Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Kathmandu và khuôn mặt vàng

12/02/201216:01(Xem: 7795)
19. Kathmandu và khuôn mặt vàng
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (tt)

KATHMANDU VÀ KHUÔN MẶT VÀNG

Từ Lâm-tì-ni tôi trở về khách sạn Nirwana và tiếc thay phải làm thủ tục "xuất Niết-bàn" để lên máy bay từ Bhairawa về Kathmandu, thủ đô Nepal. Có ba hãng hàng không nội địa với những cái tên đáng kính ngưỡng là Buddha Air, Lumbini Airways và Necon Air chở hành khách từ quê hương của Tất-đạt-đa về Kathmandu cách khoảng 250km. Cuối cùng tôi chọn Necon Air. Đây là công ty hàng không nội địa lớn nhất của Nepal với vài chiếc máy bay hiệu Avro 44 chỗ ngồi.

Từ xa tôi đã thấy đây phải là chiếc máy bay cũ nhất mà tôi từng bước lên. Đó là chiếc máy bay có ba bánh, bánh sau thấp hơn hẳn hai bánh trước nên thân máy bay không thẳng mà nghiêng, thứ máy bay tôi từng thấy tại xứ ta thời còn nhỏ xa xưa. Lên cầu thang tôi thấy rõ hàng ngàn những chiếc đinh tán cũ kỹ trên thân máy bay và tự hỏi liệu chúng còn sức chịu đựng. Nhìn kỹ tôi thấy lờ mờ hàng chữ "chế tạo tại vương quốc Anh" và nghĩ rằng chiếc máy bay của thời cố hỉ cố lai này chắc có may mắn thoát khỏi trận oanh tạc của Hitler trong thời thế chiến thứ hai. Nó cũng sẽ mang lại may mắn cho tôi.

Tôi sớm quên chiếc máy bay cũ kỹ này vì mãi ngắm nhìn rặng Hy-mã lạp sơn từ trên không. Chúng tôi bay về hướng đông bắc, ngọn Everest nằm phía trước, hành khách không thể thấy. Thế nhưng rặng Hy-mã lạp sơn là một dãy núi dài trên 6000km, khắp nơi là những đỉnh toàn trên 7000m, núi tiếp núi, mây liền mây, không phân biệt được đâu là mây đâu là núi. Về sau rời Kathmandu đi Bangkok lần đầu tiên tôi được thấy đỉnh Everest. Đỉnh núi đầy tuyết nên phải nhìn kỹ ta mới thấy được nó, bầu trời và đỉnh núi hòa lẫn vào nhau một màu. Chiều cao của Everest thật là khủng khiếp, giữa các đỉnh bảy tám ngàn mét mà nó vẫn như một chiếc nón chụp lên các đỉnh.

Nhìn các rặng núi luôn luôn tôi có lòng kính sợ, nó phải là trú xứ của thánh thần. Tôi nhớ lại biển cả, tuy nó cũng mênh mông nhưng nó gây cho tôi sự thân tình gần gũi. Những ngọn núi trắng óng ánh màu tuyết, dưới gió núi chúng tung những đám bụi trắng đầy băng giá. Trên những đỉnh đó hẳn không có sinh vật, cây cối không mọc được, chim chóc không thể bay tới, con người không thể leo lên. Thế nhưng hầu như chúng có thần, chúng xa lánh với sinh vật, thù nghịch với sự sống, nhưng chúng vẫn thu hút con người ngưỡng mộ hướng nhìn về chúng.

Về sau tôi biết rằng trên đó vẫn có cây cỏ, chim chóc bay lên đến độ cao năm sáu ngàn mét và con người, một thứ sinh vật kỳ lạ, nó leo lên được các ngọn núi tuyết ấy, có kẻ không cần mặt nạ dưỡng khí. Và hơn thế nữa, có những kẻ độc cư trên các ngọn núi tuyết ấy hàng chục năm. Và nếu con người khi sống trên mặt biển một vài ngày thì tâm lý xã hội đã thay đổi như tôi hay nghe nhiều người kể lại, thì những kẻ sống trên núi cao cũng sớm có những nhận thức khác lạ như Govinda kể trong tác phẩm "Con đường mây trắng" [75]. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi biết những người sống trên núi cao từ năm này qua năm khác thường có những khả năng phi thường.

Máy bay đến gần Kathmandu, phía dưới là núi đồi với vô số ruộng lúa nằm trên các bậc cấp. Máy bay hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Kathmandu, nền hàng không của vương quốc Anh không phải tầm thường, tôi tự nhủ. Sân bay Kathmandu tuy nhỏ nhưng hiện đại, nhìn quanh toàn khách nước ngoài. Sảnh đường đón khách của sân bay có một bức bích họa to lớn diễn tả sự tích Phật đản sinh, chỗ tôi mới viếng sớm hôm nay. Thì ra Nepal rất hãnh diện về Lâm-tì-ni, đó là một thánh tích nằm trong nước họ. Trên bất cứ một bản đồ nào của họ, dù nhỏ tới mấy, ta cũng tìm thấy hàng chữ ghi Lâm-tì-ni ở cực nam nước Nepal. Dĩ nhiên khách đến Nepal không phải chỉ vì Lâm-tì-ni mà có một số lớn người đi leo núi, họ theo các tuyến "trekking" trên sườn Hy-mã lạp-sơn.

Tôi ngạc nhiên thấy Nepal xem ra tiến bộ hơn Ấn Độ trong nhiều phương diện, nhất là cung cách làm việc trong sân bay, khách sạn, các công ty du lịch. Đây là một xứ nhỏ, dân ít, tiếp xúc nhiều với bên ngoài nhờ khách du lịch. Đời sống xã hội của Nepal cũng đượm màu tôn giáo như Ấn Độ, nơi đây Ấn Độ giáo và Phật giáo hầu như quyện vào nhau để trở thành một. Tại các ngã tư đường trong thành Kathmandu thường người ta tìm thấy một trụ đồng, bốn mặt có bốn tượng đức Thích-ca tay bắt ấn nhìn ra bốn phía. Gần đó là vô số đền tháp, thờ các vị thần Ấn Độ giáo trong dạng thiên nhân, dạng phẫn nộ, dạng voi, dạng khỉ.

Kathmandu là một thành phố nhỏ nhưng có đến bảy đền tháp được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là "di sản văn hóa". Đó là các đền đài phần lớn được xây bằng gỗ, ngày nay bị phủ đầy bằng một lớp bụi dày, không có ngân sách nào tu bổ cho chúng. Tại trung tâm Durbar Square khách du lịch lui tới tấp nập, họ hối hả chụp hình hầu như sợ rằng một ngày gần đây các đền đài đó sẽ sụp đổ vì sự tàn phá của thời gian.

Các đền tháp nọ có thể không còn đứng vững được lâu nhưng nghệ thuật tôn giáo của Nepal chắc vẫn sống mãi, tôi hy vọng thế. Tôi nhớ một ngày nọ tại Delhi, mình lang thang trên một con đường lớn. Trước một tiệm kim hoàn sang trọng tôi thấy một bức tượng nằm trong tủ kính. Tượng trình bày một dáng hình hết sức cao quí, tay cầm lưỡi kiếm. Đầu tượng màu xanh đậm mang vương miện năm cánh, tượng trưng cho năm trí. Mặt bức tượng được phủ bằng một lớp vàng mờ, nét mặt rất trẻ và thanh thoát. Tay mặt tượng cầm lưỡi kiếm bốc lửa, bên trái là hoa sen mang kinh Bát-nhã, bàn tay trái hướng ra ngoài bắt ấn giáo hóa. Tôi biết đó là tượng Văn-thù Sư-lợi, vị bồ-tát chủ trí huệ. Bức tượng này hẳn hết sức đắt tiền, nằm trong tiệm kim hoàn không phải để bán mà để trang hoàng. Tôi càng thấy xa vời, không thể mua. Tôi đến Janpath, khu vực buôn bán của Delhi thì chỉ tìm thấy tượng Văn-thù Sư-lợi bằng đồng, nét thô, còn khuôn mặt bằng vàng mà tôi ưa thích đó không có. Hình tượng thì bằng đất hay đồng cũng chỉ là hình tượng, chất liệu và xấu đẹp không quan trọng, ta nên có tâm vô phân biệt, tôi tự nhủ. Không, nhưng tôi muốn thế, muốn nhìn ngắm khuôn mặt vàng của Văn-thù và hỏi ra mới biết bức tượng đó là nghệ thuật của Nepal.

Vì thế đến Kathmandu, trong lúc mọi người khác tìm đường leo núi, tôi đi tìm bức tượng. Và đã tìm thì ra. Ngày nay bức tượng Văn-thù với khuôn mặt phủ vàng mờ nằm trong phòng làm việc của tôi. Những lúc bí không tìm ra tài liệu, chữ nghĩa khi làm việc, tôi đều nhìn và hỏi thử khuôn mặt vàng cao quí đó.

Ngày nọ, tôi được biết Văn-thù Sư-lợi có "đạo trường" – có người xem là trú xứ – tại Ngũ Đài sơn thuộc tỉnh Sơn Tây ở Trung Quốc. Vì Văn-thù đã giúp nhiều lần khi tôi cần đến, tôi quyết đi Ngũ Đài sơn đảnh lễ Ngài. Về sau tôi mới hay cơ duyên còn cho mình đi nhiều nơi nữa trên đất nước Trung Quốc mênh mông này.

[71] Hình trích của S.Dhammika, sách đã dẫn
[72] tức là A-dục
[73] Thông thường là ¼
[74] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
[75] Govinda, Sách đã dẫn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8409)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
09/04/2013(Xem: 4861)
Đường lên Tây Tạng. - Trình bày: Jordan Thiện, An Lạc & Nhất Tâm
09/04/2013(Xem: 15419)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
09/04/2013(Xem: 8318)
Kính lễ Đức Thế Tôn. - Ví tính: Chúc Khâm Giác Anh Trình bày: Trúc Giang - Trúc San - Quảng Thanh
09/04/2013(Xem: 4666)
Nhìn qua cửa sổ, cái hồ còn dày đặc sương mù, thỉnh thoảng cơn gió thổi qua, rượt bắt, xua đuổi sương dạt về một hướng, hiện rõ trên mặt hồ những cơn sóng nhỏ, mỏng cánh như từng thìa nước. Sóng nhấp nhô, chơi vơi, nối lìền, từng đợt nầy kết nối với đợt sóng khác.
09/04/2013(Xem: 5429)
May mắn làm sao, hôm đó chúng tôi có dịp đi chùa Thầy vào đúng ngày mồng một. Mùa thu xứ Bắc, trời không một chút nắng, thỉnh thoảng có mưa lâm thâm. Người miền Nam ra Bắc chỗ nào cũng muốn đi, muốn đến.
09/04/2013(Xem: 5316)
Chùa Thầy tên chữ là “Thiên Phúc Tự” nằm ở chân núi Sài thuộc địa phận xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý, Thiền sư Từ Ðạo Hạnh.
09/04/2013(Xem: 5035)
Aurangabad, Ấn Độ – Nếu bạn nghĩ rằng thời trang chỉ dành cho quần áo thì bạn nhằm rồi. Các hang động tráng lệ Ajanta và Ellora cách thành phố Aurangabad không xa lạ một trong số những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất vào thời gian Ấn Độ giành được độc lập.
09/04/2013(Xem: 5427)
Về Lumbini, khách hành hương thường đi từ Ấn Độ sang sau khi đã thăm viếng các thánh địa Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển), Kausinara (Câu Thi La), vì Nepal có chính sách visa miễn phí cho các du khách chỉ ở trong vòng 3 ngày. Các công ty du lịch tận dụng điểm này để tiết kiệm chi phí.
27/01/2013(Xem: 6364)
100 địa danh du lịch nổi tiếng ở Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]