Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niên Biểu Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu

24/12/201003:52(Xem: 4833)
Niên Biểu Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU (1905-1992)
Đệ Tam Tăng Thống

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

CẨN BẠCH

Cuộc đời và hạnh nguyện cao cả của Bổn sư chúng tôi - Đại lão Hòa Thượng THÍCH ĐÔN HẬU - trải qua một thời gian dài gần 70 năm, từ khi xuất gia cho đến khi thị tịch, mà trong tâm trí của Ngài không lúc nào là không suy tư đến sự tồn vong của Đạo pháp. Không lúc nào là không lo lắng đến việc đào tạo Tăng tài, đến việc hoằng dương Cháng pháp.

Bao nhiêu năm trời, từ sau khi tốt nghiệp Đại học Phật Giáo vào năm 1938, Ngài đã bắt đầu làm một vị giảng sư. Gót chân của Ngài đã vân du khắp cả 17 tỉnh Trung kỳ, đến tận các tỉnh ở miền Nam kỳ xa xôi và sang cả nước bạn Lào, một nước mà Phật Giáo là Quốc giáo, để thuyết pháp giáo hóa cho mọi người. Khi thì gánh vác những trách nhiệm nặng nề của Giáo hội để chịu những nỗi oan khiên, tù tội, suýt một chút thì phải hy sinh cả thân mạng vào năm 1947.

Lúc an cũng như lúc nguy, dù đứng trên cương vị nào Ngài cũng thể hiện rõ nỗi âu lo, khắc khoải đến tiền đồ của Đạo pháp. Câu nói đầy cảm khái và vô cùng xúc động của Ngài, trước chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, tại chùa Ấn Quang, chắc chắn hôm nay và cả ngày mai, khó ai mà quên đi được:“Đôn Hậu nầy, từ khi xuất gia, sau khi học Đạo, cho đến mãi mãi ngày nay, Đôn Hậu không làm một việc gì riêng cho mình hết. Trong khi đó, làm riêng cái gì cũng được, nhưng mà không, làm cho Đạo thôi. Trước sau cũng chỉ vì Đạo thôi!”

Ngôn từ thiết tha ấy, hay tâm hồn vô thượng ấy của Ngài, không chỉ là tấm gương sáng chói cho hàng thất chúng đệ tử noi theo, mà còn là một ánh hào quang rực sáng trên nền trời Phật Giáo Việt Nam hiện đại.

Chúng tôi có thể nói, Giáo hội Phật Giáo truyền thống được Chư Lịch đại Tổ sư dày công khai sáng và vun đắp lên từ 2000 năm qua, đến hôm nay, dù đã và đang trải qua giai đoạn ”dầu sôi lửa bỏng”, nhưng vẫn tồn tại, và chắc chắn sẽ tồn tại miên viễn ở ngày mai... thì một phần lớn cũng nhờ ở tâm hồn vô thượng ấy của Ngài bồi đắp thêm lên!

Nghĩ thế, là đệ tử, chúng tôi không ngần ngại cho sưu tầm và biên soạn cuốn NIÊN BIỂU này. Trước là để báo đáp thâm ân cao dày của Bổn sư đã chăm nom dạy dỗ cho hàng đệ tử chúng tôi. Sau là để cung cấp cho các nhà Sử học Phật Giáo những tư liệu cần thiết khi nghiên cứu về các bậc Cao Tăng, hoặc biên soạn về lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn Hậu bán thế kỷ Hai mươi nầy. Một giai đoạn mà Phật Giáo Việt Nam, sau bao nhiêu năm trầm mình trong suy vi, đen tối, vừa mới vươn lên được trong cao trào chấn hưng năm 1932, thì đã phải dồn dập hứng chịu không biết bao nhiêu là biến thiên của lịch sư,í để rồi laiû bước vào trong nỗi thịnh suy !

Việc biên soạn cuốn NIÊN BIỂU, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng vì khả năng có hạn, nên có thể khó tránh khỏi sai sót vài chi tiết.

Rất mong quý Thầy, quý Phật tử thiện tri thức góp ý, bổ sung cho được đầy đủ.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ-Tát Ma-ha-tát.

Phật lịch 2544,
Linh Mụ, mùa An cư năm Canh Thìn
TỨ CHÚNG ĐỆ TỬ
Cẩn bạch

NIÊN BIỂU
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU (1905-1992)

Chánh Thư ký, Xử lý Viện Tăng Thống

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

- Ất Tỵ, 1905
Hòa thượng sinh giờ Tý (từ 23 đến 1 giờ). Ngày Hợi, 13-01 âm lịch (tức 16-02 dương lịch). Niên hiệu Thành Thái năm thứ XVII.
Tại làng Xuân An, Tổng An Đôn, Phủ Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị.

- Canh Tuất, 1910
Bắt đầu học chữ Hán với các cụ đồ Nho trong làng.

-Giáp Dần, 1914
Thân mẫu mất, Hòa Thượng thọ tang mẹ năm lên 9 tuổi.

- Bính Thìn, 1916
Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh về thăm nhà, ghé thăm thân phụ Hòa thượng và đoán tướng cho Hòa thượng năm lên 11 tuổi.

- Đinh Tỵ, 1917
Hòa thượng vừa học chữ Hán với các sĩ phu, vừa được thân phụ cho lên trường Huyện học thêm chữ Quốc ngữ.

- Tân Dậu, 1921
Hòa thượng đậu bằng Tiểu học (Certificat), chương trình Pháp - Việt.

- Nhâm Tuất, 1922
Ngày 19-9 âm lịch (tức 17-11 dương lịch). Niên hiệu Khải Định năm thứ VII, Hòa thượng xuất gia, vào chùa Tây Thiên đầu sư với Tổ khai sơn Thanh Ninh Tâm Tịnh. Năm Hòa thượng lên 17 tuổi. (Tính tròn 17 năm 8 tháng 20 ngày theo dương lịch ).

- Quý Hợi, 1923
Ngày 10-6 âm lịch (tức 23-6 dương lịch), Hòa thượng được thọ Sa-Di giới, tại giới đàn chùa Thuyền Tôn, Huế, được Bổn sư đặt Pháp danh là TRỪNG NGUYÊN, Pháp hiệu là ĐÔN HẬU.

- Giáp Tý, 1924
Ngày 15-6 âm lịch (tức 16-7 dương lịch), niên hiệu Khải Định năm thứ IX, Hòa thượng được thọ Cụ túc giới, tại Đại giới đàn chùa Từ Hiếu, Huế.

- Bính Dần, 1926
Ngày 06-3 âm lịch (tức 17-4 dương lịch), Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh viên tịch. Sau lễ Chung thất Bổn sư, Hòa thượng được nhị vị Pháp huynh là Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên và Trừng Thủy Giác Nhiên, gởi qua chùa Thệ Đa Lâm (tức chùa Hồng Khê ngày nay) để tiếp tục tu học với Pháp huynh là Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên.

- Đinh Mão, 1927
Hòa thượng lại được Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên gởi vào chùa Thập Tháp (Bình Định) tham học với Hòa thượng Quốc sư Phước Huệ.

- Tân Mùi, 1931
Hòa thượng trở về quê thọ đại tang thân phụ, một thời gian mới trở lại chùa Thập Tháp tiếp tục việc tu học.

- Nhâm Thân, 1932
Sau năm năm chuyên cần học ở chùa Thập Tháp, Hòa thượng trở về Huế và được An Nam Phật Học Hội mời vào làm Giảng sư nòng cốt của Hội.

- Giáp Tuất, 1934
Hòa thượng bắt đầu công việc trước tác và biên soạn. Bài đầu tiên Hòa thượng biên soạn là bài “Giảng giải danh từ Phật”. Bài này Hòa thượng đã giảng tại Hội quán Phật Học Hội chùa Từ Quang, Huế, ngày 15-01 dương lịch và sau đó đăng trong tạp chí Viên Âm, cơ quan hoằng pháp của An Nam Phật Học Hội, số 14 năm 1935.

- Ất Hợi, 1935
An Nam Phật Học Hội bắt đầu khai giảng Phật Học viện với ba Trường Sơ đẳng, Trung đẳng và Đại học tại chùa Tây Thiên. Hòa thượng tiếp tục học chương trình Đại học. Vừa học Đại học, vừa được mời giảng dạy cho các lớp học sinh trường Trung đẳng của Viện.

- Bính Tý, 1936
Hòa thượng biên soạn bài “Chánh tín và mê tín”. Bài này Hòa thượng đã giảng tại Hội quán Phật Học hội chùa Từ Quang, Huế, vào ngày 05-5 dương lịch, và đã đăng trong tạp chí Viên Âm số 20, năm thứ II tháng 3 và 4. Hòa thượng phỏng thuật theo Kinh Pháp cú “Chuyện nàng Liên Hoa”, đã đăng trong tạp chí Viên Âm, số 21 năm thứ II tháng 5 và 6.

- Đinh Sửu, 1937
Hòa thượng biên soạn tác phẩm “Đâu là con đường hạnh phúc ?” đã đăng trong tạp chí Viên Âm số 27 và 28.

- Mậu dần, 1938
Hòa thượng tốt nghiệp văn bằng Đại học Phật Giáo với hạng Ưu. Hòa thượng được An Nam Phật Học Hội cử đi thuyết pháp tại Đà Nẵng, Quảng Nam, khắp cả 17 tỉnh miền Trung và một số tỉnh ở miền Nam.

- Canh Thìn, 1940
Hội Phật tử Việt Kiều tại Savanakhẹt,Vương quốc Lào, mời Hòa thượng sang dự lễ khánh thành chùa Diệu Giác và thuyết pháp.

- Nhâm Ngọ, 1942
Hội Phật tử Việt Kiều tại Savanakhẹt, Vương quốc Lào, lại mời Hòa thượng sang thuyết pháp. Lần này hòa thượng được diện kiến với Đức Vua Sãi tại Thủ phủ Viêng Chăn.

- Ất Dậu, 1945
An Nam Phật Học Hội đổi danh hiệu thành Việt Nam Phật Học hội.
Đại Hội đồng thường niên năm XIII, công cử Hòa thượng giữ chức vụ Chánh Hội trưởng Việt Nam Phật Học hội, thay thế Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Hội đồng Sơn môn Tăng-Già Trung Việt công cử Hòa thượng lên Trú trì chùa Linh Mụ.

- Bính Tuất, 1946
Đại hội bất thường của các Hội đoàn Phật Giáo miền Trung mời Hòa thượng kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Phật Giáo Liên Hiệp Trung Bộ.

- Đinh Hợi, 1947
Hòa thượng tháp tùng nhị vị Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên và Trừng Thủy Giác Nhiên, chạy tản cư về làng An Xuân, xã Quảng An, Huyện Quảng Điền. Tại đây, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam 3 ngày rồi thả ra.

Trở về chùa Linh Mụ được một thời gian ngắn, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt lại. Lần này Hòa thượng bị tra tấn dã man trên 10 ngày, rồi bắt đi đào huyệt để bắn mà chôn. May nhờ có Sư bà Trừng Hảo Diệu Không và Cư sĩ Tâm Huệ Tráng Đinh, can thiệp kịp thời với bà Hoàng Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương, nên vào giờ phút sắp đem ra hành hình mới được tha về.
Cũng trong năm này, sau khi dân chúng Huế hồi cư, Hòa thượng bắt đầu lo việc trùng tu chùa Linh Mụ lần thứ nhất. Đây là lần trùng tu gặp nhiều khó khăn nhất vì quang cảnh chùa phần lớn đã bị phá hủy trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.

- Mậu Tý, 1948
Ngày mồng 8-2 âm lịch, Vía Đức Phật Thích Ca xuất gia, cũng là ngày Phật học đường Bảo Quốc và Ni viện Diệu Đức tái khai giảng. Hòa thượng được mời làm Giáo thọ cho cả hai trường.
Hòa thượng lại luân chuyển đảm nhận các chức vụ quan trọng như Yết-ma, Giáo thọ, Luật sư trong các Đại giới đàn được tổ chức tại chùa Bảo Quốc, chùa Từ Hiếu Huế, chùa Long Sơn Nha Trang, chùa Ấn Quang Sài Gòn.

- Canh Dần, 1950
Vì có nhiều Phật sự quan trọng rất cần đến Hòa thượng, nên Đại hội đồng thường niên lần thứ XIX, đã công cử Cư sĩ Chơn An Lê Văn Định lên giữ chức vụ Chánh Hội trưởng hội Việt Nam Phật học để thay thế Hòa thượng. Hòa thượng chỉ đảm nhận trọng trách Cố vấn Giáo hạnh.
Hòa thượng biên soạn bài “ Ý nghĩa ngày Từ thiện Phật Giáo”. Bài nầy đã được Hòa thượng giảng tại nhà Đại chúng - Huế ngày mồng 04 - 04 âm lịch.

- Tân Mão, 1951
Hòa thượng là thành viên Ban Tổ chức Đại Hội nghị Phật Giáo Viêt Nam Thống nhất của 6 Tập đoàn Tăng già và Cư sĩ thuộc ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam, họp tại chùa Từ Đàm Huế từ ngày 06-9/5 dương lịch. Đây là Đại Hội nghị có tính lịch sử lớn lao của Phật Giáo Việt Nam, vì trong suốt 2.000 năm qua mới được tổ chức lần đầu tiên.

Đại hội Giáo hội Tăng Già Trung Việt, công cử Hòa thượng lên giữ chức vụ Giám Luật Giáo hội Tăng Già Trung Việt.

Đại hội Giáo hội Tăng Già toàn quốc họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày mồng 7-8 âm lịch, tức ngày mồng 7-9 dương lịch, công cử Hòa thượng lên giữ chức vụ Giám Luật Giáo hội Tăng Già toàn quốc.

- Bính Thân, 1956
Liên Hoa Văn tập, được chuyển làm cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Tăng Già Trung Phần. Hòa thượng được mời làm Chủ nhiệm. Tòa soạn đặt tại Huế.
Hòa thượng cùng với Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu trích dịch và biên soạn Bộ Nghi tụng giới của tại gia Bồ Tát. Soạn phẩm do Giáo hội Tăng Già Trung Phần ấn hành.
Hòa thượng viết bài “ Định Hướng” đã đăng trong Liên Hoa Văn Tập số 2, và bài “Nhiệm vụ Phật tử trước tình thế hiện tại”, đã đăng trong Liên Hoa Văn Tập, Bộ mới số 6.

- Đinh Dậu, 1957
Hòa thượng lo việc đại trùng tu chùa Linh Mụ lần thứ hai. Đây là lần trùng tu có tính quy mô và bền bĩ, nên Hòa thượng đã cho thay thế cột kèo, trước đây làm bằng gỗ nay được đúc bê tông cốt thép rất kiên cô. Thoạt nhìn không thể phân biệt được đó là bê tông cốt thép giả gỗ, vì thế cho nên vẫn giữ được đường nét mỹ thụât trong lối kiến trúc Á đông cổ.

- Mậu Tuất, 1958
Liên Hoa Văn tập được đổi tên thành Liên Hoa Nguyệt san và nâng lên làm cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Tăng Già toàn quốc. Hòa thượng vẫn giữ trọng trách Chủ nhiệm.

Hòa thượng viết bài “Kiểm Điểm” đã đăng trong Liên Hoa Nguyệt san số1.

Hòa thượng viết lời giới thiệu cho tác phẩm “Thảo luận với Bác sĩ Bá Khắc Sum” do Thượng tọa Nguyên Tánh Đức Tâm, dịch, Tòa soạn Liên Hoa Nguyệt san ấn hành.

-Kỷ Hợi, 1959
Hòa thượng biên soạn tác phẩm “Nhiệm vụ cần thiết của một Phật tử.”
Đại Hội kỳ II, Giáo hội Tăng Già toàn quốc, họp tại chùa Ấn Quang, Sài gòn ngày 23-02 âm lịch tức ngày 31-03 dương lịch. Đại Hội lại công cử Hòa thượng giữ chức vụ Giám Luật Giáo hội Tăng Già toàn quốc. Nhân dịp nầy Hòa thượng viết bài “ ôn ý” đã đăng trong tập kỷ yếu của Đại Hội.

- Canh Tý, 1960
Hòa thượng viết bài “Cảm ứng tự nhiên” đã đăng trong trong Đặc san kỷ niệmVía ĐứcQuánThếÂm Bồ Tát, ngày 19-09 âm lịch tại chùa Non Nước, Đà Nẵng.
Hòa thượng biên soạn tác phẩm “Tứ nhiếp pháp.” Nhà in Liên Hoa ấn hành.

- Tân Sửu, 1961
Hòa thượng biên soạn tác phẩm “Cách thức sám hối các tội đã phạm”, do Giáo hội Tăng Già Trung Phần ấn hành.

- Nhâm Dần, 1962
Hòa thượng biên soạn tác phẩm “Phương pháp tu quán”, do Giáo hội Tăng Già Trung Phần ấn hành.

- Quý Mão, 1963
Hòa thượng là thành viên Ban lãnh đạo phong trào tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhận Giáo chỉ của Hòa thượng Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Trừng Thông Tịnh Khiết, ra chỉ đạo cuộc tranh đấu tại Tỉnh Quảng Trị.

Hòa thượng trở về Huế và tiếp tục chỉ đạo phong trào tranh đấu tại chùa Diệu Đế, Huế.

Đêm 20-08 dương lịch, chính quyền Ngô Đình Diệm tấn công chùa Diệu Đế bắt Hòa thượng đem giam tại Ty Cảnh sát Thừa Thiên. Nhờ sự bình tĩnh và khôn khéo nên một thời gian ngắn thì Hòa thượng, cùng nhiều Hòa thượng và Thượng tọa khác được thả ra. Sau đó, Hòa thượng đi nằm chữa bệnh dạ dày tại bệnh viện Ngô Quyền, Huế.

Hòa thượng viết đơn xin tự thiêu để cúng dường Phật Pháp, nhưng không thực hiện được đại nguyện, vì nhị vị Sư bà Tâm Luân Thể Quán và Tâm Định Cát Tường, đã cung kính đảnh lễ xin Hòa thượng không nên thực hiện định ý ấy, vì sẽ mất đi người lãnh đạo, trong lúc Phật Giáo đang ở vào giai đoạn cam go và quyết liệt như sợi chỉ mành treo chuông!

Hòa thượng tiếp xúc và phê bình sự sai trái của Uỷ ban Phật Giáo Thuần túy, do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên với mưu đồ làm suy yếu cuộc tranh đấu của Phật Giáo.

Hòa thượng tiếp kiến và trả lời những câu hỏi của Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc, tại khách sạn Thuận Hóa Huế (nay là khách sạn Hương Giang 1), về việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Phật Giáo đồ Việt Nam.

Ngày 03-11 dương lịch, sau khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Hòa thượng nhân danh Giám Luật Giáo hội Tăng Gìa toàn quốc, gởi “Lời kêu gọi khẩn thiết” đến chư Tăng Ni và Phật Giáo đồ trên toàn quốc.

- Giáp Thìn, 1964
Ngày 30-12 dương lịch, Hòa thượng tham dự Đại Hội nghị của 11 Giáo phái và Hội đòan Phật Giáo Việt Nam, tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, để thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Đại Hội đã công cử Hòa thượng vào chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất miền Vạn Hạnh kiêm Chánh Đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên.

- Ất Tỵ, 1965
Hòa thượng làm Yết-Ma cho Đại giới đàn Vạn Hạnh, tổ chức tại chùa Từ Hiếu, Huế. Đại giới đàn đã quy tụ hơn 1000 giới tử.

- Bính Ngọ, 1966
Nhân danh Chánh Đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất miền Vạn Hạnh, Hòa thượng đã lãnh đạo cuộc tranh đấu “Bất bạo động,” chống sự đàn áp của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Một chế độ được mệnh danh là chế độ “Diệm mà không có Diệm”

- Đinh Mùi, 1967
Hòa thựơng viết lời giới thiệu cho tác phẩm “Đại cương Thiền Quán” của Đại đức Nguyên Chứng Tuệ Sỹ.
Hòa thựơng viết lời giới thiệu cho tác phẩm “Pháp môn Tịnh Độ “ của Sư bà Tâm Luân Thể Quán.

- Mậu thân, 1968
Lúc 23 giờ, ngày 19-01 âm lịch (tức ngày 17-02 dương lịch). Chính quyền Cộng sản Việt Nam, dưới danh nghĩa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã ra lệnh cho một toán người có võ trang đến chùa Linh Mụ “mời” Hòa thượng lên Trường sơn để tham gia kháng chiến cứu nước. Lúc nầy, thời tiết đang giá lạnh, nên bệnh xuất huyết dạ dày của Hòa thượng tái phát trầm trọng. Vả lại, là một vị Thiền sư chỉ chăm lo việc tu hành, nên Hòa thượng cũng chẳng thiết tha gì đến việc tham gia kháng chiến cứu nước như lời mời. Do đó, mà Hòa thượng đã viện dẫn nhiều lý do để từ chối, nhưng cuối cùng vẫn bị mời lên cáng khiêng đi “vì lệnh của cấp trên”.

Lên đến Trường sơn, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam liền giao Hòa thượng chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ Hòa bình Việt Nam. Hòa thượng ở Trường sơn hơn 3 tháng.

Đến ngày 10-6, dương lịch, Hòa thượng lại được “lệnh mời” ra Hà Nội, lại được lên cáng khiêng đi, lặn lội trong rừng núi suốt 25 ngày mới ra đến Hà Nội.

Ngày 04-07 dương lịch, Hòa thượng ra đến Hà Nội, được bố trí cho trú tại số nhà 71 đường Nguyễn Du. Tại đây, Chính phủ lại giao thêm cho Hòa thượng chức vụ Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chánh phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 13-07 dương lịch, Hòa thượng diện kiến và nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà sàn, nơi ông ở.

Ngày 14-07 dương lịch, Hòa thượng được mời dự buổi chiêu đãi do Mặt trận Dân tộc thống nhất tổ chức.

Ngày15-07, dương lịch, Hòa thượng dự buổi chiêu đãi do Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tại Phủ Thủ tướng.

Ngày16-07, dương lịch, Hòa thượng dự buổi chiêu đãi của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam) do Tổng Bí thư Lê Duẩn mời tại nhà khách Quảng Bá, cạnh Hồ Tây.

- Kỷ Dậu, 1969
Tại nhà khách nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hòa thượng diện kiến và chụp ảnh chung với Quốc Vương Norôdom Sihanouk.

- Canh Tuất, 1970;
Từ ngày 15-08 đến ngày 17-09, dương lịch, Chính phủ Hà Nội đưa Hòa thượng đi tham quan thủ đô Mạc Tư Khoa (Moscow) và một số nước Cộng hòa Liên bang Xô-Viết.

Từ ngày 18-09 đến ngày 24-09, dương lịch, lại đưa Hòa thượng đi tham quan thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), thăm Quảng trường Thiên An môn, công viên Bắc Hải, Di hòa viên, Vạn Lý trường thành, vùng Lăng mộ 13 Vua Nhà Minh và nhiều di tích lịch sử văn hóa khác.

- Tân Hợi, 1971
Chánh phủ Hà Nội cử Hòa thượng làm Trưởng phái đoàn Phật Giáo Cộng hòa miền Nam Việt Nam, để cùng đi với phái đoàn Phật Giáo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị 10 nước Châu Á vì Hòa bình, họp tại thủ đô Ulanbato, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Tại hội nghị nầy, Hòa thượng được bầu làm Ủy viên thường trực.

Sau hội nghị, Hòa thượng được mời đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa và chùa viện của Phật Giáo ở Mông Cổ.

- Quý Sửu, 1973
Hòa thượng được mời làm Thành viên chính thức của Hội Phật Giáo Châu Á vì Hòa bình.

- Ất Mão, 1975
Ngày 30-04, dương lịch, đất nước thống nhất, Hòa thượng được trở về Huế, nhưng không được về chùa Linh Mụ mà phải ở lại Viện Đại học, Huế. Một thời gian sau mới được phép về chùa.

Đã nhiều lần Hòa thượng nôn nóng muốn vào Sài Gòn để thăm Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng không làm sao đi được!

Một thời gian sau, có tin điện của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Chánh phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ Sài Gòn điện ra, mời Hòa thượng vào tìm cách giải quyết cho một việc rắc rối giữa Phật Giáo Ấn Quang và Chính phủ. Nhờ vậy Hòa thượng mới được dịp vào thăm Hội đồng Lưỡng Viện.

Thời gian ở Sài Gòn, Hòa thượng tham dự hội nghị Hội đồng Cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại dinh Thống nhất (phủ Tổng thống cũ). Tại hội nghị nầy, Hòa thượng nhắc lại là xin được trở về nếp sống của người tu hành như đã đề cập khi còn ở Trường Sơn, nhưng Hội nghị không chấp thuận, lại còn yêu cầu Hòa thượng tiếp tục đóng góp thêm nữa vào việc nước.

Cũng trong hội nghị nầy, Hòa thượng trả lời với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về việc Chính phủ đã ra lệnh cho cán bộ, binh lính cách mạng đi đập phá, san bằng các tượng Phật lộ thiên ở nhiều nơi tại miền Nam Việt Nam.

Hòa thượng được đến thăm và ngỏ lời phát biểu trước Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Ấn Quang.

Hội đồng Lưỡng Viện cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng Trưởng lão.

- Bính Thìn, 1976
Hòa thượng bắt đầu đi giảng dạy Kinh, Luật, Luận cho các lớp học Tăng Ni ở chùa Bảo Quốc, Chùa Linh Quang và cả chùa Linh Mụ.

Ông Trưởng ban bầu cử Quốc hội, đơn vị thành phố Huế, lên mời Hòa thượng ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa VI. Hòa thượng nêu nhiều lý do để xin từ chối, nhưng cuối cùng cũng phải ra ứng cử vì “lệnh của Trung ương”.

Đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VI, đơn vị thành phố Huế với số phiếu bầu thấp nhất 60%.

Thực tế, Hòa thượng đắc cử là do lệnh từ Trung ương điện vào”không được làm cho Ông Đôn Hậu thất cử ”.

Ra Hà Nội tham dự kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI, Hòa thượng gặp và nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lý do vì sao Phật Giáo lại chủ trương lập Chính phủ ở miền Nam Việt Nam?

Trong khi họp các Tiểu ban ở Quốc hội, Hòa thượng trình bày: “Trên bảy mươi tuổi tôi chưa thấy có cái nền Dân chủ nào trên thế giới mà lạ lùng như vậy! Ra lệnh cho nhân dân đừng bỏ người này, đừng bỏ người kia, không có cái nền dân chủ nào lạ lùng như vậy!”

Lúc ấy ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi họp một Tiểu ban bên cạnh nói chen vào: ”Nầy, Đôn Hậu nầy, tôn giáo mà họ bầu như vậy là cao lắm rồi đó nghe không?” Nghe ông Giáp nói thế, sự bất bình ở Hòa thượng nổi lên cực độ, nhưng là vị thầy tu nên Hòa thượng đã dằn được cơn phẫn nô, nếu không thì “cái ghế tôi ngồi sẽ phang ông Võ Nguyên Giáp một cái!”

Chánh phủ lại giao cho Hòa thượng một chức vụ nữa là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đinh Tỵ, 1977
Hòa thượng biên soạn tác phẩm: “Đồng mông chỉ quán”. Đã quay Ronéo.

Đại hội kỳ VII Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất công cử Hòa thượng giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.

Làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Bảo Quốc, Huế. Giới đàn qui tụ hơn 500 giới tử.

- Mậu Ngọ, 1978
Ngày 26-10 dương lịch, Hòa thượng viết đơn (lần thứ nhất) nêu rõ lý do về: “Những vụ bắt bớ, giam cầm nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật Giáo và một số vị khác trong các Ban Trị Sự Tỉnh đã gần hai năm nay mà không được trả tự do, cũng không được Công tố viện cho biết tội trạng gì. Nhất là với cái chết của Thượng tọa Thích Thiện Minh trong nhà giam gần đây”, để xin từ chức Đại biểu Quốc hội khóa VI.

Đơn xin từ chức không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Vẫn phải ở lại làm Đại biểu Quốc hội.

Ngày 08-12 dương lịch, có hai ông Bùi San, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên và ông Cổ Kim Thành, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên, đồng Đại diện chính thức Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên tiếp kiến Hòa thượng tại chùa Linh Mụ. Trong lần gặp gỡ và nói chuyện nầy, Hòa thượng đã trình bày cặn kẽ thực trạng Phật Giáo Việt Nam đang bị Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính quyền đàn áp mọi mặt. Trong đó Hòa thượng đã phê phán quyết liệt việc Chính quyền bắt giam và đánh chết Thượng tọa Thích Thiện Minh trong nhà giam.

Cuối cùng, Hòa thượng tuyên bố thẳng thắn và dứt khoát: “Nếu được Đảng và Chánh phủ chấp nhận 3 điều kiện thì tôi sẽ ở lại làm Đại biểu Quốc hội, mà không thì xin rút lui”.

- Kỷ Mùi, 1979
Ngày 06-01 âm lịch, Đại lão Hòa thượng Đệ Nhị Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Trừng Thủy Giác Nhiên viên tịch.

Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất cung thỉnh Hòa thượng kiêm nhiệm chức vụ Xử lý Viện Tăng Thống.

Hòa thượng biên soạn bài “Giảng về ý nghĩa chữ Tu”. Chưa xuất bản.

- Canh Thân, 1980
Ban Vận động Thống nhất Phật Giáo Việt Nam ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban, đã mời Hòa thượng vào Ban Cố vấn.

Hòa thượng đọc bài “Tham luận” trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI. Nội dung góp ý về việc soạn thảo và xây dựng bản Hiến pháp mới.

Hòa thượng viết đơn (lần thứ hai) nêu rõ lý do: Vì bệnh tình và già yếu, vả lại có tiếp tục làm Đại biểu Quốc hội thì cũng chẳng giúp được việc gì cho Dân tộc và Đạo pháp, để xin từ chức.

Hòa thượng rất vui mừng khi đơn xin từ chức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Đến đây là chấm dứt một đoạn đường 13 năm Hòa thượng tham gia vào chính sự!

- Tân Dậu, 1981
Hòa thượng gửi Thông điệp nhân Đại lễ Phật Đản, Phật lịch 2525.

Hòa thượng làm Đường đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn tổ chức tại chùa Bảo Quốc, Huế. Giới đàn Quy tụ hơn 700 giới tử.

Hòa thượng làm lê quy y và truyền giới cho hơn 1000 Phật tử tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở Quảng Trị.

Hòa thượng biên soạn tác phẩm: “Giảng phẩm Tựa Kinh Bảo Đàn”. Chưa xuất bản.

Hòa thượng gửi thư cho Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật Giáo Việt Nam, bàn về việc Thống nhất Phật Giáo.

Hòa thượng gửi thư cho Chủ tọa Đoàn đề nghị năm điều cần bổ sung trong việc Dự thảo Bản Hiến chương của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Trong đó Hòa thượng nêu một vấn đề vô cùng quan trọng là “Cờ Phật giáo Quốc tế đã bị Ban dự thảo Hiến chương loại bỏ!”

Ban Tổ chức Đại hội Thống nhất Phật Giáo Việt Nam, gửi thư mời Hòa thượng tham dự Đại hội, tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội vào ngày mồng 4 đêïn ngày mồng 7 tháng 11 dương lịch, nhưng Hòa thượng từ chối không ra dự họp vì đang chữa bệnh.

Hòa thượng gửi thư cho Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, từ chối không đảm nhận chức vụ Đệ Nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, với lý do: Hòa thượng “Còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, trong cương vị Chánh Thư ký, Xử lý Viện Tăng Thống.”

- Nhâm Tuất, 1982
Hòa thượng gửi thư cho Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, từ chối không đảm nhận chức vụ Đệ Nhất Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, với lý do “xét thấy tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, lại thêm bệnh hoạn liên miên”.

Hòa thượng gửi Thông điệp nhân Đại lễ Phật Đản, Phật Lịch 2526.

Hòa thượng bắt đầu dành nhiều thì giờ một mình lặng lẽ trong liêu mà “Kể chuyện,” và tự điều khiển máy ghi âm vào hai cuốn băng HF, có độ chạy dài 135 phút. Các câu chuyện Hòa thượng kể được ghi vào băng, cũng như được ghi vào tập “Hồi ký“, là những sử liệu quan trọng, vô giá cho Dân tộc và Phật Giáo Việt Nam ở vào Hậu bán thế kỷ XX.

Nhân danh Chánh Thư ký, Xử lý Viện Tăng thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng ký công văn số 02-82/ VTT ngày 14-7 dương lịch, gửi cho Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị Sự Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, mạnh mẽ phản đối Ban Trị Sự thành hội Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, ngang nhiên đến đoạt thủ trụ sở Trung ương của Hội đồng LưỡngViện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, tại chùa Ấn Quang ,Sài Gòn.

- Quý Hợi, 1983
Làm Đường đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn Ni giới tại chùa Trúc Lâm, Huế.

Trong khi sức khỏe dồi dào, Hòa thượng đã cảm thán bài Kệ, theo thể Cổ phong ngũ ngôn tứ tuyệt:

“Hành thâm Tỳ - Ni tạng,
Giới thể tịnh trang nghiêm,
Định lực tồi Ma đạo,
Tuệ quang chiếu giác viên”.

Nội dung bài Kệ là một tuyệt tác phẩm của nền Văn học Phật Giáo Việt Nam hiện đại!

-Giáp Tý, 1984
Hòa thượng biên sọan tác phẩm: ”Khóa nghi diễn giảng Đàn Bạt độ giải oan.” Chưa xuất bản.

- Ất Sửu, 1985
Hòa thượng viết đơn gửi ông Bộ trưởng Bộ Nội Vụ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Mai Chí Thọ, xin bảo lãnh cho các Đại đức Tâm Phật Trí Siêu, Nguyên Chứng Tuệ Sỹ và Nguyên Giác hiện đang bị chính quyền giam giữ trong các trại giam. Đơn xin đã không được Bộ Nội Vụ trả lời.

- Bính Dần, 1986
Hòa thượng cho đại trùng tu chùa Long An, ngôi chùa do thân phụ Hòa thượng xây dựng tại tỉnh Quảng trị. Đây là lần trùng tu thứ hai.
Hòa thượng cho kết tập những bài học đã được Hòa thượng biên soạn và giảng dạy tại các Phật Học Viện để ấn hành thành tác phẩm “Luật Tứ phần Tỳ Kheo Ni sao.”

Giữa mùa xuân, Hòa thượng lâm cơn trọng bệnh. Thất chúng đệ tử tưởng rằng Hòa thượng không qua khỏi, nhưng nhờ sự tận tâm chăm sóc của các Y, Bác sĩ Phật tử, trong đó có Bác sĩ Lê Văn Bách nên sau 3 tháng chữa trị, cơn bệnh của Hòa thượng đã bình phục, nhưng để lại di chứng là thể trạng của Hòa thượng không được y như trước.

- Mậu Thìn, 1988
Ngày mồng 3 tháng giêng âm lịch, tức ngày 19.2, dương lịch, Hòa thượng ban lời Di huấn cho thất chúng đệ tử, Lời Di huấn gồm có 6 điều, mà điều nào cũng thể hiện nỗi ưu tư, lo lắng của Hòa thượng về việc nghiêm trì giới luật của chư Tăng Ni, và sự hưng vong của Đạo pháp.

- Tân Mùi, 1991
Ngày mồng 3-8 âm lịch, tức ngày 10-9 dương lịch. Nhân danh Đại lão Hòa thượng, Ngài ký và gởi một bức “Tâm thư” đến chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni Việt Nam ở Hải ngoại, kêu gọi sự đoàn kết hòa hiệp, thể hiện tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám như luật dạy, để hoằng dương và bảo vệ sự tồn vong của Đạo pháp.

Ngày 24-9 âm lịch, tức ngày 31-10 dương lịch. Nhân danh Chánh Thư ký, Xử lý Viện Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng ký và gởi bức Thông điệp đến Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam ở Hải ngoại.

Nội dung bức Thông điệp có 4 điều. Trong đó Hòa thượng khuyến thỉnh chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam ở Hải ngoại là nên có kế hoạch thành lập một Giáo hội hợp nhất lấy tên là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại. Nguyên tắc tổ chức: Căn bản là dựa theo Hiến chương của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã ban hành ngày 04-01-1964, và đặt dưới sự điều hành của hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tại quê nhà. Bức Thông điệp của Hòa thượng gởi đi đã được sự hưởng ứng hết sức nồng nhiệt của tất cả tổ chức Phật Giáo Việt Nam hiện ở khắp nơi trên thế giới.

Ngày 10-10 âm lịch, tức ngày 15-11 dương lịch. Nhân danh Chánh Thư ký, Xử lý ViệnTăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng đã ký và gởi Bản Chúc thư đến Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Bản Chúc thư gồm có 5 điều, nội dung tất cả 5 điều được Hòa thượng ghi trong Bản Chúc thư đều thể hiện rõ ràng sự quyết tâm cao cả của Ngài, là mong quí Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề quan trọng của Giáo hội, dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải bảo vệ và phát huy cho được sự toàn vẹn, và sự lớn mạnh của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Vì Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội duy nhất được sự truyền thừa của chư Lịch đại Tổ sư trong suốt dòng lịch sử huy hoàng 2000 năm qua.

- Nhâm Thân, 1992
Vào lúc 20 giờ, ngày 21-3 âm lịch, tức ngày 23-4 dương lịch. Hòa thượng an nhiên thị tịch.

Thọ 87 tuổi đời và 68 năm Hạ lạp.

Kim quan Hòa thượng được tôn trí trang nghiêm trong điện Địa Tạng cũ tại chùa Linh Mụ.

Tang lễ đã được Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, cùng Ban tổ chức tang lễ cử hành đúng theo lời Di huấn tha thiết của Ngài là đơn giản, trang nghiêm và đầy không khí đạo vị.

Về phía Chính phủ cũng muốn giành quyền tổ chức tang lễ Hòa thượng theo nghi thức Quốc tang, vì cho rằng Hòa thượng đã đóng góp nhiều công lao cho Cách mạng. Nhưng Hội đồng Lưỡng Viện và Ban tổ chức tang lễ không chấp thuận trên nguyên tắc, vì Hòa thượng đang là vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất.

Dù không giành được quyền tổ chức tang lễ Hòa thượng, nhưng sau đó, phái đoàn Tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm và làm lễ viếng Kim quan Hòa thượng. Phái đoàn đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, truy tặng Hòa thượng Huân chương Hồ Chí Minh, với lý do là Hòa thượng đã đóng góp công sức lớn lao cho Cách mạng. Thế nhưng, Ban tổ chức tang lễ đã tuân thủ theo lời Di huấn của Ngài mà không tiếp nhận.

Cũng nên biết rằng Huân chương Hồ Chí Minh là Huân chương cao quý của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lễ cung nghinh Kim quan Hòa thượng nhập bảo tháp, được tổ chức trọng thể và trang nghiêm vào lúc 6 giờ ngày mồng 01 tháng 04 âm lịch, tức ngày 3-5 dương lịch.

Đến dự lễ nhập tháp Hòa thượng có đông đủ Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất (trừ chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, đang bị chính quyền Cộng sản Việt Nam quản thúc và giam giữ ), cùng đông đủ Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, và gồm hai vạn tín đồ Phật tử, hàng ngàn Huynh trưởng và Đoàn sinh, đại diện cho Gia đình Phật tử khắp các tỉnh ở miền Nam Việt Nam cũng về dự.

Về phía Chính quyền có phái đoàn Chánh phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch,Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu. Phái đoàn Tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, do ông Vũ Thăïng Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu cũng đến tham dự lễ nhập tháp Kim quan Hòa thượng.

Bảo tháp của Hòa thượng được xây dựng phía hậu tẩm điện thờ Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, trong khuôn viên chùa Linh Mụ.

Kiến trúc ngôi bảo tháp thể hiện được đường nét đặc trưng về sự đơn sơ và giản dị, nhưng cũng không thiếu phần mỹ thuật, đúng y theo lời Di huấn cuối cùng của Hòa thượng.

thichdonhau-thap

Bảo tháp

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/12/2010(Xem: 5586)
Viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến lòng thương vô hạn của cụ đối với chính mình đối với tha nhân, đối với xã hội thì đó là một vấn đề thiếu sót; viết về Nguyễn Du mà không nói đến Phật giáo thì đó cũng là một thiếu sót quang trọng, vì toàn bộ sự nghiệp văn thơ của cụ đều phát xuất từ hai quan điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho người hậu thế.
27/12/2010(Xem: 6226)
Vị thầy người Nhật của tôi đã ra đi năm ngoái, quá trẻ, quá sớm. Bà chỉ mới năm mươi bốn tuổi, và không có ai để truyền thừa Pháp. Bà chỉ có năm người đệ tử sống cùng bà trong những năm gần đây. Tôi, năm mươi sáu tuổi, nhưng lại là đệ tử mới nhất của bà, mà lại là nam đệ tử. Tôi ở với một nhóm nhỏ đệ tử người Tây phương chỉ mới được mười năm nay, trong khi người nữ đệ tử trẻ tuổi nhất cũng đã có mười lăm năm theo học với bà. Do vị thế ưu tiên của việc “sống lâu lên lão làng” trong tăng đoàn nhỏ bé của chúng tôi, mà các vị nữ đệ tử trẻ này tha hồ chế ngạo cái đầu không tóc, và việc gia nhập tăng chúng muộn màng của tôi. Tôi không màng điều đó chút nào, vì từ những ngày đầu, tôi đã rất hạnh phúc được thân cận “roshi” của tôi, với lòng tin tưởng rằng sự gần gủi, tiếp xúc hằng ngày với bà có thể giúp tôi đi đến ngưỡng cửa tiếp cận tâm linh, nơi ma
24/12/2010(Xem: 8010)
Đại lễ đặt dưới sự chứng minh tối cao của: Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, trú trì Tổ đình Tường Vân – Huế, Trưởng lão Hòa thượng Thích khả Tấn, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, Giáo phẩm chứng minh BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, Giáo phẩm chứng minh Môn phái tổ đình Tây Thiên – Huế, trú trì chùa Giác Lâm – Huế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó chủ tịch HĐTS Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, trú trì Diệu Đế quốc tự, Lam Sơn và Tra Am – Huế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPG Việt Nam, Ủy viên thường Trực HĐTS Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Nam, trú trì chùa Đạo Nguyên Tam Kỳ - Quảng Nam. Chư tôn đức trong thường trực BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên – Huế, chư tôn đức đại diện các môn phái Tổ đình trong tỉnh Thừa Thiên – Huế, chư tôn đức trú trì các
24/12/2010(Xem: 7597)
Được sự hoan hỷ chấp thuận của Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ mọi mặt của quý cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và mặt trận, Ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Hội Thảo Hướng Dẫn Phật Tử và Đại Lễ Trai Đàn Truy Niệm Tiền Hậu Công Đức, Sáng Lập Hội Viên, Khuôn Trưởng, Trưởng Ban Hộ Tự, Hội Viên Thiện Nam Tín Nữ, Cư Sĩ Phật Tử, Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật tử trong tỉnh Thừa Thiên Huế và tưởng niệm Cầu Siêu quá cố Chư vị huynh trưởng nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Trước hết, thay mặt Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh và Ban Tổ Chức Đại lễ chúng con thành kính đảnh lễ niệm ân Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni. Kính lời chào mừng nồng nhiệt đến chư vị quý khách lãnh đạo các cấp, quý vị nhân sĩ trí thức và toàn thể đồng bào Phật tử các giới. Cung chúc Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni thế tuế thọ t
19/12/2010(Xem: 10986)
Phật Giáo và A-dục Vương. K. R. Norman (Nguyên Tâm dịch) Hoàng đế Asoka, Con người của hòa bình và tình nhân bản. Minh Chi Đại đế Asoka và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Thích Quảng Đại Đại đế Asoka Maurya và những pháp dụ khắc trên đá Trần Trúc-Lâm Hoàng đế Asoka giã từ chinh chiến với nỗi thống khổ của người thắng trận. Trần Hương Lan Trường ca Kalinga. Trúc Thiê
19/12/2010(Xem: 18431)
Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng này đã rời ngôi vua...
18/12/2010(Xem: 17097)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
17/12/2010(Xem: 6868)
.Thế là đại hạn đến rồi ! - Giường hạc canh thâu (1) phút mộng tàn, Nghìn thu vĩnh biệt nẻo nhơn gian ! .Thật vậy! - Hóa thân Báo xả siêu sinh tử, Chân tánh quang thu nhập Niết bàn. .Tuy nhiên - Chết chẳng sợ sa đường địa ngục Sống không ham đến ngõ Thiên đàng. Thế thì Người đi đâu ? - Cân bình nửa gánh về quê Phật, Để lại trần gian ngọn Pháp tràng !
17/12/2010(Xem: 8214)
NGHI BÁO TIẾN CÚNG DƯỜNG HÚY KỴ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TÁNH TRỤ TRÌ TỔ ĐÌNH THIÊN ĐỨC (Mùng 04 - tháng Giêng - ÂL)
16/12/2010(Xem: 8456)
Xin cầu nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, bình an và giải thoát. Tác giả mang ơn sâu đối với Thiền Sư Thích Thanh Từ và Giáo Sư Tiến Sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát vì các công trình nghiên cứu và dịch thuật của hai thầy mà tác phẩm này đã dựa vào để tham khảo; và đối với bổn sư tác giả là Thiền Sư Thích Tịch Chiếu. Tác phẩm này được đặc biệt dâng tặng tới các thế hệ trẻ, và phổ quát dâng tặng cho tất cả chúng sinh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]