Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I: Phần tổng quát

23/05/201319:40(Xem: 5992)
Chương I: Phần tổng quát


Bhutan có gì lạ?

Thích Như Điển

◄♣►

Chương I. Phần Tổng Quát

Nhiều người trong chúng ta chẳng biết Bhutan nằm ở đâu, vì lẽ ít nghe nói đến. Ngay cả người Đức, vì trong hiện tại chính phủ Đức vẫn chưa có ngoại giao chính thức với Bhutan.

Bhutan có 300 cây số chiều dài; 150 cây số chiều rộng. Diện tích 46.500 cây số vuông. Phía Tây Bắc giáp Tây Tạng. Phía Đông giáp Ấn Độ. Phía Nam giáp Pradesch thuộc Ấn Độ. Phía Bắc giáp Sikkim. Nhìn toàn diện Bhutan có 90% là núi và ở độ cao từ 1.100 mét cho đến 3.000 mét. Có nơi núi cao hơn nằm ở phía Hy Mã Lạp Sơn chạy dọc theo biên giới Ấn Độ.

Khí hậu ở nước nầy cũng giống như Florida của Mỹ hay Cairo của Ai Cập. Phía Nam khí hậu giống như các nước khác tại Á Châu. Phía cao nơi gần Hy Mã Lạp Sơn có nhiều tuyết. Nhiệt độ trung bình ở phía Nam có 15 độ C về đông và 30 độ C về mùa hè. Tại Paro về mùa đông thường -5 độ C và vào tháng bảy độ 30 độ C. Mỗi năm như vậy lượng mưa trung bình là 350 ml. Núi cao thường 0 độ C vào mùa đông và 10 độ C vào mùa hè.

Những núi cao tuyết hay rơi thường và ở những độ cao 2.400 mét đến 3.000 mét tuyết hay giữ lại cho đến tháng 3 mới tan. Mùa mưa thường hay xảy ra suốt miền Tây Nam từ đầu tháng 6 đến tháng 9. Có những đợt mưa cao nhất thế giới hằng năm là 9m50. Có lúc nước mưa cao dâng lên chừng 6 tầng lầu.

Bhutan tiếng Sanskrit gọi là Bhotant có nghĩa là miền cuối cùng của Tây Tạng. Cũng có nghĩa khác là vùng đất rất cao. Người Anh gọi là Bootan hoặc Bhotan. Xứ nầy cũng được gọi là xứ của rồng. Tôi những tưởng chỉ có Trung Hoa và Việt Nam lấy rồng làm biểu hiệu mà ngay cả Đại Hàn và Nhật Bản cũng ảnh hưởng. Ngày nay lại phát hiện thêm xứ Bhutan nữa. Trên các nóc chùa; nơi cung điện của Vua hay nơi những ghế ngồi trong cung điện đều có chạm hình những con rồng chầu hai bên. Rồng đối với các dân tộc Á Châu là những biểu tượng linh thiêng, sống động giúp vua cứu đời; nhưng ngược lại con rồng ở Âu Châu và theo tinh thần của Thánh Kinh thì ngược lại. Cũng như chữ Vạn đối với người Phật Tử là một dấu hiệu thiêng liêng; nhưng đối với một số người Đức thì họ rất sợ. Vì liên tưởng đến chế độ độc tài của Hitler. Đúng là khó nói và khó diễn tả.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 13 người dân mới đến ở tại xứ nầy. Như vậy cũng có thể nói là khi dân tộc Việt Nam mình đã đến triều Trần, nghĩa là đã có khoa thi Tam Giáo đỗ Tiến Sĩ ra làm quan rồi, người Bhutan mới lập quốc. Dĩ nhiên trước đó họ cũng đã có những người địa phương sống khắp đó đây tại lãnh thổ nầy; nhưng đến thế kỷ thứ 13 mới chính thức có tên gọi. Tôn giáo chính của Bhutan là Drukpa thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Ở đây hầu như không có một tôn giáo ngoại lai nào bành trướng được ngay cả Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo hay Thiên Chúa Giáo.

Dân số Bhutan thống kê vào năm 1994 là 600.000 người với 43% dưới 15 tuổi. Mức độ phát triển là 3,1% mỗi năm. Đây là mức độ cao nhất của thế giới. Do vậy đến năm 2001 có thể nói Bhutan có độ 1 triệu người sống rải rác trên một lãnh thổ như Thụy Sĩ; nhưng đa phần núi cao ở đây không trồng trọt được. Thật ra trẻ em chết rất nhiều vì phương tiện y học còn thô sơ. Nếu phương tiện y học tốt thì sẽ bảo đảm được sức khỏe cho dân chúng tại đây rất nhiều.

Người Bhutan gồm có những dân tộc chính sinh sống tại đó. Đầu tiên là nhóm dân thiểu số, gọi là Sharchops; họ sống ở miền Đông Bhutan. Đây là cư dân căn bản của Bhutan; họ là những người được pha trộn giữa Ấn Độ và Mông Cổ. Không rõ di dân từ khi nào đến dãy đất nầy.

Giống người thứ hai gọi là Lhotshampa. Đây là người Népal bắt đầu lập nghiệp tại Bhutan vào cuối thế kỷ thứ 19 và họ vẫn dùng tiếng Népal để giao dịch với nhau. Những người Népal nầy thường theo Ấn Độ giáo và có một số ít theo Hồi Giáo.

Nhóm thứ ba được gọi là Ngalong. Nguồn gốc giống người nầy đến từ Tây Tạng và họ đến Bhutan vào thế kỷ thứ 9. Họ ở về phía Tây, giáp giới với Tây Tạng. Họ theo Phật Giáo và cho đến ngày nay họ vẫn còn nói tiếng Tây Tạng.

Như vậy nước Bhutan cũng tương đối giống nước Thụy Sĩ. Vì lẽ Thụy Sĩ có hơn 60% dân số nói tiếng Đức. Có 15% nói tiếng Pháp; 15% nói tiếng Ý và 10% còn lại nói tiếng địa phương. Vì lẽ Thụy Sĩ cũng là một quốc gia mới độc lập sau nầy; cho nên quốc gia họ phải có nhiều tiếng nói và nhiều dân tộc đến sống nơi đó. Có lẽ cũng vì vị trí địa lý của Bhutan và Thụy Sĩ giống nhau; cho nên thể chế chính trị của Bhutan trong hiện tại họ cũng rập khuôn theo Thụy Sĩ. Mặc dầu tại Thụy Sĩ không còn vua nữa; nhưng địa vị Tổng Thống của Thụy Sĩ cũng chỉ có tính cách tượng trưng; trong khi đó Vua Bhutan vẫn còn một thực quyền đối với Quốc Hội và dân chúng.

Hội Đồng Quốc Gia của Bhutan có 154 Dân Biểu và chia ra làm 3 loại khác nhau. Loại một gồm 105 vị Dân Biểu đại diện cho 20 quận và đều được bầu trong 3 năm một lần. Loại thứ hai gồm đại diện cho 12 Tu viện Phật Giáo và cũng duy trì trong vòng 3 năm. Nhóm thứ ba từ nhân dân và do nhà Vua bổ nhiệm. Gồm 20 viên chức Quận, Bộ Trưởng, Thứ Trưởng của chính phủ hoặc những nhân viên cao hơn để đảm đương việc nước.

Những người được bầu tuổi từ 25 trở đi. Nhà Vua trong hiện tại đã thay đổi hệ thống hành chánh nầy và đã được 2/3 dân chúng đồng ý. Vào tháng 6 năm 1998 nhà Vua cũng đã ban hành Hiến Pháp, cải thiện chính trị và lấy việc bỏ phiếu của dân bầu làm gốc.

Nhưng đặc biệt một điều là cho đến nay ở Bhutan vẫn chưa có đảng đối lập, mà họ chỉ có một đảng duy nhất. Đó là đảng của quốc gia Bhutan mà thôi. Không biết mai sau đây tình thế thay đổi ra sao thì chưa biết; nhưng trong hiện tại họ sống rất là yên bình dưới sự lãnh đạo của Vua và Hội Đồng Cố Vấn của Hoàng Gia cũng như các Bộ Trưởng và Dân Biểu.

Hội Đồng Cố Vấn của Hoàng Gia thành lập vào năm 1965 để cố vấn cho Vua cũng như cho Hội Đồng Bộ Trưởng trong những vấn đề quan trọng. Những vị nầy cố vấn cả những vấn đề chính trị trong Quốc Hội nữa. Vị Chủ Tịch của Hội Đồng nầy do Vua bổ nhiệm. Có tất cả là 6 vị; trong đó có 2 vị là Tu sĩ. Một trong 2 vị Tu sĩ nầy, phái đoàn chúng tôi đã gặp, sẽ đề cập tỉ mỉ hơn vào những chương sau.

Hội Đồng Bộ Trưởng của Bhutan trong hiện tại có tất cả là 8 Bộ. Nếu kể luôn Hội Đồng Cố Vấn của Hoàng Gia nữa, có nghĩa là hết thảy 9 Bộ. Gồm những Bộ như sau: 

1. Bộ Thương Mại Kỹ Nghệ

2. Bộ Y Tế

3. Bộ Giáo Dục

4. Bộ Tài Chánh

5. Bộ Ngoại Giao

6. Bộ Thiết Kế Đồ Án

7. Bộ Nông Nghiệp, và

8. Bộ Giao Thương. 

Năm 1998 nhà Vua đã chỉ định để thành lập Hội Đồng Bộ Trưởng nầy. Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao lâu đời nhất thế giới là ông Lompo Dawa Tsering. Ông ta đã là Bộ Trưởng kể từ năm 1972 đến 1998. Kể từ năm 1998 vị Bộ Trưởng Ngoại Giao được chọn lựa bởi Hội Đồng Bộ Trưởng để điều hành việc ngoại giao với các nước bên ngoài.

Trên thực tế, cho đến hôm nay (2001) Bhutan chỉ có ngoại giao chính trị với 18 nước; đa phần tại Á Châu. Đặc biệt những nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan có ngoại giao rất sâu rộng với xứ Bhutan. Vì lẽ các xứ Bắc Âu đang chủ trương bảo vệ môi sinh hầu như hoàn hảo tại Âu Châu nầy và Bhutan cũng lại là nước tại Á Châu duy nhất chủ trương bảo vệ môi sinh tuyệt đối như thế. Cho nên họ có ngoại giao với nhau là phải. Ngoài ra Bhutan cũng được những nước Bắc Âu nầy viện trợ hằng năm để bảo vệ môi sinh.

Đặc biệt tại các khách sạn hay ngân hàng tiền Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan được nhân viên ở đây biết đến nhiều hơn là tiền Đức, Anh, Pháp, Mỹ v.v... Quả thật ở trong đời có nhiều việc khó tin, mà có thật. Trong khi đó ở những xứ khác thì đồng tiền Bắc Âu ít được nhắc đến nhiều hơn là những đồng tiền thông dụng tại Âu Châu hay Mỹ Châu. Ngay như tại Đức nhiều lúc nhân viên ngân hàng không phân biệt được tiền nào là tiền của Na Uy và tiền nào là của Đan Mạch hay Thụy Điển; nếu họ không nhìn kỹ vào những ghi chú bên cạnh. Rồi đây 15 quốc gia Âu Châu sẽ xử dụng chung một đồng tiền; nhưng tiếng nói và phong tục tập quán thì xứ nào họ giữ của xứ ấy. Có lẽ cũng sẽ tiện lợi dần dần. Vì thế giới càng ngày càng gần gũi với nhau hơn.

Năm 1994 Bhutan nhận được 77 triệu Mỹ kim tiền ngoại viện; đa phần là của Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Bắc Âu. Nếu gặp những người ngoại quốc tại xứ nầy thì đa phần là người Ấn Độ, Nhật Bản và Bắc Âu chứ người Đức rất ít. Vì lẽ mỗi năm Bhutan chỉ nhận từ 7 đến 8.000 người mà thôi. Mỗi người vào lãnh thổ nầy mỗi ngày phải đóng 200 Mỹ kim để trả cho tiền ăn ở cũng như di chuyển. Trong số tiền nầy có 35% sung vào quỹ của quốc gia để lo cho vấn đề sức khỏe và giáo dục của dân chúng.

Nhà vua Jigme Dorji Wangchuck đã băng hà năm 1972; nhưng chính nhà vua nầy lần đầu tiên mới mở cửa cho người ngoại quốc vào Bhutan năm 1960. Nhóm đầu tiên du lịch vào Bhutan là năm 1974 do ông Lars Eric Lindblad tổ chức. Nhà vua đã khuyến khích chính phủ hạn chế việc du lịch và đánh tiền thuế cao vào người du lịch. Lúc ấy mỗi năm chỉ vào được Bhutan độ 200 người. Mỗi nhóm có 6 người hoặc nhiều hơn. Họ lúc ấy phải đóng 130 Mỹ kim mỗi ngày. Thời gian ấy chưa có phi trường; nên đa phần khách du lịch phải đến biên giới Ấn Độ, rồi từ đó mới đi bộ, đi ngựa hoặc có đoạn đường có thể xử dụng xe Bus để đi vào Bhutan. Riêng phái đoàn của chúng tôi 19 người không phải đóng một đô-la nào trong suốt 10 ngày ở tại Bhutan. Có lẽ đây cũng là một phái đoàn đặc biệt, sẽ trình bày ở những chương sau.

Phi trường Paro nơi chúng tôi đến, được xây dựng năm 1983 và đến năm 1990 Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Ấn Độ mới sang đây dự lễ khánh thành và giúp đỡ tài chánh và kể từ đó phi trường Paro mới được mở rộng ra. Druk Air lúc mới bắt đầu bay chỉ có 72 hành khách. Nhưng trong hiện tại ở Bhutan cũng mới chỉ có một chiếc máy bay, một phi trường và một phi đạo. Cho nên tôi gọi là Bhutan khó đến mà cũng khó về là vậy; nếu máy bay có sự cố.

Druk Air chỉ bay từ Paro qua Dhaka, qua Bangkok. Trở về Calcutta và Paro. Đó là đường bay thứ nhất. Đường bay thứ hai từ Paro đi Kathmandu rồi qua Delhi rồi trở về lại Paro. Tuy là bay hai đường bay qua 4 nước; nhưng chỉ có một chiếc máy bay và một phi hành đoàn chưa đến 10 người. Quả là một hãng hàng không rất khiêm nhường nhất nhì trên thế giới. Do vậy mà đến Bhutan rồi mới hiểu Bhutan là gì?

Nhà vua trong hiện tại tên là Jigme Singye Wangchuck. Lúc Vua 16 tuổi thì Vua cha băng hà. Vua cha tên là Jigme Dorji Wangchuck. Ông ta mất vào năm 1972 khi nhà vua mất mới 44 tuổi. Nhà vua nầy cũng là một vị vua cải cách của xứ Bhutan. Chính ông ta đã cho mở cửa để đón khách nước ngoài vào từ thập niên 60. Còn trước đó thì hoàn toàn không có.

Nhà vua trong hiện tại cũng giống như cha mình được học ở Ấn Độ và Anh Quốc. Đức Vua cũng đã được tốt nghiệp trường Đại Học của Bhutan ở Paro. Ông ta cũng tiếp tục con đường giáo dục, kinh tế và ngoại giao giống như vua cha đã làm. Đó là việc bảo vệ môi sinh tốt cũng như giữ mức dân số nhỏ như hiện nay. Mức sống kinh tế tại Bhutan tuy không giàu như các nước Tây phương; nhưng dân chúng ở đây sống trong một quốc gia rất hạnh phúc.

Năm 1974 sau khi phong vương, nhà vua nầy chủ trương mở cửa cho Bhutan và đây là lần đầu tiên có các ký giả ngoại quốc vào quốc gia nầy. Có khoảng 287 vị khách được mời lúc đó. Vì lẽ đó cho nên những khách sạn cũng đã phải mọc lên để cung ứng cho nhu cầu nầy và sau đó dùng để đón khách du lịch.

Nhà vua cũng đã hiện đại hóa nền giáo dục và nhất là hệ thống y tế của quốc gia cùng với vai trò phát triển cộng đồng của người Bhutan. Ông ta có thể nói là một Kiến trúc sư cho việc bảo vệ môi sinh của Bhutan. Ông ta cũng tiếp tục phát triển những thành quả tốt đẹp mà vua cha đã để lại, giữ gìn truyền thống văn hóa cổ truyền và chủ trương một quốc gia, một dân tộc.

Năm 1988 HoàngTộc đã làm lễ kết hôn cho nhà vua cùng với 4 chị em ruột của Ashi Dorji Wangmo, Ashi Tshering Pem, Ashi Tshering Yangdön và Ashi Sangay Choden. Nhà Vua và các Hoàng Hậu hiện có 5 Thái Tử và 5 Công Chúa, kể cả Thái Tử sắp nối ngôi.

Đây cũng là một điều ngoại lệ và cũng rất hiếm hoi cho các vị vua trên thế giới; mà cũng có thể nói rằng đây là phước đức của dòng họ Ashi. Cả 4 chị em ruột đều lấy một chồng và người chồng ấy là Vua của xứ Bhutan. Cũng có thể vì để tránh việc tranh giành ngôi thứ với nhau và cũng để khỏi có sự lật đổ một vương triều nên Hoàng tộc của Bhutan trong hiện tại đã chọn giải pháp như thế.

Tốt xấu, đúng sai hãy để cho hậu thế sẽ ghi vào sử sách; riêng về phương diện phước đức thì phải thấy rằng nếu không gây nhân bố thí, giúp đời ở kiếp trước, thì kiếp nầy khó có thể làm Vua và làm Hoàng Hậu. 

Sau đây là biểu đồ gia phả của Hoàng Hậu cũng như việc kết hôn với nhà Vua. ( Xem trang 26 & 27)

Đồng thời cũng nên biết qua về hình ảnh của nhà Vua và 4 Hoàng Hậu cũng như cha mẹ của Hoàng Hậu. 

Scanne: (Trang 20C) và (Trang 20D)

Vua và 4 Hoàng Hậu

Cha Mẹ của Hoàng Hậu

Đến thế kỷ thứ 16 thì Bhutan chia ra nhiều địa phương khác nhau và đây cũng là cơ hội để năm 1644 quân Mông Cổ và Tây Tạng tấn công chiếm Bhutan. Vào năm 1644-1647 Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ V đã ngự giá đến Paro và năm 1648-1649 Tây Tạng đã chiếm trọn Bhutan. Ông Shabdrung Ngawang Namgyal đã chống lại Tây Tạng và đã thành công năm 1655. Ông ta sinh vào cuối thế kỷ thứ 16 (1594) và đến năm 1651 thì từ trần. Cuộc chiến mà ông đã lãnh đạo để chống lại Tây Tạng đã thành công rồi sau 4 năm ông mất. Do vậy hình ảnh của ông được xem như là một vị Thánh quan trọng của Bhutan. Hầu như chùa nào cũng có thờ.

Hình hoặc tượng của ông ta ngồi, đội mũ đỏ, có râu dài, mặc y áo nhà tu và trên tay có cầm một bình nước cam lồ. Người Bhutan cũng thờ lạy ông như là một vị Bồ Tát.

Đến năm 1705 thì Je Khenpo chết. Từ thân thể của ông có 3 tia sáng xuất hiện và điều ấy báo tin rằng sẽ tái sinh ra 3 hình thức khác nhau để lãnh đạo quốc gia. Thời gian yên bình nầy kéo dài chừng 200 năm, sau đó thì có nội chiến. Vì vậy cho nên năm 1729-1730 Tây Tạng đã lợi dụng sự bất ổn định của Bhutan nên đã xâm nhập lần thứ 3 và lần nầy người Tây Tạng cũng thua phải kéo binh về nước.

Tuy rằng kinh điển Phật Giáo cho đến ngày nay người Bhutan vẫn còn dùng tiếng Tây Tạng để tụng đọc và hành trì; nhưng hình thức cũng có đôi phần khác với Tây Tạng. Vì lẽ phong tục cũng như truyền thống và nghi lễ có nhiều điểm không giống nhau.

Có lẽ đau đớn sau 3 lần bị chiếm đóng, cho nên người Bhutan không thích người Tây Tạng mấy. Cũng giống như người Đại Hàn không thích người Nhật vậy. Do vậy cái gì không đúng hay xấu xa, người Bhutan thường hay nói: Tại sao giống người Tây Tạng quá vậy.

Dân tộc và đất nước Việt Nam của chúng ta cũng đã bị người Trung Hoa đô hộ 3 lần. Bị người Pháp, người Nhật mỗi xứ một lần. Mỗi lần như vậy cả hằng ngàn năm, hàng trăm năm hay mấy chục năm; nhưng người Việt Nam phóng khoáng hơn; không trả thù khi kẻ đến xâm lăng bị thua. Sau đó thì giao hảo tốt đẹp cũng như tay bắt mặt mừng, trao đổi văn hóa, kinh tế, chính trị, thương mại với nhau ngay cả những nước cựu thù. Còn Bhutan bị Tây Tạng chiếm tổng cộng 3 lần chưa tới 30 năm mà mối thù truyền kiếp ấy vẫn còn dai dẳng nơi lòng người Bhutan cho đến ngày hôm nay. Mặc dầu cả 2 nước đều là Phật Giáo; mà Phật Giáo của Bhutan ảnh hưởng không ít bởi Phật Giáo của Tây Tạng.

Hầu như tất cả những chùa của Bhutan đều thờ hình hoặc tượng của Ngài Padmasambhava. Ngài được xem như là một vị Phật thứ 2 sau Đức Thích Ca Mâu Ni đối với người Bhutan. Chữ Padmasambhava có nghĩa là Liên Hoa Sanh. Có nghĩa là Ngài hóa sanh từ hoa sen. Ngài xuất thân từ Ấn Độ. Năm 746 Ngài đã dùng thần thông để bay qua Bhutan, Sikkim và Tây Tạng để xiển dương Phật Pháp nơi đây. Do vậy mà cả 3 nước nầy đều thờ hình ảnh của Ngài rất trang trọng.

Ngài cũng được hiểu như một biểu tượng Đại Sư của Mật Giáo; nên gọi là Je Khenpo. Có nơi cũng gọi là Greru Rimpoche. Hình hoặc tượng của Ngài tay mặt cầm hoa sen; tay trái cầm bình nước cam lồ. Ngài mặc áo đỏ đắp y vàng; đầu đội mũ đỏ viền xanh, dưới hình thức là một Tăng Sĩ. Vị nầy sau đó được đầu thai dưới nhiều hình thức khác nhau; có lúc địa vị của Ngài còn cao hơn cả vương quyền của Vua Bhutan nữa. Do vậy ở đầu thế kỷ thứ 20 mới có sự tranh chấp và tái sanh của Je Khenpo bị giết để chứng tỏ thế quyền cao hơn đạo giáo và vị Je Khenpo tái sanh tiếp theo bây giờ hiện đang ở tại Ấn Độ.

Ấn Độ là một quốc gia nơi phát sanh ra nhiều bậc giác ngộ, nhiều vĩ nhân trên thế giới; nhưng đồng thời Ấn Độ cũng là nơi tranh chấp nhiều giai cấp và nhiều hóa thân, để rồi mãi cho đến bao giờ Ấn Độ cũng còn nằm trong sự huyền bí, như Hy Mã Lạp Sơn cho đến bao đời cũng chẳng có ai có thể biết được trong đó có những gì?

Vị vua của Bhutan có liên hệ với Anh Quốc tên là Ugyen Wangchuck. Ông ta lên ngôi ngày 17.12.1907. Có lẽ vì lúc ấy do sự hiện diện của người Anh tại Ấn Độ; nên người Anh cũng muốn bành trướng thế lực của mình qua các xứ lân cận của Ấn Độ. Cũng vì lẽ Bhutan là một xứ núi non rất hiểm trở cho nên người Anh, ngay cả người Tây Tạng và Trung Quốc cũng đã chẳng thành công trong giấc mộng xâm lăng của mình vậy.

Về đạo Thiên Chúa hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tại xứ Bhutan nầy. Mặc dầu năm 1627 nghĩa là cách đây 400 năm về trước có Giáo sĩ Bồ Đào Nha dòng Jesuit tên là Cacella và Cabral, họ đến từ Calcutta của Ấn Độ; nhưng sau 400 năm tại đây hầu như không có một nhà thờ và không có một người nào theo đạo Thiên Chúa giáo. Ngay cả Nhật Bản, mặc dầu các Giáo sĩ người Tây phương cũng đã đến đây vào thế kỷ thứ 16, 17 và cho đến nay sau 400 năm truyền giáo họ chỉ có con số tín hữu rất khiêm nhường là 0,001% so với trên 100 triệu dân số của Nhật Bản ngày nay.

Quân đội của Anh cũng đã tìm cách ảnh hưởng tại xứ Bhutan và Tây Tạng nên họ đã ký một hiệp ước vào năm 1774. Đây là thời kỳ mà người Âu Châu đi tìm các thuộc địa tại Á Châu và Mỹ Châu cũng như Phi Châu. Tuy nhiên với truyền thống lâu đời của Phật Giáo mà người dân đã hấp thụ; nên không thể một sớm một chiều mà có thể thay đổi tín ngưỡng của dân tộc họ cả hằng ngàn năm nay.

Phật Giáo giữ một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân chúng. Người Népal và người Ấn Độ ở Bhutan thì theo Hindu. Có cả đạo Bon từ Tây Tạng truyền sang đang có mặt tại những vùng thuộc Hy Mã Lạp Sơn. Những vị Tu sĩ của Bhutan đang đóng vai trò chính yếu trong đời sống cộng đồng. Con nhỏ của người Bhutan lúc 10 tuổi hầu như được đưa vào ở Tu viện để học kinh và tu hành. Bây giờ thì truyền thống nầy không còn bị bắt buộc nữa. Tuy nhiên tôn giáo của quốc gia là Drukpa Kagyu là một nhánh của Mật Giáo, giống như Mật Giáo của Tây Tạng.

Trong Đạo Phật không phải là một tôn giáo còn tin Thượng Đế; nhưng Đạo Phật đã lấy hệ thống triết học và đạo đức học để răn dạy con người; nên đã ảnh hưởng rất sâu đậm trong quần chúng cũng như vua chúa. Phật Giáo cũng đã giải thích cuộc đời là vô thường, thế gian là giả hợp qua những bức tranh lụa của Phật Giáo nhằm chuyển hóa những biểu tượng nầy vào cuộc sống của mọi người, để ý thức được thế nào là sự hiện hữu của một kiếp nhân sinh vậy.

Đời sống chính trị tại Bhutan cũng như chính sách của chính phủ bị ảnh hưởng về Phật Giáo rất nhiều; nên đã bảo vệ thiên nhiên một cách toàn hảo và giữ lại những truyền thống tốt đẹp tự ngàn xưa. Việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ văn hóa là hệ thống chính trị của Bhutan. Vì thế cho nên năm 1995 khi Quốc Hội họp và đã biểu quyết là giữ lại 60% rừng như xưa. Ai chặt cây bừa bãi sẽ bị luật pháp nghiêm trị.

Năm 1991 chính phủ có thành lập một quỹ bảo vệ môi sinh để duy trì những hoạt động nầy. Được bảo trợ bởi WWF (Tổ chức bảo vệ môi trường), gồm các nước như Thụy Sĩ, Hòa Lan, Na Uy và Phần Lan giúp đỡ. Quỹ nầy hiện có 25 triệu Mỹ kim để lo bảo vệ môi trường cho dân chúng Bhutan.

Nước Bhutan là một nước có môi trường thiên nhiên rất tốt. Rừng rậm vẫn còn nguyên vẹn. Vì dân số càng ngày càng tăng cho nên chính phủ đã ra lệnh cần phải bảo vệ môi sinh nhiều hơn nữa. Chính vì rừng còn nguyên thủy cho nên có nhiều loại cây và hoa quý vẫn còn tồn tại dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn nầy. Có nhiều cây là dược thảo và theo sự kiểm kê của Sở Kiểm Lâm có đến 5.000 loại cây và hoa khác nhau đang có mặt tại rừng núi Bhutan nầy. Cũng vì thiên nhiên còn tốt đẹp cho nên những động vật như khỉ, voi, báo tuyết vẫn còn hiện diện nơi đây. Vì có nơi nương tựa.

Do từ những lý do bảo vệ môi sinh một cách chặt chẽ có hệ thống như trên mà nhiều người đã quả quyết rằng: Nếu trong tương lai thế giới nầy có thể sụp đổ; nhưng xứ Bhutan vẫn còn là trong ý nghĩa nầy vậy. 

Đời sống của người dân tại Bhutan rất bình thường. Năm 1995 theo thống kê, bình quân đầu người mỗi năm là 470 US$. Đến năm 2001 có lẽ tăng thêm chút đỉnh. Tuyệt nhiên không nhờ vào lượng khách du lịch tới lui Bhutan mà đa phần 80% dân số sống về nghề nông và họ cũng không có tiền mặt nhiều nơi mỗi cá nhân.

Chính phủ xuất cảng 25% tiền điện và than, gỗ, xi-măng. Đây là những nguồn cung ứng chính cho sự sinh hoạt của cơ quan nhà nước và nhân dân. Ngoài ra Bhutan cũng đã cung ứng 457 loại nấm khác nhau cho ngoại quốc. Nghe đâu Nhật Bản thường mua nấm Suitake của Bhutan. Lý do là tại Bhutan có rừng nhiều và rừng còn ở dạng nguyên thủy. Cho nên những loại nấm xuất hiện ở đây rất được ngoại quốc ưa chuộng. Ngoài ra cây sả ép ra tinh dầu cũng đem xuất cảng ra các nước ngoài.

Trung bình cứ 100 người dân Bhutan như thế có 20 người làm Tăng Sĩ và đâu đâu cũng thấy chùa. Khắp nơi đều đặt dưới sự kiểm soát của hệ phái Je Khenpo tức hóa thân của Ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) và ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống của mọi người dân. Nhìn vào trình độ giáo dục của Tu viện tương đối cao so với đời sống thường nhật của dân chúng. Vì họ phải lam lũ làm ăn, ít có người đỗ đạt cao. Nếu có, đa phần xuất thân từ chùa chiền, tu viện. Điều nầy cũng dễ hiểu, ở những thế kỷ trước tại Việt Nam hay Trung Quốc và ngay cả Nhật Bản những danh Tăng, những nhà giáo dục đều xuất thân từ cửa chùa. Nơi ấy có đầy đủ điều kiện hơn, có thể đời sống tại đó kinh tế không khá lắm; nhưng đời sống tâm linh và đặc biệt là giáo dục phát triển rất mạnh.

Về việc giáo dục phổ thông cho quần chúng cho đến năm 1950 vẫn do các Tu viện nắm giữ và cho đến ngày nay cũng thế. Tuy nhiên ai muốn học thêm ở ngoài thì phải đến Darjeelivy. Khắp nơi người dân Bhutan đều biết đọc biết viết. Số lượng chính xác vào năm 1984 là 28% và năm 1996 là 54%. Đa phần đường hướng giáo dục tại đây đều rập theo khuôn mẫu của các nước phương Tây.

Về giáo dục ở cấp bậc Đại Học thì tại Bhutan hiện chỉ có một trường dạy về y khoa và kỹ sư. Đa phần những người trẻ được gởi ra nước ngoài để học Đại Học. Một số không có cơ hội ra nước ngoài thì học tại Đại Học Sherubtse tại Kanglung nằm về phía Đông của Bhutan.

Ngay như Thimpu là thủ đô của Bhutan; nhưng tại đây hầu như không có một Đại Học nào cả. Ngay như Vua và Hoàng Hậu đương triều cũng đã học và tốt nghiệp tại Ấn Độ cũng như Anh Quốc; nên nói tiếng Anh rất thông suốt. Các vị Bộ Trưởng của Bhutan đa phần cũng được học tại Mỹ hoặc Âu Châu, cũng có một số vị học tại Á Châu và nhìn chung những người lãnh đạo của đất nước Bhutan là những người trí thức.

Tôi đã có dịp tiếp xúc với các vị Tỉnh Trưởng tại địa phương Punakha cũng như vị Giám Đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia tại Paro; tất cả đều dùng tiếng Anh để trao đổi. Họ là những người rất thông thái và hiểu sâu vấn đề. Lý do là họ có nhiều cơ hội để xuất ngoại du học và làm việc, trao đổi quan hệ ngoại giao với ngoại quốc.

Chương thứ nhất nầy được viết ra một cách tổng quát về đất nước Bhutan do nhu cầu chung. Chúng tôi đã tìm nguồn tài liệu từ quyển sách du lịch nha đề là: Bhutan của Stan Armington. Ông ta là một Kỹ sư người Mỹ đã ở Népal 20 năm và hiện ông ta vẫn còn ở Kathmandu, thủ đô của Népal. Ông ta viết được cuốn sách nầy vì do sự mở cửa của Bhutan từ năm 1974; nên Thầy Thông Trí đã cộng tác với tôi dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ một số mục cần thiết để giới thiệu đến quý độc giả xa gần.

Ngoài ra nhân chuyến viếng thăm Hannover và Hội Chợ Thế Giới vào ngày 27.7.2000, Hoàng Hậu Ashi Dorji Wangmo Wangchuck đã tặng cho Hạnh Hảo Frank một quyển sách nhan đề: of Rainbows and Clouds. Trong sách nầy có nhiều hình ảnh rất đặc biệt và tôi đã xử dụng phổ hệ cũng như một vài hình ảnh đặc biệt đó. Chỉ trong Chương nầy mà thôi. Còn những Chương sau bài viết và hình ảnh đều do chính tác giả hay những người cận sự chụp lại và làm nên tác phẩm nầy.

Mục đích duy nhất của việc ghi lại tác phẩm nầy là để tìm hiểu thêm về một quốc gia theo Phật Giáo tại Á Châu về phong tục cũng như tập quán cũng như đề cao vấn đề môi sinh tại Bhutan trong hiện tại. Tuyệt nhiên không có một ý gì khác. Ngoài ra nếu những người Việt Nam có cơ hội đọc được sách nầy cũng sẽ có một số ý niệm tổng quát về một quốc gia, mà biết đâu trong tương lai họ sẽ có cơ hội được đến thăm xứ sở huyền bí nầy.

---- ♣----

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/02/2013(Xem: 7404)
Trên thực tế, tất cả giáo huấn của Đức Phật đều nhằm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Phương pháp tiếp cận thật sự rất hợp lý và thực tiễn.
17/02/2013(Xem: 12321)
AYYA KHEMA sinh năm 1923 trong một gia đình người Do Thái tại Bá Linh. Bà trốn khỏi Đức sang Tô Cách Lan (Scotland) năm 1938, cùng với 200 trẻ em khác. Sau đó được đoàn tụ với cha mẹ bà tại Trung Hoa. Khi chiến tranh thứ hai bùng nổ, bà và gia đình bị đưa vào các trại giam tù binh của Nhật. Sau chiến tranh, bà di cư sang Mỹ và lập gia đình tại đó. Vào khoảng đầu những năm 1960, bà chu du nhiều nơi khắp châu Á, và sau 10 năm hành thiền, bà bắt đầu dạy thiền và thuyết giảng về Phật giáo ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.
14/02/2013(Xem: 6786)
Như thông lệ hằngnăm, ngày 4 tháng 2, 2013 vừa qua, Tổng Hội Phật Giáo Pháp đã gửi đến cho cácthành viên lá thư đầu năm số 13 nhằm tường trình các hoạt động của Tổng Hộitrong năm vừa qua. Nhìn vào sinh hoạt của một tổng hội Phật Giáo « nontrẻ » của một quốc gia Âu Châu, nơi mà Phật Giáo chỉ mới đặt chân vào chưađầy một thế kỷ quả là ta cũng có thể thấy được những điểm thật « mớimẻ » so với sinh hoạt của Phật Giáo tại các quốc gia Á Châu nơi mà PhậtGiáo đã bắt rễ từ lâu đời.
14/02/2013(Xem: 8611)
Khi tiếp cận với Kim Cang, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Lâu nay cứ nghe người ta đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như một câu thần chú để quên đi bao nội muộn phiền, rồi đọc Lục tổ Huệ Năng cũng thấy ngài kể chuyện một hôm đi bán củi, chỉ nghe lóm người ta đọc có câu kinh đó thôi mà đại ngộ, thế mà mình càng nghe càng mơ hồ, mù tịt.
13/02/2013(Xem: 7442)
Theo những nghiên cứu lâu dài và cẩn trọng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mạnh mẽ can ngăn các Phật tử Tây Tạng trong việc xoa dịu tinh linh hung tợn được gọi là Shugden (Dolgyal).
12/02/2013(Xem: 6535)
Lìa bỏ ngai vàng quyền uy, xem nhẹ công danh chức tước, thoát khỏi cảnh trần nhung hoa gấm lụa, vợ đẹp con ngoan, Thái tử Tất Đạt Đa vượt thành xuất gia học đạo, khai sáng chân lý tối thượng thừa, thành đạo Bồ đề, tựgiải thoát mình, đại từ phát nguyện cứu độ giải thoát hết thảy chúng sanh, xa lìa cảnh đời ô trọc phiền não, đạt đáo cứu cánh Niết Bàn tịch tịnh.
10/02/2013(Xem: 6588)
Những lời thuyết giảng của vị sư già đã mang lại cho chị một tâm hồn phong phú, bén nhạy và nhiều yêu thương hơn.
09/02/2013(Xem: 7276)
Là người Phật tử chân chính, chúng ta biết buông xả những thói quen có hại cho người, vật nhưng phải luôn có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nhằm phát huy Bồ đề tâm chúng ta ngày càng thêm vững chắc, để ta có cơ hội trả ơn công lao sinh thành của cha mẹ, mà vẫn chu toàn mọi việc.
09/02/2013(Xem: 7455)
Cách đây gần 30 năm, ông Huang Funeng bị mù sau khi mắc căn bệnh thoái hóa mắt. Kể từ đó, vợ ông, bà Wei Guiyi, trở thành đôi mắt của chồng. Hình ảnh người vợ còng dùng gậy tre dắt chồng mù không còn xa lạ với người dân ở tỉnh Quảng Tây.
07/02/2013(Xem: 15526)
Lịch Trình Hướng Dẫn Tu Học của Phái Đoàn Hoằng Pháp HT Thích Như Ðiển tại Âu Châu từ ngày 27-3-2013 đến 21-05-2013
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]