Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tình Pháp lữ (với TT Chơn Thanh)

10/04/201319:43(Xem: 7633)
Tình Pháp lữ (với TT Chơn Thanh)

TT Thich Chon Thanh

Tình Pháp lữ

 Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn

Ngày 15-2-1965, tôi và thầy Chơn Thanh cũng như các học Tăng khác từ các nơi tập trung về Phật học viện Huệ Nghiêm dự thi tuyển vào khóa II của Phật học viện. Thầy thì từ Phật học đường Phổ Quang Gia Định đến, tôi thì từ Phật học đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh lên, tất cả cùng một chí hướng, một mục đích và một ước nguyện là thi đậu vào Phật học viện. Kết quả, thầy thi đậu lớp Sơ trung 2, tôi thi đậu vào lớp Sơ trung 1
Thuở ấy, Phật học viện Huệ Nghiêm còn thanh vắng, về cơ sở chỉ có ba dãy nhà tiền chế cấp 1, dãy giữa dùng làm chánh điện, hai dãy hai bên đông, tây dùng làm thư viện, phòng học cho lớp sơ trung, cao trung Phật học, chưa xây dựng dãy nhà ba tầng cũng như chánh điện hiện nay. Khu tăng xá chỉ có hai dãy nhà tole, gọi là khu A và khu B. khu A gồm dãy nhà dài 10m, chia làm hai phòng dành cho chúng Mã Minh và chúng Long Thọ. Dãy nhà B dài 20m, chia làm bốn phòng, dành cho bốn chúng: Vô Trước, Thế Thân, Liễu Quán và Nguyên Thiều. Thầy thuộc chúng Long Thọ, tôi thuộc chúng Thế Thân. Tuy nhiên, hàng ngày đều gặp nhau trong những giờ học tập, thọ trai và hội họp. Tất cả chúng tôi sống chan hòa, hồn nhiên, trong tình đạo bạn ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu của cuộc đời tu sĩ, học Tăng. Chúng tôi lại được sự đùm bọc và giáo dục của quý Hòa thượng: hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thiền Tâm, Hòa thượng Thanh Từ và nhiều chư tôn đức khác trong Ban Giám đốc và Ban Giáo thọ của viện.
Trong chương trình học, hai lớp chúng tôi được học ngoại điển tại viện, Ban Giám đốc mời giáo sư Trường Bồ Đề Chợ Lớn, Sài Gòn vào dạy xen kẽ chương trình Phật học vào buổi sáng và buổi chiều. Khác với những chúng khác như Vạn Hạnh, Huyền Trang phải đi học ở Trường Bồ Đề Chợ Lớn, Sài Gòn.
Đến năm 1968, sau khi hoàn tất chương trình trung đẳng IV, tương đương trung học đệ nhất cấp, để thực hiện chương trình trao đổi Tăng sinh của Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ nhằm tạo sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau giữa Tăng sinh các Phật học viện và Tăng sinh các tỉnh vì thế tôi tạm xa thầy để theo học tại Phật học viện Trung Phần- chùa Hải Đức Nha Trang. Còn thầy thì tiếp tục theo học chương trình trung đẳng chuyên khoa tại viện.
Thỉnh thoảng nhân dịp nghỉ hè, nghỉ tết, về thăm lại Sài Gòn, đến thăm trường xưa, cảnh cũ, thăm thầy, thăm chúng, thầy thường nhắn nhủ: “Có đi đâu thì đi, nhưng rồi cũng về cảnh cũ (tức Huệ Nghiêm), nhất là cần theo học chương trình chuyên khoa Phật học, mới giữ gìn được Phật chất thiện căn sâu dày, bảo đảm được đường tu trong đời này và đời sau như Hòa thượng Giám đốc hàng mong ước”. Lời nhắc nhở của thầy góp phần tăng thêm sức mạnh, động viên, thôi thúc cho sự trở về nguồn của tôi. Do đó năm 1971, sau khi tốt nghiệp tú tài 2, cũng đúng vào thời gian thành lập Viện Cao đẳng Phật học và khai giảng khóa đầu tiên, tôi quyết chí trở lại Huệ Nghiêm, theo học chương trình cao đẳng Phật học thay vì theo học Phân khoa Phật học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh như những thầy cùng khóa.
Trong thời gian tại viện, dù bận nhiều công tác, học tập của viện, cộng thêm tôi lại theo học chương trình cử nhân tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Tuy nhiên, tôi cũng cùng thầy tham gia Đoàn Giảng sư Trung ương của Tổng vụ Hoằng pháp – GHPGVNTN, do Hòa thượng Thích Huyền Vi lãnh đạo. Hàng tháng chúng tôi đều có đi thuyết pháp, giảng dạy tại một số tỉnh miền Tây, miền Đông ...
Đặc biệt trong những lần họp kiểm điểm về ưu, khuyết điểm trong công tác thuyết giảng, thầy đã chân thành phát biểu, nhận xét về tôi: “Thầy Nhơn có bốn nhược điểm: Một là khi giảng thường ngó lên trần nhà, không nhìn thính giả; hai là giảng nhanh quá, có lúc thính chúng không nghe kịp; ba là còn hơi ngượng ngập, cử chỉ chưa được tự nhiên, thiếu điệu bộ; bốn là giảng hơi cao, đôi khi không hợp trình độ đại chúng”.
Chính những nhận xét phê bình chân tình của thầy, mà tôi cố gắng khắc phục trong suốt thời gian hơn 30 năm để công tác thuyết pháp, giảng dạy có hiệu quả tốt hơn. Quả thật, như kinh Pháp Cú nói : “Ai phê bình ta, mà phê bình đúng là thầy ta”. Kỳ thực, thầy không những là bạn mà còn là bậc thầy nữa. Do đó, thời gian sau này, khi tham gia công tác hoằng pháp của GHPGVN, thầy được phân công đặc trách Giảng sư đoàn, phụ trách môn Phương pháp diễn giảng, và làm giám khảo những kỳ thi diễn giảng, thực tập diễn giảng v.v... góp nhiều công sức cho sự nghiệp đào tạo hàng trăm giảng sư, giảng sinh cho Giáo hội.
Tôi còn nhớ, năm 1971-1972, trong chương trình đi xây dựng cơ sở hạ tầng của Giáo hội tại Bình Dương và Bình Long, thầy đã tỏ ra lịch thiệp và tinh tế trong khi ứng xử, giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc, đắc nhân tâm mà tôi không làm được, dù là cùng trang lứa và trình độ như nhau. Quả thật, như người xưa nói: “Trong ba người cùng đi nhất định là có một người làm thầy mình”. Học là một chuyện, khả năng là một lẽ, nhưng cần phải có phúc tướng, đức độ và những kinh nghiệm trong xử thế, tế nhị trong giao tiếp, nhạy bén khi gặp việc, sống hài hòa, hoan hỷ với nhau... đó chính là những yếu tố góp phần thành công trên đường hóa đạo. Điều này thầy đã đạt được khi còn ở trong chúng, trong trường, cũng như khi công tác tại địa phương và trung ương, đều được chư tôn đức giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử gần xa kính mến.
Sau năm 1975. Thực hiện chương trình Về nguồn, nhập thất tịnh tu của Hòa thượng viện chủ, với tư cách là Ban lãnh chúng, thư ký của viện, thầy rất thông cảm cho tôi vì còn bận nhiều công tác Phật sự Giáo hội, giảng dạy tại các trường Phật học, nên đã dành nhiều ưu tiên, sắp xếp chương trình, thương lượng, thay đổi người cho tôi được nhập thất vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết, nhờ đấy mà tôi hoàn thành được hai mặt tịnh tu và công tác Phật sự cho Giáo hội trong thập niên đầu của lịch sử mới sang trang, Giáo hội mới thành lập. Có những lúc thầy tâm sự: “Bồng em thì khỏi quét nhà, rửa chén thì khỏi nấu cơm” đó là trách nhiệm của mỗi người để cùng chung lo cho nhau được an tâm tu học, thực hiện chương trình trở về cảnh cũ, mà Hòa thượng viện chủ hằng ấp ủ, để từ đó tạo cho Huệ Nghiêm có những nét đặc thù, một tu viện nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ.
Khi Trường Cơ bản Phật học TP.HCM được thành lập năm 1988, dù ở cách xa hơn chục cây số, nhưng hàng tuần, bằng phương tiện xe buýt, xe lam, nhờ người chở hộ... (vì thầy không biết chạy xe gắn máy), thầy vẫn thường xuyên đến trường giảng dạy trong suốt chương trình, hơn ba khóa, gần 15 năm không hề bỏ lớp.
Sáng thứ Bảy (21-7-2002), tôi gặp thầy tại Văn phòng 2 TƯGH. Thầy đến thăm sau chuyến tôi tháp tùng phái đoàn GHPGVN thăm Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, và Thiền viện Trúc Lâm ở Paris. Tôi đã tặng một bút máy, một tháp Eiffel, một Khải hoàn môn là những biểu tượng của nước Pháp mà tôi mang về. Thầy nhận quà với vẻ mặt đượm buồn. Tôi thắc mắc không biết trong thời gian mười ngày vắng mặt, ở trong nước có việc gì bất trắc xảy ra với Giáo hội, Thành hội hay cá nhân mà thầy có những biểu hiện không bình thường như vậy? Tôi dự định tìm hiểu, nhưng rồi việc gì đến đã đến....
Chiều thứ Bảy cùng ngày, tôi gặp lại thầy ở Văn phòng Trường Cao trung Phật học TP.HCM – chùa Vĩnh Nghiêm, hôm ấy thầy có vẻ rất mệt vì buổi sáng đã dạy cho trường hạ chùa Phổ Đà, chiều 2 giờ đầu dạy cho trường hạ Vĩnh Nghiêm, 2 giờ sau giảng cho lớp Ni – Cao đẳng Phật học. Do đó, khi nhấn chuông vào lớp, thầy mệt mỏi nói với cô thị giả: “ Thầy mệt quá, nhưng cố gắng dạy cho xong”. Khi tan trường, thầy về, tôi tiễn thầy tại bậc thềm của văn phòng nhà trường, lúc ngồi trên xe honda do đệ tử chở, khi xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh, thầy còn nói vọng giã từ : “Tôi về nghe thầy Nhơn”. Không ngờ chữ về ấy mang nhiều ý nghĩa. Về chùa Huệ Nghiêm, hay về cảnh cũ quê xưa, Niết bàn vô tung bất diệt?
Bốn giờ sáng Chủ nhật, một cú điện thoại do thầy Thiện Tánh gọi đến báo: “Anh có hay gì không? Anh Chơn Thanh bị tai biến mạch máu não sắp đi rồi, đang ở phòng cấp cứu bệnh viện Triều An”. Tôi buông ống nghe xuống, bàng hoàng đi đến bệnh viện Triều An. Một cảnh tượng đau lòng diễn ra trước mắt: chung quanh là những Tăng Ni sinh, Phật tử với những dòng nước mắt, buồn thương, thất vọng!

Thế rồi đến 00 giờ 20 ngày 13-6 Âl (23-7-2002) thầy thu thần viên tịch. Thế là hết! Sự ra đi của thầy quả là một sự tổn thất to lớn đối với Giáo hội và Thành hội Phật giáo TP.HCM với Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, bây giờ và cả sau này!

Ngày tiễn đưa kim quan thầy đến đài hỏa táng Bình Hưng Hòa, cũng chính là ngày lễ húy kỵ lần thứ 5 cố Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Thành hội Phật giáo TP.HCM, Hòa thượng khi còn sanh tiền rất mến thương thầy và tạo nhiều điều kiện cho thầy thăng tiến. Kinh nghiệm cho thấy gần 15 năm công tác tại Văn phòng Thành hội Phật giáo, hôm nào vắng mặt thầy, Hòa thượng đều nói: “Văn phòng ngày nào mà không có Chơn Thanh, xem như thiếu một cái gì đấy ...”. Quả thật, thầy là một hạt nhân thu hút được mọi nguồn năng lực, là ánh sáng chan hòa giữa tất cả mọi người, mọi dị biệt về tư tưởng và thành phần. Thầy là chất keo tạo sự đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội và Thành hội Phật giáo. Thầy mất đi khó tìm lại được một người như thầy. Quả thật, như Trí Bảo Đại sư đã nói : “Quen nhau đầy dẫy trong thiên hạ, còn bạn tri âm có mấy người”.

HT Thích Thiện Nhơn



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2012(Xem: 20425)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
15/05/2012(Xem: 6246)
Trong đạo lập thân của người xưa – lập công, lập đức, lập ngôn– thì lập ngôn thường được cho là quan trọng nhất, vì đó là phần “hình nhi thượng”, là tinh hoa tư tưởng cá biệt của một dòng đời mang tính truyền thừa lâu dài và sâu xa cho hậu thế. Người đem hết năng lực tinh thần và tri thức của đời mình để lập ngôn thì thành nhà tư tưởng, triết gia. Người đem chất liệu đời mình để viết lại thì thành tác giả tự truyện, hồi ký.
09/05/2012(Xem: 8629)
Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) như là một Bồ tát bổ xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.
28/04/2012(Xem: 5707)
Nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, còn có bút hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh, quê nội của ông. Suốt quảng đời niên thiếu ông sống nơi quê ngoại tại Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc, Nam Việt Nam. - Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa( 1961 ), Đại Học Luật Khoa Saigon. - Tốt nghiệp Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon. Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây: - Lục sự tại Toà Án Saigon và Long An (1960 – 1962). - Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962 – 1964). - Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964 – 1965). - Dự Thẩm tại Toà Sơ Thẩm An Giang (1965 - 1966). - Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966 – 1969) và Toà Án Long An (1969 – 1971). - Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị Xả Rạch Giá (1
26/04/2012(Xem: 19255)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
20/04/2012(Xem: 9590)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em. Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng. Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
08/04/2012(Xem: 6074)
Hòa thượng thế danh Đoàn Thảo, sinh ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 trong một gia đình nhiều đời theo Phật tại xứ Đồng Nà, tổng Phú Triêm Hạ, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Đoàn Văn Nhơn pháp danh Chơn Quang, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Có. Gia đình Ngài gần chùa Vạn Đức, lại thêm cụ thân sinh là tín đồ thuần thành của chùa, nên từ thuở nhỏ, Ngài thường theo cha đến chùa hàng đêm tụng kinh niệm Phật. Từ đó, chủng tử Bồ Đề lớn dần trong tâm và Ngài tỏ ra những biểu hiện rất có căn duyên với cửa Không môn của nhà Phật.
31/03/2012(Xem: 6861)
Hòa thượng thế danh Dương Đức Thanh, tự Liễu, pháp danh Như Nhàn, tự Giải Lạc, hiệu Trí Giác, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Dương Đức Giới pháp danh Chương Đồ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phụng pháp danh Chơn Loan. Năm lên 3 tuổi, thân phụ Ngài qua đời, thân mẫu tảo tần nuôi con và cho Ngài theo học chữ Nho với các cụ đồ trong làng, được 5 năm mới chuyển sang học Việt văn.
23/03/2012(Xem: 6333)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
21/03/2012(Xem: 6447)
Hòa Thượng Thích Trí Thủ là vị Thầy của nhiều thế hệ học tăng của các Phật học viện Báo Quốc Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Quảng Hương Già Lam - Sài Gòn. Cuộc đời của Ngài phần nhiều cống hiến cho việc đào tạo tăng tài và sự nghiệp hoằng pháp cho Đạo Phật Việt Nam hơn là những lãnh vực phật sự khác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]