Nghệ Sĩ Út Bạch Lan qua đời
Khoảng 22h55 tối 4/11, đại thụ của làng cải lương qua đời tại nhà riêng ở TP HCM sau thời gian điều trị bệnh nan y, hưởng thọ 81 tuổi.
- Lễ tẩm liệm cố nghệ sĩ diễn ra vào 12h trưa 5/11 tại tư gia của bà ở một chung cư nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP HCM. Linh cữu được quàn tại chùa Ấn Quang, phường 9, quận 10. Lễ động quan lúc 7h sáng ngày 8/11 sau đó linh cữu được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.
Ngày 24/10, nữ Nghệ sĩ Ưu tú còn suất tập cuối cùng tại Rạp Công Nhân, TP HCM chuẩn bị diễn vở Mẹ ngồi sàng gạo (kịch bản: NSƯT Bắc Sơn). Nhưng đến ngày 27/10, bà trở bệnh nặng phải nằm ở nhà, vai người mẹ trong vở diễn của bà được nghệ sĩ Cao Mỹ Châu đóng thế. Đầu tháng 11, khi phóng viên điện thoại hỏi thăm, bà vẫn trò chuyện và cho biết sức khỏe đã yếu rất nhiều.
Từ đầu năm nay, Út Bạch Lan bị phát hiện có khối u nguy hiểm ở vùng bụng và mắc bệnh liên quan đến gan. Bà trải qua vài đợt hóa trị tại bệnh viện. Sau đó, bà được người thân đưa về nhà để thuốc men, chăm sóc. Nhà báo Thanh Hiệp - người gần gũi với Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan - cho biết, dù sức yếu, bà vẫn nhiệt tình tham gia vài dự án cải lương do anh mời và đóng góp ý kiến xây dựng vở diễn. Những năm cuối đời bà gắn bó với Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân và Câu lạc bộ sân khấu Hoa Lan Trắng để biểu diễn các chương trình văn nghệ từ thiện.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan ở suất tập sân khấu cuối cùng vào ngày 24/10. Sau buổi này, bà trở bệnh nặng và nằm ở nhà đến khi mất. |
Tin "sầu nữ" Út Bạch Lan qua đời khiến giới nghệ sĩ cải lương bàng hoàng. Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc cho biết, khoảng 23h tối 4/11, anh nhận được tin buồn.
"Tôi và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ đều xem NSƯT Út Bạch Lan là một tấm gương mẫu mực về tài năng lẫn đạo đức làm nghề. Má rất hiền, lúc nào cũng khuyên con cháu làm nghề cho đứng đắn", anh nói. Hữu Quốc vẫn thấm thía những bài học nhân nghĩa mà bà để lại cho thế hệ sau. "Còn đau đớn nào hơn. Vĩnh biệt sầu nữ Út Bạch Lan - người nghệ sĩ tài danh", Thoại Mỹ chia sẻ.
Nghệ sĩ Huỳnh Quý chở NSƯT Út Bạch Lan trong một lần đi trao quà từ thiện. Ở tuổi 80, bà vẫn tất bật với các hoạt động công tác xã hội. Ảnh: Thanh Hiệp. |
Hơn 20 năm qua, Út Bạch Lan và nhóm từ thiện "Hoa lan trắng" (lấy theo tên bản vọng cổ do nghệ sĩ Viễn Châu viết tặng cuộc đời bà) gồm các diễn viên cải lương trẻ và các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử… miệt mài đi làm từ thiện. "Cứ mỗi lần cả nhóm sắp sửa lên đường đi hát, đi trao quà cho bà con là lòng tôi rộn niềm vui. Nhờ vậy, tôi có thể quên đi cái mệt của tuổi tác để ngồi xe cùng các em, cháu đi tỉnh xa, rồi đi bộ đến những địa chỉ từ thiện ở miền quê, ở chùa", bà từng chia sẻ với VnExpress..
Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan, sinh năm 1935, tên thật là Đặng Thị Hai. Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai.
Thời gian năm 1976 đến 1986, Út Bạch Lan làm trưởng đoàn cải lương Long An, thời điểm này bà đã dìu dắt, nâng đỡ, chỉ dạy các nghệ sĩ trẻ để họ phấn đấu cho sự nghiệp nghệ thuật, trong đó có ba nghệ sĩ đã được nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú: Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy, Ngân Vương.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời vì bệnh ung thư gan. |
Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, ngoài những giải thưởng đạt được trong nghề, nữ nghệ sĩ được báo giới và khán giả ưu ái dành tặng các danh hiệu như "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng vọng cổ", "Sầu nữ Út Bạch Lan"...
Tâm Giao & Mai Nhật
Nghệ sĩ Út Bạch Lan
tự chuẩn bị hậu sự trước khi mất
Nghệ sĩ nổi tiếng tự chọn di ảnh, ăn bữa cơm cuối cùng và dặn dò các con nuôi tiếp nối công việc thiện nguyện của bà trước khi qua đời.
Sáng 5/11, căn hộ nhỏ của cố Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan vang lên tiếng kinh cầu. Tối qua, khi nghe tin bà mất, các con nuôi, cháu chung tay lo hậu sự cho bà. Lễ tẩm liệm nghệ sĩ diễn ra vào trưa cùng ngày. Căn hộ của "sầu nữ" nằm ở cuối hành lang, trong một chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM). Nơi đây, bà đã sống hơn nửa cuộc đời, từng làm bạn hàng xóm với những nghệ sĩ lẫy lừng một thời như Hồng Nga, Duy Khánh...
Sinh thời, cố nghệ sĩ Út Bạch Lan không có con ruột nhưng lại có rất nhiều con nuôi. Nghe tin bà mất, nhiều người con từ Mỹ, Australia... gọi điện về khóc vì không thể ở bên bà trong phút cuối. Từ Australia, nghệ sĩ cải lương Điền Thanh gọi về nhắn người nhà cố nghệ sĩ phát tang cho ông.
Di ảnh của cố nghệ sĩ Út Bạch Lan do bà tự tay chọn trước khi mất. Ảnh: Minh Hoàng. |
Chị Phương Hạnh, con gái nuôi của nghệ sĩ cho biết, bà ra đi êm ái với sự có mặt của đông đảo con cháu bên giường bệnh. Một thời gian ngắn trước khi mất, căn bệnh của bà trở nặng, nhưng bà vẫn thu xếp để đi tập, đi diễn.
Cố nghệ sĩ đã tiên đoán trước ngày ra đi của mình và tự chuẩn bị mọi thứ một cách nhẹ nhàng. Bà được một người con bón cho ba muỗng cơm đầy, uống đôi ngụm nước. Bà nhờ con đỡ lưng ngồi dậy, tự mình đánh răng, thay quần áo sạch sẽ. "Mẹ tôi là vậy, kỹ tính, gọn gàng, luôn muốn tự mình làm để mọi việc được chỉn chu", một người con kể. Chị cũng nói thêm, sau khi mất, khuôn mặt bà vẫn hồng hào, tươi tắn. Bữa ăn cuối cùng của cố nghệ sĩ được bày biện nơi đầu chiếu bà nằm gồm một số món chay đơn giản, chủ yếu là rau xào. Hàng chục năm qua, cố nghệ sĩ ăn chay để tinh thần, giọng hát được thanh tịnh, nhẹ nhàng.
Chị Phương Hạnh kể: "Trước lúc nhắm mắt, bà không trối trăn nhiều, chỉ nắm tay con cái dặn dò phải nhớ thay bà đi trao quà cho mấy đứa nhỏ". "Mấy đứa nhỏ" ở đây là một số trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Vĩnh Long, nơi bà và bạn bè dự định đến làm từ thiện vào cuối tháng này. Nghe bà dặn vậy, con cái động viên mẹ phải ráng chiến thắng bệnh tật để còn đi phát quà cho mấy đứa trẻ đang trông ngóng bà. "Ngặt nỗi bệnh tình quá nặng nên rốt cuộc...", người con ngậm ngùi bỏ lửng lời kể.
Nghệ sĩ cũng tự tay chọn di ảnh cho mình. Đó là một tấm hình do nhiếp ảnh gia Minh Hoàng - một người con nuôi khác của bà chụp cách đây đã lâu. Trên hình, bà mặc chiếc áo bà ba tím, đeo khăn rằn đậm chất Nam bộ, miệng cười hồn hậu.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời ở tuổi 81. |
Theo gia đình, được làm từ thiện nhiều nơi là công việc cố nghệ sĩ ưu tiên hàng đầu vào những năm tuổi già. Có tuần bà đi đôi ba lần, có khi cả tháng bận rộn công việc bà vẫn cố xếp lịch. Bà đi từ miền xuôi đến miền núi, dọc theo miền Trung, bôn ba khắp miền Nam, tìm những nơi khổ cực, khó khăn nhất để làm thiện nguyện. Bà thường đi với bạn bè nghệ sĩ hoặc với nhóm Hoa Lan Trắng - tên của bài vọng cổ do cố soạn giả Viễn Châu viết tặng bà. Hoa lan cũng là loài hoa bà yêu thích.
Một người con nuôi từng đồng hành với Út Bạch Lan trong nhiều chuyến từ thiện kể rằng bà đặc biệt chỉ chọn đi những chùa nghèo khó ở vùng sâu vùng xa, thiếu thốn đủ thứ. Đến nơi, bà tận mắt nhìn thấy người dân tự sinh sống bằng cách trồng lúa, gánh nước, khổ cực trăm bề và lấy đó làm bài học về nghị lực sống để dạy dỗ con cái. "Những câu nói thường trực nhất của mẹ là về đạo lý làm người, sống có trước có sau. Những lời nói đó khắc sâu trong tâm khảm và trở thành phương hướng sống cho chúng tôi", người con kể.
Chị Duyên, một người con của cố nghệ sĩ cho biết, tâm nguyện của mẹ chị trước khi mất là thực hiện một liveshow. Chủ đề của liveshow này lấy hình tượng một vòng hoa lan trắng được kết vành tím. Nhiều lần, khi diễn tập, bà nói với con cháu và các nghệ sĩ trẻ: "Mẹ có được chết trên sân khấu thì cũng mãn nguyện". Các con nghe bà nói vậy vừa thương vừa sợ nên mới trì hoãn, chưa vội làm liveshow cho mẹ, ngại nhỡ đâu câu nói này ứng vào cuộc đời vốn nhiều sóng gió của nữ nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Lê Thanh, em trai của nghệ sĩ Thành Được - chồng cũ Út Bạch Lan - nhắc về người chị dâu cũ bằng một niềm trân trọng hết mực. Ông kể, lúc còn thanh niên, ông và cố nghệ sĩ từng sinh hoạt chung trong đoàn cải lương Kim Chưởng, rồi sau đó về đoàn hát do bà và chồng cũ lập nên. Lê Thanh và Út Bạch Lan từng diễn chung trong các tuồng như Bình Tây Đại nguyên soái, Trăng lên đỉnh núi...
Bức chân dung treo trong nhà của cố nghệ sĩ, được chụp khi bà tổ chức đám cưới cho một người con trai nuôi. Ảnh: Mai Nhật. |
"Nhắc về diễn xuất thì Út Bạch Lan là số một. Về ca hát thời xưa cũng hiếm khi ai qua được chị ấy, xét thứ hạng thì có lẽ chị chỉ xếp sau Phùng Há, Ba Vân...", nghệ sĩ cảm thán. Về già, ông và cố nghệ sĩ không còn nói chuyện nhiều với nhau nhưng ông vẫn quan sát chặng đường nghệ thuật của người đồng nghiệp mình hẵng ngưỡng mộ. Lê Thanh tiếc vì Út Bạch Lan ra đi khi vẫn còn nhiều dự định với sân khấu.
Linh cữu Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan được quàn tại chùa Ấn Quang, quận 10. Lễ động quan vào lúc 7h ngày 8/11, hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Tro cốt của nghệ sĩ được giữ ở chùa Huỳnh Kim, quận Gò Vấp.
Mai Nhật
vnexpress.net
Nghệ sĩ, gia đình nén đau thương ở tang lễ 'sầu nữ' Út Bạch Lan
Hữu Quốc thức trắng đêm cuối bên linh cữu còn Phương Hồng Thủy, Thoại Mỹ kìm tiếng khóc khi đưa cố nghệ sĩ về đài hỏa táng, sáng 8/11.
Rạng sáng, trời Sài Gòn đổ mưa lớn. Đông đảo con cháu, đồng nghiệp, khán giả tề tựu tại chùa Ấn Quang, quận 10 từ sớm để dự lễ động quan tiễn Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan đến đài hỏa táng Bình Hưng Hòa. Con đường Sư Vạn Hạnh trước cổng chùa trở nên đông đúc hơn mọi hôm, trong đó có các đoàn xe của sư thầy các chùa, khán giả ở tỉnh xa về. Hàng trăm khán giả đứng chen kín hai bên. Họ mặc áo mưa, cầm ô kiên nhẫn chờ được vào thắp hương.
Phương Hồng Thủy nén đau thương trong tang lễ mẹ nuôi sáng 8/11. Ảnh: Tiến Thành. |
Túc trực bên linh cữu, Nghệ sĩ Ưu tú Phương Hồng Thủy thỉnh thoảng đưa tay lên ngực kìm tiếng nấc. Chị là một trong hai người con nuôi đầu tiên của Út Bạch Lan. Tối 4/11, đang ở Mỹ, nghe anh chị em báo tin bệnh tình mẹ nuôi trở nặng, chị vội vàng mua vé bay về nước. Lên máy bay được 5 phút, chị hay tin mẹ đã qua đời. Tối 5/11, vừa đến TP HCM, chị đi thẳng chùa Ấn Quang, mặc áo tang và nằm gục đầu khóc bên linh cữu mẹ.
Đêm 7/11 - đêm cuối bên linh cữu cố nghệ sĩ, Phương Hồng Thủy chỉ chợp mắt đúng một giờ. Thấy Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Linh đến viếng tang, Hồng Thủy gắng gượng chạy đến ôm chầm cả hai, nói trong tiếng nấc: "Má em mất rồi, 'sầu nữ' mất rồi anh Linh ơi!". Sau khi lấy lại bình tĩnh, chị dặn con cháu bố trí ghế ngồi cho khách. Sáng nay, đưa tiễn mẹ, Phương Hồng Thủy không chia sẻ được gì nhiều. Với chị, cố nghệ sĩ như người hoàn hảo nhất, là người mẹ thứ hai. "Một đời má sống vì mọi người, vậy mà đến cuối đời, má lại bị bệnh tật giày vò", nữ nghệ sĩ đau đớn.
Ở lễ động quan, trong lời cảm tạ tri ân tình cảm của mọi người dành cho mẹ nuôi, Phương Hồng Thủy khiến khách đến viếng rơi nước mắt khi ngâm đôi dòng thơ: "Bao luyến tiếc, mẹ con đâu còn nữa/ Lòng buồn thương, muôn kiếp chẳng hề vơi/ Tiếc thương người xưa trọn lệ tuôn rơi/ Giờ tiễn biệt để lòng sầu vạn kỷ...".
Một người con nuôi của Út Bạch Lan nghẹn ngào tiễn biệt bà. Ảnh: Tiến Thành. |
Nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cũng đại diện gia đình cầm di ảnh mẹ trong suốt chặng đường từ chùa Ấn Quang về Bình Hưng Hòa. Theo di nguyện của Út Bạch Lan, mọi người cố nén tiếng khóc, nén đau buồn trong phút tiễn biệt. Nhưng điều này dường như quá sức với những ai yêu thương bà. Trước giờ hỏa táng, những tiếng nấc vang giữa tiếng kinh cầu. Đến khi linh cữu được hạ xuống, tiếng gọi "má Út ơi" vỡ òa.
Hơn 1.000 khán giả nghệ sĩ có mặt ở Bình Hưng Hòa, đứng dọc lối đi để viếng tang nghệ sĩ.
Họ đứng chờ trong trật tự. Vài người còn cầm theo nhành hoa lan - tên loài hoa được đặt làm nghệ danh của cố nghệ sĩ - vẫy theo linh cữu. Chị Duyên, chủ một gánh bún dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 5 bỏ dở gánh hàng để đi viếng từ sáng sớm. "Bà là thần tượng của tôi từ thuở con gái đến khi đã có mấy mặt con. Giờ có bận rộn gì cũng ráng chạy qua tiễn biệt nghệ sĩ mình yêu quý lần cuối", người phụ nữ mắt đỏ hoe nói.
Bần thần nhìn linh cữu trước giờ hỏa táng, Nghệ sĩ Ưu tú Phượng Loan kể cố nghệ sĩ là người có ảnh hưởng bậc nhất trong sự nghiệp lẫn cuộc sống của chị. Ngay cả chuyện Phượng Loan ăn chay hơn 10 năm nay cũng là theo gương "mẹ Út". "Tôi học ở má cách gieo duyên ở cõi Phật, xem hợp ly, sinh tử là chuyện thường trong cõi ta bà. Nếu có chút gì tiếc nuối thì đó là việc tôi không được diễn chung nhiều với má lúc sinh thời so với anh chị em khác", nghệ sĩ nghẹn ngào.
Là một trong những nghệ sĩ viếng tang, Hoàng Tơ - em kết nghĩa của diễn viên Hồng Tơ - kể anh nhiều lần diễn cùng mẹ Út ở chùa Xá Lợi, quận 3. "Mẹ rất thích đi hát từ thiện ở các chùa. Dù là hát ở đâu, mẹ cũng trút hết tâm tư, ruột gan như thể sống lần cuối với vai diễn đó", nghệ sĩ đăm chiêu.
Hàng trăm khán giả có mặt ở Bình Hưng Hòa tiễn đưa "sầu nữ". Người đi viếng đông nhưng trật tự chứ không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Ảnh: Tiến Thành. |
Đôi mắt thâm quầng, đạo diễn, diễn viên Hữu Quốc kể anh thức suốt ba đêm vừa qua bên linh cữu Út Bạch Lan. Nghệ sĩ kể, những năm gần đây, mỗi lần lên sân khấu, mẹ Út run lắm. Bà sợ mình già rồi, không còn được khán giả yêu thích như xưa. "Nhưng má vừa hát câu đầu tiên, người nghe đã vỗ tay rần rần. Tôi dám chắc một điều, nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đương thời cũng không được công chúng ủng hộ như má, một cây đa cây đề của làng sân khấu", Hữu Quốc bùi ngùi.
Hữu Quốc cho biết nghệ sĩ Phương Hồng Thủy có ý định thực hiện một đêm nhạc tưởng niệm mẹ Út Bạch Lan, dự kiến vào ngày 15/11. Gia đình đang bàn kịch bản và mời các nghệ sĩ sắp xếp thời gian tham gia.
Mai Nhật
Khán giả cầm lan trắng, đội mưa tiễn biệt 'sầu nữ' Út Bạch Lan
Hàng trăm khán giả, đồng nghiệp, người thân khóc nghẹn tiễn đưa cố nghệ sĩ cải lương ở Bình Hưng Hòa, TP HCM sáng 8/11.
Khoảng 8h30 đoàn xe tang đưa linh cữu của cố Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan đến Bình Hưng Hòa để thực hiện nghi thức hỏa táng. Trong ảnh: Nghệ sĩ Phương Hồng Thủy - con nuôi cố nghệ sĩ - mang di ảnh của bà. Chị vừa từ nước ngoài về chịu tang mẹ. |
Một người con nuôi khác của cố nghệ sĩ bật khóc trước giờ hỏa táng. Lúc thực hiện các nghi thức tang lễ, mọi người đều giữ bình tĩnh. Nhưng khi linh cữu sắp được đưa xuống đài hóa thân, tiếng nấc gọi "Má Út ơi", "mẹ ơi", "ngoại ơi"... vang lên. Khoảng 20 người con, cháu nuôi để tang và chăm lo hậu sự cho bà. Út Bạch Lan không có con ruột. |
Đồng nghiệp, người thân của cố nghệ sĩ tại lễ cầu kinh trước khi linh cữu được hỏa táng. Khoảng 9h nghi thức hoàn thành. Tro cốt của cố nghệ sĩ được giữ ở chùa Xá Lợi, TP HCM. |
Hàng trăm khán giả có mặt ở Bình Hưng Hòa tiễn đưa "sầu nữ". Người đi viếng đông nhưng trật tự chứ không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Không ít khán giả mang theo những nhành hoa lan tưởng nhớ bà - nghệ sĩ có nghệ danh gắn liền với loài hoa mong manh, thanh tao. |
Nhiều khán giả cao tuổi khóc nghẹn. Sinh thời, tiếng hát của Út Bạch Lan vang đến mọi miền quê, in đậm thời vàng son của cải lương, vọng cổ. Nổi tiếng từ thập niên 50 của thế kỷ trước, trong hơn 60 năm sự nghiệp, cố nghệ sĩ gắn bó cùng hơn 20 đoàn hát lớn nhỏ, có khoảng 200 vai diễn, thu âm vô số bản vọng cổ, tân cổ giao duyên... Bà là đào thương sở hữu giọng hát mùi mẫn, hiếm có. |
Trước đó, lễ động quan diễn ra vào 7h tại chùa Ấn Quang, quận 10. Nghệ sĩ Nghệ sĩ Phương Hồng Thủy quỳ gối đọc lời cảm tạ. "Mẹ đi vào cõi ta bà này để hoàn thành vai trò của một người con thảo thuận, một người vợ đảm đang, một người mẹ hiền từ, một người bà kính quý, một đại thụ của nghệ thuật cải lương Nam bộ", Phương Hồng Thủy nghẹn ngào. Ông Võ Trọng Nam (trái) - đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM - có mặt ở tang lễ. |
Phương Hồng Thủy mang di ảnh mẹ nuôi rời khỏi chùa. "Sầu nữ" Út Bạch Lan qua đờivào khuya 4/11 tại TP HCM sau thời gian chống chọi bệnh ung thư gan, hưởng thọ 81 tuổi. |
Từ phải qua: Nghệ sĩ Thoại Mỹ, Phương Hồng Thủy. |
Từ sáng sớm, hàng trăm khán giả đứng chen kín ngoài cổng chùa. Lúc này, trời đổ mưa nặng hạt. Nhiều người che dù, mặc áo mưa để chờ hòa vào dòng người đưa tang. |
Dòng người chen chân sau linh cữu cố nghệ sĩ, tiễn bà về Bình Hưng Hòa. |
Linh cữu cố nghệ sĩ cải lương phủ đầy hoa lan trắng - loài hoa bà yêu thích. |
Di ảnh của cố Nghệ sĩ Út Bạch Lan. Bà tự chọn bức hình này khi chuẩn bị hậu sự của bản thân một thời gian ngắn trước khi mất. |
Mai Nhật & Thất Sơn
Ảnh: Tiến Thành