Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thầy Thích Minh Châu: Bất Lập Văn Tự

13/03/202209:10(Xem: 4231)
Thầy Thích Minh Châu: Bất Lập Văn Tự

ht minh chau-3

Thầy Thích Minh Châu: Bất Lập Văn Tự

 

Nguyên Giác

 

Bài viết này để ghi ơn Thầy Thích Minh Châu. Những gì Thầy dịch nhiều hơn những gì tôi có thể đọc, những gì Thầy viết phức tạp hơn những gì tôi có thể hiểu, và công trình hoằng pháp của Thầy vĩ đại hơn những gì tôi có thể đo lường. Bài viết, do vậy, chỉ là một phần những gì có thể nhìn về Thầy Thích Minh Châu, từ một người, tuy chưa bao giờ gặp Thầy trực tiếp, nhưng luôn luôn tự xem như học trò của Thầy. Và nơi đây sẽ tập trung về cách Thầy Thích Minh Châu lý giải về cửa pháp Bất Lập Văn Tự (không dựng lập chữ nghĩa, ngôn ngữ, biểu tượng, ký hiệu…).  Sai sót tất nhiên sẽ có, người viết xin được thành tâm sám hối.

.

Thiền sư và Pháp sư

Thầy Thích Minh Châu đã dịch Tạng Nikaya, tất nhiên được gọi là dịch giả, học giả; Thầy uyên bác như thế đương nhiên được người trong nhà Phật gọi là Pháp sư. Có thể Thầy cũng là Thiền sư? Hình như chưa nghe ai nói về Thầy Thích Minh Châu như là một Thiền sư. Nhiều người có thể thắc mắc và khởi tâm phân biệt. Xin mời đọc kỹ những gì Thầy Thích Minh Châu viết, để chúng ta có thể tin rằng Thầy đã vượt qua các lằn ranh phân loại như thế.

Trong rất nhiều Kinh Phật, có nhiều vị chỉ nghe Đức Phật dạy một câu, hay dạy một bài kệ bốn câu, hay dạy một bài kinh vài đoạn, là đủ để giải thoát. Đối với những vị như thế, vừa nghe Đức Phật dạy xong là tức khắc, hay chỉ mất thời gian rất ngắn, là xa lìa ngay được tham sân si. Thiền sư còn nương tựa vào cây gậy Thiền để đi đường, Pháp sư còn nương tựa vào cây gậy Pháp mà đi. Tuy nhiên, tôi tin rằng, những người như Thầy Thích Minh Châu, đã ngồi dịch Kinh miệt mài nhiều thập niên, chính ngay khi đó cũng có thể là Giới, cũng có thể là Định, và cũng có thể là Huệ. Hiển nhiên, Thầy đã trải qua rất nhiều thời gian tu, học, viết, dịch và giảng Kinh Phật, tham sân si có thể đã biến mất trong tâm Thầy.

Trong Kinh AN 5.26, Đức Phật nói người sống không phóng dật và nhiệt tâm có thể đi đến đoạn diệt hoàn toàn qua một trong năm giải thoát xứ: (a) nghe pháp, (b) thuyết pháp, (c) tụng đọc pháp, (d) tư duy và khảo sát về pháp (bản dịch Bodhi:  ponders, examines, and mentally inspects the Dhamma), (e) khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ (has grasped well a certain object of concentration, attended to it well, sustained it well, and penetrated it well with wisdom). (1)

Như thế, ngồi dịch Kinh nhiều thập niên như Thầy, là dễ dàng đi qua bốn cửa giải thoát đầu trong Kinh trên, vì dịch Kinh là nghe pháp, là thuyết pháp, là tụng đọc pháp, là tư duy và khảo sát về pháp. Khi Thầy đã qua được bốn cửa giải thoát nêu trên, là đã lìa khỏi các phân loại của chúng sinh. Thì, có gọi Thầy bằng chữ nào cũng không thích nghi.

Có một Kinh khác cũng có thể cho chúng ta tin rằng Thầy Thích Minh Châu đã vượt qua kiểu phân loại của thế gian hữu vi. Đó là Kinh AN 6.46, trích như sau:

Do vậy, này chư Hiền, cần phải học tập như sau: “Chúng ta là những người chuyên tâm về Pháp, chúng ta sẽ tán thán các Tỷ-kheo tu Thiền “. Này chư Hiền, chư Hiền cần phải học tập như vậy. Vì cớ sao? Thật vậy, này chư Hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người cảm giác bất tử giới với thân và an trú.

Do vậy, này chư Hiền, cần phải học tập như sau: “Chúng ta là những người tu thiền, chúng ta sẽ tán thán các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp”. Này chư Hiền, chư Hiền cần phải học tập như vậy. Vì cớ sao? Thật vậy, này chư Hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người với trí tuệ thể nhập và thấy con đường thâm sâu hướng dẫn đến đích.” (2)

Nghĩa là, tôi suy đoán rằng, Thầy Thích Minh Châu đã vượt qua các lằn ranh: cả Thiền và Pháp đều hiển lộ trong tâm Thầy.

.

Đại Thừa, Tiểu Thừa, Nhất Thừa…

Một số người thường nói rằng Thầy Thích Minh Châu đã phủ nhận tư tưởng Đại Thừa, xem như của các vị sư Trung Hoa hậu tác. Thực sự không phải. Thầy chỉ phân tích và gạn lọc. Thầy có thể phủ nhận một phần, nhưng rồi chúng ta sẽ thấy Thầy từng trích dẫn rất nhiều Kinh Bắc Tông. Riêng trong một tác phẩm do Thầy dịch, Thầy đã cho thấy toàn cảnh về Phật Giáo nhiều truyền thống, và điều này rất lợi ích cho người học Phật chân chính, để biết nơi nào thiếu sót và nơi nào dư thừa do lỗi người đời sau. Hãy luôn luôn nhớ rằng, chúng ta đã là học trò Đức Phật, điều cốt tủy là phải can đảm tự xét về chính mình, can đảm suy nghĩ về những gì mình cần đọc nhưng chưa đọc tới, về những gì mình cần học nhưng chưa học tới, và về những gì mình đã đọc và học nhưng thực ra là xen tạp vô ích. Và tận cùng, chúng ta phải nhìn vào tự tâm để đối chiếu Kinh Phật hiển lộ trong tâm mình.

Thầy Thích Minh Châu đã dịch một sách biên khảo nhan đề “Đại Thừa và Sự Liên Hệ với Tiểu Thừa” của học giả Nalinaksha Dutt, phát hành với ấn bản 1999 của nxb TPHCM, trong Lời Dịch Giả, trích lời Thầy viết như sau:

“…Cho nên quan điểm của một số học giả Pàli cho rằng những gì ngoài ba Tạng Pàli là ngụy tạo, vừa nguy hiểm, vừa nông nổi nếu không phải là lạc hậu. Nguy hiểm vì tự mình phủ nhận những cố gắng trung thành với đạo Phật nguyên thủy của các nhà luận sư, như chúng ta đã thấy quá rõ ràng trong tập sách này. Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta phủ nhận luôn những tinh hoa đạo Phật nguyên thủy do chính các nhà luận sư khai thác và diễn đạt. Nông nổi và lạc hậu, vì ngày nay các nhà học giả Phật giáo phần lớn đều chấp nhận một số tư tưởng Đại thừa là những tư tưởng của đạo Phật nguyên thủy và xác nhận chính trong tam tạng Pàli, được kiết tập trong một thời gian một vài thế kỷ, lẽ dĩ nhiên phải có những đoạn phi nguyên thủy xen kẽ vào. Nếu có nhà học giả nào chịu khó so sánh bốn tập A Hàm (Trung Hoa) với các tập Pàli Nikàya tương đương, các vị ấy sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm Trung Hoa lại nguyên thủy hơn các đoạn văn Pàli.

Thái độ của một số Phật tử Đại thừa ngược lại xem những gì Tiểu thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản trí thức. Nguy hiểm vì tự nhiên phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm và các luật tạng, những tinh hoa tốt đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy. Và làm vậy chúng ta mắc mưu các nhà Bà-la-môn giáo đã khôn khéo loại bỏ ra ngoài Phật giáo những tinh ba của lời Phật dạy, bằng cách gán cho danh từ "Tiểu thừa". Nông nổi và ngây thơ, vì thật sự danh từ Tiểu thừa và Đại thừa không được tìm trong ba tạng Pàli và bốn bộ A Hàm và chỉ là những danh từ được tạo ra về sau. Hơn nữa, tìm hiểu quá trình lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta chỉ có thể hiểu được tư tưởng Đại thừa sau khi chúng ta tìm hiểu được tư tưởng nguyên thủy. Loại bỏ tư tưởng nguyên thủy để tìm hiểu tư tưởng Đại thừa cũng như thả mồi bắt bóng, và bắt bóng ở đây là bắt bóng tà ma ngoại đạo, mới thật sự nguy hiểm hơn. Các nhà gọi là Đại thừa cần phải xác nhận một sự thật lịch sử, là các nước Tiểu thừa chống giữ sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo kiên trì và hữu hiệu hơn các nước Đại thừa. Lý do chính là tư tưởng Đại thừa và tà giáo ngoại đạo nhiều khi cách xa chỉ có gang tấc, và nhiều nhà tự cho là Đại thừa lại sẵn sàng bước qua biên giới ấy…” (3)

.

Một điểm đặc biệt của sách vừa dẫn, là phần Phụ Lục, chương này có nhan đề “Vấn đề các tập Prajnàpàramità (Bát nhã Ba-la-mật)”.  Chương Phụ Lục nơi đoạn kết ghi về cách nhìn của Bát nhã Ba-la-mật, rất đúng với cái nhìn của Thầy Long Thọ, người mở đường cho lý luận của hệ Bát Nhã và cũng là người khai sáng tư tưởng Đại Thừa, đồng thời cũng rất phù hợp với tinh thần của các nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (trong Kinh Tập, Tiểu Bộ), nghĩa là các Kinh mà trong các năm đầu hoằng pháp Đức Phật đã yêu cầu tứ chúng tụng đọc hàng ngày.

Trích nơi đoạn cuối Phụ Lục - Vấn đề các tập Prajnàpàramità (Bát nhã Ba-la-mật) là những dòng chữ như sau:

Tóm lại, tác dụng của Bát nhã Ba-la-mật là làm cho vị Bồ-tát tin rằng bố thí Ba-la-mật hay bất cứ pháp nào đều không có hình tướng, không có căn nguyên, và không sai khác với Sùnyatà, Bát nhã Ba-la-mật dùng như một vệ sĩ cho vị Bồ-tát, đã vượt trên các hạng người tầm thường, đã chứng nhiều đức tánh tốt đẹp, nhưng có thể vẫn còn chấp thủ một vài quan điểm có thể là cao thượng, trong sạch, nhưng vẫn trở thành một đối tượng chấp thủ cần phải trừ diệt. Vì lý do này mà Bát nhã Ba-la-mật được tán thán hơn các pháp Ba-la-mật hay các đức tánh khác và được xem như là lãnh đạo (nàyikhà, phùrvan gamà) cho tất cả pháp Ba-la-mật.” (3)

Đó là Bát Nhã Tâm Kinh, là Trung Luận. Đọc kỹ Bát Nhã Tâm Kinh sẽ thấy, tinh thần vượt qua cả chấp thủ cả Có và Không, cả bờ này và bờ kia, đó chính là lời Đức Phật dạy, rằng trong cái nhìn Đại Thừa (hiểu là cửa lớn dung thông) sẽ thấy rằng phiền não tức là Niết Bàn, rằng mắt tai mũi lưỡi thân ý là hang tối vô minh vây hãm chúng sinh, nhưng đồng thời cũng chính mắt tai mũi lưỡi thân ý là tia sao mai buổi sớm chỉ ra cái nhìn giải thoát. Không phải vô ý mà tác giả Nalinaksha Dutt đưa bài nhận định Bát nhã Ba-la-mật về chương Phụ Lục để kết thúc cuốn sách, và hiển nhiên có thể tin rằng dịch giả Thích Minh Châu cũng nhận ra như thế, nơi đó các thừa không còn vương bận nữa; nói như Thiền Tông là khi “Trâu bùn qua sông” thì đó là giải thoát, nơi bờ này với bờ kia chỉ còn là giấc mộng đêm qua, và không còn gì để gọi là buộc hay để gỡ. Nếu dùng lời để nói, có thể nên gọi Thầy Thích Minh Châu là bậc Đại Sa Môn Nhất Thừa.

.

Trước Sự Nô Lệ Của Con Người

Một tác phẩm tuyệt vời của Thầy Thích Minh Châu cần được đời sau đọc kỹ, và nên đọc rất kỹ, đó là cuốn “Trước Sự Nô Lệ của Con Người: Con Đường Thử Thách của Văn Hóa Việt Nam.” (4)

Sách này, nơi đây, chúng ta sẽ thảo luận về bản in lần thứ hai, năm 1970, ấn hành bởi Nha Tu Thư & Sưu Khảo Viện Đại Học Vạn Hạnh. Có lẽ, Thầy Thích Minh Châu viết sách này, trong cương vị Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, có thể viết năm 1968 vì Chương 3 là bài diễn văn Thầy Minh Châu đọc khi khởi đầu niên học 1968-1969: "Với trọn lòng tôn kính và nhiệt hứng, với trọn lòng tin sắt đá vào sự phục hồi sinh lực của tinh thần Việt Nam, chúng tôi xin chính thức tuyên bố buổi Tổng Khai Giảng hôm nay, mở đầu niềm hy vọng liên tục trong niên học 1968-1969 tại Viện Đại Học Vạn Hạnh."

Trong sách này, Thầy Minh Châu đã viết và lý luận gần như là thuần tư tưởng Bắc Tông. Chúng ta không hề ngạc nhiên khi đọc và thấy các vị Thầy khác trích dẫn Kinh Bắc Tông – thí dụ, Thầy Thanh Từ, Thầy Tuệ Sỹ… -- bởi vì đó là những gì các Thầy này đọc hàng ngày, dịch hàng ngày, tư duy và tu dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, Thầy Thích Minh Châu nhiều lần trích dẫn Kinh Bắc Tông mới là lạ. Rất kỳ lạ, vì trong sách này, Thầy Minh Châu cũng trích nhiều lần về Thiền Tông, y hệt như Thầy Minh Châu mới dùng thần thông để đi du học ngược thời gian, như từ thời Lý, Trần về.

Có phải vì “gỡ bỏ nô lệ” cần riêng tới Kinh Đại Thừa? Không phải, vì Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đều nhằm gỡ bỏ xiềng xích nô lệ trong nhân loại nói chung, và trong tâm từng người nói riêng.

Tại sao Thầy Minh Châu đã du học Ấn Độ, hoàn tất Tiến sĩ Phật học với luận án "So sánh Tạng Pàli Trung Bộ Kinh với Tạng Hán A Hàm" (The Chinese Madhyama Agama and the Pàli Majjhima Nikàya – A Comparative Study) tại Đại học Phật giáo Nalanda (Ấn Độ) lại ưa thích trích dẫn Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Già, Tư tưởng Bất Nhị, Tư tưởng Bát Nhã, Tư tưởng Phật Tính, Bồ Tát Hóa Thân, Đức Di Lặc, Lục Tổ Huệ Năng, Tam Tổ Tăng Xán, Ngài Long Thọ…

Và rồi tận cùng Thầy Thích Minh Châu đã viết với văn phong Lâm Tế rằng, “Phật giáo chỉ là Phật giáo khi Phật giáo  vượt qua chính cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của Phật giáo…” Nghĩa là, Thầy Thích Minh Châu đang lặng lẽ truyền pháp của Thiền Tông: bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền…

Nơi đây, chúng ta sẽ trích từ sách “Trước Sự Nô Lệ của Con Người: Con Đường Thử Thách của Văn Hóa Việt Nam” một số nơi đáng chú ý, khi Thầy dẫn ra Kinh điển Bắc Tông, và tư tưởng Thiền Tông.

.

Chương 1: Hãy nhìn thẳng vào chính mình

(Bắt đầu trích) "Vô uý là một trong những đức tính quan trọng mà đấng Thế Tôn đã dạy cho chúng ta. Đó là con đường của tất cả Bồ Tát. Hoá Thân của Đức Di Lặc sẽ mang đủ đức tính của Bất Không Thành Tựu Như Lai. Đó chính là tư thái thản nhiên của Ngài được thể hiện trong Vô Uý Ấn (abhaya mudrà)... [...]

Điều trên khiến chúng ta nhớ đến bình đẳng tánh trí và diệu quan sát trí hai trong bốn trí của Duy Thức Học.

Bình đẳng tánh trí (Samatājnāna) và Diệu Quan sát trí (Pratyaveksanājňāna) đưa đến Đại viên cảnh trí (Àdarsanajňāna), cứu cánh của giải thoát; đó mới chính là con đường giải thoát duy  nhất cho mỗi người trong chúng ta.

Tâm hồn thản nhiên trước sự vật và tâm trí mở ra trước huyền diệu, đó là đường đi của tất cả Bồ Tát, thể hiện cô đọng trong Vô Uý An (Abhaya mudrà) của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi), hoá thân của Đức Di Lặc." (ngưng trích Chương 1)

.

Chương 5: Hoà bình với sự sụp đổ của ngôn ngữ

(Bắt đầu trích)  “Khi đức Phật mở ra con đường giải thoát bằng việc phá chấp, phá bỏ tất cả mọi cố chấp và phá bỏ ngay việc cố chấp vào chính đạo phật, Đức Phật chỉ muốn cho con người ý thức tính cách giới hạn của biểu tượng và đồng thời ý thức tối hậu rằng chính Thực tại và Thực thể cũng là biểu tượng cuối cùng mà con người phải phá hủy, để được giải phóng toàn triệt. Đó cũng là ý nghĩa cách mạng triệt để của Lục tổ Huệ Năng khi Ngài nói: "Bản lai vô nhất vật", nói khác đi thì cũng có nghĩa là chính Thực tại chỉ là biểu tượng và biểu tượng này cũng phải vứt vỏ đi để không còn một vật nào hay một nơi nào hay một nơi nào mà con người có thể cố chấp trói buộc dù là Thực tối hậu hay biểu tượng tối hậu.[...]

Hiểu hòa bình theo nghĩa chống lại chiến tranh là còn hiểu theo bình diện tầm thường, như thể bị trói buộc trong hướng đi biện chứng pháp (processusdialectique) của chính ngôn ngữ, nói theo danh từ nhà Phật thì có nghĩa là còn phân biệt đối đãi giữa thực tế này với thực thể khác, chưa đạt đến "vô Phân biệt trí"; trong ý nghĩa ấy, Tổ Tăng Xán của Thiền Tông đã nói một câu ý nghĩa:"Chỉ động quy chỉ, chỉ cánh quy động" (ngăn động mà cần tịnh, hết ngăn lại động thêm), khi chiến tranh thì ta cầu hòa bình, nhưng hết chiến tranh thì lại chỉ là sống để chờ một trận chiến tranh khác dữ dội, do đó, hòa bình chỉ là hòa bình giai đoạn, có tính cách nhất thời.

Khi chúng tôi nói đến hòa bình, chúng tôi chỉ nói hòa bình toàn thể, hòa bình tâm linh, chỉ có hòa bình tâm linh mới là hòa bình duy nhất làm nền tảng cho tất cả hòa bình chính trị và quân sự.” (ngưng trích Chương 5)



ht minh chau

.

Chương 6: Ngay giữa lòng thế gian đau khổ

(Bắt đầu trích) “Trong Kinh Pháp Hoa, Phật dạy: tất cả các Đức Phật đều vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời; đại sự nhân duyên ấy, chính là mở bày cho chúng sinh tri kiến của Phật chỉ cho chúng sinh tri kiến của Phật, làm cho chúng sinh hiểu tri kiến Phật, khiến chúng sinh chứng nhập tri kiến của Phật… […]

 Trong Kinh Pháp Hoa phẩm "Như Lai thọ lượng" Phật lấy ví dụ một vị lương y vì đàn con ngộ độc nên chế sẵn món thuốc giải độc cho các con uống. Nhưng những người con mãi mê vui chơi không chịu uống, độc dược ngày một ngấm sâu vào cơ thể, người cha lương y bèn dùng phương tiện bỏ nhà ra đi phương xa rồi cho người về báo tin là mình đã chết. Đàn con khi ấy thương tiếc cha mới bắt đầu nhớ lời cha dặn và uống thuốc, nhờ đấy khỏi được bệnh. Đức Phật cũng thế, vốn là đấng Vô Thỉ, vô chung thọ mạng vô cùng, thường trụ bất diệt, là đấng toàn trí vượt trên sự tu học, nhưng vì chúng sinh mà thị hiện ra đời; thị hiện sáu năm khổ hạnh, thị hiện thành đạo, thị hiện nhập diệt. Vì sao? vì nếu chúng sinh thấy Như Lai thường còn chẳng mất thì dễ sanh lòng buông lung nhàm trễ, không sanh tâm tưởng nghĩ Đức Phật khó gặp. Do đó mà Như Lai đã dùng phương tiện nói rằng: “Các Tỳ Kheo nên biết, chư Phật ra đời khó có thể gặp được." (Pháp Hoa Kinh, Như Lai thọ lượng phẩm). Lại nữa pháp thân Phật to lớn bao trùm cả pháp giới; mà nay nhập thể trong một thân bé nhỏ,hữu hạn chịu những ràng buộc hữu vi: sinh, già, bệnh, chết của con người cũng chỉ vì một ý hướng nhân bản nêu trên… […]

Chính Đức Phật đã dạy trong Kinh Kim Cương:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.

Kinh Pháp Hoa có lấy dụ một thương nhân mang món báu lớn đi qua đường hiểm (tê trì trọng bảo quá hiểm lộ), chính là hoàn cảnh chúng ta hôm nay, mang kho tàng pháp bảo vô giá đi vào một giai đoạn cam go của thời mạt thế. Đức Phật đã cứu chúng ta, bây giờ đến lượt chúng ta hãy cứu lấy đức phật. (ngưng trích Chương 6)

.

Chương 9: Nền tảng của mọi khoa học và triết học nhân loại

(Bắt đầu trích) “Tất cả những chủ đề này đều nêu ra một thuộc tính trong những thuộc tính của Phật tính. Thực ra, đứng trên bình diện Chân Như quan thì Phật tính là Phật tính, tức là Như tính, gọi là Như Như mà chữ phạn gọi là Tathàtva hay tathatà; đứng trên quan điểm dựa trên chân lý như thật ấy (yathàbhù tàrthasthànadar-sana) thì Phật tính không có thuộc tính gì cả, bởi vì thuộc tính chỉ có lý do tồn tại trong hiện tượng giới… […]

Thấy được sự thật là hiểu biết Như thật (Yathà-bhùtam); hiểu biết như thật (Yathà-bhùtam) là hiểu biết đúng y như thực tại (Yathàtattvam) đúng theo sự kiện thiết thực (yathàrtha) nghĩa là nhận thức chân tướng của mọi sự vật. Vì lẽ đó, đạo Phật còn có tên là "đạo như thật" "yathàbhùtammarga" (kinh Bát Nhã, trang 15).” (ngưng trích Chương 9)

.

Chương 10: Nền tảng của mọi phương pháp giáo dục

(Bắt đầu trích) “Vô minh là nền móng của tà kiến, và vì tà kiến, do tà kiến, bởi tà kiến, nên con người mới nô lệ vào những ảo ảnh nguy hiểm để giết hại lẫn nhau. Chánh kiến đi đôi với Đạo đức; chuyển tà kiến thành chánh kiến thì chuyển được Ác thành Thiện. Nhà giáo dục Phật giáo không phải chỉ là người cố chấp vào một nguyên tắc đạo đức để mà bỏ quên thực chất linh động của đạo đức; chính kiến mới là không chấp trước vào vọng kiến; vọng kiến là sự chìm đắm trong những ảo ảnh, hư ảnh phù phiếm mà chạy trốn thực tại. Thực tại nằm trên Thiện và Ác; giai đoạn đầu là theo Thiện bỏ Ác, giai đoạn thứ hai là bỏ Ác theo Thiện, giai đoạn thứ ba là siêu hóa nhị tướng của vạn pháp để mà thể nhập Thực tại siêu việt… […]

Tinh thần vô chấp, vô trước, phải được thực hiện triệt để trong nền giáo dục Phật giáo; con người của chân lý là kẻ sống với chân lý mà không chấp trước và chân lý. Giáo dục phật giáo là giáo dục con người trở thành Phật tử để rồi không chấp trước vào bản vị Phật tử và trở về lại với con người, con người trọn vẹn, không phân biệt tôn giáo, nòi giống, giai cấp, Phật tử chỉ là Phật tử thực sự khi Phật tử vượt lên giới hạn của mình để nhập một với con người bằng xương bằng thịt ở khắp mọi chân trời. Chân lý bất nhị (Advaya) là nền tảng của tất cả mọi đường hướng giáo dục Phật giáo. Chân lý (satyatà) chính là bất nhị (advaya), con đường của sự thật(màrgasat), như Đức Phật đã dạy trong Kinh Lăng Già (Lankàvatàrausutra). Bất nhị là không phân biệt Phật giáo với những gì không phải là Phật giáo; Bất nhị là không phân biệt trí và Đức, Thiện và Ác, vô vi và hữu vi, tự thể và tha thể, bạn và thù, quốc gia và quốc tế.” (ngưng trích Chương 10)

.

Chương 11: Nền tảng của sự trùng phùng giữa văn hoá Đông phương và Tây phương

(Bắt đầu trích) “Chúng ta chỉ phân biệt Đông phương và Tây phương khi chúng ta đã đánh mất sự hòa điệu. Sự hòa điệu chỉ nằm tại nguồn; nơi suối nguồn, Đông phương và Tây phương không còn khác nhau, cả hai chỉ là một. Và con đường hướng về Suối nguồn duy nhất này chính là con đường "antadvayasunya" của Prajnà, mà Prajnà, chính là sự im lặng toàn triệt của tất cả mọi câu hỏi, vì tất cả câu hỏi đều bị quy định trong cơ cấu của ngôn ngữ, mà cơ cấu của mọi ngôn ngữ đều bị quy hướng trong con đường nhị phân hoặc đa phân. Trong tư tưởng Phật giáo của Nàgàr-juna thì Prajnà chính là Sunyatà mà Sun-yatà có nghĩa là "phi nhị tướng, ly lưỡng biên" tức là "không tướng" (laksanasu-nyatà) hoặc "không tự tướng"(svalaksan-astunyatà)

Chúng tôi muốn kết luận bằng một câu kệ của Long Thọ (Nàgarjuna) trong Màbhyamika-kàrikàs (Bid.Budd.IV):

Tất cả đều hòa điệu đối với kẻ nào hòa điệu với Không Tính.
Tất cả bấy hòa điệu đối với Kẻ nào không hòa điệu với Không Tính.” (ngưng trích Chương 11)

.

Và bây giờ, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc, khi đọc tới chỗ Thầy Minh Châu viết về tư tưởng Bất Lập Văn Tự --- của Thiền Tông, và cũng là cốt tủy của Phật Giáo. Nơi đây, chúng ta trích như sau, từ Chương 4.

.

Chương 4: Vượt ra ngoài biểu tượng và ngôn ngữ

(Bắt đầu trích) “Đối với đạo Phật, con đường dẫn đến Niết bàn phải là công bình, đặt trọng tâm vào tự nguyện và sự tùy thuận của từng cá nhân không bao giờ dùng áp lực mà bắt buộc (như đại ý của Kinh Kuladanta), nhưng công bình chỉ là ý niệm, bước đầu trong đời sống tâm linh, khi đời sống tâm linh mình trở nên sâu sắc và đã giải thoát  rồi thì công bình tự nhiên xuất phát từ nhất cử nhất động của mình, công bình lúc ấy hòa nhập với trí tuệ và đối với Phật giáo, công bình  không phải xuất hiện giữa hai thực thể (chủ thể và khách thể) mà công bình phải bắt đầu ngay trung tâm điểm; trung tâm điểm ấy tức là tâm thức con người: do đó, phải cách mạng nơi tâm thức con người thì mới có thể đem đến công bình thực sự cho thế giới. Cuộc cách mạng tâm thức chỉ có thể thực hiện, khi mỗi người trong chúng ta không còn ôm giữ lấy cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của tôn giáo mình và ý thức rằng Thực tại chỉ có thể thực hiện bên trong tự thể của mình thôi (Pali gọi là paccattam ve-ditabbo vinnuhi= Pratyatmyavedya). Trong quan niệm của Phật giáo, Phật giáo chỉ là Phật giáo khi Phật giáo  vượt qua chính cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của Phật giáo, vì thực tại không thể nào xác định được bằng bất cứ ngôn ngữ hay biểu tượng nào (avyà krta). Niết bàn là chấm dứt tất cả mọi vọng tưởng (vikalpa), tức là phá bỏ vô minh (avidyà), phá bỏ chấp trước đeo níu (rà-ga) ác ý (dvesa) và ảo tưởng (moha). Giới (sila) Định (sammàdhi) và Tuệ (Pra-jna) là công bình trong đức hạnh, công bình trong tâm thức và công bình trong trí huệ: Niết Bàn là sự toàn thiện của Giới, Định, Tuệ.

Chỉ khi nào chúng ta không còn nô lệ vào ngôn ngữ và biểu tượng, chúng ta mới đạt được sự công bình trong Trí Huệ, công bình trong Trí cũng chính là trí huệ công bình, tức là trí huệ bình đẳng; chữ nhà Phật gọi đó là bình đẳng tánh trí; đó là trí huệ của một người vượt ra ngoài mọi quan niệm, mọi cơ cấu biểu tượng và ngôn ngữ (nivikalpajnana).

Chỉ khi nào chúng ta quan niệm nền tảng của tôn giáo như là (nivikalpajnana) nghĩa là "tri kiến thuần túy vượt ra ngoài mọi cơ cấu ngôn ngữ ý niệm" thì chúng ta mới có thể đối xử mọi tôn giáo một cách công bình và từ sự công bình của nền tảng tôn giáo, chúng ta mới có thể xây dựng công bình thế giới.” (ngưng trích Chương 4)

.

Ý chỉ Bất Lập Văn Tự

Chúng ta thử phân tích vài khái niệm trong Chương 4 vừa dẫn.

Trước tiên, là chữ “biểu tượng” – tức là, sử dụng một ký hiệu, hay một hình ảnh, hay một ký tự, hay một chữ, hay bất kỳ một cái gì để chỉ về một cái gì khác được cho là rất khó mô tả. Trong Thiền Tông, hình ảnh thường gặp nhất là dùng “ngón tay” để “chỉ trăng.” Ngón tay là biểu tượng, cần ngó theo ngón tay (dựa vào biểu tượng) mới thấy mặt trăng (thực tướng muốn thấy). Ngón tay không phải mặt trăng, biểu tượng không phải thực tướng.

Tương tự, “ngôn ngữ” chính là một hệ thống biểu tượng của một dân tộc. Thực tại chỉ có một, trong khi lại có nhiều ngôn ngữ khác nhau của nhiều dân tộc khác nhau chỉ để nói về một thực tại ở cõi này. Không có ngôn ngữ để dùng như biểu tượng, sẽ không truyền thông được, và cũng không chỉ ra được điều muốn nói hay nơi muốn tìm.

Kinh Viên Giác viết rằng: "Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ. Nhược phục kiến nguyệt, liễu tri sở tiêu, tất cánh phi nguyệt. Nhất thiết Như Lai chủng chủng ngôn thuyết khai thị Bồ-tát diệc phục như thị."

Bản dịch của Thầy Thanh Tử là: "Kinh giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết rõ ngón tay rốt ráo không phải là mặt trăng. Tất cả ngôn giáo của Như Lai khai thị cho Bồ-tát cũng như thế."

Bởi vậy, Thiền Tông đã ghi lại huyền thoại Đức Phật cầm đóa hoa lên lặng lẽ trước đại chúng; lúc đó, chỉ có ngài Ca Diếp ngộ được ý chỉ, mỉm cười. Sự tích “Niêm hoa vi tiếu” này là vượt ra ngoài ngôn ngữ. Thực tướng nào được Đức Phật hiển lộ nơi đây? Đơn giản, ngài Ca Diếp nhận ra ngay đây là cái được thấy, cái lìa ngôn ngữ, lìa biểu tượng, lìa mọi ý niệm tư lường. Chỉ có Thiền Tông mới siêu vượt tất cả ngôn ngữ và biểu tượng, để rồi nói ngắn gọn là Bất Lập Văn Tự, Giáo Ngoại Biệt Truyền.

Thầy Thích Minh Châu trong Chương 4 cũng viết "tri kiến thuần túy vượt ra ngoài mọi cơ cấu ngôn ngữ ý niệm." Nghĩa là, nơi đây, Thầy Minh Châu nêu lên giáo lý vô niệm của Lục Tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thầy Minh Châu không mượn phương tiện Niệm thân, hay Niệm thọ, hay Niệm tâm, hay Niệm pháp… Nơi đây, Thầy đã nói trực chỉ là hãy thấy "tri kiến thuần túy vượt ra ngoài mọi cơ cấu ngôn ngữ ý niệm." Đây là Thiền Tông, đây là Tổ Sư Thiền, là lìa ngôn ngữ, là lìa ý niệm, là không mượn bất kỳ phương tiện nào.

Tại sao vô niệm? Chúng ta hãy thí dụ bằng hình ảnh cụ thể. Giả sử bạn đang xem truyền hình, chương trình gì đó. Giả sử, đang xem kịch. Trong khi xem kịch, bất chợt bạn khởi niệm, nghĩ tới ngày mai đóng tiền nhà, hay nghĩ tới hồi chiều quên đi chợ, hay khi thấy hình ảnh góc phố trên TV lại nhớ tới thời thơ ấu, hay khởi niệm chê diễn kịch dở hay khen kịch hay… Bất kỳ ý niệm nào khởi lên, đều làm gián đoạn việc bạn đang xem kịch, và bạn có thể mất đi một khoảng thời gian trong kịch. Đó là cái được thấy. Trong khi bạn đang thấy, hễ khởi lên bất kỳ ý niệm nào, cũng làm xen tạp vào cái được thấy, và chỉ làm phá hoại hay gián đoạn cái được thấy.

Bây giờ tới cái được nghe. Giả sử bạn đang nghe một ca khúc. Trong khi đang nghe, bất chợt bạn khởi niệm, nghĩ tới ngày mai đóng tiền nhà, hay nghĩ tới hồi chiều quên đi chợ, hay khi nghe một nốt nhạc quen thuộc thế là lại nhớ tới thời thơ ấu, hay khởi niệm chê hát nhạc dở hay khen nhạc hay… Bất kỳ ý niệm nào khởi lên, đều làm gián đoạn việc bạn đang nghe nhạc, và bạn có thể mất đi một khoảng thời gian trong chuỗi nốt nhạc. Đó là cái được nghe. Trong khi bạn đang nghe, hễ khởi lên bất kỳ ý niệm nào, cũng làm xen tạp vào cái được nghe, và chỉ làm phá hoại hay gián đoạn cái được nghe.

Nơi đây, Thiền Tông dẫn chúng ta về Kinh Bahiya, khi Đức Phật từ bi dạy rằng hãy để cái được thấy chỉ là cái được thấy, và hãy để cái được nghe chỉ là cái được nghe (và hiểu ngầm rằng, như Lục Tổ Huệ Năng nói, và như Thầy Minh Châu lập lại: rằng bất kỳ niệm nào khởi lên đều làm quậy sóng dòng sông thực tại).

Đó là hình ảnh của Thầy Thích Minh Châu đang quảng diễn pháp môn Bất Lập Văn Tự, Giáo Ngoại Biệt Truyền.

 

GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 5.26: https://suttacentral.net/an5.26/vi/minh_chau

(2) Kinh AN 6.46: https://suttacentral.net/an6.46/vi/minh_chau

(3) Đại Thừa và sự Liên Hệ với Tiểu Thừa: https://thuvienhoasen.org/a5928/dai-thua-va-su-lien-he-voi-tieu-thua

(4) Trước Sự Nô Lệ của Con Người: https://thuvienhoasen.org/p87a26169/truoc-su-no-le-cua-con-nguoi

 

 

 



facebook

youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2023(Xem: 4248)
Chùa Sắc Tứ Kim Sơn Nha Trang tổ chức Lễ Hiệp Kỵ lần 56 Chư Tôn Đức & Quý Phật tử hy sinh vì lý tưởng phụng sự xã hội ngày 10/6/2023
09/06/2023(Xem: 3152)
Người anh tôi đang thưa chuyện tên là Lê Hùng Anh một thời ở chùa Viên Giác, Hội An. Hai anh em chúng tôi ăn chung, ngủ chung. Phòng ăn là hai chiếc bàn học dài nối nhau nhìn ra giếng nước sau chùa. Ngồi theo thứ tự tuổi tác nên tôi luôn ngồi phía bên trái anh mỗi bữa ăn. Anh em ngủ chung trong căn phòng nhỏ dành cho các học sinh ở phía cuối nhà đông. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và mạnh khỏe nên gánh nước tưới rau. Tôi nhỏ hơn anh và ốm yếu nên quét lá, đánh chuông, lau bàn ghế.
01/06/2023(Xem: 8292)
Ôn Tuệ Sỹ là một bậc cao Tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam đã và đang cống hiến trọn đời mình cho công cuộc hoằng Pháp lợi sinh. Từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, là một trí giả Phật giáo uyên thâm, Ngài được đặc cách bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh và là Chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ngài là tác giả, dịch giả nhiều bộ sách biên khảo quan trọng đặc sắc về Phật giáo, Văn học, Triết học, Thơ ca như Thiền Luận Suzuki, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo; nhất là các bản dịch giá trị để lại cho đời như: A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận (trọn bộ 5 tập), Các Tông Phái Phật giáo, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Luận Thành Duy Thức, các bộ Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, v.v...
31/05/2023(Xem: 3082)
Cố Hương tiễn bước thong Dong, Tịch nhiên xã báo, sắc không trở về. Chơn tâm nối gót Bồ đề, Dung nghi tướng Phật, nguyện thề Vân Du.
25/05/2023(Xem: 5174)
Hạnh Đoan một dạ hướng an thiền Tu tập tinh cần kết thiện duyên Nhập thất trì kinh nuôi ước nguyện Bế môn lễ Phật dưỡng tâm nguyền Âm thầm chuyển ngữ truyện nhân quả Lặng lẽ ghi lời sách hoá duyên Viên Chiếu một thời lưu dấu ấn Ngày về cảnh Phật ngát hương liên..!
23/05/2023(Xem: 2805)
32- Tiểu Sử Thượng Toạ Thích Minh Phát 1956-1996
07/05/2023(Xem: 2342)
Hòa thượng Giác Quang – thế danh là Đàm Hữu Phước, sinh ngày 30/4/1947 (nhằm ngày 10/3 âm lịch, năm Đinh Hợi) tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình đạo đức gia phong, thân phụ là cụ ông Đàm Hữu Lượng – một y sĩ đức độ nhân từ, thân mẫu là cụ bà Võ Thư Tư – một nhà giáo lương hiền phúc hậu, được dân làng trân trọng và kính quý.
04/05/2023(Xem: 3769)
Cáo Bạch Tang Lễ Sư Cô Thích Nữ Giác Trí (1948-2023) tại Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu
03/05/2023(Xem: 4394)
Trường Sức khỏe Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard hôm 26/4 vừa thành lập Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh với một hội nghị chuyên đề có sự tham gia của các thiền sư và học giả trên khắp thế giới, trong đó có các đại đệ tử của cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sứ mạng của trung tâm này là ‘giúp cho con người trên khắp thế giới sống có mục đích, sống thanh thản, sống yêu đời thông qua thực hành chánh niệm’; thực hiện các phương cách thực chứng để cải thiện sức khỏe và sự an lạc thông qua chánh niệm và giáo dục công chúng về chánh niệm, thông cáo báo chí của Đại học Harvard cho biết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]