Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02

17/05/201319:39(Xem: 5323)
Phần 02

 

Khai Thị
Đại Sư Tuyên Hóa
Việt dịch: Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới,
Vạn Phật Thánh Thành

--- o0o ---


11. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát Với Đủ Sáu Căn [^]

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng phải chỉ riêng miệng niệm cho rõ ràng, mà trong tâm cũng phải ghi nhận cho thật rõ ràng. Cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đủ sáu căn, tất cả đều cùng niệm. Mắt niệm, tai niệm, mũi niệm, lưỡi niệm, thân thể niệm, ý thức cũng niệm, tóm lại mọi căn cùng một lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Cái đó gọi là thâu nhiếp sáu căn, một cửa thâm nhập.

Tại chương Đại Thế Chí Viên Thông, kinh có nói: "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục, chứng Tam-ma-địa, ấy là đệ nhất." Đại ý câu này có thể giải thích như sau: nói nhiếp cả sáu căn tức là bảo chúng ta gom sáu căn đó lại, không cho chúng tán loạn, bảo chúng phải nghe lời và phụng hành nghiêm chỉnh; phải làm sao khiến cho sáu tên giặc - tức sáu căn - biến thành sáu vị hộ pháp. Nhiếp sáu căn tức là ra lệnh cho chúng phải giữ phép tắc, không để chúng tác quái; huấn luyện chúng đến chỗ thuần thục, ngoan ngoãn nghe lời. Không chuyên tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, cái đó là bởi lý do gì? Chính là bởi không thâu nhiếp lục căn, khống chế ngự sáu tên giặc là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Vì đó mà chúng mặc sức tung hoành, làm mưa làm gió, dẫn tới tình trạng vọng tưởng lăng xăng, không an phận thủ thường, tới đâu cũng gặp điều rắc rối.

Nếu như sáu căn đều được thâu nhiếp, thì lúc đó tịnh niệm nối tiếp với nhau. Các niệm thanh tịnh cũng giống như làn sóng trên mặt nước, cái này nối tiếp cái kia không dứt. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát với tâm thanh tịnh thì cũng như vậy. Niệm niệm không gián đoạn, niệm niệm không ngưng nghỉ, niệm tới một lúc nào đó liền chứng được tam-ma-địa. Tam-ma-địa dịch nghĩa là chánh định, chánh thọ, đó là pháp môn viên thông đệ nhất. Tới được cảnh giới này thì cả sáu căn cùng một lúc niệm thánh hiệu của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.

Có vào được cảnh giới tam-ma-địa chúng ta mới có thể chứng được pháp "Niệm Quán Âm tam-muội," và mới có thể gọi là người đã vào thất Quán Âm. Chưa chứng pháp này thì chưa có thể coi như đã vào thất Quán Âm. Tỷ như trong cảnh giới tam-ma-địa, một mạch bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mới được nghỉ ngơi. Trong khoảng đó, miệng chỉ biết niệm Quán Âm mà không còn biết gì khác nữa, mọi ý niệm thời gian không còn, chẳng biết đâu là quá khứ, hay hiện tại, hay vị lai, cả ba đều coi như không cả, đó chính là cảnh giới tam-ma-địa.

Đạt được cảnh giới này thì niệm Quán Âm là niệm trong trạng thái tinh thần tập trung, quên mọi phiền não. Ta chưa ăn cơm hay đã ăn rồi, cũng không còn nhớ nữa. Tại sao? Bởi vì chúng ta dốc lòng niệm Quán Âm mà. Quần áo mặc vào hay không mặc vào? Cũng chẳng nhớ. Tại sao? Bởi chúng ta chuyên tâm niệm Quán Âm mà. Đã được ngủ nghỉ chưa? Cũng không biết. Tại sao? Bởi chúng ta chuyên tâm niệm Quán Âm mà. Nếu thực tình ba thứ ăn, mặc, ngủ nghỉ mà cũng quên, đó chính là cảnh giới tam muội. Trong tâm không có vô minh, không có phiền não, không có vọng tưởng. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm thật rõ ràng, hoan hoan hỷ hỷ, không còn gì an nhiên tự tại hơn, sảng khoái hơn. Có bệnh chăng? Bệnh cũng hết. Đau chăng? Cũng hết đau. Không ăn cũng không đói, không ngủ cũng không buồn ngủ, đó chính là cảnh giới của người niệm Quán Âm tam-muội.



12. Tự Xét Sai Lầm Của Mình [^]

Như bảo rằng: "Tôi có thể nghe được tiếng nói ở không trung," đây tức là cảnh giới ma, không phải là cảnh giới của người vào định. Người tu đạo không thể nói như vậy mà phải theo được các câu sau :

Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ.

Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn.

Tự tánh pháp môn thệ nguyện học.

Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.

Người tu học phải luôn luôn quay lại chiếu soi mình, chớ không phải hướng ra ngoài tìm cầu, bởi ở bên ngoài không có cái gì để kiếm được. Ngay trong tự tánh của mình, mọi thứ đều có sẵn, đều hoàn bị. Chúng ta hãy tự hỏi mình có tu hay không tu? Có hạ công phu không? Đừng hỏi gì khác, chỉ hỏi ta có tham không? Có tham, tức là không tu hành. Không tham, tức là có tu hành. Cái đó mới là quan trọng nhất.

Lại tự hỏi mình, có tâm sân không? Bỗng dưng người ta đánh mình, mình có nổi nóng không? Nếu quý vị nổi nóng tức là quý vị chưa có công phu. Nếu quý vị thực không nổi nóng, quý vị cũng không nên tự cho là mình hết chấp ngã, cái đó chỉ là giảm phần nào tâm chấp ngã đó thôi. Chúng ta phải theo cho được các câu sau: "Đánh ta, coi như không thấy; mắng ta, lấy lẽ đối xử" - Đả ngã, một khán kiến; mạ ngã, bả lý phục - Hy vọng quý vị ở đây theo đó dụng công phu.

Nếu nổi nóng, tức chưa có tu hành, chưa buông xả. Buông xả được thì ai là người phiền não? Ai là kẻ trêu chọc? Nếu không phiền não, cũng sẽ không nổi nóng, đây là bổn phận của người tu. Cũng không thể nói là ta tu hay, cái đó chỉ là tiến được một bước. Không thể có lòng cống cao ngã mạn, tự coi mình giỏi. Như nói: "Này! Các người đến đây coi chúng tôi tu, số một thế giới đấy!" Đấy chính là đại ngã mạn! Đại ma vương! Ngàn vạn lần quý vị không nên có những ý nghĩ như vậy, bởi nói cách đó chính là tà tri tà kiến.

Soi lại chính mình, thử xét mình có ngu si không? Có điều gì không được hiểu rõ, còn bị chướng ngại? Một điều thông, mọi thứ đều thông, và đây cũng chỉ là bước đầu của việc tu tập. Không thể nói rằng ta biết đã đủ rồi, tất cả đều viên mãn, nói như vậy là tính cuồng mạn. Có câu nói: "Chân không vô nhân ngã, đại đạo vô hình tướng." Đã là chân không thì cái gì là người? Cái gì là ta? Làm sao còn vọng tưởng? Như chứng được tam-ma-địa thì tự nhiên nước cam-lồ hiện tiền, đâu cần phải chạy đi đâu tìm kiếm, tất cả đã ở trong tự tánh rồi.

Người tu đạo không thể mang bộ mặt giả dối, mang cái nhãn hiệu tu mà sự thực chẳng tu, cái đó người ta nói là: "Treo đầu dê, bán thịt chó," làm những việc không đúng pháp làm sao chứng được tam-ma-địa! Kẻ tu hành chân chánh mà chuyên tâm niệm Quán Âm thì sẽ chứng tam-muội. Cảnh giới tam-muội thì gặp trời lạnh không cảm thấy lạnh, trời nóng không thấy nóng, thiếu nước không biết khát, thiếu ăn không thấy đói, diệu dụng như vậy, nhiệm mầu không thể nói hết.

Người tu đạo phải thực lòng mà tu hành, cốt lấy cái thực chớ không tham cái danh giả. Tu hành là nói tới cái công phu thực sự, đem ra mà khảo nghiệm. Không thể tự mình đánh trống thổi kèn, rêu rao rằng ta là người đạo hạnh. Giả hay thực, nhìn qua là biết. Người tu không thể dối người khác, dối người là tội đọa địa ngục. Lại cũng không thể tu được chút ít mà đã tự coi là đầy đủ, giống như cái bánh vẽ không thể làm cho no bụng được. Tuy có câu nói rằng "thấy trái mơ thì hết khát nước," nhưng cảm giác này chỉ là tạm thời, chớ không làm cho hết khát thực sự. Phải noi theo cho đúng phép tắc thì mới là con đường chánh để tu hành.



13. Niệm Quán Âm Khi Khẩn Cấp[^]

Hôm nay tôi xin truyền cho quý vị một yếu quyết. Đó là yếu quyết để áp dụng trong giờ phút thật khẩn cấp. Gặp những trường hợp đó chúng ta phải giữ bình tĩnh, đừng hốt hoảng, chuyện sống chết hãy tạm gác một bên, một lòng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn sự hiểm nguy sẽ hóa thành tốt lành, thoát khỏi ách nạn.

Trong giây phút khẩn trương, chúng ta hãy nghĩ rằng: "Đàng nào cũng chết, vậy trước khi chết ta hãy dốc lòng niệm Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, biết đâu đó là niềm hy vọng." Hành động như thế, tức là từ hiểm nguy mà gặp may mắn.

Khi đi máy bay, gặp lúc trên không máy bay gặp nạn, sắp bị rớt. Ngay lúc đó chúng ta hãy niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì rằng Ngài Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát chuyên cứu khổ cứu nạn, một vị Bồ-tát có cầu có ứng, nếu chẳng niệm danh hiệu Ngài, thì sanh mạng của chúng ta vô cùng nguy hiểm, không còn hy vọng gì nữa. Lúc đó chúng ta đem hết lòng thành niệm, cảm ứng tới đức từ bi của Ngài, thì toàn thể sanh mạng trên máy bay được cứu vớt. Vào thất Quán Âm chúng ta cũng phải khởi lên những ý tưởng như vậy để hạ công phu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Chúng ta lại tưởng tượng khi đi xe lửa, và giả thử ngay khi biết xe lửa trật đường rầy, tức là trong khoảng thời gian đường tơ kẽ tóc đó, nếu chúng ta không niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, toàn thể hành khách trên chuyến xe đó đều gặp nạn tử vong. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là phát ra lời kêu cứu, Bồ-tát nghe được tiếng kêu thì dầu có cách xa cả vạn ngàn sông núi, Ngài cũng tới ngay, tiếp cứu chúng ta ra khỏi khổ nạn, linh nghiệm vô cùng.

Lại tưởng tượng chúng ta đi tàu trên biển, chẳng may gặp cảnh tàu sắp đắm, cái nguy cơ gửi thân trong bụng cá. Trong phút nguy cấp ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tới phút chót cũng niệm, tới giây chót cũng niệm. Nếu được như vậy, nhất định là hung hóa cát.

Lại giả thử ta ngồi trên xe hơi đang chạy nhanh trên đường, hốt nhiên xe không thể làm chủ được nữa, bay qua lề đường bên bờ vực sâu, vách dựng thẳng đứng. Xe hơi mà rớt xuống đáy vực thì là hết đời, xương tan thịt nát. Ngay lúc đó nếu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, với tất cả lòng thành khẩn, xe hơi sẽ đáp xuống an toàn, kinh hoàng nhưng không nguy hiểm. Đây chính là sự cảm ứng của pháp niệm Quán Âm.

Trong giờ phút khẩn cấp hiểm nghèo, niệm được một câu Quán Thế Âm Bồ Tát thì bằng cả trăm vạn câu niệm trong lúc bình thường. Tại sao vậy? Bởi trong lúc không có gì nguy hiểm, lời mình niệm chưa đủ tha thiết, lòng mình chưa đủ thành khẩn. Cho nên, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải hết lòng kiền thành, hết lòng chân thực, thì cảm ứng đó mới thật là không thể nghĩ bàn.

Vừa rồi tôi có nói với Quả Khiêm rằng: "Ngày nay ở tại Vạn Phật Thành này con có niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì hãy tưởng tượng như khi ở trên thuyền mà thành tâm khẩn niệm, tất sẽ có cảm ứng. Hồi đó, trong lúc sóng to gió lớn, nguy hiểm vạn phần như vậy, nếu không niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì đâu còn hy vọng có ngày nay. Có niệm Quán Âm mới có phần hy vọng, hoặc giả được cứu vớt, cho nên đã hết lòng khẩn niệm thì cuối cùng tai nạn sẽ vượt qua, gió im sóng lặng, đến được bến bờ. Bây giờ con niệm Quán Âm còn để thì giờ để nghỉ ngơi, ấy là vì nay không còn ở trong cảnh ngộ nguy hiểm như trước." Sự thực thì:

Một ngày qua đi, mạng cũng giảm dần,

Như cá thiếu nước, có gì mà vui!

Đại chúng!

Phải lo tinh tấn, cứu lấy cho mình.

Nghĩ tới vô thường, chớ đừng phóng dật!"

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tùy nơi tùy lúc mà niệm, nói một cách khác, đi, đứng, nằm, ngồi, đều niệm được cả. Miệng niệm hay tâm niệm, công đức cũng ngang nhau, đừng khởi tâm phân biệt, lúc nào cũng tùy duyên. Phải nhớ rằng chờ tới lúc mạng chung mới niệm thì đã quá muộn, không còn cơ hội nữa. Vì vậy mới có câu: "Nghĩ tới vô thường, chớ đừng phóng dật."



14. Đạt Tới Cảnh Giới Bất Động Tâm [^]

Người học Phật pháp, phải biết Phật pháp, phải tu trì Phật pháp. Cũng có thể nói là ăn bằng Phật pháp, mặc áo Phật pháp, ngủ trong Phật pháp, đi, đứng, nằm, ngồi thảy đều trong Phật pháp. Người biết Phật pháp, luôn luôn vị tha, để lợi ích của mọi người ở phía trước, tuyệt đối không nghĩ cho quyền lợi của mình. Nói tóm lại, phải đả phá bệnh "chấp ngã." Chỉ biết người, không biết mình, tới được trình độ ấy mới gọi là người biết Phật pháp.

Người tu trì Phật pháp thì bất cứ ở trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ động tâm. Tại sao vậy? Bởi vì nếu công phu tu hành tới mức thì ắt có đạo lực, và từ đó biết phân định cảnh giới nào là chân thực, cảnh giới nào là hư dối. Chẳng kể trước mắt là cảnh giới nào, chân thực cũng tốt, hư dối cũng tốt, chẳng có gì làm cho tâm động. Cho nên chúng ta thấy trong nhà Thiền thường có câu nói: "Phật đến chém Phật, ma đến chém ma," ý nghĩa là không chấp trước bất cứ thứ gì. Không chấp trước là giải thoát, giải thoát là tự tại. Học Phật là cầu giải thoát, cầu tự tại, tức là không còn bị ngũ dục trói buộc, vậy mới ra khỏi được tam giới, đến được cõi tịnh độ Thường Tịch Quang, gần gũi chư Phật và các vị Bồ-tát.

Thế nào là cảnh giới thực? Khi nào trong tâm không khởi lên động niệm thì mọi cảnh giới trước mắt đều là chân thực. Một khi tâm ngu si vọng động, tâm tưởng thấy cái này cái kia, thì cảnh giới lúc ấy phần nhiều là hư dối. Cảnh giới của Đại Viên Kính Trí là thực, nhưng cảnh giới hiện lên trong tâm thức phân biệt là giả, cho nên có câu rằng: "Có tâm tức thị vọng tưởng, vô tâm tức thị cảm ứng." Ai học Phật pháp phải cố ghi nhớ! Tất cả mọi cảnh giới đến với chúng ta, ta phải có con mắt trạch pháp (chọn lựa pháp). Ta nhận thức cảnh giới mà không chấp vào nó. Bất luận đó là thực hay giả, ta đều không chấp trước. Nếu chấp thì cảnh giới chân cũng thành ra giả, nếu chẳng chấp thì giả sẽ biến thành chân. Nghĩa lý như thế nào? Lấy nước và băng chẳng hạn, băng vốn từ nước, nhưng nước chẳng phải băng, tính chất vật lý của nước là như thế, ai cũng biết. Như trong câu: "Phiền não tức Bồ-đề, Bồ-đề chẳng phải phiền não," thì phiền não có thể dụ cho băng, Bồ-đề là nước, còn vô minh là độ lạnh. Vì vô minh, nước kết băng; không vô minh, băng hóa ra nước. Khi là băng thì ở trong tam giới, chịu vòng sanh tử; khi là nước thì ra khỏi tam giới chẳng sanh tử.

Xin quý vị chú ý, quý vị phải dụng công ngay chỗ này. Lục Tổ đã từng nói: "Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, ngay lúc đó, cái gì là bổn lai diện mục của thượng-tọa Minh." Nghĩa lý như vậy đó. Nếu như chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, tức là không có niệm nào; vô niệm, vô trụ, nhất thiết không, chẳng có cái gì hết. Tới lúc đó sẽ thấy được bổn lai diện mục của mình, tức gốc gác của mình vậy.



15. Phải Cứu Vãn Nguy Cơ của Thế Giới [^]

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu một vấn đề lớn, nhưng vấn đề gì cũng không ngoài phạm vi bốn chữ "thiện ác nhân quả." Thiện sẽ thắng, ác sẽ bại, đó là luật nhân quả. Người ta thường nói: "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu." Cũng vì lẽ đó mà thế giới của chúng ta mới không bị hủy diệt. Nếu quả có lý ngược lại, nghĩa là thiện thì bại, ác thì thắng, thì chẳng còn thiên lý nữa, mà không còn thiên lý, thì thế giới đã bị hủy diệt, tức là đã có ngày tận thế.

Làm sao để thế giới không bị hủy diệt? Phải cải thiện nhân tâm. Lòng người hướng thiện thì ánh sáng sẽ chiếu khắp thế giới. Ánh sáng là trí huệ, mà người có trí huệ, là người có tâm chánh, mọi điều họ tạo tác, họ hành động đều chánh đại quang minh, không có tư tâm vị kỷ. Tâm tưởng đều nhất loạt hướng tới hạnh phúc của nhân loại, không hề phân biệt, chủng tộc này, quốc gia kia, thiên hạ đều gom lại một nhà của đại đồng thế giới. Nay thì lòng người khác xưa, phần đông đều ích kỷ, tự lợi, chỉ tranh đua quyền lợi cho riêng mình mà hy sinh hạnh phúc của tập thể, cho nên thế giới mỗi ngày một đen tối, mỗi ngày một ngu si, mỗi ngày một thêm nguy hiểm. Ngày hủy diệt như đã gần kề, chỉ trong đường tơ kẽ tóc, mà nếu không tìm biện pháp cứu vãn, thì tất cả đều chung một số phận, chẳng ai còn một cơ may sống sót. Nhưng làm sao cứu vãn đây? Kinh có dạy: "Các điều ác chẳng làm, các điều thiện phụng hành." Ai ai cũng hướng thiện, không hướng tới ác, trên từ vị nguyên thủ, dưới tới tận trăm họ, mọi người đều lấy trí huệ làm ánh sáng để xua đuổi ngu si và hắc ám. Nếu được như vậy thì bộ mặt thế giới sẽ đổi từ âm qua dương, và chiến tranh sẽ biến thành hòa bình.

Nay chúng ta đương sống trong cảnh đêm dài dằng dặc, sống và chết trong cảnh mộng say. Bởi đêm dằng dặc mới thấy cần ánh sáng; vì tối tăm nên lòng người ưu uất sầu muộn. Trong bầu ánh sáng, nhân tâm sẽ hoan hỷ. Hắc ám và quang minh chỉ tại lòng người thiện ác. Hủy diệt thế giới là ở nhân tâm, mà sáng tạo thế giới cũng ở tại nhân tâm. Chúng ta là người học pháp Phật, chính là trừ bỏ vọng tâm tìm chân tâm, cho nên Phật pháp chính là lá bùa cứu vãn thế giới, cái gương quý cải thiện nhân tâm.

Phàm chuyện đời cái gì có lợi thì ắt có cái tệ hại. Tỷ dụ như cái máy truyền hình, nó có thể cho ta biết chuyện lớn trong nước và các di­n biến quốc tế. Một câu người ta hay nói: "Tú tài bất xuất môn, tiện tri thiên hạ sự," tú tài chẳng ra khỏi cửa mà biết hết cả chuyện thiên hạ. Đây là dụng ích tốt của máy truyền hình, nhưng nó cũng có khía cạnh xấu. Con nít coi truyền hình thường bị ảnh hưởng xấu, học lối gian dối, làm những hành vi trái đạo lý, khiến mất hạnh phúc trong gia đình, gây hỗn loạn trong xã hội, thành những thiếu niên bất hảo, đâu đâu cũng gây chuyện thị phi. Nếu như vậy rồi mai sau những hạng đó ra chấp chánh thì làm sao có hòa bình được? Đó là một trong cái hại của máy truyền hình. Như chúng ta lo cho thế hệ sau, lo cho tương lai thế giới thì nên nghiêm cấm con nít không cho xem truyền hình, hoặc giả tuyệt đối không mua máy truyền hình, đó chính là biện pháp rốt ráo, chặn từ gốc của cái họa tạo điều ác.

Thế giới ngày nay đã đi tới giai đoạn mà sự trong sáng đã bị che mờ thành mầu u ám. Vậy phải làm sao? Là một thành phần của nhân loại, trước hết chúng ta hãy đem bổn thân mình ra để cố gắng, bài trừ các tập khí của chúng ta, mang hết tâm tham, tâm sân, tâm si ra gạn lọc, lấy bổn thân mình để ảnh hưởng đến người khác. Tư tưởng cùng hành vi của chính chúng ta phải thật là đúng mức thì sau đó mới khuyên nhủ được mọi người hướng thiện, lấy đó làm khuôn mẫu, nếu không thì chỉ là chuyện nói để chơi, chẳng ích lợi gì.

(Kỷ yếu ghi: Để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, hai pháp sư Hằng Thật và Hằng Triều mang bản thân nếu gương hành động, ba bước một lạy, khuyên người hướng thiện, diệt trừ ba độc, là các tâm tham sân si. Mọi người nếu không có ba tâm độc ấy, thì thế giới hòa bình, và có hòa bình thì nó sẽ không bị hủy diệt. Ngược lại, nếu có chiến tranh nguyên tử, thế giới tức bị tiêu diệt.)

Phàm người chịu gánh vác việc thiên hạ, đều có tư tưởng thương xót nhân loại. Như đức Phật Thích-ca năm xưa, khi tu đạo Bồ-tát, Ngài chịu khổ hạnh như vậy. Tại sao? Bởi muốn tạo ảnh hưởng trong chúng sanh, khiến chúng sanh y pháp tu hành, mới có thể lìa khỏi khổ được an vui. Tôi thường nói: "Chịu khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu hao phước."



16. Truy Điệu Ông Sadat [^]

Khi có tin tức về ông Sadat, tổng thống Ai-cập, bị nạn, ai nấy ở Vạn Phật Thành đều lấy làm thương tiếc, và thế giới đã mất đi một vị lãnh tụ của phong trào hòa bình. Tuy ông là tín đồ Hồi giáo nhưng với đầu óc cởi mở, không câu nệ ranh giới tôn giáo, ông đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng danh dự của trường Đại-học Pháp Giới.

Với tôn chỉ phục vụ cho hòa bình thế giới, ông Sadat đáng làm cho mọi người khâm phục. Tại Trung Đông, ông nỗ lực vận động để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, đó chính là một công tác phục vụ hòa bình thế giới vô cùng khó khăn.

Ông rất hưởng ứng tôn chỉ của trường Đại-học Pháp-giới Phật-giáo, nguyện ý tán trợ và sau vui lòng đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng danh dự của trường. Tuy ông bị ám sát, nhưng tinh thần của ông vĩnh vi­n ở lại với thế gian. Sanh tử vốn là hư vọng, nhưng công nghiệp để lại cho thế gian mới là chân thực. Ta lấy ví dụ như nhân vật Quan Vân Trường tại Trung quốc, với đại nghĩa ngất trời, khí tiết vẫn còn lại mãi. Tuy sau này, bị hại trong tay Đông Ngô, nhưng phương danh lưu lại thiên cổ, cho đến nay vẫn còn được mọi người sùng bái.

Tôi nghĩ rằng ông Sadat tuy không may bị hại, nhưng là người vì nước quên mình, cho nên tinh thần yêu chuộng hòa bình của ông sẽ là muôn đời bất hủ.

Để tỏ lòng tưởng niệm một vị lãnh tụ hòa bình, ngày mai (9 tháng 10 năm 1981) vào lúc 9 giờ sáng, chúng ta sẽ cử hành pháp hội truy điệu Sadat tiên sinh. Chúng ta tụng kinh niệm chú hồi hướng cho ông. Trong thế giới Hồi Giáo của ông, ông hiểu được nguyên tắc bình đẳng của Phật-giáo, không bị lệ thuộc vào mầu sắc tôn giáo, chắc chắn ông sẽ rất vui lòng.



17. Tham Sân Si Làm Chướng Ngại Đường Tu [^]

Nói về khoảng thời gian chúng ta ở tại thế, nó qua nhanh chỉ trong nháy mắt. Vậy mà không ai buông xả được, cứ ôm cứng lấy, chấp đông chấp tây, coi thế giới này là chân thực, từ đó mà ra công tranh danh đoạt lợi, quẩn quanh hoài trong vòng lợi danh, vì lợi danh mà làm những hành vi điên đảo, trái lương tâm. Kết quả tối hậu cũng chỉ là vì danh mà chết với danh, vì lợi mà chết với lợi. Một đời, tôi tranh anh đoạt, vì lợi danh mà quay cuồng điên đảo, nguyên nhân là sao vậy? Bởi vì người ta chưa nhận thức được ba độc là tham sân si. Loại độc này còn ghê gớm hơn bội phần các thứ thuốc độc khác. Thuốc độc chỉ hại thân thể, chớ không hại được cái tâm, còn tam độc thì vừa hại thân vừa hại tâm, làm cho ta phải điên cuồng, nhẹ thì tiêu hủy gia đình, nặng thì diệt quốc, thậm chí đến hủy diệt thế giới, cho nên ba độc đó chính là kẻ thù của nhân loại.

Tại sao trên thế giới lại có những kẻ sát nhân, đốt nhà, gian dâm, với những chuyện cướp bóc? Bởi vì người ta tham, sân, si, và ba độc này được ưa chuộng, khiến cho người ta tham mà không biết chán. Gặp chuyện cầu mong mà không được, bèn nổi tâm sân hận, nhẹ thì nó ẩn núp bên trong, nặng thì phát ra hành động, thành đấu tranh, có khi thành chiến tranh. Bởi vậy nên thế giới không an ổn. Nếu quả mọi người giữ lòng thanh tịnh, không bợn trong tâm, làm việc với tâm từ bi, thì thế giới tự nhiên hòa bình không còn chiến tranh nữa.

Nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề của thế giới, thì phải nhằm vào ba độc để hạ công phu, tìm cách làm sao cho mọi người không tham, không sân, và không si. Làm được như vậy chăng? Biện pháp duy nhất là tin theo Phật-pháp, theo tông chỉ của Phật-giáo, tức là lấy giới, định, huệ để diệt tham, sân, si. Đó chính là biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề. Giữ vững được Năm Giới sẽ hết lòng tham; có định lực sẽ không có sân; có trí huệ, tức là hết ngu si. Tam độc là một bệnh truyền nhi­m, tam học - giới, định, huệ - là thuốc hay dùng để chữa trị, gặp bệnh là có công hiệu ngay, như dựng cây sào thì tức khắc nhìn thấy bóng.

Người người học Phật-pháp, người người không tham sân si, vậy là vấn đề của thế giới sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, tới được chỗ đó chẳng phải là chuyện d­ dàng. Tại sao? Bởi vì lòng người đã khác xưa, đạo đức đã suy đồi, người thì dối người, và để đạt mục tiêu người ta chẳng kể thủ đoạn. Người ta chỉ nói chuyện lợi lộc, mà không nói chuyện đạo nghĩa, như kẻ gian thương kia bán rượu pha nước, cốt vì lợi mà gạt khách hàng. Người ta nói "treo đầu dê, bán thịt chó," đó chính là một hành vi lừa bịp. Ngày xưa, làm nghề buôn bán, bán hàng thật, định giá thật, nêu cao tiêu chuẩn chẳng dối trẻ già. Ngày nay trong thương nghiệp, chẳng còn quan niệm gì về đạo đức nữa, kẻ mua người bán lừa nhau, chẳng ai thành thật nữa. Thực tâm mà buôn bán, đề bảng rõ bán đúng giá thì chẳng ai còn gặp phiền phức. Tại sao lại phải lừa dối? Tóm tắt một lời, đó là do lòng tham lợi cả.

Người nông dân vốn là trung hậu, nay lây ảnh hưởng của giới buôn bán, cũng không còn thật thà nữa. Họ trồng ngũ cốc và rau trái thì dùng phân hóa học, họ nuôi bò, dê, heo, gà thì trộn thực phẩm gia súc với chất hóa học để chúng mau tăng trưởng, khiến cho giới tiêu thụ, ăn các thứ đó vào lâu ngày sẽ trúng độc. Cái đó chính là tham tiền mà làm hại sanh mạng của người khác, lẽ ra pháp luật phải có biện pháp trừng trị, nhưng họ vẫn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật, có khác chi cổ võ cho họ thêm nữa. Chẳng qua vì họ muốn có lời nhiều, mà làm ngơ trước vấn đề sống chết của kẻ khác, so với anh gian thương pha nước trong rượu còn độc ác hơn gấp bội. Ngày nay bệnh ung thư mỗi ngày một tăng gia, chính là do giới nông gia và thương gia nói trên gây ra cả. Bởi thế cho nên, những người sáng suốt hết sức hô hào dùng các loại thực phẩm từ thiên nhiên, mà không dùng các loại đã biến chế gia công. Tuy nhiên, đối với những người ham ăn, những điều này dầu có lọt vào tai họ, họ cũng chẳng nghe, cứ ăn vào cho đầy một bụng, có khác gì nuốt vào một cái ngòi nổ chậm, đúng thời hạn nó sẽ phát tác làm cho huyết quản bị bể, nhẹ là triệu chứng trúng phong (stroke), nặng thì chết người. Vậy mà, dầu thấy tấm gương xe trước đã xa lầy, xe sau vẫn theo đúng vết cũ.

Như vậy đủ thấy cái hại của tham, sân, si, không cách nào kể xiết. Chẳng phải chỉ riêng đối với người thường, ngay cả các vị tu sĩ, nếu không thận trọng cũng rước lấy cái độc hại kể trên. Công phu vừa mang lại chút ít định lực liền bị lửa vô minh thiêu rụi hết. Làm sao để tránh ngọn lửa vô minh đó? Phải tu pháp môn nhẫn nhục ba-la-mật, và tuyệt đối không nổi nóng là một điều kiện tiên quyết. Không nổi sân, tức có trí huệ. Có ánh sáng trí huệ thì sự hắc ám của ngu si sẽ bị xua đuổi. Hết hắc ám, mọi cử chỉ hành động thảy đều quang minh chính đại. Vậy phải tu như thế nào? Trước hết giữ giới, giữ được giới thì sẽ có định, có định tức có trí huệ. Giới, định, huệ, tam học mà đầy đủ thì tham, sân, si, ba độc sẽ tự tiêu hủy.



18. Linh Cảm Quán Thế Âm[^]

Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi và linh cảm ra sao, thật là không thể nghĩ bàn. Nếu mọi người chúng ta thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì nhất định nghiệp chướng sẽ tiêu trừ, căn lành sẽ tăng trưởng. Có rất nhiều sự tích nói về sự linh cảm của Ngài, nay tôi xin kể một chuyện xẩy ra tại đất Mỹ. Có một bà đến nhà thương để sanh con. Đây là một trường hợp đẻ khó, nên bác sĩ phải giải phẫu để lấy đứa nhỏ ra, nhưng trong khi mổ người ta cắt phải ống dẫn nước tiểu của sản phụ mà không hay biết. Sau khi mổ và khâu lại, người sản phụ về nhà được mấy ngày mà không hề đi tiểu tiện, trong khi đó thân thể sưng lên. Thấy sự việc xảy ra bất thường, bà này bèn đến bác sĩ hỏi bệnh nhưng bác sĩ cũng không hiểu là bệnh gì. Sau thấy toàn thân phù thũng, bệnh nhân đành phải đi khám lại bệnh tình, lúc đó huyết áp đã xuống thấp tới 18 độ, độc tố tích lại cùng mình, không cách gì chữa trị, đành nằm chờ chết. Một số thân hữu của nạn nhân gọi điện thoại tới Vạn Phật Thành cầu cứu. Người ta báo cáo cho tôi hay, tôi bảo họ hãy thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Họ rất thành tâm niệm Ngài Quán Âm, và chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ sau, phù thũng tiêu dần, huyết áp tăng lên, đường nước tiểu thông trở lại, nạn nhân phục hồi sức khỏe rất nhanh chóng rồi xuất viện. Các sự tích về trường hợp từ cửa tử thần, hay từ bệnh nguy ngập mà hồi sanh, hay các chuyện tiêu tai giải nạn, ở tại thành Vạn Phật, kể ra không hết, nay tôi chỉ kể một câu chuyện đó mà thôi.



19. Truyền Thọ Chú Khai Trí Huệ[^]

Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, gọi tắt là Tâm Kinh, có thể khai mở trí huệ, giúp cho xa lìa điên đảo, mộng tưởng.

Kinh nói:

Bồ-tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu bát-nhã ba-la-mật-đa, bèn soi thấy năm uẩn đều không, độ hết mọi khổ ách. Này, Xá-lợi-tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy cả. Này, Xá-lợi-tử, các pháp đều là tướng không . . .

Nếu như soi thấy được hết mọi pháp là hư ảo, là bồng bềnh, thì có thể buông bỏ hết, đạt được giải thoát.

Trong chú Thủ-lăng-nghiêm cũng có hai câu, có thể khai mở trí huệ, tới tối ngày mai tôi sẽ truyền lại cho các vị. Muốn có tiền không? Không muốn. Có câu nói: "Ngàn lượng vàng ròng không bán Đạo, tới ngả ba đường ti­n tri âm' (Thiên lượng hoàng kim bất mại đạo, thập tự nhai đầu tống tri âm). Nếu trí huệ được khai mở thì sẽ chứng sự tự tại, hết mọi phiền não và Bồ-đề sẽ hiện ra trước mắt.



20. Sáu Nẻo Luân Hồi [^]

Tại sao chúng ta điên đảo? Bởi vì không có trí huệ. Vì đâu mà bội giác hiệp trần, hiệp với trần cảnh mà quay lưng với giác ngộ? Cũng là do không có trí huệ. Vì đâu mà luân chuyển trong sáu nẻo? Lại cũng là do không có trí huệ. Bởi vậy cho nên, tu đạo phải lấy trí huệ làm đầu. Phật phải tu phước và tu huệ, phước huệ cùng tu, Ngài mới chứng bậc Vô thượng giác.

"Chớ cho rằng điều thiện nhỏ mà không làm," tu phước là như thế đó. "Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm," đó là tu huệ. "Các điều ác không làm," đây là tu huệ. "Các điều thiện đều làm," vậy là tu phước. Cho nên người tu đạo chớ có ham những tiện nghi nhỏ, lấy cái ít làm đầy đủ, và phải nhớ rằng tất cả đều là mộng huy­n, như bọt như ảnh, chẳng được lâu dài. Điều nhận thức cần thiết này phải hiểu cho rõ, không để cho lợi danh chốn thế tục làm cho mê mờ. Như câu: "Thấy sự tỉnh sự là xuất thế gian, thấy sự mê sự là bị trầm luân" (kiến sự tỉnh sự xuất thế gian, kiến sự mê sự đọa trầm luân), vậy nên chúng ta phải hết mực nhanh chóng vượt khỏi sáu nẻo luân hồi.

Sáu nẻo luân hồi là gì? Tức là trời, người, a-tu-la, súc sanh, quỷ đói, địa ngục. Sáu nẻo tuy không giống nhau, nhưng cùng nhau luân chuyển, tuần hoàn. Thân phận chúng ta cũng như một hạt bụi trong không gian, phút chốc ở tầng trời, phút chốc làm người, phút chốc làm súc sanh, làm quỷ đói, không có gì là nhất định, không thể làm chủ được mình. Tu hành là cốt để chấm dứt sanh tử, thoát khỏi sự trói buộc của vòng luân hồi. Phước trời hưởng hết thì lại đi xuống, bởi vậy có câu:

Lục dục chư thiên cụ ngũ suy,

Tam thiền thiên thượng hữu phong tai,

Nhiệm quân tu đáo phi phi tưởng,

Bất như Tây phương quy khứ lai.

Dịch nghĩa là:

Các tầng trời dục giới có ngũ suy.

Trên trời tam thiền (của Sắc giới) có nạn gió bão.

Cho dù tu lên được tầng trời phi phi tưởng (của vô sắc giới).

Chẳng bằng đi về cõi Tây phương.

Tưởng đã ra khỏi được luân hồi, hóa ra vẫn còn bị luân chuyển, qua mấy câu châm biếm trên. Hãy tinh tấn tu hành.

Con người ta chưa biết khổ, nên chưa biết tu, chớ nghĩ rằng thân phận súc sanh thì rất xa với chúng ta, kỳ thực súc sanh cũng có xương thịt như chúng ta, nếu chúng ta không chịu tu, thì chỉ thoáng qua trong nháy mắt chúng ta lại bị đọa xuống làm thú. Mỗi cá nhân có một địa ngục riêng của mình, có phiền não tức có địa ngục. Bởi vậy quý vị nên mau mau tu đạo, thoát khỏi sáu nẻo trong luân hồi thì mới giải thoát được.


--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |

--- o0o ---

Vi tính : Diệu Nga - Samuel

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2011(Xem: 9518)
Thôi Hiệu (704-754), người Biện Châu, huyện Khai Phong, nay là mộtthành phố lớn thuộc tỉnh Hà Nam. Thôi Hiệu đi chơi tỉnhVũ Xương, trèo lên lầu Hoàng Hạc tức cảnh đề thơ. Bàithơ viết theo thể thất ngôn, lấy tựa là Lầu Hoàng Hạc,dịch âm như sau :
13/01/2011(Xem: 8048)
Ý thức về dòng họ là nét văn hóa tiêu biểu của người phương Đông, ở phương Đông khi nhắc đến một nhân vật, một vĩ nhân hay một người bình thường điều đầu tiên mọi người hỏi đến là tên gì họ gì. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, khi ứng thân trên cuộc đời này ngài cũng là con cháuthuộc dòng họ Thích Ca ở Ấn Độ.
12/01/2011(Xem: 8094)
Trong thời gian giáo lý của đức Phật đươ.c truyền bá khắp nơi trên Á Châu và thế giới, có nhiều trường phái với nhiều lối giải thích về Phật pháp khác nhau đươ.c sinh lên. Mỗi trường phái chú trọng vào một điểm riêng, có một hệ thống thần học riêng và những phương tiện khéo léo riêng biệt. Mặc dù các truyền thống khác nhau ấy có thể không đồng ý về một số điểm trong giáo lý đức Phật, nhưng có một công thức giáo pháp chung mà bao giờ cũng vẫn là trọng tâm của mọi truyền thống, đó là : Tứ Diệu Đế hay là Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm.
11/01/2011(Xem: 12921)
Để hỗ trợ cho việc phát triển và thực thi tâm hạnh từ bi, việc chủ yếu là phải vượt qua những chướng ngại. Nơi đó, hạnh nhẫn nhục đóng vai trò quan trọng...
09/01/2011(Xem: 11470)
Milarepa là Thánh St. Francis của Tây Tạng. Chúng ta không thể nhầm lẫn âm điệu của những ca khúc này với âm điệu của những ca khúc Fioretti...
09/01/2011(Xem: 7398)
Sự hiểu biết về sự vật hiện tượng thông thường đơn thuần chỉ là trí tuệ thế gian. Liệu loại trí tuệ này có thực sự giúp ta tiến bước trên con đường giác ngộ hay không...
06/01/2011(Xem: 9151)
Cũng trên đường Bolsa, nơi cù lao phân chia đại lộ thành hai chiều xe qua lại, người ta trồng một số cây cảnh và sắp một vài tảng đá tạo thành một hòn giả sơn nho nhỏ. Ngay chỗ đó, khách qua lại vẫn thường trông thấy một nhà sư ôm bình bát đứng yên. Đầu đội trời, chân đạp đất. Trời nắng chang chang những ngày vào hạ. Trong các văn phòng, và trên xe, mọi người đều mở máy lạnh. Riêng một nhà sư tuổi trẻ, trang nghiêm đứng ôm bình bát, mắt nhắm lim dim, dáng thẳng, bất động, như một pho tượng.
06/01/2011(Xem: 15741)
Tác phẩm này như một chìa khóa mở ra con đường dẫn dắt những hành giả sơ căn đến với Pháp. Do đó, những ai quan tâm đến nó sẽ hưởng được những lợi ích lớn lao.
06/01/2011(Xem: 9166)
Nhiều chuyên gia Âu Mỹ cho rằng: Phật tử cũng như người Ấn Độ rất hiền hậu, không thích gây hấn, và rất dễ chung sống hòa bình với người khác. Nhìn Đạo Phật, thấy luôn, đó là những người mang tính hòa giải rất cao. Phật tử không chỉ hòa giải với người khác mà họ còn hòa giải với từng con vật bé nhỏ. Họ không sát sinh, như thể sợ rằng, mình ăn thịt chúng, rồi không thoát được kiếp luân hồi sinh tử, đến một ngày nào lại phải trở thành một con vật nào đó, để cho con vật đã từng bị mình ăn thịt ăn lại.
06/01/2011(Xem: 6868)
Hầu như mọi nỗ lực của con người đều nhắm vào mục đích tìm kiếm một đời sống hạnh phúc. Nhưng thử hỏi mấy ai đã thành công trong mưu cầu tạo dựng một nền hạnh phúc đích thực. Nhiều người càng cố gắng truy tìm hạnh phúc thì nó càng trở nên xa vời đối với họ, trong khi nhiều người khác đã nắm sẵn hạnh phúc trong tay nhưng lại thả mồi bắt bóng để rồi cuối cùng hạnh phúc cũng vuột khỏi tầm tay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]