Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

V. Xin cứu độ Mẹ Ðất

25/01/201111:21(Xem: 6644)
V. Xin cứu độ Mẹ Ðất

Xin Cứu Độ Mẹ Đất
Thích Trí Siêu

Xin cứu độ Mẹ Đất

Có ý thức được tính cách đồng sinh cộng tử của mọi loài và tình trạng bi đát của Trái Đất đang bị tàn hoại thì mới nghĩ đến chuyện cứu độ Trái Đất. Còn nếu cứ tiếp tục sống tham lam ích kỷ chỉ lo hưởng thụ cá nhân thì việc cứu độ Trái Đất sẽ trở thành một việc lo sợ viễn vông.

1/Phật pháp bất ly thế gian pháp

Từ đầu sách đến đây, bạn đọc có thể tự hỏi sao mãi chưa thấy nói gì đến giáo lý đạo Phật. Xin nhắc bạn một điều : "Phật pháp bất ly thế gian pháp". Nếu tách rời các pháp thế gian ra thì không thể có Phật pháp. Đức Phật xưa kia cũng phải ăn, mặc, đi, đứng, ngủ, nghỉ... Giáo lý của Phật không nói chuyện trên trời dưới biển hay những chuyện siêu hình mà nói về những chuyện rất thực tế như sinh, già, bệnh, chết. Vả lại cuộc tầm đạo của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) phải chăng đã bắt nguồn từ sự nhận thức thực tại khi ngài dạo chơi qua bốn cửa thành? Có thấy khổ mới tìm cách cứu khổ. Nhận thức được thực tại khổ đau là cửa vào đầu tiên của đạo Phật. Cũng vậy, vấn đề nhận thức về hiện trạng tàn hoại của Trái Đất là vấn đề chính yếu cần phải được nhấn mạnh trước khi nói đến việc cứu độ Trái Đất. Dù có là Phật tử đi nữa, bạn đọc cũng không nên để giáo lý hay những danh từ Phật học quản thúc và hạn cuộc mình. Bạn đọc hãy tập nhìn thẳng vào thực tại bằng con mắt quán chiếu của thương yêu và hiểu biết.

Trong thế gian có rất nhiều người thực hành Bồ Tát đạo mà không mang danh Bồ Tát hoặc không hề hay biết gì về đạo Phật. Đó là những người hy sinh thân mạng, tài sức của mình để cứu giúp kẻ khác. Thí dụ như Mẹ Térésa (người lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1979), suốt đời cứu giúp người cùi, các hội từ thiện nhân đạo như Hội Bác Sĩ Không Biên Giới (Médecins sans frontières), Hội Bác Sĩ của Địa Cầu (Médecins du Monde), Hội Hồng Thập Tự (Croix Rouge), v.v... Họ lăn xả vào các vùng khói lửa chiến tranh để cứu cấp, chữa trị dân lành bị tàn sát bởi hai phe thù nghịch. Các nhà bảo vệ môi sinh (écologistes) đứng ra lớn tiếng hô hào phản đối sự lạm dụng bành trướng kỹ nghệ nguyên tử. Việc làm của họ hình như không dính líu gì đến Phật pháp cả, nhưng đứng trên tinh thần của đạo Phật thì chúng ta có thể xem họ như những vị Bồ Tát, vì họ đang ra tay cứu độ Trái Đất.

Cứu độ Trái Đất là việc chung của tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới chứ không phải của riêng một nhóm người nào. Riêng hàng Phật tử, chúng ta lại càng phải ý thức và ra tay ngay từ bây giờ, vì chúng ta đã nguyện theo gương Đức Phật, sống từ bi hỷ xả, ban vui cứu khổ mọi loài, chẳng lẽ chúng ta lại thờ ơ mặc cho Mẹ Đất bị tàn hoại để rồi những thế hệ con em của chúng ta sau này sẽ lâm vào cảnh đói khát, hạn hán, thiên tai, bão lụt và chiến tranh? Trong các thời kinh nhật tụng, chúng ta vẫn thường nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, đây là một điều nguyện cao thượng rất tốt. Nguyện có nghĩa là tự hứa với mình, là điều căn bản đầu tiên của sự tu hành, nhưng sau đó phải tập bước sang phần thực hành thì lời nguyện đó mới có thể thành tựu được. Cứu độ Trái Đất cũng nằm trong phần cứu độ chúng sinh vì nếu Trái Đất bị tàn phá hoại diệt thì chúng sinh cũng theo đó mà chết dần, chết mòn.

Các nhà bảo vệ môi sinh trên thế giới có đưa ra rất nhiều giải pháp để cứu vãn tình hình như: hạn chế sự khai thác tài nguyên; tái thiết và sửa sang các môi trường đã bị tàn phá; phế bỏ dần những sinh hoạt gây tổn hại thiên nhiên và cùng lúc khuyến khích các kỹ thuật sản xuất biết nể thương Trái Đất; chuyển hóa dần xã hội tiêu thụ phung phí về một xã hội biết tiết kiệm nguyên liệu hữu hạn và giảm thiểu sự phế thải để bớt ô nhiễm môi sinh, v.v... Tất cả những dự án này đều hay và đúng cả, nhưng nếu nhìn kỹ một chút, ta sẽ thấy nó vẫn chưa nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Nguyên nhân hay thủ phạm của sự tàn phá, nhiễm ô môi sinh chính là con người chứ không phải là khoa học hay kỹ thuật. Hẳn bạn đọc còn nhớ thuyết nhân duyên của đạo Phật, cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Có nhiễm ô bên ngoài vì có nhiễm ô bên trong. Bên ngoài ở đây tức là môi trường sinh sống thiên nhiên và bên trong chính là con người. Trong con người thì tâm làm chủ của mọi hành động tạo tác. Nếu tâm bị nhiễm ô bởi tham lam, sân hận, u mê, ích kỷ thì đương nhiên con người sẽ hành động ô nhiễm và như vậy thì môi sinh lãnh đủ. Do đó nếu chúng ta muốn thanh tịnh hóa thiên nhiên thì phải thanh tịnh hóa thân tâm của mình trước hết.

Muốn cứu độ Mẹ Đất, chúng ta không cần phải Cầu An hay Cầu Siêu nhiều cho Mẹ Đất mà hãy tập sống đời tỉnh thức, tu tập chánh niệm, sống đời thiểu dục, nuôi dưỡng đức hiếu sinh. Cuộc sống của chúng ta liên quan ảnh hưởng đến sự sống của mọi loài và ngược lại cũng vậy. Đây chính là lý "trùng trùng duyên khởi" của kinh Hoa Nghiêm. Cũng may là nhờ có sự tương quan tương duyên như thế mà chúng ta mới mong thanh tịnh hóa được môi sinh.

2/Sống đời tỉnh thức

Sống đời tỉnh thức tức là ngược lại với sống đời lãng quên, sống say chết ngủ. Sống mà không làm chủ được mình để cho sự đam mê vật chất lôi cuốn đi như kẻ say, ăn chơi tiêu thụ, thỏa mãn dục lạc để rồi cuối ngày lăn ra ngủ như một người chết. Sống tỉnh thức tức là ý thức được sự sống của mình và của mọi loài, ý thức được sự mầu nhiệm và quý báu của sự sống, ý thức được những gì đanh xảy ra nơi mình và chung quanh mình. Thí dụ khi cắn một miếng bánh mì, ta ý thức được sự tàn sát hàng tỷ côn trùng, sâu bọ của người nông dân khi trồng lúa; khi cầm trong tay một bát cơm dẻo thơm, ta ý thức được sự may mắn của mình và cùng lúc thấy được công phu lao tác, cầy sâu cuốc bẫm của hàng triệu dân nghèo đói Á Phi; khi uống một tách trà thơm, ta biết trà này từ đâu đến, đã có rất nhiều đất đai mầu mỡ, thay vì được dùng để trồng lúa gạo, thực phẩm, đã bị đem đi trồng trà hay cà phê để xuất cảng, trong khi đó mỗi năm có đến hàng chục triệu người chết đói; mỗi khi cầm trong tay một tờ báo, ta ý thức được đã có không biết bao nhiêu rừng cây bị đốn phá để làm bột giấy; mỗi khi lên xe rồ máy, ta biết được ảnh hưởng của sự di chuyển của ta trên bầu khí quyển v.v...

Từ lâu chúng ta đã quen sống một cách hối hả, phóng túng, bên ngoài thì chạy theo vật chất, danh lợi, bên trong thì chạy theo quá khứ, tương lai, sống với những ảo tưởng và phiền não, vì thế nên khó có thể một sớm một chiều mà trở về cuộc đời tỉnh thức. Muốn sống tỉnh thức chúng ta phải tu tập chánh niệm, tức là đưa tâm trở về giờ phút hiện tại, ý thức được những gì đang xảy ra trong và ngoài thân: đang ăn biết mình đang ăn, đang đi biết mình đang đi, v.v... Trong đạo Phật có một pháp môn rất hay để tu tập chánh niệm đó là pháp Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthana). Nhờ có chánh niệm tỉnh thức, chúng ta mới có thể nhìn sâu vào lòng thực tại (danh từ đạo Phật gọi là quán chiếu) thấy được mối liên quan giữa ta và vạn vật. Thấy và hiểu được như vậy chúng ta sẽ không dám tàn sát sinh vật và tiêu thụ thả cửa nữa mà ngược lại sẽ biết xót thương mọi loài và muốn sống đời thiểu dục.

3/ Đức Hiếu sinh và Tình Thương Nhân Loại

Hiếu sinh là quý trọng và bảo vệ sự sống. Chúng ta tham sinh úy tử bao nhiêu thì các loài khác cũng ham sống sợ chết bấy nhiêu. Hơn nữa sau khi thấy được tính cách đồng sinh cộng tử của mọi loài làm sao chúng ta có thể điềm nhiên tước đoạt sự sống của loài khác? Đức Hiếu sinh là một đức lớn nhất của đạo làm người. Phật tử ăn chay cũng chính là để thể hiện đức này. Ngoài việc ăn chay tránh sát sinh, chúng ta cũng cần tham gia tích cực "chống lại tất cả những gì đe dọa sự sống và đe dọa tàn phá môi trường của sự sống: chiến tranh, vũ khí nguyên tử, phóng xạ nguyên tử, sự khai thác và xài phí không nương tay những nguyên liệu của trái đất, sự chế tạo và tiêu thụ những hóa phẩm không thực sự cần thiết" (Trích Tương Lai Văn Hóa Việt Nam).

Ngoài đức hiếu sinh, chúng ta cũng cần phát triển tình thương nhân loại. Là con người, ai cũng cần tình thương để sống. Nếu không có tình thương, con người sẽ khô héo, đau khổ mà chết. Tình thương cũng như một thứ nước cam lồ vậy. Tình thương trong đạo Phật thường được biểu hiện qua hình ảnh của Quan Thế Âm Bồ Tát. Ai cũng biết đây là một vị Bồ Tát giàu lòng từ bi, đã phát nguyện cứu vớt những ai kêu khổ, bởi lý do đó nên chúng ta thường niệm danh hiệu của Ngài. Khi niệm danh hiệu cũng có hai cách : tiêu cực và tích cực. Cách niệm tiêu cực là người niệm chỉ thấy mình là nạn nhân đau khổ của cuộc đời, của nghiệp báo, nên kêu gọi tên Ngài cầu cứu. Nói một cách khác, người niệm kiểu này là người rất cần tình thương. Cách niệm tích cực là người niệm ý thức được trong tâm mình cũng có những đức tính từ bi của Quan Thế Âm, nhưng những đức tính này không được phát triển. Do đó niệm Quan Thế Âm Bồ Tát là để nhớ lại những đức tính này, tìm cách phát triển và thể hiện ra ngoài. Niệm danh hiệu Quan Thế Âm là tìm cách trở thành Quan Thế Âm, tưới tẩm mình bằng nước cam lồ của tình thương và chia xẻ cho người khác. Niệm càng nhiều thì tình thương càng lớn, người mà có tình thương rộng lớn đối với mọi loài, nếu không phải Bồ Tát thì là gì nữa ?

Chúng ta thấy, cũng cùng niệm danh hiệu như nhau, nhưng hiệu quả có khác : Một đàng niệm mà vẫn mãi mãi làm chúng sanh nghèo đói tình thương, một đàng niệm mà dần dần trở thành Bồ Tát giàu có tình thương ban rải cho người khác. Vậy người Phật tử hãy cố gắng niệm danh hiệu Phật hay Bồ Tát theo cách tích cực này.

Hiệu lực của tư tưởng hay tâm niệm quan trọng lắm. Trong Đạo Phật có nói rằng một niệm dung thông tam giới, hoặc TÂM dẫn đầu các Pháp, v.v... Thiên đàng hay Địa ngục cũng đều do TÂM mà ra. Chiến tranh bùng nổ đâu phải ngẫu nhiên mà có, nó bắt nguồn từ những tư tưởng, ý niệm chia rẽ, hận thù, gian ác. Xã hội suy đồi, thoái hóa là do ảnh hưởng của những tư tưởng ích kỷ, tham lam, trụy lạc. Chúng ta thường cho rằng tư tưởng hay ý niệm không có hình tướng, nhưng đó chỉ vì mắt trần không trông thấy mà thôi. Mắt trần không trông thấy được không khí, vi trùng hay vi khuẩn nhưng phải chăng chúng không có? Phải cần những máy móc khoa học, kính hiển vi mới thấy được. Những người tu có thiên nhãn hay tha tâm thông đều có thể thấy được tâm niệm của kẻ khác.

Ngày nay khoa học đã có những máy đo làn sóng điện não (électro-encéphalogramme) hoặc máy chụp hình hào quang của Kirlian (một nhà khoa học Nga) có thể chụp được hào quang (aura) thể phách, thể vía, và thể trí của con người. Thí dụ như một người đang có sự giận tức trong tâm thì hình chụp cho thấy chung quanh người được bao phủ bởi một đám mây màu đen, hoặc đỏ thẫm. Một người tu hành đạo đức thì có hào quang màu vàng cam. Qua màu sắc và cường độ của hào quang, người ta có thể đoán biết được tình trạng sức khỏe, tình cảm và tâm linh của đương sự. Nếu 100 người gần nhau và cùng có những tâm niệm sân hận thì người có thiên nhãn sẽ thấy đó là một đám mây khổng lồ màu đen đỏ thẩm. Có lẽ vì thế mà xưa kia trong truyện Tây Du Ký, Tề Thiên Đại Thánh thấy được từ xa những nơi có yêu khí bốc lên ngùn ngụt?

Ngày nay, nếu một phi hành gia có thiên nhãn, ở trong không gian mà nhìn lại Trái Đất thì sẽ thấy nó bị bao phủ bởi những đám mây đen, đỏ u ám, màu của những tư tưởng tham lam, ích kỷ, u mê, hận thù ... Và như vậy thì Trái Đất sẽ phải chết, hoặc nếu muốn sống thì nó phải vùng vẫy chuyển mình để thoát khỏi đám mây độc hại này. Một con chó mà trên người nó có nhiều rận hay bọ chó bám vào hút máu thì nó sẽ, hoặc chết dần chết mòn, hoặc vùng vẫy, dãy dụa để tìm cách hất tung những con rận ra khỏi mình nó. Quả đất cũng sẽ như thế!

Để cứu vãn tình thế, hóa giải những đám mây hào quang u ám bao bọc Trái Đất, chúng ta hãy tập phóng ra những ý niệm lành, phát khởi thật nhiều và thường xuyên những tư tưởng thương yêu, hiểu biết. Khi những tư tưởng này thấm nhuần thân tâm ta rồi thì nó sẽ khởi ra hiện hình một cách tự nhiên, không cần ai sai bảo, không cần ai biết tên để ý.

Để có một ý niệm khởi đầu, chúng ta có thể tập phát khởi thường xuyên trong ngày những ý niệm như sau:

Nguyện cho tất cả mọi loài đều được an vui hạnh phúc, chuyên tạo điều lành.
Nguyện cho tất cả đều thoát khỏi đau khổ, phiền não, ngưng tạo điều ác.
Nguyện cho tất cả đều có tâm hoan hỷ, thương yêu nhau, không oán ghét, hận thù.
Nguyện cho tất cả đều có tâm bình đẳng, không phân biệt chia rẽ người thân, kẻ thù.
Trên đây là bốn điều mà trong Phật giáo gọi là Tứ Vô Lượng Tâm, tức là bốn tâm niệm rộng lớn đem lại hạnh phúc cho muôn loài.

Có những vị tu sĩ, đạo sĩ thường ẩn tu hay ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc. Bề ngoài họ có vẻ như lánh đời, không giúp ích gì cho thế gian, nhưng ta nào có biết, ngày đêm họ không ngừng phóng ra những tư tưởng thiện lành cho nhân loại. Nếu ta có trong tay máy đo điện từ trường, hoặc máy chụp hào quang thì có lẽ ta sẽ thầm cảm ơn họ đã góp phần vào sự cứu độ Trái Đất, vào sự sống còn của nhân loại.

4/Thiểu dục tri túc

Thiểu dục tri túc có nghĩa là ít ham muốn và biết dùng vừa đủ. Không nên lầm thiểu dục với keo kiệt. Keo kiệt tức là ích kỷ, khư khư ôm lấy tiền bạc không dám chi xài gì cả, không biết bố thí làm phước, không biết giúp đỡ kẻ nghèo khó. Người keo kiệt là người ham muốn nhiều, ham muốn tích trữ tiền bạc của cải cho cá nhân mình. Thiểu dục tri túc được kể là điều giác ngộ thứ hai trong tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân (Kinh Bát Đại Nhân Giác). Người có trí hiểu rằng ham muốn nhiều là nguyên nhân của khổ đau, bao nhiêu cực nhọc trong cuộc đời đều do ham muốn mà ra. Người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử và nhờ đó cảm thấy thân tâm được thư thái nhẹ nhàng. Người thiểu dục tri túc là người biết sống tiết kiệm, không chi xài phung phí, thái quá. Trong Luật Tạng có kể rằng, một ngày kia thầy Ananda đã có dịp cắt nghĩa cho Vua Udena (Ưu Điền) cách dùng tiết kiệm một tấm áo cà sa. Khi thầy Tỳ Kheo được cúng dường một tấm y cà sa mới thì tấm y cũ không bị vứt đi mà sẽ được dùng làm khăn trải giường. Khi tấm khăn trải giường này cũ thì nó sẽ được dùng làm khăn trải nệm. Khi khăn trải nệm cũ thì nó được dùng làm chăn đắp ngủ. Khi chăn đắp ngủ cũ thì nó được dùng làm giẻ lau. Khi giẻ lau này rách nát thì nó được trộn với đất sét để lấp vá sàn nhà hay vách tường bị nứt lở, và như vậy không có gì bị phí phạm cả.

Người tiêu xài phung phí được ví như "kẻ ăn táo rừng". Có một người muốn ăn táo bèn vào rừng hái táo. Đến dưới chân cây táo, anh ta không leo lên hái mà lại đứng rung cây làm tất cả táo trên cây đều rụng hết, chín cũng như chưa chín. Sau đó anh ta chỉ nhặt lựa những trái đẹp ưa thích còn bao nhiêu trái khác để lại mặc cho tất cả bị thối rữa. Hành động này trước hết được xem là vô ý thức (không tỉnh thức), thứ hai là phí phạm, chỉ cần vài ba quả mà làm rơi rụng thối rữa hàng chục quả, thứ ba là bất nhân, không biết thương nghĩ đến kẻ khác đang thiếu ăn. Đa số chúng ta trong đời sống hàng ngày đều có những hành động không khác gì "kẻ ăn táo rừng" trên. Quần áo chỉ cần vài ba bộ là đủ mặc che thân, vậy mà mua hết bộ này đến bộ kia rồi chất đống trong tủ, có khi cả năm không đụng đến. Ăn thì nhất định đòi ăn thịt này cá nọ, cao lương mỹ vị, trong khi đó thì rau cải, ngũ cốc cũng đủ chất dinh dưỡng để sống. Thay vì có thể đi bộ được 100 thước, vừa làm thể dục vừa khỏe chân tốt máu thì lại nhảy lên xe hơi rồ máy, vừa tốn xăng lại làm ô nhiễm không khí.

Chúng ta hãy tập làm chủ lấy mình, đừng để cho bích chương quảng cáo, vô tuyến truyền hình hấp dẫn mê hoặc, chạy theo lối sống tiêu thụ, đua đòi xa hoa của Âu Mỹ. Đối với đồ dùng hư cũ cũng không nên phế thải bừa bãi. Ở Việt Nam có mốt bán ve chai rất tốt mà ngày nay ở Tây phương họ cũng làm tương tựa bằng cách đặt ở các đầu đường những thùng rác đặc biệt chuyên thâu nhặt vỏ chai thủy tinh để nấu lọc dùng lại. Họ cũng biết mua lại các sách báo cũ để xay ra và chế tạo thành giấy dùng trở lại. Như vậy tránh khỏi phá rừng khai mỏ, làm kiệt quệ tài nguyên của Trái Đất.

Không ai cấm chúng ta tiêu thụ cả, nhưng hãy tiêu thụ một cách thông minh và ý thức. Hãy xem gương loài ong bướm kia, chúng hút nhụy hoa để sống mà không làm hại hoa, không tàn phá hoa, ngược lại chúng làm cho hoa thêm vẻ đẹp. Nếu so sánh cách biết tiêu thụ thì chúng ta thua xa loài ong bướm kia nhiều lắm. Chúng ta đã và đang tiếp tục hút nhựa sống của Mẹ Đất và tàn hoại Mẹ Đất. Có thể vì mãi lo làm ăn sinh sống nên chúng ta không hay biết hoặc không ý thức được việc Mẹ Đất đang lâm nguy, nhưng nay biết được thì chúng ta phải lo cứu độ Mẹ Đất càng sớm càng tốt, kẻo sau này có hối thì đã quá muộn.

5/Thông điệp

Cứu độ Mẹ Đất là một thông điệp quan trọng hiện nay trên thế giới mà người Phật tử không thể không biết đến. Nhiều bậc tôn đức trong Phật giáo từ lâu đã ý thức được tính cách đồng sinh cộng tử, tương quan tương duyên của mọi loài nên đã lên tiếng cảnh tỉnh và nhắc nhở chúng ta, nhưng thông điệp của các ngài, chúng ta vẫn chưa tiếp nhận được vì mải mê theo vật chất, sống đời lãng quên.

Thiền sư Ajahn Pongsak trụ trì chùa Palad (Wat Palad) gần tỉnh Chiang Mai vùng bắc Thái Lan, năm 1980 đã đích thân ra tay hướng dẫn dân làng vùng Mae Soi tái thiết lại các khu rừng bị tàn phá và dẫn nước về làm sống lại vùng đất khô cằn, mặc dù vùng Mae Soi đã bị chính phủ tịch thâu và ra lệnh cấm không cho ai được quyền đụng tới. Ban đầu việc làm của ngài gặp nhiều trở ngại, phản đối của nhà cầm quyền. Ngay cả một số đệ tử cư sĩ của ngài, hiện nay có chức sắc trong chính phủ cũng làm ngơ không giúp đỡ vì họ không hiểu được rằng sự tái thiết rừng cây chính là Phật sự. Đối với họ, Phật sự có nghĩa là xây chùa tháp và cúng dường chư Tăng. Tuy vậy ngài vẫn kiên nhẫn tụ họp dân làng và giảng giải cho họ rằng : " Đối với người nông dân, rừng cây không những là căn nhà thứ nhất (từ đó mới có gỗ để xây nhà ở) mà cũng là cha mẹ thứ hai. Đất mầu có thể trồng trọt được và cho ra hoa quả là nhờ nước, và nước ở đây chính là do rừng cây cung cấp. Có rừng cây thì mới có thức ăn. Nếu ta mang ơn cha mẹ đã sinh ra ta thì sao ta có thể quên ơn rừng cây nuôi sống ta ? Một cái tâm không biết ơn rừng cây là một cái tâm thô tục, không có giới pháp, và một cái tâm như thế làm sao có thể mong giác ngộ được? " (Trích Buddhism and Ecology). Việc làm của ngài sau cùng cũng đã thành công và được sự ủng hộ của trong và ngoài nước.

Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo quốc gia và Phật giáo Tây Tạng, người đã lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình thế giới năm 1989, trong buổi diễn văn tại Oslo nước Na Uy có nói : "Chúng ta biết rằng gây ra chiến tranh nguyên tử ngày nay chính là một hình thức tự sát toàn thể; làm ô nhiễm không khí hoặc biển cả, chỉ vì muốn kiếm một chút lợi tức phù du, chính là tàn phá nền tảng của sự sống còn. Mỗi cá nhân và mỗi quốc gia đã trở nên tương quan tương sinh một cách mật thiết đến nỗi chúng ta không có cách nào khác hơn là phải tập sống với tinh thần trách nhiệm đại đồng".

Trong giới Phật Giáo Việt Nam thì có Thầy Nhất Hạnh, từ lâu trong các tác phẩm của Thầy đã bàng bạc nhấn mạnh tính cách tương duyên tương sinh của mọi loài, nhất là vấn đề bảo vệ môi sinh.

Riêng ở đây, trong khi viết tập sách này, tôi cốt hướng về hàng Phật tử và gợi lên một vấn đề nhận thức liên quan đến lý duyên khởi của đạo Phật qua vài ba tài liệu lượm lặt. Do đó chắc chắn có nhiều điều thiếu xót và lỗi thời, không theo kịp với tin tức biến chuyển thời sự, rất mong các bạn chuyên gia về môi sinh, kinh tế hay chính trị vui lòng miễn thứ cho.

Nguyện sống đời tỉnh thức,

Để thấy rõ thực tại.

Nguyện tu tập chánh niệm,

Để lòng hết say mê.

Nguyện sống đời thiểu dục,

Cho Mẹ Đất xinh tươi.

Nguyện nuôi đức hiếu sinh,

Cho muôn loài an lạc.

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

Dharma No. 7 Institut Karma Ling, Hiver 1989-1980

Edward Golsmith, Nicolas Hildyard, Peter Bunyard, Patrick Mc Cully:

- 5000 jours pour sauver la planète - France Loisirs 1991

Martine Batchelor and Kerry Brown:

- Buddhism and Ecology. Cassell 1992

Le Monde Diplomatique, Avril 93

Science & Avenir, Hors-Série No. 61

Science & Vie No. 900, Septembre 1992

Thích Nhất Hạnh:

- Being Peace - Parallax 1987

- Tương Lai Văn Hóa Việt-Nam - Lá Bối 1982

- Từng bước nở Hoa Sen - Lá Bối 1985




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2011(Xem: 7786)
Ở đây một trong những người thầy vĩ đại của thời đại chúng ta đặc biệt nói chuyện cùng những người trẻ và trình bày một triết lý thực tế của sự giáo dục không liên quan gì đến những cống hiến hiện nay trong hầu hết những trường học và đại học của chúng ta. Krishnamurti phơi bày những gốc rễ của sợ hãi và loại bỏ những thói quen được thiết lập sâu thẳm của truyền thống, mô phỏng, và thành kiến.
04/10/2011(Xem: 7451)
Tiếp theo, chúng ta nói về sự bố thí. Phía trước tôi đã nói đến có một lần tôi ở trường học, hôm khánh thành toà lầu Học viện Thương nghiệp, tôi cũng tham gia buổi lễ khai mạc. Trong buổi lễ, nhà trường có mời một vị giáo thọ người Mỹ nổi tiếng của Học viện Thương nghiệp đến diễn giảng. Sau khi tôi nghe rồi, tôi có cảm khái rất sâu sắc. Bởi vì ngay lúc đó hiệu trưởng đang ngồi bên cạnh tôi, chúng tôi rất thân quen nhau, tôi liền cảm khái nói với hiểu trưởng, tôi cười đùa mà nói với ông rằng giáo trình của Học viện Thương nghiệp này tôi cũng có thể dạy.
02/10/2011(Xem: 8465)
Hôm nay chúng tôi giảng về Sự tương quan giữa Bát-nhã và Thiền tông. Đề tài này hơi cao, quí vị chịu khó lắng nghe kỹ mới thấy giá trị của đạo Phật. CácThiền viện của chúng tôi trước khi sám hối phải tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Sau khi xả thiền cũng tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Nhiều người hỏi tại sao không tụng kinh khác mà lại tụng Bát-nhã Tâm Kinh. Bởi vì Bát-nhã Tâm Kinh là một bài kinh rất thiết yếu cho người tu Phật, chẳng những tu Thiền mà tu Tịnh, tu Mật đều quí cả.
25/09/2011(Xem: 9269)
Chúng ta không cần đi đâu xa, ở ngay tại nhà nhìn qua trang báo hằng ngày cũng đủ cho chúng ta thấy những tệ nạn xã hội hiện nay như thế nào. Rượu chè, cướp bóc, cờ bạc, mãi dâm... xảy ra thường xuyên, nếu ta có thời giờ bỏ ra vài năm hay cả cuộc đời để thống kênhững sự kiện ấy cũng không thể nào hết được, vì thế mà các nhà báo chí không thất nghiệp, nay tường thuật tệ nạn này, mai báo cáo tệ hại khác...
25/09/2011(Xem: 8864)
Dịch giả trước đây đã nêu lên chủ đề này qua một bài viết ngắn vàongày 7 tháng 8 năm 2010, mang tựa đề là "CâuChuyện về Barlaam và Joasaph: hay một sự trùng hợp lạ lùng giữa các tôngiáo",(có thể xem bài này trên các mạng Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức...). Thế nhưng quả là một sự ngạc nhiên kỳ thú là khilùng lại các tài liệu cũ thì tình cờ mới thấy rằng trước đó gần một năm Viện ĐạiHọc Phật Giáo Âu Châu (UBE : Université Bouddhhique Européenne) cũng đã đưa vấnđề này lên mạng trong số phát hành ngày 1 tháng 12 năm 2009, tức là vào dịp nhữngngày lễ cuối năm ở Âu Châu. Bài viết này có thể xem như là một bài khảo cứu nêulên một số dữ kiện để chúng ta cùng suy tư về một vài khía cạnh nào đó của tôngiáo nói chung.
24/09/2011(Xem: 7092)
Từ xưa đến nay, thế giới liên tục xảy ra bạo động chiến tranh, khủng bố, kỳ thị chủng tộc, bạo động giữa các tôn giáo, thì vấn đề kiến tạo nền hòa bình cho thế giới rất quan trọng. Nhưng vẫn chưa tìm ra một phương pháp thỏa đáng, trừ phi những quốc gia trên toàn cầu, cần phải thay đổi đường lối chính trị, văn hóa áp dụng tinh thần bất bạo động vào đời sống xã hội.
21/09/2011(Xem: 16928)
Với một sự sáng suốt tuyệt đối và một niềm thương cảm vô biên Ngài nhận thấy con người tác hại lẫn nhau chỉ vì vô minh mà thôi...
15/09/2011(Xem: 7418)
Đức Phật dạy chúng ta lấy hiếu làm gốc. Hiếu dưỡng cha mẹ là pháp môn căn bản rất lớn của đạo Phật, cũng làđiều kiện quan trọng cơ bản làm người. Chúng ta nghĩ thử ngay cả loài chim muông còn biết báo ân nuôi mớm. Nếu như chúng ta không hiếu dưỡng cha mẹ thì chẳng phải không bằng loài cầm thú hay sao?
15/09/2011(Xem: 9546)
* Trong thời mạt pháp, nếu chỉ tu môn khác không kiêm cầu Tịnh Độ, tất khó giải thoát ngay trong một đời. Nếu đời này không được giải thoát bị mê trong nẻo luân hồi, thì tất cả tâm nguyện sẽ thành hư tưởng. Đây là sự kiện thiết yếu thứ hai, mà hành giả cần lưu ý.
15/09/2011(Xem: 8346)
Ngài Achaan Chah là một trong những vị đại sư nổi tiếng của đất nước chùa tháp Thái Lan. Ngài duy trì lối tu học truyền thống như thời của Đức Phật còn tại thế. Sự minh triết và đức hạnh của một vị thiền sư đã làm cho danh tiếng của Ngài vươn xa tới nhiều châu lục. Hiện nay, pháp thiền của Ngài - Thiền Minh sát tuệ - đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm A Still Forest Pool(Tâm Tĩnh Lặng), do hai môn đệ người Mỹ của Ngài là Jack Kornfield và Paul Breiter đã kết tập từ những bài giảng của Ngài và được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên vào năm 1985. Mặc dù tác phẩm đã ra đời trên hai mươi năm, nhưng trí tuệ chân thực vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian. Bài giảng sau đây, người dịch trích từ tác phẩm trên và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]