Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử HT Thích Trung Hậu

09/06/201812:54(Xem: 4294)
Tiểu Sử HT Thích Trung Hậu

ht thich trung hau

HÒA THƯỢNG THÍCH TRUNG HẬU 
(1945 - 2018) 

- Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Tổng Biên tập Tạp chí 
Văn Hóa Phật Giáo
- Trụ trì chùa Linh Thái, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh

A.   THÂN THẾ

Hòa thượng họ Hồ, húy Văn Chiến, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1945 tại làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình miền quê duyên hải chất phác, tin Phật thuần thành.

Thân phụ là cụ ông Hồ Hoài, pháp danh Nguyên Thông - một vị Khuôn trưởng Khuôn hội Phật giáo Mỹ Á, chánh tín Tam bảo. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Con, pháp danh Nguyên Mỹ, hiện tròn 100 tuổi và đang hưởng đại thọ cùng con cháu tại quê nhà. Song thân sinh hạ được 8 người con, 7 trai một gái, Hòa thượng là con trưởng trong gia đình.

Lúc ấu thơ, Hòa thượng theo học tại trường làng, sau đó, với thiện duyên, Hòa thượng đã được lưu trú tại chùa Từ Đàm để theo học các trường lớp ở Cố đô. Qua sự hướng dẫn của một vị là đàn anh cùng quê - lúc bấy giờ đang theo lớp dự bị xuất gia tại chùa Từ Đàm, hoặc đã trở thành giảng sư, Hòa thượng đã được gặp gỡ, thân cận các bậc xuất gia. Với tính hiếu học và Bồ-đề tâm sẵn có, Hòa thượng đã được chư tôn thiền đức thương mến dạy dỗ, nhất là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang.


B. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Năm 1957, đủ nhân duyên, Hòa thượng phát tâm mạnh mẽ mong muốn được thế phát dự vào hàng Thích tử. Sau khi xin phép song thân, được sự đồng thuận, Hòa thượng bày tỏ tâm nguyện khẩn cầu lên chư tôn thiền đức tại chùa Từ Đàm và được Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang thâu nhận làm đệ tử, được Trưởng lão Hòa thượng ban pháp danh là Lệ Như, pháp tự Trung Hậu.

Sau khi xuất gia, Hòa thượng được Trưởng lão Hòa thượng Bổn sư cho tiếp tục việc học ngoại điển, đồng thời sớm hôm cần mẫn với chương trình công phu tu tập thiền môn nghiêm khắc ở Cố đô. Hòa thượng đặc biệt có hạnh thờ thầy rất chu đáo. Trong Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam 1963 và những năm sau đó, Hòa thượng thường được Hòa thượng Bổn sư cho theo làm thị giả, lòng chưa một phút giây xao lãng trong việc học đạo, thờ Thầy.

Năm 1968, Hòa thượng được Trưởng lão Hòa thượng Bổn sư cho phép đặc cách thọ Tam đàn Cụ túc tại Đại giới đàn Phật Học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, tổ chức vào ngày 17, 18, 19 tháng 6 năm Mậu Thân (12,13, 14-7-1968), do Đại lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Đường đầu Hòa thượng, Trưởng lão Hòa thượng Giám viện Thích Trí Thủ làm Chánh chủ đàn.

Sau khi thọ Cụ túc giới, Hòa thượng được Hòa thượng Bổn sư gửi vào Quảng Hương Già Lam - Sài Gòn theo học Phân khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh và tốt nghiệp Cử nhân Phật học vào năm 1972.


C. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO, HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ

Sau năm 1975, khi đất nước hòa bình thống nhất, Hòa thượng cùng chư tôn đức theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu chuyển về trú xứ thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận ngày nay). Hòa thượng từng đảm trách tri sự của thiền viện Vạn Hạnh một thời gian, và thường trú tại đây cho đến ngày viên tịch.

Năm 1997, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế được thành lập do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Viện trưởng, cùng với chư tôn đức Tăng Ni, chư vị cư sĩ trí thức tại Thuận Hóa, các tỉnh thành trong nước và hải ngoại, Hòa thượng đã tích cực hộ trì, tham gia công tác giảng dạy, đảm trách Phó Viện trưởng Học viện giai đoạn đầu, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nhân sự.

Hòa thượng là hàng Giáo phẩm tham gia hoạt động văn hóa, báo chí rất sớm cùng với cố Cư sĩ Võ Đình Cường, đảm nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN (1984), Phó Trưởng ban Báo chí và In ấn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2003), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (2004), Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (tháng 4-2017 cho đến ngày viên tịch); Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN liên tục 3 nhiệm kỳ VI, VII và VIII.

Năm 1997, Hòa thượng khai sơn chùa Linh Thái, tọa lạc xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Giáo hội công nhận cơ sở này là giáo sản thuộc hệ thống tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bổ nhiệm Hòa thượng làm trụ trì vào năm 2010. Nơi đây, Hòa thượng đã tiếp Tăng độ chúng hơn 10 vị xuất gia, chứng minh thành lập Gia đình Phật tử Linh Thái, tổ chức các sinh hoạt trí thức, truyền Tam quy Ngũ giới cho nhiều tín đồ quy hướng Tam bảo cũng như các hoạt động văn hóa, tâm linh vào các dịp lễ trọng của Phật giáo. 

Với tâm lượng bao dung và hạnh cần mẫn, cho đến hôm nay chùa Linh Thái mà Hòa thượng dày công gầy dựng đã trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, không chỉ là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, quy hướng tâm linh cho cư dân quanh vùng đến học Phật sớm hôm, mà còn là nơi lưu giữ đạo tình của bao pháp lữ, huynh đệ và hàng đệ tử tứ chúng hướng về.

Trân trọng những đóng góp của Hòa thượng, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã tặng nhiều Bằng Tuyên dương Công đức; Chủ tịch nước tặng Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.


D. CÔNG TRÌNH SƯU TẬP, BIÊN SOẠN

Hòa thượng là người luôn có ý thức yêu thích những giá trị trí tuệ, văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc đậm đà tinh thần Phật giáo cũng như gương sáng chư vị Bồ-tát, Thánh Tăng, chư tôn thiền đức, cư sĩ hữu công đối với Phật giáo qua các thời kỳ.

Mặc dù bận rộn với nhiều Phật sự, nhưng Hòa thượng vẫn sớm hôm cần mẫn hầu Thầy là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, nhất là trong việc đảm trách in ấn các công trình dịch thuật, nghiên cứu, trước tác của Trưởng lão Hòa thượng Bổn sư một cách tận tụy. 

Bên cạnh đó, Hòa thượng vẫn miệt mài dành nhiều thời gian để sưu tầm, biên soạn các công trình về văn hóa, lịch sử Phật giáo, và cho đến nay đã có hơn 30 đầu sách được xuất bản. 

Những năm tháng cuối đời, dù thân tứ đại khiếm an, chí nguyện phụng sự văn hóa Phật giáo của Hòa thượng vẫn không hề xao lãng, kể cả những tháng ngày điều trị ở bệnh viện, các tập bản thảo tâm huyết một đời của Hòa thượng vẫn không rời tay.

Tính đến nay, Hòa thượng đã hoàn thành và xuất bản các tác phẩm sau:

1. Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam (2006, tái bản 2007)

2. Những truyện cổ tích Việt Nam mang màu sắc Phật giáo (2008)

3. Sự tích Quan Âm trong văn học dân gian Việt Nam (2009)

4. Sự tích A-la-hán (2010)

5. Sự tích Địa Tạng Đại sĩ (2011)

6. Hạnh đức của Bồ-tát Phổ Hiền (2012)

7. Bồ-tát Di-lặc - Đức Phật đương lai (2013)

8. Bồ-tát Đại Trí Văn Thù (2014)

9. Tôn giả Xá-lợi-phất (2015)

10. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên (2016)

11. Tôn giả Đại hiếu Mục-kiền-liên (2016)

12. Tôn giả Ananda (2016)

13. Trưởng giả Cấp Cô Độc (2016)

14. Nữ Đại thí chủ Tỳ-xá-khư  (2016)

15. Tôn giả Agulimala (2017)

16. Tôn giả Maha Kassapa (2017)

17. Thánh nữ Tỳ-kheo-ni Mahapajapati Gotami (Di mẫu Kiều-đàm-di, 2017)

18. Tôn giả Devadatta (Đề-bà-đạt-đa, 2017)

19. Thánh nữ Tỳ-kheo Ni Uppalavanna (Liên Hoa Sắc, 2018)

20. Tôn giả Rahula (La-hầu-la, 2018)

21. Tôn giả Anuruddha (A-na-luật, 2018)

22. Thánh nữ Tỳ-kheo Ni Khema (2018)

23. Tôn giả Maha Kaccana (Đại Ca-chiên-diên, 2018)

24. Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (6 tập, đồng thực hiện; tập 1, 2 và 3 (2007), tập 4, 5 và 6 (2008)

25. Đức Phật Thích-ca đã xuất hiện như thế (2009)

26. Chư tôn thiền đức Phật giáo Thuận Hóa (đồng soạn giả, 2010)

27. Chư tôn thiền đức và cư sĩ Phật giáo Thuận Hóa, tập 1, 2 (đồng soạn giả, 2011)

28. Chư tôn thiền đức và cư sĩ Phật giáo Thuận Hóa, tập 3 (đồng soạn giả, 2016)

29. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu di cảo (đồng soạn giả, 2017)

30. Đã thực hiện bản thảo chuẩn bị xuất bản: Chư tôn thiền đức và cư sĩ Phật giáo Thuận Hóa, tập 4 và một số Công hạnh chư Đại Bồ-tát, Thánh Tăng, chư tôn thiền đức Tăng Ni, cư sĩ có nhiều đóng góp cho Phật giáo thời hiện đại.


E. NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG

Khi được các bác sĩ cho biết về tình trạng sức khỏe có dấu hiệu không được tốt, phải nhập viện điều trị, nhưng Hòa thượng vẫn tiếp tục cùng các pháp lữ và cộng sự làm việc không biết mệt mỏi, vượt lên những chướng duyên thân bệnh.

Đặc biệt Hòa thượng vẫn tâm niệm tận tụy hầu Thầy, ưu tư về những việc sẽ làm trong tấm lòng của một người học trò đối với Bậc Ân sư nhờ đó mà một đời nên huệ mạng.

Là người con hiếu thảo, Hòa thượng cũng thường lo nghĩ đến mẫu thân đã ngoài 100 tuổi, cũng như các pháp lữ cả một đời gắn bó thân thiết trong tình Linh sơn cốt nhục sâu sắc.

Điều đáng quý là lúc nào bên cạnh Hòa thượng cũng có những cuốn sách cần đọc, và vẫn thường xuyên đọc, trao đổi về những điều hay lẽ đẹp, tha thiết với mục tiêu lấy trí tuệ làm sự nghiệp.

Cuộc đời của Hòa thượng nổi bật với tính cách gần gũi, giản dị, khiêm cung, nhiệt tâm trong mọi Phật sự; tôn trọng bậc trưởng thượng, thân thiện và kiên nhẫn với hàng hậu học, với các cộng sự và Phật tử, trân trọng giới trí thức, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người hữu duyên gặp gỡ, tiếp xúc.

Duyên đã mãn, Hòa thượng an nhiên xả báo thân, viên tịch vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 21 tháng 4 năm Mậu Tuất, nhằm ngày 4 tháng 6 năm 2018, Phật lịch 2562, tại chùa Linh Thái, nơi Hòa thượng khai sơn và trụ trì, trong đạo tình và sự hộ niệm của các pháp lữ, tứ chúng đệ tử, trụ thế 74 năm, 50 Hạ lạp.

Nam mô Đạo Mân Pháp phái Đệ thập nhị thế hệ Việt Nam Phật giáo Giáo hội Hội đồng Trị sự Thường trực Ủy viên, Trung ương Văn hóa Ban Trưởng ban, khai sơn Linh Thái tự trú trì, húy thượng Lệ hạ Như, tự Trung Hậu, hiệu Phổ Thọ Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Môn đồ pháp quyến phụng soạn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 16311)
Ba năm về trước, khi bổn-sư (và cũng là chú ruột) của tôi là cố Hòa-Thượng Ðại-Ninh THÍCH THIỀN-TÂM viên-tịch, trong buổi lễ thọ tang ngài tôi có dâng lời nguyện trước giác-linh Hòa-Thượng cầu xin ngài chứng-minh và gia-hộ cho tôi - vừa là đệ-tử và cũng là cháu ruột của ngài - được đầy đủ đạo-lực cùng minh-tâm, kiến-tánh thêm hơn để nối-tiếp theo gót chân ngài, hoằng-dương pháp môn Tịnh-độ nơi hải-ngoại ....
17/04/2013(Xem: 5052)
Con, Tỳ kheo ni Hạnh Thanh, vừa là môn phái Linh Mụ ; nhưng thật ra, Ôn, cũng như con và cả Đại chúng Linh Mụ đều là tông môn Tây Thiên pháp phái. Vì Ôn Đệ tam Tăng thống tuy Trú trì Linh Mụ quốc tự, nhưng lại là đệ tử út của Tổ Tâm Tịnh, Khai sơn Tổ Đình Tây Thiên, được triều Nguyễn dưới thời vua Khải Định sắc phong là Tây Thiên Di Đà tự. Ôn Cố Đại lão Hòa thượng Đôn Hậu có cùng Pháp tự chữ Giác với quý Ôn là Giác Thanh, trong Sơn môn Huế thường gọi là hàng thạch trụ Cửu Giác và có thêm một hàng gọi là bậc danh tăng thạc học Cửu Trí (Chỉ cho các ngài Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siệu v..v...) Cố đô Huế là vậy ; đó là chưa kể nơi phát sinh ra danh Tăng ưu tú ngũ Mật nhị Diệu (Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không) và cũng là nơi đào tạo tăng tài, xây dựng trường Đại học Phật giáo đầu tiên không những chỉ cho Huế mà cả miền Trung việt Nam nữa. Ở Huế thường kính trọng các bậc chơn tu thực học, đạo cao đức trọng nên thường lấy tên chùa để gọi pháp
11/04/2013(Xem: 8381)
Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái
10/04/2013(Xem: 6414)
Ngày 15-2-1965, tôi và thầy Chơn Thanh cũng như các học Tăng khác từ các nơi tập trung về Phật học viện Huệ Nghiêm dự thi tuyển vào khóa II của Phật học viện. Thầy thì từ Phật học đường Phổ Quang Gia Định đến, tôi thì từ Phật học đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh lên, tất cả cùng một chí hướng, một mục đích và một ước nguyện là thi đậu vào Phật học viện. Kết quả, thầy thi đậu lớp Sơ trung 2, tôi thi đậu vào lớp Sơ trung 1
10/04/2013(Xem: 8043)
Kính dâng Hoà Thượng Thích Tịch Tràng, để nhớ công ơn giáo dưỡng - Tôi ra thắp nhang nơi tháp mộ của Người, ngồi bên tháp rêu phong, vôi vữa đã lở ra từng mảng, đường nét đơn sơ giản dị như cuộc đời giản dị của Thầy, lòng chợt bâng khuâng nhớ thương thầy vô hạn. Tôi tự hỏi: “Động cơ nào đã thôi thúc Thầy nguyên là một vị giáo sư Pháp văn ưu tú con nhà quý tộc ở xứ Quảng, lại cắt ngang con đường công danh sự nghiệp, để vào đây nối bước theo chân Tổ mà nối đuốc đưa mọi người qua khỏi bóng đêm vô minh dày đặc và biến nơi đây thành một quê hương tâm linh cho tất cả ngưỡng vọng hướng về”.
10/04/2013(Xem: 6852)
Một sinh thể đã xuất hiện trong cuộc đời như chưa từng có, đến lúc từ giã ra đi cũng thật nhẹ nhàng như cánh nhạn lưng trời. Vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, được bẩm thụ cái gen của tổ phụ từng nổi tiếng văn chương, lại hấp thụ tinh hoa của địa linh sông Hương, núi Ngự - một vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Phật giáo miền Trung. Khi trưởng thành, thể hiện phong thái của một bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn, nhưng túc duyên thôi thúc, sớm rõ lẽ vô thường, dễ dàng từ bỏ cảnh phú quí vinh hoa, hâm mộ nếp sống Thiền môn thanh đạm.
10/04/2013(Xem: 5517)
Cư sĩ Tâm Minh- Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam-nay là tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí nhiều đời làm quan.Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự đức.
10/04/2013(Xem: 6081)
Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (1890), tại làng Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Toán và cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình, bẩm tính thông minh, năm 15 tuổi Ngài đã tinh thông Nho học rõ lẽ xuất xứ ở đời, nhưng với chí khí xuất trần, muốn vươn tới một phương trời cao rộng Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tầm sư học đạo.
10/04/2013(Xem: 9748)
Đại Lão Hoà Thượng Pháp danh Thượng Quảng Hạ Liên, Tự Bi Hoa, Hiệu Trí Hải thế danh Nguyễn Văn Chính, sinh năm 1926 – Bính Dần tại Sông Cầu – Tỉnh Phú Yên, trong một gia đình túc nho, tiểu thương, giàu lòng kính tin tam bảo, Hoà thượng là con thứ 8 trong gia đình với 09 Anh Chị Em được thân phụ là Cụ Ông Nguyễn Văn Phân – PD. Nhựt Minh và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Dưỡng – PD.
10/04/2013(Xem: 5852)
Ngài thế danh là Nguyễn Xuân pháp danh Thanh Phong pháp tự Hoàng Thu hiệu Như Nguyện. Sinh ngày 01/06/1937 tai thôn Phú Cấp xã Diên Phú huyện Diên Khánh tinh Khánh Hoà. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ðối thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lẻo pháp danh Trừng Lan. Ngài là anh cả trong 4 anh em.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567