Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG 7: NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC CHO NHÂN LOẠI

03/04/201312:59(Xem: 24914)
CHƯƠNG 7: NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC CHO NHÂN LOẠI

vstp-bia

Vì sao tin Phật

Hòa thượng K. Sri Dhammananda

Thích Tâm Quang dịch Việt,
California, Hoa Kỳ, 1997

Nguyên tác: What Buddhists believe, Malaysia, 1987


---o0o---

PHẦN III

SỐNG THEO CHÁNH PHÁP

Chương 7

NỀN TẢNG LUÂN LÝ CHO NHÂN LOẠI

-ooOoo-

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG LÀGÌ?

Con người là quả vị cao nhất trên cây tiến hóa. Chính con người phải nhận định được vị trí của mình trong thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa thực sự của đời sống.

Muốn biết mục đích của cuộc đời, bạn phải nghiên cứu nó qua kinh nghiệm và tuệ giác của bạn. Rồi, bạn sẽ tự mình khám phá ra ý nghĩa thực sự của đời sống. Bạn có thể nhận được những lời hướng dẫn, nhưng bạn phải tạo các điều kiện để sự nhận định phát xuất từ nơi bạn.

Có một số điều kiện tiên quyết để khám phá mục đích của cuộc đời. Trước tiên, bạn phải hiểu bản chất của con người và bản chất của đời sống. Tiếp theo, bạn phải giữ tâm bạn bình thản và khách quan trong việc chọn một tôn giáo. Khi bạn hội đủ các điều kiện đó, câu trả lời bạn tìm kiếm sẽ đến giống như con mưa phùn từ trên trời rơi xuống.

HIỂU RÕ BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI

Con người có thừa đủ khả năng trong tay để lên đến mặt trăng và khám phá những điều kỳ diệu của vũ trụ, nhưng con người chưa thể đào sâu việc nghiên cứu bên trong, nội tâm của mình. Con người chưa hiểu được làm thế nào cho tâm phát triển hết tiềm năng để có thể thấu triệt được bản chất thực sự của mình.

Cho đến bây giờ, con người vẩn nằm trong vô minh. Con người chưa hiểu được mình thực ra là gì và cái gì mong đợi nơi mình. Kết quả con người giải thích sai lầm mọi điều và hành động theo sự giải thích lầm lẫn ấy. Phải chăng tất cả toàn bộ văn minh của chúng ta đều xây dựng trên sự giải thích sai lầm này sao? Sự thất bại trong việc tìm hiểu cuộc sống dẫn con người đến việc khoác trên mình một lý lịch sai lầm của một cái ngã ích kỷ cao ngạo, và cho là đúng cái không đúng hay cái không đúng là đúng.

Con người phải nỗ lực vượt khỏi vô minh để tiến đến hiểu biết và giác ngộ. Tất cả các vĩ nhân đều là con người sanh ra từ lòng mẹ, nhưng họ đã nỗ lực làm việc để trở thành vĩ đại. Hiểu biết và giác ngộ không thể rót vào tâm con người như rót nước vào bồn. Đức Phật cũng phải trau dồi rèn luyện tâm ý để hiểu được bản chất thực sự của con nguời.

Con người có thể giác ngộ - thành Phật - n��u người đó tỉnh dậy từ mê mờ tạo ra bởi vô minh trong tâm của chính mình, và trở thành hoàn toàn tỉnh giác. Phải hiểu rằng cái mà người đó có ngày nay là kết quả của một số không kể siết những gì đã lập đi lập lại trong tư tuởng và hành động trong quá khứ. Con người không phải đã được làm sẵn mà đã không ngừng tiếp diễn trong tiến trình tiến hóa và thay đổi. Đó là đặc tính của vô thường mà tương lai tùy thuộc, vì đó có nghĩa là con người tự mình có thể rèn đúc tính tình và vận mạng của mình qua sự lựa chọn các hành động, nói năng và tư tưởng của mình. Đương nhiên con người trở thành tư tưởng và những hành động mà tự mình chọn lựa áp dụng. Con người là quả cao nhất trên cây tiến hóa. Chính con người phải hiểu được vị trí của mình trong thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa thực sự của đời mình.

HIỂU RÕ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI SỐNG

Hầu hết con người không thích đối đầu với những sự thật của đời sống và ưa tự ru ngủ vào cảm giác an toàn giả tạo bằng những giấc mơ và tưởng tượng êm đềm. Họ sai lầm lấy bóng làm thật. Họ thất bại không hiểu được đời sống là bấp bênh, cái chết mới là điều chắc chắn. Một cách để hiểu đời sống là phải nhìn thẳng và thấu hiểu cái chết, cái chết chẳng qua chỉ là một kết liễu tạm thời cho một cuộc sống tạm thời. Nhưng đa số không thích nghe ngay cả đến tiếng "chết". Họ quên rằng chết sẽ đến, dù thích hay không thích. Suy nghĩ đến cái chết với một thái độ chính đáng giúp cho một người có can đảm và bình tĩnh cũng như có tuệ giác về bản chất của kiếp sống.

Ngoài việc hiểu về cái chết, chúng ta cần phải thấu rõ hơn đời sống của chúng ta. Chúng ta sống một cuộc sống không bao giờ được êm suôi như chúng ta mong cầu. Thông thường, chúng ta hay gặp khó khăn và trở ngại. Chúng ta không nên sợ hãi vì sức thâm nhập vào bản chất thực sự, vào các khó khăn và trở ngại ấy, có thể cung cấp cho chúng ta một tuệ giác sâu sắc về đời sống. Thế giới hạnh phúc trong của cải, xa hoa, địa vị cao sang trong đời sống mà mọi người mong cầu chỉ là ảo tưởng. Sự kiện về việc bán thuốc ngủ, thuốc an thần, về con số trường hợp phải điều trị tại các viện thần kinh và mức độ tự tử gia tăng rất nhiều trong thế giới vật chất hiện đại thừa đủ để chứng minh chúng ta phải bỏ qua các lạc thú vật chất thế tục để đi tìm hạnh phúc thực sự.

SỰ CẦN THIẾT CÓ MỘT TÔN GIÁO

Muốn hiểu mục đích thực sự của đời sống, ta thường được khuyên là nên chọn lựa và tuân hành một hệ thống luân lý đạo đức có thể giúp ta tránh được các hành vi tội lỗi, khuyến khích làm điều thiện, thanh tịnh hóa tâm ý. Đơn giản chúng ta gọi hệ thống này là tôn giáo.

Tôn giáo là biểu hiện của con người đấu tranh: tôn giáo là sức mạnh vĩ đại của con người, dẫn con người đến sự tự chứng ngộ. Tôn giáo có sức mạnh biến đổi một con người tiêu cực thành một con người có nhiều đức tính tích cực. Tôn giáo thay đổi kẻ đê tiện thành người cao thượng, kẻ ích kỷ thành người hào phóng, kẻ tự hào thành người khiêm tốn, kẻ kiêu ngạo thành người nhẫn nhục, kẻ tham lam thành người nhân đức, kẻ ác thành người hiền, kẻ chủ quan thành người khách quan. Tuy không hoàn toàn, nhưng tôn giáo nào cũng mong muốn cải tạo đời sống con người. Từ thời thượng cổ, tôn giáo đã là cội nguồn của cảm hứng văn hóa và mỹ thuật. Mặc dù nhiều hình thức tôn giáo đã xuất hiện suốt chiều dài lịch sử, một số đã bị mai một và quên lãng nhưng tôn giáo nào lúc đương thời cũng đóng góp vào sự tiến bộ của loài người. Cơ Đốc Giáo giúp văn minh Tây Phương phát triển, và ảnh hưởng suy kém của tôn giáo này được đánh dấu chiều hướng đi xuống của tinh thần Âu Mỹ. Phật Giáo đã văn minh hóa một phần lớn Đông Phương trước đây rất lâu nay vẫn hãy còn là một lực lượng mạnh mẽ, và trong thời đại kiến thức khoa học này, càng ngày càng bành trướng, và gia tăng ảnh huởng. Phật Giáo không hề có một đối nghịch nào với kiến thức hiện đại ở bất cứ điểm nào, mà còn bao quát và siêu việt tất cả mọi kiến thức theo một đường lối mà từ trước tới nay chưa có một hệ thống tư tưởng nào thực thi giống như thế. Người Phương Tây tìm cách chiếm đoạt vũ trụ cho cứu cánh vật chất. Phật Giáo và các triết gia Đông Phương nỗ lực đạt đến sự hòa hợp vói thiên nhiên hay sự thỏa mãn về tinh thần.

Tôn giáo dạy con người cách lắng đọng các giác quan và làm tâm ý an lạc. Bí quyết của sự trấn an giác quan là loại bỏ tham dục, gốc rễ của của những xáo trộn của chúng ta. Có được hạnh tri túc là điều rất quan trọng. Con người càng tham đắm của cải bao nhiêu thì lại càng khổ sở bấy nhiêu. Của cải không đem lại hạnh phúc. Hầu hết những người giàu có trên thế giới ngày nay đều đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tất cả tiền bạc mà họ có cũng không thể mua được giải pháp cho những vấn đề của họ. Vậy mà những người nghèo khi đã học được hạnh tri túc lại có thể an hưởng cuộc sống vui vẻ hơn là những người giàu có như vần thơ sau:

"Kẻ có nhiều lại càng tham đắm
Ta tuy nghèo nhưng chẳng tìm thêm.
Họ thực nghèo dù của nhiều hơn,
Ta giàu có tuy không tích giữ,
Họ nghèo, ta giàu, họ xin, ta thí,
Họ thiếu, ta đủ, họ héo hon, ta vui sống".

ĐI TÌM MỘT MỤC ĐÍCH CHO ĐỜI SỐNG

Mỗi người đều có mục đích sống khác nhau. Nghệ sĩ hướng mục đích của đời mình vào những kiệt phẩm sẽ mãi được lưu lại ngàn sau khi đã mệnh một. Khoa học gia mong muốn khám phá định luật nào đó, phát minh lý thuyết mới, hay sáng chế máy móc mới. Chính trị gia mong muốn trở thành thủ tướng hay tổng thống. Một nhân viên trẻ thừa hành mong muốn trở thành giám đốc điều khiển một công ty quốc tế lớn. Nhưng khi bạn hỏi người nghệ sĩ, khoa học gia, chính trị gia, và nhân viên trẻ thừa hành tại sao họ lại nhằm vào các mục tiêu như vậy, họ sẽ trả rằng những thành quả đó cho họ mục đích để sống và làm cho họ hạnh phúc. Mọi người đều hướng về hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng kinh nghiệm cho thấy mục tiêu mong ước khó mà đạt được.

CHỨNG NGHIỆM

Một khi chúng ta chứng nghiệm được bản chất của đời sống (qua đặc tính bất-toại-nguyện, vô thường, vô ngã) cũng như bản chất của lòng tham ái của con người, và các phương tiện để đạt thỏa mãn, chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao hạnh phúc tìm cầu của nhiều người thật khó nắm được chẳng khác gì nắm bắt ánh trăng trong bàn tay. Họ cố gắng tìm hạnh phúc qua thu thập tích lữy. Khi thất bại trong việc tích lữy của cải, địa vị, quyền thế, danh vọng, trong tìm cầu lạc thú từ sự thỏa mãn giác quan, họ héo hon và đau khổ, thèm muốn được như những người khác đã thành công.

Tuy nhiên cả đến khi họ được toại nguyện về những thứ mong cầu, họ vẫn đau khổ vì bây giờ họ lại sợ mất những gì đã có, hay lại muốn có thêm nhiều của cải, địa vị, quyền thế, và lạc thú nhiều hơn nữa. Lòng tham dục của họ hầu như chẳng bao giờ được thỏa mãn. Cho nên hiểu biết được bản chất đời sống thật quả là thiết yếu để chúng ta không lãng phí quá nhiều thì giờ vào những việc không thể làm được.

Vậy nên tôn giáo trở nên quan trọng vì tôn giáo khuyến khích hạnh tri túc và thuyết phục con người đừng nên chú trọng đến những đòi hỏi của nhục dục và cái ta. Trong một tôn giáo như đạo Phật, con người được nhắc nhở chính mình là kẻ thừa kế nghiệp của mình, và là chủ tể số phận của mình. Muốn đạt hạnh phúc nhiều hơn, người đó phải chuẩn bị đi trước những lạc thú phù du ngắn ngủi. Dù một người không tin có kiếp sống sau khi chết, người đó cũng thừa hiểu để biết rằng phải sống một cuộc sống lương thiện, cao quý trên trái đất, vui sống trong an lạc và hạnh phúc ngay đây và lúc này, cũng như thể hiện các hành động đem lợi ích cho chính mình và đem hạnh phúc cho người khác. Sống một cuộc sống tích cực và lương thiện trên trái đất, tạo hạnh phúc cho chính mình và người khác như thế hẳn tốt hơn là sống một cuộc sống ích kỷ chỉ biết thỏa mãn cái ta và lòng tham của mình.

Tuy nhiên nếu một người tin tưởng có đời sống sau khi chết, theo Nghiệp Luật, người đó sẽ tái sanh phù hợp với phẩm chất của những hành động của mình. Một người có nhiều hành động thiện, người đó sẽ sinh vào những hoàn cảnh tốt đẹp, giàu sang và thành đạt, đẹp đẽ và cường tráng, sức khỏe tốt, và gặp thầy tốt bạn hiền. Những hành động lương thiện cũng dẫn con người tái sanh lên cảnh trời và những bình diện cao hơn, trong khi những hành động bất lương dẫn đến những cảnh giới đau khổ. Khi một người thấu đáo định luật của Nghiệp, người đó sẽ nỗ lực tránh những hành động xấu xa, và trau dồi các hành động thiện. Hành động như vậy, người đó được lợi lạc không những ngay trong đời sống hiện tại, mà còn về nhiều kiếp sau.

Khi ta thấu hiểu bản chất của con người, thì một số chứng nghiệm quan trọng sẽ sanh khởi. Ta sẽ thấu triệt được rằng không giống như một hòn sỏi hay một cục đá, con người có một tiềm năng sung mãn để vun bồi trí tuệ, từ bi, và tỉnh thức - và người đó sẽ được chuyển hóa do sự tự phát triển và tiến bộ này. Ta cũng hiểu rằng không dễ dàng gì được sanh làm nguời, đặc biệt hơn nữa không dễ dàng gì lại có duyên được nghe Phật Pháp. Hơn nữa, ta lại hiểu rõ rằng đời sống vô thường, cho nên phải nỗ lực tu tập Giáo Pháp trong khi đang được ở trong hoàn cảnh thuận tiện. Ta chứng nghiệm được rằng thực hành Giáo Pháp là một tiến trình giáo dục suốt đời giúp mình giải tỏa tiềm năng thực sự bị chôn vùi trong tâm do vô minh và tham dục.

Căn cứ vào chứng nghiệm và hiểu biết ấy, ta sẽ càng cố gắng có chánh niệm hơn nữa về nội dung và cách thức mà ta suy nghĩ, lời nói và hành động. Ta sẽ xét xem tư tưởng, lời nói và hành động có đem lợi ích, có phát xuất từ lòng từ bi, và có hiệu quả tốt cho mình và người khác hay không. Ta sẽ hiểu được chân giá trị của việc đi trên con đường dẫn đến sự chuyển hóa toàn diện mà người Phật Tử được biết đó là Bát Chánh Đạo. Con đường này giúp ta nâng cao giới hạnh qua việc tránh các hành động tiêu cực và trau dồi các đức tính tích cực dẫn đến sự phát triển cá nhân, tinh thần và tâm linh. Hơn nữa, con đường ấy chứa đựng nhiều kỹ thuật có thể áp dụng để thanh tịnh hóa tư tưởng, mở rộng khả năng của tâm ý, và đem dến sự thay đổi toàn diện tiến tới một nhân phẩm tốt đẹp. Sự tu tập về thiền định này có thể phát triển tâm ý về cả chiều rộng lẫn chiều sâu đối với tất cả những kinh nghiệm của con người, cũng như bản chất và đặc tính của các hiện tượng, đời sống và vũ trụ. Nói tóm lại, sự tu tập này dẫn đến việc rèn luyện trí tuệ. Khi trí tuệ phát triển thì tình thương, tâm từ, lòng tốt, và niềm vui cũng phát triển. Ta sẽ có chánh niệm sâu sắc hơn nữa về tất cả các hình thức của cuộc đời và hiểu biết thấu đáo hơn về các tư tưởng, cảm thọ, và động cơ thúc đẩy của chính mình.

Trong tiến trình của sự tự chuyển hóa, ta sẽ không còn khát vọng được siêu sanh xem như là mục tiêu tối hậu của đời mình nữa. Ta sẽ hướng về một mục tiêu cao cả hơn, và tự mình theo gương mẫu của Đức Phật, bậc đã đạt đến mức toàn bích của con người, đã đạt đến trạng thái không thể diễn tả được mà chúng ta gọi là Giác Ngộ hay Niết Bàn. Tại đây, ta sẽ đặt hết lòng tin tưởng sâu xa vào Tam Bảo và tuân hành theo Đức Phật như một mẫu mực lý tưởng về tinh thần của mình. Hành giả sẽ nỗ lực nhổ tận gốc rễ lòng tham dục, phát triển trí tuệ và từ bi, và giải thoát khỏi xiềng xích trói buộc của Luân Hồi.

PHẬT GIÁO VỚI CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI

Tôn giáo này có thể thực hành ngay trong xã hội hay nơi ẩn dật.

Có một số người tin Phật Giáo là một hệ thống quá cao thượng và siêu việt nên một người nam hay một người nữ bình thuờng không thể thực hành được trong thế giới hàng ngày. Họ nghĩ rằng phải vào tu tập trong một tu viện hay một nơi yên tĩnh nếu muốn trở thành một Phật Tử đúng nghĩa.

Trên đây là một quan niệm đáng buồn do sự thiếu hiểu biết Phật Giáo. Người ta đi đến kết luận vội vàng này sau khi tình cờ đọc hay nghe thấy một điều gì đó về Phật Giáo. Một số người lập luận về Phật Giáo sau khi đọc m?t số bài hay sách chỉ nói lên một khía cạnh hay quan niệm một chiều về Phật Giáo. Tác giả của các bài và sách đó chỉ hiểu biết giới hạn về Giáo Lý của Đức Phật. Giáo Lý của Ngài không phải chỉ dành riêng cho các nhà sư trong tu viện. Giáo Lý của Ngài áp dụng cho mọi người, nam và nữ bình thường sống với gia đình. Bát Chánh Đạo là cách sống theo đạo Phật ứng dụng cho tất cả mọi người. Lối sống này được cống hiến cho tất cả nhân loại không có một sự phân biệt nào.

Đại đa số trên thế giới không thể trở thành nhà sư hay sống ẩn dật trong hang động hay rừng rú. Dù Phật Giáo có cao quý và thanh tịnh cũng sẽ vô dụng cho quần chúng nếu họ không áp dụng được đạo vào cuộc sống hàng ngày trên thế giới hiện đại này. Nhưng nếu bạn hiểu được tinh thần Phật Giáo một cách đứng đắn, chắc chắn bạn, một người sống đời bình thường trên cõi đời này, có thể noi theo và tu tập được.

Có một số người cảm thấy dễ dàng và thuận lợi hơn cho việc hành đạo bằng cách sống ẩn dật ở một nơi hẻo lánh, nói một cách khác bằng cách tự tách mình ra khỏi xã hội. Tuy vậy một số người khác cho rằng sống rút lui như thế buồn nản và suy nhược cả vật chất lẫn tinh thần không dẫn đến sự phát triển đời sống tâm linh và trí thức. Sự từ bỏ thế tục thực sự không có nghĩa là đào thoát cõi đời này về mặt vật chất. Ngài Xá Lợi Phất, đệ tử lớn nhất của Đức Phật, nói rằng một người có thể sống trong rừng tu hành khổ hạnh nhưng tâm ý đầy tư tưởng bất tịnh và "ô trược". Còn người khác có thể sống trong làng xóm hay phố thị, không tu khổ hạnh, nhưng tâm ý vẫn trong sạch không "ô nhiễm". Với hai người đó, Ngài Xá Lợi Phất nói, kẻ sống cuộc sống thanh tịnh dù ở làng mạc hay thành thị vẫn cao cả hơn kẻ sống trong rừng núi. (Majjhima Nikaya - Trung Bộ Kinh).

Niềm tin chung chung cho rằng muốn tu tập giáo lý của Đức Phật phải từ bỏ cuộc sống gia đình là một quan niệm sai lầm. Quả là một cách bào chữa vô ý thức chống lại việc tu tập. Có không biết bao nhiêu lời Phật dạy cho các nam nữ Phật Tử bình thường sống có gia đình đã thành công trong việc hành theo lời Ngài dạy và chứng ngộ Niết Bàn. Vị du tăng Vacchagotta có lần hỏi thẳng Đức Phật phải chăng có những nam nữ cư sĩ có gia đình tu tập giáo lý của Ngài đã thành công và đạt mức độ tinh thần cao. Đức Phật khẳng định có rất nhiều nam và nữ cư sĩ có gia đình, tu tập giáo lý của Ngài, đã thành công và đạt những mức độ tinh thần cao.

Có một số người cảm thấy thích thú được sống ở một nơi yên tĩnh không bị quấy rầy bởi huyến náo và xáo trộn. Nhưng thật đáng ca ngợi những người can đảm tu tập Phật Pháp ngay giữa đám đông người, giúp đỡ đồng bào và phục vụ đồng bào. Một vài truờng hợp cũng rất hữu ích cho hành giả sống ẩn dật một thời gian để tăng tiến tâm ý và tính nết, giới hạnh, rèn luyện tinh thần và tri thức, để sau này có đủ sức mạnh bước ra ngoài đời giúp đỡ người khác. Nhưng nếu một người sống lẻ loi, chỉ nghĩ đến hạnh phúc và giải thoát riêng tư cho mình, bất kể đến người đồng chủng của mình, chắc chắn là họ không đi đúng với giáo lý của Đức Phật căn cứ vào hạnh từ bi và phục vụ chúng sinh.

Bây giờ ta có thể hỏi: "Nếu một người tu tập Phật Pháp vẫn có thể sống một cuộc đời bình thuờng, tại sao Đức Phật lại thành lập đoàn thể Tăng Già, đoàn thể các thầy tu?" Đoàn thể Tăng Già giúp cơ hội cho những ai muốn hiến dâng đời mình không những chỉ để phát triển tinh thần và tri thức của mình, mà còn để phục vụ người khác. Một cư sĩ bình thường có gia đình không thể hiến trọn đời mình phục vụ cho người khác, trong khi một nhà Sư, không bị trách nhiệm gia đình và các trói buộc thế tục, có hoàn cảnh thuận lợi hơn để hiến dâng đời mình "vì lợi ích cho nhiều người" (Tiến Sĩ Walpola Rahula).

Và cái gì là "lợi ích" mà nhiều người được hưởng? Chư Tăng không thể cho người cư sĩ vật chất tiện nghi, nhưng có thể hướng dẫn tinh thần cho những ai bị khó khăn, dao động về thế gian gia đình vân vân.... Người tu đặt trọn đời mình trong sự nghiệp mở mang kiến thức về Giáo Pháp do Đức Phật giảng dạy. Chư Tăng giảng giáo lý dưới hình thức đơn giản cho những người cư sĩ không có bổn sư. Nếu người cư sĩ có văn hóa cao có thể thảo luận những khía cạnh sâu xa hơn về giáo lý và cả hai cư sĩ và tăng sĩ đều thâu thập được lợi ích tinh thần từ những vấn đề trao đổi.

Trong những xứ Phật Giáo, các nhà sư chịu trách nhiệm nhiều về giáo dục giới trẻ. Kết quả của sự đóng góp này là tại những xứ ấy dân chúng biết chữ và rất giỏi về những giá trị tinh thần. Chư tăng cũng an ủi kẻ khốn cùng và người quẫn trí bằng cách giảng dạy cho họ hiểu là tất cả nhân loại đều phải chịu đựng những xáo trộn tương tự như vậy.

Ngược lại, người cư sĩ cũng sẵn sàng cúng dường cho chư tăng các vật dụng, thực phẩm, chỗ tạm trú, thuốc men và quần áo vì chư tăng không có điều kiện để mua sắm tứ vật dụng này. Trong việc tu tập Phật Pháp, sự cúng dường coi như góp phần công đức của người cư sĩ để gìn giữ sức khỏe cho chư tăng để hỗ trợ chư tăng tiếp tục chăm lo nhu cầu tinh thần cần thiết cho người dân và cho chính sự thanh tịnh của tăng đoàn.

NGƯỜI CƯ SĨ SỐNG THEO CHÁNH PHÁP

Đức Phật coi nguồn phúc lợi kinh tế như một điều kiện cần thiết cho hạnh phúc của con người, nhưng giới hạnh cùng sự phát triển tinh thần cũng là điều kiện cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc, an lạc và tri túc.

Có lần, một người tên Dighajanu đến thăm Đức Phật và hỏi Ngài: "Bạch Đức Thế Tôn, chúng con là người cư sĩ bình thường, chủ gia đình có vợ và con. Kính xin Đấng Thiện Thệ ban cho chúng con những lời dạy nào có thể mang hạnh phúc đến cho chúng con ngay trong thế giới này và về sau?"

Đức Phật cho biết có bốn điều mang hạnh phúc cho con người trên đời này:

- Điều Thứ Nhất: Phải khéo léo, hữu hiệu, sốt sắng và có nghị lực dù làm nghề nghiệp gì, và phải biết rõ về nghề đó;
- Điều Thứ Hai: Phải gìn giữ lợi tức kiếm được chính đáng do mồ hôi của mình;
- Điều Thứ Ba: Nên có bạn tốt, trung thành, học thức, đạo đức, phóng khoáng và thông minh để hướng mình trên con đường ngay thẳng tránh tội lỗi;
- Điều Thứ Tư: Tiêu pha vừa phải, theo mức lợi tức, không nên hoang phí và cũng không nên bỏn xẻn, có nghĩa là không nên keo kiệt tích lữy của cải và cũng không nên phung phí quá độ - nói một cách khác phải nên sống trong phạm vi khả năng của mình.

Rồi Đức Phật giải thích bốn đức hạnh mang hạnh phúc cho người cư sĩ:

1) Saddha (Đức tin): Phải có niềm tin và tin tưởng vào giá trị đạo đức tinh thần và tri thức;
2) Sila (Giới): Gìn giữ tránh xa sát hại, hãm hại, trộm cướp, lường gạt, gian dâm, lừa dối và ma túy;
3) Caga (Từ Bi): Phải nhân từ, bố thí, không luyến ái và tham đắm của cải;
4) Panna (Trí Tuệ): Phải phát triển trí tuệ đưa đến sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau, đạt Niết Bàn.

Đôi khi Đức Phật dạy đến chi tiết như việc để dành tiền và tiêu pha, Ngài dạy thanh niên Sigala chỉ nên tiêu một phần tư lợi tức vào những chi phí thường nhật, dùng một nửa lợi tức kinh doanh và để dành một phần tư cho sư chi tiêu bất thường.

Có lần Đức Phật dạy về bốn loại hạnh phúc cho ông Cấp Cô Độc, Chủ Nhân một ngân hàng lớn, một đệ tử hết lòng đã xây dựng Kỳ Viên Tự tại Savathi, là người cư sĩ sống cuộc đời có gia đình bình thường:

- Hạnh phúc thứ nhất là vui hưởng lợi tức bảo đảm hay tạo dựng của cải chính đáng;
- Hạnh phúc thứ hai là tiêu pha tự do của cải cho mình, gia đình, bạn bè và thân quyến, và vào những việc công đức;
- Hạnh phúc thứ ba là không nợ nần;
- Hạnh phúc thứ tư là sống không lầm lỗi, một đời sống thanh tịnh không phạm tội về ý nghĩ, lời nói hay hành động.

Điều đáng ghi nhận là ba điều đầu thuộc hạnh phúc về kinh tế và vật chất không đáng giá bằng hạnh phúc tinh thần phát sanh từ một cuộc sống lương thiện không lầm lỗi.

Một vài thí dụ trên đây, ta có thể nhìn thấy Đức Phật lưu ý đến nguồn phúc lợi kinh tế như điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài cũng không công nhận tiến bộ vật chất là thật và đúng vì nếu chỉ vật chất không thôi thì nền tảng của tinh thần và đạo đức sẽ không có. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật Giáo cũng đặt nặng việc phát huy đạo đức và tinh thần cho một xã hội hạnh phúc, hòa bình và tri túc.

Nhiều người nghĩ rằng là một người Phật Tử tốt, ta chẳng cần gì đến đời sống vật chất. Điều này không đúng. Điều mà Đức Phật dạy là trong khi chúng ta có thể vui hưởng tiện nghi vật chất nhưng không nên đi đến cực đoan, chúng ta cũng vẫn phải cần mẫn phát triển phương diện tinh thần của cuộc sống. Là cư sĩ trong khi có thể vui hưởng lạc thú giác quan, chúng ta không nên luyến ái quá mức vào các khoái lạc ấy đến độ cùng cực khiến sự tiến bộ tinh thần của chúng ta bị cản trở. Phật Giáo luôn luôn nhấn mạnh sự cần thiết của Trung Đạo đối với con người.

-ooOoo-

Đầu trang| Mục lục| 01| 02| 03| 04| 05a| 05b| 06| 07| 08| 09| 10| 11| 12| 13| 14| 15| 16| 17


Source :
BuddhaSasana Home Page

--- o0o ---

Trình bày: Chân Đức & Nguyên Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6410)
Theo cách nghĩ thông thường của người bên ngoài cửa chùa, Lục Hòa là một nguyên lý, một nguyên tắc hay qui tắc được áp dụng trong Tăng đoàn để có đời sống hòa hợp. Đơn giản mà nói, cách nghĩ ấy đúng. Nhưng dùng chữ “nguyên lý” hay “nguyên tắc” khiến người ta không khỏi có cảm nghĩ rằng để áp dụng Lục Hòa, tập thể xuất gia có vẻ như phải khép mình vào một thứ kỷ luật khắt khe, đầy khuôn khổ, phép tắc và thiếu tình cảm, giống như kỷ luật quân đội.
09/04/2013(Xem: 11660)
Nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan tâm tới chính mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi ngờ. Quan tâm tới lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi ngờ, trong khi đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh niềm tin và tình bằng hữu.
08/04/2013(Xem: 8224)
Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm nhuần năm Mậu Dần, nhằm ngày 24 tháng 6 năm 1998 sau khi làm lễ Bố Tát (Uposatta) tụng giới nơi chánh điện, trở lại thư phòng, tôi bắt đầu viết cho quyển sách của năm nay nhan đề là: Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.
08/04/2013(Xem: 8849)
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
08/04/2013(Xem: 6022)
Sáng nay, tôi đang rửa chén đoại trong quán, Thiện Đạt, một Phật tử công quả tại Chùa hớt hải chạy qua quán báo tin: - Anh Thị Chơn ơi! Anh có biết là Thượng Tọa Thiện Thông đã bị đưa vào nhà thương rồi chưa? - Chuyện gì vậy ? Tôi hỏi.
08/04/2013(Xem: 5496)
Vô thường không phải là một điều xấu, nó cũng có mặt tốt: nếu hạnh phúc không tồn tại mãi mãi, thì sự bất hạnh cũng không vĩnh cửu. Khi hết hạnh phúc, người ta bất hạnh; và người ta cũng trở nên hạnh phúc khi hết bất hạnh. Đi từ trạng thái này qua trạng thái kia xảy ra tự nhiên. Không phải hãm lại sự chuyển động và biết nắm lấy những sự vật như chúng đến, . . .
08/04/2013(Xem: 17017)
Ðể có thể nhận diện được tổng thể hệ thống loại hình sám văn, đó là cách phân loại theo nhóm đề tài và ý nghĩa. Tuy nhiên, vì sám văn có quá nhiều chủ đề, tùy theo lĩnh vực mà sử dụng riêng khác, nên rất phong phú đa dạng. Ðể nắm được tổng thể bố cục của cách phân loại nầy, chúng tôi xin khái lược về các cách phân loại có liên hệ trực tiếp. Qua đó, chúng ta có cơ sở để nhận diện được toàn hệ thống phân loại.
08/04/2013(Xem: 22966)
Quyển sách không nhằm vào chủ đích phân tích những gì trong kinh điển mà đúng hơn là để nhắc nhở chúng ta hãy nên nhìn thẳng vào bản chất của chính mình và của mọi vật thể chung quanh hầu giúp chúng ta biết ứng xử thích nghi hơn với cái bản chất ấy của chúng và để giúp chúng ta trở thành những con người sáng suốt, hoàn hảo và an vui hơn. Bản dịch sang tiếng Việt này được dựa vào ấn bản tiếng Anh của Rod Bucknell và tiếng Pháp của Jeanne Schut trên đây.
08/04/2013(Xem: 14447)
Thời gian cứ mãi trôi. Vạn vật tiếp nối đổi dời thay hình biến sắc chẳng dừng. Bởi tâm người bất định, nên hình thành cảnh vật không thường. Chúng sanh tâm vô thường, nên hình thành cảnh vật bất an. Khác với tâm chúng sanh, tâm những người giác ngộ thì an định, nên tạo thành cảnh vật thường lạc. Vọng tưởng là trạng thái tâm thức si mê, tham vọng, phiền não đảo điên. Bất loạn là thể hiện tâm trí giác ngộ, thường nhiên an lạc.
08/04/2013(Xem: 27072)
Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) trong Kinh tạng Pali (Suttanta Pitaka). Ðây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Pháp (Dhamma) có nghĩa là đạo lý, chân lý, lời dạy của Ðức Phật; Cú (Pada) là lời nói, câu kệ. Ngoài ra, trong ngữ văn Pali, "Pada" còn có nghĩa là con đường. Do đó, Dhammapada thường được dịch là Con đường Chân lý (Path of Truth), Con đường Phật Pháp (Path of the Buddha's Teaching).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]