Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con cái đối với cha mẹ

23/02/201115:19(Xem: 7022)
Con cái đối với cha mẹ

SỐNG ĐẸP GIỮA DÒNG ĐỜI
Nguyên Minh

CHƯƠNG III: SỐNG ĐẸP TRONG GIA ĐÌNH

Con cái đối với cha mẹ

Tính độc lập của con cái trong gia đình ngày nay cao hơn nhiều so với trước đây, điều đó có lẽ không sao phủ nhận được. Ngay cả khi con cái còn đang cắp sách đến trường, chúng vẫn có những khía cạnh riêng tư mà cha mẹ buộc phải tôn trọng. Còn cho đến tuổi trưởng thành thì khỏi cần phải nói, quyền quyết định cuộc đời mình khi đã trưởng thành có khi còn được cả pháp luật bảo vệ nữa, nói gì đến chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” như ngày xưa!

Trong bối cảnh thay đổi khá nhanh chóng đó, một số người đã không giữ được các nề nếp truyền thống tốt đẹp của ngày xưa trong việc hiếu kính cha mẹ. Đối với thế hệ lớn tuổi trước đây, điều này rất hiếm khi xảy ra. Người ta được dạy dỗ rằng “cha mẹ là trời biển” từ những ngày còn tấm bé. Ngày nay, tuy quan điểm ấy thật ra chẳng hề thay đổi, nhưng sự lạm dụng “chủ nghĩa bình đẳng” và “tự do” nhiều khi đã đẩy lùi cả những nếp nghĩ đã ăn sâu từ nhiều đời trước.

Thật ra, con cái trong thời đại này cũng không cần thiết phải nhất nhất cúi đầu vâng theo các cụ. Có những điều mà các cụ nếu bảo thủ sẽ không sao hiểu được, hoặc có hiểu cũng không chấp nhận được, nhưng nó đã trở thành có thật trong thời đại mới rồi. Tuy nhiên, điều này nhất định không thể đưa ra làm một lý do chính đáng để con cái có thể coi thường các đấng sinh thành.

Trong một chừng mực nào đó, sự tôn kính đối với cha mẹ là một yêu cầu đến nay vẫn không thay đổi trong nền văn hoá dân tộc ta, loại trừ những kẻ mất gốc. Tuy nhiên, một nhận thức mới về điều này cần được nêu ra. Đôi khi, việc không nghe theo lời các cụ không có nghĩa là đánh mất đi sự tôn kính. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải giải thích như thế nào hoặc hành xử khéo léo ra sao để cho các cụ có thể cảm thông được với lý do buộc chúng ta phải quyết định làm như thế.

Chẳng hạn, một khi bạn đã suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố và quyết định mở một cửa hiệu vào thời điểm thuận lợi. Nếu người mẹ già của bạn khăng khăng không chịu đồng ý chỉ vì lý do “năm nay không hạp tuổi”, có lẽ bạn cũng không thể vì thế mà bỏ lỡ thời cơ thực hiện quyết định của mình. Tuy nhiên, bạn cần tôn trọng sự phản đối đó. Hãy làm hết sức mình để giải thích những “quan điểm mới” cho bà cụ hiểu. Sự khéo léo của bạn là làm thế nào đó mà bà cụ không hiểu vấn đề theo cách là “nó đã lớn nên chẳng cần nghe lời cha mẹ”.

Từ khi bạn bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, tự mình chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, thì việc đối xử với cha mẹ như thế nào là một trong những vấn đề quan trọng mà bạn sẽ phải hối tiếc rất nhiều về sau nếu không quan tâm đúng mức. Tôi phải cảnh giác bạn điều này vì về mặt tâm lý có một sự thật là, tuy sống với cha mẹ từ bé đến lớn, bạn chắc chắn chưa hoàn toàn hiểu hết các cụ đâu!

Tôi có thể đơn cử một ví dụ mà thật ra cũng chẳng mới mẻ gì. Ca dao ta có câu:

“Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Vâng, nếu bạn lập một gia đình của riêng mình và có con cái. Ngay vào cái đêm đầu tiên khi mà bạn thức trắng với tiếng khóc của trẻ con, có lẽ là lúc bạn mới bất ngờ bắt đầu nhận ra mình đã chưa hiểu hết những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ khi xưa. Và đó chỉ là điểm khởi đầu thôi, vì bạn cũng chỉ mới bắt đầu “lên non” thôi mà. Hãy đợi đấy, khi bạn thực sự đã “biết non cao” rồi, tôi tin là bạn không còn nghĩ về cha mẹ mình một cách giản đơn như trước đây.

Vấn đề đặt ra ở chỗ là, đã quá muộn hay chưa? Nếu bạn có đủ may mắn để nói “chưa”, tôi xin chúc mừng bạn. Bởi vì không ít người đã phải ôm lòng ray rứt suốt quãng đời còn lại chỉ vì khi “hiểu ra thì sự đã rồi”.

Việc tôn kính cha mẹ là một nguyên tắc sống đẹp chẳng những thể hiện lòng biết ơn đối với những bậc đã sinh ra và dưỡng dục chúng ta nên người, mà nó còn là một trong các chìa khoá để thu phục lòng người. Tôi nói điều này có lẽ một số người sẽ lấy làm lạ. Tuy nhiên, thực tế là như vậy. Bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà những truyền thống văn hoá dân tộc luôn được tôn trọng, cộng đồng xã hội luôn tán thành với những nét đẹp trong truyền thống văn hoá của cha ông. Trong một xã hội như thế, một người có lòng hiếu kính với cha mẹ dễ có được thiện cảm từ những người khác là điều tất nhiên, không có gì lạ. Thậm chí, đã có nhiều nhà chính trị xưa kia lợi dụng yếu tố này để thu phục lòng người. Chúng ta không có những dụng tâm giả tạo như họ, nhưng tác động thực tế của vấn đề là không thể phủ nhận. Hãy tự trả lời câu hỏi này: Nếu bạn đến chơi nhà một người bạn và tình cờ chứng kiến sự hiếu kính chân thành của người ấy đối với cha mẹ, bạn sẽ có ấn tượng như thế nào? Vâng, tôi tin là nhiều người khác cũng giống như bạn thôi.

Nếu bạn vẫn còn được sống chung với cha mẹ khi đã trưởng thành, đó là một điều cực kỳ may mắn. Đa số trong chúng ta không có được may mắn đó. Như đã nói trong một phần trước đây, ngày nay hiếm khi có những đại gia đình mà ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống. Hầu hết chúng ta phải sống riêng một cách độc lập ngay sau khi lập gia đình.

Phần lớn những người được sống chung với cha mẹ sau khi đã lập gia đình riêng phải là con trưởng hoặc con út. Phải có những lý do đặc biệt nào đó thì các cụ mới sống chung với một trong những người con khác.

Nếu bạn sống chung với cha mẹ, chỉ cần bạn nhận thức đúng được vấn đề, bạn sẽ có thể biết được mình phải làm gì. Nhưng nếu bạn không có may mắn đó – mà đa số chúng ta đều kém may mắn – bạn cần biết cách hiếu kính cha mẹ cho dù mình không sống chung cùng các vị.

Ca dao ta có câu:

“Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày.”

Tuy nghe có vẻ thật chua chát, nhưng thật không may là điều này lại hoàn toàn đúng với một số khá đông người. Tôi mong là bạn không nằm trong số đó.

Trong số những người mà tôi quen biết, rất ít người nghĩ đến việc mình phải làm một cái gì đó để báo đáp, hoặc ít ra cũng là để bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ. Có nhiều lý do dẫn đến điều đó trong thời đại này.

Trước hết, cuộc sống ngày nay quá bận rộn đến nỗi người ta hầu như không có thời gian dành cho những việc không cần thiết. Và thật không may là nhiều người xem việc đi thăm viếng cha mẹ hoặc mua sắm cho các cụ dăm ba món đồ... là việc không cần thiết! Đôi khi, họ suy nghĩ một cách đơn giản như: “Anh Hai lo được việc ấy mà.”, hoặc “Nhà chú Út có thiếu thốn thứ gì đâu...” Và với những cách nghĩ ấy, họ không xem việc dành thời gian cho cha mẹ là cần thiết. Đáng buồn thay cho những người này đã “lên non” mà vẫn còn chưa “biết non cao”.

Những cách suy nghĩ này còn xuất phát từ một đặc điểm của xã hội trong thời đại mới. Chuẩn mực sống ngày nay đã lên khá cao so với trước đây, đến nỗi cơm gạo để nuôi cha mẹ thật ra chẳng phải là vấn đề đáng kể đối với nhiều người. Mức chi tiêu thường ngày của nhiều gia đình rơi vào những khoản tiện nghi khác lớn hơn nhiều so với là “cơm ăn áo mặc” như ngày xưa. Vì vậy, mỗi người con thường thấy không cần thiết phải đóng góp năm mười ký gạo hoặc chút phí tổn nào đó vào việc nuôi dưỡng cha mẹ.

Một nguyên nhân khác nữa là khả năng tài chánh của các cụ. Một số cha mẹ thời nay không cần đến sự nuôi dưỡng về mặt vật chất của con cái. Các vị đã tính trước mọi điều từ khi còn làm việc được, và ngoài việc lo cho con cái, các vị còn tích luỹ đủ để an hưởng tuổi già mà không cần con cái phải quan tâm. Trong trường hợp này, nếu con cái không có một nhận thức đúng đắn thì rất dễ quên đi trách nhiệm hiếu kính của mình.

Trong mọi trường hợp, vấn đề ở đây không phải là nuôi dưỡng cha mẹ bằng cơm gạo. Có hai khía cạnh mà chúng ta cần phải nhận thức đúng trong vấn đề này.

Thứ nhất, trong tuổi già cha mẹ luôn cần đến con cái không phải chỉ là vấn đề nuôi dưỡng mà còn là yếu tố tình cảm. Dù không cần gì về vật chất, cha mẹ vẫn rất cần con cái mang lại niềm vui cho mình bằng những cử chỉ hiếu kính. Nhiều cụ ông hoặc cụ bà còn trở tính hờn dỗi với con cái khi chúng không quan tâm đúng mức đến mình. Tục ngữ nói lên hiện tượng tâm lý này bằng câu: “Một già một trẻ bằng nhau.” Ý nói tính khí của người già thường quay trở lại giống như trẻ con.

Thứ hai, quan tâm đến cha mẹ là một yêu cầu xuất phát từ tự thân chúng ta. Có thể các cụ cần hay không cần, nhưng bản thân chúng ta nhất định phải làm điều đó nếu thực sự muốn “nên người”.

Ngoài ra, một vấn đề thiết thực cũng cần phải đề cập đến nữa. Sự hiếu kính của bạn đối với cha mẹ chính là tấm gương dạy dỗ con cái của chính mình. Có câu chuyện xưa nói lên ý nghĩa này như sau:

Có người con nuôi dưỡng ông cha già bệnh tật quá lâu mà không chết. Lâu ngày chày tháng đâm ra nản lòng không chịu đựng nổi được nữa, anh ta mua một chiếc xe kéo, đặt người cha lên đó rồi bảo đứa con trai phụ với mình để kéo cha lên tận trên núi cao mà bỏ. Khi quay về, đi một đoạn anh không thấy đứa con trai đâu cả, liền dừng lại để chờ. Lát sau, đứa con lững thững lôi chiếc xe không trở về theo kịp anh ta. Anh quát thằng bé: “Mày mang chiếc xe ấy về làm gì?” Thằng bé tròn xoe mắt nhìn anh rồi nói: “Xe mới, còn tốt lắm. Có thể để dành sau này con dùng để kéo cha được mà!”

Ngày nay, hoặc thậm chí cả ngày xưa, chắc là không có một câu chuyện như thế thực sự xảy ra. Nhưng ý nghĩa trong câu chuyện thì không ai phủ nhận được, thậm chí nó vẫn còn rất chính xác khi vận dụng vào ngày nay. Những gì bạn làm cho cha mẹ, tất yếu sẽ là những gì bạn nhận được từ con cái.

Có nhiều cách để bạn bày tỏ sự hiếu kính của mình đối với cha mẹ. Điều quan trọng nhất là bạn phải thực sự muốn làm điều đó vì nhận ra tính đúng đắn và sự cần thiết của nó.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách dành ra một khoảng thời gian tối thiểu nào đó cho cha mẹ trong thời biểu thường xuyên của mình. Đừng cho rằng chỉ cần làm điều đó vào lúc rảnh rỗi. Sẽ không có lúc đó đâu. Nếu bạn đã dành những thời gian nhất định cho con cái, thì bạn cũng cần phải dành ra những khoản thời gian nhất định cho cha mẹ. Tôi không biết là bạn có thể dành ra được bao nhiêu thời gian, hoặc sẽ sử dụng thời gian đó như thế nào. Điều đó tuỳ nơi bạn, nhưng phải xem đây là việc thường xuyên, quan trọng, không thể tuỳ tiện làm hay không làm.

Ngân sách gia đình cũng cần phải dành ra một khoản thích hợp cho cha mẹ. Có thể là cha mẹ không hề cần đến, như tôi đã nói ở một đoạn trên, nhưng niềm vui mà cha mẹ có được khi nhận một món quà nào đó của bạn là có thật. Hơn thế nữa, việc làm ấy nhằm biểu lộ sự hiếu kính của bạn một cách cụ thể, hơn là xuất phát từ nhu cầu cần thiết hay không của cha mẹ. Bạn có thể dùng khoản tiền ấy một cách sáng tạo như thế nào để “mua vui” cho cha mẹ cũng tốt, nếu như các vị không cần đến nó như một nhu cầu sống.

Khi cha mẹ có đông con cái, điều quan trọng là không nên nhìn vào cách ứng xử của những người con khác để quyết định việc làm của mình. Các anh, chị hoặc em bạn có thể có hoặc không có sự hiếu kính đối với cha mẹ, nhưng đó là chuyện của họ. Không nên lấy đó làm lý do ảnh hưởng đến thái độ của bạn.

Một khi cha mẹ có bệnh tật hoặc quá suy yếu, vấn đề này càng dễ bộc lộ rõ hơn. Hãy đối xử với cha mẹ bằng một tinh thần trách nhiệm cao của riêng mình, đừng chú ý đến thái độ của các anh chị em khác.

Một điều nữa cần bàn thêm ở đây là cách đối xử với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng. Trong thời đại ngày nay, nhận thức về vấn đề này đã thay đổi rất xa so với trước đây. Khi quan hệ vợ chồng trở nên bình đẳng hơn trước và chủ trương nam nữ bình quyền được tôn trọng, thì tất nhiên người con gái cũng không còn bị xem là “nữ nhân ngoại tộc” như xưa kia nữa. Như vậy, liệu người con gái đã lập gia đình còn có trách nhiệm với cha mẹ tương đương như người con trai hay không?

Ở đây chúng ta có thể là đang đề cập đến một vấn đề còn mang tính lý thuyết, tuy nhiên là một lý thuyết tích cực và hợp lý hơn. Từ góc độ đó, việc đối xử với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng của mình nên được xem giống như với cha mẹ ruột. Điều này chẳng những thể hiện một nét đẹp trong cuộc sống mà chắc chắn còn góp phần vào việc củng cố quan hệ hôn nhân vững chắc hơn, đồng thời cũng giáo dục con cái một cách thiết thực hơn.

Sở dĩ tôi nói đây là vấn đề mang tính lý thuyết, bởi vì trong thực tế thì sự “bình quyền nam nữ” hoặc quan hệ “bình đẳng” giữa vợ chồng vẫn còn rất nhiều giới hạn, và quan niệm cũ vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người. Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội văn minh ngày nay thì có lẽ không bao lâu rồi lý thuyết cũng sẽ hoàn toàn trở thành hiện thực.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/10/2013(Xem: 12641)
Tạp chí nghiên cứu người tiêu dùng Journal of Consumer Research công bố một khảo sát năm 2012, kiểm chứng rằng tại sao người tiêu dùng là nam giới lại thường tránh xa chuyện ăn chay. Trong đó, khảo sát này nhấn mạnh "Thịt dường như đồng nghĩa với quyền lực và sức mạnh đàn ông".
30/10/2013(Xem: 39247)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
30/10/2013(Xem: 8386)
Một nữ doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực địa ốc, nổi tiếng vì sở hữu nhiều ngôi nhà đẹp, từng có nhiều bài viết sắc sảo về kinh doanh. Thời gian gần đây chị “từ bỏ cuộc chơi” để tìm về với Phật pháp và chọn Huế là nơi chốn dừng chân của mình. Trong một thời gian ngắn từ 2010 đến nay, chị đã xây dựng ở Huế ba công trình từ thiện và nổi bật là Cát Tường Quân với kiến trúc độc đáo và thanh tịnh đang trở thành điểm đến của du khách mỗi khi dừng chân ở Huế.
29/10/2013(Xem: 12504)
Trong lá thư này, Lạt Ma Zopa Rinpoche trả lời cho một sinh viên học lâu năm với Ngài, một người đã viết thư để cảm ơn Ngài đã “cầu nguyện, dạy dỗ và che chở” trong nhiều năm qua. Người sinh viên xin được giấu tên hiện đang chăm sóc cho Mẹ đang chịu nhiều đau đớn về thể xác sau khi bị hàng loạt những cơn đột quỵ. Như là một phương pháp để đương đầu với những khó khăn khi chăm sóc, người sinh viên đã tưởng tượng như đang chăm sóc cho Ngài Zopa Rinpoche khi chăm sóc cho Mẹ cô.
26/10/2013(Xem: 62712)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
24/10/2013(Xem: 13187)
Thiền định là một phương tiện chủ yếu vô song của Phật Giáo giúp người tu tập trực tiếp đạt được Giác Ngộ. Đức Phật đã nhắc đến phép luyện tập này ngay trong bài thuyết giảng đầu tiên về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) khi Ngài nói về Sự Thật Cao Quý thứ tư và Con Đường Của Tám Điều Đúng Đắn (Bát Chánh Đạo). Tuy nhiên không phải vì thế mà tất cả những người tự nhận mình là Phật tử đều luyện tập thiền định.
23/10/2013(Xem: 10023)
Từ khi trên quả đất này có sự sống, con người và muôn loài vật được tồn tại bằng luyến ái, tức là sự thương yêu, trìu mến nhau mà người đời thường hay gọi là tình cảm. Nếu nói về muôn loài trên thế gian, con người là sinh vật cao cấp sống bằng “tình cảm” vì có hiểu biết, suy nghĩ, nói năng, nhận thức và làm được nhiều việc đóng góp lợi ích thiết thực trong bầu vũ trụ bao la này.
19/10/2013(Xem: 8439)
Ngày 27, tháng 9, năm 2013 – “Nếu bạn có thể học đi xe đạp bạn có thể học làm thế nào để được hạnh phúc,” nhà sư Phật giáo 67 tuổi và là người hạnh phúc nhất trên thế giới nói. Khi còn nhỏ, nhà thơ Andre Breton, nhà làm phim Louis Buñuel và nhạc sĩ Igor Stravinsky là những vị khách thường xuyên của gia đình triết gia Ricard. Tuy vậy, nhận thấy đặc tính của những người bạn của song thân không có vẻ gì là hạnh phúc hơn nên Ngài đã tìm đến Hy mã lạp sơn bỏ sau lưng công việc của một nhà sinh học tại Viện Pasteur và thay đổi cuộc đời qua thiền tập. Tính đến lần cuối cùng, Ngài đã đạt được hơn 10,000 giờ đồng hồ. Phương pháp chụp MRI tinh tế tại phòng nghiên cứu về não bộ tại Wisconsin đã cho thấy mức lạc quan siêu đẳng và hầu như không có chút cảm nhận tiêu cực nào của Ngài. Ngài nói: “Tôi không thấy mọi thứ đều màu hồng nhưng những thăng trầm của cuộc sống không trụ trong tôi theo cách của đời thường.”
19/10/2013(Xem: 12375)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 8248)
Như tất cả chúng ta đều biết Tổ Khánh Anh là người xuất thân từ Quảng Ngãi và từ những năm 1916 Ngài đã quy y Tam Bảo tại chùa Cảnh Tiên và năm 1917 lúc Ngài 22 tuổi đã xuất gia tu học tại chùa Quang Lộc tỉnh Quảng Ngãi với Pháp Danh là Chơn Qúy. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh thuộc thế hệ truyền thừa thứ 7. Ngài sinh năm 1895 và viên tịch năm 1961.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]