Làm Thế Nào Để Phật Giáo
Phát Triển ở Phương Tây
Thích Nguyên Tạng
Melbourne, Úc Châu 2001
---o0o---
Ngày 10, 11, 12 và 13 tháng 04/ 1994 vừa qua tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ, đã diễn ra cuộc hội nghị của các hội đoàn Phật Giáo phương tây trực thuộc dưới quyền lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo thế và giáo quyền của nước Tây Tạng. Cư sĩ Sylivia Wetzel, một thành viên trong Hội Phật Giáo Đức quốc, lược ghi một số nét chính của Hội nghị.
Chư Tôn Đức và Phật tử người Tây phương
Sau 07 giờ bay từ Đức, phái đoàn chúng tôi đến Tân Đề Li vào chiều tối, chúng tôi phải nghỉ tạm ở một khách sạn tại Connaught Phace. Sáng hôm sau, chuyến xe lửa đầu tiên đưa chúng tôi đến Pathankot đón taxi đề đến Mcleod Ganj, nơi đầu tiên tổ chức hội nghị. Thật vui mừng và hân hoan biết bao để gặp lại bè bạn cũ và biết thêm nhiều thiện hữu tri thức mới.
Vai Trò Của Người Thầy
Hội nghị đã nhất trí thảo luận một cách cởi mở và thẳng thắn vào vấn đề tế nhị này. Những câu hỏi được đặt ra như thế nào là vai trò thích hợp của người thầy, khi vị ấy phải sống và làm việc ởphương tây và sẽ làm gì nếu có sự xung đột của lòng tin nảy sinh với người thầy Á-đông chưa hiểu rõ những đặc tính tâm lý và nhu cầu tín ngưỡng của người đệ tử phương tây. Sư Cô Thubten Pende đã giới thiệu hai mô hình khác nhau của một bậc mô phạm ở phương tây đang được huấn luyện cho các nhà truyền bá Phật giáo tại Tu viện Nalanda ở Pháp quốc. Cư sĩ Jack Kornfield, thành viên của Hội Thiền Định ở Bỉ, phát biểu một số vấn đề về tâm lý học ứng dụng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma lắng nghe và vui vẻ thảo luận với hội nghị. Phần kế là tập trung chính vào quyền hạn của người thầy. Ngài phát biểu một cách ân cần: "Quyền hạn thật sự của một người thầy có được là từ phía người học trò, thật khó mà trao cho một người khác cái quyền hạn của bậc thầy tinh thần. Vì rất khó biết được mức độ nhận thức về tâm linh của người ấy".
Buổi chiều, cư sĩ Bodhi Kjolhede, một giáo viên dạy thiền, người kế thừa Hòa Thượng Roshi Kapleau, mô tả một số trường hợp lạm dụng tình dục và quyền hạn, sử dụng rượu, ma túy cũng như cắt xén ngân quỹ và các tệ nạn khác đã xảy ra ở một số cộng đồng tu học tại Hoa Kỳ. Sư cô Tenzil Palmo, người Anh, nói đến hành vi ứng xử và tư cách đạo đức của một số người thầy tinh thần (cả tu sĩ lẫn cư sĩ) đã và đang đầu đề bàn tán không ngừng trong quần chúng và họ được xem như những người "uyên bác quá đỗi" trong Phật Giáo. Thượng tọa Ajahn Amaro, trụ trì Chùa Amaravati ở Anh Quốc, mô tả phương hướng đào tạo và thụ phong cho tăng sĩ và một số cư sĩ có năng lực để ra lãnh đạo theo truyền thống Theravada. Ni sư Martine Batchelor, thọ giới theo Phật giáo Triều Tiên, yêu cầu hội nghị nên có một đường hướng rõ ràng và phương pháp giáo dục Phật giáo cụ thể để áp dụng ở xã hội phương tây.
Tính Kinh Viện Và Vấn Đề Hội Nhập
Ngày thứ hai hội nghị tiếp tục thảo luận về vấn đề làm thế nào để Phật giáo hòa nhập và thích ứng trong mọi lãnh vực sinh hoạt ở xã hội phương tây, trong khi vẫn giữ được tính xác thực và sự trong sáng trong lời Phật dạy. Cư sĩ Stephen Batchelor, dịch giả và tác giả của nhiều sách và báo về Phật giáo, đã nói đến sự truyền bá và hội nhập Phật giáo một cách nhanh chóng ở các nước Châu Á. Đại đức Olande Ananda, vị sư Nam tông người Hòa Lan, từng sống và tu học ở Miến Điện, đề cập đến việc tôn trọng truyền thống văn hóa của các nhà sư châu Á. Cư sĩ Dharmachari Kulananda, giới thiệu Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhist) là một điển hình cụ thể cho việc hội nhập văn hóa Phật giáo ở phương tây.
Buổi chiều, cư sĩ Alex Berzin, giải thích một số vấn đề khó trong việc giảng thuyết, viết lách và phiên dịch kinh điển Phật giáo. Cư sĩ Fred Von Allmen nói về sự hiện hữu của sự hội nhập có giá trị hơn là cứ ôm giữ truyền thống, điều đó làm cho các nhà truyền bá Phật giáo châu Á không ủng hộ, thậm chí có lúc chống đối ra mặt. Cư sĩ Edie Irwin, người Scotland, phản đối việc phương tiện thái quá trong lý do để thích hợp với xã hội hỗn loạn ở phương tây có thể làm phương hại đến chánh pháp.
Lời phê bình của Đức Đạt Lai Lạt Ma về ngày hôm đó là khá tốt, tuy nhiên hội nghị không phản ảnh được những vấn đề cần thiết hoặc đưa ra một hướng giải quyết nào cụ thể. Chúng tôi cũng cảm nhận như vậy và quyế định ngày kế tiếp làm việc thẳng thắn và có hiệu quả hơn. Theo những nghi vấn về việc đi "quá đà" trong khi tryền giáo, thì Ngài nói: "không có thiệt hại chút nào trong việc sử dụng lời Phật dạy ngoài phạm vi của Phật giáo. Lòng từ bi không phải là tài sản riêng của Đạo Phật. Tuy nhiên, thật sai lầm và không thể tha thứ cho những ai lạm dụng chân lý để mưu cầu lợi dưỡng cho cá nhân hoặc đưa những phương pháp, phong tục tập quán, những văn hóa mê tín mang tính phi Phật giáo vào trong Chánh pháp. Đây là một điều đau buồn cho Phật giáo Tây Tạng nói riêng và cả các nước ở châu Á nói chung, đã vướng phải những sai lầm trầm trọng này mà trong tương lai đòi hỏi chúng ta phải làm việc thật nhiều để loại bỏ chúng".
Tâm Lý Và Định Kiến Giới Tính Trong Phật Giáo
Ngày thứ ba, hội nghị bàn đến những lĩnh vực tâm lý biến đổi trong lúc tu tập. Cư sĩ Junpo Sensei hỏi về những phương pháp loại trừ những ý nghĩ vụn vặt của tâm lý trong lúc ngồi thiền và làm thế nào để tiếp xúc và phát triển nhiều hơn những phút giây thanh thản và an bình có được trong một ngày. "Nhận thức có được là nhờ vượt qua được những xung đột của cảm giác và đớn đau. Yếu tố quan trọng đối với việc phát triển tâm linh trước hết là sự ân cần và quan tâm đến những người khác cũng như biết hổ thẹn và khắc phục với những hành vi sai trái của mình". Đức Đạt Lai Lạt Ma ân cần nhắc nhở hội nghị
Buổi chiều chúng tôi tiếp tục nói đến những nền tảng cơ bản của chủ nghĩa giới tính trong Phật giáo, đó là âm thầm ám chỉ đến một định kiến nặng nề về nữ giới. Cư sĩ Sylvia Wetzel, đã trình bày những khó khăn và những mặc cảm tự ti của phụ nữ Tây phương khi đối đầu với vần đề này. Cô ta đặt ra một giả thiết rằng, nếu một người đàn ông sống và tu học trong một thế giới Phật giáo do nữ giới lãnh đạo, thì y có thể ngoan ngoãn cúi đầu làm theo và tinh tấn trong tu học mà không có một chút tự ti nào về vị trí của mình hay chỉ sống gượng ép một đời với kỳ vọng kiếp sau sẽ trở thành người nữ để có những ưu đãi hơn trong cái thế giới mà người nữ là những bậc thầy tinh thần ấy. Sylvia Wetzel còn nói đến những kết quả không may, hoặc những phiền toái về định kiến giới tính một cách vô ý thức và phản khoa học đối với phụ nữ nói chung và riêng cho hàng nữ tu. Điều đó đã phản ánh trên mức độ ngôn ngữ của từng dân tộc, chẳng hạn một từ dành để gọi phụ nữ Tây Tạng là Kye Men, nghĩa là tái sinh trong đẳng cấp thấp hèn!!! Sự lầm lẫn giữa nam và nữ trong nhiều ngôn ngữ, trong nhiều truyền thống văn hóa như vậy là yếu tố mạnh mẽ trong việc xem nam giới là một kiểu mẫu tâm lý phù hợp duy nhất đối với đời sống chính trị, tâm lý, triết học và tôn giáo. Trong thế giới Phật giáo ít nhiều đã ảnh hưởng về định kiến đó và kết quả là xem rẻ phụ nữ, không quan tâm hoặc giúp đỡ ni giới, nói chung là quên đi những nhu cầu cần thiết để phát triển tâm linh, tâm lý và những điều kiện vật chất cho người phụ nữ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói "Hiện thời tôi đang có nhiều việc phải làm, tôi chưa bao giờ nhìn nữ giới theo cách đó. Tuy nhiên, theo tôi thì vấn đề chính là người phụ nữ phải biết nỗ lực và phát triển những tiềm năng của mình để minh chứng rằng mình cũng như nam giới. Mặt khác, nếu có vấn đề khó khăn gì thì phải nói lên, để cùng nhau tìm biện pháp khắc phục. Vấn đề khinh nữ trọng nam, có thể người ta căn cứ trên nền tảng thể chất của người phụ nữ và truyền thống văn hóa. Nếu tập quán và văn hóa thay đổi thì cục diện hoàn toàn khác hẳn".
Vấn Đề Tông Phái Và Điều Kiện Văn Hóa
Cư sĩ Fred Von Allmen, tổng kết những hậu quả xấu bắt nguồn từ chỗ phân biệt và bảo thủ của những tông phái Phật giáo (Buddhist sects) khác nhau ở phương tây, và Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn đồng ý cũng như hy vọng sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc hơn trong tương lai giữa các giáo phái Thiền, Tịnh và Mật của Namvà Bắc Tông. "Thật hy hữu và tốt biết bao nếu tất cả tăng sĩ Phật giáo có thể thấu triệt và truyền dạy những văn hóa khác nhau", Ngài nói "Nhưng làm sao để thực hiện mô hình đó thì tôi chưa biết". Cư sĩ Martine Batchelor cho rằng tầm nhận thức sâu sắc và kết quả của sự khám phá về tâm linh sẽ giúp cho người thầy vượt qua những điều kiện văn hóa khắc nghiệt khi truyền giáo.
Vấn Đề Đời Sống Tu Học Của Người Phương Tây
Buổi sáng cuối cùng dành hết thời giờ để thảo luận và giải quyết những khó khăn cho Giáo hội Tăng Già Phương Tây. Thượng tọa Tenzil Rinpoche, mô tả những tình cảnh khó khăn của Tăng đoàn và đặc biệt là Ni giới gặp không ít rắc rối ở xã hội phương tây. "Nếu không khéo" Ngài nói "viên ngọc Tăng bảo (Jewel of Sangha) Phương tây sẽ bị ném vào vũng bùn của sự dửng dưng và khinh rẻ". Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xúc động thật sự trước bài báo cáo này và Ngài đã khóc công khai.
Sư Cô Thubten Chodron, đến từ Seattle (Hoa Kỳ), nói lên một đề nghị chi tiết về việc tuyển chọn và đào tạo một cách cẩn thận cho thế hệ trẻ tăng ni phương tây. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nhìn nhận việc thụ phong cho tăng ni phương tây là quá nhanh trong khi chưa có một nơi để huấn luyện trước đó, và Ngài hứa sẽ mở một trung tâm đào tạo cho tăng ni và đặc biệt chuẩn bị tốt hơn cho lễ truyền giới. Sau đó, Sư Cô Thubten Pende thỉnh cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma sửa đổi và bỏ bớt một số nghi thức trong lễ truyền giới. Vì buổi lễ kéo quá dài và hầu hết người phương tây đều phản ảnh việc một ni cô nói những lời tùng phục và cung kính với hàng Tỳ kheo suốt đời, trong lễ thọ Cụ túc giới.
Đức Đạt Lai Lạt Ma : "tôi cảm thấy hơi bối rối về vấn đề này, một mình tôi không có đủ thẩm quyền để sửa đổi những nghi thức và những quy định trong Đàn giới, chúng tôi cần phải có ý kiến của Hội đồng Tăng già (Sangha Council)". Ngài hứa sẽ triệu tập một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Phật giáo của các tông phái khác trong vòng 06 tháng tới để giải quyết vấn đề này và hy vọng sẽ có những thay đổi cần thiết.
Buổi chiều, hội nghị nghe đọc bản dự thảo về chương trình hoạt động trong thời gian tới. Năm mươi đại biểu của hội nghị đều đồng nhất trí và cung thỉnh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban đạo từ để kết thúc hội nghị. "... Thế là hội nghị của chúng ta đã thành công tốt đẹp, Ngài nói, những gì cần nói, chúng ta đã nói đủ. Vấn đề thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ luôn bao quanh chúng ta, đó là việc bình thường của cuộc đời, thì công tác Phật sự của chúng ta cũng như thế. Nên nhớ, quá khứ là quá khứ, tương lai trong tay của chúng ta. Xã hội phương tây đang hướng về Phật giáo để tìm sự an lạc cho tâm hồn, nhưng họ có thành công hay không là còn tùy vào sự tu học và làm việc của Quý vị....". Hội nghị bế mạc sau một lễ cầu nguyện ngắn và các đại biểu được trao tặng cho khăn trắng katag để lưu niệm.
Hội nghị cũng nhất trí lấy Dharamsara làm nơi tổ chức hội nghị hàng năm, còn các đại hội địa phương thì tổ chức ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Muốn thỉnh băng ghi âm và video của hội nghị xin liên hệ ở địa chỉ: 4725 E. Sunrise Drive, Suite 137, Tuscon, Arizona 85718, USA.
TK Thích Nguyên Tạng
(dịch theo The MANDALA Journal 04/1994)