Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhớ Về Kỷ Niệm (Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)

20/06/202108:06(Xem: 4006)
Nhớ Về Kỷ Niệm (Kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm (1939-2021)
su ba dieu tam 3

Nhớ Về Kỷ Niệm
Con kính dâng Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm
Khai Sơn Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc
Trần Thị Nhật Hưng


Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh




Mùa Hè không riêng gì Thụy Sĩ mà cả Âu Châu ngày dài hơn đêm. Mới 5 giờ sáng trời đã bảnh mắt, nắng đã lên cao, len vào phòng chói chang, tôi thường thức dậy khi bên ngoài tiếng chim ríu rít chào đón một ngày mới.

Nhìn đồng hồ còn sớm quá, không ngủ lại được, tôi có thói quen với tay mở Ipad xem vớ vẩn thông tin trong ngày, đọc mail hay có khi mở nghe một bài pháp thoại. Nhưng lần này, trong facebook, tôi chú ý một tin nhắn: Sư Bà Diệu Tâm chùa Bảo Quang Đức quốc vừa viên tịch lúc...giờ...ngày...tháng...năm...! Đúng ngay ngày tôi vừa đọc tin. Thú thật, tôi không mấy ngạc nhiên hay bàng hoàng vì Sư Bà đã đi đúng lộ trình Đức Phật đề ra Sinh- Lão- Bịnh- Tử. Sư Bà đã 82 tuổi rồi, từ vài năm nay sức khỏe đã yếu, do vậy, Sư Bà có rủ áo ra đi về cõi Phật cũng là điều hiển nhiên không ai thắc mắc. Tuy nhiên, trước sự mất mát ra đi vĩnh viễn của một người mình quen biết ít nhiều cũng để lại trong lòng chút man mác bồi hồi. Tôi tuy không sinh hoạt với chùa Bảo Quang của Sư Bà vì đường xa cách trở, nhưng ở Âu Châu, không Phật tử nào mà không biết đến Sư Bà, biết về một ngôi chùa Sư nữ, nơi đào tạo nhiều Ni tài có thể nói tại Đức, tại Âu Châu đã phát triển nhiều ngôi chùa Ni và xa hơn mãi tận bên Nga, cũng có đệ tử của Sư Bà gánh vác hành đạo dẫn dắt Phật tử trên con đường tìm về Bến Giác.


Nhưng điều tôi muốn ghi nhận tại đây là một vài kỷ niệm giữa tôi với Sư Bà, bỗng nhiên sống dậy trong tôi rõ mồn một khi nghe tin Sư Bà viên tịch.

  
Tôi gặp và biết đến Sư Bà lần đầu tiên khi khóa tu học Âu Châu tổ chức tại thành phố Hamburg. Sau khóa tu, một số Phật tử ở xa có đến gần 50 người, trong số đó có vợ chồng tôi, đã được anh Chủ bút Phù Vân giới thiệu tá túc qua đêm tại chùa Bảo Quang của Sư Bà để hôm sau tiện đường ra phi trường về trụ xứ.

 
Sau khi vào chánh điện lễ Phật, anh Phù Vân đưa tôi đảnh lễ Sư Bà:

- A Di Đà Phật, xin giới thiệu với Sư Bà, đây là cô Nhật Hưng, cây bút nữ của báo Viên Giác.

   Sư Bà đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt trìu mến phảng phất trên khuôn mặt tròn vô cùng phúc hậu. Sư Bà mỉm cười, nụ cười dịu dàng, thiện cảm:

- Nhật Hưng đấy hả. Tôi đọc rất nhiều bài của cô trên báo. Tán thán tinh thần đóng góp của cô cho đạo pháp và văn học.


Rồi sau vài câu hỏi thăm xã giao, cũng gần đến bữa cơm chiều, Sư Bà mời tất cả vào phòng ăn dùng bữa.


Bữa cơm chiều hôm đó, chỉ mỗi món duy nhất gọn, nhẹ: Bún, rau sống gồm dưa leo, giá với đủ loại rau thơm, nước chấm pha, bánh tráng cuốn, cuốn với đậu hủ, mì căng chiên và giò lụa chay. Mỗi người tự cuốn lấy ăn. Mùa hè nóng nực, được thưởng thức món ăn “mát mẻ„ không phải cầu kỳ nấu nướng nhiều mà đặc biệt nữa không thừa không thiếu cho chừng ấy người ăn,  ai nấy ăn vô cùng ngon miệng, no nê sau đó còn tráng miệng với chén chè đậu xanh nước chưa kể trái cây đã nói lên sự tài tình của người biết sắp đặt tính toán bữa ăn. Tôi thầm thán phục trong lòng về cách tổ chức khéo léo của chùa và tò mò muốn biết ai đứng bếp chỉ huy. Đối với tôi, không phải cứ mâm cao cỗ đầy với bao món ăn cao lương mỹ vị ê hề, thừa mứa mới được đánh giá là giỏi, mà chính ở chỗ biết cân nhắc sao kịp lúc kịp thời, kịp hoàn cảnh, biết tùy cơ mà hành xử đó mới là điều đáng trân quí.

   
Khi “điều tra„ biết đó là Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, đệ tử của Sư Bà, hiện được Sư Bà đầu tư nuôi dạy cho học đạo lẫn theo đuổi Đại Học trường đời, sẽ là người sau này thừa kế chức Trụ Trì thay Sư Bà đảm nhiệm ngôi chùa, tôi đã nghĩ và thấy ra tầm nhìn trí tuệ của Sư Bà “Minh Sư mới nhìn ra hiền sĩ„. Thầy giỏi thì biết đào tạo trò ngoan.

  
Tối đó, lúc 20 giờ, khi Sư Bà nghỉ ngơi, Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm hướng dẫn cả đoàn ra bến cảng Hamburg thưởng thức xem „múa nước“ (nước nhảy nhịp nhàng luôn thay đổi màu sắc theo từng điệu nhạc vô cùng sống động và đẹp mắt).

   
Lần hai, tôi gặp lại Sư Bà trong chuyến hành hương tại Nhật do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển tổ chức. Lần này, tôi gần gũi thân thiện với Sư Bà nhiều hơn, do vậy, một hôm, trên chuyến xe Bus lớn chứa 50 người đi từ tỉnh này sang tỉnh nọ, để giết thì giờ và để cho mọi người quên đường xa hơn 7 tiếng đồng hồ, cũng như quên mệt nhọc, Hòa Thượng đề nghị tổ chức văn nghệ bỏ túi. Ai muốn hát thì hát, ai kể chuyện vui thì kể. Đương nhiên với người có máu yêu văn nghệ một cây xanh...lè như tôi, tôi bị chiếu tướng mời lên hát. Vốn biết mình chỉ...hay hát chứ không...hát hay, tôi chuyển hướng hát tếu cho... vui hơn là cho... hay.

  
Số là trước khi đi, tình cờ tôi nghe được hai bài hát “Em Về Kẻo Trời Mưa„ và bài “Mưa Chiều Kỷ Niệm„ do ca sĩ Ánh Tuyết vốn quê Quảng Nam hát hai bài đó bằng giọng Quảng thay vì giọng Bắc như thường lệ, thấy hay hay, ngồ ngộ, tôi ghi chép, bắt chước và nghêu ngao tập hát luôn miệng cho vui cửa vui nhà.

  
Nay trên xe, cầm micro đứng trước bao “khán giả„ trên xe, lại đứng gần ngay Sư Bà ngồi, biết Sư Bà quê Quảng Nam, tôi xin phép hát ngay bài “Em Về Kẻo Trời Mưa„ tôi còn đặc biệt riêng tặng Sư Bà để nhớ về xứ Quảng (lúc đó không dám nói tặng Hòa Thượng dù Hòa Thượng cũng quê Quảng Nam vì có chút ngài ngại mặc dù tôi biết khi văn nghệ vui chơi lòng ai cũng sởi lởi!)

  
Tôi cất tiếng hát với giọng phát âm rặc Quảng Nam: “Nếu chiều...na..a..(nay) không có anh, ưa (ai) sẽ đưa...tui về, trời sắp đổ cơn mưa,... reng (răng) anh còn đứng... mữa (mãi). Hãy...núa (nói) một lời, có...phửa (phải) anh giận..tui, có... phửa anh giận tui...?

  
Tôi vẫn nghe thiên hạ nói “chửi cha không bằng pha tiếng„ sẽ làm người nghe nổi giận, có khi còn...chửi hay đánh lại mình, thế mà khi nghe tôi hát, Sư Bà cười ngặt nghẽo, người cứ rung lên từng hồi vô cùng thích thú làm như quê hương xứ Quảng đang hiện diện trước mặt, như Sư Bà đang được về thăm quê nhà sau bao ngày xa cách. Tưởng nghĩ Sư Bà cũng như cả xe...ngưỡng mộ (?) giọng ca của tôi mới vỗ tay đôm đốp hoan hô, và còn bis...bis...làm tôi cũng vui lây, hăng tiết vịt, tôi thừa thắng xông lên, hát luôn bài thứ hai “Mưa Chiều Kỷ Niệm„ (Nhớ chiều nào em đến thăm anh, hưa (hai) bên đường phố véng (vắng) lên đèn. Mưa gieng gieng (giăng giăng) mờ kín khung trời...) cũng giọng Quảng như thế cho không khí vui nhộn để mọi người được vui quên đi đoạn đường dài trước mặt.

  
Lần thứ ba, sau nhiều năm trời nữa, nhân cơ hội họp mặt nhóm bút nữ báo Viên Giác tại nhà anh Chủ bút Phù Vân ngay tại Hamburg cùng thành phố chùa Bảo Quang của Sư Bà, chúng tôi dành một buổi ghé thăm chùa và đảnh lễ Sư Bà, lần này Sư Bà đã già và yếu chỉ nằm một chỗ. Chúng tôi chỉ ghé thăm không ở lâu để Sư Bà nghỉ ngơi.

  
Nay nghe tin Sư Bà viên tịch, do vậy, tôi không mấy ngạc nhiên hay bị sốc. Dù sao Sư Bà cũng đầy phước duyên trên cõi đời này đã sống và làm những điều như ý muốn đã để lại cho đạo cũng như đời những thành quả đáng ghi nhận.

  
Nơi xa, gặp mùa covid giản cách xã hội, lại thêm “lão„ phu quân tuổi hạc cao luôn cần tôi bên cạnh chăm sóc, tôi không thể đi đâu dễ dàng hay bay xa tham dự lễ tang của Sư Bà, nhưng tôi vẫn theo dõi trên mạng và hôm nay ngồi viết bài này thay sự hiện diện của tôi trong tang lễ với lời cầu nguyện Giác Linh Sư Bà đăng quang Phật Quốc cùng lời chia sẻ sự mất mát người thân với toàn thể Chư Ni chùa Bảo Quang cùng gia đình Sư Bà.

  
Và nếu Sư Bà còn muốn nghe con hát (hát giọng Quảng Nam nha), con xin thủ thỉ một vài lời nho nhỏ: “Nếu ngày nay đã vắng Sư, ai sẽ lo cho chùa? (đã có Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm cùng Chư Ni, Phật tử). Ngài (Sư Bà) đã ngả phương Tây (Cõi Phật A Di Đà), sao con còn ngóng mãi. Con mãi ngóng hoài, có phải Sư...bỏ con, có phải Sư...bỏ con?!"


Không, Sư Bà không bỏ ai hết, Sư Bà về cõi Phật sẽ quay về độ cho chúng Phật tử ta đó!

 

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Trần Thị Nhật Hưng

  

facebook-1


***
youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/11/2017(Xem: 6602)
Chấn hưng Phật giáo hay Công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam là một phong trào vận động cho sự phục hưng Phật giáo nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và phát triển hoằng bá Phật giáo tại Việt Nam, bắt đầu từ đầu thế kỉ 20. Công cuộc này đã làm thay đổi rất nhiều về nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam.
15/11/2017(Xem: 6830)
Tổ Khánh Hòa và Thành Quả Chấn Hưng PGVN - - bài viết của HT Thích Thiện Nhơn
10/11/2017(Xem: 9828)
Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu-Trong ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật Giáo năm 1963—cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963—là ba biến cố lịch sửquan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu. Dưới đây là một số ảnh do phóng viên Malcome Browne, trường văn phòng đại diện AP tại Việt Nam chụp diễn tiến cuộc tự thiêu lịch sử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 11 tháng 6 năm 1963. Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này.
08/11/2017(Xem: 6501)
Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Sanh đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 17 giờ 40 phút, ngày 07 tháng 11 năm 2017 (nhằm ngày 19 tháng 09 năm Đinh Dậu) tại chùa Khánh Sơn, 30 Ngô Gia Tự, phường 6, Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trụ thế: 82 năm, Hạ lạp: 56 năm
07/11/2017(Xem: 7643)
Đêm 18/9/ Đinh Dậu, anh em tập san Vô Ưu từ Daklak xuống cùng vài anh em từ TP ra, đã chung vui đêm thơ ca, dĩ nhiên chàng Dương và Sơn Daklak không thiếu vị cay bia bọt tại tu viện Phước Hoa -Long Thành- Đồng Nai. Sáng hôm sau, 19/9/ cũng là ngày vía đức Quán Thế Âm, ngày lễ chính thức của đại tường cố HT thượng Thông hạ Quả, lễ tạ tháp do môn đồ pháp quyến thành kính tổ chức. Chư tôn nhị bộ Tăng ni, quý Phật tử thập phương, anh em văn nghệ sĩ và chính quyền tham dự trên ngàn người.
04/11/2017(Xem: 6197)
Ngày 29 tháng 8 năm 2017, tại khách sạn MG Mansion ở Băng cốc, Thái Lan, Giáo sư Lee Chi-Kin, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông đã trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn cho Sư Ông Làng Mai. Lẽ ra buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan ở Pak Chong vào ngày 30 tháng 8, nhưng vì chương trình Sư Ông đi Việt Nam được thực hiện vào ngay ngày 29 tháng 8, cho nên buổi lễ được tổ chức tại nơi Sư Ông đang nghỉ dưỡng trước khi đi Việt Nam.
29/10/2017(Xem: 6805)
Giữa cuộc hồng trần đầy lo toan khổ nhọc, ngày tháng qua dần theo định luật thế gian. Biết bao nhiêu biến động buồn vui, nhưng trong dòng chảy đó , lòng vẫn bùi ngùi nhớ ân sư da diết ! Với người viết bài này, nói sẽ khó có ai tin, rằng năm tháng trôi qua ấy vẫn có bóng dáng Thầy theo bên dặm trường gót nhọc. Làm Phật sự giữa trăm bề thương-ghét, cần mẩn với tâm thành chỉ để đóng góp chút phước duyên, cho Phật đạo trường tồn, cho Giáo Hội hanh thông. Có lẻ vì thế nên Giác linh Thầy luôn theo hộ trì và che chở. Con không biết rằng chư Tăng-Ni thiền viện có còn ai bi lụy lắm không, với con khi nhắc đến Thầy lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Mới hay xưa nay những lời ai điếu dành cho chư tôn thạc đức ra đi đều có sức mạnh của nền tảng Tứ Ân Phật dạy, nào phải lời ai oán cõi trần gian, giờ xin được lập lại để nương thừa ý nghĩa đó, như một tất lòng thành tưởng nhớ đến Hòa Thượng nhân lễ Đại Tường .
26/10/2017(Xem: 10291)
Hơn chục năm trước, khi tôi mang cuốn hồi ký của chị tôi là Nguyễn Thị Thiếu Anh sang tặng người bạn cũ Đồng Khánh năm xưa là chị Cao Xuân Nữ Oanh, tôi đã nghe chị nhắc đến Sư bà Diệu Không đang ở trong chùa Kiều Đàm ngay bên cạnh.
25/10/2017(Xem: 12637)
Đại lão Hoà thượng Thích Tắc An Thành viên HĐCM GHPGVN Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM Chứng minh BTS GHPGVN liên quận 2, 9, Thủ Đức Tông trưởng Thiên Thai Giáo Quán tông Viện chủ chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 12 giờ, 23-10-2017 (nhằm 4-9-Đinh Dậu) tại chùa Thiền Tôn 2, số 264 đường 30, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM. Trụ thế: 91 năm; Hạ lạp: 71 năm. Lễ nhập kim quan vào lúc 11 giờ, ngày 24-10-2017 (5-9-Đinh Dậu). Kim quan Hòa thượng được an trí tại chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2. Lễ viếng bắt đầu từ lúc 14 giờ ngày 24-10-2017 đến hết ngày 27-10-2017 (từ 5 đến 8-10-Đinh Dậu). Lễ truy niệm vào lúc 8 giờ ngày 28-10-2017 (9-9-Đinh Dậu). Sau đó, cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]