- Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, Viện Chủ Khai Sơn Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Sư Bà Diệu Tâm, Bất Thối Bổn Thệ, Hội Nhập Ta Bà, Mãn Bồ Đề Nguyện
- Điện Thư Phân Ưu kính gởi Ban Tang Lễ Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Tán Thán Công Hạnh Sư Bà Diệu Tâm
- Chân dung Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Ban Tổ Chức Lễ Tang Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Chương Trình Tang Lễ Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm, Khai Sơn-Viện Chủ Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Tán Thán Công Hạnh Sư Bà Diệu Tâm (thơ)
- TT. Huế: Lễ Tưởng niệm cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tâm tại Tổ đình Tường Vân
- Hiền Thục Lời Di Ngôn…!
- Sách Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Kính mời vào dự Lễ Di Quan Sư Bà Diệu Tâm (qua livestream). ngày 17.06.2021 (thứ năm) bắt đầu từ 7:00 giờ âu châu (tức 12:00 giờ trưa giờ Việt Nam, 3pm Úc Châu)
- Đà Nẵng: Chùa Bảo Quang Thọ Tang Và Tưởng Niệm Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm
- Thành Kính Tưởng Niệm Sư Bà Diệu Tâm (Bài viết của Phật tử Thanh Phi)
- Nhớ Về Kỷ Niệm (Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Tiễn Người đi (Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Lễ Tưởng Niệm Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Văn Tế Tưởng Niệm Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm Viện Chủ Bảo Quang Ni Tự tại Hamburg – Đức Quốc
- Photo day 1: Lễ Tang Sư Bà Diệu Tâm tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Photo day 2: Lễ Tang Sư Bà Diệu Tâm tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Photo day 3: Lễ Tang Sư Bà Diệu Tâm tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
- Photo day 4-a: Lễ Tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 4-b: Lễ Tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 4-c: Hội Đoàn Địa Phương viếng tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 5: Lễ Di Quan Trà Tỳ (Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo day 6: Cung nghinh Tro Cốt Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Thư Niệm Ân sau Lễ Tang Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo: Cúng Thất thứ 2 (25/6/2021) Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Sư đi tựa vầng trăng khuyết … (Tưởng niệm Giác Linh Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm)
- Photo: Cung Nghinh Tro Cốt Sư Bà Diệu Tâm về thăm và đảnh lễ Tổ Đình Viên Giác, Hannover, theo Di Nguyện của Sư Bà
- Sư Bà Diệu Tâm: "Người gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng“
- Thư Mời Viết bài Tưởng niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm Viện Chủ Chùa Bảo Quang Hamburg – Đức Quốc
- Photo: Cúng Thất thứ 4 và 5 Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Chương Trình Lễ Chung Thất Sư Bà Diệu Tâm (ngày 29 và 30/07/2021)
- Photo: Cúng Thất thứ 6 Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
- Photo: Chung Thất và Trai Đàn Chẩn Tế ngày 29.07.2021 tại Chùa Bảo Quang
- Photo: Lễ Nhập Tháp tại Nghĩa Trang Öjendorf Hamburg ngày 30.07.2021
- Photo: Lễ Cúng Tạ Thổ Thần nghĩa trang Öjendorf ngày 01.08.2021
- Nachruf auf die Hochehrwürdige Nonne Thich Nu Dieu Tam
- Giọt Lệ Tiếc Thương Sư Bà Bảo Quang
- Thành kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm (1939-2021)
- Phái đoàn hoằng Pháp Âu Châu thuyết giảng tại Chùa Bảo Quang 2013
- Cõi tạm (Kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm)
- Hai Phước Duyên tròn đầy (kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm)
- Hoài Niệm Về Sư Bà Diệu Tâm & Chùa Sư Nữ Bảo Quang - Đà Nẳng
- Hình Ảnh Xa Xưa
- Câu chuyện trái quýt
- Hộ Niệm và Để Tang
- Tuyên Dương Đạo Nghiệp
- Tường Thuật Lễ Tang Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
- Văn Tưởng Niệm Pháp Tỷ Khả Kính
- Lời Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm Của Môn Phái Tổ Đình Tường Vân
- Ni Trưởng Diệu Tâm Trở Về (Bài viết của HT Thích Bảo Lạc)
- Bậc Thầy Tôn Kính Của Con Tưởng Nhớ Sư Bà
- Một Đời Người, Một Chuyến Đi…
- Thư Mời viết bài hay đóng góp Tư liệu, Hình ảnh cho Tuyển Tập Tưởng Nhớ Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
- Bên Thầy (Bài viết của TKN Thích Nữ Tuệ Đàm Châu)
- Thầy ơi! Con cố gắng dẫu biết là khó
- Văn Tác Bạch Lễ Trai Tăng Chung Thất
- Tưởng Nhớ Sư Bà
- Kính Tiễn Giác Linh Sư Bà
- Lời Dạy Đầu Tiên
- Sư Chị ...... Một Nhân Duyên Đẹp
- Thành Kính Tưởng Niệm Sư Bà Diệu Tâm
- Lời Sư Dặn
- Dưới ánh từ dung, kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939 - 2021)
- Nhớ Sư Bà
- Tôi Về Nhà Ngoại Ngôi Chùa Bên Dòng Sông
- Tưởng Niệm Sư Bà Chùa Bảo Quang
- Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm
- Thành Kính Tưởng Nhớ Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
- Sách Tưởng Niệm: "Người đi… để nhớ con đò - Tưởng nhớ Sư Bà Diệu Tâm“
Hai Phước Duyên tròn đầy
Bài viết của: BS Thị Minh Văn Công Trâm
được đăng tải trên trang nhà Quảng Đức
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Ai cũng nói, tôi có phước duyên lớn mới được làm bào đệ của Sư Bà Diệu Tâm. Tôi cũng cảm thấy như thế, tuy không may mắn ít khi được sống gần Sư Bà. Thì quả đúng vậy, tuy là chị em cùng cha cùng mẹ nhưng làm sao có thể sống gần gũi với nhau trong cùng một mái nhà khi Sư Bà là tu sĩ phải sống trong chùa với ni chúng còn tôi lại là người thế tục.
Ngày Sư Bà còn ở Hội An thì tôi lại ra Huế học trường Bồ Đề Hàm Long. Khi tôi quay về Hội An đi học trường trung học Trần Quí Cáp thì lúc ấy Sư Bà đang chuẩn bị dọn đến Đà Nẵng, trước để cùng Sư phụ lập Chùa Sư Nữ Bảo Quang và sau đó trực tiếp lo chăm sóc cho hơn 200 trẻ em trong Cô Nhi Viện Diệu Định. Chỉ một năm học đệ nhất trường Phan Châu Trinh là tôi trú ở Thanh Khê vùng ngoại ô Đà Nẵng. Nhưng như vậy cũng không phải là được ở gần chùa Sư Bà. Lúc đó tôi lại phải dồn mọi nỗ lực cho một kỳ thi quyết định của một thanh niên trong hoàn cảnh chiến tranh leo thang dồn dập sau Tết Mậu thân. Sau khi thi đỗ tú tài toàn phần thì tôi lại du học sang Tây Đức ngay.
Ba má chúng tôi qua đời rất sớm, gia đình bốn chị em lưu lạc mỗi người mỗi ngã, nên từ bé chúng tôi ai cũng phải tự lập. Khi mới chỉ 10 tuổi tôi đã phải xa quê. Lúc ở Hội An có khi phải đi kèm trẻ ở nhờ nhà người để được cho ăn ở miễn phí. Sư Bà Diệu Tâm thì trước đó, từ khi 15 tuổi đã đi xuất gia và trong thời gian hành điệu không dễ gì được phép về thăm gia đình.
Trong những ngày cơ cực khó khăn ấy, mỗi khi có cơ hội gặp nhau Sư Bà vẫn thường khuyên bảo anh em chúng tôi phải biết chấp nhận kham khổ để tự vươn lên, không nhường bước cho số phận định đoạt cuộc đời mình. Sư Bà thường nhắc cho anh em chúng tôi nghe về câu chuyện lúc má chúng tôi trên giường bệnh. Bà đã không lo lắng vì bệnh tật hành hạ mà chỉ sợ hai đứa con trai còn bé quá sau này chắc sẽ bị thất học, không làm được gì lợi ích cho đời. Và như vậy chúng tôi đã níu chặt vào lời khuyên ấy của Sư Bà mà cố đứng lên sau nhiều lần vấp ngã, để đi tiếp phần còn lại của đời mình.
Ngay cả từ năm 1984, sau khi bảo lãnh Sư Bà đến định cư ở Hamburg, Đức quốc; do hoàn cảnh nghề nghiệp tôi đã phải đi làm việc ở một bệnh viện xa cách chùa Bảo Quang gần 500 cây số. Dù lúc này đang ở xứ người có nhiều phương tiện nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể gặp nhau chừng 7, 8 lần trong một năm. Nhưng bù lại - và là một may mắn cho tôi - thời gian cuối đời của Sư Bà tôi được cơ hội gần gũi và được chăm sóc sức khỏe Sư Bà, trong vai trò một người em trai mà cũng là cương vị của một bác sĩ. Đó là khoảng thời gian bắt đầu từ cuối năm 2013 đến khi Sư Bà viên tịch vào năm 2021, từ lúc vợ chồng chúng tôi đã hưu trí dọn hẳn về Hamburg. Đây chính là phước duyên lớn thứ hai cho tôi.
Có lần vào năm 2015, sau khi đi bác sĩ khám bệnh về, vị bác sĩ của Sư Bà có nhờ tôi tiếp tục làm một số khám nghiệm tại nhà, để khỏi phải phiên dịch qua lại mất thì giờ cả hai bên. Lúc nắm tay Sư Bà thấy tay Sư Bà run run vì đã quá ốm, tôi hơi buồn và lo. Nhận thấy nỗi lo của tôi Sư Bà mới với tay lấy cuốn kinh trên kệ sách và nhờ tôi đọc giúp, nói là vì không có chiếc kính lão ở đó (Sư Bà vẫn thường như vậy, người thường giả bộ nhờ ai đó đọc giúp cho một câu, một đoạn sách báo gì đó nhưng thật ra là để cho chính họ hiểu và tự suy ngẫm.
Đó là một câu chuyện ngày nào ở nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà.
An Nan quan sát thân Như Lại, lấy hai tay sờ chân Như Lai, rồi nói như vầy: “Thân thể của đấng Thiên Tôn vì sao thế này? Thân nhăn quá vậy! Thân Như Lai không như xưa.”
Thế Tôn bảo: “Thật vậy, A-nan, đúng như những gì ông nói. Nay thân Như Lai, da thịt đã nhăn, thân thể hiện tại không như xưa. Sở dĩ như vậy là vì, phàm có thân thể là bị bệnh thúc ép. Đáng bệnh, chúng sanh bị bệnh vây khốn; đáng chết, chúng sanh bị chết bức bách. Nay Như Lai tuổi đã suy vi, đã hơn 80.”
A-nan nghe những lời này, buồn khóc nghẹn ngào không tự nén được liền nói lời này: “Than ôi! Sự già đã đến đây rồi!” (…)
Ngay lúc đó tôi cũng đã thật sự có cảm nhận như vậy. Tôi mơ hồ nhận ra rằng, đã sắp đến ngày chị em chúng tôi sẽ phải chia tay nhau. Lúc đó Sư Bà mới giải thích thêm cho tôi. „Đã mang thân tứ đại này thì ai cũng bước qua ngưỡng cửa sanh già bệnh chết. Cậu là bác sĩ thấy hoài cảnh ấy mà suy nghĩ làm chi. Tôi đã sắp tám mươi rồi chứ ít gì“ (lúc đó là 2015, giống như đa số người Việt Nam mình Sư Bà cũng nói ăn gian vậy, chứ thật ra năm đó người mới 77 tuổi ta)
Y Khoa Đức đào tạo đám sinh viên chúng tôi bảy năm thành bác sĩ. Suốt bảy năm đó, từ một học sinh vừa hết bậc trung học, chưa hề có ý niệm gì về khám và chữa bệnh sinh viên phải học để trang bị đầy đủ cho mình các kiến thức để chữa trị và săn sóc bệnh nhân, như xã hội kỳ vọng ở một người thầy thuốc. Y học Tây phương đã dạy cho chúng tôi, là những bác sĩ đứng cùng phía với bệnh nhân để chiến đấu hầu đánh gục bệnh tật. Trong cuộc tranh đấu kẻ mất người còn này, chúng tôi hoặc dùng thuốc, hoặc dùng phương tiện mổ xẻ hòng đè bẹp được những căn bệnh nan y. Cuộc tranh đấu gay go ấy tôi đã làm hằng ngày suốt hơn 30 năm trường; kết quả lúc này lúc kia, tưởng chừng như bất phân thắng bại. Nhưng nghiệm cho cùng, sao có nhiều người ra đi về bên kia thế giới và dịch bệnh vẫn cứ tràn lan? Sao bệnh viện vẫn cần nhiều bác sĩ miệt mài chiến đấu với bệnh từ thế hệ này sang thế hệ khác? Ai thắng ai thua?
Nhưng ngược lại, trong bảy năm gần gũi với Sư Bà tôi đã học được cả khối việc, những việc mà trường Y không dạy cho tôi được. Phải chăng, cũng vì lý do ấy mà bác sĩ Kỳ Đà ngày xưa đã có được bao nhiêu niềm hỷ lạc khi được có cơ hội hầu hạ chúng Tăng và đức Phật. Nói lời như thế chắc cũng không ngoa!
Trong quá trình hành nghề, tôi đã tiếp xúc nhiều bệnh nhân. Thông thường khi họ quá đau đớn, khi xin thuốc giảm đau thì họ nhăn nhó, có khi bực dọc, hò hét, la chửi… Bác sĩ ở Đức với tất cả những phương tiện tân tiến trong tay, dùng thuốc không hạn chế nhưng nhiều khi cũng phải bó tay nếu bệnh nhân không cùng hợp lực để chữa trị cho mình. Việc hợp tác chữa bệnh có khi không dễ chịu, phải đau đớn, cần nhiều nghị lực. Nói vậy, có nghĩa là các bác sĩ chúng tôi thường chỉ chăm lo cái thân vật lý của con bệnh. Nói theo ngôn ngữ nhà chùa là cái thân tứ đại. Giờ thì tôi mới ngộ ra rằng, cái thân của một con người có thể rất yếu, rất bệnh; nhưng nếu tinh thần đủ mạnh, ý chí và tâm đạo vững vàng, thì họ có thể đủ sức tự vượt qua những khúc quanh ngặt nghèo, những hoạn nạn trong cuộc sống, kể cả bệnh tật. Sư Bà Diệu Tâm, dưới mắt nhìn y khoa của tôi là một trường hợp như vậy.
Hơn ai hết, tôi biết rất rõ: Sư Bà lọt lòng mẹ sớm, chỉ mới hơn 7 tháng cưu mang. Chữ thông thường giới y khoa Đức nói với nhau, tuy không ghi trong văn bản, là „Frühchen“. Thống kê y tế cho biết những đứa bé này dễ bị bệnh tật và khó có tuổi thọ như những trẻ em cưu mang đủ 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Nhưng nếu so với tuổi thọ của người Việt Nam thông thường thì đến ngày viên tịch Sư Bà đã thọ đến 83 tuổi, tức là được xếp vào hàng „thọ“ rồi.
Thời trẻ còn ở Việt Nam Sư Bà đã mang bệnh tim mạch và suyễn với triệu chứng thường phát nặng vào những mùa đông lạnh mưa bão ở miền Trung. Chính vì lý do đó trước khi xin phép vào chùa xuất gia, ba má chúng tôi rất lo lắng là không biết Sư Bà có chịu đựng nổi đời sống cơ cực nhà chùa trong thời gian hành điệu hay không. Nhưng rồi mọi việc đâu cũng vào đó. Lúc bấy giờ ni chúng chùa Sư nữ Bảo Thắng Hội An ngoài các thời công phu khuya sớm còn phải tự chăm sóc, canh tác ruộng vườn. Các điệu thường mỗi ngày luân phiên gánh rau, hoa quả lên chợ Hội An, cách chùa độ 4, 5 cây số để bán cho có thêm nguồn thu nhập. May thay khi các điệu gánh lên đến chợ thì thường đã có những Phật tử đón mua trọn cả gánh và các điệu không cần ngồi ngoài chợ bán lẻ từng bó rau, từng củ bắp… như người thường.
Nhìn vào hồ sơ bệnh lý thì có lẽ năm 2016 là năm có các triệu chứng y khoa quyết định đời sống Sư Bà:
- Tháng 2/2016 Sư Bà bị sưng phổi nặng phải đưa vào bệnh viện điều trị 2 tuần lễ.
- Tháng 5 sau đó bị tai nạn gãy tay phải và phải giải phẫu đặt vào một miếng kim loại và 3 con vít.
- Tháng 11 bị đột quỵ và hầu như bị tê liệt nửa người.
- Sau đó tuy độ nghẹt động mạch tim tăng lên, nhưng bác sĩ giải phẫu cân nhắc và khuyên không nên giải phẫu nữa mà chỉ chữa trị bằng thuốc loãng máu.
Nhìn chung tình trạng sức khỏe của Sư Bà từ cuối năm 2016 đã bước hẳn vào một giai đoạn vô cùng khó khăn. Vậy mà ai cũng ngạc nhiên, kể cả vị bác sĩ nhà, không hiểu vì lý do gì mà Sư Bà còn sống vui và an nhiên tự tại mãi đến tháng 6 năm 2021, khi mọi Phật sự đã viên mãn mới an lòng ra đi?
Theo ý kiến của tôi thì có 3 lý do:
1. Việc đầu tiên là tinh thần:
Là một người tu nên Sư Bà luôn hướng tâm về chư Phật, chư Tổ. Từ ngày còn trẻ hành điệu ở chùa Sư Bà đã luôn tâm nguyện cứu độ chúng sinh, xông xáo trong các hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội.
2. Thứ hai là việc dinh dưỡng:
Tuy trường trai chay tịnh đã bảy mươi năm nay, nhưng Sư Bà ăn theo lối dinh dưỡng, có đầy đủ chất cho cơ thể và rất nhiều rau quả. Sư Bà không chạy theo thời trang chỉ ăn chay một chất thôi như phong trào chỉ ăn gạo lức… Quan trọng nhất là Sư Bà luôn cố gắng không bao giờ bỏ bữa ngay cả những lúc bệnh hoạn hay rất bận rộn. Ni chúng chùa Bảo Quang ai cũng biết về việc đúng giờ giấc của Sư Bà.
Ngày nay y khoa đã xác nhận về phương pháp dinh dưỡng để chữa bệnh này. Hiện nay có một chương trình truyền hình y tế ở Đức rất được ưa chuộng là chương trình „Ernährung Docs“ nói về dinh dưỡng để chữa bệnh mà ít hay không dùng thuốc.
3. Thứ ba là việc vận động:
Ngày Sư Bà chưa bị liệt bán thân thì Sư Bà rất siêng năng lạy Phật. Khi nhập thất Sư Bà chỉ chuyên cần lạy Phật nhiều thời trong ngày. Trong sáu bảy năm cuối đời, sau khi bị đột quị thì Sư Bà luôn chấp nhận vận động tập thể dục ít nhất 3, 4 lần mỗi tuần. Tuy có khi rất đau đớn nhưng vẫn luôn cố gắng vượt qua. Nhiều lúc đau quá thì Sư Bà cũng nhăn nhó than phiền, nhưng cho đến những ngày cuối đời Sư Bà vẫn cố vượt qua mọi đau đớn cơ thể để tập luyện vận động.
Tóm lại, với tôi sau bảy năm gần gũi chăm sóc sức khỏe Sư Bà tôi đã học được những gì?
Bài học thứ nhất: sự vận hành của thân và tâm. Là bác sĩ Tây y chúng tôi thường rất (hay chỉ) quan tâm về thân bệnh. Đó là điều chúng tôi đã học từ trường đại học. Giờ đây tôi mới cảm nhận được và hiểu thêm rằng, chỉ dùng thuốc, phẫu thuật, phương tiên y học… thì chưa đủ. Phải săn sóc, rèn luyện phần tinh thần – tức phần tâm của con người. Khi tinh thần đủ mạnh thì bệnh tật sẽ dễ vượt qua. Chính nhờ vào sức mạnh tinh thần này mà Sư Bà đã sống thọ đến tuổi 83, cũng để trả lời cho câu hỏi nêu bên trên.
Bài học thứ hai: Thuận thế vô thường. Sau hơn 30 năm làm việc trong Khu Săn Sóc Đặc Biệt (Intensivstation) tại các bệnh viện ở Đức, nơi mà xác suất tử vong cao nhất trong mỗi bệnh viện, chúng tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu ca tử vong. Trong giờ phút chót từ giã cõi đời ai cũng cố đem chút sức tàn chiến đấu với tử thần. Và thông thường thì thua nhiều hơn thắng. Nhưng chưa thấy ai, lúc rời cõi trần lại ra đi một cách an lạc, ung dung và bình yên như trường hợp Sư Bà Diệu Tâm. Trong giây phút cuối cùng, lúc nghe một đệ tử hiểu ý vọng lên câu hỏi: Sư Phụ muốn đi theo Phật? Sư Bà gật nhẹ đầu rồi hai mắt từ từ bắt đầu nhắm chặt lại. Trên môi nở nụ cười tươi và hơi thở nhẹ đi rồi tắt dần giữa tiếng niệm Phật „Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật“ của đại chúng liên tục vang lên. Với cung cách ấy người đã ra đi. Không một cử chỉ nhăn nhó đau đớn hay luyến tiếc.
Trong suốt thời gian tang lễ, khi nghe chư tôn đức đọc đi đọc lại tiểu sử Sư Bà với câu: Thuận thế vô thường Sư Bà đã thị tịch vào giờ, ngày, tháng, năm ấy tôi mới giật mình nghĩ lại. Thật vậy, chuyện gì suốt cả đời Sư Bà cũng đều tính toán sắp xếp chặt chẽ tình lý phân minh cả. Xưa kia là việc của Giáo hội, rồi đến việc Chùa, việc chúng. Từ năm 2012 Sư Bà đã lo ghi lại di chúc để lại. Từ năm 2013 đã giao chùa cho đệ tử trụ trì. Rồi Sư Bà đã hỗ trợ tinh thần cho môn đồ, pháp quyến các nơi kiến lập, phát triển các ngôi Già Lam, các Ni chúng tu tập như Bảo Thành, Bảo Liên, Bảo Đức, Thảo Đường, Linh Thứu... Việc gì Sư Bà cũng dạy: Phật sự thuận duyên thì làm dù khó cách mấy, dù bao nghịch cảnh vẫn không nên chùn chân bước. Chính năng lượng ấy đã hỗ trợ để Sư Cô kế vị Chùa Bảo Quang phát triển thêm cơ sở của Chùa qua việc mua ngôi nhà kế bên làm Tăng xá. Rồi lúc vô thường đến thì Sư Bà vui bước ra đi. Không biết do vô tình hay hữu ý mà người đã chọn ngay giữa hai thời điểm dịch bệnh Covid đã giảm và chính quyền các nước Âu Châu đã nới rộng các biện pháp phòng ngừa.
Do cách sống giản dị, hòa đồng ấy mà Sư Bà được tất cả chư Tôn Đức và Phật tử khắp nơi kính mến thương yêu. Hàng trăm chư Tôn Đức Tăng Già trên cả Âu Châu đã đến Bảo Quang Hamburg đưa Sư Bà về với chư Tổ chư Phật.
***
Bây giờ Sư Bà đã đi xa. Người không còn đó để nhờ tôi đọc Kinh sách cho người nghe nữa. Nhớ hình bóng Sư Bà với cánh tay hơi run run và cặp mắt thiếu chiếc kính lão ngày xưa, tôi đã tự tìm đoạn Kinh cũ ấy rồi tự mình đọc tiếp. Ở đoạn kế tiếp theo đó, đức Phật dạy thêm cả Hội Chúng Tỳ Kheo:
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn pháp được người thế gian ái kính. Thế nào là bốn? Tuổi trẻ tráng niên được người thế gian ái kính; không có bệnh đau được người ái kính; tuổi thọ được người ái kính; ân ái tụ hợp được người ái kính. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp được mọi người thế gian ái kính.
“Lại nữa Tỳ-kheo, lại có bốn pháp không được người thế gian ái kính.Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết, tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích; người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích; được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích; ân ái hội hợp sau lại chia lìa. Đó là những điều người đời không thích. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này.
(Kinh Tăng Nhất A-hàm, Bốn pháp, phẩm 25-31, Kinh số 6. Dịch giả: Thích Đức Thắng và Thích Tuệ Sỹ).
Tôi ghi ý Kinh thêm ra lần nữa cho chính mình.
Bốn ái kính là: trẻ khỏe, không bệnh, tuổi thọ, gần gũi người thân. Bốn ái kinh là: già nua, bệnh tật, mạng chung, chia lìa. Phật dạy rõ ràng: ai mà chẳng sống với bốn pháp ấy, dù muốn hay không.
Nhưng nghiệm cho cùng, cái phước duyên thứ nhất, cùng là thân tộc chị em với Sư Bà là do nghiệp lực từ bao nhiêu kiếp trước nên tôi may mắn nhận được phước báu ấy. Nhưng phước duyên thứ hai được gần gũi chăm sóc sức khỏe Sư Bà quả là một món quà lớn mà Sư Bà đã từ bi ban phát riêng cho tôi. Xin đê đầu đảnh lễ và cầu chúc Sư Bà vui với cuộc ra đi về Phật quốc và sớm quay trở lại cõi Ta Bà này để cứu giúp chúng sinh như tâm nguyện của Sư Bà lúc sinh tiền.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Thị Minh Văn Công Trâm
Nhân Lễ Chung Thất Sư Bà thượng Diệu hạ Tâm
30/08/2021