Trước khi tìm hiểu kỹ về Thiền tông, chúng ta nên có một quan niệm tổng quát về tông phái này thì khi đi sâu vào chi tiết sẽ bớt bỡ ngỡ. Ngay đối với số đông các Phật tử Việt Nam, Thiền tông cũng là một tông phái được ít người hiểu đến vì tính cách kỳ đặc của pháp tu này, vì vậy nên có những xét đoán, phê bình không đúng. Chúng ta nên tránh việc phê bình, chỉ trích các tông phái khác tông phái mình đang tu, vì tông phái nào cũng đòi hỏi một sự học hỏi sâu xa, nên thường khi chỉ trích các tông phái khác thì chỉ căn cứ theo một số hiểu biết hời hợt về tông phái đó, vì vậy những lời chỉ trích thường không đúng được, và chỉ gây thêm những tranh luận vô ích, mất thì giờ. Chúng ta nên tìm học kỹ để phân biệt rõ ràng và thực hành đúng lời Phật dạy, chứ không phải để tranh luận, chỉ trích.
Danh từ Thiền tông
Trong đạo Phật, dù là Nguyên thủy hay Đại thừa cũng đều có áp dụng pháp Thiền vì đó là một đặc tính quan trọng của đạo Phật. Thiền tông tuy cũng áp dụng pháp Thiền như các tông khác trong đạo Phật, nhưng đã phát triển theo một đường lối riêng nên trở thành một tông phái riêng biệt trong 10 tông phái của đạo Phật là: Câu xá tông, Thành thiệt tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Thiền tông, Mật tông, và Tịnh độ tông (theo: Phật giáo khái luận). Có khi Thiền tông còn được gọi bằng những tên khác như: Thiền Như Lai Tối Thượng, Thiền Như Lai Thanh Tịnh, Thiền Tổ Sư, Thiền Đốn Ngộ, Thiền Đạt Ma, Thiền Tự Tánh Thanh Tịnh, Tâm Tông ... Đặc điểm của Thiền tông là: "Thiền tông lấy phương diện hoạt động hiện thực làm chủ nghĩa để phát khởi. Đó là đặc sắc rất lớn của Đạt Ma Thiền, đã từ các Thiền phái làm nổi bật một sắc thái riêng để rồi không bao lâu đã trở thành một phái độc lập". (Trích: Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận). Để chỉ về Thiền tông thì các tác giả Trung Hoa dùng danh từ "Chan", các sách bằng Anh ngữ dùng danh từ Zen (tiếng Nhật), như vậy rất rõ ràng và phân biệt được đối với các pháp Thiền khác. Nếu chúng ta dùng danh từ Zen để chỉ Thiền tông thì tránh được những lẫn lộn với những pháp Thiền khác.
Sơ lược lịch sử Thiền tông
Thiền tông được khởi đầu từ hội Linh Sơn, khi đức Phật truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp: "Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ngươi". Tổ Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ thứ nhất Thiền tông tại Ấn Độ. Cho đến Tổ thứ 28 là Tổ Bồ Đề Đạt Ma (?-532) (Phạn: Bodhidharma, Nhật: Bodai Daruma) thì ngài qua Trung Hoa để truyền đạo nên được coi là Tổ thứ nhất tại Trung Hoa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y, bát cho đến Tổ Huệ Năng (638-713), được coi là Tổ thứ 6 tại Trung Hoa, hoặc Tổ thứ 33 của Thiền tông. Việc truyền y, bát tới tổ Huệ Năng thì chấm dứt, thể theo lời sấm ký của Tổ Bồ Đề Đạt Ma lưu lại. Sau đó các Tổ kế tiếp truyền bá Thiền tông chẳng những ở Trung Hoa mà còn truyền rộng qua các nước ở Á châu như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Thiền tông được truyền qua Việt Nam vào năm 580, do ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Phạn: Vinitaruci), đệ tử của Tam Tổ Tăng Xán, sau ngài truyền pháp cho ngài Pháp Hiền, lập ra dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đến năm 820 ngài Vô Ngôn Thông, đệ tử của Tổ Bá Trượng, qua Việt Nam truyền pháp cho ngài Cảm Thành, lập ra dòng Vô Ngôn Thông. Đến đầu thế kỷ thứ 11 có ngài Thảo Đường, đệ tử dòng Vân Môn, truyền pháp cho đệ tử đầu tiên là vua Lý Thánh Tôn, và lập ra dòng Thảo Đường. Tới thế kỷ thứ 17 ngài Nguyên Thiều (?-1712), thuộc dòng Lâm Tế, qua Việt Nam và sáng lập ra dòng Lâm Tế tại Việt Nam là dòng mạnh nhất và còn thịnh hành cho đến nay tại Việt Nam (đệ tử truyền pháp đầu tiên của ngài không được ghi rõ). Muốn nghiên cứu về Thiền tông tại Việt Nam xin coi Buddhism & Zen in Viêt Nam của H.T. Thích Thiện Ân, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của H.T. Thích Mật Thể và Thiền sư Việt Nam của thiền sư Thích thanh Từ. Thiền tông được truyền qua Nhật từ 729, nhưng thật sự phát triển kể từ Tổ Eisai (1141-1215), người sáng lập ra dòng Lâm Tế (Nhật: Rinzai), và sau đó Tổ Dogen (1200-1253) sáng lập ra dòng Tào Động (Nhật: Soto). Thiền tông đã được truyền qua Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ 5 và phát triển mạnh mẽ cho đến đầu thế kỷ thứ 8 với Lục Tổ Huệ Năng. Tại Trung Hoa, Thiền tông cực thịnh trong khoảng thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 10. Theo Thiền sư Koun Yamada thì từ sau thế kỷ thứ 14 Thiền tông tại Trung Hoa coi như bắt đầu suy giảm, vì "các Thiền tăng chỉ chú ý vào kinh kệ và niệm danh Phật" (trích: Gateless Gate). Cũng theo cuốn "Original Teachings of Ch'an Buddhism" của Chang Chung Yuan thì Thiền tông tại Trung Hoa coi như rất yếu kể từ thế kỷ thứ 13, sau đó nhờ Nhật Bản mà Thiền tông phát triển mạnh cho đến ngày nay. Có người ví hạt giống Thiền tông được mang từ Ấn Độ qua Trung Hoa mọc thành cây tốt đẹp, nhưng cây đó đã nở hoa và sanh trái tại Nhật. Ảnh hưởng của Zen trong xã hội Nhật rất là rõ rệt và sâu rộng, như là về hội họa, thơ phú, trà đạo, võ thuật ... Sir George Sansom có viết trong cuốn "Japan, A Short Cultural History": " Ảnh hưởng của Zen đối với Nhật Bản thật là tế nhị và thâm nhập đến độ có thể coi là bản thể của nền văn hóa Nhật. Muốn diễn tả về ảnh hưởng đó về tư tưởng và cảm tính, về nghệ thuật, văn chương và đạo đức, thì phải viết rất công phu về một đề tài khó khăn nhất và hấp dẫn nhất ..." (trích Zen and Japanese culture).(trang 346)
Đường lối Thiền tông
Đặc điểm của Thiền tông có thể được thâu gọn trong bốn câu của Tổ Bồ Đề Đạt Ma: "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật."(Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Đường lối tu hành của Thiền tông rất là độc đáo, tuy thật là đơn giản nhưng cũng khó hiểu. Đơn giản là vì phương pháp tu chỉ là "thấy Tánh". Chính vì đơn giản nên gây nhiều điều khó hiểu. Chúng ta thử làm quen thẳng với những điều khó hiểu của Thiền tông. Câu chuyện nổi tiếng về Tổ Bồ Đề Đạt Ma :
"Tăng Thần Quang hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:
- Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.
- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.
- Con tìm tâm không được.
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi." (trích: Tổ Thiền tông) Ngay đó Thần Quang được khế ngộ. Sau này Tổ đổi tên ngài Thần Quang là Huệ Khả, tức là vị Tổ thứ hai tại Trung Hoa. Trong cuốn "Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng" chúng ta gặp rất nhiều những lời đối đáp tương tự cho thấy phương pháp chỉ dậy của Thiền tông rất là khó hiểu, các Tổ thường không có giảng giải chi tiết nhiều, lắm khi lại còn không nói một câu mà lại dùng tiếng hét, hoặc những hành động như giơ cây phất trần, giơ một ngón tay, dương cung, bóp mũi ...
Đó chính là áp dụng câu "bất lập văn tự", tránh những lời nói nhiều, đôi khi cũng phải dùng văn tự để giáo hóa nhưng mục đích vẫn là làm cho người học hỏi không bị vướng mắc vào văn tự mà phải quay vào chính mình để tìm cho ra chân lý. Cho nên khi tổ Huệ Khả xin tổ Bồ Đề Đạt Ma chỉ cho phương pháp "an tâm" thì tổ chỉ nói: "Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho", thay vì giảng rõ ràng thế nào là tâm, tu hành thế nào để an được tâm đó, đây cũng là áp dụng câu "giáo ngoại biệt truyền". Câu đó khiến cho tổ Huệ Khả phải đi tìm coi cái tâm đó ra sao, nó từ đâu mà có, biến chuyển ra sao và khi đã thấy rằng tâm đó chỉ là cái tâm vọng, huyễn hóa, không có một thực thể, nên mới có thể trả lời rằng: "Con tìm tâm không được". Chính khi đã hiểu được thực tánh của cái tâm vọng đó là đã thấy được phương pháp an tâm rồi.
Theo Thiền tông, sự hiểu biết do thực tự mình suy ra mới thật là của mình, mới có ảnh hưởng thâm sâu, còn nếu được nghe giảng giải, hoặc đọc hiểu kinh điển lầu lầu thì tuy thuộc lòng đó nhưng rồi chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan "giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng, nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực" (trang 11) nên việc tu hành chưa được kết quả nào và bị dâm nữ Ma Đăng Già quyến rũ. Cái "thấy", thấy biết, của người tự mình tìm ra khác rất xa với cái "thấy" của những người nghe người khác nói hoặc theo sách vở. Muốn "thấy Tánh" (kiến Tánh) chỉ có cách là phải tự mình "thấy", nương theo lời chỉ dẫn và thực nghiệm cho đúng, chứ nếu chỉ nhớ xuông, thuộc cho kỹ, nói thao thao, chỉ là cái hiểu, cái thấy "vay mượn". Kinh nghiệm thực tế là khi chúng ta còn ở nhà trường, nếu chúng ta tự giải được một bài toán thì đó là đã hiểu, còn nếu thầy giáo giải sẵn cho ta thì tuy hiểu đó nhưng sau này gặp bài toán tương tự cũng khó mà giải nổi. Cho nên có Thiền sư đã nói: những gì từ ngoài đem vào, không phải là của báu của mình. Đó cũng có khi được so sánh như "mặc áo của hàng xóm", hoặc nói theo thời nay "mặc áo mướn", cũng có khi nói "đếm tiền cho ngân hàng", vì đếm cả ngàn, cả triệu đồng rồi khi về nhà vẫn hoàn tay không.
Cái hiểu biết do vay mượn từ lời nói, chữ nghĩa không thể có tác dụng bền vững, khi gặp duyên thì "thấy", khi duyên hết thì nó cũng hết theo, hoàn toàn có tính cách vô thường. Thiền sư Hoàng Bá (?-850) có lần gọi một vị tăng là "người chỉ biết giảng nghĩa theo văn" mà thực sự chẳng đạt được gì. Thiền sư Hoàng Bá còn nói "kẻ cầu tri kiến (biết, thấy) thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít".
Hiện nay cũng vậy, nhiều người có nhiệt tâm với đạo nhưng chỉ ham chấp chặt chữ nghĩa để chứng tỏ sự thấy biết của mình mà thực sự chẳng thấy được gì nên người ngộ đạo quá ít là vậy. Chúng ta khi nghe nói Thiền tông dậy "Thấy Tánh thành Phật" thì thường vội vã giở kinh, luận ra, hoặc tìm hỏi thầy, bạn coi thế nào là Tánh, mà không biết rằng thế nào là "Thấy" là điều rất quan trọng. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật bẩy lần chỉ cho ngài A Nan về bản chất của cái tâm chúng sinh nhưng rồi ngài A Nan cũng không chứng được gì, chỉ đến sau khi đức Phật nhập Niết Bàn mới chứng được quả A La Hán. Tổ Bồ Đề Đạt Ma không có giảng gì cho tổ Huệ Khả mà chỉ nói có một câu là "Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho" để tổ Huệ Khả tự mình tìm hiểu và thấy, để rồi chứng đắc ngay đó. Thiền tông "không chỉ" gì mà thực ra đã "chỉ" một cách hiệu quả. Theo Thiền tông, muốn tu hành kết quả cứu cánh thì phải tự lực, không thể trông chờ ai cứu đỡ. Đức Phật cũng nói rõ "Các con phải TỰ thắp đuốc mà đi", ngài đã chỉ cho chúng ta con đường phải đi, nếu chúng ta muốn đi thì phải tự mình thắp ngọn đuốc chánh pháp mà đi.
Một câu chuyện Thiền tông có ý nghĩa tương tự như vậy: Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (780-865) một đêm đứng hầu sư phụ là tổ Long Đàm Sùng Tín. "Sùng Tín bảo :'Đêm khuya sao chẳng xuống?' Sư kính chào bước ra, lại trở vào, thưa: 'Bên ngoài tối đen'. Sùng Tín thắp đèn cầy đưa sư. Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó sư liền đại ngộ, liền lễ bái."(trích Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 2).Không cần đến một lời nói, chỉ bằng một hành động mà tổ Sùng Tín đã khai ngộ cho đệ tử, dĩ nhiên người đệ tử đó phải là người đã biết tự lực tu tập vượt bực, và chỉ một người thầy bản lãnh mới biết lúc nào trái cây đã chín mùi và chỉ khẽ rung cây là trái rụng.
Một hành động kỳ đặc, hoặc tiếng quát, hoặc một lời nói không nghĩa của Thiền sư có thể khiến đệ tử chợt ngộ. Đệ tử đã tu hành tới mức cao tột, được nhà Thiền gọi là "đã trèo lên đầu sào trăm trượng", tới đầu sào rồi nhưng nếu không dám tự nhẩy ra khỏi đầu sào, hoặc nếu không được Thiền sư khẽ đẩy thì cũng chỉ biết bám riết lấy cây sào mà không đạt được tới mục đích cứu cánh của Đạo. Hành động dám nhẩy khỏi đầu sào đó chính là đã bước vào cửa Thiền.
Trong việc giảng dậy, các Thiền sư thường khéo biết cách sử dụng những gì ngay trước mắt, trong đời sống hiện tại, không dùng những văn tự xa vời vì những văn tự đó có thể khiến mỗi người hiểu một cách riêng và bị quay cuồng trong những định nghĩa từ chương, những khái niệm, lý luận nhiều khi đi xa cả nghĩa chính, mà trong kinh Lăng Già đức Phật gọi là hý luận. Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói rõ: người nào từ "chữ nghĩa" mà hiểu là người khí lực kém, người nào từ "sự" mà hiểu mới là người khí lực mạnh. "Sự" là những gì xẩy ra ngay trước mắt mình, ngay trong hiện tại, và từ đó mình tự suy nghiệmthì mới đạt được Đạo.
Nhưng nói như vậy thì lại có ngay những người lười biếng không chịu học hỏi và tuyên bố "tôi không cần đến văn tự" nhưng rút cuộc là "văn tự" thì không màng tới, mà từ "sự" cũng chẳng thấy được gì hết, đó chỉ là hành động xuyên tạc lời nói của thánh hiền, chỉ dùng có nửa câu, mập mờ để che giấu những yếu kém, lười biếng của mình. Đường lối tu của Thiền tông tuy có vẻ bí ẩn, khó hiểu, lạ lùng, nhiều khi như vô lý nhưng nếu chịu khó tu học thì một khi hiểu rõ chúng ta sẽ thấy đó là một tông phái chỉ dậy cho chúng ta một cách rõ ràng, trực tiếp, hữu hiệu, sử dụng những điều kiện cụ thể, áp dụng cho thực tế hiện tại, nên thích hợp ngay cả với mọi thời đại, và có thể đưa chúng ta thẳng tới mục đích của đạo Phật là con người giác ngộ.
Tài liệu trích dẫn :
- Đại thừa Phật giáo Tư tưởng luận, Kimura Taiken, do H.T. Thích Quảng Độ dịch.- Kinh Thủ Lăng Nghiêm, do Cư sĩ Tâm Minh dịch.
- Phật Giáo Khái Luận, H.T Thích Mật Thể.
- Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, T.S. Thích Thanh Từ.
- Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất do Trúc Thiên dịch.
- Tổ Thiền Tông, T.S. Thích Thanh Từ.
- Thiền sư Việt Nam, T.S. Thích Thanh Từ
- Truyền Tâm Pháp Yếu, T.S. Thích Duy Lực dịch.
- Buddhism and Zen in Việt Nam, H.T. Thích Thiện Ân.
- Zen and Japanese Culture, D.T. Suzuki.
- Gateless Gate, của T.S. Koun Yamada.
- Original Teachings of Ch'an Buddhism, của Chang Chung Yuan.