Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dõi lòng theo một tiếng chuông ngân: Đi tìm Hồng Chung Thiền Viện Đại học Vạn Hạnh

23/06/201520:38(Xem: 12179)
Dõi lòng theo một tiếng chuông ngân: Đi tìm Hồng Chung Thiền Viện Đại học Vạn Hạnh
Dai Hong Chung


Nghe chuông hồng chung


Dõi lòng theo một tiếng chuông ngân:
Đi tìm Hồng Chung Thiền Viện
Đại học Vạn Hạnh

 Nguyên Đạo




Hơn hai mươi năm trước, khi đọc được bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế nói về tiếng chuông Chùa Hàn San ở Tô Châu bên Trung Hoa, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao thơ Đường có không biết bao nhiêu bài thơ tuyệt tác, vậy mà bài thơ chỉ bốn câu này lại gây ra bao nhiêu cuộc bút đàm tốn bao nhiêu giấy mực. Hay tại vì ngôi Chùa ở bến Cô Tô này đã quá nổi tiếng chăng? Nhưng đã ngờ thì phải cố mày mò tìm cho ra lẽ. Tôi tìm đọc thêm những câu chuyện chung quanh quả Đại hồng chung và tiếng chuông Hàn San. Nhiều huyền thoại đọc thật thú vị nhưng sao thấy nó cứ thực thực hư hư! Trong số ấy có một câu chuyện nói rằng, tiếng chuông chùa Hàn San có thể  ngân vang rất xa, xa… đến nỗi vang qua đến cả bên kia bờ biển Đông ở nước Nhật. Người Nhật thấy vậy sanh lòng ganh ghét nên mới cho người đến đánh cắp quả chuông kia và mang hẳn về Nhật (và sau này đền lại bằng một quả chuông khác). Đọc đến đoạn ấy, lúc đó tôi chỉ mỉm cười (!). Hơn hai mươi năm sau, tuổi đời chất chồng thêm chút ít, tôi hiểu rằng ý niệm tiếng chuông Chùa vang xa là việc có thật. Một tiếng chuông chùa có khả năng vang vọng vượt quá bề rộng không gian và vượt cả chiều dài thời gian. Phải chăng do vậy mà bài thơ kia nổi tiếng? Chuyện này tôi cũng không chắc lắm. Tôi chỉ nghiệm ra rằng, ai kẻ xa xứ lâu năm sẽ dễ cảm được điều này. Rồi có một hôm, khách ly hương thấy lòng bâng khuâng vô cớ, ngồi lặng yên ở đâu đó nghỉ chân – cũng chỉ để nhìn lại và tiện tay phủi bớt lớp bụi đường. Chỗ đó có thể là một bờ sông, bãi biển, một ngọn đồi yên tĩnh, cũng có thể ngay giữa phố xá đông đúc, ví dụ như một quán cà phê, bỗng tự dưng khách nghe tiếng chuông ấy vẵng lên bên tai. Ấy là lúc lỗ tai mình đang nghe bằng một cách thái khác, ấy là lúc mắt nhìn bằng một con mắt khác: nghe và nhìn bằng chính nhịp đập của con tim.

Không tin tôi ư? Mời bạn cùng đọc lại những vần thơ bất hủ này.

Nghe chuông như kiểu nhà thơ Nguyễn Bính

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm

Chuông hôm gió sớm trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi …

(Nguyễn Bính - Quê Tôi)

 

Nghe như kiểu thi sĩ Huyền Không

Mỗi tối dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân lành mọi mái tranh …

(Huyền Không – Nhớ Chùa)

 

Họ đã nghe những tiếng chuông ngân kia khi họ đã xa quê. Tôi đã may mắn có nghe những tiếng chuông vang như thế. Tôi đã và đang cố gắng học lắng lòng nghe những tiếng chuông đang vọng lại trong tôi.

Thật ra trong mấy mươi năm lưu lạc xứ người, tôi đã có cơ hội nghe thật sự, nghe “live” rất nhiều tiếng chuông Đại Hồng ở nhiều ngôi Chùa, nhiều Thiền Viện khác nhau, có khi trong nước lúc ở hải ngoại. Trong những lần nghe chuông ấy, mỗi âm mỗi giọng thoát tục, thánh thót khác nhau tùy khung cảnh và nỗi niềm riêng tư. Thời gian sau này, kể từ khi Ôn Minh Châu viên tịch (2012), có thể vì được đọc nhiều sách báo, xem phim ảnh về công hạnh của Ôn, nên tiếng chuông Thiền Viện Vạn Hạnh ngày nào lại gióng lên trong tâm tôi thường nhất, rõ nhất, cứ văng vẳng và êm dịu, vang và dài, dài như khoảng cách của Vạn Hạnh năm xưa cho đến mãi tận hôm nay giữa trời Âu tuyết lạnh này.

* * *

Khi tôi biết và đến với Vạn Hạnh thì Đại Học Vạn Hạnh đã tọa lạc vững vàng ở 222 Trương Minh Giảng, bây giờ đổi tên thành đường Lê văn Sỹ. Giáo sư  Ngô Trọng Anh (thi sĩ Bùi Giáng gọi đùa thân mật là Ông Ngô-Kỹ-sư-Cư-sĩ) là người góp công rất lớn trong việc tìm địa điểm, trông coi việc xây dựng ngay trong những ngày đầu tiên. Lúc tôi về Vạn Hạnh thì Viện đang chuẩn bị xây đại giảng đường, nhưng đã có rất nhiều cơ sở khác thành hình và đã hoạt động khá vững vàng. Đã có Giảng Đường 18 ở tầng một mà mỗi cuối tuần thường có những buổi diễn thuyết, diễn giảng của những luận sư, tác giả tiếng tăm. Sau này Viện còn bắc hệ thống truyền hình và âm thanh tràn ra hành lang để sinh viên có thể theo dõi nếu bên trong hết chỗ ngồi. Vạn Hạnh có hoạt động thể thao rầm rộ: đội bóng chuyền thắng nhiều hơn bại, bóng bàn mạnh nhất Việt Nam với những vận động viên tên tuổi như Inh, Tân, Minh, Nhật…, cầu lông vô địch Đông Nam Á với chiếc vợt của cô Nga (cô Nga có một tín chỉ học chung với tôi tại Phân Khoa Phật Học, phân khoa có mấy trăm sinh viên mà chỉ có cô và tôi là hai cư sĩ còn tóc!). Vạn Hạnh có đoàn văn nghệ hùng hậu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, có phòng nghe nhạc thính phòng gắn máy lạnh và dàn máy cùng những sưu tập băng nhựa và đĩa nhạc phong phú đủ loại nhạc cổ điển, Jazz… của Phạm Trung Cang (em ruột Thầy Phạm Công Thiện) và có khi Thầy Tuệ Sỹ vào đó đánh đàn Piano khiến đám sinh viên chúng tôi ngồi nghe yên lặng ngẩn ngơ. Một thời những hoạt động Văn-Thể-Mỹ của Trung tâm Sinh viên Vụ là mẫu mực cho việc giáo dục một mẫu người toàn diện trong phương châm giáo dục của Viện. Vạn Hạnh có nhà in riêng gọi là Vạn Hạnh Ấn quán do Thầy Hải Thanh trông nom, nơi từng xuất bản in ấn những tài liệu nghiên cứu, tạp chí Tư Tưởng và các bộ Kinh Nikaya giá trị. Vạn Hạnh còn có Câu Lạc Bộ trên lầu thoáng mát, ngon và rẻ, buổi trưa cấp cả trăm phiếu cơm miễn phí cho sinh viên nghèo, có Thư Viện có cả mấy trăm ngàn cuốn sách dưới sự quản lý của Sư Trí Hải và điều hành của Thầy Chơn Hạnh. Thư viện còn có gần trăm chỗ ngồi cho sinh viên đến ngồi học bài thi, mở cửa đến khuya. Vạn Hạnh có dãy hàng lang dài và có xây ghế đá mát rượi, buổi chiều sinh viên nam nữ ngồi tụ tập tán gẫu tâm sự, có khi nhìn Ngài Viện Trưởng trong chiếc y vàng đi bách bộ qua lại với dáng đi thanh thản và nhẹ nhàng như lướt trên nền gạch. Còn nhiều khu vực khác nữa kể ra biết bao giờ mới xong! Nhưng trên hết và cao hơn hết, Vạn Hạnh có một nơi rất độc đáo, tôi gọi nó là cái “móng nhà thứ hai đặt phía trên không” của cơ sở Đại Học Vạn Hạnh, mà tôi nghĩ rất ít sinh viên có dịp đến đó. Cái móng này là cái“thần” của Viện, có khi còn quan trọng hơn cái móng đào dưới đất, đó chính là Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh (tôi nhấn mạnh chữ Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh để phân biệt với cơ sở sau này ở Phú Nhuận mang tên Thiền Viện Vạn Hạnh).

Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh tọa lạc ở lầu năm, chiếm diện tích lớn bằng cả tòa nhà chính, kéo dài từ Tòa Viện Trưởng đến hết khu Văn Phòng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội. Muốn lên Thiền Viện, từ ngoài vào khách phải đi hết hàng lang dài, bắt đầu từ Thư Quán Vạn Hạnh qua khỏi khu vực hành chánh, đến Tòa Viện Trưởng do anh Hà Xuân Kỳ quản lý, vào đến Khu Nội Xá, nghĩa là khu vực ở của một số vị tôn túc lãnh đạo và vài nhân viên của Viện. Bởi vậy khu này người ngoài ít vào lắm. Đúng ra Thiền Viện còn có lối đi khác từ tầng lầu Văn Khoa lên, nhưng cửa vào ở lối này thường ít khi mở. 

Những năm sau này, từ 1973, khi có những lớp thực tập thiền do chính Hòa Thượng Viện Trưởng (lúc ấy còn gọi là Thượng Tọa) giảng dạy và Thầy Chơn Nguyên làm phụ tá thì mới thấy có một số nhỏ chừng vài mươi sinh viên vào tham dự. Trong số những sinh viên tham dự lớp thực tập thiền ấy có một sinh viên của Phân Khoa Khoa Học Xã Hội đến ngồi đều đặn mỗi sáng từ lúc 6 giờ, không bao giờ vắng mặt dù nắng hay mưa. Vị ấy sau này đi xuất gia chính là Thượng Tọa Tâm Đức, hiện là Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam bây giờ.

ht-minh-chau



                                              doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-2                                                                      Hình một lớp tọa thiền tại thiền đường. Ảnh: aihuuvanhanh.net


Kiến trúc Thiền Viện là một kiến trúc quá độc đáo. Dù sau này tôi có dịp đi du lịch và thăm nhiều khu vườn của nhiều tự viện, thiền viện, hoặc ngay cả các lâu đài, các giáo đường, khu nhà thờ ở Âu Mỹ, nhưng tôi vẫn thấy chưa có nơi nào độc đáo như ở đây. Tôi không nói quá đâu! Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh độc đáo không phải vì nó sang trọng hay có kỳ hoa dị thảo gì. Cái độc đáo ở đây là nó nằm ngay trong một cơ sở giáo dục đại học có trên mười mấy ngàn sinh viên. Cơ sở này lại ở ngay giữa thành phố, nằm đối diện trực tiếp với một khu chợ ồn ào là chợ Trương Minh Giảng. Chếch bên trái vài chục thước lại là con kinh đen Nhiêu Lộc, chảy dưới cầu Trương Minh Giảng. Nói thế để ta hình dung được, địa điểm này nằm ngay ở một khu vực rất ồn ào náo nhiệt, đất chật người đông, lúc nào cũng tấp nập sinh viên và xe cộ. Như vậy đó mà khi khách đã đặt chân đến Thiền Viện, sau khi bỏ công leo hết các cầu thang của năm tầng lầu, dừng lại thở phào vài cái rồi bước nhẹ qua cửa vào, khách biết công phu của mình không uổng: khách đang bước đến miền đất thanh tịnh của chư Tổ, chư Phật. Ôn Minh Châu và Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ đã tài tình xây dựng Thiền Viện như thế nào đó, mà khách đến đây chỉ thấy bầu trời xanh bao la phía trên, hoa và cỏ tươi thắm bên dưới. Chạy dọc và dưới đường đi giữa Thiền Viện có những hồ cá với những con cá màu bơi tung tăng và rải rác có nhiều bông súng nở rộ, nghĩa là vừa vào Thiền Viện khách đã bước đi bách bộ trên con đường nổi đặt trên những hồ cá. Thời tiết Sài Gòn thì bạn đã biết, quanh năm ấm áp nên lúc nào cũng có được khung cảnh này. Cái tương phản ấy là cái nét độc đáo: ở ngay cổng chợ mà không náo nhiệt! Trên tầng năm này khách không nghe tiếng xe cộ hay tiếng phát ra từ các sinh hoạt bên dưới nhờ vào bốn bức tường xây viền chung quanh, cao vượt khỏi đầu người làm phản âm tất cả những tạp âm náo nhiệt của khu chợ và các quán hàng, tiệm cà phê nhạc dưới kia. Ở ngay chính giữa Thiền Viện có một ngôi Thiền Đường vuông vức, ước chừng 150 mét vuông. Trong Thiền Đường này chỉ thờ một tượng Phật Bổn Sư, sơn màu trắng cao khoảng ba mét. Đây là nơi mỗi buổi sáng Ôn Viện Trưởng đến ngồi Thiền và dạy sinh viên Thiền tập. Bên trái lối vào Thiền Viện, cách cửa khoảng bốn, năm mét có một tháp chuông có cầu thang xoắn lên bên trên, trên đó có treo một Đại hồng chung. Chuông này do ông chủ thầu Đỗ văn Tự, người xây cất Viện lúc ấy, sau quá trình cùng làm việc xây dựng Viện đã mến mộ tài đức của Ôn Minh Châu nên phát tâm cúng dường. Chuông được đúc tại Huế vào năm 1967 và được chính Đức đệ nhất Tăng Thống chứng minh và chú nguyện. Đại hồng chung này được gióng lên những tiếng kêu thanh tịnh, thức tỉnh kẻ dương người âm, đều đặn mỗi tối lúc tám giờ và mỗi buổi sáng lúc bốn giờ do một vị Đại Đức chuyên chăm lo.  Chỉ mỗi việc ấy thôi cũng đã thấy là đặc biệt đáng kính phục. Nên nhớ đây là cơ sở đại học chứ không phải một ngôi Chùa nhưng Ôn Viện Trưởng vẫn cho duy trì truyền thống thỉnh chuông như ở các chùa truyền thống. Tôi có một duyên may, tôi được ở phòng 412 của Nội Xá cùng với thi sĩ Bùi Giáng và giáo sư Huỳnh văn Hải, từ trong phòng đã nghe được tiếng chuông. Khi muốn lên Thiền Viện thì chỉ cần mở cửa ra, bước lên một tầng cầu thang là đến nơi. Chính tiếng chuông này đã nuôi tôi lớn, đã trao truyền cho tôi những căn bản tâm linh thời sinh viên trai trẻ trong những ngày đẹp ở Vạn Hạnh năm nao.

* * *

Đến cuối năm 1975, khi phải bàn giao Viện Đại Học này cho người chủ mới, nghe nói là Thiền Viện không còn như xưa. Đàn cá bị bắt cho vào nồi để lấp những cơn đói, vườn cỏ có góc được xới lên trồng rau muống tự cải thiện, thật thảm thương. Hòa Thượng Viện Trưởng và một vài vị đã phải dời về ở cơ sở hai của Viện ở đường Võ Di Nguy, nơi trước kia là Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng. Cơ sở lúc dời đi chỉ mang theo được phần sách báo của Thư Viện Phật học chừng mười mấy ngàn cuốn, cả mấy trăm ngàn cuốn sách giá trị mà lúc ấy được gọi là sách „đồi trụy phản động“ còn nằm dưới sự kiểm soát của Ủy Ban Quân Quản. Hòa Thượng chỉ có một mối lo, là làm sao dời được Đại hồng chung và thỉnh Tượng Bổn Sư từ Trương Minh Giảng về Võ Di Nguy vì hai pháp bảo vô giá này sẽ không phù hợp với môi trường mới (môi trường tuy cũ nhưng lại là của chủ mới). Mà tượng cao hơn ba mét, chuông nặng và cao hơn hai mét, cầu thang chật hẹp, lại trong điều kiện kinh tế và chính trị lúc ấy thật quá khó khăn cho việc di chuyển. Hòa Thượng ngỏ ý với Thầy Chơn Nguyên nên tìm mọi cách dời hai Pháp bảo ấy từ lầu năm của Vạn Hạnh về cơ sở Võ Di Nguy. Thầy Chơn Nguyên, nhỏ người nhưng ý chí rất lớn, nói rằng: “Ôn đã muốn thì con phải làm cho bằng được“. Thầy đã một mặt nhiếp tâm cầu nguyện, mặt khác vận động suy tính mọi cách, vậy mà mãi đến năm 1979 mới dời được Tượng và Đại hồng chung về đến Võ Di Nguy. Ai từng sống trong những năm đó ở Việt Nam, những năm mà sau này người ta gọi là thời “bao cấp”, thì mới thấy và hiểu được những nguy hiểm, khó khăn muôn vàn của Thầy lúc ấy.

Thầy Chơn Nguyên kể lại hôm tượng và chuông đã được dời về yên ổn rồi, Ôn gọi Thầy vào liêu và hỏi:

- Thầy về bên Viện Đại học Thầy thấy có gì lạ không?

- Dạ bạch Ôn, Viện không có gì lạ, chỉ gặp toàn người lạ!

- Ừ thì cơ sở bây giờ là của người ta, họ muốn làm gì thì làm.

- Dạ … dạ bạch Ôn, à mà … có.

- Có chuyện gì?

- Dạ tại vì nhớ lại con thấy buồn quá nên có làm một bài thơ

- Ôi! thơ với thẩn, thơ ra sao?

- Dạ con đọc Ôn nghe nghe:

Ta về thăm lại trường xưa

Hành lang heo hút sầu thưa bóng người

Ngày nao vang rộn tiếng cười

Giờ đây chỉ thấy đất trời mang mang

- Ừ, thơ hay đó, nhưng phải lo tu, lo học! (giọng Ôn chùng xuống, thoáng chút ít ưu tư)

- Dạ (Thầy cúi đầu trả lời)

* * *

Tượng và Chuông về bình an với Ôn. Nhưng chuyện không phải chỉ có thế. Năm 2014, tôi lại ghé về thăm Vạn Hạnh ở Võ Di Nguy (đường đã đổi tên thành Nguyễn Kiệm). Ôn Minh Châu giờ đã rũ áo đi về cõi Phật. Lần trước cách đây hơn hai năm tôi có ghé về thì lúc ấy Ôn đã phải nằm dưỡng bệnh trên liêu, tôi có duyên may được Thầy Chơn Nguyên đưa vào hầu Ôn nhưng Ôn đã nghỉ nên tôi chỉ quỳ bên giường bệnh và đảnh lễ Ôn ba lạy. Lần này tôi lại may mắn cũng được gặp Thầy, bây giờ đã là Hòa Thượng. Trước tiên Thầy Chơn Nguyên đưa tôi vào Tổ điện đảnh lễ Long vị và bức Tượng của Ôn. Sau đó Thầy cho tôi một nén nhang thơm và đưa tôi đến viếng Bảo Tháp của Ôn phía sau, Bảo Tháp có ghi câu viết bất hủ trích từ Trung Bộ Kinh: “Cái gì lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài” (Yo sàro so thassati).
doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-3                                                               Bảo Tháp Ôn Minh Châu tại Viện Phật Học
doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-4                                                              Bia văn ghi câu kinh trong Kinh Trung Bộ



Sau khi hỏi thăm chuyện đám tang, chuyện kẻ gần người xa, kẻ còn người mất, tôi cám ơn Thầy xin phép vào Chánh điện lễ Phật (đáng lẽ lễ Phật trước, nhưng vào Chánh điện lễ Phật thì tôi có thể đi một mình còn vào lễ Ôn thì phải nhờ Thầy hướng dẫn). Tôi cởi giày và vào Chánh điện đảnh lễ Tôn tượng đức Bổn Sư mà mấy mươi năm trước thời còn là sinh viên Vạn Hạnh tôi thường có dịp lễ lạy. Đức Bổn Sư vẫn nhìn tôi mỉm cười, vẫn nụ cười năm xưa.

Sực nhớ một việc, tôi chạy như bay ra tìm Thầy và hỏi dồn dập:

- Mà bạch Thầy, tượng Bổn Sư này là tượng của Vạn Hạnh ngày xưa phải không?

- Ừ, đúng đó.

- Dạ bạch Thầy, thế còn Đại hồng chung ở đâu?

  (trong tâm khảm của tôi hai pháp bảo này luôn đi đôi với nhau)

- Đã dời đi rồi, không có ở đây! Thầy trả lời tôi với một cái mỉm cười bí mật.

- Vậy ở đâu, xa không?

- Ở cách đây chỉ 50, 60 cây số thôi

- Dạ …, tôi ngập ngừng có vẻ luyến tiếc.

- Thôi nếu muốn, ngày mai tôi sẽ dắt đi thăm.

- Thiệt hả Thầy? Nhưng Thầy cho con thứ bảy đi, ngày mai con đã có hẹn.

- Ừ, thì thứ bảy.

Do nhân duyên ấy tôi được Thầy dắt đi đến viếng Chùa Tường Quang ở tỉnh Đồng Nai.

* * *

Chùa Tường Quang tọa lạc ở tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nghe tên huyện là biết mình sắp có cơ hội về cõi tịnh độ (mà không biết chừng  tên huyện Vĩnh Cửu được đặt ra là do dân chúng ở khu vực này đa số là những  giáo dân Thiên chúa giáo di cư). Chùa rất trang nhã, cảnh quan tươi mát, không lớn nhưng gọn gàng, rất nghệ sĩ và cũng rất Vạn Hạnh. Chùa do Thầy Chơn Nguyên lập nên và trụ trì. Vườn chùa có diện tích hai mẫu tây, Thầy dành nhiều đất trồng hoa, trồng rau, trồng chuối, trái vả, củ gừng, củ nghệ v.v… và còn có mấy sào ruộng trồng lúa. Chùa có dãy nhà làm nơi dạy học cho các thanh thiếu niên ở trong vùng. Đặc biệt có hai phòng học lớn, một phòng dạy vi tính có trang bị khoảng mười mấy máy PC cho học viên và một phòng dạy ngoại ngữ, bởi vậy nên tôi nói „rất Vạn Hạnh“. Vui nhất cho tôi là, ngay góc hành lang phía bên phải và phía trước chánh điện, gần kề một chậu lớn vuông trồng hoa sen, tôi „gặp“ được Đại hồng chung của Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh năm xưa. Tôi vui và hạnh phúc quá! Thầy có lẽ cũng đọc được ý nghĩ ấy nên bảo tôi có muốn đánh chuông thử không? Thoạt đầu tôi rất mừng và quỳ xuống nền gạch cầm dùi chuông lên tay, nhưng nghĩ kỹ lại lúc này mới giờ trưa nên không dám động chuông, sợ ngạ quỷ nghe được tưởng là giờ mở cửa địa ngục nên mừng hụt và phải ngóng cổ chờ đến tối, có khi ngóng quá đứt cổ chứ không phải chơi đâu. Tôi chỉ dám khõ nhẹ dùi vào chuông và mơ ước có một hôm nào nhiều thời giờ hơn, sẽ đến Tường Quang ngủ lại đêm để xin phép Thầy được có lần thỉnh chuông U Minh (tôi khõ nhẹ vậy mà bác gái công quả ở Chùa đứng lại thành kính chắp tay, do uy lực tiếng chuông chăng?).

Tôi mơ có hôm nào ngồi ở đây vào buổi tối thỉnh chuông để có thể ngân nga bài kệ:

Nguyện tiếng chuông này vang khắp pháp giới,

Thiết Vi tăm tối thảy đều nghe,

Nghe rồi thanh tịnh chứng Viên Thông

Hết thảy chúng sanh thành chánh giác…

 

Tôi mơ và hình dung ngày ấy, biết đâu trong thời thỉnh chuông U Minh tôi sẽ nhìn thấy hình ảnh Ngài Tăng Thống hảo tướng như vị Phật, đi chầm chậm qua lại (tay cầm điếu thuốc Melia thơm mùi menthol), mơ thấy Ôn Minh Châu cười nói giọng Huế pha chút Nghệ An và ít hơi hám Quảng Nam, nói ăn trái chôm chôm ngon mà hơi phiền vì phải nhả bỏ hột, sao không ăn luôn hột cho tiện (nghe vậy mấy người chúng tôi hôm ấy ai cũng thử ăn vài trái nhai luôn hột, thấy cũng béo béo, bùi bùi). Sẽ có một ngày, một ngày như thế, tôi về đây thỉnh một hồi chuông U Minh bằng chiếc Đại hồng chung Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh xưa. Xin hẹn.

Tôi xin ghi vài hình ảnh Chùa Tường Quang và Đại hồng chung Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh ra đây:

 

doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-5

                                                             Cảnh quan tươi mát ở Chùa Tường Quang
doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-6                                                   Trước hiên ngôi Chánh điện nhỏ là quả chuông Vạn Hạnh


doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-7                                            Dòng chữ khắc trên chuông ghi lại: Đức Tăng Thống đã chứng minh
                                                     hộ niệm đúc chuông, Tỳ Kheo Thích Minh Châu ghi

doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-8                                                     HT Chơn Nguyên đang đọc chữ khắc trên chuông

doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-9
                                                  Thửa ruộng ở trong vườn ngôi chùa chỉ cách Sài Gòn 50 km


doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-10                                             ...và ngay kế bên còn có lớp dạy vi tính cho thanh thiếu niên

Đặc biệt ở cổng vào Chùa Tường Quang, ngay phía sau là một mô đất đắp cao dựng tượng Quán Âm lộ thiên, có hai cặp câu đối bằng chữ Hán. Thầy Chơn Nguyên nói rằng hai câu ở hai trụ giữa là của Hòa Thượng Tuệ Sỹ cho. Nghe nói thế tôi bèn nhanh tay lấy máy ảnh chụp ngay hai câu đối để giữ làm vốn.


doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-11

Khi tôi hỏi Thầy bài dịch thì Thầy bảo rằng tôi phải tự tìm đến Thầy Tuệ Sỹ để hỏi, dù tôi biết rằng Thầy Chơn Nguyên rất giỏi chữ Hán. Đây có lẽ, ngoài niềm kính trọng với một bậc Thầy, bậc đàn anh còn là những tình cảm Vạn Hạnh còn lại của chúng tôi trong những ngày cùng ở tại  222 Trương Minh Giảng năm xưa. Nhưng Thầy không phải nói kiểu như tôi viết vậy đâu. Thầy nói giọng Huế là: „tui không dám dịch mô, ông cứ tìm anh Sỹ, ông hỏi thì ảnh dịch và giảng cho ông nghe“.



Dạ, mô Phật, chắc chắn có lúc con sẽ tìm gặp Thầy Tuệ Sỹ để con hỏi và cũng vấn an Thầy, chứ bây giờ Thầy ấy đang ở ẩn nên khó tìm lắm. Vả lại những chuyến về thăm nhà của con ngắn ngày mà nhiều việc! Nhưng con biết chắc một điều, câu đối này chắc hẳn hay lắm, tuyệt diệu lắm nên Thầy mới nói thế!

Biết câu đối hay lắm mà không hiểu được thì cũng giống như gặp ngọc châu mà cứ đứng xa bàng quang nhìn chơi nên ấm ức lắm. Tôi quyết phải đào bới báu vật lên. Về đến nhà có bao nhiêu tự điển là tôi lục tung ra để tra khảo, nhưng cũng không đến đâu nên tôi mới cầu cứu Hòa Thượng Như Điển. Tôi nghĩ, ở Đức khả năng chữ Hán và cổ văn ai qua mặt được Thầy. Email gởi đi hôm trước hôm sau đã thấy trả lời,  tôi mừng như người trúng số độc đắc. Nhưng Thầy Như Điển cũng viết những lời tương tự: „…thật ra chữ nghĩa của Thầy Tuệ Sỹ quá thâm sâu, chỉ có Thầy ấy mới giải thích rõ hết được“. Tôi cụt hứng! Nhưng may là Hòa Thượng Như Điển đã mở hé cho tôi một chút ánh sáng ở cuối đường hầm để cho tôi không hoàn toàn tuyệt vọng. Hòa Thượng ghi giúp tôi hai câu đối ra âm Hán Việt và còn giải thích thêm vài cụm chữ quan trọng, chứ không dịch:

天  道  靡  常  黍  麥  尋  方  施  妙  手

Thiên Đạo mị thường thử mạch tầm phương thi diệu thủ

普  門  無  閡  煙  霞  補  衲  示  玄  津

Phổ Môn vô ngại yên hà bổ nạp thị huyền tân

 

Tôi mạo muội dựa theo những lời giải thích và câu gợi ý „chữ quá thâm sâu“ ấy và tạm ghi thành nghĩa như sau theo cách hiểu của tôi:

Đạo nhiệm mầu sá gì hạt giống (lúa) kia, tay huyền diệu tìm phương cứu độ

Cửa từ bi ngại chi trời mây nọ, rũ cà sa thị hiện giữa bến mê  (1)

 

Tôi biết, mình đang bạo gan múa rìu qua mắt thợ (mà rìu này cũng đã quá cùn, chữ nghĩa đã trả gần hết lại cho thầy). Thưa, tôi chỉ ghi ra những ý thô thiển của mình thôi, có thể không chính xác, chưa rõ ràng, chỉ mong giúp chút ít cho những thiện hữu nào tay không mang rìu hay từng có rìu mà lâu ngày rìu đã gảy niền sút cán như tôi! Thiết nghĩ, ở trình độ bậc Thầy như Hòa Thượng Như Điển và Hòa Thượng Chơn Nguyên mà còn ngại không dịch thì biết làm sao đây? Chắc muốn lĩnh hội hết ý thâm sâu của thầy Tuệ Sỹ tôi phải học thêm vài kiếp nữa. Thôi, có còn hơn không, ai có cao kiến gì xin chỉ bảo thêm, tôi xin đa tạ.

* * *

Quay lại câu chuyện ở Tường Quang hôm ấy. Vừa hạnh phúc tràn trề trong niềm vui gặp được quả chuông, tự dưng tôi nảy ý muốn đi tìm người thỉnh chuông năm xưa. Ý nguyện ấy đưa tôi đi Huế tìm Thầy Giác Quả, bây giờ đã là Hòa Thượng. Hòa Thượng Thích Giác Quả hiện nay là Trụ Trì Chùa Hồng Đức và trông coi Học Viện Phật Giáo Việt Nam Thành phố Huế đặt tại đây. Thầy cũng là một nhà phiên dịch nhiều Kinh điển Đại Thừa từ chữ Hán sang chữ Việt. Tôi đến nhằm lúc đang nghỉ hè nên Thầy không ở Hồng Đức mà về nghỉ dưỡng bệnh tại Chùa Bảo Lâm, là ngôi Chùa của sư huynh của Thầy: Hòa Thượng Thích Giác Quang, cũng là người của Vạn Hạnh thuở xưa. Chùa Bảo Lâm hơi xa, đường sá ngoằn ngoèo nhưng nhờ tài năng hướng dẫn của Ni Sư Diệu Như nên cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi thăm viếng và đàm đạo cùng vị tu sĩ mấy mươi năm trước đã tinh cần gióng những tiếng chuông Vạn Hạnh ngay giữa thành phố Sài Gòn, bây giờ là một vị Hòa Thượng đạo hạnh, đang giảng dạy, đào tạo cho hằng trăm Tăng Ni tại thành phố Huế. Mừng vui gặp lại người xưa, sau mấy giờ đàm đạo Thầy tặng tôi một lô kinh sách mười mấy cuốn do Thầy dịch. Không sá chi trọng lượng hạn chế của mấy hãng hàng không, tôi đã mang theo tất cả món quà ấy về Sài Gòn và mang qua Đức. Một chuyến đi vô cùng lợi lạc và mãn nguyện.


doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-12 Chùa Bảo Lâm, Huế


doi-long-theo-tieng-chuong-ngan-13Hòa Thượng Giác Quả đang ký tặng sách và tác giả

HT Hong Duc
HT Giác Quả đã viên tịch ngày 22-1-2014 (3-12-Giáp Ngọ)
tại chùa Bảo Lâm, phường Thủy Xuân, TP.Huế; trụ thế 69 năm, 44 Hạ lạp.
 

 

Thay lời kết

Từ đầu tôi chỉ muốn nói chuyện Đại hồng chung Thiền Viện nên xin gói ghém chuyện Vạn Hạnh từ lúc đã về ở Trương Minh Giảng.(2) Tôi cũng không có tham vọng ghi ra đây những tư liệu gì về Vạn Hạnh. Nhưng đã nhắc đến thì chỉ xin kể một vài sự kiện như thế này ra đây. Vào năm 1975 Vạn Hạnh đã thu nhận gần 14.000 sinh viên trong 5 phân khoa.(3)  Vạn Hạnh cũng là một đại học ở Việt Nam có nhiều quan hệ với các đại học nổi tiếng trên thế giới. Vạn Hạnh đã là gốc của cả hằng mấy chục trường trung học Bồ Đề trên toàn cả nước. Từ Đại Học Vạn Hạnh mới có Học Viện Phật Giáo Việt Nam bây giờ,  sau này còn lan rộng ra nhiều Học Viện Phật Giáo khác trên cả nước, đào tạo ra cả ngàn tăng ni tài đức cho Việt Nam, hành đạo trong nước và ở hải ngoại. Còn nhiều nữa kể sao cho hết. Khu Nội Xá Vạn Hạnh ngày xưa, ngay trong khuôn viên Viện đại học, từng là trú xứ của những bậc đại tăng thạc đức hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, ngắn hạn hay dài ngày. Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết đã từng ở đây. Các Ngài Minh Châu, Mãn Giác, Trí Quang, Thuyền Ấn v.v… đã từng ở đây. Các bậc hiền tài của Phật Giáo Việt Nam như quý Thầy Tuệ Sỹ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện), Nguyên Hồng, Chơn Thiện, Trung Hậu, Phước An … đã từng ở đây. Những văn nhân, dịch giả hay nhà báo như Bùi Giáng, Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Hữu Hiệu, Vĩnh Bách, Nguyễn Hiền … cũng đã từng ở đây. Và còn có tôi, một đứa học trò vô tích sự của Vạn Hạnh năm xưa, hôm nay ngồi đây chắp bút viết những dòng này như một lời sám hối!  Mà ai đã từng ở Nội Xá Vạn Hạnh là từng nhiều lần lên Thiền Viện để cầu nguyện, để ngồi thiền, để trì kinh … hay cũng có thể để chỉ vài phút ngắm bầu trời xanh ngay giữa Sài Gòn. Biết đâu những bài thơ tuyệt tác của các thi sĩ Huyền Không, Tuệ Sỹ, Bùi Giáng … đã không xuất thần viết ra hay cảm hứng từ khung trời này đây, ai biết được? Bây giờ nếu ta nói, những sinh hoạt học đường của Viện Đại Học Vạn Hạnh là chất keo gắn những sinh viên, nhân viên Vạn Hạnh lại với nhau, thì Thiền Viện là cái hồn cho sự sống còn của Vạn Hạnh, là cái lõi của một nền „văn hóa Vạn Hạnh“ đã một thời vang bóng, làm rạng rỡ cho nền văn hóa Việt Nam. Bạn có nhớ lời Ôn Minh Châu hay dạy không: “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài”. Cái lõi ấy có một phần trong tất cả chúng ta, có trong Thầy Chơn Nguyên khi Thầy làm Từ Thiện Xã Hội cho Vạn Hạnh, có trong Thầy Giác Quả khi Thầy lên lớp dạy cho tăng ni chúng, có trong mọi sinh viên khi họ nói: tui cũng là sinh viên Vạn Hạnh năm nọ, niên khóa kia …

Tôi chỉ xin mách nhỏ cùng bạn cái này thôi! Ở Sài Gòn đến Vạn Hạnh (địa chỉ hiện nay: 716 đường Nguyễn Kiệm) thì bạn phải nên đến lễ Nhà tưởng niệm và Bảo Tháp của Ôn Minh Châu, phải nên vào Phật điện để đảnh lễ pho tượng Bổn Sư đã từng một thời tọa vị tại Thiền viện Đại Học Vạn Hạnh, và bạn phải nhìn thật kỹ vào nét mỉm cười trên diện của bức tượng – cho dù bạn có thể là sinh viên hay không phải sinh viên của Vạn Hạnh xưa. Nét cười thanh thản và lạ lắm! Bạn có muốn nghe tiếng chuông của Vạn Hạnh năm xưa không? Thì phải chịu khó tìm đến Chùa Tường Quang ở Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Tân, cách đấy chỉ xấp xỉ 50-60 cây số thôi. Đường vào Chùa cũng ngang qua một khu chợ nhưng chỉ sau mấy trăm thước vào đến Chùa thì cả một vùng trời thanh tịnh. Trước khi đi nhớ hỏi ai đó ở Vạn Hạnh xem Hòa Thượng Chơn Nguyên có ở đây không? Thầy rất thường ở Vạn Hạnh Sài Gòn để chăm sóc chương trình Từ thiện Xã hội. Còn bạn có ý muốn làm từ thiện ư? Thì đã trúng mối rồi, may cho bạn khỏi mất công đi tìm. Đoàn Từ Thiện Xã Hội Vạn Hạnh khá nổi tiếng, báo chí, internet đăng tải liên miên; từ bao nhiêu năm nay, mỗi năm luôn có vài chục chuyến cứu trợ, phát chẩn, khám bệnh phát thuốc ở mọi tỉnh thành trong cả nước cho những người nghèo, trẻ em thiếu học.

Kết thúc câu chuyện về một quả chuông, còn gì hay hơn là cho phép tôi mời bạn hãy cùng tôi lắng lòng nghe một tiếng chuông, tiếng chuông của Vạn Hạnh năm xưa. Còn gì hạnh phúc hơn!

B o o o o n g

Nghe chuông phiền não nhẹ lâng lâng

Bồ đề thêm lớn Tuệ sáng ngần (4)

Xa rời địa ngục qua hầm lửa

Nguyện thành như Phật độ chúng sanh.

B o o o o n g  . . . . . .

 

Đức Quốc

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn

www.vancong.com

 

Ghi thêm: Không ngờ lần gặp gỡ ấy với Hòa Thượng Giác Quả lại lần lần gặp cuối cùng. Vào 22.01.2015 Hòa Thượng đã thu thần thị tịch tại Huế, để lại bao nỗi tiếc thương cho Tăng Ni và Phật tử Huế cũng như khắp năm châu. Tang lễ của Hòa Thượng được tổ chức trọng thể và trang nghiêm tại tổ đình Kim Tiên Huế, hàng ngàn chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử Huế đã đến cung tiển Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc. Hòa Thượng Giác Quả trụ thế 69 năm, 44 hạ lạp. ( Kính mời xem bài thơ tưởng niệm Ngài của Thầy Liễu Nguyên)

 

--

Chú thích:

(1) Xin ghi lại một số chữ và lời giải thích Hán Việt quan trọng. Thiên Đạo = Phật Đạo => Đạo nhiệm mầu;  mị thường: theo đó lướt theo hay không theo một quy luật nào nhất định cả;  thử mạch: hạt giống (lúa) ấy;  bổ nạp: cái áo chắp vá, ý là chiếc cà sa.

(2)  Đại Học Vạn Hạnh thành lập năm vào 1964 theo Nghị định của Bộ Giáo Dục VNCH số 1805-NĐ/ PG/NĐ ngày 17.10.1964 và Quyết định của Viện Hóa Đạo số 156/VT/QĐ ngày 13.11.1964). Bắt đầu từ năm 1966 thì Vạn Hạnh chính thức ở 222 Trương Minh Giảng.

(3)  Năm phân khoa của Đại Học Vạn Hạnh (tính đến 1975) là:

1. Phân Khoa Phật Học. Khoa trưởng: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

2. Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn (gồm 7 ban là Triết học, Văn học Việt Nam, Sử học, Việt học, Trung Hoa học, Văn học Anh Mỹ, Báo chí). Khoa trưởng qua các đời là GS Nguyễn Đăng Thục và GS Phạm Công Thiện.

3. Phân Khoa Khoa Học Xã Hội (gồm 5 ban là Kinh tế học, Thương mại học, Chính trị học, Xã hội học , Nhân chủng học). Khoa trưởng: GS Tôn Thất Thiện

4. Phân Khoa Giáo Dục (gồm 4 ban là Toán, Việt Hán, Sử Địa, Anh Văn). Khoa trưởng: Đại Đức Thích Nguyên Hồng.

5. Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng (gồm 3 ban là Điện Điện Tử, Hóa Học, Tạo Tác). Khoa Trưởng: Kỹ sư Trần Đình Hòe.

Ngoài ra Viện còn có một Trung Tâm Ngôn Ngữ (Giám đốc: Giáo sư Trần Cẩm Huỳnh) dạy ngoại ngữ và Trung Tâm An Sinh Xã Hội (Giám đốc: Ni Sư Trí Hải) làm công tác xã hội và huấn luyện đào tạo tác viên xã hội.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/06/2011(Xem: 7103)
Chuyến bay Cathay Pacific Đài Bắc – Hong Kong từ từ hạ cánh. Từ trên cao nhìn xuống, Hong Kong là một thành phố có vô số tòa nhà cao tầng chen chúc mọc. Đồng hồ phi cảng chỉ đúng 11:30 sáng ngày 25 tháng 4. Đoàn xuất sĩ Làng Mai gồm 30 người được Tăng thân Hong Kong đón đưa về tu viện mới ở đảo Lantau. Tổng cộng có một chiếc xe hơi nhỏ và ba chiếc xe buýt 20 chỗ ngồi: một chiếc cho quý thầy, một chiếc cho quý sư cô và một chiếc chở hành lý, còn chiếc xe hơi thì chở Sư Ông (Sư Ông Làng Mai) và thị giả. Ba chiếc xe buýt nối đuôi nhau chạy theo xe Sư Ông hướng về chùa Liên Trì, làng Ngong Ping, đảo Lantau, Hong Kong.
08/06/2011(Xem: 11096)
Ngày nay, y theo lời dạy của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khắp nơi nơi, Chùa chiền, Tu viện, Thiền viện hằng năm đều trang trọng tổ chức chu toàn cho tứ chúng được hội tụ về tham dự mùa an cư, sau đại lễ Phật đản.
03/06/2011(Xem: 6818)
Nghiệp là một khái niệm chủ yếu trong giáo lý Phật giáo mang nhiều khíacạnh tâm lý và triết học siêu hình thật sâu sắc và phức tạp, thế nhưng lại thườngđược hiểu một cách quá máy móc và đơn giản. Bài viết dưới đây sẽ cố gắng trìnhbày khái niệm căn bản này dưới các góc nhìn bao quát, khoa học và triết học hơn.
02/06/2011(Xem: 14649)
AYYA KHEMA sinh năm 1923 trong một gia đình người Do Thái tại Berlin. Bà trốn khỏi Đức sang Tô Cách Lan (Scotland) năm 1938, cùng với 200 trẻ em khác. Sau đó được đoàn tụ với cha mẹ bà tại Trung Hoa. Khi chiến tranh thứ hai bùng nổ, bà và gia đình bị đưa vào các trại giam tù binh của Nhật, và cha bà đã mất tại đó. Sau bà lập gia đình, có được một con trai và một con gái.
30/05/2011(Xem: 9674)
Tôi tin rằng tất cả mọi người có cùng bản chất tự nhiên. Ở những mức độ tinh thần cảm xúc, chúng ta giống nhau. Tất cả chúng ta đều có khả năng để trở thành những con người hạnh phúc cùng dễ thương và chúng ta cũng có khả năng để trở nên những con người rất tệ hại và tai hại. .. Một khi chúng ta chấp nhận một truyền thống tôn giáo, thì điều ấy phải trở thành một bộ phận trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
30/05/2011(Xem: 7201)
Không biết trong đầu óc chúng ta có một trung tâm thần kinh của sự công bằng hay không, nhưng mọi người bình thường đều yêu thích, đam mê sự công bằng. Ai trong chúng ta cũng thấy lịch sử nhân loại là một vận động đi tìm và tiến đến sự công bằng. Những cuộc cải cách, những cuộc cách mạng, thậm chí những cuộc chiến tranh cho đến những thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội đều để tiến bộ về phía công bằng. Pháp luật, kinh tế, xã hội, chính trị được xem là tiến bộ hơn khi chúng tạo được nhiều công bằng hơn.
29/05/2011(Xem: 8529)
Bất cứ trong một đoàn thể nào cũng không tránh khỏi chuyện thị phi; nếu trong môi trường thị phi mà vẫn giữ được bình tĩnh, hài hòa, đây mới thật sự là người trưởng thành.
28/05/2011(Xem: 6209)
Từ khi ra thăm bốn cửa thành, Thái tử Tất Đạt Đa đã cảm nhận những nỗi thiết tha thống khổ của nhân loại khiến Ngài quyết tâm đi tìm một chân lý để cứu giúp chúng sinh còn đang lặng hụp trong biển đời sinh tử trầm luân.
28/05/2011(Xem: 8005)
Chữ niệm nghĩa là nhớ. Chữ Hán viết phần trên là chữ kim, nghĩa là nay, phần dưới chữ tâm, nghĩa là lòng mình. Niệm là điều ta đang nhớ tới, đang nghĩ tới. Mà điều ta nhớ và nghĩ có thể là tà, có thể là chính, vì vậy nên có tà niệm và chánh niệm.
26/05/2011(Xem: 12861)
Nhận lời mời của quý vị, hôm nay có duyên cùng quý vị bàn về tam quy y trong Phật pháp tại Bờ biển Vàng (Golden coast) Queensland- Australia. Ðối với Phật pháp đây là đề tài rất quan trọng, là chỗ nhập môn tu học của chúng ta. Trước khi nói đến tam quy, đầu tiên phải có nhận thức chính xác về Phật pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]