Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành Hương

26/12/201005:32(Xem: 4364)
Hành Hương
 

shangrilaNgày 1 tháng 4 thì phải, tôi ghé chân ở Shangri-la, một miền đất khuất nẻo của Vân Nam. Để đến được nơi này, từ Lệ Giang, xe phải đi mấy giờ liền qua một sơn đạo chênh vênh ở độ cao chóng mặt. Tôi đã thấy gì? Trời ạ, giữa một nhân gian tế toái gồm đủ thiên hình vạn trạng của bao thứ bào ảnh ảo tượng, tôi lại bất ngờ nhận ra mình đang hiện hữu ở một nơi chốn mà mọi thứ đều ở mức tối giản. 

 

Những bóng người hiếm hoi, những con trâu Yak lúc ẩn lúc hiện, vài cánh chim lẻ loi giữa một bầu trời xám xịt lạnh buốt. Quanh tôi cơ hồ chỉ còn lại hai thứ gió và đất. Đất mênh mông và gió thổi tràn. Tôi lại bất ngờ nghĩ về những cánh đồng chiêm ở quê tôi mùa nước lũ. Một phương trời chỉ toàn nước và gió.

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng hầu hết dân Việt đã lớn lên trong bối cảnh sông nước, nên văn hóa Việt có cái gì đó thấm đẫm cái hồn của nước: Phiêu linh, trôi dạt, đẩy đưa và trầm luân. Thơ nhạc của dân Việt từ đó cứ mênh mang cái hồn của nước, của thủy triều lớn ròng, của những dòng sông con rạch. Bất trắc, cuồng bạo mà cũng lẻ loi, âm thầm. Tôi muốn gọi đó là thứ văn minh của Thủy Đại và Phong Đại. Còn ở Shangri-la, đó là cõi riêng của thứ văn minh Địa Đại và Phong Đại. Xin các nhà A-tỳ-đàm học đừng giải thích cho tôi rằng trong mỗi giọt nước hay hạt bụi cũng có đủ Tứ Đại. Cách nói đó là của người muốn đi mà chẳng muốn về. Còn cách nói của tôi, là cho người tạm thời chỉ muốn về mà chưa muốn đi.

 

shangrila2
Om mani padme hum | Flickr - Photo

Tôi đã yêu thấu tim cái hồn của đất và gió trên Shangri-la. Cái tình đó đến với từng thứ bắt gặp trên đường: Những ngôi tháp làm nên từ những hòn cuội mà khách đường nhặt được ở đâu đó rồi thành tâm góp lại thành khối. Những ngôi tháp ngó giản bạc đơn sơ mà có ai ngờ là công trình của bao thế hệ, bao kiếp người. 
 
Tôi đã bàng hoàng khi nhìn lên lưng núi sau ngôi đền Tiểu Lhasa để thấy hàng mật chú Om Mani Padme Hum được tạc trên đá. Hoành tráng và linh thiêng gấp triệu lần hàng chữ Hollywood trên một ngọn đồi ở California.

Tôi lang thang mươi câu chữ chỉ để quay về với một chuyện nhỏ. Người Phật tử Việt Nam vẫn nghĩ gì về khái niệm Tứ Đại? Tôi nhớ ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) từng lấy Tứ Đại để nói về Tâm Pháp một cách ảo diệu. Tôi lại nhớ đôi điều về Dịch Học của Tàu. Ở đó, Ngũ Hành được hiểu rộng lắm, cứ xem lại 64 quẻ Dịch thì biết. Thậm chí âm luật (cung, thương, giốc, chủy, vũ) trong cổ nhạc Trung Hoa cũng từng được hình thành từ nguyên tắc Ngũ Hành. Rồi thì phương pháp ăn kiêng Oshawa của Nhật Bản. Qua đó, khái niệm Âm Dương được mở rộng và dẫn đến một phương trời rất lạ cho người ăn kiêng. Họ nhìn đâu cũng thấy nguyên tắc Âm Dương.

Bằng dăm thứ học lóm được từ giáo lý A-tỳ-đàm, tôi mơ hồ thấy ra vài chuyện nhỏ có liên quan đến điều vừa nói. Chẳng hạn hạnh nghiệp của chúng sinh sẽ đưa người đến những môi trường sống tương thích; và từ bối cảnh đó, những tâm thái tương ứng sẽ được hình thành và củng cố. Người mang hồn đất sẽ về với đất, kẻ mang hồn gió sẽ về với gió. Đại khái là vậy. Dĩ nhiên hành giả không thể lẫn lộn hai thứ Tâm và Vật, nhưng một triển khai hay liên tưởng kiểu đó có lẽ cũng là cần thiết.

Xin nhớ lại xem, có phải kinh xưa vẫn từng nói đến những người – mà từng chuyện buồn vui trong đời dễ dàng hằn sâu trong tâm khảm như chữ khắc trên đá, như chữ viết trên nước hay chỉ một thoáng vu vơ như vệt sóng nhạt nhòa. Có phải trên đời này vẫn tồn tại những tâm hồn tục lụy như nước ở thể lỏng để suốt đời chỉ nhắm chỗ thấp để tìm về, hay lại những tâm hồn như nước ở thể khí sẵn sàng bốc hơi để bay cao. Có phải từng người trong chúng ta vẫn ngày ngày có riêng một cách để sống đời nặng nề như đất, len lỏi linh động như nước, bạo liệt như lửa và thanh thản như gió. 
Chưa hết, gió, nước trong định nghĩa của A-tỳ-đàm không như gió nước trong thi ca từ phú. Tùy chỗ mà nói đến những khía cạnh khác nhau để qua đó thấy ra sinh phong của mỗi người.

shangrila3
Napahai-lake-shangri-la

Trên đường vào thăm một hồ nước ở Shangri-la hôm đó, tôi đã tình cờ gặp được một thiếu nữ Tây Tạng. Cô lặng lẽ như đất và nhẹ nhàng như gió. Nhìn cô, tôi chợt hiểu vì sao đạo Phật đã có được cội rễ vững chắc ở đây. Cô gái Tây Tạng có lẽ không từng đọc về ngài Xá-lợi-phất, nhưng cô đã sống như một phần lời dạy của ngài. Đi nhờ một đoạn đường, cô đã biết điều như một người có học. Xe dư chỗ trống, cô vẫn nhấp nhỏm không dám ngồi thoải mái, lượm hết rác trên xe như một cách sống sòng phẳng không muốn nợ nần và phong cách tự trọng như một bà chủ trước những khách lạ đến thăm vùng đất của mình. 
Ai dám tự cho mình là văn minh trước những con người hồn hậu mà sâu thẳm đó. Ai đành lòng bảo người Tây Tạng là thiểu số và dốt nát khi họ đã giữ được một Phật giáo cận nguyên thủy hơn cả người Tàu. Và giữa khi người Tàu đang đánh vật với những Tam Luận Tông, Pháp Tướng Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông chống trái nhau thì người Tây Tạng lặng lẽ và trầm tĩnh đọc kỹ từng trang Trung Quán, Câu Xá, Duy Thức để khỏi phải tự giam mình vào những biên kiến trẻ con. Họ trưởng thành từ thế kỷ thứ bảy, đón Phật giáo về quê hương mình, để rồi từ đó có riêng một cõi văn minh của chữ viết và tư tưởng.

Chính biến 1959 đã xóa sổ một Tây Tạng hành chính, nhưng một Tây Tạng tâm linh đã mang cái hồn của đất và gió mà lên đường sang trời Tây, rồi thì khắp thế giới. Tôi từng có dịp ghé thăm một tu viện Tây Tạng ở Thụy Sĩ. Thảo nguyên và gió cát Tây Tạng vẫn phảng phất ở đó như một Shangri-la phiêu dạt. Trong khi đó, người Việt cũng vì một chính biến mà biệt xứ và cái hồn sông nước của Việt Nam cũng từ đó mà nổi trôi mấy phương trời. Bốn Đại có đi đâu cũng tìm về những góc riêng tương thích. Ta có là ai thì cũng là một hạt bụi sẵn sàng trở về với đất, một giọt nước sẵn sàng về sông, một chút gió sẵn sàng về lại trời rộng và một chút lửa để tự hủy mình cho những hóa thân trùng trùng.

Bỗng dưng muốn dừng lại ở đây vì một chút chạnh lòng hồi nhớ Shangri-la. Tôi lại muốn trở lại cái lặng lẽ của đất và bời bời của gió để khép lại bài viết dù tự biết mình vẫn chưa nói hết những điều phải nói. Một bài viết ngắn ngủi như chút lòng thay một lá thư xa để gửi về một Shangri-la lặng lẽ cuối trời.

TOẠI KHANH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8243)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
09/04/2013(Xem: 4804)
Đường lên Tây Tạng. - Trình bày: Jordan Thiện, An Lạc & Nhất Tâm
09/04/2013(Xem: 15206)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
09/04/2013(Xem: 8256)
Kính lễ Đức Thế Tôn. - Ví tính: Chúc Khâm Giác Anh Trình bày: Trúc Giang - Trúc San - Quảng Thanh
09/04/2013(Xem: 4627)
Nhìn qua cửa sổ, cái hồ còn dày đặc sương mù, thỉnh thoảng cơn gió thổi qua, rượt bắt, xua đuổi sương dạt về một hướng, hiện rõ trên mặt hồ những cơn sóng nhỏ, mỏng cánh như từng thìa nước. Sóng nhấp nhô, chơi vơi, nối lìền, từng đợt nầy kết nối với đợt sóng khác.
09/04/2013(Xem: 5394)
May mắn làm sao, hôm đó chúng tôi có dịp đi chùa Thầy vào đúng ngày mồng một. Mùa thu xứ Bắc, trời không một chút nắng, thỉnh thoảng có mưa lâm thâm. Người miền Nam ra Bắc chỗ nào cũng muốn đi, muốn đến.
09/04/2013(Xem: 5273)
Chùa Thầy tên chữ là “Thiên Phúc Tự” nằm ở chân núi Sài thuộc địa phận xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý, Thiền sư Từ Ðạo Hạnh.
09/04/2013(Xem: 4978)
Aurangabad, Ấn Độ – Nếu bạn nghĩ rằng thời trang chỉ dành cho quần áo thì bạn nhằm rồi. Các hang động tráng lệ Ajanta và Ellora cách thành phố Aurangabad không xa lạ một trong số những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất vào thời gian Ấn Độ giành được độc lập.
09/04/2013(Xem: 5370)
Về Lumbini, khách hành hương thường đi từ Ấn Độ sang sau khi đã thăm viếng các thánh địa Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển), Kausinara (Câu Thi La), vì Nepal có chính sách visa miễn phí cho các du khách chỉ ở trong vòng 3 ngày. Các công ty du lịch tận dụng điểm này để tiết kiệm chi phí.
27/01/2013(Xem: 6279)
100 địa danh du lịch nổi tiếng ở Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]