Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dưới ánh từ dung, kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939 - 2021)

12/02/202219:58(Xem: 3172)
Dưới ánh từ dung, kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939 - 2021)

 Dưới ánh từ dung

 Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939 - 2021)
Bài vi
ết của Hoa Lan Thiện Giới do Cư Sĩ Diệu Danh diễn đọc 

 

 

Lúc tôi đến với Cửa Không vào những năm một chín chín mấy đó tại Berlin thủ đô của nước Đức, quả thật bước vào cánh cửa không có cái gì: không có Chùa, chỉ có Niệm Phật Đường Linh Thứu, không có Sư, phải mượn Thầy của Viên Giác ở Hannover hay Ni Sư của Bảo Quang ở Ham burg. Berlin là đỉnh đầu tam giác, cách hai nơi kia khoảng cách chừng ba trăm cây, nên khi có khóa tu hay hữu sự cứ việc thỉnh hai Vị về. Ai cũng là số một ở xứ Đức từ đó đến giờ. 

 

Vào cuối năm 1996, mẹ tôi đột ngột ra đi với căn bệnh nan y, tôi chưa là Phật tử thuần thành, chỉ mới lấp ló trước cổng Tam Quan, nên rất hoảng sợ trước việc hậu sự không biết phải làm gì? Nhân vật chính tôi ngưỡng mộ và đặt hết niềm tin lại dẫn phái đoàn đi hành hương Ấn Độ, lại còn dẫn theo cả bác Chi Hội Trưởng của Chi hội Berlin nữa. May quá trong ban trai soạn còn sót lại một vị lo việc cúng Thất mỗi tuần cho mẹ tôi, đó là hình ảnh Sư Cô Hạnh Thông lúc chưa đi tu.
 

Một duyên lành to lớn nữa là hôm làm lễ nhập quan tại nhà quàn, chúng tôi đã thỉnh được Ni Sư Bảo Quang. Công thỉnh Ni Sư do anh Thị Hiện chủ động cho đám của bố anh, tôi chỉ xin cùng thỉnh vì tình cờ hai cụ cùng ra đi trong cùng một thời điểm. 

 

Hình ảnh Ni Sư trong chiếc Y vàng, bên cạnh những chiếc áo tang buồn bã và những giọt nước mắt chảy tèm lem trên má, đã ghi lại nhiều ấn tượng lớn trong tôi. Nhất là được nghe bài Sám hồng trần ai oán khi bưng bát cơm có cắm đôi đũa, không ai có thể cầm được nước mắt! 

 

Đúng là người chết đã độ được người sống, kể từ đó mỗi lần Sư Bà lên Berlin truyền giới Bát quan trai là tôi đều tham dự. Thị giả ở Berlin của Sư Bà là Diệu Minh, người nổi tiếng với món chả giò khoai môn và hoành thánh chiên, đã gắng công ngồi viết bài "24 giờ tu học tinh khôi" sau khóa tu của Sư Bà và nhờ đăng trong trang nhà của Chùa Linh Thứu. Mỗi lần Sư Bà lên Berlin, chúng tôi gồm những Phật tử thuần thành như Diệu Minh, Thiện Giới và Thiện Tiến hay rủ nhau vào gõ cửa phòng Sư Bà nghe kể chuyện. Những buổi gặp kín trong phòng nói chuyện thoải mái vui vẻ hơn ngoài chánh điện, khiến chúng tôi kính yêu Sư Bà nhiều hơn nữa. Chúng tôi phải hứa mỗi lần Phật Đản, Vu Lan ở Hamburg cố gắng lên tham dự và đặc biệt các khóa tu Phật thất. Thời gian ấy Sư Bà còn khỏe, chúng tôi cũng còn sức nên đi đi về về rất nhiều, thật là hạnh phúc!

 

Tôi còn được diễm phúc về thăm ngôi Chùa Tổ, Bảo Quang ở Đà Nẵng của Sư Bà. Là vị Đại Sư Tỷ đứng đầu ít nhất mười vị Sư Muội tài đức vẹn toàn, ai cũng Trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng và công hạnh hoằng dương Chánh Pháp đều là số một. 

 

Năm 2005, tôi được tháp tùng một vị Sư Muội tháo vát của Sư Bà, đó là Ni Sư Linh Thứu, về Đà Nẵng - Hội An dự lễ đặt viên đá xây chùa Hương Sơn của vị tiểu Sư Muội. Năm sau tôi lại về, lần này ngôi chùa đã hoàn thành thật trang nghiêm và rộng lớn trong vùng núi Ngũ Hành Sơn của đất trời xứ Quảng.

 

Một kỷ niệm khó quên cho chuyến đi đột xuất của tôi. Hôm ấy tôi được tin nhắn của Ni Sư Linh Thứu, phải vào Đà Nẵng để làm một số Phật sự, có lẽ ra Bắc làm từ thiện. Lúc ấy tôi đang ở Nha Trang, vội mua vé xe đò qua đêm về Đà Nẵng sáng sớm. Đến chùa Bảo Quang được Ni Sư Diệu Cảnh cho biết mọi người đang ở Điện Bàn quê nhà làm giỗ cho cụ bà, mẹ của hai vị Trụ trì Linh Thứu và Bảo Vân. Ni Sư còn đề nghị kêu anh xe ôm của Chùa đến chở đi, lúc ấy đã mười hai giờ trưa nắng cháy da làm mờ cả mắt. Tôi đồng ý ngay, còn cám ơn mọi người, bỏ luôn hành lý lại Chùa cùng anh xe ôm về làng làm cuộc hành trình 30 cây rong ruổi. Anh ấy không biết đường chạy, phải vừa đi vừa hỏi "Bóng đa chùa Viên Giác chạy đường mô?". Cả tiếng đồng hồ vất vả hỏi đường, chúng tôi cũng đến đầu làng, đã thấy hai hàng cau thẳng tắp của ngôi chùa. Đi ngang qua nhà bác Năm gặp Cô Tuệ Đăng vẫy chào, rồi vài bước lại gặp Cô Huệ Châu vẫy gọi, giọng đầy thân thương và kinh ngạc. Đến nơi đám giỗ đã xong, mọi người đều ngạc nhiên đến sửng sốt khi thấy cô Thiện Giới xuất hiện.

Năm sau tôi cũng cùng phái đoàn có cả Thiện Bảo và Thiện Tiến, lần này ghé qua nhà từ đường của Ông Hai, người anh cả của Hòa Thượng Phương Trượng, chụp vài tấm hình kỷ niệm để về còn khoe Sư Phụ.

 

Tình hình các Chùa tại Đà Nẵng và Hội An của các Sư Muội, rất ngưỡng mộ vị Đại Sư Tỷ Bảo Quang tại Đức Quốc. Mỗi năm đều mong có dịp lễ lạc để được bảo lãnh sang chơi vài tháng cho thỏa tình tỷ muội đồng môn.  

 

Còn bên Đức Quốc, vai trò của người Ni Trưởng cũng rõ ràng hơn, các đệ tử của Người đa số đã lập chùa riêng như Ni Sư Tuệ Đàm Châu, Trụ trì Chùa Bảo Đức ở Oberhausen; Ni Sư Tuệ Đàm Vân, Trụ trì Chùa Bảo Liên ở Odense - Đan Mạch; Ni Sư Tuệ Đàm Hương, Trụ trì Chùa Thảo Đường ở Moskau - Nga. Và Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, đương kim Trụ trì Chùa Bảo Quang ở Hamburg.

 

Ai đã từng làm từ thiện, dưới mọi hình thức nào hay chương trình nào ở xứ Đức, cũng đều phải thông qua một tiếng với Sư Bà Bảo Quang Hamburg, vị Ni Trưởng này được Giáo Hội PGVNTN tại Âu Châu  bổ nhiệm cho vai trò này. 

 

Đang viết đến đây, một ý tưởng đột xuất chợt dao động lòng tôi. Ngày mai là ngày lễ Di quan của Người, các tin tức trên mạng xã hội, nhất là trang nhà Quảng Đức đưa tin dồn dập, có cả livestream. Tại sao tôi lại ngồi nhà, nhớ chuyện ngày xưa rồi thả hồn thương nhớ Sư Bà, không mua vé xe lửa tốc hành lên thẳng chùa Bảo Quang, chỉ cần hai tiếng đồng hồ là được gặp bao nhiêu vị Tôn Túc, bạn Đạo và nhất là được đảnh lễ Sư Bà lần cuối. Cứ viện cớ Covid này corona nọ rồi yếu hèn, đã chích ngừa đủ hai mũi rồi còn sợ gì nữa. Một quyết định sáng suốt tuyệt vời! 

 

Cầm tấm vé xe lửa mua gấp trong tay, mua vội mà vẫn được giá rẻ, tôi chưa tin vào phước báu của mình. Việc làm đầu tiên là điện thoại báo tin cho anh chị Chủ Bút Phù Vân xin chỗ ngủ vì sợ Chùa quá đông, hai vị này rất hiếu khách!

 

Buổi chiều hôm đó, Nhị vị Hòa Thượng của Giáo Hội Âu Châu với Y áo trang nghiêm ngồi hai bên trước linh cửu của Ni Trưởng, để nghe và chứng minh các lời tác bạch phúng điếu của các hội đoàn từ khắp nơi đổ về. Đệ nhị MC cho chương trình này là Thầy Hạnh Giới, người có khả năng điều khiển các tiết mục một cách thuần thành cứ như thõng tay đi vào chợ.

 

Vì anh Phù Vân thấy tôi sắp lên Hamburg, giờ tàu đến lúc 18 giờ vẫn còn sớm, chắc Nhị vị Hòa Thượng vẫn chưa khóa sổ cho Hội đoàn Tri Ân Nước Đức ở Berlin của chúng tôi. Nên bắt tôi phải đón Taxi từ nhà ga đến Chùa cho kịp giờ.

Taxi vừa đậu trước cổng Chùa, ngay trước mũi chiếc xe tang trang hoàng bốn phía dắt đầy hoa và trên mui gắn một tượng Phật A Di Đà bằng gỗ chạm trổ rất tinh xảo. Vừa lúc ấy chắc sau giờ cơm chiều với món bún riêu, các Chư Tăng Ni cùng Phật tử thong thả đi bách bộ quanh Chùa, dọc theo dòng sông Elbe bao bọc phía sau sân chùa. Một cảnh tương tự như chùa Bảo Thắng ở Hội An, nơi Sư Bà khi xưa đã xuất gia tầm Đạo. 

 

Trời mấy hôm nay nắng gắt, đã 19 giờ chiều mà vẫn còn nóng hừng hực. Chư Tăng Ni với khẩu trang và cách giãn 1,5 mét quây quần bên kim quan và di ảnh của Ni Trưởng đặt trong Giác Linh Đường, để cùng nhau làm lễ tưởng niệm Ni Trưởng. Chư Tôn Đức cùng chúng đệ tử của Người, truy tán công đức, tâm tình và cảm niệm tri ơn tất cả những tận tụy phụng hiến của Sư Bà đối với Đạo pháp và Dân tộc trong suốt 60 năm qua.

 

Các hàng Phật tử chúng tôi chỉ được ngồi ngoài sân, theo dõi diễn biến qua các màn ảnh lớn, âm thanh rõ ràng phát ra từ những chiếc loa dấu kín trong các góc. Thỉnh thoảng lại có các anh trong ban trật tự đến nhắc nhở phải đeo khẩu trang, kẻo nhân viên nhà nước tới bắt gặp sẽ phiền toái, ai không có khẩu trang sẽ được phát miễn phí. Ngày xưa làm gì có những chuyện này! 

 

Tôi chỉ chọn ra những điều có liên quan đến Sư Bà mà ít người biết đến do HT Phương Trượng kể lại. Câu truyện của những năm 1963, một năm khói lửa của Phật giáo. Chuyện Hòa Thượng Như Huệ giả gái! Năm ấy Sư Như Huệ còn rất trẻ, vì chuyện đấu tranh chống đàn áp Phật giáo nên phải trốn vào chùa Bảo Quang ở Đà Nẵng tỵ nạn. Chùa bị bao vây, Người phải giả làm Ni Cô cùng Ni Cô Diệu Tâm ung dung bước ra khỏi Chùa, thuê xích lô cùng trốn thoát. 

Câu chuyện thứ hai về Sư Bà Bảo Quang giảng Pháp tại Tiệp. Sau gần hai tiếng giảng về giáo pháp nhiệm mầu của Như Lai cho các bà con định cư tại xứ Tiệp. Sư Bà quay lại hỏi mọi người với nụ cười hiền hòa: "Quý vị có hiểu Sư nói gì không?".

Có một anh giơ tay, can đảm trả lời: "Dạ không, tại Sư Bà nói tiếng Đức nên tụi con không hiểu ạ!".

 

Vì trời nóng nên tôi hay vào văn phòng có máy lọc nước lạnh nóng tìm uống, rồi gặp các "Tiên nữ" ngồi ghi sổ cúng dường tại đó. Tôi gọi các chị là Tiên nữ vì người nào cũng phát hảo tướng, chắc do công đức chăm sóc Sư Bà tốt trong nhiều năm nay.

 

Sau đó nghe tiếp các lời bộc lộ chân thành, giọng nghẹn ngào đầy nước mắt của các Cô đệ tử yêu của Sư Bà. Hay của anh Nguyên Đạo, bào đệ bé nhỏ của Sư Bà, được nuôi dưỡng và giáo dục như hình ảnh người mẹ thay vì người chị cả, mong cho hai em ăn học thành tài, ít nhất cũng là bác sĩ, kỹ sư. Và ước nguyện của Sư Bà đã thành hiện thực. 

 

Sau 9 giờ tối, đáng lẽ đến mục thả đèn Hoa Đăng trên sông nước sau Chùa. Nhưng mùa hè trời sáng trưng, phải đợi đến bao giờ đây. Mọi người cần nghỉ ngơi sớm để dành sức cho ngày mai dự lễ Di quan và Trà tỳ.

 

Sáng thứ năm ngày 17 tháng 6 năm 2021, đúng 7 giờ sáng mọi người đã vân tập đầy đủ tại sân Chùa. Chúng tôi vào lạy tiễn biệt Sư Bà ba lạy, nhìn ra phía ngoài thiên hạ đã xếp hàng chờ đến lượt khá dài.

 

Buổi lễ đã bắt đầu với bao nhiêu nghi thức của Phật giáo, Thầy Hoằng Khai với Y áo mũ mão long trọng của một vị Chủ Đàn tràng cùng với 6 vị trong ban Chuẩn Tế. 

  nhà quàn đã cử 6 nhân viên cao lớn khỏe mạnh, mặc đồng phục màu đen, đội mũ ống, đeo găng tay trắng làm nhiệm vụ một cách trang trọng. Dẫn đầu là HT Thích Tánh Thiệt với Mũ mão Y áo nổi bật làm sáng cả bầu trời, theo sau là HT Thích Như Điển, rồi đến các Chư Tăng Ni, chủ yếu đến từ nước Đức và Âu Châu, các em trong Gia Đình Phật Tử Pháp Quang, các vị Phật tử của nhiều nơi đổ về, nhiều nhất vẫn là Hội Hamburg và vùng phụ cận.

 

Hai xe hoa dẫn đầu, một với tượng Phật A Di Đà và xe sau với di ảnh của Ni Trưởng. Đoàn xe treo cờ Phật giáo chở các Phật tử nối đuôi nhau ra chỗ làm lễ Trà tỳ, tiễn đưa vị Ni Trưởng thân thương thêm một quãng đường, đến trước cổng thì mất dấu. Vì thời Covid họ chỉ cho 10 người vào làm lễ, ai quan trọng trong buổi lễ sẽ được chọn, còn không đứng ngoài chụp ảnh lưu niệm với các vị Tôn Túc.

 

Lúc nghe Thầy Hạnh Tấn đọc bản di chúc viết năm 2012 của Ni Trưởng, tôi vừa cảm động vừa hân hoan vui sướng trong lòng, vì 4 nơi, 4 địa danh Ni Trưởng muốn gửi gấm tro cốt của mình, tôi đã được đi qua. Hũ Nhân Duyên tại chùa Sư Nữ Bảo Thắng ở Hội An rải vào dòng sông Chợ Được. Hũ Thầy Tổ đặt tại ngôi Tháp nhỏ bên Tháp Sư Phụ trong khuôn viên Tổ đình Tường Vân ở Huế. Hai nơi này chính Sư Bà Linh Thứu đã dẫn tôi đến một lần. Hũ Đảnh Lễ rải hơi xa bên Đất Phật, nhưng núi Linh Thứu thì tôi cũng đã một lần leo lên cùng Thầy Đồng Văn và Giác Trí. Hai vị này tam bộ nhất bái từ chân núi lên tới đỉnh. Hũ thứ tư Cảm Tạ và Tiếp Nối để lại nơi nghĩa trang này đây tại Hamburg. 


 Su ba Dieu Tam (1)
Hình ảnh Sư Bà chứng minh 
Lễ Tang cho Mẹ tác giả Hoa Lan Thiện Giới năm 1996 tại Berlin

 Su ba Dieu Tam (1)

Sư Bà trong buổi Thọ Bát Quan Trai tại chùa Linh Thứu - 2009.

 

 Su ba Dieu Tam (2)

Sư Bà Bảo Quang, HT Minh Tuyền, HT Thông Hải tại Nhật Bản, 2012.

 

 Su ba Dieu Tam (3)

Trước Kim Các Tự tại Nhật Bản, 2012.

 

 

 Su ba Dieu Tam (4)

Trong sân Chùa Bảo Quang Hamburg trước Lễ Di Quan, 2021.


Một cái tên Yến Phi, Sư Bà Bảo Quang đã tặng chị Thanh Phi nhân chuyến thăm Tu Viện Quảng Đức, làm tôi nhớ tới một nhân vật quen biết ngày xưa ở Nha Trang, Sư Bà thường hay nhắc đến. Vào năm 1963, tôi vừa tròn 10 tuổi học lớp Nhất trường Tiểu Học Tân Phước ở Nha Trang. Trong lớp xuất hiện một nhân vật đặc biệt mang tên Phi Thị Yến ngồi cuối lớp, tuổi khoảng mười sáu tóc dài dáng thiếu nữ, trong khi chúng tôi chỉ là một lũ con nít loai choai. Nghe đâu chị Yến nhà nghèo thuộc diện "mẹ góa con côi", phải phụ mẹ buôn bán nên đi học trễ. Chị học rất giỏi và tôi cũng mến chị. 


hanh-huong-chau-au-5-8-2015-383Phật tử Thanh Phi (bên phải) chấp tay chào từ biệt Sư Bà Diệu Tâm khi phái đoàn hành hương 
Tu Viện Quảng Đức ghé thăm Sư Bà vào tháng 8 năm 2015

Lúc ấy phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo lên rất cao ở Nha Trang. Bà nội tôi là Phật tử của chùa Hải Đức Phật Học, đã theo phái đoàn Chùa ra Ty Thông Tin ngoài phố biểu tình tuyệt thực, đã dắt tôi theo cùng tuyệt thực giữa trời nắng chang chang. Thế rồi vài tháng sau, cả tỉnh chấn động vì tin chị Phi Thị Yến đã tự thiêu vì Đạo Pháp.

 

Sư Bà đã xả bỏ xác thân rồi! Đi thay chiếc áo mới đẹp hơn chứ! Tuổi thọ của Sư Bà còn cao hơn cả Đức Thế Tôn ngày xưa mà, nên hôm thứ bảy nghe tin chấn động tôi chẳng thấy chấn động nhiều, còn vui mừng niệm câu A Di Đà Phật khi nghe tin Sư Bà ra đi thanh thản. Nhưng sau đó hai ngày, những kỷ niệm tu học vui buồn cùng Sư Bà và chùa Bảo Quang, Linh Thứu đã tràn ngập lòng tôi, những chuyến hành hương Nhật Bản dư âm còn đâu đó. Lúc ấy tôi mới thấm, thế nào là sự mất mát to lớn? Tôi phải mua vé ngay để lên gặp được Sư Bà một lần cuối, cho dù chỉ nhìn qua di ảnh. Bức ảnh quá đẹp, với khuôn mặt phúc hậu, tỏa sáng, với nụ cười đầy vẻ từ bi, sẽ là hình ảnh Sư Bà Bảo Quang mãi mãi trong trái tim tôi. 

 

Nam Mô A Di Đà Phật. 

 

Hoa Lan - Thiện Giới. 

Tháng 6 năm 2021.

 



 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2011(Xem: 5494)
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu nhân vật với tư cách là người đứng đầu đất nước đã có những kỳ tích lẫm liệt đối với đất nước. Có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước, hoặc có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lãnh vực đó.
10/08/2011(Xem: 3893)
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Ngọ (tức 7 – XII - 1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài lên ngôi vua, trải qua hai niên hiệu là Thái Bảo và Trùng Hưng.
10/08/2011(Xem: 5006)
Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra từ 25 đến 27.11.2008 tại Quảng Ninh. Trong dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị hàng năm tổ chức tưởng niệm ngày mất của ngài (1.11.1308) như Quốc giỗ của Phật giáo và trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
10/08/2011(Xem: 4881)
Đã có 92 tham luận của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến cuộc hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông hôm qua 26-11, tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh).
10/08/2011(Xem: 3951)
Trần Nhân Tông phải được coi là nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch trình phong kiến Việt Nam và cũng là nhân vật kiệt xuất nhất trong sơ đồ Phật giáo Việt Nam, một trong những niềm tự hào lớn lao nhất của dân ta.
10/08/2011(Xem: 4879)
Về cuộc đời và sự nghiệp lịch sử, giải thoát của vua Trần Nhân Tông, đã có nhiều công trình biên khảo: Trần Nhân Tông, thiền sư Việt Nam; Trần Nhân Tông, nhà văn hóa; Trần Nhân Tông, nhà thơ; Trần Nhân Tông, nhà quân sự; Trần Nhân Tông, nhà lãnh đạo lỗi lạc; Trần Nhân Tông, nhà tư tưởng... Trong bài khảo luận ngắn này, người viết chỉ đề cập đến một số nét tiêu biểu về Tiểu sử, sở đắc giải thoát và Tư tưởng Phật học của Người.
10/08/2011(Xem: 4289)
Lịch sử dân tộc VN không có nhiều vị vua có được sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như Vua Trần Nhân Tông. 50 năm cuộc đời, nhà vua để lại bao lưu luyến cho những người đương thời và hậu thế... - nhận định của GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo VN tại TPHCM.
09/08/2011(Xem: 4221)
Gần đến kỷ niệm 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông, chúng ta vẫn phải đặt những câu hỏi về tuổi tác, về trách nhiệm, về kế lâu dài, về sự tự do và tự trọng của các cá nhân trong xã hội…
09/08/2011(Xem: 3673)
Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông (1258-1308) đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm.
09/08/2011(Xem: 4090)
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi khoác tăng bào ở tuổi 40 đã chu du khắp nơi để thuyết pháp, giảng kinh, khuyên dân chúng giữ gìn mười điều lành, và từng trở về kinh đô Thăng Long tổ chức lễ thụ Bồ tát giới cho vua Trần Anh Tông và quan lại triều đình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567