhân viên thân thiện, wifi miễn phí chạy êm ru. Tôi đặc biệt thích không gian mở với tầm nhìn phóng ra vườn cây xanh mướt phía ngoài. Sân bay nhỏ nhưng tươm tất, có thể nói là sạch nhất trong số những sân bay mà tôi từng biết ở Việt Nam, và cả ở các sân bay quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Cho điểm 10 dịch vụ cũng không phải là quá hào phóng cho một sân bay địa phương như ở đây.
24/07/2015(Xem: 9319)
Sau khi tìm thấy chú chó bị dán băng keo bịt mõm tại huyện Ba Tri, Bến Tre vào tối 22/7, đoàn cứu trợ từ Sài Gòn đã tức tốc chạy về Bến Tre để chữa trị cho chú chó. Trong quá trình gỡ băng keo ra khỏi mõm chó, nhiều người đã xót xa và bật khóc nức nở.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]