Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ni Trưởng Như Thanh, bậc chân tu

08/01/202013:34(Xem: 3698)
Ni Trưởng Như Thanh, bậc chân tu


Su_Ba_Nhu_Thanh

Ni Trưởng Như Thanh, bậc chân tu

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

--- o0o ---

Tôi may mắn được diện kiến Người một lần duy nhất, vào năm 1990, tại Chùa Huê Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy, tôi làm trợ lý cho thầy Thích Phước Cẩn trong việc vận động phiên dịch và ấn hành Phật Quang Đại Từ Điển. Tôi được Người ân cần khích lệ và truyền trao những kinh nghiệm quý báu về cuộc đời tu học và làm việc Phật sự của Người, trong hơn năm mươi năm qua. Lúc ấy, Người đã tròn 80 tuổi. Sức khỏe của Người còn khá tốt. Tinh thần của Người sáng suốt khác thường. Giọng nói của Người thật từ tốn, nhẹ nhàng. Lời dạy của Người ngắn gọn, đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Tinh thần và năng lực làm việc của Người làm cho tôi vô cùng kính phục. Phong thái thoát tục và cuộc đời của Người đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự tu học và làm việc của tôi, từ dạo đó. Người là một trong những bậc tôn đức đã để lại nhiều ấn tượng không bao giờ quên được về cách tu, cách sống và cách nghiên cứu, sáng tác và làm việc, trong tâm trí và tinh thần của những đàn hậu tấn. Đối với tôi, Người như người mẹ tinh thần không giới hạn thế hệ, là tấm gương chói sáng cho việc tu học và phụng sự Phật pháp, là một bậc tôn túc, trưởng lão do đạo đức và trí tuệ, là người hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp truyền bá chánh pháp, làm lợi lạc nhân sanh. Tôi kính nhớ Người như kính nhớ đến một bậc chân tu, một nhà thơ đạo, một nhà nghiên cứu sáng tác Phật giáo và một người thể hiện sống động tinh thần Bồ-tát đạo.

Ni Trưởng như thanh, bậc chân tu

Xuất thân trong một gia đình kính tin Ba ngôi báu, Ni Trưởng sớm nhận chân ra được bản chất của cuộc đời, quyết chí xuất trần, khi tuổi thanh xuân vừa chớm nỡ. Sau khi xuất gia với Sư tổ Pháp A?, Ni Trưởng nối gót các bậc tổ đức, vân du đây đó để tầm cầu chánh pháp, tham học với các bậc cao tăng thạc đức, ở mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Song song với việc tu học trong những năm tháng đầu, Ni Trưởng còn tham gia xây dựng Chùa cho chư Ni có nơi an tâm tu học. Sau khi nắm vững được tinh yếu và cốt lõi của chánh pháp, Ni Trưởng bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp giảng dạy, khai mở giới trường, xây dựng các trung tâm giáo lý cho Ni, mở trường tiểu học miễn phí cho cho các trẻ em nghèo hiếu học. Để đạo tạo và phát triển Ni giới Phật giáo Việt Nam, Ni Trưởng đã vận động và thành lập Ban quản trị Ni bộ Nam Việt. Công đức thành lập Ni bộ Bắc tông miền Nam Việt Nam này chắc chắn được Ni đoàn và Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại ghi nhớ và trân trọng. Người còn chấn tích quang lâm làm Hòa thượng đường đầu cho 15 giới đàn sa-di, sa-di-ni, thức-xoa-ma-na và tỳ-kheo-ni tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại các tỉnh thành lân cận, từ năm 1946 cho đến năm 1994.

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, Người không hề tham gia vào chính sự, không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ chính thể nào, ấy thế mà mỗi hành vi, lời nói của Người đều thấm nhuần chất yêu nước, thương dân; và khuynh hướng cũng như cách thế làm đạo của Người đều mang tính tùy duyên bất biến và phương tiện quyền xảo. Cuộc đời của Người cho chúng ta thấy rằng cần gì phải tham gia chính trị mới yêu nước? Cần gì đến sự ủng hộ của chính thể này hay chính thể nọ mới gọi là tùy duyên? Với cuộc sống thanh cao, thoát tục và hạnh nguyện độ sanh của Người, ai dám nói Người là không yêu nước, không bảo vệ quốc gia, không vận dụng phương tiện để đưa giáo pháp của đức Phật đi vào sự sống của quần chúng Việt Nam? Cuộc đời của Người là cuộc đời của một vị chân tu, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hạnh nguyện của Người là tự thắp sáng đuốc của mình rồi truyền đuốc và?mòi đuốc cho người khác. Người sống trong thế gian để mà vượt lên trên thế gian. Người ở trong đời để mà độ đời. Người mộc mạc và bình dị trong cách sống để giúp mọi người nhận ra được cái siêu tuyệt của chánh pháp trong thế sự thường tình. Không có chánh pháp và chân lý nào tồn tại ngoài thế gian cũng như không có việc làm nào của Người là không nhằm hướng đến sự lợi lạc cho tha nhân và cộng đồng xã hội. Nhớ đến Người là nhớ đến một bậc chân tu làm chói sáng đạo giải thoát bằng cuộc sống bình dị, thanh cao; làm ích nước, lợi đời bằng hành vi chánh pháp. Người bình dị nhưng cao vĩ, trong đời nhưng vượt lên trên đời, để cho đời ca tụng.

Ni Trưởng Như Thanh, một nhà thơ đạo

Sáng tác thơ đạo là một trong những nét nổi bậc của Ni Trưởng. Đối với Ni Trưởng, thơ không phải là trò tiêu khiển mà là một phương tiện hữu hiệu, một lợi khí sắc bén để truyền đạo, để đem giáo lý vào lòng người. Với sáu tập thơ Hoa Đạo, Hoa Thiền, Hoa Thanh Lương, Hương Hoa Bát-nhã, Hoa Đạo Hạnh và Phẩm Chất Người Con Phật, được làm và xuất bản trong những thời điểm khác nhau, Ni Trưởng đã giới thiệu một cách sống động những lời dạy cao siêu của đức Phật dưới hình thức của những vần thơ giản dị, thanh thoát, nhẹ nhàng, mang hồn sắc Việt Nam. Thơ của Ni Trưởng mang một chí nguyện xuất trần, vào đời độ sanh. Thơ của Ni Trưởng là tất cả tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm và thể nghiệm của một người đã trải qua quá trình tu tập nhiều gian khó, truyền lại cho người đọc những chất liệu của tình thương yêu, lượng thứ bao dung, những chất liệu của chánh pháp đã tinh chế, để tất cả cùng nhau thở cùng nhịp thở an lành trong bầu khí quyển của chánh pháp. Thơ của Người đậm đà tình quê hương dân tộc và thấm nhuần hương vị đạo đức.

Từ những bài thơ đầu tay vào năm 1932 cho đến những bài thơ cuối cùng trong những năm gần viện tịch, trải dài trong khoảng thời gian hơn 60 năm, tinh thần thơ của Người như nguồn mạch tuôn trào, thấm nhuần chất đạo, đậm đặc tinh hoa, mang mác ân tình, dồi dào đạo lực, ấp ủ chí khí, dào dạt tình thương, nuôi lớn hạnh nguyện, và đậm đà chất ngụ ngôn và triết lý sống. Thiên nhiên và mọi sự vật hiện tượng đối với Người không chỉ là nơi để thưởng ngoạn mà còn là công cụ để chuyển tải đạo, mô tả đạo một cách sống động. Từ hình ảnh của người nông dân mộc mạc, chú lái đò thân thương, ông phú ông bủn xỉn, cho đến con chim sáo, chim hoàng oanh, con tôm, con tép, con ếch, con lừa, và ngay cả hình ảnh của chiếc lồng, của viên ngọc, của sóng, của nước, của trời và biển?đều được Người vận dụng nhuận nhuyễn để diễn tả chân lý trong những cái bình thường. Thơ của Người lúc thì sử dụng các thể thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, khi thì sử dụng lục bát và song thất lục bát và ngay cả thể tự do nhưng tất cả đều mang đậm chất liệu Việt Nam, thuần ngôn ngữ và tâm tình của người Việt Nam. Thơ của Người khi thì chứa đựng các ẩn dụ triết lý, các so sánh ví von, lúc thì khéo sử dụng các phương pháp tương phản, liệt kê, tất cả nhằm hướng cho người đọc nhận ra được tinh hoa áo nghĩa của lời Phật dạy trong đời thường, như duyên khởi, nhân quả tương ứng, tội phước phân minh, trau dồi đạo đức, đa văn, thiền định và trí huệ?Đây là việc làm đáng học hỏi, đáng được trân trọng. Người xứng đáng với tên gọi một nhà thơ đạo, một nhà thơ lớn của Ni giới Việt Nam, một nhà thơ của Phật giáo Việt Nam và là một nhà thơ tầm cở của dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Ni Trưởng như thanh, nhà nghiên cứu sáng tác tầm cỡ

Nói đến Ni Trưởng là nói đến người suốt đời tận tụy với sự nghiệp bút nghiên cho Phật giáo và cho đàn hậu tấn. Ni Trưởng đã khởi đầu sự nghiệp sáng tác vào độ tuổi thanh xuân, cái tuổi mà người đời còn say mê trong hưởng thụ vật chất và vui chơi. Sớm ý thức và giác ngộ lẽ đạo siêu thoát, Ni Trưởng đã ròng rã suốt gần 60 năm, sáng tác, dịch thuật và sớ giải các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Đây là một tấm gương mà không phải một vị cao ni nào, một bậc tôn túc nào cũng có thể làm được. Các sáng tác của Ni Trưởng nhắm vào các chủ đề nghiên cứu khác nhau, cho các đối tượng khác nhau, để xiển dương chánh pháp của đức Phật. Về lịch sử, có thể kể đến các tác phẩm Lược sử Phật Thích-ca và Lược sử Kiều-đàm-di mẫu. Về nghi thức tụng kinh, có thể kể đến các quyển Nghi thức tụng niệm, Nghi thức niệm hương và Nghi thức phóng sanh. Về các sách cẩm nang, có thể kể đến các quyển Cẩm nang người Phật tử (cho Phật tử tại gia), Giới đức kiêm ưu (cho người xuất gia) và Phật pháp giáo lý (cho cả hai đối tượng tại gia và xuất gia).

Trong mười năm cuối đời, Ni Trưởng đầu tư vào việc giới thiệu và sớ giải các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa như các tác phẩm Hành Bồ-tát đạo (3 tập), Bát-nhã cương yếu (2 tập) và Duy thức học. Các tác phẩm này có giá trị nghiên cứu rất cao, không những về phương diện cung cấp tri thức Phật học mà còn ở phương diện truyền trao kinh nghiệm tu tập Phật học. Cách tiếp cận và sớ giải của Ni Trưởng trong các phẩm trên rất đặc biệt, mang tính chiều sâu và toàn diện. Chúng có thể được xem như những sách căn bản và tiêu chuẩn cho việc nghiên cứu và tu học Phật pháp.

Ngoài các sáng tác trên, Ni Trưởng còn tuyển dịch nhiều tác phẩm căn bản và quan trọng trong Phật giáo, nhằm đáp ứng cho việc nghiên cứu và học hỏi của tăng ni và Phật tử lúc bấy giờ. Các dịch phẩm ấy liên quan đến tư tưởng bát-nhã như Hai mươi bốn bài kệ bát-nhã, đến tinh hoa cũng như sự giống và sự khác nhau giữa thiền và tịnh độ như Thiền tông cương yếu và Thiền tông và Tịnh độ tông, đến phương pháp tu tập hữu hiệu như Tinh thần tu dưỡng, đến tinh thần nhập thế và hoạt động xã hội như Hộ quốc nhân vương và Hưng thiền hộ quốc và liên quan đến tiêu chí khôi phục và chứng hưng đạo Phật như Làm thế nào để chấn hưng Phật giáo.

Ngoài các dịch phẩm tiêu biểu trên, Ni Trưởng còn xuất bản sáu tuyển tập thơ đạo, tổng cộng gần 1000 bài thơ với nhiều thể loại khác nhau, do Người sáng tác ngay sau khi mới xuất gia và cho đến những năm cuối đời. Ni Trưởng còn là Tổng biên tập và Chủ biên của hai tạp chí Phật học mang tên Hoa đàm và Nhân cách, để khích lệ ni chúng sáng tác và truyền bá chánh pháp, dưới dạng thức văn học và phương diện hành đạo thực tiễn.

Với số lượng của 20 tác phẩm và 8 dịch phẩm như vừa nêu trên về các chủ đề Phật học khác nhau, được viết và xuất bản trong vòng 60 năm qua, mà trong số đó có?nhiều tác phẩm đã được tái bản nhiều lần, cũng đủ cho thấy tinh thần làm việc không mệt mỏi, tinh thần phục vụ tận tụy và gương hy sinh cao cả của Người, đối với Đời, đối với Đạo, đối với tăng ni Phật tử và đối với dân tộc Việt Nam. Người quả thật xứng đáng là nhà nghiên cứu và sáng tác Phật học tầm cở, không chỉ thuộc vào bậc nhất nhì trong giới Ni Việt Nam trong thế kỷ 20 mà còn thuộc vào bậc xứng đáng "ngồi riêng một chiếu" trong ni giới về gương hạnh làm việc và sáng tác trong suốt mấy ngàn năm của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

-oOo-

Nhớ đến Người là tôi nhớ đến một vị Ni Trưởng đã đào tạo nên nhiều thế thệ Ni sư, Sư cô mà nhiều người trong số đó đã đóng góp không nhỏ vào sứ mạng truyền bá chánh pháp của đức Phật, làm lợi lạc con người và dân tộc Việt Nam. Dù cho sau này, nhục thân của Ni Trưởng không còn nữa nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng tên tuổi, hình ảnh và tinh thần phụng sự chánh pháp của Người luôn sống mãi trong lòng của Ni bộ Việt Nam, trong Phật giáo Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.

Dầu cho có phải vĩnh biệt Người trong nỗi đau khó tả, trong sự nhận thức lẽ vô thường tạm bợ, trong hoài bảo phụng sự chúng sanh chưa trọn vẹn, nhưng với niềm tin bền vững về một tương lai tươi sáng của Ni bộ miền Nam Việt Nam nói riêng và của Ni bộ Phật giáo Việt Nam nói chung, tôi kính mong và tin tưởng rằng quý Ni sư và Sư cô đệ tử của Người sẽ làm cho những giáo huấn và hành động bảo vệ chánh pháp của Người trở thành hiện thực. Được như vậy thì nỗi đau vô thường sẽ không còn là nỗi đau nữa mà là đầu nguồn của Phật sự độ sanh, của an lạc, giải thoát trong thế giới tử sanh như quy luật này.

Tôi mong sao sự ra đi của Ni Trưởng không phải là sự mất mát cho Ni chúng mà là sự cảnh tỉnh Ni chúng nhiều hơn về nguyên lý sanh-già-bệnh-chết, mà cố gắng nỗ lực hết mình trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đem ánh sánh chân lý từ bi và trí tuệ của Phật giáo vào cuộc đời nhiều u mê, tăm tối này. Sự ra đi của Người có chăng chỉ là bài giáo huấn cho tất cả chúng ta, những ai chỉ mới tu tập cho bản thân mình, những ai chỉ giới hạn mình trong khuôn khổ lời kinh tiếng kệ mà chưa dấn thân vào sự nghiệp độ sanh, chưa tắm mình trong biển Phật học, để góp phần làm sáng soi chánh pháp cho Phật tử Việt Nam, cho văn học Phật giáo, cho dân tộc Việt Nam và cho văn hóa dân tộc. Do đó, tôi tin rằng sự ra đi của Người sẽ là nguồn động cơ không gì có thể cưởng lại được cho sự vươn dậy và trưởng thành của tất cả Ni chúng tu học theo người: Hãy noi gương Người làm xán lạn chánh pháp tại cuộc đời này, như Người đã từng khổ công thực hiện và chỉ dạy.

Cuộc đời và hạnh nguyện của Người đã góp phần tô bồi cho cây Bồ-đề Việt Nam mãi tốt tươi, cho cây đời Việt Nam vươn tới sự sống an lạc, cho Phật giáo và Dân Tộc mãi mãi bên nhau. Ngưỡng mong quý Ni sư, quý Sư cô, quý Phật tử đệ tử của Người hãy tiếp nối sự nghiệp của Người, đem đuốc tuệ của Người truyền đi khắp nơi, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp khắp đó đây, để làm tỏ sáng chất liệu an lạc, giải thoát cho bầu trời Việt Nam hôm nay và mai sau.

Thành kính vĩnh biệt Người trong thế giới diệt sanh.

Kính mong mãi gặp được Người trong gương hạnh độ sanh thoát tục.

New Delhi, ngày 27 tháng 11 năm 1997.

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ,
cẩn bút

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2023(Xem: 4157)
Chùa Sắc Tứ Kim Sơn Nha Trang tổ chức Lễ Hiệp Kỵ lần 56 Chư Tôn Đức & Quý Phật tử hy sinh vì lý tưởng phụng sự xã hội ngày 10/6/2023
09/06/2023(Xem: 3079)
Người anh tôi đang thưa chuyện tên là Lê Hùng Anh một thời ở chùa Viên Giác, Hội An. Hai anh em chúng tôi ăn chung, ngủ chung. Phòng ăn là hai chiếc bàn học dài nối nhau nhìn ra giếng nước sau chùa. Ngồi theo thứ tự tuổi tác nên tôi luôn ngồi phía bên trái anh mỗi bữa ăn. Anh em ngủ chung trong căn phòng nhỏ dành cho các học sinh ở phía cuối nhà đông. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và mạnh khỏe nên gánh nước tưới rau. Tôi nhỏ hơn anh và ốm yếu nên quét lá, đánh chuông, lau bàn ghế.
01/06/2023(Xem: 7820)
Ôn Tuệ Sỹ là một bậc cao Tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam đã và đang cống hiến trọn đời mình cho công cuộc hoằng Pháp lợi sinh. Từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, là một trí giả Phật giáo uyên thâm, Ngài được đặc cách bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh và là Chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ngài là tác giả, dịch giả nhiều bộ sách biên khảo quan trọng đặc sắc về Phật giáo, Văn học, Triết học, Thơ ca như Thiền Luận Suzuki, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo; nhất là các bản dịch giá trị để lại cho đời như: A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận (trọn bộ 5 tập), Các Tông Phái Phật giáo, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Luận Thành Duy Thức, các bộ Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, v.v...
31/05/2023(Xem: 3008)
Cố Hương tiễn bước thong Dong, Tịch nhiên xã báo, sắc không trở về. Chơn tâm nối gót Bồ đề, Dung nghi tướng Phật, nguyện thề Vân Du.
25/05/2023(Xem: 5064)
Hạnh Đoan một dạ hướng an thiền Tu tập tinh cần kết thiện duyên Nhập thất trì kinh nuôi ước nguyện Bế môn lễ Phật dưỡng tâm nguyền Âm thầm chuyển ngữ truyện nhân quả Lặng lẽ ghi lời sách hoá duyên Viên Chiếu một thời lưu dấu ấn Ngày về cảnh Phật ngát hương liên..!
23/05/2023(Xem: 2738)
32- Tiểu Sử Thượng Toạ Thích Minh Phát 1956-1996
07/05/2023(Xem: 2253)
Hòa thượng Giác Quang – thế danh là Đàm Hữu Phước, sinh ngày 30/4/1947 (nhằm ngày 10/3 âm lịch, năm Đinh Hợi) tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình đạo đức gia phong, thân phụ là cụ ông Đàm Hữu Lượng – một y sĩ đức độ nhân từ, thân mẫu là cụ bà Võ Thư Tư – một nhà giáo lương hiền phúc hậu, được dân làng trân trọng và kính quý.
04/05/2023(Xem: 3666)
Cáo Bạch Tang Lễ Sư Cô Thích Nữ Giác Trí (1948-2023) tại Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu
03/05/2023(Xem: 4266)
Trường Sức khỏe Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard hôm 26/4 vừa thành lập Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh với một hội nghị chuyên đề có sự tham gia của các thiền sư và học giả trên khắp thế giới, trong đó có các đại đệ tử của cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sứ mạng của trung tâm này là ‘giúp cho con người trên khắp thế giới sống có mục đích, sống thanh thản, sống yêu đời thông qua thực hành chánh niệm’; thực hiện các phương cách thực chứng để cải thiện sức khỏe và sự an lạc thông qua chánh niệm và giáo dục công chúng về chánh niệm, thông cáo báo chí của Đại học Harvard cho biết.
03/05/2023(Xem: 140993)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]