Kính bái bạch Chư Tôn đức Tăng, Ni
Kính thưa quý quan khách, quý thân hữu, cùng quý liên hữu Phật tử,
Kính thưa liệt quý vị,
Đôi lời giao cảm
Được chư Tôn đức Tăng, Ni trong GH và gia đình tin tưởng giao trách nhiệm cho chúng tôi biên soạn tiểu sử của TT. Thích Phước Hựu. Thú thật, những gì chúng tôi biết cũng như trong gia đình hiểu biết về thầy rất ít. Nhất là từng điểm móc thời gian, tức những năm tháng xảy ra những sự kiện hoạt động của thầy, và những quá trình tu học, hành đạo trong suốt thời gian thầy còn ở Việt Nam, phải nói rằng không ai biết rõ tất cả. Ngoại trừ chỉ có đương sự mới biết hết mà thôi. Do đó, nên trong bản tiểu sử này, chúng tôi chỉ nói một cách khái lược đơn sơ chung chung thôi, do đó, dĩ nhiên không thể nào đầy đủ mọi chi tiết hết được. Và do đó, tất nhiên, sẽ còn rất nhiều khuyết điểm thiếu sót. Vậy, kính mong chư Tôn đức Tăng, Ni và quý quan khách lượng tình hoan hỷ thứ lỗi bỏ qua cho những điều thiếu sót đó. Chúng tôi và gia đình xin chân thành đa tạ trước.
Tiểu Sử
Thượng tọa thế danh là Phan Văn Đạt, pháp danh Hồng Nhơn Pháp hiệu Phước Hựu, sanh ngày 8 tháng 7 năm 1932, tại thành phố Mỹ Tho, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang - Việt Nam. Thầy sinh ra trong một gia đình trung lưu nề nếp gia phong có truyền thống theo đạo Phật lâu đời. Thân sinh là cụ ông Phan Nguyên Súy và thân mẫu là cụ bà Hà Thị Mẹo. Cụ ông và cụ bà sanh được tất cả là mười người con, mà Thầy Phước Hựu là người con trai út trong gia đình. Vì thế, nên Thầy rất được cha mẹ và các anh chị em đem lòng thương mến. Tuy nhiên, rất tiếc, là cụ ông và cụ bà đã mất quá sớm nên Thầy đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ vừa mới được tròn 6 tháng. Những tưởng mất mẹ thì còn có cha để sớm hôm phụng dưỡng hủ hỉ nương tựa lẫn nhau, nào ngờ đâu người cha cũng lại vắng số từ giã cõi đời vĩnh viễn ra đi, vào năm Thầy mới vừa tròn 8 tuổi.
Quả đúng là:
Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Đó là nỗi bất hạnh đau thương nghiệt ngã đã phủ lên đầu của một cậu bé khôi ngô tuổi còn ngây thơ trong trắng. Còn nỗi đau xót nào hơn khi đã mất cả mẹ lẫn cha! Mất cha mẹ là mất đi tình yêu thương cao quý nhất của cuộc đời. Bấy giờ cậu bé họ Phan đã chới với hụt hẫng chẳng biết phải nương tựa vào ai! Ngay từ bước đầu đời, cậu bé đã phải gánh chịu nhiều nỗi gian truân đắng cay đau khổ bất hạnh. Chính vì nỗi buồn thương thân tủi phận đó, nên cậu bé phải nỗ lực tìm chỗ tựa nương cho an ổn tinh thần và tấm thân côi cút. Thế là, cậu bé chỉ còn có cách phải tìm vào chốn cửa Thiền, để ẩn náo nương nhờ cửa Phật; hầu để an ủi xoa dịu phần nào vết thương lòng ngút ngàn đau khổ, vì nỗi mất mát đau thương quá lớn lao! Đó là quãng đời thơ ấu của thầy Phước Hựu tràn đầy gian nan và chịu đựng nhiều đắng cay khốn khó.
Có lẽ nhờ túc duyên Phật pháp trồng sâu trong nhiều đời, nên Thầy đã sớm biết đến Phật pháp. Năm lên 10 tuổi, Thầy đã được HT Linh Phước thương tình nên cho phép Thầy được thế phát xuất gia tu học tại chùa Linh Phước ở xã Bà Bèo thuộc tỉnh Đồng Tháp. Bấy giờ, Hòa thượng Linh Phước cho pháp danh Thầy là Quảng hạnh. Và kể từ đó Thầy đã trở thành một chú tiểu quét lá đa ăn cơm chùa.
Vốn bẩm chất rất thông minh, học đâu nhớ đó, nên Thầy đã được thầy hiền bạn tốt mến thương. Được đầy đủ duyên lành, Thầy đã theo học trường đời và trường đạo. Về trường đời Thầy đã tốt nghiệp đại học và có văn bằng học vị cử nhân. Về trường đạo, thầy đã theo học tại Phật Học Đường Ấn Quang và tốt nghiệp đại học cử nhân Phật giáo. Cần nói thêm, Phật Học Đường Ấn Quang trước sau gồm có 4 khóa, mà Thầy là khóa thứ 3, tức cùng lớp với các Hòa thượng: Thắng Hoan, Đức Niệm, Liễu Minh, Như Huệ, Chơn Phát, Trí Quảng, Đồng Quy và Long Nguyệt v.v...
Sau khi mãn khóa tốt nghiệp ra trường, Thầy đã được bổ nhiệm về làm Giám viện tại Phật Học Viện Lưỡng Xuyên - Trà Vinh. Đó là lớp Sơ Đẳng Phật học mà Thầy phụ trách giảng dạy. Khóa học này với sĩ số tăng sinh trên dưới khoảng 30 vị. Về thời gian, thú thật, chúng tôi không nhớ rõ chính xác năm nào. Có điều tôi nhớ rất rõ là vào năm 1962, tôi có đến trường và gặp Thầy ở đó. Thầy có hai vị đệ tử học cùng chung lớp với tôi lúc tôi còn ở Phật Học Viện Phước Hòa -Trà Vinh. Hai vị đó được Thầy cho pháp danh là Huyền Châu và Huyền Cơ. Huyền Cơ đã mất cách nay khá lâu, còn Huyền Châu thì không biết còn hay mất vì lâu lắm rồi tôi không có dịp gặp lại.
Về sau, tôi biết Thầy có thời gian làm Chánh đại diện ở tỉnh Định Tường Mỹ Tho và thầy cũng đã đăng ký xin gia nhập trong Ban tuyên úy Phật giáo. Nha tuyên úy Phật giáo được thành lập từ năm 1963 đến năm 1975. Người đứng đầu tức Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật giáo bấy giờ là cố Thượng tọa Thích Tâm Giác và phó là cố HT Thích Hộ Giác. Về sau là TT Thích Thanh Long, quyền Giám Đốc và thầy Minh Tâm, tức HT Thích Thiện Chánh làm phó giám đốc. Các vị sư tuyên úy đã được gắn lon sĩ quan giả định để ủy lạo, nâng đỡ tinh thần và làm những nghi thức tôn giáo trong những đơn vị quân đội. Nhằm khuyên lơn an ủi xoa dịu những nỗi khổ niềm đau cho các gia đình binh sĩ bệnh nhân thương phế binh.
Sau những biến cố thời cuộc đổi thay, thay đổi, thầy đã hoàn tục và có gia đình. Thầy đã lập gia đình với bà Phan Thị Sang pháp danh Diệu Minh và hiện có 4 người con: 1 trai ba gái. Cậu con trai thứ ba tên là Phan Xuân Phong và hiền thê là Sharon Trúc Phan. Trưởng nữ là Phan Thị Xuân Lan, thứ nữ là Phan Thị Xuân Trang và cô gái út là Phan Thị Xuân Mai. Và có 2 người rễ: Trương Ngọc Long là phu quân của cô Lan và Lê Nguyên Khoa là phu quân của cô Mai.
Về các cháu, thầy có tất cả là 7 đứa cháu, 2 đứa cháu nội và 5 đứa cháu ngoại. Chỉ vắng mặt 2 đứa cháu nội (ở Mỹ ) còn lại đều có mặt đầy đủ trong tang lễ hôm nay.
Vì có văn bằng cử nhân văn khoa, nên Thầy đã làm Hiệu Trưởng trường trung học Quốc Việt ở quận 8 - Sài Gòn, và làm Giám Thị ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Hiệu trưởng trường trung học Bồ Đề Vũng Tàu.
Sau năm 1975, Thầy đã bị bắt đi tù cải tạo 2 năm. Thầy cùng gia đình đến Úc vào năm 1979. Sau khi đến Úc, Thầy đã tích cực tham gia hoạt động những công tác Phật sự cho GHPGVNTN tại tiển bang Victoria, dưới sự lãnh đạo của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phước Huệ, nguyên Viện trưởng VHĐ GHPGVNTN Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, và nguyên Tông trưởng Tổ Đình Phước Huệ.
- Năm 1985, Thầy đảm nhận chức vụ Phó hội trưởng nội vụ dưới thời của TT Thích Phước Nhơn làm hội trưởng và sau đó TT Thích Phước Nhơn trở về Perth thì Thầy làm Quyền hội trưởng cho đến mãn nhiệm kỳ.
Sau khi xuất gia và phục giới trở lại, thì Thầy đã đảm nhận những chức vụ và những công việc mà Thầy phụ trách đáng kể như sau:
- Cố vấn đạo tràng Quang Minh
- Giảng viên và Giám học trường Phật học A Dục - Chùa Hoa Nghiêm, vùng Đông Nam Melbourne.
- Giảng viên khóa Học Hạnh Xuất Gia ở Chùa Quang Minh thời gian 4 năm
- Giảng dạy Phật pháp cho các đạo tràng: Phước Huệ, Quang Minh và Hoa Nghiêm.
Ngoài ra, Thầy còn giảng dạy giáo lý cho các khóa tu học do các chùa trong GH tổ chức. Nói chung, Thầy đã hợp lực cùng với quý thầy trong GH để giảng dạy hướng dẫn cho quý Phật tử tu học tại tiểu bang nhà.
Thầy đã bỏ nhiều thời giờ và công sức, dốc hết toàn tâm toàn ý vào việc nghiên cứu chuyên sâu về pháp môn Tịnh độ. Những kinh sách thầy viết và dịch đại khái gồm có:
- Tịnh Độ Uyên Nguyên
- Kinh Tịnh Độ
- Luận Tịnh Độ
- Thư gởi người em ... Và còn bao nhiêu tác phẩm khác nữa mà chúng tôi chưa được biết.
Trong Đại giới đàn đã được tổ chức long trọng tại chùa Ấn Quang vào ngày 20/10/2019, Thầy đã chính thức được tấn phong lên hàng giáo phẩm với phẩm vị là Thượng tọa. Mặc dù trước đó Thầy cũng đã được Đại hội đề nghị tấn phong lên hàng giáo phẩm rồi, song chưa có một buổi lễ chính thức tổ chức tấn phong long trọng.
Về giới hạnh, trong cương vị Trưởng Ban Hoằng Pháp, Thầy luôn sách tấn nhắc nhở quý huynh đệ nên thường xuyên tham dự vào những kỳ bố tát theo đúng tinh thần luật nghi mà Phật đã dạy.
Về hạnh tu, và hạnh nguyện của Thầy, thì những năm gần đây, thầy buông bỏ tất cả chỉ chuyên tâm bền chí niệm Phật, lúc nào trên tay của Thầy cũng không rời xâu chuổi trường. Thầy quyết chí niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc.
Tuổi đời của Thầy ngày càng cao, sức khỏe của Thầy ngày càng suy kém yếu dần, nhất là thính giác của Thầy ngày càng giảm sút suy yếu trầm trọng. Mỗi lần Thầy đến chùa Quang Minh để chứng minh lễ trai tăng, thầy trụ trì, lúc nào cũng kính lão đắc thọ, cho nên thầy trụ trì thỉnh Thầy đáp từ. Nhưng khổ nỗi, tai Thầy nghe không rõ những gì gia chủ tác bạch, cho nên tôi ngồi gần kế bên Thầy, Thầy bảo tôi khi nào gia chủ dứt lời, thì khều nhẹ cho thầy biết, để Thầy đáp từ cho họ. Đây là điều bí mật chỉ có giữa tôi và Thầy biết thôi. Nêu lên sự kiện nhỏ này để thấy rằng, dù tuổi già sức yếu, tai điếc mắt mờ, nhưng Thầy vẫn cố gắng đến chùa để chứng minh trai tăng và những buổi lễ Phật sự quan trọng khác.
Khi thầy trở bệnh nặng được đưa vào bệnh viện Royal Melbourne cấp cứu, và được điều trị tại đây, nhưng tiếc thay! vì đang ở trong thời kỳ đại dịch sự lây nhiễm ngày càng gia tăng, nên bệnh viện hạn chế tối đa số người đến thăm viếng.
Được biết, sau mấy ngày điều trị ở bệnh viện Royal Melbourne, đến sáng thứ 7 ngày 11/12/2021 ( nhằm ngày mùng 8 tháng 11 năm Tân Sửu ) lúc 11 giờ 15 phút, Thầy đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong tiếng niệm Phật của quý thầy và gia đình. Thầy đã xả bỏ báo thân một cách an nhiên thanh thản nhẹ nhàng về cõi Phật.
Sự ra đi của Thượng tọa Thích Phước Hựu là một mất mát lớn lao không những cho Giáo Hội mà còn cho gia đình quyến thuộc trong nỗi thương tiếc vô vàn.
Nguyện cầu giác linh của Thượng tọa sớm tiêu diêu nơi Miền Cực lạc.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát
Thích phước Thái cùng gia đình pháp quyến hợp soạn
Đồng Kính bái