Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người Đã Ra Đi - Bản Thệ Vẫn Còn

21/12/201706:17(Xem: 5367)
Người Đã Ra Đi - Bản Thệ Vẫn Còn



Chan Dung HT Thich Duc Chon-5

Người Đã Ra Đi - Bản Thệ Vẫn Còn

 (Vô vàn thương quý Hòa thượng Thích Đức Chơn)


Ý Chỉ Và Hành Động

Trong thời Đệ nhất Cộng Hòa, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, từ 1954 đến 1963, Phật giáo bị đối xử như một hội đoàn thông tục mà không phải là một Giáo hội; Thiên Chúa Giáo được đối xử và hưởng đặc quyền của một Giáo hội vượt lên trên quyền lợi của mọi hội đoàn qua Đạo dụ số 10. Một Đạo dụ đánh mất sự bình đẳng Tôn giáo mà chính phủ Pháp đã chỉ đạo và mượn danh Quốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 06/8/1950. Đạo Dụ này đến thời Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954 – 1963) vẫn tiếp tục áp dụng để khống chế quyền Tự do Tôn giáo tại Việt Nam, ngoại trừ Thiên Chúa Giáo.

Từ sự đối xử mất bình đẳng ấy, dẫn đến cuộc đấu tranh bất bạo động đòi hỏi tự do, bình đẳng Tôn giáo của Tăng Tín đồ Phật giáo Việt Nam đối với chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Năm 1963, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo trong ngày Đại lễ Phật đản và bắn chết các Phật tử tại Đài phát thanh – Huế.

Từ đó, Tăng Ni Phật Tử yêu cầu chính quyền làm sáng tỏ vụ việc, ai là người chủ trương bắn chết Phật tử tại Đài phát thành Huế, và yêu cầu chính quyền tôn trọng Tự do nhân quyền và Bình đẳng Tôn giáo, đáp ứng năm nguyện vọng của Phật giáo đồ, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam lãnh đạo.

Chính quyền bấy giờ đã không đáp ứng năm nguyện vọng chính đáng này của Tăng Tín đồ Phật giáo, mà lại còn đàn áp Tăng Tín đồ Phật giáo mỗi ngày, mỗi thêm khốc liệt, “Máu đã đổ, Tăng Ni Phật tử chúng tôi sẵn sàng đổ máu”, khiến ngọn lửa Đại hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức bùng lên đầu tiên, vào ngày 11/6/1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, bên ngoài tòa Đại sứ Campuchia ở Sài Gòn; ngọn lửa Thích Thanh Tuệ, Thích Tiêu Diêu bùng lên ở Huế, Thích Nữ Diệu Quang bùng lên ở Ninh Hòa, Thích Nguyên Hương bùng lên ở Phan Thiết; ngọn lửa Quảng Hương bùng lên ở công trường Diên Hồng, Sài Gòn sau chiến dịch “nước lũ”, ngọn lửa Thích Thiện Mỹ bùng lên ở trước mặt nhà thờ Đức bà, Sài Gòn, trong thời điểm phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến điều tra sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, tại Việt Nam, và rồi với biết bao tâm can nghĩa khí của Tăng Ni Phật tử nguyện tiếp nối những ngọn lửa đại hùng dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến cho sắt cứng phải mềm, đá cứng phải chảy và cho dù tâm hồn chai lì vô cảm đến đâu cũng chuyển động và thức tỉnh.

Ngọn lửa của Tôn giả Quảng Hương đã bùng lên vào lúc 12 giờ 05 phút, trưa ngày 05/10/1963, nhằm ngày 18/8/Quý Mão, tại Công trường Diên Hồng, trước chợ Bến Thành, Sài Gòn, sau chiến dịch “Nước lũ” ngày 20/8/1963 của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, và trước khi khối Á Phi đưa vấn đề “kỳ thị đàn áp Tôn giáo tại Việt Nam ra trước Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc”. Trước khi tự thiêu Tôn giả đã để lại huyết thư, gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tôn giả Quảng Hương nói: “Đấu tranh cho đến cùng, khi nào quyền tự do căn bản được tôn trọng mới thôi”.

Chính những ngọn lửa này đã đẩy thúc cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo đồ, năm 1963 đi tới thành công, mà nhục thân của Tôn giả Quảng Hương và nhiều vị Thánh tử đạo đã bị chính quyền cướp mất, cho đến giờ này không biết họ tiêu tán nơi đâu!

Hòa thượng Thích Trí Thủ, Nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thiết lập Tu viện ở Sài Gòn lấy tên Quảng Hương là để đào tạo những thế hệ Tăng sĩ tu học ở nơi đây theo tinh thần và hạnh nguyện của Tôn giả Quảng Hương, nghĩa là sẵn sàng hy sinh tính mạng để đuổi tà, hộ chánh, trấn giữ Già lam, bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc đến cùng.

Hòa thượng Thích Đức Chơn được Bổn sư ủy cử trách nhiệm Trú trì Tu viện Quảng Hương Già Lam với ý chỉ ấy.

Phụng hành ý chỉ của Bổn sư, Hòa thượng Thích Đức Chơn sẵn sàng làm bất cứ điều gì dù khó khăn đến mấy, dù gian nguy cỡ nào, cũng một mực kiên trinh không hề thoái chuyển cho đến hơi thở cuối cùng.

ht duc chon

Hòa thượng Thích Đức Chơn khi đảm nhận Trú trì Tu viện Quảng Hương Già Lam đã hết lòng với Bổn Sư và chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, cũng như ươm mầm và nuôi dưỡng tạo thành những sinh chất, cho những thế hệ trẻ mà cụ thể là Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Tổ chức “giáo dục thanh thiếu đồng niên, trở thành những Phật tử chơn chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” này, bây giờ đã lan tỏa khắp cả năm châu bốn bể, góp phần làm vẻ vang trang sử Việt. Với cách nhìn xa thấy rộng về Pháp nhân, Pháp lý tương lai của Gia Đình Phật Tử, Hòa thượng đã chỉ đạo thành lập Hội Đồng Cấp Dũng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam để tập thể huynh trưởng cấp Dũng chịu trách nhiệm sự thịnh suy của Gia Đình Phật Tử Việt Nam và Thế Giới.

Hòa thượng Thích Đức Chơn là Người hết sức trân quý chí nguyện cao cả của Tôn giả Quảng Hương, nên khi làm Trú trì Tu viện Quảng Hương Già Lam, Người đã để ra cả một thời gian khá dài, đi tìm kiếm nhục thân của Tôn giả Quảng Hương, để xây cất bảo tháp thờ phụng, nhưng không thể nào tìm ra dấu tích. Tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, mỗi buổi khuya, sau thời lễ Phật công phu, chư Tăng tại Tu viện đều xướng danh hiệu của Tôn giả Quảng Hương để đảnh lễ, nhằm tưởng niệm và un đúc chí nguyện của bậc xuất trần Thượng sĩ, vì Pháp quên thân; đem “chí nhân” mà nhiếp phục hung tàn, đem “đại nghĩa” mà nhiếp phục những kẻ cuồng ngông.

Trong Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, năm 2003, tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, Hòa thượng Thích Đức Chơn đã được Đại hội cung thỉnh vào thành viên Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo, kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 2012, tại Tu viện Quảng Đức, Thủ Đức - Sài Gòn, Hòa thượng đã được Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh, cung thỉnh lên ngôi vị Thượng Thủ ở trong Bản Thệ Tăng Già.

Đối với Hòa thượng, mọi Phật sự dù lớn, dù nhỏ và cho dù khó khăn đến mấy, thì Người vẫn hoan hỷ hành hoạt không có từ nan bất cứ một yêu cầu Phật sự nào.

Mới cách đây mấy tuần, lễ chung thất cố Hòa thượng Thích Quang Đạo, tại Đồng Nai, Hòa thượng đã đại lao hiện tiền chư Tôn đức Tăng, ban Đạo từ cho hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, “khuyến tấn tu hành, giữ gìn tinh nghiêm giới luật, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, phụng sự chúng sinh, báo đáp ân đức Thầy Tổ”.

Vào ngày 17 tháng 9 năm Đinh Dậu, nhằm ngày 05 tháng 11 năm 2017, trong Giới đàn Thiện Minh, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hòa thượng làm Đàn đầu thí giới Sa di, Cụ túc và Bồ tát giới xuất gia cho các giới tử và cũng tại ngay nơi trú xứ Già lam này, Hòa thượng đã chứng minh Đại lễ tưởng niệm 40 năm kỷ niệm húy nhật của Hòa thượng Thích Thiện Minh, Nguyên Cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo; Nguyên Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên và chư Tôn đức trong Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Việt Nam Thống Nhất đã viên tịch, cũng như những vị ân sư quá cố, tiền bối hữu công của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Hạnh nguyện của Hòa thượng là vậy, nên hơn bảy mươi năm trước, khi mới bắt đầu bước vào cửa Phật tại Tổ đình Báo Quốc – Huế, xuất gia học đạo với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Bổn sư đã ban cho Người pháp danh Nguyên Mỹ. Nghĩa là “người học trò có hạnh nguyện cao đẹp, ngay nơi cội nguồn giác ngộ từ buổi sơ tâm”.

Bản Thệ Tăng Già

Trong kinh đức Phật dạy: “Sự có mặt của Ngài giữa cuộc đời là vì sự lợi ích, sự an lạc cho thế giới chư Thiên và loài Người”. Ấy vậy, chư thiên sống trong tà kiến, loài người sống trong vô minh, chấp thủ năm uẩn là “Ngã”, khiến tham sân si, kiêu mạn dẫy đầy, nhận giặc làm con, nhận oan gia làm bằng hữu, mê lầm chân lý, tưởng khổ là vui; sống trong bất tịnh mà tưởng là thanh tịnh; sống trong trói buộc mà tưởng là tự do; sống trong ngăn cách mà tưởng là hòa hợp; sống đua đòi theo đám đông mà tưởng là hiện đại; sống trong đối phó mà tưởng là đang thực hành “đại nghĩa, chí nhân”; sống theo biển thức mê lầm mà tưởng là giác ngộ.

 Phật Pháp Tăng có mặt giữa cuộc đời là để hàn gắn lại những gì đã bị đổ vở; dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo; bật ngọn đèn cho mọi người thấy; dẫn đường cho mọi người đi, vượt qua đêm dài tăm tối tử sinh, vượt qua biển cả bão mưa dối trá, ngông cuồng để đến bến bờ chân thật.

Hòa thượng Thích Đức Chơn là một trong những vị Tăng sĩ, một thời đã từng đối diện với tử sinh, với tai trời ách nước, với lịch sử đầy cuồng nộ, bạo khí hung tàn, nhưng không hề nao núng với chí nguyện Thượng thừa, đi từng bước chân vững chãi như voi chúa lâm trận giữa những làn tên, dáo mác; giữa những binh khí miệng lưỡi khen chê, giữa những vu khống, đặt điều, Người đã cất cao tiếng gọi thỉnh mời những Tăng sĩ xuất trần, vì chí nguyện Đại thừa, với trí bi song vận, Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh, cùng nhau liên kết trong Bản Thệ Tăng Già, làm sở y cho Tứ chúng đồng tu; làm ruộng phước cho thế giới Trời, Người gieo hạt; làm hải đăng cho những thuyền trưởng bị lạc hướng quay về; làm hải đảo an toàn cho những ai đã từng đánh mất nguồn cội, phế bỏ chơn nguyên; bưng ngọn đèn Chánh pháp đứng giữa phong ba, mặc cho yêu ma la hét; mặc cho sấm chớp mưa sa, Người vẫn đứng đó trong Bản Thệ Tăng Già bất động, để có thể hàn gắn lại những gì đã bị đổ vở, dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo, bật ngọn đèn cho mọi người thấy và chỉ đường cho mọi người đi, như đức Thế Tôn một thời đã ân cần chỉ dạy Tăng đoàn.

Người đã ra đi

Vào lúc 4 giờ khuya, ngày 10 tháng 10 năm Đinh Dậu, tức ngày 27 thánh 11 năm 2017, Hòa thượng Thích Đức Chơn đã từ giã huyễn thân tại Phương trượng Tu viện Quảng Hương – Già Lam – Sài Gòn để ra đi, như bậc Thượng sĩ đùa chơi trong gió sớm, hơi thở vút bay, chạm vào cõi trăng nước mênh mông, xuyên qua muôn ngàn ngõ ngách quán trọ, tuyệt bặt thanh âm, chứng nhập cõi uyên nguyên, muôn đời tịch mặc.

Huyễn thân của Người, chừ đã trở thành mây trời lồng lộng, che phủ nắng quái, mưa chang, để quê hương dập tắt tâm can sầu hận; Huyễn thân của Người, chừ đã trở thành những giọt nước cam lồ rưới tắt vọng kiến si mê, nơi những kẻ yếu hèn bươn theo danh lợi, cam lòng làm theo mệnh lệnh tà ma, quên mất đạo nghĩa thầy trò, quên mất chí hùng Thượng sĩ; Huyễn thân của Người, chừ đã trở thành tiếng sấm hùng uy, đánh thức những ai đang say mê nơi cung thành ảo vọng, tỉnh dậy xả buông hướng về Bảo sở; Huyễn thân của Người, chừ đã trở thành ánh đèn ngời sáng rọi soi, giữa trường dạ mênh mông, khiến bao kẻ lạc đường quay về bến giác, sống và hành hoạt theo Bản Thệ Tăng Già, chăm sóc hạt giống tốt đẹp cho hết thảy chúng sinh, làm nơi nương tựa cho Tứ chúng và tổ chức Áo Lam, “đào tạo những thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chánh góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

Tuy, Người đã ra đi, nhưng âm vang vẫn còn vang vọng như tiếng hải triều chạm vào núi đá, như tiếng gầm Sư tử giữa chốn sơn lâm: “Hỡi những bậc có phước đức xuất gia, hãy buông bỏ những tâm chí khiếp nhược, yếu hèn, tiếp nối chí hùng Phật Tổ, nhìn danh lợi như bụi bám vào mắt; xem vinh hoa như đôi dép bỏ, thấy phú quý như thấy miếng giẻ rách, chỉ đến và đi từ Bản Thệ Tăng Già, với Đại Nguyện Từ Bi, với Đại Tâm Vô Trú, nếu không như vậy, há lại là những kẻ lạm xí Tăng luân hủy hoại Chánh pháp ư?!”.


ht duc chon 2



 

Kim Thế Hậu Thế Tịnh

Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh, Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam và Thế Giới, cũng như các Ban Hướng Dẫn trực thuộc, đã làm lễ Tưởng niệm Hòa thượng Thích Đức Chơn, Viện chủ Tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, đương kim Thượng thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh, vị Ân Sư của Gia Đình Phật Tử Việt Nam và Thế Giới, vào lúc 19 giờ, ngày 12 tháng 10 năm Đinh Dậu, nhằm ngày 29 tháng 11 năm 2017, trước giác linh đài của Người, tại Tu viện Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn, để tỏ lòng thương quý, tôn kính đức hạnh và nguyện lực của một hành giả, một bậc Thầy khiêm cung suốt đời “Vô ngôn nhi giáo”, nói ít làm nhiều; âm thầm mà hùng dũng; nhẹ nhàng mà cương quyết; không là trí thức khoa bảng, nhưng đầy chất liệu trí tuệ, thấy rõ chân giả hiện tiền, nên khử vọng tùng chơn, buông quyền hiển thực; không là nhà nghiên cứu, học giả, nhưng lại thâm nhập nghĩa lý Tiệm, Đốn của Phật-đà; nhận rõ huyền cơ Quyền, Thực của Thầy Tổ trao truyền; không tư duy theo thói đời ao rãnh, mà thẳng vào “biển tính trừng thanh”; sống có nghĩa tình với gia đình quê hương xứ sở, nhưng không hành xử như những kẻ lưu tục phàm tình; sống hòa hài với đệ huynh, với tình linh sơn cốt nhục, nhưng chánh tà minh bạch, mê ngộ rõ ràng; không phải là nhà chiến lược giỏi, nhưng xuất nhập đúng thời, ứng xử đúng cơ, phát ngôn đúng tình, đúng lý!

Người là vậy, nên Hội Tăng Già Chứng Minh và Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam tưởng niệm Người với lời xưng tán: “Kim Thế Hậu Thế Tịnh”. Nghĩa là: “Đời này thanh tịnh, đời sau thanh tịnh”. Và Trí Quang Thượng Nhân lại xưng tán Người: “Sinh Tử Như Chơn”. Nghĩa là: “Sống ở trong Chân Như và chết ở trong Chân Như”.

Những lời xưng tán ấy, không phải là những lời tán dương đối phó hay những ca từ trống rỗng, mà là những lời thoát ra từ công hạnh ngày đêm miên mật hành trì của Người, qua tám mươi sáu năm trú thế, gần bảy mươi năm tu tập, hành đạo, xuyên suốt những thời kỳ biến thiên lịch sử khôn lường, với nhiều thế hệ tiếp nối khác nhau.

Dù huyễn thân của Người đã ra đi, với khói, với mây, với nắng chiều hắt qua song cửa, với hạt sương khuya rơi chạm thiền phòng, nhưng giữa cõi trăng sao, Bản Thệ Tăng Già của Người vẫn sáng ngời bất hoại!

    Chùa Phước Duyên – Huế, ngày 05/12/2017
  Thích Thái Hòa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2011(Xem: 5485)
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu nhân vật với tư cách là người đứng đầu đất nước đã có những kỳ tích lẫm liệt đối với đất nước. Có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước, hoặc có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lãnh vực đó.
10/08/2011(Xem: 3889)
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Ngọ (tức 7 – XII - 1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài lên ngôi vua, trải qua hai niên hiệu là Thái Bảo và Trùng Hưng.
10/08/2011(Xem: 5003)
Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra từ 25 đến 27.11.2008 tại Quảng Ninh. Trong dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị hàng năm tổ chức tưởng niệm ngày mất của ngài (1.11.1308) như Quốc giỗ của Phật giáo và trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
10/08/2011(Xem: 4880)
Đã có 92 tham luận của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến cuộc hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông hôm qua 26-11, tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh).
10/08/2011(Xem: 3950)
Trần Nhân Tông phải được coi là nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch trình phong kiến Việt Nam và cũng là nhân vật kiệt xuất nhất trong sơ đồ Phật giáo Việt Nam, một trong những niềm tự hào lớn lao nhất của dân ta.
10/08/2011(Xem: 4879)
Về cuộc đời và sự nghiệp lịch sử, giải thoát của vua Trần Nhân Tông, đã có nhiều công trình biên khảo: Trần Nhân Tông, thiền sư Việt Nam; Trần Nhân Tông, nhà văn hóa; Trần Nhân Tông, nhà thơ; Trần Nhân Tông, nhà quân sự; Trần Nhân Tông, nhà lãnh đạo lỗi lạc; Trần Nhân Tông, nhà tư tưởng... Trong bài khảo luận ngắn này, người viết chỉ đề cập đến một số nét tiêu biểu về Tiểu sử, sở đắc giải thoát và Tư tưởng Phật học của Người.
10/08/2011(Xem: 4288)
Lịch sử dân tộc VN không có nhiều vị vua có được sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như Vua Trần Nhân Tông. 50 năm cuộc đời, nhà vua để lại bao lưu luyến cho những người đương thời và hậu thế... - nhận định của GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo VN tại TPHCM.
09/08/2011(Xem: 4219)
Gần đến kỷ niệm 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông, chúng ta vẫn phải đặt những câu hỏi về tuổi tác, về trách nhiệm, về kế lâu dài, về sự tự do và tự trọng của các cá nhân trong xã hội…
09/08/2011(Xem: 3671)
Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông (1258-1308) đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm.
09/08/2011(Xem: 4089)
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi khoác tăng bào ở tuổi 40 đã chu du khắp nơi để thuyết pháp, giảng kinh, khuyên dân chúng giữ gìn mười điều lành, và từng trở về kinh đô Thăng Long tổ chức lễ thụ Bồ tát giới cho vua Trần Anh Tông và quan lại triều đình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567