Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường Lối Thiền Tông

14/05/201121:14(Xem: 6958)
Đường Lối Thiền Tông
thiendinh_buddha1
ĐƯỜNG LỐI THIỀN TÔNG

Tâm Thái

Trước khi tìm hiểu kỹ về Thiền tông, chúng ta nên có một quan niệm tổng quát về tông phái này thì khi đi sâu vào chi tiết sẽ bớt bỡ ngỡ. Ngay đối với số đông các Phật tử Việt Nam, Thiền tông cũng là một tông phái được ít người hiểu đến vì tính cách kỳ đặc của pháp tu này, vì vậy nên có những xét đoán, phê bình không đúng. Chúng ta nên tránh việc phê bình, chỉ trích các tông phái khác tông phái mình đang tu, vì tông phái nào cũng đòi hỏi một sự học hỏi sâu xa, nên thường khi chỉ trích các tông phái khác thì chỉ căn cứ theo một số hiểu biết hời hợt về tông phái đó, vì vậy những lời chỉ trích thường không đúng được, và chỉ gây thêm những tranh luận vô ích, mất thì giờ. Chúng ta nên tìm học kỹ để phân biệt rõ ràng và thực hành đúng lời Phật dạy, chứ không phải để tranh luận, chỉ trích.

Danh từ Thiền tông

Trong đạo Phật, dù là Nguyên thủy hay Đại thừa cũng đều có áp dụng pháp Thiền vì đó là một đặc tính quan trọng của đạo Phật. Thiền tông tuy cũng áp dụng pháp Thiền như các tông khác trong đạo Phật, nhưng đã phát triển theo một đường lối riêng nên trở thành một tông phái riêng biệt trong 10 tông phái của đạo Phật là: Câu xá tông, Thành thiệt tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Thiền tông, Mật tông, và Tịnh độ tông (theo: Phật giáo khái luận). Có khi Thiền tông còn được gọi bằng những tên khác như: Thiền Như Lai Tối Thượng, Thiền Như Lai Thanh Tịnh, Thiền Tổ Sư, Thiền Đốn Ngộ, Thiền Đạt Ma, Thiền Tự Tánh Thanh Tịnh, Tâm Tông ... Đặc điểm của Thiền tông là: "Thiền tông lấy phương diện hoạt động hiện thực làm chủ nghĩa để phát khởi. Đó là đặc sắc rất lớn của Đạt Ma Thiền, đã từ các Thiền phái làm nổi bật một sắc thái riêng để rồi không bao lâu đã trở thành một phái độc lập". (Trích: Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận). Để chỉ về Thiền tông thì các tác giả Trung Hoa dùng danh từ "Chan", các sách bằng Anh ngữ dùng danh từ Zen (tiếng Nhật), như vậy rất rõ ràng và phân biệt được đối với các pháp Thiền khác. Nếu chúng ta dùng danh từ Zen để chỉ Thiền tông thì tránh được những lẫn lộn với những pháp Thiền khác.

Sơ lược lịch sử Thiền tông

Thiền tông được khởi đầu từ hội Linh Sơn, khi đức Phật truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp: "Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ngươi". Tổ Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ thứ nhất Thiền tông tại Ấn Độ. Cho đến Tổ thứ 28 là Tổ Bồ Đề Đạt Ma (?-532) (Phạn: Bodhidharma, Nhật: Bodai Daruma) thì ngài qua Trung Hoa để truyền đạo nên được coi là Tổ thứ nhất tại Trung Hoa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y, bát cho đến Tổ Huệ Năng (638-713), được coi là Tổ thứ 6 tại Trung Hoa, hoặc Tổ thứ 33 của Thiền tông. Việc truyền y, bát tới tổ Huệ Năng thì chấm dứt, thể theo lời sấm ký của Tổ Bồ Đề Đạt Ma lưu lại. Sau đó các Tổ kế tiếp truyền bá Thiền tông chẳng những ở Trung Hoa mà còn truyền rộng qua các nước ở Á châu như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Thiền tông được truyền qua Việt Nam vào năm 580, do ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Phạn: Vinitaruci), đệ tử của Tam Tổ Tăng Xán, sau ngài truyền pháp cho ngài Pháp Hiền, lập ra dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đến năm 820 ngài Vô Ngôn Thông, đệ tử của Tổ Bá Trượng, qua Việt Nam truyền pháp cho ngài Cảm Thành, lập ra dòng Vô Ngôn Thông. Đến đầu thế kỷ thứ 11 có ngài Thảo Đường, đệ tử dòng Vân Môn, truyền pháp cho đệ tử đầu tiên là vua Lý Thánh Tôn, và lập ra dòng Thảo Đường. Tới thế kỷ thứ 17 ngài Nguyên Thiều (?-1712), thuộc dòng Lâm Tế, qua Việt Nam và sáng lập ra dòng Lâm Tế tại Việt Nam là dòng mạnh nhất và còn thịnh hành cho đến nay tại Việt Nam (đệ tử truyền pháp đầu tiên của ngài không được ghi rõ). Muốn nghiên cứu về Thiền tông tại Việt Nam xin coi Buddhism & Zen in Viêt Nam của H.T. Thích Thiện Ân, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của H.T. Thích Mật Thể và Thiền sư Việt Nam của thiền sư Thích thanh Từ. Thiền tông được truyền qua Nhật từ 729, nhưng thật sự phát triển kể từ Tổ Eisai (1141-1215), người sáng lập ra dòng Lâm Tế (Nhật: Rinzai), và sau đó Tổ Dogen (1200-1253) sáng lập ra dòng Tào Động (Nhật: Soto). Thiền tông đã được truyền qua Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ 5 và phát triển mạnh mẽ cho đến đầu thế kỷ thứ 8 với Lục Tổ Huệ Năng. Tại Trung Hoa, Thiền tông cực thịnh trong khoảng thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 10. Theo Thiền sư Koun Yamada thì từ sau thế kỷ thứ 14 Thiền tông tại Trung Hoa coi như bắt đầu suy giảm, vì "các Thiền tăng chỉ chú ý vào kinh kệ và niệm danh Phật" (trích: Gateless Gate). Cũng theo cuốn "Original Teachings of Ch'an Buddhism" của Chang Chung Yuan thì Thiền tông tại Trung Hoa coi như rất yếu kể từ thế kỷ thứ 13, sau đó nhờ Nhật Bản mà Thiền tông phát triển mạnh cho đến ngày nay. Có người ví hạt giống Thiền tông được mang từ Ấn Độ qua Trung Hoa mọc thành cây tốt đẹp, nhưng cây đó đã nở hoa và sanh trái tại Nhật. Ảnh hưởng của Zen trong xã hội Nhật rất là rõ rệt và sâu rộng, như là về hội họa, thơ phú, trà đạo, võ thuật ... Sir George Sansom có viết trong cuốn "Japan, A Short Cultural History": " Ảnh hưởng của Zen đối với Nhật Bản thật là tế nhị và thâm nhập đến độ có thể coi là bản thể của nền văn hóa Nhật. Muốn diễn tả về ảnh hưởng đó về tư tưởng và cảm tính, về nghệ thuật, văn chương và đạo đức, thì phải viết rất công phu về một đề tài khó khăn nhất và hấp dẫn nhất ..." (trích Zen and Japanese culture).(trang 346)

Đường lối Thiền tông

Đặc điểm của Thiền tông có thể được thâu gọn trong bốn câu của Tổ Bồ Đề Đạt Ma: "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật."(Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Đường lối tu hành của Thiền tông rất là độc đáo, tuy thật là đơn giản nhưng cũng khó hiểu. Đơn giản là vì phương pháp tu chỉ là "thấy Tánh". Chính vì đơn giản nên gây nhiều điều khó hiểu. Chúng ta thử làm quen thẳng với những điều khó hiểu của Thiền tông. Câu chuyện nổi tiếng về Tổ Bồ Đề Đạt Ma :
"Tăng Thần Quang hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:
- Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.
- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.
- Con tìm tâm không được.
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi." (trích: Tổ Thiền tông) Ngay đó Thần Quang được khế ngộ. Sau này Tổ đổi tên ngài Thần Quang là Huệ Khả, tức là vị Tổ thứ hai tại Trung Hoa. Trong cuốn "Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng" chúng ta gặp rất nhiều những lời đối đáp tương tự cho thấy phương pháp chỉ dậy của Thiền tông rất là khó hiểu, các Tổ thường không có giảng giải chi tiết nhiều, lắm khi lại còn không nói một câu mà lại dùng tiếng hét, hoặc những hành động như giơ cây phất trần, giơ một ngón tay, dương cung, bóp mũi ...

Đó chính là áp dụng câu "bất lập văn tự", tránh những lời nói nhiều, đôi khi cũng phải dùng văn tự để giáo hóa nhưng mục đích vẫn là làm cho người học hỏi không bị vướng mắc vào văn tự mà phải quay vào chính mình để tìm cho ra chân lý. Cho nên khi tổ Huệ Khả xin tổ Bồ Đề Đạt Ma chỉ cho phương pháp "an tâm" thì tổ chỉ nói: "Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho", thay vì giảng rõ ràng thế nào là tâm, tu hành thế nào để an được tâm đó, đây cũng là áp dụng câu "giáo ngoại biệt truyền". Câu đó khiến cho tổ Huệ Khả phải đi tìm coi cái tâm đó ra sao, nó từ đâu mà có, biến chuyển ra sao và khi đã thấy rằng tâm đó chỉ là cái tâm vọng, huyễn hóa, không có một thực thể, nên mới có thể trả lời rằng: "Con tìm tâm không được". Chính khi đã hiểu được thực tánh của cái tâm vọng đó là đã thấy được phương pháp an tâm rồi.

Theo Thiền tông, sự hiểu biết do thực tự mình suy ra mới thật là của mình, mới có ảnh hưởng thâm sâu, còn nếu được nghe giảng giải, hoặc đọc hiểu kinh điển lầu lầu thì tuy thuộc lòng đó nhưng rồi chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan "giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng, nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực" (trang 11) nên việc tu hành chưa được kết quả nào và bị dâm nữ Ma Đăng Già quyến rũ. Cái "thấy", thấy biết, của người tự mình tìm ra khác rất xa với cái "thấy" của những người nghe người khác nói hoặc theo sách vở. Muốn "thấy Tánh" (kiến Tánh) chỉ có cách là phải tự mình "thấy", nương theo lời chỉ dẫn và thực nghiệm cho đúng, chứ nếu chỉ nhớ xuông, thuộc cho kỹ, nói thao thao, chỉ là cái hiểu, cái thấy "vay mượn". Kinh nghiệm thực tế là khi chúng ta còn ở nhà trường, nếu chúng ta tự giải được một bài toán thì đó là đã hiểu, còn nếu thầy giáo giải sẵn cho ta thì tuy hiểu đó nhưng sau này gặp bài toán tương tự cũng khó mà giải nổi. Cho nên có Thiền sư đã nói: những gì từ ngoài đem vào, không phải là của báu của mình. Đó cũng có khi được so sánh như "mặc áo của hàng xóm", hoặc nói theo thời nay "mặc áo mướn", cũng có khi nói "đếm tiền cho ngân hàng", vì đếm cả ngàn, cả triệu đồng rồi khi về nhà vẫn hoàn tay không.

Cái hiểu biết do vay mượn từ lời nói, chữ nghĩa không thể có tác dụng bền vững, khi gặp duyên thì "thấy", khi duyên hết thì nó cũng hết theo, hoàn toàn có tính cách vô thường. Thiền sư Hoàng Bá (?-850) có lần gọi một vị tăng là "người chỉ biết giảng nghĩa theo văn" mà thực sự chẳng đạt được gì. Thiền sư Hoàng Bá còn nói "kẻ cầu tri kiến (biết, thấy) thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít".

Hiện nay cũng vậy, nhiều người có nhiệt tâm với đạo nhưng chỉ ham chấp chặt chữ nghĩa để chứng tỏ sự thấy biết của mình mà thực sự chẳng thấy được gì nên người ngộ đạo quá ít là vậy. Chúng ta khi nghe nói Thiền tông dậy "Thấy Tánh thành Phật" thì thường vội vã giở kinh, luận ra, hoặc tìm hỏi thầy, bạn coi thế nào là Tánh, mà không biết rằng thế nào là "Thấy" là điều rất quan trọng. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật bẩy lần chỉ cho ngài A Nan về bản chất của cái tâm chúng sinh nhưng rồi ngài A Nan cũng không chứng được gì, chỉ đến sau khi đức Phật nhập Niết Bàn mới chứng được quả A La Hán. Tổ Bồ Đề Đạt Ma không có giảng gì cho tổ Huệ Khả mà chỉ nói có một câu là "Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho" để tổ Huệ Khả tự mình tìm hiểu và thấy, để rồi chứng đắc ngay đó. Thiền tông "không chỉ" gì mà thực ra đã "chỉ" một cách hiệu quả. Theo Thiền tông, muốn tu hành kết quả cứu cánh thì phải tự lực, không thể trông chờ ai cứu đỡ. Đức Phật cũng nói rõ "Các con phải TỰ thắp đuốc mà đi", ngài đã chỉ cho chúng ta con đường phải đi, nếu chúng ta muốn đi thì phải tự mình thắp ngọn đuốc chánh pháp mà đi.

Một câu chuyện Thiền tông có ý nghĩa tương tự như vậy: Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (780-865) một đêm đứng hầu sư phụ là tổ Long Đàm Sùng Tín. "Sùng Tín bảo :'Đêm khuya sao chẳng xuống?' Sư kính chào bước ra, lại trở vào, thưa: 'Bên ngoài tối đen'. Sùng Tín thắp đèn cầy đưa sư. Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó sư liền đại ngộ, liền lễ bái."(trích Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 2).Không cần đến một lời nói, chỉ bằng một hành động mà tổ Sùng Tín đã khai ngộ cho đệ tử, dĩ nhiên người đệ tử đó phải là người đã biết tự lực tu tập vượt bực, và chỉ một người thầy bản lãnh mới biết lúc nào trái cây đã chín mùi và chỉ khẽ rung cây là trái rụng.

Một hành động kỳ đặc, hoặc tiếng quát, hoặc một lời nói không nghĩa của Thiền sư có thể khiến đệ tử chợt ngộ. Đệ tử đã tu hành tới mức cao tột, được nhà Thiền gọi là "đã trèo lên đầu sào trăm trượng", tới đầu sào rồi nhưng nếu không dám tự nhẩy ra khỏi đầu sào, hoặc nếu không được Thiền sư khẽ đẩy thì cũng chỉ biết bám riết lấy cây sào mà không đạt được tới mục đích cứu cánh của Đạo. Hành động dám nhẩy khỏi đầu sào đó chính là đã bước vào cửa Thiền.

Trong việc giảng dậy, các Thiền sư thường khéo biết cách sử dụng những gì ngay trước mắt, trong đời sống hiện tại, không dùng những văn tự xa vời vì những văn tự đó có thể khiến mỗi người hiểu một cách riêng và bị quay cuồng trong những định nghĩa từ chương, những khái niệm, lý luận nhiều khi đi xa cả nghĩa chính, mà trong kinh Lăng Già đức Phật gọi là hý luận. Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói rõ: người nào từ "chữ nghĩa" mà hiểu là người khí lực kém, người nào từ "sự" mà hiểu mới là người khí lực mạnh. "Sự" là những gì xẩy ra ngay trước mắt mình, ngay trong hiện tại, và từ đó mình tự suy nghiệmthì mới đạt được Đạo.

Nhưng nói như vậy thì lại có ngay những người lười biếng không chịu học hỏi và tuyên bố "tôi không cần đến văn tự" nhưng rút cuộc là "văn tự" thì không màng tới, mà từ "sự" cũng chẳng thấy được gì hết, đó chỉ là hành động xuyên tạc lời nói của thánh hiền, chỉ dùng có nửa câu, mập mờ để che giấu những yếu kém, lười biếng của mình. Đường lối tu của Thiền tông tuy có vẻ bí ẩn, khó hiểu, lạ lùng, nhiều khi như vô lý nhưng nếu chịu khó tu học thì một khi hiểu rõ chúng ta sẽ thấy đó là một tông phái chỉ dậy cho chúng ta một cách rõ ràng, trực tiếp, hữu hiệu, sử dụng những điều kiện cụ thể, áp dụng cho thực tế hiện tại, nên thích hợp ngay cả với mọi thời đại, và có thể đưa chúng ta thẳng tới mục đích của đạo Phật là con người giác ngộ.

Tài liệu trích dẫn :

- Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận, Kimura Taiken, do H.T. Thích Quảng Độ dịch.
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm, do Cư sĩ Tâm Minh dịch.
- Phật Giáo Khái Luận, H.T Thích Mật Thể.
- Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, T.S. Thích Thanh Từ.
- Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất do Trúc Thiên dịch.
- Tổ Thiền Tông, T.S. Thích Thanh Từ.
- Thiền sư Việt Nam, T.S. Thích Thanh Từ
- Truyền Tâm Pháp Yếu, T.S. Thích Duy Lực dịch.
- Buddhism and Zen in Việt Nam, H.T. Thích Thiện Ân.
- Zen and Japanese Culture, D.T. Suzuki.
- Gateless Gate, của T.S. Koun Yamada.
- Original Teachings of Ch'an Buddhism, của Chang Chung Yuan.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/01/2022(Xem: 6416)
Các trung tâm giáo dục Phật giáo ở Ấn Độ và Sri Lanka như Đại học Phật giáo Nālanda và Đại học Phật giáo Mahāvihāra đã đem lại một nguồn năng lượng trong sự nghiệp giáo dục tuyệt vời. Không chỉ duy trì mạng mạch Phật giáo, các trung tâm giáo dục Phật giáo còn tạo ra một xã hội hòa bình ở hầu hết các quốc gia châu Á trong hơn 25 thế kỷ qua.
04/01/2022(Xem: 7455)
Đại Bảo tháp tại Sanchi được kiến tạo vào thời trị vì của vị minh quân thánh triết Ashoka, nhân vật vĩ đại trong lịch sử của Ấn Độ, vị vua Phật tử hộ trì chính pháp Phật đà, người đã có công trải rộng và phát triển giáo pháp đức Phật trong suốt những năm ông ta trị vì; và luôn luôn mong mỏi được truyền bá khắp 5 Châu 4 bể. Một cấu trúc vòm bằng gạch, được xây dựng theo kiểu mẫu vũ trụ Phật giáo. Xuyên qua tam vòng tròn là một cột trụ vươn lên, qua đỉnh vòm, tượng trưng cho cột đỡ vũ trụ. Trên cùng của nó là 3 đĩa tròn, biểu thị Tam bảo (ba ngôi báu, Phật, Pháp, Tăng), được xem là một trong những khu kiến trúc bằng đá cổ nhất Ấn Độ, những di tích Phật giáo tại Sanchi là những miêu tả kinh điển cho nghệ thuật và kiến trúc của triều đại Maurya dưới hình thức Bảo tháp (Stupa), những ngôi tự viện linh thiêng của đạo Phật.
04/01/2022(Xem: 4440)
Ngôi già lam cổ tự Ta Som (tiếng Khmer: ប្រាសាទតាសោម), ngôi chùa nhỏ ở trong quần thể Thánh địa Phật giáo Angkor, Vương quốc Phật giáo Campuchia, được kiến tạo vào cuối thế kỷ 12 cho Quốc vương Jayavarman VII (tại vị: 1181-1215?). Ngôi già lam cổ tự tọa lạc tại dông bắc của Angkor Thom và ngay phía đông của Neak Pean ("con rắn quấn") tại Angkor, một hòn đảo nhân tạo với một chùa trên một đảo hình tròn ở Preah Khan Baray được xây trong thời kỳ trị vì của đức Quốc vương Jayavarman VII vị anh minh Phật tử hộ pháp Đại thừa Phật giáo, vị vua thần hộ trì chính pháp đầy nhân ái, người đã xả thân lưu lại trần gian vì lợi ích của muôn dân. Đức Quốc vương Jayavarman VII còn có công xây dựng vô số bệnh viện khắp đất nước Campuchia.
30/12/2021(Xem: 2882)
Không phải lúc nào cũng được xem là nghệ thuật như bối cảnh ban đầu vốn có, các hiện vật mà bây giờ chúng ta phân loại là “nghệ thuật Phật giáo” (Buddhist art), mặc dù có được kỹ thuật thủ công tuyệt xảo và tính thẩm mỹ sâu sắc, chúng được tạo ra với mục đích tôn nghiêm thờ phụng, sinh hoạt văn hóa tâm linh và tích lũy công đức. Giống như nhiều thuật ngữ chính của Phật giáo bị hiểu sai ở phương Tây, thì hình ảnh Phật giáo cũng vậy. Trên thực tế, việc lạm dụng hình tượng Đức Phật trở nên tràn lan, đến nỗi cộng đồng Phật giáo ở Bangkok, Thái Lan cảm thấy cần phải đặt dấu hiệu cảnh báo trên khắp thành phố để giáo dục du khách thập phương rằng "Đức Phật không phải để trang trí" (Buddha is not for decoration) một cách lạm dụng
22/12/2021(Xem: 3848)
Hindustan Times khẳng định, Đoàn nhà khảo cổ học người Ý và các nhà khai quật Pakistan đã khai quật ngôi già lam cổ tự 2.300 tuổi tọa lạc tại Quận Swat, Thung lũng Swat, vùng địa lý tự nhiên bao quanh sông Swat. Thung lũng là trung tâm chính của Ấn Độ giáo và Phật giáo thời kỳ đầu dưới vương quốc Phật giáo Gandhāra cổ đại, vùng miền Tây bắc Ấn Độ, ngày nay thuộc về Afghanistan và một phần của Pakistan và là trung tâm chính của Phật giáo Gandhāra, với các quần thể Phật giáo tồn tại trong thung lũng cho đến thế kỷ thứ 10, sau đó khu vực này phần lớn trở thành người Hồi giáo.
24/10/2021(Xem: 2898)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 tới, Vương quốc Phật giáo này sẽ mở cửa chào đón du khách thập phương hành hương từ 46 quốc gia, thay vì trước đây chỉ công bố 10 quốc gia có nguy cơ thấp bởi dịch Covid-19.
24/10/2021(Xem: 2735)
Hôm thứ Tư, ngày 20 tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu miêu tả rằng: "Đức Phật là nguồn cảm hứng cho Hiến pháp Ân Độ đến tận ngày nay; Đức Phật luôn Ngự trong tâm hồn của nhân loại và kết nối các nền văn hóa và quốc gia khác nhau."
23/09/2021(Xem: 4555)
Bài Khảo Luận nầy nay đã in lại và trở thành CHƯƠNG MỘT của tác phẩm nầy. Chương hai có tựa đề là: VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRUYỀN QUA TRUNG QUỐC. Những chương khác nghiên cứu về Phật, Bồ Tát, các Kinh, Luận...là những Kinh, Luận, Bồ Tát... rất uyên thâm, nỗi tiếng, tiêu biểu cho Giáo Lý Phật Giáo của tất cả các tông phái Phật Giáo đang hành đạo tại Việt Nam. Phần cuối của tác phẩm là những phụ lục. Trong đó 3 phụ lục đầu là 3 bài tham luận đã thuyết trình trong 3 lần hội thảo quốc tế, có ghi rõ thời gian và nơi chốn hội thảo. Những phụ lục còn lại là những bài khảo luận nghiên cứu về giáo lý Phật Giáo. Như vậy xét về nội dung tác phẩm nầy không phải là sách chuyên khảo cứu về Lịch Sử Du Nhập và Truyền Thừa của Phật Giáo Việt Nam. Mục đích của tác giả là muốn cho thế hệ người Việt Nam trẽ lưu tâm nghiên cứu sâu, tìm hiểu, phát huy những điểm son lịch sử hào hùng của Dân Tộc Việt, viết lên cho thế giới biết Dân Tộc Việt Nam có lịch sử Hào Hùng, Minh Triết về mọi thời đại, mọi lãnh vực tro
31/03/2021(Xem: 10931)
Sách này sẽ được ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Phần lược sử viết theo nhiều tài liệu, trong đó phần chính là dựa vào tài liệu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Foreign Relations of the United States 1961-1963”, một số tài liệu CIA lưu giữ ở Bộ Ngoại Giao, và một phần trong sách “The Pentagon Papers” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ấn bản Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971). Vì giờ tại Việt Nam và Hoa Kỳ cách biệt nhau, cho nên đôi khi ghi ngày sai biệt nhau một ngày.
18/01/2021(Xem: 7623)
Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh tồn và phát triển. Dân tộc Việt Nam là một chủng tộc có ngôn ngữ riêng biệt thuần nhất, có nền văn hóa nhân bản đặc thù, siêu việt và nền văn hóa này có khả năng chuyển hóa, dung hợp tinh ba của tất cả nền văn hóa nhân loại biến thành chất liệu sống và ý nghĩa sự sống bồi dưỡng cho sanh mệnh dân tộc mang tánh chất Rồng Tiên nẩy nở phát triển và trường tồn bất diệt trải dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến kể từ khi lập quốc cho đến ngày nay. Đặc tánh Rồng Tiên, theo Hai Ngàn Năm Việt Nam Và Phật Giáo của Lý Khôi Việt, trang 51 giải thích: Rồng tượng trưng cho hùng tráng dũng mãnh tung hoành, Tiên biểu tượng cho thanh thoát cao quý, hòa điệu. Vì có khả năng chuyển hóa và dung hợp của nền văn hóa Việt Tộc (Chủng Tộc Việt Nam), dân tộc Việ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567