Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự dạy rằng: “Cúng dường xong, Bồ-tát Hỷ Kiến xuất định và tự nói trong lòng: “ Tuy ta đã dùng thần lực cúng dường Phật, nhưng sao bằng lấy thân cúng dường”. Bồ-tát liền uống các chất thơm, kế uống dầu làm bằng các thứ hoa thơm mãn 1,200 năm, rồi lấy dầu thơm thoa thân, dùng áo báu cõi trời quấn mình trước đức Phật Tịnh Minh Đức, rưới các thứ dầu thơm lên áo và dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân. Ánh sáng tỏa soi 80 ức hằng sa thế giới.
Trong ánh sáng ấy, chư Phật đồng thời đều khen: “ Lành thay ! Lành thay ! Như vậy mới thật là tinh tấn, mới thật là cúng dường Pháp. Các lối cúng dường khác bằng hương hoa, chuỗi ngọc… đều chẳng bằng, thậm chí đem cả một nước thành quách, vợ con mà bố thí cũng chẳng bằng. Trong các lối bố thí, bố thí thân là bậc nhất”. Nói xong, chư Phật im lặng. Lửa thân Bồ-tát cháy trót 1,200 năm mới tắt.”
Tuy đã cúng dường hương hoa cho Phật rồi mà Bồ Tát Hỷ Kiến vẫn chưa mãn nguyện, ngài liền ướp các loại dầu thơm rồi châm lửa đốt thân để cúng dường Phật. Ánh sáng cháy phát ra tỏa khắp 80 ức hằng sa thế giới và được chư Phật mười phương ngợi khen. Trong Phật giáo có hai loại bố thí là ngoại tài và nội tài. Bố thí ngoại tài là biếu tặng những thứ như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, áo quần, cơm ăn, nước uống…Tuy giá trị, nhưng bố thí ngoại tài có giới hạn nên phước báu cũng giới hạn.
Bố thí nội tài là hiến máu, cho xương tủy (bone marrow), cho thận, tim, gan hay bất cứ bộ phận nào trong thân thể hay toàn thân thể của mình cho kẻ khác. Thứ bố thí này tương đối khó làm và ít người muốn làm nên có giá trị cao quý hơn. Nhưng quan trọng nhất của người bố thí là có phước đức và công đức. Nếu bố thí với mục đích chỉ muốn san sẻ cho những kẻ thiếu may mắn để an ủi những mảnh đời bất hạnh khác thì họ chỉ có phước đức hữu lậu. Cao hơn nữa bố thí là một pháp môn tu học để đoạn trừ lòng tham, tính ích kỷ của mình thì người đó sẽ có công đức vô lậu và đây là những hành trang cần thiết đưa họ đến chỗ giải thoát.
Ngày xưa Đức Phật vào các tầng thiền định và thiền tuệ thì Ngài nhận chân rằng vì con người sống đầy trong tham lam, sân hận và si mê cho nên họ bị ba loại phiền não này chế ngự mà phải chịu khổ não triền miên. Do vậy, khi thành lập Tăng đoàn, Đức Phật gọi tất cả người xuất gia là “Tỳ khưu” (Bhikkhu) tức là khất sĩ. Khất sĩ không nhất thiết chỉ là người khất thực mà phải là người thấy được sự nguy hiểm của tham ái trong luân hồi. Khất sĩ là người thật sự buông bỏ vì thế từ Đức Phật đến 1250 vị A la hán khác đều là khất sĩ và họ chỉ có duy nhất tam y nhất bát. Cuộc sống của người giác ngộ rất đơn giản, thanh thản và được thể hiện bằng:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu
Nghĩa là:
Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem trần thế
Mây trắng hỏi đường qua.
Khi các giác quan tiếp xúc với cuộc đời thì tham lam, sân hận và si mê khởi dậy, hủy diệt tâm hồn tốt đẹp của chúng ta tạo thành những trận cuồng phong làm cho cuộc sống chao đảo chông chênh, mất hạnh phúc. Khi lòng tham ái phát khởi, tính sân hận bùng lên khiến tâm con người thiếu sáng suốt mà có ngôn ngữ sai lầm, hành động bất chính. Thậm chí khi chạy theo si mê thì chúng ta thấy thiện thành ác, ác thành ra thiện, xấu thành tốt và tốt thành xấu. Vì thế dựa theo tinh thần Phật giáo, thiện là những tư tưởng, lời nói hay hành động không chạy theo tham, sân, si. Ngược lại là ác. Tại sao đốt thân để cúng dường Phật thì công đức vô lượng bất khả tư nghì?
Phải hiểu rằng Phật là đấng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả nên không có một vị Phật nào ngồi đó nhìn bất cứ ai đốt thân mình để cúng dường cho chư Phật mà không ngăn cản cho đến khi thân xác cháy thành tro rồi phát lời tán thán khen ngợi. Vậy ý kinh như thế nào? Dựa theo tinh thần Pháp Hoa là khi hành giả “nhập” Tri Kiến Phật thì người đó phải có đủ trí tuệ để phá ngũ uẩn mà sắc uẩn tức là thân xác của con người. Có phá được sắc uẩn thì mới hy vọng phá được thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Vì vậy đốt thân để cúng dường Phật là phá sắc uẩn rồi tiếp tục phá luôn các uẫn còn lại để tiến thẳng về quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh giác tức là thành Phật chớ không phải đốt cái xác thân tứ đại.
Đốt thân là để xả kiến chấp Ngã nơi thân sắc uẩn nên không còn xem thân này là Ta hay là của Ta nữa. Thân xác tức là sắc uẩn là do tứ đại kếp hợp mà thành cho nên sắc uẩn không có tự thể, không phải là Ta hay là của Ta mà là của tứ đại thiên nhiên vì thế nếu không chấp Ngã thì mọi tương quan đến thân như thất tình, lục dục, tham-sân-si, mạn, nghi sẽ không có cơ hội phát tác. Vì thế đối với người giác ngộ thì thân thể là thân thể chớ không phải là thân thể của Ta nghĩa là mọi biến hành của thân như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, nghe…là do sự vận hành của ngũ uẩn mà có chớ tuyệt đối không phải là Ta đi, Ta đứng, Ta nói, Ta nghe…
Bởi do không có tự Ngã nên người giác ngộ không còn dính mắc, bám vúi, chấp thủ khiến cho cuộc sống hoàn toàn thanh tịnh, tự tại Niết bàn. Ngược lại phàm nhân thì chấp thân này thật sự là Ta, là của Ta bởi do cha mẹ Ta sinh ra cho nên càng chấp, càng bám vúi vào nó thì càng khổ, càng lo thậm chí đến khi nắp hòm đóng lại rồi mà vẫn còn lo chuyện của Ta và của thế gian.
Tại sao lửa cháy đến 1,200 năm mới tắt?
Thứ nhất 1,200 năm là thời gian rất dài đối với thế giới con người, thế thì trên thế gian này đâu có vật gì cháy lâu đến như thế ngoại trừ mặt trời. Nhưng ở đây, ẩn ý của kinh là con người đã trải qua bao nhiêu kiếp sống cho nên tập khí, bản ngã đã ăn sâu tận trong đáy lòng khó mà dứt bỏ vì thế người tu đạo cần thời gian rất dài để từ từ diệt cái bản ngã đó. Thứ nhì con số 12 là biểu trưng cho sự thanh tịnh của người giải thoát bởi vì sáu căn tuy có tiếp xúc với sáu trần (6+6=12) nhưng tâm không hề bị ô nhiễm, không dính mắc, tham đắm nghĩa là đối cảnh mà vẫn vô tâm.
Nói cách khác người giác ngộ thì mắt thấy sắc mà không bị sắc mê hoặc, tai nghe âm thanh mà không bị tiếng khen, chê thị phi phải quấy chi phối…nghĩa là kiến sắc phi can sắc, văn thanh bất nhiễm thanh thì người đó được tự tại, liễu liễu thường minh, như như bất động. Thế thì ngộ đạo hay giải ngộ tức là kiến tánh dựa theo Phật giáo Đại thừa chỉ là bước đầu trong tiến trình tu Phật. Kinh Pháp Hoa xác định rằng “Khai, thị, ngộ, nhập Tri Kiến Phật” nghĩa là “ngộ” rồi mới tinh tấn tiếp tục tiến tu đến khi “nhập” mới thôi. Vì thế “đốn ngộ” hay “kiến tánh” đã là rất khó, nhưng nó mới chỉ là Chánh kiến trong Bát Chánh Đạo mà “thâm nhập” tức là “thực hành” cho đến khi liễu ngộ tức là chứng ngộ thì mới được hoàn toàn giải thoát sinh tử luân hồi.
Tâm kinh dạy rằng “Ngũ uẩn giai không” nên sắc thân tuy có mà thực chất nó là không nên tâm không còn dính mắc nó là Ta hay là Của Ta. Tấm thân tứ đại do cha mẹ sinh ra là huyễn, tuy có nhưng thật chất vẫn là không nên người nhập Tri Kiến Phật không chấp thân là của Ta nên không quý trọng thân và không làm nô lệ cho thân mà chỉ dùng thân như là chiếc thuyền để sang sông và dùng thân để làm lợi ích cho mọi người. Biết và thực hành như vậy là đốt thân để cúng dường chư Phật. Nên nhớ, không có kinh điển Phật giáo nào dạy chúng sinh phải đốt thân để cúng dường cho Phật vì chư Phật đâu cần những thứ này mà thâm ý của đốt thân là diệt sắc uẫn với mục đích phá chấp ngã về thân.
Nói cách khác thân là tiêu biểu cho bản ngã vì bất cứ ai sống trong thế gian này cũng đều chấp ngã. Nhưng một khi chấp bản ngã thì thấy người khác không phải là ta thì nhân tướng nổi lên và sau đó chúng sinh tướng và thọ giả tướng liên tục tiếp nối phát khởi làm cho cuộc sống đầy sóng gió khổ đau. Người nào chấp về bản ngã nặng thì dễ bị tổn thương tự ái. Nếu tự ái đúng chỗ, đúng lúc thì con người trở thành tự trọng nên tránh những điều sai trái vì làm sai sẽ khiến họ xấu hổ.
Ngược lại nếu tự ái không đúng chỗ thì trở thành cố chấp nên dễ giận hờn, bắt bẻ, khó chịu bởi vì bất cứ hành động hay lời nói nào của ai thì họ cũng cho là trái ý Ta và trái ý của Ta. Vì thế một khi đã thực sự nhận biết rốt ráo rõ ràng rằng trong ta không hề có “Cái Ta” hay “Cái của Ta” thì lúc đó hành giả sẽ khám phá một Chân lý tuyệt vời độc nhất vô nhị, là tinh hoa cốt tủy của Phật giáo mà ngày xưa chính Đức Phật đã chứng dưới cội Bồ Đề là Chân lý Vô Ngã.
Vậy thế nào là phục sinh dựa theo tinh thần Phật giáo?
Đốt thân chết đi để rồi phục sinh trở lại không có nghĩa là Bồ Tát Hỷ Kiến tự thiêu chết đi rồi sau đó tái sinh vào làm con vua Tịnh Đức. Mà đốt ở đây là xóa đi, hóa giải hết những căn bản bất thiện trong tâm chớ không có đốt thật. Trong Phật giáo có hai loại sinh tử:
2) Bất tư nghì biến dịch sanh tử: nghĩa là đốt chết thân này rồi liền phục sanh sang thân khác.
Vì thế chết mà kinh muốn nói ở đây không phải là chết thật mà đốt chết rồi sinh trở lại liền. Đó là bất tư nghì biến dịch sanh tử nghĩa là đốt chết tất cả những thói hư tật xấu, những căn bản tham, sân, si, những những giai đoạn làm ác xấu, những chấp ngã chấp pháp làm ô nhiễm tâm thức của con người. Bây giờ thấu biết chân lý nên không đi vào con đường củ nữa, không sa vào hố tội lỗi đau thương mà sống đời sống mới lương thiện hơn, trong sáng hơn, thánh thiện hơn thì chính mình đã sống lại tức là phục sinh. Quá khứ không tốt đẹp nên đốt đi tức là chết để chuyển sang đời sống hiện tại thanh cao thánh thiện hơn tức là phục sinh vậy.
Kinh điển Phật giáo Đại thừa thường diễn tả những cảnh giới hiện tượng, nhưng đừng nghĩ đây là cảnh thật hay là ảo tưởng mà nó chỉ dùng để diễn giải một triết lý ở bên trong tức là “văn dĩ tải đạo”. Đó là Tứ Tất Đàn tức là bốn phạm trù mà Đức Phật dùng để hóa đạo khắp chúng sinh. Thí dụ: Nàng Vương Thúy Kiều ngày xưa sau khi thoát khỏi lầu xanh đã về ở với Thúc Sinh suốt 1 năm ròng và vẫn luôn khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư. Họ vẫn chưa có con chung sau nhiều năm sống cùng nhau. Sau chuyến đi thăm và quay trở lại gặp Kiều, Thúc Sinh không ngờ rằng Hoạn Thư đã sai gia nhân đi tắt đường biển để bắt Thúy Kiều về tra hỏi. Thúy Kiều bị tưới thuốc mê bắt mang đi trong khi đó mọi người trong nhà cứ ngỡ cô bị chết cháy sau trận hỏa hoạn. Kiều trở thành thị tỳ (con ở) nhà Hoạn Thư với cái tên là Hoa Nô. Lúc Thúc Sinh về nhà, nhìn thấy Thúy Kiều bị bắt ra chào mình, "phách lạc hồn xiêu", chàng nhận ra rằng mình bị mắc lừa vợ cả. Hoạn Thư đã bắt Kiều phải hầu hạ, đánh đàn cho bữa tiệc của hai vợ chồng. Đánh đàn mà tâm trạng của Kiều đau đớn:
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng
Cũng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Thế rồi, do thấy Kiều khóc nhiều, Hoạn Thư bảo Thúc Sinh tra khảo vì lý do gì. Thúy Kiều viết tờ khai nói rằng vì cha bị oan khiên, phải bán mình và bị lừa vào lầu xanh, sau đó có người chuộc ra làm vợ, rồi chồng đi vắng, nàng bị bắt đưa vào cửa nhà quan... rất tủi nhục, bây giờ chỉ mong được vào chùa tu cho thoát nợ trần. Đọc tờ khai xong, Hoạn Thư đồng ý cho Hoa Nô vào Quan Âm các sau vườn để tu hành.
Sẵn Quan Âm các vuờn ta
Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa
Có cổ thụ, có sơn hồ
Cho nàng ra đó giữ chùa tụng kinh
Tâng tâng, trời mới bình minh
Hương hoa, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường
Đưa nàng đến trước Phật đường
Tam quy, ngũ giới, cho nàng xuất gia
Áo xanh đổi lấy cà sa
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.
………
Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
Vào thời điểm này, nàng Thúy Kiều cũng đốt thân ô trược, đốt cháy hết những đau thương, vết nhơ của cuộc đời và phục sinh trở thành người tu sĩ, sống đời thanh cao, dùng nước cành dương tưới tắt mọi tan thương, đau khổ, phiền muộn trước kia. Thế là:
Vương Thúy Kiều đã chết rồi trong ô trược
Pháp danh Trạc Tuyền con xin đổi từ đây”.
Như vậy Thúy Kiều đâu có chết thật mà chỉ chết cái ô trược, cái dơ bẩn lúc còn ở trong thanh lâu, cái đau khổ lúc làm nô lệ và cái tủi hờn khi làm vợ thứ cho người. Cũng Thúy Kiều đó, nhưng bây giờ nàng sống với cuộc đời mới, thánh thiện hơn nên gọi là phục sinh. Do đó trong cuộc sống hằng ngày, con người cần phải phục sinh. Càng phục sinh nhiều thì càng trở về sống với bổn giác thanh tịnh thanh khiết của mình. Vì vậy chúng sinh đừng sợ chết, cứ cho nó chết, chết cho hết những thứ ô trược, những thứ tham đắm dục tình, chết cho hết phiền não khổ đau để phục sinh trở về với con người đạo đức nhân bản, với cuộc sống thanh cao thanh tịnh, với suối nguồn an lạc tự tại trong tâm hồn.
Những gì Đức Phật dạy phát xuất từ đời sống kinh nghiệm và chứng đắc của bản thân vì thế Ngài dạy chúng sinh những ý chí sắc đá, trí tuệ cao siêu, đức sống vị tha, sự thoát ly và đặc biệt là sống đời gương mẫu làm lợi ích cho mình, cho người. Con người vĩ đại đó, tấm lòng đại từ đại bi đại trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của Đức Phật đã làm cho thế giới kính phục Ngài như một đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Đạo Phật là đạo thực hành nên Đức Phật không dạy chúng sinh những giáo lý ảo tưởng, hoang đường mà Ngài dạy những phương trình, những công thức rất thực dụng để chúng sinh tùy theo căn cơ, sở nguyện của mỗi người mà áp dụng để có thực chứng. Càng loại bỏ các lậu hoặc, các tập khí thì con người càng gần với an lạc, thanh tịnh mà không cần phải cầu nguyện, cúng tế chi cả.
Lê Sỹ Minh Tùng