Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Thần canh giữ sa mạc

08/03/201103:08(Xem: 5559)
Chương 2: Thần canh giữ sa mạc

AI CẬP HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 2 : THẦN CANH GIỮ SA MẠC

Các vì tinh tú vẫn đua nhau chớp trên nền trời xanh thẫm. Con trăng thượng tuần vẫn tiếp tục chiếu rạng trên đỉnh đầu chúng tôi. Thần tượng Sphinx có vẻ như biến đổi màu sắc nhưng vẫn vươn mình một cách hùng dũng dưới ánh trăng bạc. Tôi day đầu nhìn qua bên trái là nơi mà trong linh ảnh vừa rồi tôi đã nhìn thấy biển cả gầm thét như sấm động và nuốt trôi cả vùng đất liền.

Một con dơi, có lẽ lầm tưởng tôi là phiến đá vô tri bất động như cái bối cảnh chung quanh, vỗ đôi cánh bay xẹt ngang sát cạnh đầu tôi rồi vụt mất, làm cho tôi có một cảm giác ghê tởm và rờn rợn chạy dọc theo trong xương sống. Tôi nghĩ có lẽ nó vừa chui ra từ trong một nấm mồ chôn xác ướp mà người ta vừa khai quật ở vùng gần bên.

Tôi ngắm nhìn cái đồng cát mênh mông chiếm trọn một diện tích hơn ba triệu rưỡi dặm vuông của vùng sa mạc Sahara, kéo dài đến tận chân trời rồi nối liền với một dãy núi đồi dài dựng đứng như thành quách, che chở xứ Ai Cập và vùng châu thổ sông Nile. Thiên nhiên dường như cố ý dựng lên những dãy đồi của xứ Libye để bảo toàn cho Ai Cập khỏi bị chôn vùi dưới đống cát của bãi sa mạc này.

Mối nguy cơ đó là một sự thật hiển nhiên. Mỗi năm, vào đầu mùa xuân, một trận cuồng phong với sức mạnh và tốc độ kinh khủng, khai chiến với vùng Bắc Phi và thổi mạnh như vũ bão từ bờ biển Đại Tây Dương, xuyên qua trọn cả vùng lục địa Châu Phi. Chẳng khác nào một đạo binh xâm lược khát máu và bạo tàn, trận gió lớn ấy đi đến đâu thì cát bụi dậy theo đến đấy. Những cơn trốt xoáy cuốn cát bụi đi theo thành những cơn bão cát gieo sự tàn phá khắp nơi, chôn lấp nhà cửa, dinh thự, đền đài, và thậm chí chôn vùi trọn cả những thành phố. Đó là sức mạnh của những hạt cát vàng, ngự trị khắp vùng này như một lãnh chúa quyền uy vô địch.

Sức mạnh của những cơn bão cát có thể làm cho nền trời hoàn toàn sẫm tối và che khuất cả mặt trời. Những cơn trốt xoáy cuốn cát dậy lên dày đặc như sa mù ở Luân Đôn và di chuyển hết tốc lực, rồi nếu không có gì ngăn chận, nó sẽ quét sạch và chinh phục mọi chướng ngại trên đường đi tới.

Tôi nhìn pho tượng đá Sphinx, những nét trên mặt nó chỉ hiện ra một cách mờ ảo dưới ánh sao khuya, nhưng cái miệng của nó, bề rộng có đến hai thước, như đượm một vẻ bi thương đến mức gần như rùng rợn, khác hẳn với nụ cười hồn nhiên của nhân vật hiện ra trong linh ảnh của tôi khi nãy, là biểu tượng Sphinx của buổi sơ khai, của thời đại Atlantide.

Những cơn gió bão của sa mạc thổi với tốc độ cuồng loạn đã tàn phá gương mặt của nó, cùng với sự hủy hoại do bàn tay phũ phàng thô bạo của những kẻ phàm phu không hề biết kính trọng thánh thần!

Điều tất nhiên là những cơn bão cát đã tấn công hình tượng này, khi thì âm thầm che lấp bao phủ, khi thì ào ào cọ sát với cơn thịnh nộ của vũ bão. Nó đã từng bị chôn lấp hay chăng? Điều đó đã không còn phải nghi ngờ gì nữa. Tôi nhớ đến giấc mộng huyền bí mà vua Thoutmès IV đã kể lại bằng chữ ám tự (Hiéroglyphes) khắc trên phiến đá đỏ dựng lên giữa hai chân con sư tử đá. Tôi cũng nhớ lại lời than thở của nó trong giấc mộng của nhà vua vừa kể, khi nó bị cát chôn lấp đến cổ:

– Cát sa mạc đã chôn lấp ta (vị thần che chở của nó nói), ta càng ngày càng bị chôn sâu hơn. Hãy mau ra tay dẹp cát đi, rồi ta sẽ xem các ngươi như con ta và như người trợ giúp ta.

Khi tỉnh giấc, vua Thoutmès nghĩ thầm rằng:

– Dân chúng trong thành chỉ biết tôn sùng vị thần này, mà chưa một người nào từng nghĩ đến việc giải tỏa pho tượng của ngài khỏi bị cát chôn lấp.

Những hình vẽ trên phiến đá vẽ cảnh nhà vua đang dâng hương cho thần tượng Sphinx, kế đó là bài tường thuật giấc mộng lạ lùng của nhà vua, khắc bằng chữ ám tự:

“Hoàng thân Thoutmès cùng vài người bạn đi săn trong vùng Gizeh, ở ven sa mạc. Trên đường về hướng nam, hoàng thân đã tập bắn cung vào những tấm bia bằng đồng, săn sư tử và các loại thú dữ của sa mạc, và tập dong xe với những con tuấn mã chạy nhanh hơn gió. Vào lúc giữa trưa, hoàng thân ngừng cuộc du hí vì đã quá mệt mỏi. Sau khi dùng cơm trưa xong, người muốn nghỉ ngơi đôi chút, bèn cho kẻ tùy tùng lui bước. Trước khi nằm nghỉ, hoàng thân đọc kinh cầu nguyện các thần linh. Trong giấc ngủ mê, thần Thái Dương Râ nói với hoàng thân như một người cha nói với con: – Ta nhìn thấy con đây, Thoutmès, con hỡi! Ta là Herou Khout cha của con, ta muốn cho con giang sơn này. Con sẽ kế nghiệp trên ngai vàng, giang sơn bờ cõi này sẽ thuộc về con tất cả, con sẽ sở hữu những tài nguyên phong phú của xứ Ai Cập và những lân quốc sẽ đem đồ bảo vật đến cống hiến cho con!”

Giấc mộng kết thúc bằng lời kêu gọi khẩn thiết hãy giải tỏa thần tượng Sphinx ra khỏi đống cát phũ phàng nếu hoàng thân muốn kế nghiệp giang sơn Ai Cập như đã hứa. Hoàng thân Thoutmès bèn triệt để tuân theo những lời kêu gọi trong giấc mộng, và dùng một số nhân công rất lớn để giải tỏa những đống cát bao phủ thần tượng Sphinx ngập lên đến ngực.

Hérou-Khout, vị thần linh che chở hình biểu tượng Sphinx đã giữ đúng lời hứa. Hoàng thân được truyền ngôi và lên làm vua xứ Ai Cập, vượt qua cả những người anh lớn trong hoàng gia. Sau khi lên ngôi, Thoutmès IV đã đem quân đi chinh phạt các lân quốc, luôn luôn thắng trận và mở rộng bờ cõi, hình thành một đế quốc gồm thâu luôn cả xứ Mésopotamie ở phía đông, xứ Nubie ở phía nam, xứ Lybie ở phía tây, trong khi những đồ bảo vật cống hiến được đưa đến từ xứ Ethiopie, đúng như giấc mộng đã tiên đoán.

Dưới triều đại của nhà vua, tài nguyên sung túc, quốc gia phồn thịnh, nền văn minh Ai Cập đạt tới một trình độ cao tột chưa từng có, thật cũng hoàn toàn đúng như lời báo trước trong giấc mộng.

Những sự việc kể trên không phải là chuyện huyền thoại hoang đường, mà là những sự kiện có thật trong lịch sử. Vì người cổ Ai Cập, hơn cả những dân tộc khác của thời đại cổ xưa, đã chép sử một cách chu đáo, xác thực và tinh vi đến nỗi những sự việc xảy ra trong lịch sử của họ được khắc sâu trên những tảng đá, để có thể tồn tại lâu bền hơn giấy mực và sách vở.

lll

Những đốm sao đã lần lượt biến mất trên nền trời xanh đậm. Tôi hiểu rằng đêm thức sáng trắng của tôi đã gần chấm dứt. Tiết trời ban đêm khá lạnh, nhưng tôi lại cảm thấy cổ họng khô và nóng. Một lần nữa, tôi đưa mắt nhìn thần tượng bằng đá uy nghiêm, tượng trưng một cách tuyệt diệu cho đấng thần minh câm lặng và tối cao có phận sự chăm nom gìn giữ bầu thế giới. Phải chăng tôi vừa lật ra được một trang bí sử của thời tối cổ Ai Cập? Có ai dám dám ước đoán tuổi của thần tượng Sphinx? Nếu người ta chấp nhận rằng nguồn gốc của nó truy nguyên ở châu Atlantide, làm sao có thể định cho nó một năm tháng ngày giờ nhất định?

Tuy vậy tôi không có lý do để loại bỏ cái nguồn gốc đó, nó đã được phác họa một cách sơ lược trong linh ảnh của tôi dưới ánh sao khuya. Châu Atlantide không còn là một chuyện hư ảo của những triết gia Hy Lạp, những tăng lữ Ai Cập và những bộ lạc thổ dân châu Mỹ. Không thiếu gì những nhà bác học, mỗi vị tiêu biểu cho ngành học thuật chuyên môn của mình, đã thâu lượm hàng trăm bằng chứng cụ thể để chứng minh rằng châu ấy có thật. Tôi cũng hiểu rằng, khi thần tượng Sphinx được tạc trong khối đá thì vùng châu thổ chung quanh không thể đã bị cát bao phủ, vì với sự chướng ngại của đồng cát, một công trình vĩ đại như thế không thể nào thực hiện được. Như vậy điều hợp lý nhất là người ta phải nhìn nhận rằng công trình điêu khắc này đã có trước khi đồng bằng châu thổ bị cát chôn lấp, khi vùng sa mạc Sahara đang còn là một biển lớn, và ở phía ngoài vùng biển đó là một lục địa đã có một định mệnh bi thảm, tức châu Atlantide.

Dân Ai Cập thời tiền sử, những người đã tạc thần tượng Sphinx và là chủ nhân của nền văn minh cổ nhất thế giới, đã từ châu Atlantide đến lập quốc tại vùng châu thổ sông Nile trong một cuộc di cư khổng lồ. Cuộc di cư đó có thể đã được thực hiện trước khi châu Atlantide sụp đổ và chìm sâu xuống đáy Đại Tây Dương, một cơn tai biến mà hậu quả là làm cho biển lớn khô cạn và trở thành một vùng sa mạc mênh mông.

Những vỏ sò, vỏ hến rải rác ở nhiều nơi và những bộ xương cá khổng lồ mà người ta tìm thấy chôn vùi dưới cát chứng tỏ rằng đồng cát này ngày xưa chính là đáy đại dương trồi lên. Thật cảm động thay khi biết rằng thần tượng Sphinx là một sợi dây liên lạc bền vững, cụ thể, bất biến giữa những thế hệ của nhân loại chúng ta ngày nay với những thế hệ cổ xưa của một thế giới đã suy tàn, thế giới của người Atlante đã biệt tích!

Đối với thế giới hiện đại, biểu tượng này đã mất đi cái ý nghĩa ban đầu. Nó chỉ còn là một kỳ quan của địa phương, thế thôi. Nhưng nó đã từng có ý nghĩa gì đối với người Atlante? Để có một ý niệm đại cương, người ta phải sưu tầm những di tích văn minh mà những dân tộc thuộc nguồn gốc châu Atlantide đã để lại. Người ta phải truy nguyên, qua những nghi lễ đã suy tàn hoặc biến dạng của những thổ dân Incas hay Mayas, đến sự thờ phượng thuần khiết hơn thuộc về tổ tiên của các dân tộc này. Những sự sưu tầm đó giúp ta khám phá ra đối tượng cao nhất của sự thờ phượng đó là ánh sáng, biểu hiện bởi mặt trời. Bởi lẽ đó, họ dựng lên khắp nơi bên châu Mỹ thời cổ những ngôi đền hình kim tự tháp để thờ mặt trời. Những ngôi đền đó đều là những kiến trúc đồng một kiểu, hoặc có sửa đổi hình dáng chút ít, với những ngôi đền tương tự đã từng có ở châu Atlantide.

Khi Platon đến Ai Cập để học đạo tại thành Heliopolis trong mười ba năm, những vị tăng lữ Ai Cập, thường vẫn rất dè dặt đối với ngoại nhân, đã ban cho người đệ tử Hy Lạp trẻ tuổi và hăng say này cái hân hạnh là được nhận truyền thụ những giáo điều rút trong kho tài liệu bí mật mà họ giữ gìn rất kỹ lưỡng. Trong số những điều tiết lộ, họ nói cho ông biết rằng một kim tự tháp lớn, nóc bằng, từ xưa đã được xây dựng tại trung tâm đảo Atlantide và trên nóc bằng đó, người ta đã dựng lên ngôi đền chính của vùng lục địa để thờ phụng thần Thái Dương.

Những người Atlante di cư sang Ai Cập đem theo nền tôn giáo của họ và xây dựng tại đây những ngôi đền cùng một kiểu như ở Atlantide. Cái di sản đó của người Atlante có thể biểu lộ những đặc tính của nó ngày nay ở những cột trụ khổng lồ nơi các cổng đền và những lăng tẩm hình kim tự tháp ở Ai Cập.

Ngoài ra, thần Mặt Trời luôn luôn chiếm một vị trí hàng đầu trong các vị thần của Ai Cập. Người Atlante cũng đem vào Ai Cập kỹ thuật điêu khắc đại qui mô cùng cái thẩm mỹ tạc tượng khổng lồ bằng đá. Những đền cổ đã điêu tàn ở Mehico, Pérou và Yucatan do người Atlante dựng lên được xây bằng những khối đá to lớn với những chỗ ráp nối rất tinh vi khéo léo, có một kiểu kiến trúc giống như của Ai Cập, cũng như những tượng thần khổng lồ bên trong các thánh điện ở các xứ ấy và ở Ai Cập đều có những nét tương tự như nhau.

Như thế, một điểm sáng nhỏ đã lóe lên trong cuộc sưu tầm của chúng ta về ý nghĩa của thần tượng Sphinx. Người Atlante ở xứ cổ Ai Cập có lẽ muốn dựng nó lên như một pho tượng vĩ đại nhất, hình ảnh của một ý niệm thiêng liêng nhất ghi trong ký ức của họ, mà họ muốn hiến dâng cho vị thần của ánh sáng, tức thần Mặt Trời. Có lẽ họ cũng đã dựng lên ở một nơi nào đó ngôi đền của vị thần ấy, ngôi đền này đối với họ cũng phải là ngôi đền vĩ đại nhất và cao trọng hơn tất cả mọi ngôi đền khác.

Thần tượng Sphinx bằng đá là biểu tượng tôn quí của một giống người tôn thờ ánh sáng như một cái gì gần nhất với thiêng liêng. Ánh sáng là một vật thể tinh vi, tế nhị nhất trong những sự vật mà con người có thể cảm xúc được bằng một trong năm giác quan. Đó là vật thanh nhẹ nhất mà khoa học có thể nhận biết bằng thực nghiệm; những luồng quang tuyến khác nhau đều là những loại ánh sáng rung động với tốc độ ngoài phạm vi tiếp nhận được bởi giác quan tự nhiên của con người. Trong quyển “Tạo thiên lập địa” cũng nói rằng ánh sáng là vật được sáng tạo trước tiên; không có nó thì không có sinh vật nào sống được. Moise đã viết trong quyển sách này:

– Tinh thần của Thượng đế lướt trên mặt của vực thẳm, và Thượng đế nói: “Ánh sáng hãy hiện ra!” Và ánh sáng mới có.

Phải chăng đó cũng là một biểu tượng hoàn hảo của ánh sáng thiêng liêng xuất hiện từ chỗ sâu thẳm nhất của linh hồn khi con người hiến dâng trọn vẹn cả tâm hồn lẫn trí tuệ của mình cho Thượng Đế? Từ nơi mặt trời phát sinh ra ánh sáng, rồi ánh sáng mới tỏa ra khắp thế gian. Không có mặt trời, muôn loài vạn vật sẽ vĩnh viễn đắm chìm trong đêm tối rùng rợn, không còn cây cối thảo mộc, không còn gặt hái mùa màng, thậm chí loài người sẽ không còn tồn tại và sẽ biến mất khỏi mặt đất.

Nếu sự tôn thờ ánh sáng và mặt trời là cái nguyên lý chính yếu của nền tôn giáo châu Atlantide, nó cũng chiếm một địa vị tương đương trong nền tôn giáo cổ Ai Cập. Râ, thần Thái Dương, là vị chủ tể, là cha và đấng sáng tạo của tất cả các vị thần linh khác, là đấng sáng tạo ra vạn vật, bất sinh bất diệt.

Nếu thần tượng Sphinx thuộc về tôn giáo của ánh sáng, thì chắc hẳn nó cũng phải có liên hệ đến mặt trời. Vì sau khi tôi quay sang phía mặt trời mọc, tôi mới nhớ lại cái dĩa bằng vàng trong linh ảnh hiện ra trong trí tôi hồi đêm, và sự liên hệ đó xuất hiện ra với tôi mau như chớp nhoáng. Để thử lại cho chắc chắn, tôi mới xem kỹ lại một vật mà tôi đeo ở cổ tay phải, cái la bàn dạ quang, nó là một hướng dẫn viên chắc chắn và bạn tốt của tôi. Và tôi nhận thấy ngay rằng thần tượng Sphinx quay mặt đúng về hướng đông, đôi mắt vô tri giác của nó nhìn thẳng vào chỗ mà vầng thái dương bắt đầu xuất hiện mỗi ngày trên chân trời!

Việc định hướng đông là để tượng trưng cho sự sống tái diễn không ngừng; cũng y như thế, những lăng tẩm của các nhà vua Ai Cập được xây cất trên bờ phía tây sông Nil để tượng trưng cho sự sống đã qua, giống như mặt trời lặn.

Cũng như mặt trời lên cao tận giữa trời, thì con người, sau khi được phục sinh, sẽ thăng hoa lên cõi tinh thần. Cũng như vầng thái dương đi xuyên qua vòm trời rồi tiếp tục lộ trình, khuất mắt đối với chúng ta ở phía dưới chân trời, thì con người cũng phải đi nhiều vòng luân chuyển từ thế giới này sang thế giới khác. Con quái vật khổng lồ nơi đó biểu hiện sức mạnh của con sư tử, trí thông minh của con người và sự bằng an trầm lặng của một đấng thần minh, muốn dạy ta một chân lý bất hủ về sự cần làm chủ lấy mình, vì con người có mục đích đối trị những thú tánh và khuất phục con vật nằm sẵn trong lòng mình.

Có ai từng ngắm nhìn cái thân mình to lớn bằng đá với những móng chân và móng vuốt sư tử, với cái đầu và gương mặt của một người cốt cách phong nhã như thần tượng Sphinx mà không thu thập lấy cái bài học sơ đẳng ấy? Ai có thể khám phá cái ý nghĩa của biểu tượng con rắn cobra phùng mang, tượng trưng cái uy quyền của vua Ai Cập mà các vị vua chúa thường gắn trên mão, mà không hiểu rằng biểu tượng Sphinx không phải khuyến khích ta thống trị kẻ khác mà hãy tự thắng chính mình? Nó là nhà truyền giáo câm lặng, một giáo sĩ bằng đá, thuyết giảng bằng sự im lặng cho những ai có tai biết nghe.

Phải chăng thần tượng Sphinx tượng trưng cho một vật có tính chất thiêng liêng? Đúng thế, nếu người ta tin theo những chữ khắc trên vách các ngôi đền ở miền thượng du Ai Cập, chẳng hạn như ở Edfou, nơi đó người ta thấy một vị thần biến hình thành con sư tử đầu người để chiến thắng Set, quỉ Satan Ai Cập.

Một sự kiện lạ lùng làm cho người ta nghĩ rằng thần tượng Sphinx có chứa đựng một bí mật kiến trúc nào đó và che dấu vài điều bí mật khắc trong đá. Rải rác khắp nơi ở Ai Cập, những thần tượng Sphinx kiểu nhỏ được dựng lên trước những ngôi đền miếu như là những vị thần canh gác và bảo vệ ngoài cổng thánh đường; trong vài trường hợp, ngoài cổng đền cũng có dựng lên những tượng sư tử bằng đá. Thậm chí những chìa khóa mở cửa đền cũng được đúc giống hình sư tử.

Thần tượng Sphinx ở Gizeh hình như là pho tượng duy nhất mà người ta không thấy đứng trước một ngôi đền nào. Vậy ngôi đền thật sự của hình biểu tượng Sphinx là ở đâu? Tôi ngửng đầu lên và nhìn về phía sau pho tượng đá. Từ chỗ tôi ngồi, tôi nhìn thấy hãy còn vươn lên một cách lu mờ dưới ánh sáng đầu tiên của buổi rạng đông, đưa thẳng lên trời cái mũi nhọn hơi bằng đầu, ngôi kiến trúc vĩ đại nhất của thế giới, cái kho tàng bí mật bằng đá chưa hề được giải đáp, cái phép lạ tuyệt vời của vũ trụ đối với cổ nhân và đối với cả chúng ta, bài toán đố bí hiểm của tất cả mọi thời đại, người bạn xứng đáng của thần tượng Sphinx khổng lồ: Ngọn Kim tự tháp!

Cả hai kỳ quan, được dựng lên từ hồi thời đại Atlantide, đều vươn mình như những bằng chứng của vùng lục địa đã sụp đổ, và như cái di sản câm lặng của một giống người đã biệt tích một cách cũng bí mật như vùng lục địa quê hương của họ. Cả hai kỳ quan đều như nhắc nhở cho hậu thế, những kẻ kế nghiệp giống người Atlante, biết về những thành tích huy hoàng của một nền văn minh đã mất.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8351)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
09/04/2013(Xem: 4826)
Đường lên Tây Tạng. - Trình bày: Jordan Thiện, An Lạc & Nhất Tâm
09/04/2013(Xem: 15361)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
09/04/2013(Xem: 8294)
Kính lễ Đức Thế Tôn. - Ví tính: Chúc Khâm Giác Anh Trình bày: Trúc Giang - Trúc San - Quảng Thanh
09/04/2013(Xem: 4656)
Nhìn qua cửa sổ, cái hồ còn dày đặc sương mù, thỉnh thoảng cơn gió thổi qua, rượt bắt, xua đuổi sương dạt về một hướng, hiện rõ trên mặt hồ những cơn sóng nhỏ, mỏng cánh như từng thìa nước. Sóng nhấp nhô, chơi vơi, nối lìền, từng đợt nầy kết nối với đợt sóng khác.
09/04/2013(Xem: 5417)
May mắn làm sao, hôm đó chúng tôi có dịp đi chùa Thầy vào đúng ngày mồng một. Mùa thu xứ Bắc, trời không một chút nắng, thỉnh thoảng có mưa lâm thâm. Người miền Nam ra Bắc chỗ nào cũng muốn đi, muốn đến.
09/04/2013(Xem: 5301)
Chùa Thầy tên chữ là “Thiên Phúc Tự” nằm ở chân núi Sài thuộc địa phận xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý, Thiền sư Từ Ðạo Hạnh.
09/04/2013(Xem: 5025)
Aurangabad, Ấn Độ – Nếu bạn nghĩ rằng thời trang chỉ dành cho quần áo thì bạn nhằm rồi. Các hang động tráng lệ Ajanta và Ellora cách thành phố Aurangabad không xa lạ một trong số những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất vào thời gian Ấn Độ giành được độc lập.
09/04/2013(Xem: 5403)
Về Lumbini, khách hành hương thường đi từ Ấn Độ sang sau khi đã thăm viếng các thánh địa Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển), Kausinara (Câu Thi La), vì Nepal có chính sách visa miễn phí cho các du khách chỉ ở trong vòng 3 ngày. Các công ty du lịch tận dụng điểm này để tiết kiệm chi phí.
27/01/2013(Xem: 6356)
100 địa danh du lịch nổi tiếng ở Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]