Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Cuộc xâm chiếm của người Hồi

06/01/201206:49(Xem: 6211)
6. Cuộc xâm chiếm của người Hồi

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG III -
TỪ ALEXANDRE TỚI AURENG-ZEB

VI. CUỘC XÂM CHIẾM CỦA NGƯỜI HỒI

Ấn Độ suy nhược – Mahmud de Ghazni – Triều đại Hồi ở Delhi – Công trình văn hóa – Chế độ tàn nhẫn của họ - Bài học của lịch sử Ấn Độ

Suốt lịch sử nhân loại có lẽ không có trang nào đẫm máu bằng trang sử Hồi xâm chiếm Ấn Độ. Đọc nó ta đâm ra chán nản vì thấy rằng văn minh là cái gì rất mong manh, cái thế thái bình bấp bênh, trật tự mà lại tự do, văn vẻ đó có thể bị phá huỷ bất kì lúc nào, do những kẻ dã man ở ngoài vô, có khi do những quân dã man sinh ra ở ngay trong xứ nữa. Người Ấn Độ đã phí sức trong các cuộc tranh biện và nội chiến, họ đã theo đạo Phật và đạo Jaïn, mà những đạo đó không hợp với sự tranh đấu dũng cảm cần thiết cho đời sống; họ lơ là với việc phòng vệ biên cương và kinh đô, bảo vệ của cải và tự do, và các dân tộc Scythe, Hung Nô, A Phú Hãn, Thổ rình rập ở chung quanh, lúc nào thấy tinh thần quốc gia của Ấn giảm xuống là xông vô liền. Trong bốn trăm năm (600-1000), Ấn Độ là cái mồi nhử họ, và sau cùng cuộc xâm lăng xảy ra.

Lần tấn công đầu tiên chỉ là một cuộc nhập khẩu ngắn ngủi do Multan chỉ huy, đánh thốc vào miền Tây Pendjab rồi rút về (664 sau Công nguyên). Trong ba trăm năm, tiếp theo nhiều cuộc nhập khẩu khác, hậu quả là người Hồi chiếm được thung lũng Indus, gần đúng vào lúc người Ả Rập thua ở Poitiers (732 sau Công nguyên), hết làm chủ châu Âu. Nhưng cuối thế kỉ thứ X, người Hồi mới thực sự xâm chiếm Ấn Độ.

Năm 997, một thủ lãnh Thổ tên là Mahmud làm vua tiểu quốc Ghazni, ở miền Đông A Phú Hãn. Hỡi ơi, ông ta thấy rằng vương quốc của mình trẻ trung quá mà lại nghèo, còn Ấn Độ ở bên kia biên giới thì đã già cỗi mà lại giàu, thế là lòng tham của ông nổi lên. Viện cái cớ thiêng liêng là để diệt thói sùng bái ngẫu tượng ở Ấn[23], ông ta dắt một đạo quân thờ cái “đạo” cướp bóc, vượt biên giới Ấn. Ông ta đánh tan đạo quân Ấn không chuẩn bị kĩ ở Bhimnagar, tàn phá các thành thị, đền chùa và chở về nước không biết bao nhiêu của cải người Ấn đã tích luỹ trong mấy thế kỉ. Về tới Ghazni, ông ta trải các của cướp bóc được cho các sứ thần ngoại quốc coi, làm cho bọn này ngạc nhiên, vô cùng tán thưởng: thôi thì đủ hết “đồ tế nhuyễn, các viên ngọc trai, hồng ngọc lấp lánh như nước hoà với rượu rồi đông lại, các viên ngọc bích y như trái sim[24], và những viên kim cương lớn bằng trái lựu”.

Từ đó, quen mùi, mỗi mùa đông ông ta lại đem quân xuống Ấn Độ, vơ vét cho đầy kho tàng của ông và cho quân lính thả cửa giết chóc, cướp bóc, qua mùa xuân lại trở về kinh đô, càng ngày càng giàu có hơn. Ở Mathura (trên bờ sông Jumna) ông ta vô một ngôi đền, khiêng hết các tượng nạm vàng và ngọc, vàng, bạc, đồ thờ cũng vơ hết; ông ta ngạc nhiên sao mà kiến trúc của ngôi đền vĩ đại thế, tính phỏng rằng muốn xây cất lại thì phải tốn một trăm triệu dina[25] và làm việc trong hai trăm năm; vậy mà ông ông sai quết thạch du[26] lên, đốt cho cháy rụi mới thôi. Sáu năm sau ông ta cướp phá một thành phố trù phú khác ở Bắc Ấn, thành Smanath, giết sạch năm chục ngàn dân rồi chở hết của cải về Ghazni, thành một người có lẽ giàu nhất trong lịch sử nhân loại. Đôi khi ông ta tha chết cho dân chúng các thành phố chiếm được, lôi hết về nước, bắt làm nô lệ; nhưng số nô lệ quá nhiều đến nỗi chỉ trong vài năm, giá rẻ mạt, vài quan tiền Pháp một tên. Trước khi ra trận, Mahmud quì xuống cầu nguyện Allah phù hộ cho mình. Ông giữ ngôi được một phần ba thế kỉ và khi chết, được các sử gia Hồi coi là ông vua lớn nhất của thời đại, một trong những ông vua lớn nhất của mọi thời.

Thấy tên ăn cướp hạng nhất đó được coi như thần thánh, các lãnh tụ Hồi khác muốn noi gương nhưng không thành công bằng. Năm 1186, bộ lạc Ghuri ở A Phú Hãn[27] xâm lăng Ấn Độ, chiếm Delhi, đốt phá các đền đài, chiếm của cải rồi lập một triều đại Hồi ở Delhi, làm cho suốt ba thế kỉ dân Bắc Ấn chịu một chế độ độc tài của ngoại nhân, thỉnh thoảng phẫn uất quá, phải nổi loạn ám sát. Vua Hồi khát máu đầu tiên là Kutb-d-Din Aibak đáng làm “kiểu mẫu” cho cả loạt: cuồng tín, dữ như beo, tàn nhẫn. Một sử gia Hồi bảo: “Ông ta phân phát của cải tới mấy trăm ngàn, nhưng những kẻ bị ông giết cũng tới mấy trăm ngàn”. Sau một lần thắng trận, ông “bắt năm chục ngàn người nô lệ, cánh đồng đen nghịt người Ấn”, mà hồi nhỏ chính ông ta đã bị bán làm nô lệ đấy. Một vua Hồi khác, Balban, trừng trị tụi côn đồ hoặc phiến loạn, bằng cách cho voi giày hoặc lột da, hoặc vùi vào đống rơm cho chết ngạt, hoặc treo cổ lên ở cửa thành Delhi. Khi một số người Mông Cổ lại làm ăn ở Delhi, cải đạo theo Hồi giáo, muốn nổi loạn, vua Hồi Alau-d-Din (người đã hạ thành Chitor), trong một ngày giết hết các đàn ông Mông Cổ - từ mười lăm tới ba chục ngàn mạng. Vua Hồi Muhammad-bin-Tughlak, kẻ đã giết cha để đoạt ngôi, thành một nhà bác học nổi danh và một nhà văn có tài; mặc dầu nghiên cứu toán, vật lí và triết học Hi Lạp, ông ta còn tàn bạo hơn hết thảy các vua trước. Một người cháu ông nổi loạn, ông bắt vợ con người đó phải ăn thịt chồng và cha. Ông phá giá tiền tệ, cướp bóc, giết chóc, làm cho trong xứ điêu tàn tới nỗi dân phải trốn vào rừng ở. Ông giết không biết bao nhiêu người Ấn, và chính một sử gia Hồi đã phải bảo rằng “trước lều và trong sân hoàng cung luôn luôn có hàng đống xác người, bọn đao phủ phải lôi kéo, đâm chém nạn nhân suốt ngày tới mệt đừ ra”. Muốn dời đô lại Delautabad, ông bắt tất cả dân cư ở Delhi đi theo ông và Delhi thành một hoang địa, hay tin một người mù còn ở lại Delhi, ông ta bảo lính lôi xềnh xệch người đó tới kinh đô mới, và tới nơi kẻ khốn nạn chỉ còn có mỗi một giò. Ông ta phàn nàn rằng dân không yêu ông, không nhận đúng đức công bằng sắt đá của ông. Ông ta thống trị Ấn Độ một phần tư thế kỉ và chết trên giường bệnh. Người nối ngôi ông, Firoz Shah, chiếm xứ Bengale, ra lệnh hễ ai cắt được một đầu người Ấn thì được thưởng và ông đã thưởng 180.000 đầu. Thiếu nô lệ thì ông tấn công các làng xóm, và Trời cho ông ta hưởng thọ được tám mươi. Còn vua Hồi Ahmed Shad, mỗi khi hay tin nội trong một ngày quân đội ông giết được hai chục ngàn thường dân Ấn thì mở tiệc ăn mừng luôn ba ngày liền.

Những ông vua đó thường có khả năng hết mà bọn trung thành với họ đều can đảm, khéo mưu tính, nên họ mới giữ được quyền hành mà cai trị dân Ấn đông hơn họ gấp bội. Phải nhận rằng một phần cũng nhờ tôn giáo nhất thần của họ có xu hướng hiếu chiến, khắc kỉ, cương cường hơn các tín ngưỡng trong dân gian Ấn Độ. Trong bọn độc tài khát máu đó có vài người có học thức, che chở nghệ thuật, khuyến khích các nghệ sĩ và thợ thuyền – hầu hết là gốc Ấn – xây cất các giáo đường Hồi giáo và lăng tẩm đẹp đẽ, có người vào hàng học giả thích đàm đạo với các sử gia, thi sĩ và và nhà bác học. Một học giả nổi danh nhất của châu Á, Alberuni theo vua Mahmud xứ Ghazni vô Ấn viết một bộ sách về Ấn có thể so sánh được với bộ Histoire naturellecủa Pline hoặc bộ Cosmoscủa Humboldt. Sử gia Hồi cũng đông gần bằng tướng lãnh Hồi mà cũng không thua bọn này về tinh thần hiếu chiến, khát máu. Bọn vua Hồi dùng thuật đánh thuế - một thuật rất cổ - và cả phương pháp cướp giật nữa để vơ vét hết tiền bạc của dân Ấn, nhưng họ ở lại trong xứ, lại dùng tiền đó tiêu pha và đồng tiền luân chuyển trong nền kinh tế Ấn Độ. Nhưng chính sách khủng bố và bóc lột vô liêm sỉ đó làm cho dân tộc Ấn suy nhược đi cả về thể chất lẫn tinh thần, mà dân tộc Ấn vốn đã suy nhược sẵn rồi vì thời tiết, vì thiếu ăn, vì chia rẽ về chính trị và vì ảnh hưởng của các tôn giáo bi quan.

Chính sách cai trị của các vua Hồi đã được Alau-d-Din vạch rõ khi ông ta ra lệnh cho các cố vấn thảo những “luật để bóp nặn dân Ấn tới kiệt, không còn chút của cải nào nữa, để họ không còn sức đâu mà bất bình, nổi loạn”. Xưa các vua Ấn chỉ bắt nông dân nộp một phần sáu huê lợi, nay các vua Hồi bắt nộp một nửa huê lợi. Một sử gia Hồi bảo: “Không một người Ấn nào dám chắc giữ được thủ cấp, vàng bạc hoặc một vật thừa nào của mình… Đánh đập, bêu chợ, nhốt khám, cột chân cột tay, mọi phương tiện đều được dùng để bắt họ phải nộp thuế”. Một viên cố vấn trách chính sách đó tàn nhẫn, Alau-d-Din bảo: “Khanh là một nhà bác học đấy nhưng thiếu kinh nghiệm, ta vô học nhưng ta biết rõ công việc của ta. Khanh nên tin chắc rằng khi nào tụi Ấn nghèo mạt thì chúng mới hoá nhu thuận. Vì vậy ta đã ra lệnh để cho chúng có đủ sữa, lúa ăn đợi tới mùa sau, chứ không được dư để chứa trong kho mà làm giàu”.

Đó là vài nét chính về lịch sử Ấn Độ thời đó. Bị các chia rẽ nội bộ làm cho suy nhược, dân tộc Ấn không chống nổi bọn xâm lăng, bị bọn xâm lăng làm cho nghèo mạt, họ không còn đủ sức chống cự lại nữa và tìm nguồn an ủi trong những thuyết siêu nhiên, họ bảo làm chủ hay làm nô lệ thì cũng chỉ là ảo tưởng, cái gì cũng hư vô hết, đời người ngắn ngủi quá, hơi đâu mà nghĩ tới chuyện bảo vệ tự do của mình hoặc của dân tộc. Bi kịch đó để lại cho ta một bài học chua chát: phải luôn luôn cảnh giới mới bảo vệ được nền văn minh. Một dân tộc nên yêu hoà bình, nhưng cũng phải luôn luôn giữ gìn cho thuốc súng được khô.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/11/2013(Xem: 50644)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
22/10/2013(Xem: 19159)
Là người Việt Nam, bất luận bình dân hay trí thức, chúng ta đều thấy có trọng trách tìm hiểu những gì liên hệ với dân tộc và đất nước thân yêu của mình. Sự tìm hiểu ấy giúp cho chúng ta có nhận thức chính xác về tư tưởng, tánh tình đồng bào ta. Nếu là người trí thức Việt Nam mà không biết gì về truyền thống của dân tộc thì không xứng đáng là trí thức. Thế nên, sự nghiên cứu những mối liên quan với dân tộc, thực là điều kiện tối thiểu của những người yêu dân tộc, quê hương xứ sở.
09/10/2013(Xem: 12383)
Tờ nhật báo uy tín Le Monde của Pháp ngày 18 tháng 9 năm 2013, trong mục Địa Lý và Chính Trị và qua một bài viết của ký giả Frédéric Robin đặc phái viên ở New Delhi, đã nêu lên các mưu đồ và tham vọng quốc tế nhằm khai thác thánh địa Phật Giáo Lâm-tì-ni (Lumbini). Dưới đây là phần chuyển ngữ.
19/09/2013(Xem: 27605)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
05/06/2013(Xem: 4903)
Vào khoảng 4giờ chiều của ngày 10 tháng 09 năm 2003, chuẩn bị đi tụng kinh thì điện thoại lại reo. Nhấc phone để nghe và vừa niệm A Di Đà Phật, thì đầu dây vọng lại cho hay ...
01/06/2013(Xem: 21149)
Cuốn sách Cuộc Tranh Đấu Lịch Sử Của Phật Giáo Việt Nam được Viện Hóa Đạo GHPGVNTN xuất bản vào năm 1964... Nam Thanh
27/05/2013(Xem: 6511)
Bài này tìm học rõ ngày sinh của đức Phật. Trên thế giới ngày nay có năm tôn giáo lớn: đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, đạo Ấn Độ, đạo Do Thái và đạo Phật. Hai tôn giáo có tính cách cục bộ là đạo Ấn Độ (Hinduism) và đạo Do Thái (Judaism). Đạo Ấn Độ vào đầu thiên niên kỷ Ba đếm 700 triệu tín đồ, tức là 13% dân số thế giới. Đạo Do Thái rất ít tín đồ, 18 triệu người trên dân số thế giới gần 7 tỉ, thế nhưng ảnh hưởng bao la trên lịch sử, chính trị và kinh tế thế giới.
25/05/2013(Xem: 10386)
Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc (Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X) - Tác giả Viên Trí
15/05/2013(Xem: 3482)
Triết học Phật giáo Đại thừa có hai phương diện, đó là Triết học Phật giáo Đại thừa hay Tánh không luận śūnyatāvāda) và Du-già hành tông (Yogācāra) hay trường phái Duy thức (Vijñānavāda). Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến triết học Trung quán (Madhyamaka Philosophy) hay triết học Tánh không (śūnyatā). Nói chung, đương thời có ba tên gọi dành cho Tiểu thừa và Đại thừa. Ba tên gọi dành cho Tiểu thừa là Phật giáo Nam truyền (Southern Buddhism), Phật giáo Nguyên thuỷ (Original Buddhism), và Phật giáo Tiểu thừa (Hīnayāna). Ba tên gọi dành cho Đại thừa là Phật giáo Bắc truyền (Northern Buddhism), Phật giáo Phát triển (Developed Buddhism), và Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna). Hai danh xưng đầu là do các học giả Châu Âu. Bắc truyền và Nam truyền là dựa trên yếu tố địa lý. Các học giả Châu Âu cho rằng đạo Phật được truyền bá sang các quốc gia phía Bắc Ấn Độ như Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa , Nhật Bản, v.v... là Phật giáo Bắc truyền, và Phật giáo Nam truyền là đạo Phật được truyền bá đến các quốc gia
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]