LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Sa môn THÍCH THANH KIỂM
---o0o---
3. THIÊN THỨ BA. THỜI ĐẠI ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO
(201-700 TL)
CHƯƠNG THỨ NHẤT. KHỞI NGUYÊN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO
I. Ý NGHĨA ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA
Đại thừa, tiếng Phạn gọi là Mahayàna, Tiểu thừa là Hinayàna. Giáo lý của Đại thừa Phật giáo thì cao siêu huyền diệu nên gọi là Đại thừa, ví như cỗ xe vận tải lớn, chở được nhiều người; giáo lý của Tiểu thừa thì thấp kém, nông cạn, nên gọi là Tiểu thừa, ví như cỗ xe nhỏ, chỉ vận tải được ít người. Chữ Thừa có ý nghĩa là vận chuyển chúng sinh từ bến mê tới ngàn giác.
Giáo lý của Phật giáo, sở dĩ chia ra Đại thừa và Tiểu thừa là vì tư tưởng và sự phát triển của đôi bên không giống nhau. Thí dụ, Tiểu thừa Phật giáo nói: “Ngã không pháp hữu”, nhưng Đại thừa Phật giáo lại nói: “Ngã pháp câu không”. Trên phương diện thực tiễn thì Tiểu thừa Phật giáo chủ trương phần tự lợi, Đại thừa chủ trương phần lợi tha. Ở phương diện chứng quả, Tiểu thừa cho quả A-la-hán là cứu cánh, Đại thừa lại mong đạt tới Vô thượng Phật quả làm viên mãn. Như vậy ta có thể kết luận, giáo lý của Đại thừa Phật giáo là giáo lý thành Phật, và giáo lý của Tiểu thừa Phật giáo là giáo lý đoạn hoặc chứng Niết-bàn.
II. KHỞI NGUYÊN CỦA TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO
Khởi nguyên tư tưởng Đại thừa Phật giáo lẽ dĩ nhiên là đã có từ khi Đức Phật còn tại thế. Sau khi Phật diệt độ hơn 100 năm thì trong giáo đoàn Phật giáo chia ra Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, rồi dần dần phân chia ra các bộ phái, trong giáo nghĩa của các bộ phái đó phần nhiều cũng bao hàm cả giáo lý của Đại thừa. Tới thời đại vua Asoka (A Dục Vương), đến thời đại vua Kaniska (Ca Nhị Sắc Ca) thì tư tưởng của Đại thừa Phật giáo dần dần thực hiện.
Đương thời tư tưởng Đại thừa được truyền bá, nếu y vào địa lý thì trước hết bắt nguồn ở phía Nam Ấn Độ, nơi căn cứ truyền bá giáo lý của Đại Chúng bộ. Ở địa phương này trước hết nẩy nở ra tư tưởng “Bát nhã Đại thừa”, đại biểu cho tư tưởng “Không” của Đại thừa Phật giáo. Và phía Bắc Ấn Độ, từ thời đại vua Asoka trở về sau, ở các địa phương này vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp, nên tư tưởng của Đại thừa Phật giáo cũng sớm được nẩy nở để thích ứng với thời đại.
Tóm lại, khởi nguyên của Đại thừa Phật giáo phát triển theo hai phương diện, nghĩa là, một mặt thì phát triển từ ở giáo nghĩa của bộ phái Phật giáo, một mặt thì phản kháng giáo lý của Tiểu thừa Phật giáo để thích ứng với thời đại. Về niên đại thành lập Đại thừa Phật giáo thì ở khoảng sau kỷ nguyên Tây lịch.
III. CÁC KINH ĐIỂN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO THÀNH LẬP TRƯỚC THỜI ĐẠI NGÀI LONG THỌ
Đại thừa Phật giáo tuy thành lập trước thời đại ngài Long Thọ, nhưng về chân ý nghĩa của Đại thừa Phật giáo được phát huy và được tổ chức thành một hệ thống rõ rệt là do công huân của Thánh tăng Long Thọ Bồ-tát. Ngài Long Thọ tuy có công tổ chức về giáo học của Đại thừa Phật giáo, nhưng không phải là nhà biên tập về kinh điển Đại thừa mà chỉ chú thích những kinh điển của Đại thừa đã sẵn có.
Về trước tác của ngài Long Thọ có rất nhiều, nhưng những kinh điển Đại thừa được dẫn chứng nhiều, thấy ở các bộ “Đại Thừa Trí Độ Luận” và “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận”. Căn cứ vào sự dịch kinh ở Trung Quốc thì ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksa, tới Trung Quốc năm 167 TL), ngài Ngô Chi Khiêm (tới Trung Quốc năm 220), ngài Khang Tăng Khải (Samghavarman, tới Trung Quốc năm 252), ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa, tới Trung Quốc năm 265), các vị kể trên đều là những nhân vật trước hoặc cùng thời đại với ngài Long Thọ (thế kỷ thứ III), và đã phiên dịch rất nhiều kinh điển Đại thừa sang chữ Hán. Vậy các kinh điển đã dịch đó thành lập trước thời đại ngài Long Thọ, gồm có những bộ chủ yếu như: Đại Phẩm Bát Nhã Kinh (25.000 bài tụng, tức là Quang Tán hay Phóng Quang Bát Nhã), Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh (8.000 bài tụng, tức là Hành Đạo Bát Nhã hay Phật Mẫu Bát Nhã), Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh, Duy Ma Kinh v.v... Ý nghĩa tổng quát của các bộ kinh kể trên như sau:
Kinh Bát Nhã (Prajnàpàramità Sutra). - Trong các kinh điển Đại thừa, thì kinh Bát Nhã được hình thành sớm nhất. Chủ yếu về giáo lý của kinh này là tư tưởng “Không”. Kinh Bát Nhã có nhiều thứ khác nhau, căn cứ ở bộ Đại Bát Nhã Kinh do ngài Huyền Trang dịch thì gồm có 600 quyển. Nhưng, ở thời đại ngài Long Thọ chỉ thấy lưu hành có Tiểu Phẩm Bát Nhã (Astasàhasrikà prajnàpàramità). Về nội dung tư tưởng của hai bộ này thì tương tự nhau, vì Đại Phẩm Bát Nhã chỉ là phần tăng gia của Tiểu Phẩm Bát Nhã.
Lập trường giáo lý căn bản của kinh Bát Nhã là tư tưởng “Không”, nhưng không đây không phải là “Hư vô chủ nghĩa”, mà là “Chân không diệu hữu”. Nghĩa là nương vào mục tiêu Bát Nhã (trí tuệ) chứng được chánh quán, phá hết ngã chấp, tâm cảnh được tự tại, biết được mọi pháp ở thế gian đều là Không. Khi đã đạt được tới cảnh ngộ “Không” đó thì tâm cảnh sáng láng, trí tuệ vô biên, ánh sáng của trí tuệ này lại phản chiếu lại thế gian, và thế gian lúc đó là diệu hữu. Đó là nghĩa Chân không trở thành diệu hữu, ý nghĩa “Mọi pháp đều không” trong kinh Bát Nhã có giảng giải rất nhiều, nhưng tóm lại không ngoài mục đích để chuyển biến cái giá trị căn bản của nhân sinh, và đưa nhân sinh tới chỗ toàn thiện toàn mỹ, vượt hẳn sự đối lập khổ vui, nghèo giàu, mê ngộ, thiện ác.
Tư tưởng “Chân không diệu hữu” của kinh Bát Nhã chính là quan niệm căn bản của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, làm trung tâm xuất phát cho giáo lý Đại thừa, nên kinh Bát Nhã chiếm một địa vị rất trọng yếu trong Đại thừa Phật giáo.
Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka hay Gandavỳha). - Lập trường của kinh Hoa Nghiêm là “Tịnh Tâm Duyên khởi”, và khai triển thành Diệu hữu thế giới quan. Kinh Hoa Nghiêm có hai bản dịch là cựu dịch và tân dịch. Cựu dịch toàn bộ gồm có 60 quyển do ngài Phật Đà Bạt Đa La dịch; tân dịch gồm 80 quyển do ngài Thực Xoa Nan Đà dịch. Ở thời đại ngài Long Thọ, kinh Hoa Nghiêm đã hoàn toàn trọn bộ hay không, không thể biết được chính xác, nhưng trước thời đại ngài thì đại bộ phận của kinh Hoa Nghiêm đã được dịch sang chữ Hán, như “Kinh Thập Địa” và “Phẩm Nhập Pháp Giới”. Như vậy, đại bộ phận của kinh này đã được thành lập trước thời ngài Long Thọ.
Tư tưởng kinh Hoa Nghiêm cũng như kinh Bát Nhã thuộc Duy tâm luận. Trong kinh Hoa Nghiêm nói “Tam giới hư vọng, đãn thị nhất tâm tác”, nghĩa là những sự hư vọng trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới đều do nhất tâm tạo ra cả. lại nói “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo”, nghĩa là “Tâm như người thợ vẽ, vẽ các thứ ngũ uẩn; các pháp trong thế giới, pháp nào cũng vẽ được cả”. Kinh Hoa Nghiêm và kinh Bát Nhã đều chủ trương về “Duy tâm luận”, nhưng lập trường duyên khởi của hai kinh khác nhau. Lập trường kinh Bát Nhã là “Vọng tâm duyên khởi’, mà lập trường kinh Hoa Nghiêm là “Thanh tịnh tâm duyên khởi”.
Căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm, thì Đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ-đề, sau khi thành Chánh giác, trong khoảng 37 ngày tư duy, Ngài ở trong định “Hải ấn Tam muội”, hiện ra thân tướng Pháp thân Đại Nhật (Vairocana) Như Lai, mà nói ra bộ kinh Hoa Nghiêm này để hóa độ cho các bậc Bồ-tát từ ngôi Sơ địa trở lên. Duyên khởi quán của nguyên thủy Phật giáo thì bắt đầu từ vô minh, rồi đến lão tử, đó là “Vọng tâm duyên khởi”. Nhưng Đức Phật, Ngài ở trong định Hải ấn Tam muội thuộc tâm thuần túy thanh tịnh, mà vận dụng phép quán duyên khởi để triển khai ra nhiều thế giới, nên các thế giới đều là diệu hữu. Nghĩa là các thế giới đều do sự biểu hiện của Pháp thân Tỳ Lư Xá Na Phật (Đại Nhật Như Lai) nên hoàn toàn là vĩnh viễn, là chân thực. Các thế giới được hiển hiện ra thì đều liên quan mật thiết với nhau. Thí dụ, vật nhỏ bé như một lá cây, một ngọn cỏ cũng đều phản ánh với toàn thế giới; trong một giây, một tích tắc cũng bao hàm một thời gian vĩnh viễn. Thời gian và không gian can thiệp lẫn nhau không có một mảy may nào cô lập, vì thế nên các nhà chú thích kinh này gọi là “Trùng trùng vô tận duyên khởi”.
Kinh Duy Ma (Vimàlakirtinirdésa Sutra). - Duy Ma là bộ kinh để đả phá giáo lý Tiểu thừa, tán dương giáo lý Đại thừa. Lập trường của kinh này cũng chủ trương tư tưởng “Không”. Duy Ma Cật là chủ nhân ông trong bộ kinh này lại là một cư sĩ, hiện thân ở nơi trần tục, nhưng tư tưởng và nhân cách của ngài lại siêu việt thế tục. Ngài Xá Lợi Phất, một vị thông minh bậc nhất trong thập đại đệ tử của Phật, cũng phải thua kém. Giáo lý căn bản của bộ kinh này là “Sinh tử tức Niết-bàn; phiền não tức Bồ-đề”.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Sùrangama Samàdhi Sutra). - Lập trường của kinh Lăng Nghiêm là y vào sức tam muội (chánh định) để phát huy các lực dụng của bất tư nghì giải thoát. Trong Phật giáo, đặc biệt về Đại thừa Phật giáo, có nói nhiều về tam muội, nhưng trong kinh này lấy hai thứ tam muội làm cứu cánh tức là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Sùrangama samàdhi) và Ban Chu Tam Muội (Pratyutpanna samàdhi). Y vào định Ban Chu Tam Muội để được thấy rõ chư Phật; y vào Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội để hiểu biết chư Pháp đều là không, và thể hiện ra lực dụng diệu hữu.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sùtra). - Kinh Pháp Hoa, về Hán dịch có nhiều bản khác nhau, nhưng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều chuyên trì bản dịch của ngài La Thập, gồm 28 phẩm chia ra 7 quyển hoặc 8 quyển. Trong 28 phẩm, 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm cuối thuộc Bản môn.
Tư tưởng then chốt của kinh Pháp Hoa là “Khai quyền hiển thực”. Nhưng khai quyền hiển thực ngả theo hai phía, là chúng sinh và Phật. Về phía chúng sinh thì nói giáo lý “Khai tam hiển nhất”. Khai tam hiển nhất nghĩa là khai triển ra Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, rồi quy tụ về Nhất thừa đạo. Tuy nói ra Tam thừa, nhưng chỉ là phương tiện để dụ dẫn đó thôi, chứ thực ra chỉ có một thừa tức là Nhất thừa đạo. Nên trong kinh Pháp Hoa nói: “Duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam”, nghĩa là chỉ có Nhất thừa pháp, không có Nhị thừa và cũng không có Tam thừa. Về phía Phật thì nói về giáo lý “Khai tích hiển bản”. Phật Thích Ca từ khi thành đạo, tới lúc 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn, đó chỉ là một phương tiện quyền hiện ra cõi đời này, chứ thực ra Pháp thân của Ngài vẫn thường trụ và đã thành Phật từ ở những kiếp xa xưa mới chính là bản Phật. Đó là nghĩa “Khai tích hiển bản”.
Phần giáo lý của kinh Pháp Hoa thì bàn về nghĩa Pháp thân thường trụ, hay Phật thân thường trụ nêu rõ cái mục đích cứu cánh của giáo lý Đại thừa là hết thảy chúng sinh đều được thành Phật đạo.
Tịnh độ kinh điển. - Khuynh hướng tín ngưỡng Tịnh độ ở thời đại ngài Long Thọ chia ra ba hệ thống:
1. Đâu Suất Tịnh độ của Di Lặc Phật. Di Lặc (Maitreya), vị Phật tương lai, gọi là Nhất sinh bổ xứ Bồ-tát, hiện trụ ở cung trời Đâu Suất, và sẽ xuất hiện ở cõi Ta-bà để giáo hóa chúng sinh. Di Lặc Thành Phật Kinh (ngài La Thập dịch) và Di Lặc Hạ Sinh Kinh (ngài Pháp Hộ dịch) có chép về sự tích Ngài. Tư tưởng cầu vãng sinh lên cung trời Đâu Suất, để mong được trực tiếp nghe pháp của ngài Di Lặc thấy chép ở kinh “Di Lặc Bồ Tát Thượng Thăng Đâu Suất Kinh”. Điều kiện vãng sinh là chuyên niệm danh hiệu Di Lặc Phật. Ở Ấn Độ và Nhật Bản đều có khuynh hướng về tín ngưỡng này.
2. Nước Diệu Hỷ Tịnh độ của A Sơ Phật. Căn cứ ở kinh A Sơ Phật Quốc và kinh Đại Bảo Tích chép, ở phương Đông có nước gọi là Diệu Hỷ, Đức Phật ở nước này là Đại Mục Như Lai, trong nước đó có A Sơ (Aksobhya) Tỷ-khưu đi xuất gia, phát 39 điều nguyện (16 Tự hành nguyện và 23 Tịnh độ nguyện), sau khi hành nguyện viên mãn được thành Phật gọi là A Sơ Phật. Điều kiện vãng sinh tới nước đó thì cần phải tu hạnh Bồ-tát, pháp Lục độ và niệm danh hiệu Ngài.
3. Cực lạc Tịnh độ của A Di Đà Phật. Phật A Di Đà (Amitàyus, Amitàbha, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang) thì ở cõi Tây phương. Tư tưởng Tịnh độ này có rất nhiều đặc sắc, nhưng đại thể chia làm hai.
Đặc sắc thứ nhất là tự thân của Phật A Di Đà có Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, chúng sinh nếu được vãng sinh sang nước Ngài thì thân thể cũng giống như Ngài, và được hưỏng mọi thứ cực kỳ khoái lạc, nên gọi là thế giới Cực lạc.
Đặc sắc thứ hai là dễ tu dễ chứng. Căn cứ vào kinh Tứ Thập Bát Nguyện và kinh A Di Đà, thì chỉ cần xưng danh niệm Phật mà được vãng sinh. Đó là nhờ ở sức bản nguyện của Phật A Di Đà. Môn Tịnh độ này thì được phổ biến khắp mọi tầng lớp, ai ai cũng có thể tu được.
CHƯƠNG THỨ HAI. PHẬT GIÁO Ở THỜI ĐẠI NGÀI LONG THỌ, ĐỀ BÀ VÀ BẠT ĐÀ LA
I. LƯỢC TRUYỆN VÀ TRƯỚC TÁC CỦA NGÀI LONG THỌ
Long Thọ (Nàgàrjuna), ngài là vị Tỵ Tổ của Đại thừa Phật giáo. Niên đại xuất thế của ngài có nhiều thuyết khác nhau, nhưng đại khái ở vào khoảng đầu thế kỷ thứ III (Phật diệt độ khoảng hơn 700 năm). Ngài người nước Vidharbha (Tỳ Đạt Bà), Nam Ấn, thuộc giòng dõi Bà-la-môn, bẩm tính rất thông minh. Lúc thiếu thời, ngài đã tinh thông các kinh điển Veda của Bà La Môn giáo và mọi kỹ nghệ học thuật của thiên văn, địa lý, khoa học, lịch số v.v... Nhưng các môn học thuật đó đều không làm cho ngài mãn nguyện, nên ngài quyết tâm xuất gia tìm đạo cao siêu nhiệm mầu trong Phật giáo. Lúc đầu, ngài theo học về giáo lý Tiểu thừa, sau nghiên cứu giáo lý của Đại thừa Phật giáo. Đương thời ngài, các kinh điển thuộc Đại thừa Phật giáo hiện đã có, ngài đều thông hiểu hết, nên ngài tổ chức lại thành một thể hệ giáo học của Đại thừa Phật giáo. Địa điểm hoạt động của ngài có rất nhiều nơi, nhưng nơi trung tâm truyền bá là nước Kosala (Kiều Tất La). Vua nước Kosala là Satàvahana, vì mến đức độ của ngài nên phát tâm quy y Phật giáo và kiến thiết một đại tinh xá tại núi Bhràmaragiti (Hắc Long sơn) ở phía Tây nam để ngài trụ trì. Ở nơi đây, không những chỉ là một căn cứ địa để tuyên dương giáo lý Đại thừa, mà còn là nơi trước tác nhiều bộ luận của ngài, và cũng là nơi nhập diệt của ngài ở cuối thế kỷ thứ III. Vì có công trình tổ chức về giáo học của Đại thừa Phật giáo, nên được coi như là Phật Thích Ca tái hiện.
Về phần trước tác, ngài đã trước tác được rất nhiều các bộ luận, nên cổ lai thường gọi ngài là bậc Luận chủ của ngàn bộ luận. Tuy vậy, nhưng những bộ luận đã được dịch sang chữ Hán chỉ có các bộ như sau:
1. Trung Quán Luận (Madhya dhyàna sàstra) 4 quyển, ngài La Thập (Kumàrajìva) dịch.
2. Thập Nhị Môn Luận (Dvàdasa nikàya sàstra) 1 quyển, ngài La Thập dịch.
3. Đại Trí Độ Luận (Mahàprajnàpàramità sàstra) 100 quyển, ngài La Thập dịch.
4. Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Dasabhùmi vibhàsà sàstra) 17 quyển, ngài La Thập dịch.
5. Thập Bát Không Luận (Astàdasàkasa sàstra) 1 quyển, ngài Chân Đế (Paramàrtha) dịch.
6. Đại Thừa Phá Hữu Luận (Mahàyàna bhavabheda sàstra) 1 quyển, ngài Thi Hộ (Dànapàna) dịch.
7. Bồ Đề Tư Lương Luận, 6 quyển, ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) dịch.
8. Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận (Laksanavimaktabodhihrdaya sàstra) 1 quyển, ngài Thi Hộ dịch.
9. Hồi Tránh Luận (Vivàdasamana sàstra) 1 quyển, ngài Cù Đàm Lưu Chí (Gautama Ruci) dịch.
10. Phương Tiện Tâm Luận, 1 quyển, ngài Cát Ca Dạ dịch.
11. Khuyến Phát Chư Vương Yếu Kệ (Àrya àgàrjuna bodhisattva suhrllekha) 1 quyển, ngài Tăng Già Bạt Ma (Sanghavarman) dịch.
12. Tán Pháp Giới Tụng (Dharmadhàtu stotra) 1 quyển, ngài Thi Hộ dịch.
13. Quảng Đại Phát Nguyện Tụng (Mahàpranidhànotpàda gàthà) 1 quyển, ngài Thi Hộ dịch.
Trong các bộ luận kể trên, ”Trung Quán Luận”, “Thập Nhị Môn Luận”, hai luận này nói về những pháp để đả phá Tiểu thừa và ngoại đạo, và để biểu hiện giáo lý “Trung đạo”. “Đại Trí Độ Luận” hoặc gọi là “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Thích Luận”. Bộ luận này giải thích: “Đại Phẩm Bát Nhã Kinh” bàn về “Vô tướng giai không” theo phương diện tiêu cực, thuyết minh về “Thực tướng của chư pháp” theo phương diện tích cực. Đồng thời, ngài còn dẫn chứng các kinh điển của các học phái nội giáo và ngoại đạo, những giáo lý dị đồng của Đại thừa, Tiểu thừa, những danh từ về thiên văn, địa lý, khoa học, hết thảy các học thuật của các tôn giáo đương thời, thực là một bộ “Phật giáo Bách khoa Toàn thư” trong Phật giáo. “Tỳ Bà Sa Luận” là bộ luận thích phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm, nói về sự tu hành của các ngôi Thập địa Bồ-tát. “Trung Quán Luận”, “Thập Nhị Môn Luận” của ngài và thêm “Bách Luận” là ba bộ luận căn bản của học phái “Tam Luận Tôn”, thêm bộ “Trí Độ Luận” là bốn bộ luận căn bản của học phái “Tứ Luận Tôn”. Các bộ luận kể trên là những trước tác căn bản của ngài Long Thọ.
“Thập Bát Không Luận”, bộ luận trọng yếu bàn về tư tưởng Không. Trong đó chia ra mười tám môn là “Nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, tính không, tướng không, nhất thiết pháp không v.v…” và rút lại đều bàn về lý “Nhất thiết giai không”. “Phá Hữu Luận” thì đả phá sự mê chấp thực hữu. “Tư Lương Luận” nói về các pháp “Tứ vô lượng tâm”, “Thập ba la mật”, là các hạnh của Đại thừa Bồ-tát. “Ly Tướng Luận” thích về Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm lấy đại bi làm thể. “Phương Tiện Tâm Luận” và “Hồi Tránh Luận” đều bàn về phương pháp chiết phục ngoại đạo. “Khuyến Phát Chư Vương Yếu Kệ” mục đích để khuyên các bậc quốc vương ngoại hộ Phật pháp làm theo pháp Thập thiện. “Tán Pháp Giới Tụng” thì nương vào kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa để thuyết minh cái chân như nhất tướng bình đẳng, bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm. “Phát Nguyện Tụng”, nói về cảnh giới của chúng sinh vô tận, quốc độ của chư Phật cũng vô biên. Chúng sinh nương vào công đức kính lễ chư Phật thì diệt được mọi tội nghiệp, sinh ra mọi phúc lành, và đem phúc lành này để hồi hướng cho hết thảy chúng sinh.
Tương truyền, ngài Long Thọ đã trước tác bộ “Đại Bất Tư Nghì Luận” để chú thích kinh Hoa Nghiêm, gồm 10 vạn bài tụng, bộ “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” kể trên, chỉ là một bộ phận nhỏ ở trong bộ này, và bộ “Trang Nghiêm Phật Đạo Luận” cùng “Đại Từ Phương Tiện Luận” đều gồm 5.000 bài kệ.
II. GIÁO NGHĨA CỦA NGÀI LONG THỌ
Ngài Long Thọ, vì ngài có rất nhiều trước tác, nên giáo nghĩa của ngài cũng trở thành đa phương. Cổ lai thường tôn xưng ngài là vị Tổ khai sáng của Thiền Tôn, Tịnh Độ Tôn, Mật Tôn, Hoa Nghiêm Tôn, Tam Luận Tôn v.v... Nhưng giáo nghĩa căn bản của ngài để phá tà đạo và hiển chánh giáo, đó là tư tưởng “Trung đạo”. Tư tưởng Trung đạo này được trình bày rất rõ trong bộ “Trung Quán Luận”, gọi tắt là “Trung Luận”.
Trước hết, lý luận về “Chư pháp thực tướng”, ngài Long Thọ gọi chư pháp thực tướng là “Chân không vô tướng”. Nhưng “Không” đây không phải là cái “Không” đối lập với “Có”, cũng không phải là ý nghĩa “Hư vô” mà là cái tên vượt ra ngoài vòng “Có” và “Không”, để đặt một danh từ thay thế cho ý nghĩa trên tức là “Trung đạo. “Trung Luận” quyển thứ nhất nói: “Bất sinh diệc bất diệt; bất thường diệc bất đoạn; bất nhất diệc bất nhị; bất lai diệc bất khứ”. Nghĩa là thực tướng của chư pháp thì bản lai không có sinh cũng không có diệt, không có thường cũng không có đoạn, không một cũng không khác, không có lại và cũng không có đi. Nhưng vì quan niệm cố định của thế gian thì có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có đi, có lại, thuộc tám quan niệm giả tướng, để phủ định những quan niệm đó, nên ngài Long Thọ nói ra tám thứ không là “Không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không lại, không đi”, để biểu hiện cái thực thể của chư pháp, và cũng là để thuyết minh nghĩa “Trung đạo”. Vậy nên nghĩa “Trung đạo” không phải là ý nghĩa trung gian giữa cái “Có” và “Không” mà là cái ý nghĩa vượt ra ngoài vòng sai biệt tương đối, siêu vượt khỏi lãnh vực “Có”, “Không” và cả “không cả cái không”, thuộc ở trường hợp “ngôn ngữ đạo đoạn”.
III. NGÀI ĐỀ BÀ
Ngài Đề Bà (Deva), hoặc gọi là Aryadeva (Thánh Thiên), đệ tử ngài Long Thọ, sinh ở cuối thế kỷ thứ III. Ngài người Nam Ấn, bẩm tính thông minh, có tài hùng biện, nên ngài được phái khiển tới các địa phương để truyền bá giáo lý Đại thừa, chiết phục Tiểu thừa, ngoại đạo. Tương truyền, sau ngài bị phái ngoại đạo thừa cơ hãm hại.
Phần trước tác của ngài có ba bộ:
“Bách Luận” (Sata sàstra) 2 quyển, ngài La Thập dịch.
“Bách Tự Luận” (Satàkrasa sàstra) 1 quyển, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
“Quảng Bách Luận” (Sata sàstra vaipulya) 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
Nội dung của các bộ kể trên thì đều nương vào tư tưởng “Trung Luận” của ngài Long Thọ làm cơ sở, không ngoài mục đích để phá tà hiển chánh.
IV. NGÀI BẠT ĐÀ LA
Ngài La Hầu La Bạt Đà La (Ràhula Bhadra), gọi tắt là Bạt Đà La, đệ tử ngài Đề Bà, người Trung Ấn, sinh ở cuối thế kỷ thứ III. Ngài cũng là bậc thông minh, có tài biện luận, và thường tới các nước ở vùng Trung Ấn để tuyên dương giáo lý Đại thừa Phật giáo. Ngài đã chú thích bộ “Trung Luận” của ngài Long Thọ, nhưng không còn truyền tới ngày nay.
CHƯƠNG THỨ BA. CÁC KINH ĐIỂN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO THÀNH LẬP SAU THỜI NGÀI LONG THỌ
I. KINH THẮNG MAN
Trong khoảng thời gian từ sau thời đại ngài Long Thọ tới thời đại ngài Vô Trước, Thế Thân xuất thế, có rất nhiều kinh điển của Đại thừa Phật giáo xuất hiện, nhưng những kinh điển chủ yếu là: “Kinh Thắng Man”, “Kinh Đại Bát Niết Bàn”, “Kinh Giải Thâm Mật” và “Kinh Lăng Già”.
Kinh Thắng Man, tức là kinh “Thắng Man Sư Tử Nhất Thừa Đại Phương Quảng”. Kinh này có hai bản dịch: ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch (năm 436 TL) và ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (năm 700-713 TL).
Giáo lý trung tâm của kinh này thì bàn tư tưởng “Như Lai tạng”. Như Lai tạng là một tên riêng của Phật tính. Cái tâm thường ngày của chúng sinh vì bị bao thứ phiền não khuấy trộn, nên Phật tính của chúng sinh bị lu mờ, nhưng cái Phật tính đó vẫn hoàn toàn đầy đủ như tâm tính của Như Lai, tỷ dụ như nước với sóng. Cái tâm thường ngày của chúng sinh cũng ví như làn sóng ở trong bể lớn của thanh tịnh nhất tâm. Vậy nên cái tâm thường ngày của chúng sinh và tâm tính bản tịnh chỉ là một thể. Đó là tư tưởng “Như Lai tạng” của kinh này.
II. KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Kinh Đại Bát Niết Bàn được dịch sang chữ Hán có hai bản là Bắc bản và Nam bản. Kinh Đại Bát Niết Bàn (40 quyển) do ngài Đàm Vô Sấm dịch (42 TL) thuộc Bắc bản, và ngài Tuệ Nghiêm đính chính lại kinh đó chia thành 36 quyển gọi là Nam bản. Nội dung của hai bộ này thì giống nhau, nhưng khác nhau về lối hành văn và tên tác phẩm.
Kinh Đại Bát Niết Bàn tức là kinh “Đại Thừa Niết Bàn”. Kinh này được phát triển từ ở các kinh Tiểu Thừa Niết Bàn như “Du Hành kinh” v.v... nhưng về lập trương của đôi bên không giống nhau. Kinh Tiểu Thừa Niết Bàn chỉ là một tác phẩm ghi chép về sự sinh hoạt của Đức Thích Tôn ở tuổi vãn niên, nhưng kinh Đại Thừa Niết Bàn thì không ghi chép về sự thực đó mà chủ trương một giáo lý, một đường lối nhất định riêng.
Kinh Đại Thừa Niết Bàn, một mặt thì kế thừa tư tưởng “Không” của kinh Bát Nhã và giáo lý “Tâm tính bản tịnh” của Đại Chúng bộ; một mặt lại kế thừa tư tưởng “Nhất thừa” của kinh Pháp Hoa. Đặc sắc về giáo nghĩa của kinh này là “Pháp thân thường trụ”, “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính” và “Xiển đề thành Phật”.
Sự nhập Niết-bàn của Phật Thích Ca chẳng qua chỉ là một thùy tích của Ứng hóa thân, còn bản tính của Ngài thì không có quan hệ với lẽ sinh tử, Pháp thân của Ngài vẫn thường trụ không biến. Nhưng Pháp thân không phải chỉ riêng Đức Phật mới có, mà tất cả chúng sinh cũng vẫn đầy đủ, vì chúng sinh bản lai vẫn có Phật tính. Sở dĩ có sự sai khác nhau giữa Phật và chúng sinh là do chỗ kết quả của sự tu hành và mê ngộ. Thông thường mà nói, thì hết thảy chúng sinh đều được thành Phật, vì chúng sinh bản lai vẫn có Phật tính chỉ trừ kẻ xiển đề (ichantika, kẻ không có tín căn, hay đoạn mất thiện căn) là không được thành Phật, nhưng chủ trương của kinh này, nếu kẻ xiển đề biết hồi tâm, và trở lại được tín tâm thì cũng được thành Phật.
III. KINH GIẢI THÂM MẬT
Kinh Giải Thâm Mật có hai bản dịch: “Thậm Thâm Giải Thoát Kinh” (5 quyển) do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (515) và “Giải Thâm Mật Kinh” (5 quyển), do ngài Huyền Trang dịch (647). Nội dung của kinh này là một tư tưởng rất trọng yếu cho môn Duy thức. Tư tưởng đó có ba yếu điểm như sau:
1. Tư tưởng A-lại-da thức. Ở phẩm “Tâm ý thức tướng” của kinh này có nói đến tư tưởng “Nhất thiết chủng tử tâm thức”. Cái tâm thức này có từ ở giây phút lúc bắt đầu thọ sinh. Sau khi thọ sinh rồi thì phát triển dần dần thành ngũ thức để phối hợp với ngũ căn, rồi đến các tâm sở v.v...
“Nhất thiết chủng tử tâm thức” thì gọi là “A-đà-na thức” và “A-lại-da thức”, hoặc gọi tắt là “Tâm”. A-đà-na thức (danavijnàna), dịch là “Chấp trì thức” có cái năng lực duy trì các chủng tử. A-lại-da thức (Alayavijnàna), dịch là “Tạng thức”, có cái năng lực chứa đựng các chủng tử. Sau nói về tâm (Citta), chỉ về phương diện hoạt động chủ quan của lục thức đối với lục trần.
2. Thuyết Tam tướng, Tam vô tính. Ở phẩm “Nhất thiết pháp tướng” của kinh này có nêu ra ba tướng: “Biến kế sở chấp tướng” (Parikalpita lakasanna), “Y tha khởi tướng” (Paratantra L.), và “Viên thành thực tướng” (Parinispanna L.).
Biến kế sở chấp gọi là huyễn giác hay thác giác; Y tha khởi tướng là các pháp nương vào nhân duyên mà sinh; Viên thành thực tướng là tướng bình đẳng chân như của mọi pháp. Biến kế sở chấp tướng vì do nơi biểu hiện của tâm mà có, nên nó không có tự tính, gọi là “Tướng vô tự tính”. Y tha khởi tướng thì nương vào nhân duyên mà có, nên không có tự tính riêng, gọi là “Sinh vô tự tính”. Viên thành thực tướng là nơi sở duyên của tâm thanh tịnh, nhưng nếu nó lìa khỏi tâm thì không có phần tự tính riêng, gọi là “Thắng nghĩa vô tự tính”. Sau hết, quy tụ hết thảy mọi pháp cũng đều không có tự tính, cũng tương tự như tư tưởng “Không” trong kinh Bát Nhã.
3. Thuyết Tam thời liễu, Vị liễu. Kinh này còn thành lập ra ba thứ tính là Thanh văn tính, Duyên giác tính và Bồ-tát tính. Đức Phật lúc ban đầu nói ra pháp Tứ đế để hóa độ Tiểu thừa Thanh văn, nên thuộc “Vị liễu nghĩa thuyết”. Sau ngài đối với cơ Bồ-tát nói ra những pháp bất sinh, bất diệt, bản lai thanh tịnh, đó cũng thuộc về “Vị liễu nghĩa thuyết. Khi ngài nói ra thuyết “Tam tướng tam vô tính” trong kinh này mới thuộc “Liễu nghĩa thuyết”. Đó cũng là một phương thức “Giáo phán” của Phật giáo thấy xuất hiện ở kinh này đầu tiên.
IV. KINH LĂNG GIÀ
Kinh Lăng Già, hoặc gọi là “Nhập Lăng Già Kinh” (Lankàvatàra). Kinh này được dịch sang chữ Hán có ba bản khác nhau: “Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh” (4 quyển) do ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch (443 TL); “Nhập Lăng Già Kinh” (10 quyển), ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (513); “Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh” (7 quyển), ngài Thực Xoa Nan Đà dịch (704 TL).
Nội dung của kinh này tuy có nhiều giáo lý chủ yếu của Đại thừa Phật giáo, và còn liên can đến cả học thuyết ngoại giáo, nhưng tư tưởng nhất quán là tư tưởng “Như Lai tạng” và “A-lại-da thức”. Như Lai tạng là cái tên riêng của “Chân như”, “Không”, “Pháp thân”, “Niết-bàn”, “Bản tính thanh tịnh” v.v... A-lại-da thức, một mặt thì đồng nhất với “Như Lai tạng”, một mặt thì có sinh có diệt khác với Như Lai tạng là bất sinh bất diệt, cho tất cả mọi pháp đều từ A-lại-da thức mà xuất hiện.
Giáo nghĩa chủ yếu của kinh này còn là “Năm pháp”, “Ba tính”, “Tám thức” và “Hai vô ngã”. Năm pháp là “Danh” (Nàma), “Tướng” (Nimitta), “Phân biệt” (Samhàlpa), “Chánh tí” (Samyagjnàna), và “Như như” (Tathatà, Chân như).
Trong các bộ luận như “Du Già Sư Địa Luận”, “Hiển Dương Thánh Giáo Luận”, “Thành Duy Thức Luận” và “Phật Tính Luận” đều có nói đến năm pháp này. Ba tính là “Vọng kế tự tính”, “Duyên khởi tự tính” và “Viên thành tự tính”. Ba tính này vì quan hệ mật thiết với năm pháp, nên “Danh” và “Tướng” thuộc “Vọng kế tự tính”, “Phân biệt” thuộc “Duyên khởi tự tính”, “Chánh trí” và “Như như” thuộc “Viên thành tự tính”. Tám thức là A-lại-da thức, Ý, Ý thức và Tiền ngũ thức. Hai vô ngã là “Nhân vô ngã” và “Pháp vô ngã”. Năm pháp, Ba tính, Tám thức và Hai vô ngã thì thu nhiếp hết thảy mọi pháp.
CHƯƠNG THỨ TƯ. PHẬT GIÁO Ở THỜI ĐẠI NGÀI VÔ TRƯỚC, THẾ THÂN
I. LƯỢC TRUYỆN VÀ TRƯỚC TÁC CỦA NGÀI VÔ TRƯỚC
Sau ngài Long Thọ xuất thế hơn một trăm năm, thì có hai bậc đại học giả trong Phật giáo ra đời, đó là ngài Vô Trước và Thế Thân. Ngài Vô Trước (Asanga) sinh ở khoảng cuối thế kỷ thứ IV TL, tại thành Purusapura (Bá Lộ Sa), thuộc nước Gandhàra (Kiều Đà La), Bắc Ấn, giòng dõi Bà-la-môn. Thân phụ là Kausika (Kiều Thi Ca), thân mẫu là Virinci (Tỷ Lân Trì). Trong ba anh em, ngài là anh cả, ngài Thế Thân (Vasubandhu) là em lớn, và Virincivaisa (Tỷ Lân Trì Tử) là em út, cả ba anh em đều đầu Phật xuất gia.
Ngài Vô Trước lúc đầu tin theo Bà La Môn giáo, sau bỏ Bà La Môn giáo đi xuất gia, học tập giáo lý Tiểu thừa thuộc Hữu bộ. Nhưng vì không mãn nguyện với giáo lý Tiểu thừa, ngài lại chuyển sang nghiên cứu kinh điển của Đại thừa Phật giáo.
Tương truyền, ngài dùng sức thần thông lên cung trời Đâu Suất (Tusit) để nghe Bồ-tát Di Lặc (Maitreya) giảng giáo lý Đại thừa. Sau khi nghe giảng xong, ngài lại thỉnh Bồ-tát giáng xuống hạ giới, ngự tại một giảng đường thuộc nước Ayodhyà (A Du Đà), Trung Ấn. Trong một khoảng thời gian 4 tháng, cứ về ban đêm thì ngài nghe Bồ-tát thuyết pháp, ban ngày ngài lại đem những điều đã nghe được giảng lại cho đại chúng. Nơi trung tâm hưng long Đại thừa Phật giáo của ngài là nước Ayodhyà, nước Magadhà (Ma Kiệt Đà). Ngài thọ 75 tuổi.
Phần trước tác của ngài thì quan hệ mật thiết với phần trước tác của Bồ-tát Di Lặc. Tuy vậy, nhưng phần trước tác của Bồ-tát Di Lặc thì không độc lập thành một hệ thống giáo học riêng mà chỉ là phụ thuộc vào trước tác của ngài. Ngài trước tác rất nhiều tác phẩm, nhưng những tác phẩm được dịch sang chữ Hán chỉ thấy có các bộ như sau:
PHẦN TRƯỚC TÁC CỦA NGÀI DI LẶC:
1. “Du Già Sư Địa Luận” (100 quyển), (Yogàcàrya bhùmi sàstra), ngài Huyền Trang dịch.
2. “Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận” (Mahàyànalankàra sàstra) bản tụng, ngài Ba La Ba Mật Đa La dịch.
3. “Thập Địa Kinh Luận” (Dasabhùmikà sùtra sàstra) bản tụng, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
4. “Trung Biên Phân Biệt Luận” (Madhyàntavibhàga sàstra) 2 quyển, ngài Chân Đế dịch.
PHẦN TRƯỚC TÁC RIÊNG CỦA NGÀI VÔ TRƯỚC:
5. “Hiển Dương Thánh Giáo Luận” (Prakaranàryavàca sàstra) 20 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
6. “Nhiếp Đại Thừa Luận” (Mahàyànàsamparigraha s.) 3 quyển, ngài Chân Đế dịch.
7. “Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận” (Mahàyànàbhidharma sangìti s.) 7 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
8. “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận” (Vajraprajnà pàramità sùtra sàstra) 3 quyển, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
9. “Thuận Trung Luận” 2 quyển, ngài Bát Nhã Lưu Chi dịch.
Trong các bộ luận kể trên, “Du Già Sư Địa Luận” thì bàn về tư tưởng “A-lại-da duyên khởi”, là bộ luận căn bản của Du-già, Duy thức Phật giáo. “Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận” chủ trương Đại thừa do Phật thuyết, và bàn về sự phát tâm tu hành “Đệ nhất nghĩa tướng” của Đại thừa. “Thập Địa Kinh Luận” giải thích về phẩm Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm và bàn về lý “Chân như duyên khởi”. “Trung Biên Phân Biệt Luận” nói về thuyết “Trung đạo” và lý “Tâm tính bản tịnh”, Tứ đế, Bát chánh đạo v.v... “Hiển Dương Thánh Giáo Luận” bàn về yếu lĩnh của “Du Già Sư Địa Luận” và giáo nghĩa của Du-già, Duy thức. “Nhiếp Đại Thừa Luận”, bộ luận y cứ của Nhiếp Luận Tôn và Pháp Tướng Tôn, lý luận về giáo nghĩa của Đại thừa hơn Tiểu thừa, vì có mười “Thắng tướng”. Trong mười Thắng tướng, ba tướng đầu bàn về A-lại-da thức, 3 tính và Duy thức quán, bảy tướng sau nói rõ phép thực tiễn tu hành và chứng quả. Thuyết trung tâm của bộ luận này là “A-lại-da duyên khởi”. “Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận” bàn về các pháp như: Uẩn, xứ, giới, chủng tử, tứ đế, thắng nghĩa ngã. “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận” giải thích ý nghĩa kinh “Kim Cương”. “Thuận Trung Luận” giải thích nghĩa Trung Luận của ngài Long Thọ.
II. LƯỢC TRUYỆN VÀ TRƯỚC TÁC CỦA NGÀI THẾ THÂN
Ngài Thế Thân (Vasubandhu) sinh sau ngài Vô Trước ước 20 năm, ở cuối thế kỷ thứ IV TL. Ngài đi xuất gia, lúc đầu theo học hệ thống Hữu bộ, sau tới nước Kasmìra (Ca Thấp Di La) học giáo nghĩa của Đại Tỳ Ba Sa Luận, rồi ngài trở về bản quốc là nước Gandhàra thuộc Bắc Ấn soạn ra bộ “Câu Xá Luận”. Nội dung của bộ luận này như thiên trước đã thuật, là một bộ luận tổng hợp giáo nghĩa của Hữu bộ. Lúc đầu, ngài hết sức hoằng dương giáo lý Tiểu thừa, nhưng sau nghe lời khuyên của anh là Vô Trước, nên ngài chuyển theo Đại thừa Phật giáo. Trước hết, ngài nghiên cứu và giải thích các trước tác phẩm của Vô Trước, sau ngài nghiên cứu các kinh điển của Đại thừa, rồi tự ngài lại trước tác nhiều bộ luận. Cuối cùng ngài nhập diệt ở nước Ayodhyà (A Du Đà), hưởng thọ 80 tuổi.
Phần trước tác của ngài, cổ lai thường gọi ngài là bậc Luận chủ của ngàn bộ luận, nhưng những bộ đã được dịch sang chữ Hán chỉ có các bộ sau:
1. “A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận” (Abhidharma kosa sàstra), 20 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
2. “A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Bản Tụng”, 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
3. “Duy Thức Tam Thập Luận Tụng” (Vidyàmàtrasiddhi tridasa sàstra kàrikà), 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
4. “Duy Thức Nhị Thập Luận” (Vidyàmàtra vìmsati sàstra), 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
5. “Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận” (Mahàyànasatadharmavìdyàdvàra sàstra), 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
6. “Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận” (Mahàyànavaipulya Pancaskahdhaka sàstra), 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
7. “Phật Tính Luận” (Buddhagotra sàstra), 4 quyển, ngài Chân Đế dịch.
8. “Nhiếp Đại Thừa Luận Thích” (Mahàyànasamparigraha sàstravyàkhyà), 15 quyển, ngài Chân Đế dịch.
9. “Thập Địa Kinh Luận” (Dasabhùmika sùtra sàstra), 12 quyển, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
10. “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá” (Saddharmapundarìca sùtra sàstopadesa), 2 quyển, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
11. “Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá” (Amitàyus sùtropadesa), 1 quyển, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
12. “Chuyển Pháp Luân Kinh Ưu Ba Đề Xá” (Dharmacakrapravatana sùtropadesa), 1 quyển, ngài Tỳ Mục Trí Tiên dịch.
13. “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận” (Vajnaprajnàyaramità sùtra sàstra), 3 quyển, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
14. “Lục Môn Giáo Thọ Tập Định Luận”, 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Trong các bộ luận kể trên, “Câu Xá Luận” là bộ luận thuộc Tiểu thừa Phật giáo. “Tam Thập Tụng” và “Nhị Thập Luận”, hai bộ luận này bàn về yếu nghĩa của Duy thức, là những bộ luận y cứ của Pháp Tướng Tôn. “Bách Pháp Minh Môn Luận” thuyết minh và phân tích về chư pháp. “Ngũ Uẩn Luận” bàn về nghĩa ngũ uẩn để đối trị mọi tà chấp. “Phật Tính Luận” nói về thuyết “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”. Thuyết này y cứ ở kinh Niết Bàn nói ra. “Nhiếp Đại Thừa Luận Thích” giải thích về “Nhiếp Luận của ngài Vô Trước”. “Thập Địa Luận” chú thích bộ “Thập Địa Kinh Luận Bản Tụng” của ngài Di Lặc, bàn về lý “Chân như duyên khởi”. “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá”, phổ thông gọi là “Pháp Hoa Kinh Luận”, kinh này chia ra năm môn để giải thích về nghĩa lý kinh Pháp Hoa, bàn rõ tư tưởng Nhất thừa. “Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá”, phổ thông gọi là “Tịnh Độ Luận”, là một tác phẩm biểu hiện sự tín ngưỡng của ngài Thế Thân, và cũng là tư tưởng khởi nguyên của pháp môn tu Tịnh độ. “Chuyển Pháp Luân Kinh Ưu Ba Đề Xá” và Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận” đều y vào tên kinh đó mà giải thích. “Lục Môn Giáo Thọ Tập Định Luận” bàn về pháp thực tiễn tu hành.
Các tác phẩm kể trên của ngài Thế Thân, cũng như ngài Vô Trước và Long Thọ, đều là những trước tác bất hủ trong lịch sử giáo lý của Phật giáo.
III. GIÁO NGHĨA CỦA NGÀI VÔ TRƯỚC VÀ THẾ THÂN
Về giáo nghĩa đặc sắc của ngài Vô Trước là tư tưởng “A-lại-da duyên khởi luận”. Ngài là bậc đại học giả hưng long cho Đại thừa Phật giáo. Còn ngài Thế Thân, lúc đầu, ngài truyền bá Tiểu thừa Phật giáo, sau mới hưng long Đại thừa Phật giáo. Ngài trước tác rất nhiều bộ luận, nên tư tưởng của ngài thuộc nhiều phương diện, khó thể mà tổng hợp thành một thuyết đồng nhất. Tức là, lúc đầu ngài được truyền thừa tư tưởng của Hữu bộ, sau kế thừa tư tưởng “Đại thừa A-lại-da duyên khởi” của ngài Vô Trước. Ngài lại nói ra các thuyết như: “Chân Như Duyên Khởi”, “Thực Tướng Luận” và “Tịnh Độ giáo” v.v... Khi còn hưng long tư tưởng Tiểu thừa, ngài đã trước tác bộ “Câu Xá Luận”, hoàn thành cho giáo nghĩa của Hữu bộ; khi ở địa hạt Đại thừa thì ngài trước tác các bộ luận để hoàn thành giáo nghĩa Duy thức Phật giáo.
Ngoài ra, những đặc sắc của ngài cũng đi song song với ngài Long Thọ. Nghĩa là, ngài Long Thọ là bậc hưng long Đại thừa Phật giáo ở thời đầu, thì ngài Thế Thân là bậc hưng long Đại thừa Phật giáo ở thời giữa. Ngài Long Thọ hưng long Đại thừa Phật giáo ở Nam Ấn, thì ngài Thế Thân ở Bắc Ấn. Ngài Long Thọ kế thừa về giáo lý của Đại Chúng bộ, thì ngài kế thừa giáo lý của hệ thống Thượng Tọa bộ. Ngài Long Thọ khởi xướng ra thuyết “Chư Pháp Thực Tướng Luận” thuộc tư tưởng “Không”, ngài Thế Thân khởi xướng ra tư tưởng “Chư pháp duyên khởi luận” thuộc tư tưởng “Hữu. Ngài Long Thọ phá tà hiển chính cực lực bài bác Tiểu thừa; ngài Thế Thân thì chủ trương tư tưởng bao dung.
Về giáo nghĩa của hai ngài Vô Trước, Thế Thân như trên đã thuật, nhưng về tư tưởng căn bản đồng nhất của hai ngài đó là thuyết “A-lại-da duyên khởi”. Tức là hết thảy mọi pháp ở trong thế gian đều không ngoài tâm thức của con người mà có, thuộc Duy tâm luận và cũng là thuyết “Vạn pháp duy thức luận”. Nhưng cái nguồn gốc năng hiện của mọi pháp lại là cái thức căn bản vẫn đầy đủ của con người, tức là “A-lại-da thức”. Vì vạn pháp đều y vào thức này mà xuất hiện, nên gọi là “A-lại-da duyên khởi”, gọi tắt là “Duyên khởi luận”.
CHƯƠNG THỨ NĂM. HAI HỆ THỐNG LỚN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO
I. CÁC BẬC LUẬN SƯ THUỘC HỆ THỐNG THỰC TƯỚNG LUẬN
Vì ngài Long Thọ và Đề Bà khởi xướng ra tư tưởng “Thực tướng luận”, ngài Vô Trước và Thế Thân xướng ra thuyết “Duyên khởi luận”, nên có hai hệ thống lớn của Đại thừa Phật giáo được xuất hiện ở Ấn Độ, tức là hệ thống “Thực tướng luận”, hoặc gọi là “Trung quán phái” và hệ thống “Duyên khởi luận” hoặc gọi là “Du già hành phái”. Thực tướng luận thì quan sát về thực tướng của chư pháp, cho hết thảy mọi pháp đều là không, để biểu hiện lý “Trung đạo”, nên gọi là “Không tôn” hay “Trung quán tôn”. Duyên khởi luận thì bàn về sự duyên khởi của hai pháp Chân và Giả để biểu hiện phần “Chân hữu” và nương vào phép quán Du-già (Yoga) để biểu hiện phần “Chân như”, nên gọi là “Hữu tôn” hay “Du già tôn”.
Hệ thống truyền thừa về tư tưởng “Thực tướng luận” của ngài Long Thọ, sau thời đại ngài Đề Bà và La Hầu La Đa, thì không thấy chép rõ ràng, nhưng ở khoảng thế kỷ thứ IV TL, sau ngài La Hầu La Đa có ngài Thanh Mục (Pingala) chú thích bộ “Trung Luận” của ngài Long Thọ, ngài Kiên Ý trước tác bộ “Nhập Đại Thừa Luận” (2 quyển), đều truyền về tư tưởng “Vô tướng giai không” của ngài Long Thọ. Trong thế kỷ thứ V, ở Nam Ấn, có ngài Phật Hộ (Buddhapàlita) ra đời, tuyên dương về thuyết “Phi hữu phi không luận” của ngài Long Thọ. Lại ở thế kỷ thứ VI, cũng ở Nam Ấn, có ngài Thanh Biện (Bhàvaviveka) ra đời, chủ trương thuyết “Vô tướng giai không”. Cuối thế kỷ thứ VI, có ngài Trí Quang (đệ tử ngài Thanh Biện) ra đời, khởi xướng ra lối phán thích về giáo lý của Phật giáo, và sắp hạng giáo nghĩa của ngài Long Thọ đứng ở vị trí tối cao của Phật giáo. Và cũng ở Nam Ấn, có ngài Nguyệt Xứng (Candrakìrti) ra đời, soạn bộ “Trung Luận Thích” (Madhyamikavrtti). Ở đầu thế kỷ thứ VII, có Sư Tử Quang (đệ tử ngài Trí Quang) ra đời, giảng về “Tam luận” tại chùa Na Lan Đà. Ngoài ra còn có các bậc Luận sư khác như Thắng Quang, Trí Hộ v.v... đều là những vị tuyên dương về giáo nghĩa của ngài Long Thọ tại chùa Na Lan Đà.
Căn cứ như thứ tự trên, vậy hệ thống truyền thừa về “Thực tướng luận” của ngài Long Thọ có thể như sau: Long Thọ, Đề Bà, La Hầu La Đa, Thanh Mục, Thanh Biện, Trí Quang, Sư Tử Quang, Thắng Quang v.v...
II. CÁC BẬC LUẬN SƯ THUỘC HỆ THỐNG DUYÊN KHỞI LUẬN
Ngài Vô Trước và Thế Thân khởi xướng ra thuyết “A-lại-da duyên khởi” và tổ chức thành một hệ thống Duy thức Phật giáo. Hệ thống này được truyền bá hầu khắp Ấn Độ, đứng ngang hàng với hệ thống “Thực Tướng luận” của ngài Long Thọ, là hai hệ thống lớn có thế lực nhất của Phật giáo Ấn Độ lúc đương thời. Từ khoảng ngài Thế Thân nhập tịch cho đến thế kỷ thứ VI, trong một khoảng thời gian 200 năm, có rất nhiều các bậc Luận sư thuộc hệ thống “Duyên Khởi luận” tiếp tục ra đời. Theo thứ tự mà kể, thì sau thời đại ngài Thế Thân một chút, có ngài Thân Thắng (Bandhusrì) và Hỏa Biện (Citrabhàna) ra đời. Ngài Thân Thắng thì lược thích bộ “Duy Thức Nhị Thập Tụng”, rất tài về phần cấu tạo ý tưởng; ngài Hỏa Biện cũng chú thích bộ luận kể trên, lại rất khéo về lối hành văn. Tiếp sau là ngài Đức Tuệ (Gunamati), người Nam Ấn, trước tác bộ “Tùy Tướng luận” (1 quyển), ngài Chân Đế dịch. Bậc Luận sư nổi tiếng, cũng người Nam Ấn xuất hiện, đó là ngài Trần Na (Dignàga, hay Nahàdignàga) hoàn thành về môn học “Nhân minh nhập chánh lý luận” và tuyên dương về “A-lại-da Duyên Khởi luận”. Ở thế kỷ thứ VI, có ngài An Tuệ (Sthiramati, đệ tử ngài Đức Tuệ) chú thích bộ “Duy Thức Tam Thập Tụng” và trước tác các bộ như “Đại Thừa Trung Quán Thích Luận” (9 quyển), “Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận” (1 quyển), “Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận” (16 quyển), để tuyên dương giáo nghĩa Duy thức. Ngài Nan Đà (Nanda) xướng ra thuyết “Chủng tử”, ngài Tịnh Nguyệt (Suddhacandra) chú thích bộ “Tập Luận”, ngài Hộ Nguyệt chú thích bộ “Trung Biện Luận” v.v...
Các bậc Luận sư kể trên đều là những vị tuyên dương giáo nghĩa Duy thức, nhưng về tư tưởng của các ngài có đôi chút khác nhau. Thí dụ, như sự thành lập về nhận thức của thuyết “A-lại-da duyên khởi”, ngài An Tuệ chủ trương chỉ duy có “Tự chứng phận” làm tác dụng nhận thức của tâm thức là có thực thể, còn “Tướng phận” và “Kiến phận” thì không có thực thể. Trái lại, các ngài Thân Thắng, Nan Đà, Đức Tuệ, Tịnh Nguyệt đều chỉ thành lập có hai phận là “Tướng phận” và “Kiến phận”; ngài Hỏa Biện, Trần Na thì chủ trương cả ba phận đều có thực thể.
Về thuyết “Chủng tử”, ngài Nan Đà chủ trương chủng tử chỉ có phần tân huân mà không có phần bản hữu, nên trong Duy thức gọi ngài là “Duy tân huân gia”. Trái lại, ngài Hộ Nguyệt chủ trương chủng tử chỉ có phần bản hữu, còn phần tân huân chủng tử là sự phát triển về ngoại duyên của bản hữu chủng tử, nên trong Duy thức gọi ngài là “Duy bản hữu gia”. Tới ngài Hộ Pháp (Dharmapàla), ngài dung hòa tất cả các thuyết sai khác nhau, mà lập thành một hệ thống duy nhất của Duy thức Phật giáo.
Sau ngài Hộ Pháp, có các ngài Giới Hiền (Silabhadra), Tối Thắng Tử (Jinaputra), Thắng Hữu (Visesamitra), Trí Nguyệt (Jnànàcandra) và Thân Quang v.v... xuất hiện. Ở đầu thế kỷ thứ VII, khi ngài Huyền Trang qua Ấn Độ, ngài Giới Hiền đã hơn 100 tuổi già, ngài đem pháp môn Duy thức truyền cho ngài Huyền Trang. Ngài Tối Thắng Tử chú thích bộ “Du Già Luận”. Ngài Thân Quang trước tác bộ “Phật Địa Kinh Luận” (7 quyển).
Trong số các bậc Luận sư như trên đã thuật, thì các ngài Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Tuệ, An Tuệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Thắng Hữu, Tối Thắng Tử, Trí Nguyệt được gọi là mười bậc đại Luận sư của Duy thức. Ngài Huyền Trang liền đem tập trung tất cả các giáo nghĩa của mười bậc Luận sư kể trên mà dịch thành bộ “Thành Duy Thức Luận” (10 quyển), nhưng ngài lấy giáo nghĩa của ngài Hộ Pháp làm phần chính, còn giáo nghĩa của chín bậc Luận sư khác chỉ là phần phụ thuộc.
III. NGUYÊN NHÂN HƯNG THỊNH CỦA CHÙA NA LAN ĐÀ
Chùa Na Lan Đà (Nalanda), ngôi chùa rất quan hệ mật thiết với hai hệ thống lớn của Đại thừa Phật giáo. Phật giáo của ngài Long Thọ và Đề Bà thì phát khởi từ Nam Ấn, rồi dần dần truyền tới Bắc Ấn; Phật giáo của ngài Vô Trước và Thế Thân thì hưng khởi ở Bắc Ấn, cũng dần dần lan tràn tới Nam Ấn, chùa Na Lan Đà thì ở giữa giao điểm đó, tức là Trung Ấn. Cho nên, các bậc học giả của hai hệ thống đó phần nhiều đều tập trung tại chùa Na Lan Đà, chùa này bỗng trở thành một đại tùng lâm, một trung tâm học địa của toàn nước Ấn Độ, là một bản doanh tối cao của Phật giáo đương thời. Trong khoảng mấy thế kỷ, chùa này hàng ngày thường có mấy ngàn bậc học tượng và đồ đệ tụ tập tu hành, nghiên cứu giáo lý. Người muốn lưu học tại chùa này, trước hết phải qua một kỳ khảo sát về năng lực tu học rồi mới hứa khả cho nhập học. Vì thế nên người đã tu học xong chương trình ở chùa này ra, đều trở thành những bậc học giả của Phật giáo.
Chùa Na Lan Đà thì ở phương Bắc thành Vương Xá, thuộc Trung Ấn. Chùa này được kiến thiết từ năm nào hiện chưa biết rõ, nhưng có thể căn cứ vào sử liệu để suy định. Khi ngài Pháp Hiển qua Ấn Độ, ở hồi đầu thế kỷ thứ V, theo ký sự của ngài thì không thấy ghi chép gì về lịch sử chùa này. Tới tiền bán thế kỷ thứ VII, khi ngài Huyền Trang qua Ấn, trong ký sự của ngài có thấy ghi chép về lịch sử ngôi chùa này.
Theo ký sự của ngài Huyền Trang, thì có nhiều đời vua kiến thiết ngôi chùa này. Trước hết, vua Sakràditya (Đế Nhật Vương, 480 TL) sáng lập một ngôi Già lam tại trung ương; con vua Sakràditya là Buddhagupta (Giác Hộ Vương) dựng thêm một ngôi Già lam ở phương Nam; thứ ba là vua Tathàgatagupta (Như Lai Hộ Vương) dựng thêm một ngôi Già lam ở phương Đông; thứ tư là vua Bàlàditya (Ấu Nhật Vương) kiến thiết thêm một Già lam ở phía Đông bắc; thứ năm là vua Vajra (Kim Cương Vương), con vua Bàlàditya, kiến thiết thêm một Già lam ở phía Tây v.v... Và theo ký sự của ngài Nghĩa Tịnh qua Ấn Độ ở cuối thế kỷ thứ VII, thì chùa Na Lan Đà gồm có 8 viện, 300 phòng, một đại Già lam nguy nga tráng lệ.
Căn cứ như ký sự kể trên, thì chùa Na Lan Đà đã được kiến thiết ở khoảng hậu bán thế kỷ thứ V Tây lịch.
CHƯƠNG THỨ SÁU. PHẬT GIÁO Ở THỜI ĐẠI NGÀI TRẦN NA ĐẾN NGÀI GIỚI HIỀN
I. NGÀI TRẦN NA
Sau khi ngài Thế Thân thị tịch, người kế truyền tư tưởng “A-lại-da duyên khởi” đó là ngài Trần Na (Dignàgà, hay Màhadignàga). Ngài xuất thế ở cuối thế kỷ thứ V, người Nam Ấn, sinh tại thành Kàncipura (Kiến Trì thành), thuộc nước Dràvida (Đạt La Tỳ Trà). Lúc đầu, ngài học giáo lý Tiểu thừa, sau chuyển sang Đại thừa, nên ngài đều thông hiểu thấu đáo cả giáo lý của Tiểu thừa và Đại thừa. Ngoài ra, ngài còn tinh thông cả môn lý luận học của Ấn Độ là “Nhân minh” (Hetuvidyà). Ngài nhận thấy lối Nhân minh học lúc đương thời hãy còn phức tạp, nên ngài giản dị hóa và tổ chức lối học đó thành một hệ thống mới, và hệ thống mới này được gọi là “Tân nhân minh”, còn lối cũ gọi là “Cổ nhân minh”. Ngài thường đem lối luận lý nhân minh ra biện luận để hàng phục ngoại đạo, nên thanh danh ngài lừng lẫy khắp Ấn Độ đương thời. Khi ngài trụ ở chùa Ajantà (chùa Hang), thuộc nước Mahàrattha (Ma Ha Lạt Đà), ngài soạn được nhiều bộ luận để tuyên dương tư tưởng “A-lại-da duyên khởi”. Trước tác của ngài hiện còn thấy lưu truyền có các bộ như sau:
1. “Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận Bản” (Hetuvid yanyayadvàra sàstra mùla), 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch. “Nhân Minh Chánh Lý Luận” (Dị dịch), 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
2. “Quán Sở Duyên Duyên Luận” (Aølambanaprtyaya dhyàna sàstra), 1 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
3. “Vô Tướng Tư Trần Luận” (Anàkàra cintà rajas sàstra?), 1 quyển, ngài Chân Đế dịch.
4. “Thủ Nhân Giả Thiết Luận” (Prajnàpti hetu sangraha sàstra?), 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
5. “Quán Tổng Tướng Luận Tụng” (Saravalaksan adhyàna sàstra kàrikà), 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
6. “Chưởng Trung Luận” (Tàlàntaraka sàstra), 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Bộ “Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận Bản” thì giải thích về phương pháp luận lý của nhân minh. Còn các bộ ở sau đều nói về “A-lại-da duyên khởi”.
Nguyên lai ở Ấn Độ, môn Nhân minh học đã có từ cổ xưa, nhưng người đứng ra tổ chức thành một hệ thống nhất định, đó là ngài Aksapàda, thủy tổ phái Nyàyà (Chánh Lý phái), một trong sáu phái của triết học Ấn Độ ở khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Trong thời đại các bộ phái Phật giáo, thì Nhân minh học cũng đã được manh nha, và các bậc Luận sư từ thời đại sau Bộ phái Phật giáo cũng vẫn thường dùng môn Nhân minh học trong khi tranh biện. Nhưng đến thời đại ngài Trần Na thì ngài tổ chức Nhân minh học lại thành một hệ thống mới. Cho nên, Nhân minh học từ thời đại ngài Trần Na trở về trước gọi là “Cổ nhân minh”, từ thời đại ngài Trần Na trở về sau gọi là “Tân nhân minh”. Cổ nhân minh có năm bộ phận, gọi là “Ngũ chi tác pháp”, tức là “Ngũ đoạn luận pháp”. Tân nhân minh có ba bộ phận, gọi là “Tam chi tác pháp”. Sự đối chiếu giữa Cổ nhân minh và Tân nhân minh như sau:
Tôn: Âm thanh là vô thường.
Nhân: Vì lý do tác động mà sinh ra.
Dụ: Ví như cái bình.
Hợp: Cái bình do sự tác động mà có, nên là vô thường, âm thanh cũng do sự tác động mà có, nên âm thanh cũng là vô thường.
Kết: Vì thế, nên âm thanh là vô thường.
Tôn: Âm thanh là vô thường.
Nhân: Vì do từ tác động mà có.
Dụ: Ví như cái bình v.v...
Sau, đệ tử của Trần Na là Sankarasvàmin (Thương Yết La Chủ) soạn bộ “Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận” (Nyàyadvàratàraka sàstra), 1 quyển, thuyết minh về yếu nghĩa Nhân minh của ngài Trần Na, ngài Hộ Pháp (Dharmakìrti) cũng trước thuật và chú thích nhiều bộ luận về Nhân minh học, nên môn học này trở thành một môn học trọng yếu trong Phật giáo.
Về tư tưởng “A-lại-da duyên khởi” của ngài Trần Na thì hoàn toàn kế thừa tư tưởng của ngài Thế Thân, duy có vấn đề thành lập về nhận thức thì kế thừa thuyết “Tướng phận, kiến phận, tự chứng phận” của ngài Hỏa Biện là khác.
II. NGÀI THANH BIỆN
Người tuyên dương giáo nghĩa “Thực Tướng luận” của ngài Long Thọ, đó là ngài Thanh Biện (Bhavaviveka). Ngài người Nam Ấn, ở khoảng tiền bán thế kỷ thứ VI Tây lịch. Lúc đầu ngài học giáo nghĩa ngoại đạo, đặc biệt nghiên cứu về Số luận, sau ngài bỏ ngoại đạo chuyển theo Phật giáo, kế thừa giáo nghĩa của ngài Long Thọ và Đề Bà. Nơi trung tâm bá giáo của ngài là nước Dhanakataka, thuộc Nam Ấn. Ngài trước tác hai bộ luận như sau:
1. “Đại Thừa Chưởng Trân Luận” (Mahàyànatà narasna sàstra), 2 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
2. “Bát Nhã Đăng Luận Thích” (Prajnàdipà sàstra kàrika), 15 quyển, ngài Ba La Phả Mật Đa La dịch.
“Đại Thừa Chưởng Trân Luận” nói về giáo nghĩa “Hữu vi không, Vô vi không”. “Bát Nhã Đăng Luận Thích” giải thích về “Trung Luận” của ngài Long Thọ.
III. NGÀI HỘ PHÁP
Một bậc đại Luận sư kế thừa tư tưởng “A-lại-da duyên khởi” và xác định lại môn học của Duy thức Phật giáo, đó là ngài Hộ Pháp (Dharmapàla). Ngài cũng cùng thời đại với ngài Giới Hiền, người nước Dràvida thuộc Nam Ấn. Lúc đầu, ngài học giáo lý của Tiểu thừa, sau tới ngài Trần Na học môn Duy thức của Đại thừa. Vì mục đích chu du ham học, nên ngài tới chùa Na Lan Đà tu học, bẩm tính thông minh, nên bỗng trở thành một bậc đại học tượng của Phật giáo đương thời. Khi 29 tuổi, ngài lại rời chùa Na Lan Đà, tới ẩn dật tại chùa Đại Bồ Đề, chuyên công việc trước thuật, tới 32 tuổi thì mất. Các trước tác của ngài hiện còn như sau:
1. ”Thành Duy Thức Luận” (Vijnàpti màtrata siddhi sàstra), 10 quyển, ngài Huyền Trang dịch.
2. “Thành Duy Thức Bảo Sinh Luận”, 5 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
3. “Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích”, 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
4. “Đại Thừa Quảng Bách Luận”, 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch.
“Thành Duy Thức Luận” giải thích về bộ “Duy Thức Tam Thập Tụng” của ngài Thế Thân. Tất cả có mười nhà giải thích bộ Luận Tam Thập Tụng của ngài Thế Thân, nhưng ngài Huyền Trang lấy thuyết của ngài Hộ Pháp làm chính, và tổng hợp chín nhà chú thích khác mà dịch thành bộ “Thành Duy Thức Luận” này, một bộ luận rất trọng yếu cho công việc nghiên cứu Duy thức học. “Thành Duy Thức Bảo Sinh Luận” thích nghĩa bộ “Duy Thức Nhị Thập Tụng” của ngài Thế Thân. “Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích” chú thích bộ “Quán Sở Duyên Duyên Luận” của ngài Trần Na, “Đại Thừa Quảng Bách Luận” chú thích bộ “Bách Luận” của ngài Đề Bà.
IV. NGÀI TRÍ QUANG VÀ GIỚI HIỀN
Ngài Trí Quang (Jnànaprabha), đệ tử ngài Thanh Biện, đắc truyền hệ thống “Thực Tướng luận” của ngài Long Thọ tại chùa Na Lan Đà. Ngài là bậc tinh thông cả giáo nghĩa của Tiểu thừa và Đại thừa, nên ngài tổng hợp tất cả giáo lý của Phật giáo, và phán thích ra làm ba hạng. Tức là “Tâm cảnh câu hữu giáo”, “Tâm hữu cảnh không giáo” và “Tâm cảnh câu không giáo”. Tiểu thừa Phật giáo thì thuộc “Tâm cảnh câu hữu giáo”, ở hạng thấp nhất; giáo nghĩa của ngài Vô Trước và Thế Thân, thuộc “Tâm hữu cảnh không giáo”, ở địa vị trung gian; giáo nghĩa của ngài Long Thọ thuộc “Tâm cảnh câu không giáo”, ở địa vị cao nhất trong Phật giáo. Đó là lối phán thích giáo tướng của Phật giáo, mà ngài Trí Quang là người xướng xuất đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.
Ngài Giới Hiền (Dìladhadra), đệ tử ngài Hộ Pháp, người nước Samatata thuộc Trung Ấn. Ngài thường chu du các nơi học hỏi, khi tới chùa Na Lan Đà, được ngài Hộ Pháp truyền cho pháp môn Duy thức. Ngài dần dần trở thành một bậc đại Luận sư của môn Duy thức học. Ở niên hiệu Chính Quán năm thứ 16 đời Đường bên Trung Quốc (636 Tây lịch), khi ngài Huyền Trang qua Ấn, lúc tới chùa Na Lan Đà, thì ngài Giới Hiền đã tới 106 tuổi, và được ngài đem pháp môn Duy thức truyền lại cho.
Ngài Giới Hiền vì mục đích tuyên dương giáo nghĩa của Duy thức, để đối ứng lại với lối phán giáo của ngài Trí Quang, nên ngài cũng thành lập ra ba giáo pháp để định vị trí giáo lý của Phật giáo. Tức là “Hữu giáo”, “Không giáo” và “Trung đạo giáo”. Tiểu thừa Phật giáo thuộc “Hữu giáo”, ở ngôi thấp nhất; giáo nghĩa của ngài Long Thọ thuộc “Không giáo”, ở ngôi giữa; giáo nghĩa của ngài Vô Trước và Thế Thân thuộc “Trung đạo giáo”, ở ngôi cao nhất trong Phật giáo.
---o0o---
Nguồn: chuyenphapluan.com
Trình bày: Nhị Tường