Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mừng Phật Đản (HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

16/02/202308:01(Xem: 1584)
Mừng Phật Đản (HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

Phat Dan Sanh 30MỪNG PHẬT ĐẢN

HT. Thích Thiện Châu giảng giải
Phật tử Diệu Danh diễn đọc


 

 

 

 

Phật Đản là lễ quan trọng nhất trong năm của Phật tử bởi vì chính vào ngày trăng tròn tháng tư ta (Vesak) này, Phật đã ra đời, đắc đạo và viên tịch.

Không những ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, Phật tử và những người yêu chân lý đều mừng Phật Đản.

Với lòng kính mến và biết ơn của học trò đối với Thầy, chúng ta làm lễ tưởng nhớ Phật. Để cho lễ kỷ niệm hôm nay thêm ý nghĩa, chúng ta sẽ nhắc lại một vài nét lớn về cuộc đời và đạo lý của Phật. Rồi từ những nét ấy, chúng ta rút ra những điểm có thể giúp ích cho công việc tu dưỡng con người và cải tạo xã hội trong cuộc sống hiện nay.

 

ĐÓA SEN TRẮNG

 

Cách đây khoảng hơn 2600 năm, dưới chân núi Himalaya, trong vườn hoa Lumbini, một vị giác ngộ ra đời. Đó là thái tử Tất Đạt Đa  (Siddhârtha) con vua Tịnh Phạn (Sudhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mâya). Tất Đạt Đa rất tuấn tú và thông minh  nên lúc lớn khôn thường tỏ ra không vừa ý về cuộc đời.

Vào một buổi sáng mùa xuân, theo cha ra đồng để dự lễ khai mùa, trời nắng Tất Đạt Đa ngồi dưới bóng cây nhìn ra đồng. Vua Tịnh Phạn, tay cầm cây nạm ngọc, đi theo đôi bò kéo lưỡi cầy. Trên những tảng đất nâu đen vừa được lật lên bày ra những con trùng ướm máu, đứt khúc. Bay nhảy theo luống đất, những con sáo đen tranh nhau mổ ăn những con trùng đang quằn quại tìm nơi ẩn trốn. Cảnh tượng này làm cho Tất Đạt Đa đau lòng vì qua nó Tất Đạt Đa thấy một phần nào sinh hoạt khổ đau mà con người, vì si mê tham tàn, gây ra cho nhau.

 

Thao Thức

Dự lễ về, Tất Đạt Đa không còn để ý tới cảnh sống hoa lệ giả tạo trong cung điện nữa, và trở nên trầm tư hơn trước. Tất Đạt Đa thường hỏi các giáo sĩ Bà La Môn về nguyên nhân của khổ đau và phương pháp diệt trừ. Những câu trả lời đầy thần quyền, thiếu lý lẽ của họ như (1) đau khổ là sự trừng phạt của thần linh, muốn hết khổ đau thì phải tế lễ, (2) đau khổ là sự rủi ro hay vì số phận không sao tránh đuợc, (3) đau khổ chỉ là kết quả của hành động đời trước, v.v... không làm sao cho Tất Đạt Đa thỏa mãn. Vì thế Tất Đạt Đa càng thao thức, ưu tư và quyết tìm cho ra chân lý.

Để ngăn chặn sự ra đi của con, theo lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà (Asita), vua Tịnh Phạn cho xây thêm nhiều cung điện tráng lệ và cưới công chúa Gia Du Đà La (Yasodharâ) cho Tất Đạt Đa.

Tuy nhiên, sau khi dạo chơi ngoài thành và gặp thêm những cảnh già nua, ốm đau, chết chóc, Tất Đạt Đa càng hiểu rõ hơn sự thật của cuộc đời. Và hình ảnh tự tại sáng suốt của một tu sĩ ở cửa thành thứ tư giúp Tất Đạt Đa quyết định xa gia đình, từ bỏ ngôi vua đi tìm chân lý.

 

Đi và đến

Trong một đêm tối, Tất Đạt Đa vượt thành ra đi và trở thành một đạo sĩ, Đạo sĩ dòng Sâkya (Sâkyamuni) đi khắp nơi trong miền Bắc Ấn để tìm Thầy học đạo. Sâkyamuni đã gặp được những vị Thầy có tiếng như Ca La Ma (Kâlâma) và Uất Ra Ca Ram Ma Pút Ra ( Udraka Râmaputra), song cũng không tìm được lời giải đáp, Sâkyamuni bèn tu theo phương pháp khổ hạnh suốt sáu năm trời. Lối tu ép xác này chỉ làm cho thân thể tiều tụy, tinh thần suy kém cho nên Sâkyamuni trở lại ăn uống bình thường.

Cuối cùng, Sâkyamuni đi đến một gốc Pipal (bây giờ gọi là cây Bồ đề) và thiền định (tập trung tâm trí và suy xét sự thật về con người và vũ trụ) tại đó. Đoán biết Sâkymuni sắp đắc đạo Ma Vương (Mara) sai thủ hạ đến quấy phá và dụ dỗ. Những trò gian ác quỉ quyệt của Ma Vương không dối gạt được Sâkyamuni. Sau khi hàng phục Ma Vương, hiện thân của tham, sân, si, Sâkyamuni tìm thấy sự thật về con người và vũ trụ, giải thoát mọi ràng buộc khổ đau và thành Phật. Đương thời gọi là Phật Cồ Đàm (Gotama) hay Phật Thích Ca (Sâkya).

 

An vui

Điều phát kiến quan trọng của Phật trong lúc đắc đạo là nguyên lý "duyên khởi" (paticcasamuppada), được tóm tắt trong bài kệ sau đây:

"Khi cái này có thì cái kia có,

                             Cái này sanh thì cái kia sanh,

  Khi cái này không thì cái kia không,

  Cái này diệt thì cái kia diệt,"

Nguyên lý này nói lên sự thật liên hệ  đến cuộc sống khổ đau và an lành của con người: khổ đau không hề do thần linh gây nên, không phải là sự rủi ro hay số phận, cũng không phải do hành động đời trước tạo nên, mà do nhiều điều kiện xấu ác trong, ngoài, gần, xa, nằm ngay nơi con người và xã hội loài người; khi nguyên nhân xấu ác bị tiêu diệt thì khổ đau cũng mất. Trái lại an vui cũng do nhiều điều kiện tốt lành tạo ra chứ không phải là ân huệ của thần linh, không phải là may mắn hay số phận , và cũng không phải chỉ lả kết quả của phước đức đời trước; khi nguyên nhân tốt lành hội đủ thì an vui xuất hiện.

Sâu hơn, khổ đau căn bản của chúng sanh đã là sản phẩm của vô minh, ràng buộc thì an lành phải là kết quả của giác ngộ, giải thoát

 

Bốn chân lý

Sau khi xác định rằng con người có thể hướng thiện và hướng thượng, Phật đi sang Ba La Nại (Varanasi) để giác ngộ cho năm người bạn cùng tu ngày trước, Phật giảng cho họ biết muốn giác ngộ giải thoát trước hết phải xa lìa hai lối sống cực đoan: đắm say dục lạc, khổ hạnh ép xác; phải nhận định, tu dưỡng theo bốn chân lý cao thượng: biết rõ (1) khổ đau (dukkha) là do (2) tham ái (tanhâ), thể hiện trong mọi sinh hoạt ích kỷ nơi cá nhân và xã hội  (biệt và cộng nghiệp), gây nên, muốn (3) an vui (nirvâna) thì phải tu dưỡng theo (4) tám chánh đạo:

1)    Hiểu biết chân chánh;

2)    Suy nghĩ chân chánh;

3)    Nói năng chân chánh;

4)    Hành động chân chánh;

5)    Nuôi sống chân chánh;

6)    Siêng năng chân chánh;

7)    Nhớ tưởng chân chánh;

8)    Thiền định chân chánh.

Sau khi nghe Phật giảng, năm người bạn cùng tu ngày trước hứa nguyện theo Phật và như vậy là có Tăng đoàn, Phật tiếp tục giảng dạy thêm khiến họ trở thành những người có thể dắt dìu kẻ khác. Trong buổi giảng thứ hai và buổi lễ tiếp theo, Phật giảng cho họ thấy rõ không hề có một linh hồn bất tử hay bản ngã thường còn, điều khiển thân thể mà sự sống con người là một tổng hợp của năm yếu tố (uẩn, khandha) hay hai thành phần tâm vật (nâmarupa), những yếu tố này cũng là những tổng hợp ảnh hưởng lẫn nhau và không thể tách rời. Như vậy con người, cũng như mọi vật, hiện hữu nhưng không có bản thể đồng nhất, cố định và thường còn (vô ngã = insubstantiel, anâtta), vì thế luôn luôn thay đổi, biến chuyển (vô thường = impermanent, anicca). Cuộc đời không phải là vũng nước đọng mà là giòng thác đổ.

Bởi vì sự vật do duyên khởi, nên cuộc sống là cái gì gồm những chằng chịt quan hệ qua lại (một là tất cả, tất cả là một). Như vậy không ai có thể sống một mình mà không cần kẻ khác. Nương nhau, giúp nhau mà sống trở thành quy luật cho sự sống còn. Con người vốn là vô ngã thì cố chấp vào cái ta và sở hữu của ta để tiêu diệt và bóc lột kẻ khác là không hợp lý tình. Nguyên lý vô thường (nhưng tương tục) nói lên ý nghĩa con người xấu ác có thể chuyển thành tốt lành. Xã hội khổ đau có thể trở nên an lạc.

 

Chống lại chế độ đảng cấp

Nhờ sự hướng dẫn sáng suốt của Phật mà Tăng đoàn ngày càng đông. Khi Tăng đoàn đã đông, Phật khuyến khích mỗi người đi mỗi ngã để truyền bá chân lý. Cùng với Tăng đoàn, Phật đi khắp lưu vực sông Hằng (Gange) giáo hóa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Những ai có thể chịu đựng gian khổ và đủ khả năng dắt dìu kẻ khác, ngay cả những người mà xã hội bấy giờ cho là hạ tiện, đều được thâu nhận vào Tăng đoàn. Những người muốn hướng thiện đều được chấp nhận làm Phật tử tại gia và được giúp đỡ để trở thành những người tốt đẹp, ích lợi cho gia đình và xã hội.

Suốt 45 năm, Phật tận lực phá bỏ những tín ngưỡng thần quyền vu vơ, chỉ rõ những sai lầm khuyết điểm của các lý thuyết thiếu sáng suốt, cải tạo những tập tục xấu hại như giết súc vật để cúng tế, mạnh dạng chống lại chế độ đẳng cấp lạ kỳ bắt nguồn từ kinh điển Bà La Môn, và chỉ cho người nhận rõ và khai triển khả năng giác ngộ giải thoát của chính mình mà không cầu xin nơi ai khác. Phật cũng khuyến khích mọi người xây dựng cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, và thực hiện an lành ngay ở đây và bây giờ.

Trên đường giáo hóa, Phật dừng nghỉ tại rừng Sa La ở Kusinagara. Sau khi ân cần khuyên dạy đệ tử lần cuối cùng: "Sự vật giả hợp đều phải hoại diệt, nên tinh tấn thực hiện lý tưởng", Phật an nhiên viên tịch (parinirvâna) vào lúc 80 tuổi. Phật lịch 2520 là kể từ năm này.

Như vậy, Phật không phải là Thượng Đế toàn năng tạo dựng loài người và cai quản vũ trụ, cũng không phải là sứ giả của thần linh mà là một người biết thao thức về khổ đau của con người, không chấp nhận oai quyền của thần linh, không tin tưởng kinh điển và giáo sỹ Bà La Môn, hy sinh cuộc sống vua chúa, phát triển tận cùng trí tuệ và giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau. Có thể nói Phật là một người với ý nghĩa cao quí của nó: một đóa sen trắng.

 

Theo dấu người xưa

Sau Phật và bây giờ có rất nhiều người mong muốn được giác ngộ giải thoát như Phật. Họ là những chồi sen, hoặc còn nằm dưới bùn hoặc còn trong nước, đang cố vươn lên khỏi bùn khỏi nước để cho đời sắc hương. Họ là Phật tử mà không phải là "tín đồ của một tôn giáo thần quyền nào".

Học tập kinh nghiệm của Phật và của những người sau Phật (còn được giữ gìn trong ba tạng kinh điển này trong truyền thống), Phật tử, nhất là Phật tử tại gia, ngày nay, tùy theo khả năng và môi trường sinh sống, có thể lựa chọn và áp dụng những đạo lý trong sáng và thực dụng hoặc cho lý tưởng cứu cánh - giác ngộ, giải thoát hoàn toàn như Phật - ,hoặc cho lý tưởng phổ biến - tu dưỡng con người, xây dựng xã hội.

Đạo lý dung thông và không tín điều của Phật cho phép Phật tử vận dụng cái nhìn quán triệt về giáo lý căn bản như những đạo lý duyên khởi, vô ngã, vô thường, bốn chân lý cao thượng, v.v… làm cơ sở cho hành động thực tiễn nhắm đến mục đích cải thiện con người và xã hội. Theo lẽ thường thì con đường xa có thể đưa được người đi gần. Và đến điểm gần tức là đạt được phần nào lộ trình của sự đến điểm xa. Do đó, không có mâu thuẫn giữa lý tưởng trước và lý tưởng sau.

 

Tu dưỡng con người, xây dựng xã hội

Thể theo tinh thần này, chúng tôi hôm nay tuy bàn đến giáo lý căn bản nhưng lướt qua vấn đề giác ngộ chân lý để giải thoát sanh tử luân hồi mà chỉ nhấn mạnh vấn đề tu dưỡng con người, xây dựng xã hội.

Nhân đây, thiết tưởng cũng nên nhớ rằng đạo lý duyên khởi dạy cho Phật tử biết linh động trong lúc khảo sát sự vật và thực hiện công tác tu dưỡng và xây dựng. Có thể đặt vấn đề tu dưỡng con người trước và cải tạo xã hội sau, cũng có thể đặt vấn đề cải tạo xã hội trước và tu dưỡng bản thân sau, tùy theo sự quan trọng của mọi vấn đề trong hoàn cảnh nào đó. Hoặc cả hai vấn đề có thể được thực hiện một lần. Bây giờ chúng tôi bàn vấn đề tu dưỡng có thể đem  lại an lành cho con người.

 

Bi trí dũng

Tu dưỡng con người là việc rất cần thiết đối với Phât tử. Điều cần lưu ý là Phật không thể nói con người như một hiện hữu biệt lập với hoàn cảnh và xã hội. Phật cũng không nói đến bản tính đồng nhất cố định của con người. Vấn đề "lương tâm" cũng không có trong đạo Phật. Con người, theo Phật, là một hữu tình tổng hợp của sắc tâm, có nhiều khả năng giác ngộ giải thoát hơn cả những loài hữu tình cao hơn nó. Nếu có đủ duyên tốt thì con người có thể đạt được đến địa vị cao nhất: giác ngộ, giải thoát hoàn toàn (Phật). Do đó, tu dưỡng có nghĩa là (1) cải tạo tình cảm, chuyển đổi tham lam tàn bạo thành thương yêu giúp đỡ (bi = mattâ – karugâ), (2) phát triển trí tuệ, trừ bỏ si mê lầm lạc hướng về giác ngộ sáng suốt (trí = pannâ), và (3) rèn luyện ý chí, không hèn nhát sợ sệt mà tinh tấn, quả cảm (dũng = viriyâ).

Từ bi không phải là lòng thương hại kẻ xấu số mà là lòng thương yêu bình đẳng, thân hữu, không toan tính, như lòng thương yêu mẹ hiền đối với đứa con một.

Trí tuệ là thấy biết sự vật đúng như thật (yathâbhâta). Trí tuệ là kết quả của thành khẩn học hỏi (suta), suy nghĩ kỹ càng (cinta) và thực nghiệm thấu đáo (bhâvanâ).

Dũng cảm là mạnh dạn tiến lên trong sự giác ngộ giải thoát cho mình cho người. Dũng cảm được phát triển qua sự vận dụng sức mạnh của ý chí trong việc ngăn ngừa các điều ác chưa sanh, phá bỏ các điều ác đã sanh, phát khởi các điều lành chưa có, và tăng trưởng các điều lành đã có.

 

Bình đẳng, hòa hợp, hạnh phúc

Xã hội mà Phật tán thành và khuyến khích mọi người xây dựng là xã hội bình đẳng, hòa hợp và hạnh phúc.

Phật là người đầu tiên trong lịch sử nêu cao vấn đề bình đẳng giữa người và người. Phật chống lại lý thuyết, tập tục bất bình đẳng của đạo Bà La Môn. Mặc dù con người không hoàn toàn giống nhau về thể chất và tâm lý song tất cả đều có khả năng và giá trị cao đẹp. Vì thế con người phải được bình đẳng trước luật pháp, trong giáo dục cũng như trong những quyền làm người khác.

Phật ca ngợi chế độ dân chủ cộng hòa của nước Kosala và chủ trương tất cả mọi người đều có thể giác ngộ giải thoát như nhau. Cách thức thâu nhận đệ tử, tổ chức Tăng đoàn và thái độ đối đãi ngang nhau đối với mọi thành phần xã hội, từ vua chúa đến người gánh phân, của Phật nói lên được tinh thần bình đẳng của Phật.

Xã hội theo đạo Phật đã không phải là một tổ chức cứng nhắc không biến đổi mà là một cấu trúc được kết hợp bởi nhiều yếu tố như nhân sự, kinh tế, chính trị v.v... Do đó, muốn tổ chức xã hội một cánh hợp lý và công bình thì nên tổ chức trong tinh thần hòa hợp, công ích. Phật thường dạy Tăng đoàn phải sống với nhau theo nguyên tắc sáu hòa:

1)    Thân hòa cùng chung sống;

2)    Miệng hòa không cải vã;

3)    Ý hòa cùng vui vẻ;

4)    Kiến (tư tưởng) hòa cùng thông giải;

5)    Giới (kỷ luật) hòa cùng tôn trọng;

6)    Lợi hòa cùng chia đều.

Phật cũng được gọi là vua hòa bình (santirâja) và phương pháp tu dưỡng của Phật không gì khác hơn là lối sống hòa hợp (samacariya) với chân lý và con người.

Một hôm, trong lúc Phật sắp thuyết pháp thì có một người chạy vội vàng vào hội trường. Sau khi biết người này vì phải đi tìm con bò lạc nên đến nghe giảng trễ và chưa ăn tối, Phật liền bảo lấy cơm cho người này ăn. Đợi cho thính giả này ăn xong, Phật mới thuyết pháp. Tuy nhiên nêu cao niềm vui giác ngộ giải thoát song Phật luôn luôn nhắc nhở Phật tử tại gia phải lưu tâm đến vấn đề no cơm ấm áo. Trong kinh Cakkavatti Sihanada, Phật cũng khuyến khích các người lãnh đạo phát triển kinh tế và điều hòa sự phân phối như yếu cho dân chúng để ngăn chận trộm cướp và sa đọa tinh thần. Quan niệm hạnh phúc của Phật cũng hết sức giản dị: hạnh phúc chân thật có thể đạt được nếu chúng ta biết sống đúng cách; hạnh phúc tương đối như hạnh phúc gia đình, xã hội và hạnh phúc tuyệt đối như hạnh phúc niết bàn đều có thể thực hiện ngay "ở đây" và "bây giờ".

Làm lễ kỷ niệm ngày Phật Đản quả là việc làm có ý nghĩa đối với toàn thể Phật tử trên thế giới. Trong khi làm lễ Phật Đản mà hiểu được Phật và áp dụng lời phật dạy trong công việc tu dưỡng cho con người có đủ bi trí dũng và xây dựng một xã hội bình đẳng, hòa hợp, hạnh phúc là việc làm vừa có ý nghĩa vừa rất lợi ích đối với Phật tử Việt Nam

Paris, mùa Phật Đản 2520, 1976

Tỳ Kheo Thích Thiện Châu

 

phat-dan-sanh 

 


Chí tâm đảnh lễ A tỳ ngục tốt phát khởi từ tâm, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ A tăng kỳ kiếp quả mãn nhân tròn, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Nhất sinh bổ xứ cung trời Đâu Suất, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Ta Bà hóa độ ứng hiện sinh thân, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Đâu Suất giáng thần ứng mộng Ma Gia, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Hoàng cung thác chất thị hiện đầu thai, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Dưới hoa vô ưu Khánh Đản giáng sinh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Giả hưởng năm dục chán cảnh vô thường, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Nửa đêm vượt thành xuất gia học đạo, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Non xanh cắt tóc tìm Thầy học đạo, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chí tâm đảnh lễ Núi thẳm tu hành sáu năm khổ hạnh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Dưới gốc Bồ đề hàng phục ma vương, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni phật.

Chí tâm đảnh lễ Sao mai vừa mọc đạo quả viên thành, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Hóa độ bốn chúng vừa đủ, hoằng truyền đạo pháp vuông tròn, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Sa la song thọ thị hiện viên tịch, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Lưu bố xá lợi phước ích trời người, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chí tâm đảnh lễ Ta bà giáo chủ đại từ đại bi, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/12/2010(Xem: 5871)
Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ, sinh trưởng trong gia đình phong kiến quý tộc có nhiều danh vọng, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha và anh của ông giữ những chức vụ quan trọng trong phủ chúa Trịnh. Thời trẻ ông tập ấm một chức quan võ nhỏ của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1787, Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, ông bắt đầu thời kỳ “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi). Sau ông phục vụ nhà Nguyễn, làm đến Hữu Tham tri Bộ Lễ, từng được cử làm chánh sứ đi sứ Trung Quốc.
30/12/2010(Xem: 5695)
Viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến lòng thương vô hạn của cụ đối với chính mình đối với tha nhân, đối với xã hội thì đó là một vấn đề thiếu sót; viết về Nguyễn Du mà không nói đến Phật giáo thì đó cũng là một thiếu sót quang trọng, vì toàn bộ sự nghiệp văn thơ của cụ đều phát xuất từ hai quan điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho người hậu thế.
27/12/2010(Xem: 6295)
Vị thầy người Nhật của tôi đã ra đi năm ngoái, quá trẻ, quá sớm. Bà chỉ mới năm mươi bốn tuổi, và không có ai để truyền thừa Pháp. Bà chỉ có năm người đệ tử sống cùng bà trong những năm gần đây. Tôi, năm mươi sáu tuổi, nhưng lại là đệ tử mới nhất của bà, mà lại là nam đệ tử. Tôi ở với một nhóm nhỏ đệ tử người Tây phương chỉ mới được mười năm nay, trong khi người nữ đệ tử trẻ tuổi nhất cũng đã có mười lăm năm theo học với bà. Do vị thế ưu tiên của việc “sống lâu lên lão làng” trong tăng đoàn nhỏ bé của chúng tôi, mà các vị nữ đệ tử trẻ này tha hồ chế ngạo cái đầu không tóc, và việc gia nhập tăng chúng muộn màng của tôi. Tôi không màng điều đó chút nào, vì từ những ngày đầu, tôi đã rất hạnh phúc được thân cận “roshi” của tôi, với lòng tin tưởng rằng sự gần gủi, tiếp xúc hằng ngày với bà có thể giúp tôi đi đến ngưỡng cửa tiếp cận tâm linh, nơi ma
24/12/2010(Xem: 8093)
Đại lễ đặt dưới sự chứng minh tối cao của: Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, trú trì Tổ đình Tường Vân – Huế, Trưởng lão Hòa thượng Thích khả Tấn, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, Giáo phẩm chứng minh BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, Giáo phẩm chứng minh Môn phái tổ đình Tây Thiên – Huế, trú trì chùa Giác Lâm – Huế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó chủ tịch HĐTS Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, trú trì Diệu Đế quốc tự, Lam Sơn và Tra Am – Huế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, Ủy viên thường Trực HĐTS Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Nam, trú trì chùa Đạo Nguyên Tam Kỳ - Quảng Nam. Chư tôn đức trong thường trực BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, chư tôn đức đại diện các môn phái Tổ đình trong tỉnh Thừa Thiên – Huế, chư tôn đức trú trì các
24/12/2010(Xem: 4907)
Niên Biểu Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký, Xử lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Đệ Tam Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
24/12/2010(Xem: 7682)
Được sự hoan hỷ chấp thuận của Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ mọi mặt của quý cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và mặt trận, Ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Hội Thảo Hướng Dẫn Phật Tử và Đại Lễ Trai Đàn Truy Niệm Tiền Hậu Công Đức, Sáng Lập Hội Viên, Khuôn Trưởng, Trưởng Ban Hộ Tự, Hội Viên Thiện Nam Tín Nữ, Cư Sĩ Phật Tử, Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật tử trong tỉnh Thừa Thiên Huế và tưởng niệm Cầu Siêu quá cố Chư vị huynh trưởng nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Trước hết, thay mặt Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh và Ban Tổ Chức Đại lễ chúng con thành kính đảnh lễ niệm ân Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni. Kính lời chào mừng nồng nhiệt đến chư vị quý khách lãnh đạo các cấp, quý vị nhân sĩ trí thức và toàn thể đồng bào Phật tử các giới. Cung chúc Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni thế tuế thọ t
19/12/2010(Xem: 11080)
Phật Giáo và A-dục Vương. K. R. Norman (Nguyên Tâm dịch) Hoàng đế Asoka, Con người của hòa bình và tình nhân bản. Minh Chi Đại đế Asoka và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Thích Quảng Đại Đại đế Asoka Maurya và những pháp dụ khắc trên đá Trần Trúc-Lâm Hoàng đế Asoka giã từ chinh chiến với nỗi thống khổ của người thắng trận. Trần Hương Lan Trường ca Kalinga. Trúc Thiê
19/12/2010(Xem: 18634)
Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng này đã rời ngôi vua...
18/12/2010(Xem: 17302)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
17/12/2010(Xem: 6995)
.Thế là đại hạn đến rồi ! - Giường hạc canh thâu (1) phút mộng tàn, Nghìn thu vĩnh biệt nẻo nhơn gian ! .Thật vậy! - Hóa thân Báo xả siêu sinh tử, Chân tánh quang thu nhập Niết bàn. .Tuy nhiên - Chết chẳng sợ sa đường địa ngục Sống không ham đến ngõ Thiên đàng. Thế thì Người đi đâu ? - Cân bình nửa gánh về quê Phật, Để lại trần gian ngọn Pháp tràng !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com