Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

32. Hạ thứ 24 tại Jetavana (năm -566)

02/03/201421:10(Xem: 18513)
32. Hạ thứ 24 tại Jetavana (năm -566)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


4- Hạ thứ 24 tại Jetavana (năm -566)

Cây Bồ-đề Ànanda ở tinh xá Jetavana[1]

Đức Phật rời thủ đô Campà của xứ Anga, đi lần về hướng tây bắc, đến làng Lechanankala thuộc xứ Kosala. Rồi từ Lechanankala đến Sàvatthi vào đầu tháng sáu. Phật cư trú tại tinh xá Pubbàràma (Đông Viên), nơi có giảng đường Migaramatu (Lộc Mẫu). Bà Visàkhà đến viếng Phật và nói :

Bạch Thế Tôn, ngài thường du hành hóa độ khắp nơi, chỉ về Sàvatthi vào trước mùa mưa. Đệ tử chúng con nhiều khi nhớ Phật, đến tinh xá cũng không được gặp. Buồn quá, chúng con chỉ còn biết đi ba vòng xung quanh tịnh thất của Thế Tôn rồi ra về.

Này Visàkhà, lúc không có Như Lai thì cũng có các thầy và các cô để bà học hỏi về giáo lý và thực hành. Đừng vì sự vắng mặt của Như Lai mà xao lãng việc tu học.

Thượng tọa Ànanda hỏi :

Bạch Thế Tôn, những vật nào có thể dùng để chúng sanh lễ bái, cúng dường, mỗi khi tưởng nhớ đến Phật ? Xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ dạy.

Này Ànanda, có ba loại. Thứ nhất là những vật có liên quan đến thân thể (Sarìra, xá-lợi), thứ hai là những vật liên quan đến đồ dùng riêng (Pàribhogika), thứ ba là những vật để tưởng nhớ (Uddesika). Chúng sanh có thể lễ bái, cúng dường những vật đó mỗi khi tưởng nhớ tới Như Lai.

Bạch Thế Tôn, trong lúc Thế Tôn còn sanh tiền, có nên tạo lập hình tượng hoặc xây tháp thờ ngài không ?

Không nên. Vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập diệt. Vật đáng để chúng sanh lễ bái cúng dường và tưởng niệm Phật hoàn toàn thuộc về tinh thần, không có căn bản vật chất.Ba loại đồ vật kỷ niệm kể trên chỉ có tính cách tượng trưng. Nhưng cây Bồ-Đề to lớn mà xưa kia đã có lần che mưa đỡ nắng cho Như Lai là vật đáng để chúng sanh lễ bái cúng dường, dù Phật còn tại thế hay đã nhập diệt.

Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đi thuyết pháp phương xa, tinh xá Jetavana rộng lớn không còn nơi nương tựa. Thiện tín từ xa đến Jetavana không biết hướng vào đâu để lễ bái, cúng dường. Ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc) nhờ con thỉnh ý Thế Tôn về việc này. Con xin Thế Tôn hoan hỉ cho phép con lấy hột của cây Bồ-Đề mẹ tại Uruvelà về gieo trồng gần cổng tinh xá Jetavana để làm nơi nương tựa, lễ bái, cúng dường cho thiện tín thập phương khi Thế Tôn vắng mặt.

Lành thay, Ànanda, thầy hãy trồng đi. Làm thế ấy cũng như luôn luôn có mặt Như Lai ở tại đây.

Đại đức Ànanda và bà Visàkhà vô cùng mừng rỡ. Đại đức Ànanda nhờ Thượng tọa Moggallàna mang về Sàvatthi một trái chín muồi từ cây Bồ-Đề ở Uruvelà. Rồi trong đại lễ trồng cây Bồ-Đề, Đại đức Ànanda dâng trái chín này cho vua Pasenadi. Vua trao lại cho cư sĩ Sudattà Anàthapindika trồng. Cư sĩ Sudattà trồng một cây gần cổng tinh xá Jetavana. Cây Bồ-Đề này mang tên là cây Bồ-Đề Ànanda. Bà Visàkhà cũng trồng một cây gần cổng tinh xá Pubbàràma (Đông Viên). Cây Bồ-Đề Ànanda được chăm sóc rất chu đáo nên lớn lên thật nhanh. Đại đức Ànanda thỉnh cầu Phật thị hiện thần thông thành đạo dưới cây Bồ-Đề này. Đức Phật bảo không có nơi nào khác hơn khu vực cây Đại Bồ-Đề ở Uruvela có thể chịu đựng nổi sức mạnh của sự chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, do đó đức Phật chỉ nhập đại định suốt một đêm bên cạnh cây Bồ-Đề Ànanda để ban thần lực thiêng liêng cho nơi này. Từ bấy giờ mỗi khi thiện tín thập phương đến viếng Jetavana đều thành kính lễ bái cúng dường cây Bồ-Đề Ànanda.

Mười hai nhân duyên (Paticca samuppàda[2])

Một hôm, tại giảng đường ở tinh xá Jetavana, trong giờ thuyết pháp, Phật nói[3]:

Này các vị khất sĩ, tất cả chúng sanh đều đồng có 12 nhân duyên, cũng có nội, cũng có ngoại. Mười hai nhân duyên đó là : Phiền não quá khứ gọi là vô minh; nghiệp quá khứ gọi là hành[4]; trong đời hiện tại, lúc sơ khởi nhập thai gọi là thức[5]; năm phần nhập thai, chưa đủ bốn căn (mắt, tai, mũi, lưỡi) gọi là danh sắc; khi đầy đủ bốn căn gọi là lục nhập[6]; chưa phân biệt khổ vui gọi là xúc[7]; biết phân biệt khổ vui gọi là thọ; thích gần ngũ dục gọi là ái; tham cầu các thứ trong và ngoài gọi là thủ; do ái thủ các thứ trong và ngoài mà khởi nghiệp thân, khẩu, ý, gọi là hữu; thức đời hiện tại gọi là vị lai sanh; hiện tại danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, gọi là vị lai lão, bệnh, tử. Tất cả chúng sanh từ sanh đến lão tử đều có đủ 12 nhân duyên như vậy; chỉ trừ những phôi thai (kalala)[8]yểu tử thời không có đủ 12. Chúng sanh cõi sắc không có 3 thứ thọ, 3 thứ xúc, 3 thứ ái, không có già, bệnh, nhưng cũng được xem là đầy đủ 12. Chúng sanh cõi Vô Sắc tuy không có sắc, không có lục nhập, xúc, thọ, ái, già, bệnh, nhưng cũng được xem là đầy đủ 12, vì quyết định được như vậy. Vì thế nên nói rằng chúng sanh đồng có đầy đủ 12 nhân duyên.

Ngưng một lúc, đức Phật nói tiếp[9]:

Này các vị khất sĩ, Như Lai nhớ kiếp trước, khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên tu thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanà), đã khởi nghĩ như sau: “Vấn đề nan giải của thế gian là sanh, già, bệnh, chết, dời đổi, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại cứ nương tựa, bám víu vào sự sống như không hay biết gì về những khổ nạn đó.” Ta liền khởi chánh tư duy để tìm ra nguồn gốc các khổ nạn của chúng sanh. Ta tự hỏi: “Pháp gì có nên có Sanh, pháp gì làm duyên nên có Sanh ?” Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết “Có Hữu[10]nên có Sanh, vì duyên Hữu nên có Sanh”. Ta lại tự hỏi “Pháp gì có nên có Hữu, pháp gì làm duyên nên có Hữu ?” Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết “Vì có Thủ[11]nên có Hữu, duyên Thủ nên có Hữu”. Ta lại tự hỏi “Pháp gì có nên có Thủ, pháp gì làm duyên nên có Thủ ?” Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết “Do chấp giữ các pháp, đắm trước, nghĩ nhớ, vương vấn trong lòng nên ái dục tăng trưởng. Vì có Ái nên có Thủ”. Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Bệnh, Tử, ưu, bi, khổ, não. Như vậy chính Ái là nguồn gốc của khổ.[12]

“Này các vị khất sĩ, các thầy nghĩ sao ? Ví như nhờ dầu, tim đèn, mà đèn được đốt sáng. Nếu tăng thêm dầu và tim thì đèn có sáng lâu không ?

Bạch Thế Tôn, đúng thế. Nếu dầu và tim càng nhiều thì đèn cháy càng lâu.

Này các vị khất sĩ, cũng như thế, nếu đối với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà càng chấp thủ, đắm trước, nghĩ nhớ, thích thú, vương vấn, thì ái càng tăng. Mà ái càng tăng thì thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não cũng đều tăng theo. Do đó phải biết ái là nhân duyên sanh khổ.[13]

“Này các vị khất sĩ, ta lại tự hỏi “Pháp gì không nên không có lão, bệnh, tử? Pháp gì diệt nên lão, bệnh, tử diệt ?”. Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết “Nếu không có sanh thì không có lão, bệnh, tử. Nếu diệt được sanh thì lão, bệnh, tử không còn.” Ta lại tự hỏi “Pháp gì không nên không có sanh ? Pháp gì diệt thì sanh diệt ?” Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết “Nếu hữu không thì sanh không; nếu hữu diệt thì sanh diệt”. Tiếp tục quán chiếu như thế, ta biết “Nếu thủ không thì hữu không, nếu ái không thì thủ không”. Do đó nếu ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não đều diệt. Như vậy, muốn dứt sanh, già, bệnh, chết, khổ não, bi ai, thì trước hết phải diệt trừ tham ái.

Này các vị khất sĩ, các thầy nghĩ sao ? Nếu vứt hết tim đèn, đổ bỏ hết dầu thì đèn kia còn cháy được chăng hay sẽ tắt ?

Bạch Thế Tôn, không còn tim và dầu thì ngọn đèn dĩ nhiên phải tắt.

Đúng vậy, này các thầy, nếu đối với các pháp các thầy đều không chấp thủ, trái lại các thầy khởi quán vô thường, bất tịnh, khổ, không, lìa dục, xả ly, diệt tận, tâm không ham muốn, không nhớ nghĩ, không đắm trước thì ái không sanh. Đến khi ái đã dứt thì sanh, già, bệnh, chết, bi ai, khổ não không còn nương vào đâu để có mặt, để hiện hữu.

Phật nói kinh này xong, các vị khất sĩ đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Đến chiều, Thượng tọa Ànanda đến ngồi bên cạnh Phật, thưa :

Bạch Thế Tôn, kinh Paticca samuppàda thật quan trọng, vì kinh này chỉ rõ pháp tu giải thoát. Nhưng con thấy kinh này không khó, rất dễ hiểu và dễ nhớ. Như thầy Svastika mới nghe lần đầu mà cũng thông suốt, không có gì thắc mắc.

Này Ànanda, thầy không nên nghĩ như thế. Kinh này thật thâm sâu khó hiểu. Thầy chỉ mới hiểu theo trình độ hiện nay của thầy mà thôi. Thầy chưa hiểu hết ý nghĩa cao siêu của kinh. Thầy nên tiếp tục quán chiếu để tìm hiểu thêm. Trí tuệ như thầy Sàriputta cũng còn chưa hiểu hết ý nghĩa cao siêu của mười hai nhân duyên.[14]

Nghe đức Phật nói như thế, Thượng tọa Ànanda nhớ lại cuộc đàm thoại giữa Thượng tọa Sàriputta và Thượng tọa Mahà Kotthita (Mahà Kausthila, Mahà Câu Hy La), lúc ở vườn nai tại Isipatana gần Benares. Vào một buổi chiều, sau khi tọa thiền, Thượng tọa Sàriputta đến chỗ Thượng tọa Mahà Kotthita, vui vẻ hỏi thăm nhau, rồi cùng ngồi xuống đàm đạo. Thượng tọa Sàriputta nói[15]:

Này sư huynh, tôi có điều muốn hỏi, sư huynh có rảnh để giải đáp cho chăng?

Sư huynh cứ hỏi, điều gì biết được tôi sẽ đáp.

Thưa sư huynh, thế nào ? Có già không ?

Thưa có.

Có chết không ?

Có.

Già chết là tự mình làm ra, hay do người khác làm ra, hay vừa tự mình vừa do người khác làm ra, hay không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả ?

Thưa sư huynh, già chết không phải tự mình làm ra, không phải do người khác làm ra, không phải do mình và người khác làm ra, không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả. Chỉ vì có sanh nên có già chết.

Như vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu căn, danh sắc[16]là tự mình làm ra, do người khác làm ra, vừa tự mình vừa do người khác làm ra, hay không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả ?

Thưa sư huynh Sàriputta, danh sắc không phải tự mình làm ra, không phải do người khác làm ra, không phải vừa tự mình vừa do người khác làm ra, không do ai làm ra cả. Chỉ vì có thức[17]nên có danh sắc.

Này sư huynh, thức là tự mình làm ra, do người khác làm ra, vừa tự mình vừa do người khác làm ra, hay không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả ?

Thưa sư huynh Sàriputta, thức không phải tự mình làm ra, không phải do người khác làm ra, không phải vừa tự mình vừa do người khác làm ra, cũng chẳng phải không do mình và người khác làm ra. Chỉ vì có danh sắc (6 căn và 6 trần, thân và tâm) nên có thức.

Thưa sư huynh Mahà Kotthita, trước đây sư huynh nói “vì có thức nên có danh sắc”. Bây giờ sư huynh lại nói “vì có danh sắc nên có thức”. Sao lại nói trái ngược như thế ?

Này sư huynh Sàriputta, tôi xin nói thí dụ, người trí nghe thí dụ liền hiểu. Ví như ba cây lau được dựng chụm vào nhau nơi khoảng đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mới có thể đứng vững. Nếu lấy bớt ra một cây thì hai cây còn lại không thể đứng được; nếu lấy bớt đi hai cây thì một cây còn lại cũng không đứng được. Ba cây lau phải nương tựa lẫn nhau mới đứng vững. Thức và danh sắc cũng vậy, chúng phải nương tựa lẫn nhau mới được sanh trưởng[18].

Lành thay ! Lành thay ! Sư huynh Kotthita (Câu Hy La), ở trong hàng đệ tử Thinh văn của Phật, sư huynh là người trí tuệ thông đạt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ. Do pháp cam lồ mà chứng nghiệm đầy đủ. Này sư huynh Mahà Kotthita, với biện tài vô ngại, sư huynh đã giải đáp tất cả những câu hỏi về nghĩa lý sâu xa của mười hai nhân duyên. Như người thế gian đội ngọc quý vô giá trên đầu, tôi xin trân trọng nhận lấy những lời dạy bảo của sư huynh.

Thưa sư huynh Sàriputta, già chết là tai họa đáng chán; muốn hết già chết phải lìa dục, tận diệt tham ái. Khi biết nhàm chán sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu căn, danh sắc, thức thì phải lìa dục, tận diệt tham ái. Lìa dục, tận diệt tham ái chính là vị Pháp sư của vị Tỳ kheo đã nhàm chán già chết. Tu căn viên thông, tận diệt sáu thức là pháp môn lìa dục, tận diệt tham ái để tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian, ra khỏi sanh tử luân hồi. Đó là vị Pháp sư chân chính.

“Thưa sư huynh Sàriputta, trong các đệ tử Thinh văn của đức Thế Tôn, người có trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ, do pháp cam lồ chính mình chứng nghiệm đầy đủ, đó chính là sư huynh Sàriputta. Nhờ sư huynh khéo hỏi những điều sâu xa của chánh trí, quý báu như hạt châu vô giá được người thế gian trân trọng đội trên đầu, nên tôi mới có dịp trả lời và học hỏi thêm.”

Thượng tọa Ànanda thầm nghĩ “Hai sư huynh Sàriputta và Mahà Kotthita đối đáp với nhau thông suốt như thế mà đức Phật còn bảo là chưa hiểu hết ý nghĩa của 12 nhân duyên. Vậy từ nay mỗi ngày ta nên thiền quán thêm mãi về đề tài này”.

Trong 12 nhân duyên, người tu nên chú ý đến 3 nhân duyên quan trọng nhất là Vô Minh, Thức và Ái. Vì ba nhân duyên đó dễ diệt trừ nhất để được giải thoát. Một điểm đáng chú ý khác là cái gì sanh ra vô minh ? Phật nói vô minh không có gốc. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn". Có nghĩa là: Từ cái thấy biết thanh tịnh, như thật, không phân biệt, không khen chê của Tánh Giác, mà lập ra cái thấy biết có phân biệt chủ thể và đối tượng, rồi bị vướng mắc vào 6 trần (thương, ghét, khen, chê), đó là gốc của vô minh.

Muốn trừ vô minh thì phải học giáo lýđể biết rõ (giác ngộ) Bản Tâm Thanh Tịnh của chúng ta, rồi tập sống hằng ngày với Bản Tâm Thanh Tịnh đó bằng cách quán chiếu vô thường, khổ, không, vô ngã.

Muốn trừ thức và ái thì phải tu Căn Viên Thông, tức phải gìn giữ cho sáu căn được thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần, không sanh ra ái, không sanh ra ý thức phân biệt.

Phật cho phép ăn sau giờ ngọ và giữ thức ăn qua đêm trong lúc bệnh

Vào mùa an cư năm nay tại Jetavana có rất nhiều vị khất sĩ mắc bệnh sốt rét. Nhiều thầy ốm o xanh xao, không đủ sức ôm bát đi khất thực. Họ phải nằm tại am chờ các thầy khác đi khất thực về chia xẻ thức ăn cho họ. Nhưng hầu hết thức ăn xin được là cơm hoặc bánh chapati[19]với nước cà-ri, thức ăn này quá cứng và khô đối với người bệnh. Trong trường hợp này, bà Visàkhà và các cư sĩ mang đến tinh xá cúng dường cháo sữa, mật ong, đề hồ và dầu ăn cho các khất sĩ bệnh nặng.

Một hôm, Phật nghe tiếng quạ kêu ran ngoài sân. Phật bước ra khỏi am thì thấy một số các vị khất sĩ đang cho quạ ăn các thức ăn rất quý đã được cúng dường đặc biệt cho người bệnh. Các vị khất sĩ này được cử ra săn sóc các bệnh nhân. Họ trình với Phật là sở dĩ phải cho quạ ăn các thức ăn quý giá này là vì có nhiều vị khất sĩ bị sốt vào buổi sáng nên không thọ thực được. Quá giờ ngọ thì họ không được phép ăn nữa. Thức ăn lại không được phép để dành qua ngày hôm sau nên phải đem ra cho quạ ăn. Do đó có vài người bệnh phải nhịn ăn luôn mấy ngày liền. Phật dạy :

Này các thầy, từ nay, trong khi bệnh, các vị khất sĩ có quyền thọ thực sau giờ ngọ, và cũng có quyền giữ thức ăn đến ngày hôm sau, nhưng phải thông báo cho vị chúng trưởng (trưởng nhóm) biết trước.

Thượng tọa Sàriputta bị vu cáo khinh khi một tu sĩ trẻ[20]

Mùa an cư thứ 24 hoàn mãn, Thượng tọa Sàriputta từ giã Phật để lên đường hoằng pháp. Phật chúc Thượng tọa đi đường bình yên, thân tâm nhẹ nhàng, gặp nhiều thuận duyên trên đường giáo hóa. Thượng tọa Sàriputta cảm tạ Phật, từ giả các vị khất sĩ và lên đường ngay sau đó.

Một lúc sau, có một vị khất sĩ trẻ, không được Thượng tọa Sàriputta nói lời từ giả, đến gặp Phật và than phiền là thầy bị Thượng tọa Sàriputta hất hủi. Phật hỏi hất hủi như thế nào. Vị khất sĩ trẻ đáp :

Bạch Thế Tôn, hồi nảy con thấy sư huynh Sàriputta sắp sửa hành trang lên đường. Con hỏi sư huynh đi đâu. Sư huynh đã không thèm đáp mà còn xô con ngã rồi bỏ đi không thèm xin lỗi.

Phật bảo thầy thị giả Ànanda :

Này Ànanda, chắc Sàriputta chưa đi xa đâu. Thầy hãy nhờ một chú sa di đi tìm Thượng tọa Sàriputta về đây. Tối hôm nay chúng ta sẽ họp chúng tại giảng đường để giải quyết vụ này.

Thượng tọa Ànanda vâng lệnh. Chiều hôm ấy Thượng tọa Sàriputta trở về tinh xá với chú sa di. Thầy lên trình diện với Phật. Phật bảo :

Này Sàriputta, tối nay chúng ta sẽ họp tại giảng đường. Có vị khất sĩ buộc tội thầy đã xô ngã thầy ấy rồi bỏ đi không thèm xin lỗi.

Tối hôm ấy giảng đường không thiếu mặt ai. Mọi người đều muốn biết Thượng tọa Sàriputta sẽ phản ứng thế nào đối với những người lâu nay đã có thái độ ganh ghét và hờn giận mình. Ai cũng biết Thượng tọa Sàriputta là một đệ tử lớn của Phật, rất được Phật tin yêu, và vì vậy thầy đã là mục tiêu của nhiều sự hiểu lầm và ganh tị.

Cách đây trên tám năm, cũng tại tinh xá Jetavana, có một thầy tên là Kokàlika[21]rất thù ghét hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna, không ai can ngăn được. Thầy bảo Sàriputta và Moggallàna đều là những người tu hành giả dối, thường hành động theo ái dục. Có lần Phật gọi thầy tới và bảo :

Này Kokàlika, đừng có nói rằng Sàriputta và Moggallàna là những người bị ái dục chi phối. Họ là những người có đạo đức chân thật và tính tình rất hòa nhã.

Nhưng thầy Kokàlika đã bị sân hận làm mờ tâm trí nên thầy không tin nghe theo lời Phật. Cuối cùng thầy bỏ tu viện ra đi. Sau đó thầy bị một chứng bệnh rất kỳ lạ. Da thầy trở nên sần sùi, rồi tự nhiên đầy mình mọc lên những mụt nhỏ bằng hột cải, lần hồi lớn lên bằng hột đậu, rồi vỡ ra, chảy đầy máu mủ. Thuốc men nào cũng không chữa được. Phật nhắn thầy về tinh xá để chữa trị, nhưng thầy không chịu về. Sau đó thầy mạng chung. Đức Phật rất thương xót, dạy rằng :

Này các thầy, sân hận là chất độc làm ung thối tâm hồn, phá hoại cơ thể và có thể gây ra những tai nạn hoặc những chứng bệnh kỳ lạ. Các thầy hãy tinh cần gìn giữ đừng để cho chất độc của sân hận ngấm vào thân tâm các thầy.

Trở lại buổi họp chúng tối hôm ấy. Khi Phật bước vào giảng đường, tất cả các vị khất sĩ đều đứng dậy chấp tay cúi đầu. Đức Phật mời mọi người an tọa, rồi ngài cũng ngồi xuống pháp tòa, ra hiệu cho Thượng tọa Sàriputta đến ngồi trên chiếc ghế thấp bên tay phải ngài. Sau khi mọi người đã ngồi xuống, im lặng, đức Phật xoay lại nói với Thượng tọa Sàriputta :

Này Sàriputta, có vị khất sĩ nói thầy xô ngã vị ấy rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Vậy, trước đại chúng, thầy hãy trình bày lại rõ ràng việc ấy đã xảy ra như thế nào.

Thượng tọa Sàriputta đứng dậy chắp tay xá Phật, xá đại chúng, rồi nói :

Bạch Thế Tôn, thưa các huynh đệ, một người chưa tu, không biết quán niệm về thân, không biết quán niệm về tâm, không có ý thức về những hành động và lời nói của mình, một người như thế có thể xô ngã một người bạn của mình và bỏ đi mà không thèm xin lỗi.

"Bạch Thế Tôn, con còn nhớ rõ bài học ngày xưa Thế Tôn dạy cho Ràhula lúc thầy được 16 tuổi, cách đây khoảng 13 năm. Thế Tôn đã dạy Ràhula học theo hạnh của tứ đại là đất, nước, gió, lửa để nuôi dưỡng bốn đức tính từ, bi, hỷ, xả. Hôm ấy con cũng có mặt. Con đã học và thực hành bài học ấy trong suốt 13 năm qua.

"Con đã tập hành sự như đất. Đất bao giờ cũng vững chắc, rộng lớn, bao la, có khả năng thu nhận và chuyển hóa. Dù người ta đổ rải lên đất những chất tinh sạch như nước hoa, sữa thơm, hoặc đổ rải lên đất những chất dơ bẩn, hôi hám như phân, nước tiểu, máu, mủ thì đất cũng luôn luôn tiếp nhận những thứ đó một cách thản nhiên, bình đẳng, không khen chê, không thương ghét. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như đất. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

"Con đã tập hành sự như nước. Khi người ta đổ nước hoa thơm vào nước, hoặc khi người ta giặt những thứ dơ bẩn trong nước, nước vẫn luôn luôn thản nhiên, bình đẳng, không khen chê, không thương ghét. Tánh của nước lúc nào cũng bao la, lưu chuyển, có năng lực hóa giải và tự thanh lọc. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như nước. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

"Con đã tập hành sự như gió. Gió thổi đi những mùi thơm hoặc thúi mà không bao giờ có ý khen chê hay thương ghét. Gió có tánh bình đẳng, bao la, lưu chuyển, có năng lực hóa giải và tự thanh lọc. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như gió. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

"Con đã tập hành sự như lửa. Lửa đốt cháy tất cả những cái đẹp, xấu, sạch, dơ, thơm, thúi mà không bao giờ cảm thấy tham đắm, tủi nhục, buồn giận hay chán chường. Lửa có tánh bình đẳng, thiêu đốt, có năng lực hóa giải và tự thanh lọc. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như lửa. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

"Bạch Thế Tôn, con thường tự ví mình như một em bé dòng dõi hạ tiện, áo quần rách rưới, ôm bát vào làng xóm mà xin ăn. Trong lòng con không có một chút tự cao tự phụ, luôn luôn khiêm cung. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Thượng tọa Sàriputta còn muốn nói nữa, nhưng vị khất sĩ buộc tội Thượng tọa đã đứng dậy, bước đến trước mặt Phật, quỳ xuống đảnh lễ ba lạy, rồi chắp tay thưa :

Bạch Thế Tôn, con đã phạm giới, con đã buộc tội sư huynh Sàriputta một cách oan uổng. Con xin sám hối trước Thế Tôn và đại chúng để được giới thể thanh tịnh, và nguyện từ nay về sau không tái phạm.

Phật bảo :

Thầy đã nhận lỗi trước đại chúng và sám hối là điều rất tốt. Đại chúng đã chấp nhận sự sám hối của thầy. Vậy Thượng tọa Sàriputta cũng nên hỷ xả để tâm được an ổn, nhẹ nhàng.

Bạch Thế Tôn, Sàriputta nói, con đã hoàn toàn bỏ qua chuyện này.

Rồi Thượng tọa quay sang vị khất sĩ kia, nói tiếp :

Tôi cũng xin sư huynh hoan hỉ bỏ qua cho những lỗi lầm của tôi trong quá khứ đã làm cho sư huynh buồn phiền.

Vị khất sĩ buộc tội bước đến trước Thượng tọa Sàriputta, hai người cùng chắp tay cung kính đảnh lễ nhau ba lạy. Đại chúng rất hoan hỉ. Không khí rất cởi mở và hòa dịu.

Phật dạy pháp Tứ Y (Catvari pratisaranena)

Sau mùa an cư, Phật đi du hành nhiều nơi trong xứ Kosala. Một hôm ngài đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kàlàma[22]. Giới thanh niên tìm tới gặp Phật rất đông. Họ đã từng nghe tiếng sa môn Gotama nhưng chưa lần nào được gặp. Một thanh niên chắp tay hỏi Phật :

Thưa sa môn Gotama, ít lâu nay có rất nhiều vị đạo sư đến viếng Kesaputta để giảng dạy đạo lý. Vị nào cũng nói chỉ có Giáo Pháp của mình là hay và thường hay chê bai, chỉ trích các Giáo Pháp khác. Chúng con thật bối rối, không biết ai nói đúng ai nói sai, rốt cuộc chúng con sinh ra nghi ngờ tất cả. Sa môn là bậc giác ngộ liêm chính, xin thầy cho chúng con biết nên tin theo ai và không nên tin theo ai ? Ai là người nói đúng và ai là người đang truyền bá tà thuyết ?

Này các cháu, Phật nói, nếu các cháu có sinh tâm nghi ngờ thì đó cũng chỉ là việc tự nhiên. Các cháu đừng vội tin vào một điều gì dù đó là điều người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, hay dù điều đó do một nhân vật nổi tiếng nói ra. Các cháu chỉ nên chấp nhận và tin theo những gì hợp với lý trí của các cháu, những gì đã được các bậc thánh hiền xưa nay đồng ý, những gì mà khi đem ra thực hành sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp cho mọi người.[23]

Kính xin thầy nói rõ hơn cho chúng con dễ hiểu.

Này các cháu, ví dụ như có một người để tham vọng, giận tức và si mê chế ngự tâm mình, thì người ấy và những người sống chung quanh người ấy vui hay khổ ?

Bạch thầy, tham vọng, giận tức và si mê thường đưa đến tội ác. Vì vậy người ấy và những người sống chung quanh người ấy thường phải chịu khổ.

Vậy sống theo tham vọng, giận tức và si mê có phải là lối sống mà các bậc thánh hiền chấp nhận và khuyến khích không ? Có phải là lối sống mang đến những kết quả tốt đẹp cho mọi người không ?

Thưa không.

Ví dụ như có người sống theo các hạnh từ, bi, hỷ, xả, thường mang đến niềm vui cho những người xung quanh, thường cứu giúp những người hoạn nạn, thường vui theo cái vui chung của mọi người, thường bỏ qua không cố chấp ơn mình và lỗi người. Như vậy người ấy và những người xung quanh vui hay khổ ?

Bạch thầy, sống theo các hạnh từ, bi, hỷ, xả chẳng những mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh mà chính mình cũng được vui vẻ hạnh phúc.

Như vậy “sống theo các hạnh từ, bi, hỷ, xả sẽ mang đến niềm vui và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người” là điều hợp với lý trí, là điều được thánh hiền chấp nhận và khuyến khích, là điều mà khi đem ra thực hành sẽ mang đến kết quả tốt đẹp cho chính mình và cho những người xung quanh. Đó là điều mà các cháu nên chấp nhận, nên thực hành và nên khuyến khích người khác thực hành (Tăng Chi Bộ, chương 3 pháp, kinh 65).

"Này các cháu, ngoài việc dùng lý trí để nhận xét, người học đạo còn cần phải biết nương theo pháp Tứ-y[24](Catvari pratisaranena)như sau :

1- Y pháp, bất y nhân(Dharma pratisaranena bhavitavyam, na puggala pratisaranena) là nên tìm hiểu và học hỏi Giáo Pháp, chứ không nên cố chấp vào tên tuổi hay tướng mạo của người nói.

2- Y nghĩa, bất y ngữ(Artha pratisaranena bhavitavyam, na vyanjana pratisaranena) là nên căn cứ vào nghĩa lý, không nên chấp vào ngôn ngữ, văn tự.

3- Y trí, bất y thức(Jnana pratisaranena bhavitavyam, na vijnana pratisaranena) là nên dùng trí tuệ sáng suốt để tìm hiểu Giáo Pháp và thực hành theo, chứ không nên dựa vào giác quan hay tình cảm (thọ và ái) của mình.

4- Y kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa(Nitartha sutra pratisaranena bhavitavyam, na neyartha sutra pratisaranena) là nên theo kinh chỉ đúng chân lý, không nên chấp theo khế kinh nói theo trình độ người nghe chứ chưa chỉ đúng chân lý.

“Người học đạo như thế chắc chắn sẽ theo đúng Chánh Pháp, không sợ bị lầm lạc.

Bạch thầy, hôm nay là lần đầu tiên chúng con được nghe một vị đạo sư chỉ dạy những điều hợp với lý trí, không bắt buộc tín đồ phải có lòng tin tưởng mù quáng vào một đấng thiêng liêng hay một giáo điều nào cả. Chúng con rất vui mừng như người đang ở trong nhà tối được ngọn đèn sáng, như người lạc lõng trong rừng tìm được lối ra. Chúng con kính xin thầy cho chúng con được quy y Tam Bảo, làm đệ tử tại gia của thầy.

Đức Phật hoan hỉ chấp thuận.

Người tu sĩ như khúc gỗ trôi trên sông[25]

Đức Phật đi về hướng nam đến thành phố Àlavì, rồi từ đó đi về hướng tây, dọc theo bờ sông Gangà, hướng về thủ đô Kosambi của xứ Vatsa. Một hôm, đứng trên bờ sông Gangà, Phật nhìn thấy một khúc gỗ lớn đang trôi theo dòng nước chảy về phương đông. Phật gọi các vị khất sĩ đến, chỉ cho họ thấy khúc gỗ đang trôi và nói :

Này các thầy, khúc gỗ kia nếu không bị vướng mắc vào hai bên bờ, nếu không bị người ta vớt lên hoặc bị mục nát tan rã, thì sẽ cứ trôi như thế cho đến ngày ra tới biển cả. Các thầy cũng thế, trên con đường tu tiến theo Chánh Pháp, nếu các thầy không bị vướng mắc vào các cạm bẫy của cuộc sống hằng ngày, nếu các thầy không bị người đời lôi kéo ra khỏi con đường tu tiến, nếu các thầy không tự thối chí ngã lòng, thì chắc chắn các thầy cũng sẽ đi đến đại dương của sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.

Bạch Thế Tôn, xin ngài nói rõ hơn cho chúng con dễ hiểu.

Này các thầy, “không bị vướng mắc vào cạm bẫy của cuộc sống hằng ngày” là không bị vướng mắc vào sáu căn và sáu trần, là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần không sanh ra sáu thức với lòng thương ghét khen chê ... Khi sáu thức không sanh là sáu căn đã được thanh tịnh, viên thông. Khi ấy các thầy sẽ được tự tại, không còn sợ bị vướng mắc vào cạm bẫy phiền não của cuộc sống nữa.

“Không bị người đời lôi kéo ra khỏi con đường tu tiến” là không còn đắm nhiễm dục lạc và danh lợi ở cõi đời này nữa. Do công phu trì giới thuần thục, tài, sắc, danh, thực, thùy không còn chút gì hấp dẫn đối với các thầy nữa. Trái lại các thầy sẽ thưởng thức được niềm thanh tịnh, an lạc trong thiền định và chánh niệm.

“Không tự thối chí ngã lòng” là khi các thầy đã hiểu rõ Giáo Pháp và đã thực tập được nhiều kết quả tốt đẹp, cảm nhận được niềm vui hỷ lạc trong thiền tịnh. Khi ấy các thầy sẽ vững tin nơi Tam Bảo và vững tin nơi khả năng thành Phật của chính mình.

Này các thầy, tìm hiểu Giáo Pháp, vững tin nơi Tam Bảo, trì giới thanh tịnh, thực hành thiền định và chánh niệm, tu căn viên thông là những phương tiện cần thiết để đưa các thầy tới giải thoát khỏi cảnh đau khổ sanh, già, bệnh, chết. Chắc chắn không sai.

Trong lúc Phật đứng bên bờ sông Gangà giảng dạy cho các vị khất sĩ, có một thiếu niên chăn trâu khoảng 16 tuổi đứng gần đó. Thiếu niên này tên Nandà, trùng tên với thầy Nandà, em cùng cha khác mẹ với Phật. Nandà được nghe Phật giảng, thích lắm. Em mon men đến gần Phật xin được theo Phật làm khất sĩ. Em nói :

Bạch sa môn, con tên Nandà, con muốn được như các vị khất sĩ có dung mạo trang nghiêm kia. Con muốn được tu học như các vị ấy. Con xin hứa sẽ cố gắng làm những điều của sa môn chỉ dạy để được như khúc gỗ trôi ra biển cả mà không bị vướng mắc vào hai bên bờ, không bị người ta vớt lên, cũng không bị mục nát tan rã. Con xin sa môn nhận con theo làm đệ tử của ngài.

Con năm nay được bao nhiêu tuổi ?

Bạch sa môn, con 16 tuổi.

Con còn có cha mẹ ở nhà không ?

Thưa, cha mẹ con đều đã mất. Con không có anh em, bà con nào hết. Con chỉ ở giữ trâu cho ông bà phú hộ trong làng mà thôi.

Con có thể ăn mỗi ngày một bữa được không ?

Dạ, con đã quen ăn như thế từ lâu rồi. Mỗi buổi sáng con dắt trâu ra đồng, mang cơm nguội theo ăn, đến chiều tối mới dắt trâu trở về.

Này Nandà, đáng lẽ ra phải đến 20 tuổi con mới được chấp nhận vào giáo đoàn khất sĩ. Nhưng thấy con có chí muốn tu nên Như Lai cho phép con gia nhập giáo đoàn với tư cách sa di để tập sự xuất gia. Đến 20 tuổi con mới được thọ giới khất sĩ. Bây giờ con nên lùa trâu về trả cho chủ con đi, rồi con xin phép chủ cho con nghỉ việc. Xong xuôi con trở lại đây gặp ta.

Bạch sa môn, con có thể đi theo sa môn ngay bây giờ. Mấy con trâu này khôn lắm, chúng nó biết đường về chuồng một mình khi trời sụp tối.

Đành vậy, nhưng con phải lùa chúng về chuồng. Giao chúng lại cho chủ đàng hoàng. Rồi xin phép nghỉ việc. Sau đó Như Lai mới có thể cho con đi theo giáo đoàn được.

Bạch sa môn, con sợ khi trở lại đây sẽ không còn gặp sa môn và các thầy nữa !

Con đừng lo. Chúng ta sẽ đứng đây chờ con.

Nandà sung sướng, lật đật lùa trâu về chuồng. Đức phật quay sang bảo Svastika :

Này Svastika, Như Lai giao cho thầy làm y chỉ sư (upajjhàya, àcariya, giám hộ, giáo thọ) hướng dẫn và dạy dỗ em bé chăn trâu này.

Svastika chắp tay vâng dạ. Thầy năm nay đã 33 tuổi. Thầy được làm quen với Phật tại làng Uruvelà lúc năm anh em ông Kondanna vừa bỏ đi. Lúc bấy giờ thầy mới được chín tuổi. Cha mẹ mất sớm, thầy phải đi chăn trâu cho một ông chủ giàu lòng từ ái để nuôi ba đứa em : một đứa em trai tên Rùpak, bảy tuổi, và hai đứa em gái, Bala năm tuổi và Bhima ba tuổi. Sau khi Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, thầy được quen với hai chị em cô Sujàtà, con ông xã trưởng trong làng, được hai cô này dạy đọc và viết chữ, và được giúp đỡ về vật chất để nuôi ba đứa em. Mấy năm gần đây, trong một chuyến du hành ngang qua thôn Uruvelà, Svastika thấy túp lều của cha mẹ thầy khi xưa nay đã xiêu vẹo và đổ nát. Ba đứa em của thầy đều có gia đình, con cái và nhà cửa riêng. Thằng Rùpak, sau khi cưới vợ, đã đi lập nghiệp ở một nơi khác. Hai đứa em gái là Bala và Bhima, sau khi lập gia đình, đều ở lại Uruvelà, và mỗi người đều có một đàn con cả trai lẫn gái. Trong số đó có nhiều đứa cũng đi chăn trâu thuê như thầy khi xưa...

Rồi Svastika nhớ đến Ràhula năm nay đã 30 tuổi. Thầy nhớ đến những điều Ràhula đã chỉ dạy thầy khi thầy mới nhập chúng, cách nay thấm thoát đã 13 năm. Thầy nhớ đến bài kinh Chăn Trâu của Phật giảng sau khi thầy mới xuất gia được vài tháng. Thầy nguyện sẽ đem hết kinh nghiệm đời và đạo của thầy để chỉ dạy lại cho chú sa di Nandà. Vừa nghĩ tới đây thì chú bé Nandà đã trở lại. Đại đức Svastika trở về với giây phút hiện tại. Thầy bảo Nandà tới gần thầy, và cho chú biết thầy sẽ là y chỉ sư (y-chỉ A-xà-lê, Àcariya), là thầy hướng dẫn của chú trong sự tu học. Ngay tối hôm ấy Nandà được xuống tóc làm một sa di. Chú tiểu mới này được chỉ cách mặc áo, cầm bát và cách đi, đứng, nằm, ngồi theo Chánh Pháp.

Phật giảng về Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân[26]

Đức Phật đến thành phố Kosambi giáo hóa một thời gian trước khi lên đường về Ràjagaha. Một hôm, đang ngồi trong rừng Bhesakala cạnh núi Sumsumàra (núi Cá Sấu), Phật nói với các vị khất sĩ :

Này các thầy, hôm nay Như Lai muốn nói với các thầy về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân (Bồ tát). Đây là đề tài mà Thượng tọa Anuruddha đã chiêm nghiệm và thảo luận với Như Lai tại Vườn Tre xứ Ceti, lúc Thượng tọa đang ẩn cư nơi đó. Theo Thượng tọa Anuruddha thì đây là tám điều thực tế mà một bậc Bồ tát đã giác ngộ nên đem ra giáo hóa những người còn mê lầm :

"Điều thứ nhấtlà giác ngộ rằng tất cả các pháp đều là vô thường và vô ngã. Quán sát về tính vô thường và vô ngã của các pháp thì tránh được khổ đau và dần dần đạt tới giải thoát và an lạc.

"Điều thứ hailà giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ. Giảm bớt ham muốn thì đời sống bớt khổ đau.

"Điều thứ balà giác ngộ rằng biết sống đơn giản (thiểu dục tri túc) là nguồn an lạc. Người biết sống đời đơn giản mới có thì giờ và tâm lực để tu tập và giúp đời.

"Điều thứ tưlà giác ngộ rằng phải siêng năng tinh tấn mới có thể đạt được quả vị giác ngộ. Tánh lười biếng và hưởng thụ chỉ đưa đến sự đọa lạc vào thế giới của ma chướng và phiền não.

"Điều thứ nămlà giác ngộ rằng sống trong vô minh và buông thả sẽ bị giam hãm đời đời kiếp kiếp trong cảnh khổ của vòng sinh tử luân hồi. Chỉ có đời sống sáng suốt trong chánh niệm và tỉnh thức mới đưa tới sự thành tựu trí tuệ, giác ngộ và giải thoát.

"Điều thứ sáulà giác ngộ rằng bố thí là một phương pháp rất hiệu nghiệm để tự giúp mình và giúp người, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính nhờ bố thí mới diệt được ngã chấp và pháp chấp.

"Điều thứ bảylà giác ngộ rằng người hành đạo vào đời để hóa độ, phải luôn luôn giữ nếp sống đơn giản, thanh bạch, giới hạnh thanh cao, lấy đức từ bi hỷ xả mà đối xử với tất cả mọi người.

"Điều thứ támlà giác ngộ rằng muôn loài chúng sanh đều đồng chung một Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng và xứng đáng được tôn trọng, vì đều có khả năng thành Phật. Do đó mọi hành động, lời nói, ý nghĩ đều nhằm tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, để đi đến giác hạnh viên mãn.

"Này các thầy, các bậc đại nhân (Bồ tát) đều nhờ quán chiếu và tu tập theo tám điều trên đây mà được giác ngộ. Khi vào đời họ cũng đem Tám Điều Giác Ngộ này để khai thị và giáo hóa cho mọi người. Các thầy đã phát tâm Bồ tát cũng nên tu tập như thế song song với việc thực hành Lục Độ.

Đức Phật nói xong, các vị khất sĩ đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Phật thăm khất sĩ Vakkali đang hấp hối[27]

Về đến tinh xá Venuvana ở Ràjagaha, đức Phật được thông báo là Thượng tọa Vakkali đang bệnh nặng, rất trông mong được thấy mặt Phật trước khi qua đời. Chính vị thị giả của Thượng tọa đã đến đảnh lễ ba lạy dưới chân Phật và nói :

Bạch Thế Tôn, thầy con đang bệnh nặng, hiện đang nằm tại nhà một cư sĩ làm đồ gốm trên núi Isigili. Thầy con bảo con thay thầy tới đây, cung kính lạy xuống ba lần, trán chạm chân Phật, cung thỉnh Thế Tôn đến hộ niệm cho thầy con.

Được rồi, này Ànanda, chúng ta hãy đến thăm Thượng tọa Vakkali.

Khi đức Phật và Thượng tọa Ànanda vừa bước vào cửa, Thượng tọa Vakkali gắng gượng ngồi dậy, nhưng thầy ngồi lên không nổi. Phật đỡ thầy nằm xuống trở lại và nói :

Này Vakkali, thầy đừng cố gắng ngồi. Cứ nằm xuống cho thoải mái. Như Lai và thầy Ànanda ngồi trên mấy cái ghế này được rồi.

Phật và thầy Ànanda ngồi xuống ghế, rồi Phật hỏi thăm :

Tình trạng sức khỏe của thầy hiện nay như thế nào ? Gần đây có được thuyên giảm chút nào không ?

Bạch Thế Tôn, bệnh con không được thuyên giảm chút nào hết. Sức khỏe của con càng ngày càng tệ. Con cảm thấy khó chịu lắm. Trong thân con chỗ nào cũng đau nhức.

Tâm thầy có được an không ? Thầy có lo lắng ân hận gì không ?

Bạch Thế Tôn, con lo lắng và ân hận vì từ lâu nay con muốn đi thăm Thế Tôn mà con chẳng làm được việc ấy. Rất may là hôm nay con được nhìn mặt Thế Tôn, như thế là con đã mãn nguyện.

Này Vakkali, cần gì phải thấy mặt nhau mới gọi là được gần nhau. Mỗi lúc thầy tinh tấn tu tập, trì giới thanh tịnh là đã có Như Lai ở bên cạnh. Cái thân ngũ ấm có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp này cũng chỉ là vật giả tạm. Cái tâm thanh tịnh của thầy và cái tâm thanh tịnh của Như Lai thì không có ranh giới, làm gì có sự xa cách. Này Vakkali, ai thấy Pháp là thấy ta, ai thấy ta là thấy Pháp.

Im lặng một lát, Phật hỏi tiếp :

Này Vakkali, thầy có thấy sắc thân là vô thường không ? Thầy có luyến tiếc nó không ?

Bạch Thế Tôn, con thấy rất rõ. Sức khỏe của con hiện nay sa sút từng giờ từng phút. Cơ thể của con cũng đang hao mòn và hoại diệt từng giờ từng phút. Cảm thọ và tri giác của con cũng lu mờ dần. Con không luyến tiếc sắc thân này vì nó hiện đang làm con đau đớn, và con cũng không thấy cái gì là thật sự của con, cái gì thật sự là con.

Lành thay, này Vakkali, vạn vật đều vô thường và không có tự ngã, nhưng “cái biết vạn vật là vô thường, không có tự ngã” là tri kiến của chư Phật, là trí bát-nhã của chư Phật, là Phật tánh, là Chơn Tâm của muôn loài chúng sanh thì không bao giờ hoại diệt. Muốn chứng được cái Chơn Tâm thường, lạc, ngã, tịnh đó thì trước hết phải dứt trừ chấp ngã, chấp pháp.

Vakkali nhếch miệng cười, rồi hai hàng nước mắt ràn rụa chảy xuống, thầy nói:

Bạch Thế Tôn, trong giờ phút khó khăn này con lại có phước được lãnh thọ lời dạy vô giá của đức Thế Tôn. Từ ngày được Thế Tôn cho xuất gia, con thường quán niệm “vạn vật đều vô thường, không có tự ngã” và “tất cả chúng sanh đều có Chơn Tâm, Phật tánh đầy đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh”. Nhưng hôm nay lại được nghe chính kim khẩu của đức Thế Tôn nhắc nhở lời ấy trong giờ phút này. Con cảm thấy sung sướng quá, hạnh phúc quá, con xin đa tạ Thế Tôn. Bây giờ con cảm thấy tâm con hoàn toàn an ổn, thân con không còn đau nhức nữa. Con xin hẹn gặp lại Thế Tôn trong Chánh Pháp (Dhamma).

Thượng tọa Ànanda sụt sùi thương cảm. Đức Phật bảo :

Lành thay, này Vakkali, thầy hãy can đảm lên. Như Lai lúc nào cũng ở bên cạnh thầy.

Sau khi đức Phật và Thượng tọa Ànanda bước ra khỏi cửa, Thượng tọa Vakkali bảo thị giả nhờ người khiêng thầy luôn cả cái giường ra sườn núi Isigili, đặt dưới bóng mát của một tàng cây cổ thụ, cạnh một tảng đá đen. Thầy nằm nhiếp tâm an tịnh đến xế chiều thì nhập diệt.

Được tin này, đức Phật nói với các vị khất sĩ :

Vakkali đã được giải thoát.

Phật dạy cách vượt qua các đau khổ[28]

Ở lại Venuvana và Griddhakùta độ hai tuần, Phật lại lên đường đi Nàlandà, rồi đến Vesàlì. Tại giảng đường Trùng Các (Kùtàgàra) trong tinh xá Mahàvana, một hôm Phật dạy các vị khất sĩ về cách vượt qua các đau khổ. Ngài nói :

Này các thầy, đời là bể khổ, nào là phải lo sinh sống, già, bệnh, chết, ái ly, oán hội, cầu bất đắc. Thế nên không ai trên đời này mà không bị ít nhiều đau khổ. Nhưng người thường, người biết tu, người có thực chứng thánh quả cảm thọ sự đau khổ khác nhau. Người thường, do tham sân si làm gia tăng sự đau khổ, nên cảm thọ về đau khổ càng lớn. Người biết tu, nhẫn chịu sự đau khổ, không làm tăng sự đau khổ nhưng chưa biết cách làm giảm sự đau khổ. Bậc thánh nhân, do công phu thiền định và quán tưởng, làm cho sáu căn lần hồi thanh tịnh nên cảm thọ về sự đau khổ giảm dần xuống. Định lực và trí lực càng tăng, sáu căn càng thanh tịnh, thì cảm thọ đau khổ càng giảm lần cho đến khi dứt hẳn.

Rồi đức Phật nói kệ :

"Người tu căn viên thông,

"Giữ mắt tai mũi lưỡi

"Thân ý đều thanh tịnh,

"Siêu thoát mọi khổ đau. (Kinh Pháp Cú, bài 360, 361)

Đức Phật cầm một hòn đá đưa lên, hỏi :

Này các thầy, hòn đá trong tay Như Lai đây và núi Gayàsìsa (Tượng Đầu) cái nào lớn hơn ?

Bạch Thế Tôn, so với núi Gayàsìsa thì hòn đá trong tay Thế Tôn rất bé nhỏ, hầu như vô nghĩa.

Cũng thế, này các thầy, trong cùng một cảnh khổ, người không biết tu có cảm thọ khổ lớn như núi Gayàsìsa, còn bậc thánh nhân có cảm thọ khổ chỉ bằng hòn đá này.

"Này các thầy, ví dụ như có người bị trúng một mũi tên. Người đó cảm thấy đau nhức. Nhưng nếu một mũi tên thứ hai bay tới cắm đúng vào chỗ vết thương đó thì cái đau nhức ấy chắc chắn càng lớn hơn bội phần. Và nếu một mũi tên thứ ba bay tới đúng ngay vào chỗ vết thương đó nữa thì sự đau nhức lại càng lớn hơn gắp trăm lần. Các thầy nên biết vọng tưởng, ngã kiến, ngã ái, tham, sân, si cũng như mũi tên thứ hai và thứ ba, chúng làm cho cảm thọ đau khổ gia tăng gắp bội.

"Này các thầy, khi một bậc thánh nhân nhập đại định thì dù có 500 cỗ xe đi ngang qua trước mặt, hoặc trời giông bão sấm sét cũng không hề bị quấy rầy, mọi cảm thọ đều im bặt. Vị ấy luôn luôn cảm thấy an lạc, không bao giờ cảm thấy bị quấy nhiễu. Đối với vị ấy không có ngã và ngã-sở, thì căn và trần không còn nương vào đâu để sanh ra thức và cảm thọ nữa.

"Này các thầy, tu tập căn viên thông chính là phương pháp diệt trừ các cảm thọ, trong đó có cảm thọ đau khổ[29]. Sáu căn đối với sáu trần không sanh ra sáu thức thì cảm thọ không có nhân duyên gì để phát sanh.

"Này các thầy, khi sắp mệnh chung, các thầy nên tập trung tư tưởng vào sự quán chiếu thân thể, cảm thọ[30], tâm ý[31]và đối tượng của tâm ý (quán Tứ niệm xứ) để thấy rõ rằng thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý đều là vô thường, duyên sanh, không có tự ngã. Sự quán chiếu đó làm lắng dịu sự đau khổ và giúp các thầy được an ổn trong tỉnh thức và chánh niệm. Tiếp đến các thầy nên niệm Phật hoặc trì chú để tâm được thanh tịnh hầu sanh về các cõi an lành.

Hôm nay các vị khất sĩ được nghe một thời pháp quý báu chưa từng có nên các thầy đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Vô minh, hành, thức và danh sắc trong 12 nhân duyên[32]

Khi trận mưa đầu mùa đổ xuống làm giảm bớt cái nóng mùa hạ, Phật rời Vesàlì, lên đường đi Sàvatthi. Năm nay các vị khất sĩ cả nam lẫn nữ đều tựu về an cư tại Sàvatthi rất đông.

Tại giảng đường Lộc Mẫu (Migàra matas pasada) trong tinh xá Đông Viên (Pubbàràma), trong lúc Phật giảng dạy thêm về đạo lý duyên sinh, một vị khất sĩ đứng lên bạch :

Bạch Thế Tôn, trong 12 nhân duyên, Thế Tôn dạy do thức mà có danh sắc. Như vậy có phải toàn thể vũ trụ này đều phát sinh từ tâm thức không ?

Đúng như vậy. Này các thầy, "danh" chỉ chung các sự vật vô hình, có tên mà không có tướng. "Sắc" chỉ chung các vật có tên có tướng như mùi hương, ánh sáng, âm thanh và các vật có thể xúc chạm được. Tất cả danh và sắc sở dĩ hiện hữu là vì có sự nhận thức phân biệt. Nếu không có sự nhận thức phân biệt thì căn cứ vào đâu để nói một vật có hay không có ?

Bạch Thế Tôn, nếu danh sắc phát sinh từ thức thì quả thật thức là nguồn gốc của vũ trụ và muôn vật. Vậy ta có thể biết được nguồn gốc của tâm thức hay không ?Ta có thể hiểu được do đâu mà có tâm thức hay không? Và tâm thức có từ lúc nào ?

Này các thầy, ý niệm về bắt đầu và ý niệm về chung cuộc cũng đều phát sinh từ tâm thức. Thật ra, không có lúc bắt đầu cũng không có lúc chung cuộc, không có cái hiện hữu cũng không có cái không hiện hữu. Không nên nói danh sắc phát sinh từ thức, mà phải nói vì có thức mới thấy có danh sắc. Do vô minh nên chúng sanh mới có ý niệm phân biệt (thức) về thỉ và chung (hành), do vô minh nên chúng sanh mới có ý niệm phân biệt (thức) về cái hiện hữu và cái không hiện hữu (danh sắc). Hay nói cách khác, do vô minh nên mới có hành và thức. Hành là sự lưu chuyển, biến đổi. Thức là cái biết do sự phân biệt. Hành và thức nương vào nhau mà có. Do có "sự lưu chuyển, biến đổi" mới có "cái biết do sự phân biệt". Do có "cái biết do sự phân biệt" mới thấy có "cái lưu chuyển, biến đổi". Rồi chính cái ý thức phân biệt đó đưa chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử vô thỉ vô chung. Chỉ khi nào cái ý thức phân biệt đó bị tận diệt thì vòng luân hồi sanh tử mới chấm dứt.

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn vừa nói "vòng luân hồi sanh tử vô thỉ vô chung", sao lại nói đến "vòng luân hồi sanh tử chấm dứt" ?

Này các thầy, các thầy nên biết, "vòng sanh tử luân hồi" vốn không thật có. Đó chỉ là vọng tưởng, là ảo ảnh do "ý thức phân biệt" tạo ra. Thế nên khi tận diệt được ý thức phân biệt thì ảo ảnh của "vòng sinh tử luân hồi" không còn. Ảo ảnh là vật không thật có thì làm gì có thỉ có chung ?

Bạch Thế Tôn, thầy Punna Mantàniputta (Phú Lâu Na Mãn Từ Tử) hỏi, vô minh là yếu tố đầu tiên trong 12 nhân duyên. Vậy do đâu mà có vô minh ?

Này Punna Mantàniputta, vô minh không có gốc, không do nhân duyên sanh. Tánh Giác (Chơn Tâm) lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt, thấy biết tất cả mà không có ý thức phân biệt. Tánh giác không thể sanh vô minh. Trong tánh giác thanh tịnh sáng suốt đó bỗng vọng sanh cái thấy biết có phân biệt năng sở (có chủ thể và đối tượng)[33]. Cái thấy biết có phân biệt đó là vô minh. Vô minh đã vọng sanh nên không thật có, thì làm gì có gốc. Vô minh vốn là vọng nên tất cả những cái thấy biết do vô minh phát sanh đều là vọng tưởng, mê lầm, không thật có. Ví dụ như giảng đường Lộc Mẫu này, chúng sanh dùng ý thức phân biệt, nương theo nhận thức của sáu căn, mà cho rằng giảng đường này thật có. Bậc thánh nhơn dùng tuệ nhãn nhìn giảng đường chỉ thấy đất, nước, gió, lửa hòa hợp dung thông với nhau mà thôi. Nếu dùng Phật nhãn mà nhìn thì chỉ thấy toàn Tánh Giác, vì đất, nước, gió, lửa đều đồng một chơn thể, đồng một chơn tánh. Tất cả đều tịch tĩnh, sáng suốt.[34]

Đức Phật đưa mắt nhìn khắp đại chúng, rồi chẫm rãi nói tiếp :

Này các vị khất sĩ, chúng sanh do vọng chấp nơi ý thức phân biệt, cho đó là thật có (hữu), cho đó thật là mình (ngã) hoặc thật là của mình (ngã sở) cho nên phải bị lưu chuyển sanh tử trong ba cõi (dục, sắc và vô sắc). Nay quý vị muốn tu chứng bồ-đề, Niết bàn, muốn trở về tánh giác nguyên thủy, thì trước hết phải dứt trừ "ý thức phân biệt", chuyển tất cả các thứ hư vọng sanh diệt vào tánh tịch tĩnh (vắng lặng, viên trạm) của Chơn Như. Quý vị hãy dùng trí bát-nhã quán chiếu thâm sâu vào muôn sự muôn vật để chứng pháp không và ngã không. Đến chừng đó dòng sanh tử luân hồi sẽ không còn nương vào đâu để hiện hữu nữa.[35]

Thế nào là Chánh Kiến ?

Ngưng một lúc, đức Phật nói tiếp :

Quý vị nên biết con đường tu tập giải thoát mà Như Lai gọi là Bát Chánh Đạo. Trong đó Chánh Kiến là căn bản của Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Vì phải có Chánh Kiến trước mới thực hành được bảy pháp kia. Nhưng Chánh Kiến là gì ? - Chánh Kiến là thấy biết tất cả muôn sự muôn vật đúng như thật, không bị các cảm thọ và ý thức phân biệt lừa gạt.

Thượng tọa Ànanda vội quỳ xuống chắp tay bạch Phật :

Bạch Thế Tôn, chúng con ngu muội không biết "thấy đúng như thật" là thấy như thế nào. Xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ rõ thêm.

Này Ànanda, thầy thưa hỏi rất đúng lúc, Như Lai sẽ vì thính chúng sơ học mà nói rõ thêm. Các thầy hãy lắng nghe. Nếu trong lúc thấy biết mà sanh ra ý niệm có / không, lớn / nhỏ, tốt / xấu, hay / dở, phải / quấy, đúng / sai ... là thấy biết không đúng như thật, vì đã bị cảm thọ và ý thức phân biệt đánh lừa. Chánh Kiến là thấy biết bằng trí tuệ bát-nhã, trong đó không có ý niệm có / không, tốt / xấu, phải / quấy, ...

Bạch Thế Tôn, thấy biết bằng trí tuệ bát-nhã là như thế nào ?

Thấy biết bằng trí tuệ bát-nhã là thấy biết muôn sự muôn vật đều vô thường, duyên hợp, không có tự ngã, do đó đều bình đẳng, không có ý niệm phân biệt: Tất cả đều hòa hợp, dung thông trong một tổng thể tạm gọi là Chơn Tâm, Chơn Như, Phật Tánh (Tánh Giác).

Các vị khất sĩ im lặng, chăm chỉ lắng nghe, hiểu rằng 12 nhân duyên chỉ là tục đế, Tánh Giác mới là chơn đế, muốn thấy Tánh Giác phải thực hành Chánh Kiến. Tất cả đều lấy làm vui mừng nhận thấy con đường tu tập của mình đầy tương lai rực rỡ, chắc chắn sẽ đưa đến quả vô sanh.

Thế nào là Chánh Định ?[36]

Chánh định (Samàdhi, Tam-ma-đề) là pháp môn tu tập nhằm mục đích đưa đến giải thoát, đưa đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Định nào không nhằm mục đích đưa đến giải thoát là tà định, không phải là Chánh định.

Một hôm, trong giờ thuyết pháp, Phật dạy:

Này các vị khất sĩ, Chánh định là bậc thang cao nhất trong Bát Chánh Đạo. Có bốn phương pháp thực hành Chánh định. Thế nào là bốn ?

1- Phương pháp tu tập định, do tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. Đó là bốn bậc thiền đầu tiên. Ly dục, ly bất thiện pháp, tâm sanh hỷ lạc, có tầm có tứ, thì đắc sơ thiền, đạt Ly Sanh Hỷ Lạc Địa. Bỏ tầm bỏ tứ, nội tĩnh nhất tâm, thì đắc nhị thiền, đạt Định Sanh Hỷ Lạc Địa. Ly hỷ trú xả, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là Xả Niệm Lạc Trú, thì đắc tam thiền, đạt Ly Hỷ Diệu Lạc Địa. Xả khổ, xả lạc, ly hỷ ưu đã cảm thọ trước, thì đắc tứ thiền, đạt Xả Niệm Thanh Tịnh Địa.

2- Phương pháp tu tập định, do tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến chứng tri kiến. Đó là phương pháp ngoại định (kasina). Trong lúc ngồi thiền tác ý tưởng ánh sáng, an trú tưởng vào ánh sáng ban ngày, ngày như thế nào thì đêm như vậy, tâm mở rộng cho đến khi ánh sáng tràn ngập cả không gian.

3- Phương pháp tu tập định, do tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Đó là phương pháp quán tâm (vipassanà). Biết rõ khi nào lạc thọ, khổ thọ, hỷ thọ, ưu thọ, xả thọ sanh khởi, an trú, chấm dứt. Biết rõ khi nào vọng tưởng, phiền não sanh khởi, an trú, chất dứt. Biết rõ khi nào dục tầm, tham tầm, sân tầm, hại tầm sanh khởi, an trú, chấm dứt trong tâm.

4- Phương pháp tu tập định, do tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc. Đó là phương pháp quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn (quán Bát nhã). Đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt; đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt; đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt; đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt; đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Quán như vậy để thấy rõ tất cả năm uẩn đều là vô thường, là vô ngã, là niết-bàn, nhờ đó chứng được pháp không và ngã không.

Này quý thầy, đó là phương pháp tu tập Chánh định nhằm đưa đến giác ngộ và giải thoát.

Phật nói kinh Vu Lan Bồn (Ullambana sutta)[37]

Thượng tọa Moggallàna (Mục Kiền Liên) là người rất tinh tấn về công phu thiền định. Một tuần lễ sau khi xuất gia, lúc ở làng Kallavàla, Moggallàna đã thực hành pháp quán Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) do Phật dạy mà trở nên vị đệ tử thần thông bậc nhất. Mỗi lúc rảnh rang thầy thường tìm nơi thanh vắng ngồi thiền định liên tiếp nhiều giờ liền. Cách đây mấy hôm thầy chứng được năm trong sáu phép thần thông. Lục thông (Chalabhinna) là sáu phép thần thông do công phu thiền định (samàdhi) mà được.Lục thông gồm có:

1- Thiên nhãn thông(dibbacakkhu) : Có thể nhìn thấy tất cả mọi vật lớn nhỏ ở cõi Dục và cõi Sắc.

2- Thiên nhĩ thông(dibbasotà) : Có thể nghe tất cả những âm thanh lớn nhỏ ở cõi Dục và cõi Sắc.

3- Tha tâm thông(cetopariya nàna) : Có thể biết tư tưởng của các chúng sanh hữu tình.

4- Thần túc thông(iddhividha) : Trong khoảnh khắc, có thể hiện đến bất cứ nơi nào ở cõi Dục và cõi Sắc.

5- Túc mạng thông(pubbe nivasanussati) : Có thể biết rõ các kiếp trước của chính mình hay của một chúng sanh.

6- Lậu tận thông(àsavakkhaya nàna) : Tâm trí sáng suốt, không còn phiền não và mê lầm, và biết cách chỉ cho người khác tu tập để được như mình.

Sau khi chứng được ngũ thông, trong mấy ngày liền, thầy Moggallàna thử sử dụng những khả năng mới của mình. Rồi thầy bỗng nghĩ đến hình ảnh thân yêu của cha mẹ thầy. Không biết hiện giờ cha mẹ của thầy ở đâu ? Thầy nhớ đến lúc thầy cùng đi với Phật qua một bãi tha ma. Có một đống xương người to lớn bên vệ đường. Phật bỗng lặng lẽ bước đến đảnh lễ đống xương. Các vị khất sĩ thấy thế rất ngạc nhiên, không hiểu vì lý do gì Phật lạy đống xương. Thầy Ànanda liền hỏi :

Bạch Thế Tôn, ngài là bậc chánh đẳng chánh giác, là thầy của tất cả các cõi trời và cõi người. Vì cớ sao hôm nay Thế Tôn lại lạy đống xương.

Này các thầy, đức Phật đáp, chúng sanh trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc chìm đắm trong vòng sanh tử luân hồi không dứt, thật rất thảm thương. Trong vô số kiếp sanh sanh tử tử, có thể đều là thân thuộc họ hàng với nhau. Trong đống xương to lớn này chắc chắn có xương của chính thân ta hoặc của chính cha mẹ ta trong nhiều kiếp trước. Như Lai đảnh lễ đống xương để tỏ lòng hiếu kính đối với công ơn cha mẹ trong nhiều kiếp trước.

Thầy Moggallàna thầm nghĩ rằng "Đức Phật khi nhìn thấy đống xương khô còn nhớ đến công ơn cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp. Vậy hôm nay ta thử dùng thiên nhãn tìm xem cha mẹ ta hiện giờ ở đâu". Thầy Moggallàna liền dùng thiên nhãn nhìn khắp cõi trời, không thấy cha mẹ đâu. Thầy tìm kiếm trong cõi người thì thấy cha thầy đang sinh sống trong một gia đình Bà-la-môn khá giả, nhưng vẫn chưa thấy mẹ thầy ở đâu. Thầy cố tìm kỹ nhưng vẫn không thấy. Thầy rất ngạc nhiên, rồi thầy thử nhìn vào cõi ngạ quỷ, thầy thấy biết bao cảnh thương tâm, lầm than, đói khổ do ác nghiệp ganh ghét, tham lam, bỏn sẻn đời trước tạo nên. Bỗng thầy nhìn thấy bóng dáng ai giống như mẹ thầy, một người đàn bà gầy ốm như bộ xương khô, tóc tai rũ rượi, vẻ mặt đau khổ sợ sệt, mắt nhìn láu liên tìm kiếm thức ăn để tranh giành với những ngạ quỷ khác. Thầy nhìn một lúc nhận ra quả thật mẹ thầy là bà Moggali (Thanh Đề) đang ở trong một hoàn cảnh bi đát thảm thương. Thầy Moggallàna liền dùng thần túc thông hiện đến trước mặt mẹ, thầy gọi :

Thưa mẹ ! Thưa mẹ ! Con là Moggallàna đây. Mẹ còn nhớ con không?

Các ngạ quỷ đang tranh ăn, trong đó có mẹ thầy là bà Thanh Đề thấy thầy bỗng nhiên hiện đến, tướng mạo trang nghiêm, hào quang sáng rỡ, thì hoảng sợ, sụp xuống lạy lia lịa. Thầy Moggallàna liền ngồi xuống đỡ mẹ vào lòng, rồi âu yếm ôn tồn nói :

Thưa mẹ, con đây, con là Moggallàna đây. Mẹ còn nhớ con không ?

Ờ ! ờ ! Moggallàna đây hả ? Sao con lại đến đây được ? Mà con đến đây làm chi ! ? Ở đây khổ lắm con ơi ! ... Mẹ đói lắm, con có gì cho mẹ ăn đỡ không ?

Dạ có. Mẹ hãy ngồi đây chờ con, trong chốc lát con sẽ mang thức ăn đến cho mẹ.

Thầy biến đi trong thời gian co duỗi cánh tay rồi lại hiện trở lại với một bình bát đầy cơm nóng và cà-ri thơm phức. Bà Thanh Đề trông thấy, mừng rỡ, vội đưa tay phải ra chụp lấy bình bát, rồi lấy bàn tay trái đậy bình bát lại. Bà nói :

Coi chừng tụi chết đói này giựt ăn hết của mẹ.

Rồi bà vừa che đậy bình bát, vừa bốc ăn, mắt láu liên trông chừng bọn ngạ quỷ. Nhưng hỡi ôi ! Vừa đưa đến miệng thì bà cảm thấy cơm nóng như lửa, vội hất văng ra xa. Sợ chúng giựt, bà vội bốc nắm cơm khác đưa lên miệng, nhưng lại bị nóng, bà lại hất văng ra tứ tung. Trong chốc lát bát cơm đã hết mà bà vẫn chưa ăn được gì cả. Thầy Moggallàna, trước cảnh thương tâm ấy, cũng đành bất lực. Năm phép thần thông của thầy không giúp được gì cho mẹ thầy. Thầy Moggallàna, bùi ngùi thương cảm, đành từ giã mẹ, trở về tinh xá Jetavana, vào yết kiến Phật. Thầy đảnh lễ dưới chân Phật rồi nói :

Bạch Thế Tôn, con vừa đến gặp mẹ con trong kiếp ngạ quỷ. Hoàn cảnh đói khổ của mẹ con thật thảm thương. Con mang cơm đến dâng lên cho mẹ con mà bà cũng không thể ăn được. Mỗi lần đưa cơm lên tới miệng thì cơm trở nên nóng như lửa. Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn chỉ dạy cho con phương cách nào có thể cứu mẹ con ra khỏi kiếp ngạ quỷ ! ?

Này Moggallàna, lòng hiếu thảo của thầy đã cảm ứng đến chư thiên, thật đáng làm gương cho hậu thế. Nhưng dù thầy có đủ năm phép thần thông, một mình thầy cũng không đủ sức cứu mẹ thầy ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Muốn cứu mẹ, thầy phải nhờ thần lực của chư Tăng hiện tiền và mười phương Tam Bảo, mới mong độ thoát.

“Này Moggallàna, vào ngày tự tứ mãn hạ (Pavàranà), chư tăng được đầy đủ giới đức thanh tịnh. Thầy nên nhân cơ hội ấy cúng dường trai tăng với đầy đủ những thức ăn và trái cây ngon quý, hương, dầu, đèn nến, giường chiếu, y phục, thuốc men và vật dụng thường nhật, cầu các vị Thánh Tăng đồng một lòng chứng giám hiếu tâm của thầy mà hết lòng chú nguyện cho cha mẹ bảy đời[38]của thầy được đượm nhuần mưa pháp, thân tâm yên ổn, phát nguyện tu trì, lìa xa ác đạo, chóng thành Phật quả.

Rồi đức Phật quay sang các vị khất sĩ nói tiếp :

Này các thầy, từ nay về sau, vào ngày tự tứ mãn hạ, nếu có thí chủ hiếu thuận thiết lễ Vu Lan, cúng dường trai tăng để cầu siêu cho ông bà cha mẹ, thì bổn phận chúng Tăng trước hết là phải ngồi thiền định ý, tận tâm chú nguyện cho cha mẹ bảy đời của thí chủ, rồi phải cúng dâng các thức ăn tại bàn Phật, sau đó mới được tự thọ dụng.

Chẳng bao lâu, đến ngày mãn hạ, Thượng tọa Moggallàna theo lời Phật dạy, thiết lễ Vu Lan (Ullambana) cúng dường trai tăng để cầu siêu cho mẹ. Nhờ thần lực của mười phương Tam Bảo hộ niệm, bà Moggali (Thanh Đề), mẹ thầy Moggallàna, từ cõi ngạ quỷ bỗng phát tâm lành, sám hối tội lỗi, liền được tái sanh về cõi trời Quảng Quả[39](Vehapphala). Thầy Moggallàna dùng thiên nhãn thấy được như thế, rất hoan hỉ, liền đến đảnh lễ dưới chân Phật để tạ ơn. Đức Phật cũng hoan hỉ khen ngợi lòng hiếu thảo của thầy, và bảo các vị khất sĩ nên truyền dạy phép Vu-Lan báo hiếu này cho dân chúng được biết.

Người chết có hưởng được vật cúng tế không ?[40]

Một hôm Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm rồi bạch Thế Tôn :

Thưa Tôn giả Gotama, theo đạo Bà-la-môn chúng tôi, người ta thường làm các lễ bố thí cho người chết hoặc cúng tế cho các thân nhân đã qua đời. Không biết những người chết hoặc các thân nhân đã qua đời có thọ hưởng được những vật bố thí và cúng tế đó không ? Có được lợi ích gì không?

Này Bà-la-môn, nếu vật cúng tế tương ưng với hiện trạng người đã chết thời có thể hưởng được, nếu không tương ưng thời không thể hưởng được :

Những người ác kiến, gây nhiều ác nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục chỉ có thể thọ dụng các món ăn ở địa ngục để tồn tại, không hưởng được những vật thực do thân nhân cúng tế.

Những người ác kiến, gây nhiều ác nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào loài bàng sanh chỉ có thể thọ dụng các món ăn thích hợp với loài bàng sanh, không hưởng được những vật thực do thân nhân cúng tế.

Những người có chánh kiến, tạo nhiều thiện nghiệp, khi vừa mạng chung, còn đang mang thân trung ấm có thể hưởng những vật thực thích hợp do thân nhân cúng tế; nhưng sau khi tái sanh vào loài người chỉ có thể thọ dùng các món ăn thích hợp với loài người tại nơi đang sinh sống, không hưởng được những vật thực do thân nhân cúng tế nữa.

Những người có chánh kiến, gây nhiều thiện nghiệp, có nhiều phước báo, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào các cõi trời, những vị ấy dùng các món ăn thích hợp với chư thiên tại nơi đang sinh sống, và có thể hưởng được những vật thực thanh tịnh thích hợp do thân nhân cúng tế.

Thưa Tôn giả Gotama, nếu các thân nhân qua đời không hưởng được những vật cúng tế ấy thì ai hưởng ?

Này Jànussoni, các thân nhân khác đang sinh sống trong các cõi tương ưng có thể hưởng những vật cúng tế ấy.

Thưa Tôn giả Gotama, nếu không có thân nhân nào đang sinh sống trong các cõi tương ưng để có thể hưởng được những vật cúng tế ấy thì ai sẽ hưởng ?

Trường hợp ấy không thể xảy ra. Nhưng này Jànussoni người bố thí không phải không được hưởng quả lành đời sau vì người ấy cũng vừa tạo được thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp lành.


[1]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 479: Kalinga Bodhi. Cây Bồ đề Ànandaở Jetavana hiện nay là cây con của cây Bồ đề ở Anuradhapura xứ Sri Lanka (Tích Lan).

[2]Paticcalà "bởi vì" hay "tùy thuộc". Samuppàdalà "phát sanh" hay "sanh khởi". Vậy Paticca samuppàdacó nghĩa là "Tùy thuộc phát sanh". Thí dụ: Bởi vì có A nên B phát sanh. Bởi vì có B nên C phát sanh. Khi nào A diệt thì B cũng diệt. Paticca samuppàda là phương pháp quán chiếu để tìm nguồn gốc của đau khổ và sanh tử luân hồi của chúng sanh (nhân sinh quan), chứ không phải là phương pháp để tìm nguồn gốc của vũ trụ và vạn vật (vũ trụ quan).

[3]Xem kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển 2, phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, trang 178; Trường Bộ 15; Tương Ưng Bộ, chương 12.

[4]Hành nghiệpgồm có thân hành, khẩu hành và ý hành.

[5]Thức này là Thần Thứcdo Hành Nghiệp phát sanh, không phải là Ý Thức phân biệt.

[6]Lục nhậpgồm có 6 căn và 6 trần.

[7]Sáu xúc xứgồm có 6 căn, 6 trần và 6 thức.

[8]Thai nhi trong bụng mẹ được chia ra 5 thời kỳ: Kalala (phôi thai), Abbuda (thai 1-2 tháng), Pesì (thịt mềm), Ghana (thịt cứng), Pasàkha (thai có đủ chi tiết).

[9]Xem Tạp A Hàm 285.

[10]Có Hữulà có hiện-hữu, có Ngã, có Nghiệp, có Vật-sở-hữu.

[11]Có Thủ là có ý muốn giữ làm vật sở hữu, làm của riêng mình.

[12]Tương Ưng Bộ, chương 12, kinh 65: Thành Ấp.

[13]Xem Tương Ưng Bộ, chương 12, phẩm 6.

[14]Xem Tương Ưng Bộ, chương 12, kinh 60: Nhân.

[15]Xem Trung Bộ 43: kinh Mahà Vedalla; Tạp A Hàm 288; Tương Ưng Bộ, chương 12, kinh 67: Bó Lau.

[16]"Danh" là các sự vật vô hình. "Sắc" là các sự vật hữu hình. "Danh sắc" là nói chung tất cả các pháp, tất cả các sự vật hữu hình và vô hình.

[17]"Thức" là ý thức phân biệt, là cái biết của người thế tục. "Thức" cũng có nghĩa là "thần thức".

[18]Nếu không có Thức thì lấy gì để biết có Danh Sắc ? Nếu không có Danh Sắc thì làm sao có Ý Thức ?

[19]Bánh chapatilà món ăn rất thông dụng tại Ấn Độ, làm bằng bột mì, tương tợ như bột bánh pizza nhưng mềm, hình tròn và dẹp, lớn bằng bàn tay xòe, chỉ toàn bằng bột nướng. Lúc ăn, chấm với nước cà-ri.

[20]Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 203-205; Tăng Chi Bộ, chương 9 pháp, kinh.11: Sau khi an cư.

[21]Xem Tương Ưng Bộ, chương 6, kinh10: Kokàlika; Tăng Chi Bộ, chương 10 pháp, kinh 89: Kokàlika; Tiểu Bộ, Kinh Tập (Sutta nipata), Đại phẩm, kinh 10: Kokàlika; Tiểu Bộ, Jàtaka 481: Takkàriya; Tạp A Hàm 47; Tăng Nhất A Hàm 19.

[22]Xứ Kàlàmanằm trong góc nhọn, chỗ gặp nhau giữa sông Gangà và sông Ghaghara.

[23]Xem Tăng Chi Bộ, chương 3 pháp, kinh 65: Các vị ở Kesaputta; Trung A Hàm: kinh Anh Võ.

[24]Xem kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Tứ Y (8); Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh 29; Luận Đại Trí Độ 9; Luận Du Già Sư Địa 45; Đại Thừa Nghĩa Chương 11; Thích Môn Quy Kính Nghi, tập thượng.

[25]Tương Ưng Bộ, chương 35, kinh 239: Khúc Gỗ.

[26]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 779.

[27]Xem Tương Ưng Bộ, chương 22, kinh 87: Vakkali.

[28]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 96: kinh Takkasilà; Buddhist Legends, quyển III, trang 243-244.

[29]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 243-244.

[30]Cảm thọ: Cảm giác sung sướng, đau khổ hay không sung sướng không đau khổ.

[31]Tâm ý: Ý kiến, ý thức, ý niệm, tư tưởng.

[32]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 121; Tạp A Hàm 232.

[33]Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn; tri kiến vô kiến tức thị Bồ đề, Niết bàn vô lậu chơn tịnh." là nghĩa như thế.

[34]Ý này được khai triển trong Bát Nhã Tâm Kinh.

[35]Ý này được khai triển trong kinh Lăng Nghiêm.

[36]Xem Tăng Chi Bộ, chương Bốn Pháp, kinh 41: Bốn Định.

[37]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 684, 685 và 687

[38]Cha mẹ bảy đời= Cha mẹ trong bảy đời sau cùng của chúng ta (theo tư tưởng Phật giáo). Khác với Cửu huyền thất tổ(theo Nho giáo) = Thất tổ gồm có 1) Ông nội ông ngoại (Tổ phụ), 2) ông Cố (Tằng tổ, Cao tổ), 3) ông Sơ (Huyền tổ), 4) ông Sờ (Lai tổ), 5) ông Sẩm (Côn tổ), 6) ông Cẩm (Nhưng tổ), 7) ông Kỷ (Vân tổ). Cửu huyền là vô số đời tổ trước ông Kỷ (chữ Cửu ở đây có nghĩa là vô-số).

[39]Quảng Quả thiên là tầng trời thứ nhất của Tứ Thiền.

[40]Xem Tăng Chi Bộ, chương 10 pháp, kinh 177: Jànussoni. Xem thêm Tiểu Bộ, Jàtaka, kinh 18: Matakabhatta, và kinh 19: Àyàcitabhatta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/11/2013(Xem: 50423)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
22/10/2013(Xem: 19068)
Là người Việt Nam, bất luận bình dân hay trí thức, chúng ta đều thấy có trọng trách tìm hiểu những gì liên hệ với dân tộc và đất nước thân yêu của mình. Sự tìm hiểu ấy giúp cho chúng ta có nhận thức chính xác về tư tưởng, tánh tình đồng bào ta. Nếu là người trí thức Việt Nam mà không biết gì về truyền thống của dân tộc thì không xứng đáng là trí thức. Thế nên, sự nghiên cứu những mối liên quan với dân tộc, thực là điều kiện tối thiểu của những người yêu dân tộc, quê hương xứ sở.
09/10/2013(Xem: 12325)
Tờ nhật báo uy tín Le Monde của Pháp ngày 18 tháng 9 năm 2013, trong mục Địa Lý và Chính Trị và qua một bài viết của ký giả Frédéric Robin đặc phái viên ở New Delhi, đã nêu lên các mưu đồ và tham vọng quốc tế nhằm khai thác thánh địa Phật Giáo Lâm-tì-ni (Lumbini). Dưới đây là phần chuyển ngữ.
19/09/2013(Xem: 27541)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
05/06/2013(Xem: 4895)
Vào khoảng 4giờ chiều của ngày 10 tháng 09 năm 2003, chuẩn bị đi tụng kinh thì điện thoại lại reo. Nhấc phone để nghe và vừa niệm A Di Đà Phật, thì đầu dây vọng lại cho hay ...
01/06/2013(Xem: 21087)
Cuốn sách Cuộc Tranh Đấu Lịch Sử Của Phật Giáo Việt Nam được Viện Hóa Đạo GHPGVNTN xuất bản vào năm 1964... Nam Thanh
27/05/2013(Xem: 6452)
Bài này tìm học rõ ngày sinh của đức Phật. Trên thế giới ngày nay có năm tôn giáo lớn: đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, đạo Ấn Độ, đạo Do Thái và đạo Phật. Hai tôn giáo có tính cách cục bộ là đạo Ấn Độ (Hinduism) và đạo Do Thái (Judaism). Đạo Ấn Độ vào đầu thiên niên kỷ Ba đếm 700 triệu tín đồ, tức là 13% dân số thế giới. Đạo Do Thái rất ít tín đồ, 18 triệu người trên dân số thế giới gần 7 tỉ, thế nhưng ảnh hưởng bao la trên lịch sử, chính trị và kinh tế thế giới.
25/05/2013(Xem: 10328)
Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc (Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X) - Tác giả Viên Trí
15/05/2013(Xem: 3476)
Triết học Phật giáo Đại thừa có hai phương diện, đó là Triết học Phật giáo Đại thừa hay Tánh không luận śūnyatāvāda) và Du-già hành tông (Yogācāra) hay trường phái Duy thức (Vijñānavāda). Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến triết học Trung quán (Madhyamaka Philosophy) hay triết học Tánh không (śūnyatā). Nói chung, đương thời có ba tên gọi dành cho Tiểu thừa và Đại thừa. Ba tên gọi dành cho Tiểu thừa là Phật giáo Nam truyền (Southern Buddhism), Phật giáo Nguyên thuỷ (Original Buddhism), và Phật giáo Tiểu thừa (Hīnayāna). Ba tên gọi dành cho Đại thừa là Phật giáo Bắc truyền (Northern Buddhism), Phật giáo Phát triển (Developed Buddhism), và Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna). Hai danh xưng đầu là do các học giả Châu Âu. Bắc truyền và Nam truyền là dựa trên yếu tố địa lý. Các học giả Châu Âu cho rằng đạo Phật được truyền bá sang các quốc gia phía Bắc Ấn Độ như Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa , Nhật Bản, v.v... là Phật giáo Bắc truyền, và Phật giáo Nam truyền là đạo Phật được truyền bá đến các quốc gia
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]