Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thành kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm (1939-2021)

27/09/202107:33(Xem: 4887)
Thành kính tưởng niệm Sư Bà Diệu Tâm (1939-2021)

Chua Bao Quang (74)

Thành Kính Tưởng Niệm

Sư Bà Diệu Tâm (1939-2021)

Bài viết của TT. Thích Nguyên Tạng do Cư Sĩ Diệu Danh diễn đọc

 



 

Bản thân người viết được gặp Sư Bà lần đầu tiên vào năm 2003, khi Sư Bà đến dự lễ Khánh Thành Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu. Vào thời điểm ấy, đây là sự kiện Phật giáo nổi bật nhất, được nhiều người biết đến. Bởi vì ngoài buổi lễ Lạc Thành đánh dấu một chặng đường mười ba năm có mặt của TVQĐ trên xứ Úc, đặc biệt còn có Đại hội Bất thường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đức Đệ Tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đây là một sự kiện được ghi vào sử liệu Phật giáo Việt Nam. Ngày ấy, buổi lễ được diễn ra trước một thính chúng uy nghi, nhiệt thành gồm có 134 chư Tôn Đức Tăng Ni đến từ các Châu trên thế giới và 5000 Phật tử xa gần cùng về tham dự lễ trong ba ngày ( 10-12/10/2003).


Phái đoàn đến từ Âu Châu có HT Minh Tâm, HT Như Điển, TT Thông Trí, Sư Bà Diệu Tâm, Ni Sư Diệu Phước… Sư Bà Diệu Tâm đến Úc lần này, ngoài việc dự lễ cũng là dịp để thăm lại người thân trong gia đình của Sư Bà.


Thầy Viện Chủ Thích Tâm Phương ra phi trường đón Sư Bà và phái đoàn vào khoảng 1 giờ khuya tối thứ Tư. Qua chiều hôm sau, tôi đã lái xe đưa Sư Bà đến thăm gia đình Bác Nguyên Lượng, ngồi trên xe lúc ấy có HT Như Điển, Sư Bà Diệu Tâm, NS Diệu Phước, Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, chị Hồng Hạnh. Trên đường đi, chị Hồng Hạnh đã kể chuyện gia đình cho quý Thầy cùng nghe: “Cậu Độ (Bác Nguyên Lượng) là em nuôi của Ba má con và cậu Độ cũng là em nuôi của Cô Yến ( chị gái của Sư bà Diệu Tâm ). Ba má con, Cậu Độ và Cô Yến đã gặp nhau trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ đó Ba má con biết Sư Bà Diệu Tâm. Sau này Sư Bà là đệ tử của Sư Bà Đàm Minh, Trụ Trì chùa Bảo Quang Đà nẵng. Nên từ khi học trung học, con đã nhiều lần gặp Sư Bà và Quý Thầy ở chùa Tường Vân. Má con và con đã có nhiều phước duyên được về chùa Bảo Quang đảnh lễ Sư Bà Đàm Minh và ngủ lại đây. Sau đó ra Huế viếng thăm chùa Tường Vân, đảnh lễ Đức Tăng Thống và quý Thầy vào năm 1972. Lúc này Sư Bà Diệu Tâm làm Giám đốc Cô nhi viện Diệu Định ở Đà nẵng. Má con cũng thường xuyên liên lạc cho đến khi Sư Bà đi định cư ở Đức năm 1984 cùng với anh Văn Công Tuấn. Còn Anh Văn Công Trâm đi du học ở Đức trước năm 1975”.


Sư Bà Diệu Tâm cũng kể thêm rằng, Sư Bà cũng có duyên theo học tại Phật học Ni Viện Diệu Quang, Nha Trang, trong dịp này Sư Bà đã từng viếng thăm Tổ đình Linh Sơn và HT Như Ý, đặc biệt thường xuyên thăm và đảnh lễ Đức Trưởng Lão HT Thích Trí Nghiêm, HT Chí Tín, HT Đỗng Minh ở Chùa Phật Học Long Sơn, Nha Trang và Sư Bà cũng thường ghé thăm gia đình Ba má chị Hồng Hạnh ở gần chợ Đầm, Nha Trang.


Chiều hôm đó tại nhà Bác Nguyên Lượng ở vùng Preston, vợ của Bác là Bác Nguyên Hải đã khoản đãi Hòa Thượng, Sư Bà và đại chúng món bún Huế truyền thống. Những ngày tiếp theo sau đó, vì bận rộn với bao công việc tôi cũng ít có dịp tiếp chuyện với Sư Bà. Được biết ngoài những lúc tham dự các buổi lễ chính, phái đoàn của Sư Bà đã được Bác Nguyên Lượng và gia đình chị Hồng Hạnh tiếp đãi.


Sau 3 ngày dự lễ tại Tu Viện Quảng Đức xong, Sư Bà lên Adelaide thăm Chùa Pháp Hoa của HT Như Huệ, và ghé Sydney thăm Chùa Pháp Bảo của HT Bảo Lạc, sau đó về lại Đức Quốc.


Và rồi tháng 9 năm 2018, nhân chuyến đi Âu Châu dự Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Ngày Về Nguồn lần thứ 11, tổ chức tại Tổ đình Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, từ ngày 27/9 đến 01/10/2018, ngay sau lễ bế mạc, Thượng Tọa Viện Chủ Thích Tâm Phương đã bay sang Chùa Bảo Quang, Hamburg để thăm Sư Bà, lúc này Sư Bà đã yếu. Được biết từ sau lần bị đột quỵ từ năm 2016, Sư Bà không thể nói chuyện được, tuy nhiên khi TT Tâm Phương được Sư Cô Trụ trì và Bác sĩ Văn Công Trâm đưa vào thăm, Sư Bà đã nhận ra ngay và nét mặt có vẻ vui hơn, khi nghe TT Tâm Phương nhắc lại chuyến Sư Bà viếng thăm Tu Viện Quảng Đức vào tháng 10 năm 2003. TT Tâm Phương kể cho anh Trâm và quý Sư Cô nghe, lần đó lúc Thượng tọa đón Sư Bà và phái đoàn về đến Tu Viện Quảng Đức, Sư Bà liền đắp y áo lên Chánh điện lễ Phật, Sư Bà đã trầm trồ ngợi khen Thầy trò Quảng Đức đã vượt qua gian khó để xây dựng ngôi tu viện này, Sư Bà nói rằng: “Xây chùa ở xứ Tây Phương này khó khăn như người đi gieo hạt Bồ đề trên nền xi măng vậy. Một vị Phật ra đời, khổ đau liền nhẹ vơi; và một ngôi già lam xuất hiện, sưởi ấm bao lòng người”.

TT Tâm Phương đã không quên trao tận tay Sư Bà hai món quà của Bác Nguyên Lượng và chị Hồng Hạnh Tú Hoài, là hai đệ tử thân quen với Sư Bà hiện đang ở bên Úc. TT Tâm Phương, đã an ủi và tán thán công hạnh giáo hóa độ sanh của Sư Bà cũng như công cuộc xây dựng ngôi Bảo Quang Tự bên bờ sông Elbe. TT Tâm Phương cho biết rất hoan hỷ khi thấy Chánh điện Chùa Bảo Quang đã xây dựng hoàn thành sau nhiều năm tạo mãi.



TT Tam Phuong tham Su Ba Dieu Tam-1-bsu ba dieu tam

 

 


Riêng tôi đã có duyên được viếng thăm Sư Bà nhiều lần: lần thứ nhất là vào năm 2006, tôi có duyên đến dự lễ nhập tự Chùa Bảo Quang mà Sư Bà vừa mới tạo mãi. Sư Bà cho biết do nhu cầu học Phật của Phật tử đủ mọi lứa tuổi, mà ngôi Chùa ở Billstedt quá nhỏ, nên đến năm 2006 Sư Bà quyết định mua hãng sửa chữa tàu tại Billbrook Hamburg để tạo thành ngôi chùa. Sư Bà vừa hoàn tất thủ tục nhận chùa thì Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 18 từ ngày 27/7 đến ngày 5/8/2006 tại Tostedt, Đức Quốc (xem hình), chỉ cách Chùa Bảo Quang 45 phút lái xe, nên Sư Bà cung thỉnh Chư Tôn Đức giảng sư tại Khóa Tu Học đến làm lễ sái tịnh nhập tự. Buổi lễ hôm đó có sự chứng minh của HT Minh Tâm, HT Bảo Lạc, HT Tánh Thiệt, HT Trí Minh, HT Như Điển, TT Hạnh Tuấn (từ Hoa Kỳ) TT Nguyên Tạng (từ Úc), Sư bà Như Tuấn, Ni Sư Diệu Phước v.v... và một số Chư Tôn Đức Tăng Ni khác đã tranh thủ thời gian tại Khóa Tu Học, đến thăm và cầu nguyện cho ngôi già lam Bảo Quang gặp nhiều thuận duyên trên bước đường phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc.


Lần thứ hai là năm 2013, tôi có mặt trong phái đoàn Hoằng Pháp Âu Châu do HT Phương Trượng Thích Như Điển làm Trưởng đoàn (xem hình), trong đoàn lúc có các vị: TT. Thông Triết, TT Hạnh Đức, TT Thiện Đạo, TT Hạnh Tuệ, TT Hạnh Bảo, TT Viên Giác, NS Minh Huệ. Phái đoàn giảng pháp ở đây ba ngày cuối tuần, Sư Bà, NS Minh Hiếu, NS Tuệ Đàm Châu, SC Tuệ Đàm Nghiêm đều bận rộn tổ chức chu đáo khóa tu. Năm ấy Sư Bà còn khỏe mạnh và trực tiếp chỉ đạo sắp xếp mọi việc để tiếp đón phái đoàn.


Lần thứ ba là năm 2015, Tu Viện Quảng Đức đã tổ chức chuyến Hành hương Âu Châu (xem hình) với mục đích chính là tham dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm HT Thích Minh Tâm, đồng thời dự lễ Khánh thành Chùa Khánh Anh. Nhân dịp đó tôi hướng dẫn phái đoàn Phật tử Tu Viện Quảng Đức sang Đức viếng thăm Chùa Viên Giác của HT Như Điển ở Hannover và thăm Chùa Bảo Quang của Sư Bà Diệu Tâm ở Hamburg. Thời gian này Sư Bà đã yếu nhưng vẫn chu đáo tiếp đón phái đoàn. Hôm đó ngoài tôi, trong phái đoàn còn có Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Đạo, Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Trí và Ni Cô Thích Nữ Liên Hạnh, chúng tôi đã dùng cơm trưa với Sư Bà, cùng với anh Văn Công Trâm ( em trai của Sư Bà và cũng là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Sư Bà) và bác Phù Vân, chủ bút Báo Viên Giác. Sư Bà rất vui, khi chúng tôi từ giã, tuy yếu nhưng Sư Bà vẫn muốn đi ra ngoài để tiễn phái đoàn lên xe đi đến nơi khác.


Lần thứ tư là năm 2019, trong chuyến Hoằng Pháp Âu Châu cùng với HT Như Điển (xem hình), lúc phái đoàn về đến Chùa Viên Giác, Hannover để chuẩn bị tham dự Đại Lễ Kỷ Niệm 40 năm thành lập Chùa Viên Giác, 40 năm thành lập Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, 40 năm thành lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Đức, 40 năm xuất bản báo Viên Giác (1979-2019), và đặc biệt là lễ Mừng khánh thọ 70 của HT Phương Trượng. Tôi và Thầy Hạnh Phẩm tranh thủ đón xe lửa (khoảng 2 tiếng) xuống Hamburg để thăm Sư Bà. Đến nơi NS Tuệ Đàm Châu, SC Tuệ Đàm Nghiêm đưa chúng tôi vào phòng thăm Sư Bà, tôi chắp tay kính lễ và nói “Sư Bà ơi, con là Nguyên Tạng từ bên Úc qua thăm Sư Bà đây, Sư Bà khỏe không ?” Dù Sư Bà không nói được, nhưng trong ánh mắt Sư Bà vẫn lộ ra sự nhận biết và hoan hỷ khi chúng tôi từ phương xa đến thăm Sư Bà. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sư Bà. Lúc chia tay, tôi có hứa với Sư Cô Trụ Trì Tuệ Đàm Nghiêm và Đạo hữu Nguyên Đạo Văn Công Tuấn rằng, khi Sư Bà 100 tuổi tôi sẽ về dự lễ. Nhưng tiếc thay, Sư Bà đã ra đi giữa lúc Đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, đường bay quốc tế bị đóng cửa; ngay cả sự đi lại giữa các vùng trong thành phố Melbourne, nơi tôi ở cũng bị giới hạn, chỉ được đi lại trong vòng 5km, nên tôi đành phải cáo lỗi cho sự thất hứa của mình. Và từ nơi xa xôi này chỉ biết xin thành kính niệm Phật cung tiễn Sư Bà Cao đăng Phật quốc. Tuy nhiên có điều may mắn là thời điểm đó bên Âu Châu, lệnh lockdown không áp dụng triệt để, nên qua livestream chúng ta thấy Tang lễ của Sư Bà cũng được diễn ra một cách trang nghiêm ấm cúng, với sự hiện diện của nhiều chư Tôn Đức Tăng Ni, và hàng Phật tử thân tín. Những lời tán dương của Chư Tôn đức về hành trạng đời tu của Sư Bà đã khiến người nghe tăng niềm kính ngưỡng đối với Sư Bà. Những lời thiết tha bộc bạch, tâm tình của hàng đệ tử và thân quyến gởi đến Sư Bà với bao ân sâu, nghĩa nặng mà Sư Bà đã ban trao, những cảm xúc trào dâng, khiến người chứng kiến không sao ngăn được dòng lệ. Sư Bà ra đi đã để lại bao nhiêu tiếc nuối nhớ thương...

Tôi chợt nhớ lại lần viếng thăm ngôi chùa vừa tôn tạo của Sư Bà vào năm 2006, Sư bà rất vui mừng khi tôi từ phương xa viếng thăm và cùng với chư tôn đức cầu nguyện cho lễ nhập tự Bảo Quang. Trong lúc nói chuyện với Sư Bà, tôi tranh thủ hỏi thăm về vấn đề “Bát kỉnh pháp”, chủ đề đang bàn thảo xôn xao trên mạng internet, ngay cả nữ tu người Tây Phương cũng yêu cầu Đức Đạt Lạt Lạt Ma thứ 14, thay đổi vài điều để phù hợp với thời đại, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từ chối, Ngài bảo rằng: "Tôi cảm thấy hơi bối rối về vấn đề này, một mình tôi không có đủ thẩm quyền để sửa đổi những nghi thức và những quy định trong Đàn giới, chúng tôi cần phải có ý kiến của Hội đồng Tăng già (Sangha Council)" (xem thêm về tài liệu này). Sư Bà Diệu Tâm đã từ tốn trả lời là Sư Bà ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi câu này, vì Sư Bà cho biết trong mấy mươi năm tu hành, Sư Bà chưa bao giờ nghe ai thắc mắc gì về vấn đề này, vì từ nhỏ tu theo Sư Bà Đàm Minh, đệ tử của Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, rồi sau đó thân cận theo học với Sư Bà Diệu Không, Sư Bà Cát Tường, Sư Bà Diệu Trí, là những bậc danh Ni Việt Nam, những vị nổi tiếng là thủy chung như nhất và áp dụng triệt để Bát kỉnh pháp. Sư Bà kể rằng khi theo hầu Sư Bà Diệu Không viếng thăm các chùa Tăng, ngay cả chú Sa Di, Sư Bà Diệu Không cũng chắp tay xá chào và xưng con ngọt xớt; đặc biệt lúc nào Sư Bà Diệu Không cũng chú ý và cúng dường bao thư cho các chú Sa Di nhỏ tuổi…tấm gương sáng đó của Sư Bà Diệu Không đã ăn sâu vào tâm khảm của Sư Bà. Sư Bà Diệu Tâm cũng nhấn mạnh rằng: “Giới như đất bằng, muôn công đức lành từ đó mà phát sanh, giới như chuỗi anh lạc để trang nghiêm pháp thân, hàng Ni giới ngày nay nên giữ gìn Bát kỉnh pháp để tự bảo vệ bản thân của mình và đó cũng là nét đẹp làm tăng thêm phẩm hạnh và giá trị của bản thân chứ không có gì lỗ lã mà đòi hỏi phải loại bỏ”.

Hạnh giải tương ưng, sự lý viên dung, lời nói của Sư Bà luôn đi đôi với công hạnh độ sanh của Người, bằng chứng sống động nhất mà mọi người có thể nhìn thấy, đó là các đệ tử xuất gia của Sư Bà như các Ni Sư, Sư Cô: Tuệ Đàm Châu, Tuệ Đàm Liên, Tuệ Đàm Vân, Tuệ Đàm Hương, Tuệ Đàm Nghiêm, Tuệ Đàm Giác, Tuệ Đàm Phương…mỗi người mỗi vẻ nhưng tất cả đều tinh tấn tu học, khiêm hạ và nỗ lực dấn thân, kế thừa gia tài Pháp bảo mà Sư Bà đã để lại.


Quả thật, Sư Bà Diệu Tâm là một danh Ni của Phật Giáo Việt Nam trong hơn 4 thập niên qua, người đã có công đóng góp làm lớn mạnh cho nền PGVN ở Âu Châu nói riêng và PGVN hải ngoại nói chung. Dù ngày nay sắc thân tứ đại của Sư Bà không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Sư Bà sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho người đệ tử Phật ở mai sau.

Nam Mô A Di Đà Phật

Viết tại Tu Viện Quảng Đức 26/9/2021
TK. Thích Nguyên Tạng


 

 

 

chuabaoquang_4_5 (1)


chua-bao-quang-16-TT Nguyên Tạng thăm Sư Bà Diệu Tâm năm 2006 (Xem tiếp hình khác)


chuabaoquang_4_5 (52)
TT Nguyên Tạng thăm Sư Bà Diệu Tâm năm 2013 (Xem tiếp hình khác)


hanh-huong-chau-au-5-8-2015-244
TT Nguyên Tạng thăm Sư Bà Diệu Tâm năm 2015 (Xem tiếp hình khác)


su ba dieu tam
TT Nguyên Tạng thăm Sư Bà Diệu Tâm năm 2019 


***

Vài hình ảnh Sư Bà Diệu Tâm
dự lễ Khánh Thành Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, tháng 10/2003

tu vien quang duc (1)tu vien quang duc (2)tu vien quang duc (3)tu vien quang duc (4)tu vien quang duc (5)tu vien quang duc (6)tu vien quang duc (7)
DSC02521DSC02522
tu vien quang duc (8)tu vien quang duc (9)tu vien quang duc (10)tu vien quang duc (11)tu vien quang duc (12)tu vien quang duc (13)





facebook-1
***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/11/2017(Xem: 6696)
Tổ Khánh Hòa và Thành Quả Chấn Hưng PGVN - - bài viết của HT Thích Thiện Nhơn
10/11/2017(Xem: 9732)
Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu-Trong ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật Giáo năm 1963—cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963—là ba biến cố lịch sửquan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu. Dưới đây là một số ảnh do phóng viên Malcome Browne, trường văn phòng đại diện AP tại Việt Nam chụp diễn tiến cuộc tự thiêu lịch sử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 11 tháng 6 năm 1963. Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này.
08/11/2017(Xem: 6417)
Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Sanh đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 17 giờ 40 phút, ngày 07 tháng 11 năm 2017 (nhằm ngày 19 tháng 09 năm Đinh Dậu) tại chùa Khánh Sơn, 30 Ngô Gia Tự, phường 6, Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trụ thế: 82 năm, Hạ lạp: 56 năm
07/11/2017(Xem: 7555)
Đêm 18/9/ Đinh Dậu, anh em tập san Vô Ưu từ Daklak xuống cùng vài anh em từ TP ra, đã chung vui đêm thơ ca, dĩ nhiên chàng Dương và Sơn Daklak không thiếu vị cay bia bọt tại tu viện Phước Hoa -Long Thành- Đồng Nai. Sáng hôm sau, 19/9/ cũng là ngày vía đức Quán Thế Âm, ngày lễ chính thức của đại tường cố HT thượng Thông hạ Quả, lễ tạ tháp do môn đồ pháp quyến thành kính tổ chức. Chư tôn nhị bộ Tăng ni, quý Phật tử thập phương, anh em văn nghệ sĩ và chính quyền tham dự trên ngàn người.
04/11/2017(Xem: 6094)
Ngày 29 tháng 8 năm 2017, tại khách sạn MG Mansion ở Băng cốc, Thái Lan, Giáo sư Lee Chi-Kin, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông đã trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn cho Sư Ông Làng Mai. Lẽ ra buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan ở Pak Chong vào ngày 30 tháng 8, nhưng vì chương trình Sư Ông đi Việt Nam được thực hiện vào ngay ngày 29 tháng 8, cho nên buổi lễ được tổ chức tại nơi Sư Ông đang nghỉ dưỡng trước khi đi Việt Nam.
29/10/2017(Xem: 6638)
Giữa cuộc hồng trần đầy lo toan khổ nhọc, ngày tháng qua dần theo định luật thế gian. Biết bao nhiêu biến động buồn vui, nhưng trong dòng chảy đó , lòng vẫn bùi ngùi nhớ ân sư da diết ! Với người viết bài này, nói sẽ khó có ai tin, rằng năm tháng trôi qua ấy vẫn có bóng dáng Thầy theo bên dặm trường gót nhọc. Làm Phật sự giữa trăm bề thương-ghét, cần mẩn với tâm thành chỉ để đóng góp chút phước duyên, cho Phật đạo trường tồn, cho Giáo Hội hanh thông. Có lẻ vì thế nên Giác linh Thầy luôn theo hộ trì và che chở. Con không biết rằng chư Tăng-Ni thiền viện có còn ai bi lụy lắm không, với con khi nhắc đến Thầy lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Mới hay xưa nay những lời ai điếu dành cho chư tôn thạc đức ra đi đều có sức mạnh của nền tảng Tứ Ân Phật dạy, nào phải lời ai oán cõi trần gian, giờ xin được lập lại để nương thừa ý nghĩa đó, như một tất lòng thành tưởng nhớ đến Hòa Thượng nhân lễ Đại Tường .
26/10/2017(Xem: 10109)
Hơn chục năm trước, khi tôi mang cuốn hồi ký của chị tôi là Nguyễn Thị Thiếu Anh sang tặng người bạn cũ Đồng Khánh năm xưa là chị Cao Xuân Nữ Oanh, tôi đã nghe chị nhắc đến Sư bà Diệu Không đang ở trong chùa Kiều Đàm ngay bên cạnh.
25/10/2017(Xem: 12499)
Đại lão Hoà thượng Thích Tắc An Thành viên HĐCM GHPGVN Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM Chứng minh BTS GHPGVN liên quận 2, 9, Thủ Đức Tông trưởng Thiên Thai Giáo Quán tông Viện chủ chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 12 giờ, 23-10-2017 (nhằm 4-9-Đinh Dậu) tại chùa Thiền Tôn 2, số 264 đường 30, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM. Trụ thế: 91 năm; Hạ lạp: 71 năm. Lễ nhập kim quan vào lúc 11 giờ, ngày 24-10-2017 (5-9-Đinh Dậu). Kim quan Hòa thượng được an trí tại chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2. Lễ viếng bắt đầu từ lúc 14 giờ ngày 24-10-2017 đến hết ngày 27-10-2017 (từ 5 đến 8-10-Đinh Dậu). Lễ truy niệm vào lúc 8 giờ ngày 28-10-2017 (9-9-Đinh Dậu). Sau đó, cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM.
20/10/2017(Xem: 5847)
Sáng 19/10/2017 nhằm 30/8 Đinh Dậu, viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, kết hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đã tổ chức cuộc Hội thảo chuyên sâu về HT Khánh Hòa, người có công khởi xướng công cuộc chấn hưng PGVN vào thập niên 30 của thế kỷ XX, tại chùa Viên Minh, v/p BTS PG tỉnh Bến Tre.'
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]