Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đàm hoa lạc khứ (Tưởng niệm HT. Thích Thiện Siêu)

09/04/201318:45(Xem: 9655)
Đàm hoa lạc khứ (Tưởng niệm HT. Thích Thiện Siêu)

 

thien_sieu

ĐÀM HOA LẠC KHỨ
(Hoa đàm dẫu rụng vẫn vương hương)
Tưởng niệm HT. Thích Thiện Siêu

Mỗi lần đi Huế lòng tôi lại nao nao khôn tả. Huế là đạo, là thơ, là nghĩa tình ý vị, là tinh hoa văn hóa của ba miền đất Việt, nhưng cũng là mảnh đất khô cằn của đói nghèo khốn khổ “mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm” đã hứng chịu nhiều thiên tai nhân họa. Huế được phong phú về mặt văn hóa, tâm linh là nhờ hình ảnh những vị đại lão hòa thượng nơi đây đã sống, hành đạo và xả báo thân. Dù đã viên tịch, dư hương các ngài vẫn như còn phảng phất nơi các ngôi tổ đình tĩnh lặng và những rừng thông bạt ngàn. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác lâng lâng khó tả khi viếng tháp tổ Liễu Quán. Phải đi một mình mới thấy được, nghe được tất cả cái linh thiêng. Mình như nghe được cả cái im lặng tĩnh mịch ở đấy, tiếng của vô thanh (la voix du silence) ngân vang trong hồn và khắp vũ trụ, và khi ấy dường như không còn cái gì gọi là “mình” được nữa vì mình đã tan loãng ra, hòa với thời không vô tận. Giá mà cái báo thân này được xả bỏ trong giây phút ấy thì rất tuyệt vời, như giọt nước tan hòa vào biển cả và thể nhập làm một với đại dương. Nhưng khi vừa khởi lên ý niệm ấy, thì cái ngã đã xuất hiện với tất cả khổ đau mâu thuẫn của nó. Vô ngã là niết bàn. Tình cờ đây cũng là nhan đề một quyển sách của cố đại lão Hòa thượng Thiện Siêu vừa viên tịch.

Mục đích lần này về Huế là dự tang lễ Hòa thượng, mặc dù tôi vừa từ Huế vào lại Sài gòn không lâu. Lần ấy tôi đã về khi nghe tin Hòa thượng lại nhập viện, đang nằm phòng cấp cứu vì khối u gan đã vỡ. Vừa xuống ga là tôi đến ngay bệnh viện lúc bảy giờ tối khi các y sĩ đã ra về, chỉ còn lại các y tá và thị giả túc trực. Ôn nằm trong một phòng săn sóc đặc biệt bên trong khu cấp cứu nên muốn thăm ôn, phải đi qua một dãy bệnh nhân bị đủ thứ tai biến đang vật vã la làng hết sức thương tâm : người thì bị đụng xe, kẻ bị phỏng lửa, người trèo cây bị té, kẻ vừa qua cuộc phẫu thuật mà thuốc mê đã hết tác dụng... May là Ôn nằm cách họ một cửa kính dày nên những tiếng kêu thương ấy không lọt vào tai Ôn, và ngài vẫn chánh niệm trong cơn đau cùng cực. Các y sĩ điều trị đều phải ngạc nhiên trước sức chịu đựng của ngài. Khi tôi vào, mặc dù trên người ngài găm đủ các thứ life-supports và mũi đang vướng một ống dẫn ôxy, ôn vẫn thì thào:

“Mới ra đó à?”

Tôi muốn quỳ xuống dưới chân giường bệnh thì ôn khoác tay bảo đừng. Tôi không cầm được nước mắt... Chính vì thấy Ôn quá sáng suốt vào những giờ phút cuối, mà Ôn cứ phải sống bằng life-supports vì ai cũng muốn kéo dài hơi thở nơi Ôn để còn được nghe những pháp âm đầy ý vị. Mỗi lời Ôn thốt ra đều có ý nghĩa, dù nói với bất cứ ai. Theo lời kể lại của thị giả, buổi sáng bác sĩ vào thăm, hỏi Ôn có khỏe không, ôn bảo:

“Khỏe sao được, khi mấy bác sĩ cứ vô hỏi hoài.”

Sư cụ chùa Diệu Đức 94 tuổi vào thăm cũng hỏi Ôn có khỏe không thì ôn bảo:

”Bà tự hỏi bà có khỏe không mà bảo tôi khỏe?”

Mấy ông nhà nước tới thăm, nói chắc ngài mệt lắm thì Ôn dạy:

“Mấy ông mới thực mệt, vì còn con còn vợ phải lo, có danh có lợi phải giữ. Tui không có chi để mà mệt cả.”

Khi có một thầy ở xa đến thăm, bạch ôn rằng:

“Con thấy chùa Từ đàm đang dọn sẵn phòng để rước Ôn về chùa.”

Ôn dạy: “Chuyện trong nhà chưa biết sao ngoài ngõ đã hay?”

Sau khi thầy đó ra về, Ôn dạy thị giả:

“Đã đến đây thì hãy chờ các y bác sĩ hội chẩn xong, họ nói về thì về; chứ tự ý bỏ về ấy là tỏ ra mình không tin tưởng nơi họ.”

Ôn coi cái thân bệnh của ôn cũng như của ai khác, hoàn toàn tách rời với ôn, vì vậy mà ôn vẫn tỉnh bơ và luôn giữ thế chủ động trong mọi việc. Đây là một diệu dụng của Pháp mà ít người thấy được; cứ thắc mắc tại sao ôn tu mà phải mang bệnh ngặt nghèo! Cái thân tâm này, sự sống chết này không phải đã là một căn bệnh ngặt nghèo đó sao ? Ai mà khỏi qua cầu đoạn trường ấy? Chỉ khác nhau ở cái thái độ đón nhận các tai nạn bệnh tật mà thôi. Nơi một Con Người đã giác ngộ, thì sống chết là một, bệnh với không bệnh đã như nhau. Làm sao ta có thể đem tâm phàm phu để suy lường sự sống chết của một hóa thân Bồ tát ? Dù đau một cơn bệnh trầm kha từ hai năm nay, mà Ôn vẫn bình tĩnh ngồi dịch cho xong bộ Trung Luận, và khi hoàn tất thì căn bệnh mới tái phát. Ôn đã bảo thị giả:

“Thầy hoàn toàn thỏa mãn, không thể nào thỏa mãn hơn được nữa.”

Thế nên giờ phút xả báo thân cũng là giờ phút vinh quang nhất đời Ôn. Lúc bái biệt Ôn tại phòng cấp cứu lần trước để lên xe lửa trở vào lại Sài gòn, tôi còn được nghe thị giả đọc một bài kệ mà Ôn đã cảm ứng trong giấc mộng:

“Phật biết Phật không,

Tâm biết tâm không,

Khi Phật chuyển thân,

Tâm biết Phật không.”

Và khi nằm trên xe lửa về Huế lần này, tôi đã nghiệm ra ý nghĩa bài kệ ấy. Hai chữ Phật và Tâm trong bài kệ có thể thay bằng sóng với nước, sắc với không, thân với tâm, tướng với tánh, hoặc hiện tượng với bản thể. Chữ Không trong bài kệ phải hiểu là “không có thực chất, chỉ tùy theo các duyên hay điều kiện mà có ra.” Phật là Không, vì như kinh Pháp hoa dạy “Chư Phật lưỡng túc tôn, Tri pháp thường vô tánh, Phật chủng tùng duyên khởi, thị cố thuyết Nhất thừa.” (Chư phật - các đấng tôn quý trong loài hai chân - biết rằng các pháp vốn không có tính chất quyết định. Hạt giống phật là do các điều kiện mà phát sinh, do vậy ta nói chỉ có một cỗ xe duy nhất là con đường thành Phật.) Tâm như hồ lặng, Phật như vừng trăng phản chiếu trong gương nước. Khi Phật chuyển thân thì cũng như khi vừng trăng đã luồn qua một đám mây nên không còn in bóng trong gương hồ. Tâm Phật cũng chính là pháp danh tôn quý của Ôn mà bậc thầy của ngài đã khéo đặt – Ôn Thuyền Tôn là một vị Phật đã sống tại Huế đến 104 tuổi và viên tịch vào năm 1978, không đau ốm gì.

Có những vị Thầy giáo hóa, thức tỉnh người ta bằng thân tướng trang nghiêm; có vị bằng lời pháp khéo nói, có vị bằng âm thanh tán tụng, có vị bằng giới hạnh luật nghi, có vị bằng vô ngại biện tài, có vị bằng tính hóm hỉnh - nói đùa cũng là Pháp. Có vị được phật tử yêu kính nhờ tâm từ bi bình đẳng. Nhưng nơi Ôn thể hiện được tất cả những đức tính ấy. Một đức tính mà tôi “thèm” nhất nơi Ôn là mỗi khi ban đạo từ hay thuyết pháp, lời lẽ Ôn hết sức lưu loát tự nhiên không ngập ngừng; mặc dù văn nói mà không khác gì văn viết. Thỉnh thoảng Ôn dặm thêm những chuyện hài mình đã biết nhưng vẫn ưa nghe vì Ôn có khiếu xử dụng những chuyện xưa tích cũ để trình bày Pháp, và Ôn thuật lại một cách rất sống động dí dỏm. Vào những năm đầu thập niên 1970, chúng tôi mở khóa ba tháng huấn luyện sáu mươi tác viên phát triển cọng đồng để làm việc tại các làng xã nghèo ở Thừa thiên và thỉnh Ôn về khai đạo cho học viên. Ôn bắt đầu bằng kể chuyện Tấm Cám, chúng tôi hồi hộp không biết có thích hợp cho mấy người làm xã hội nghe hay không. Nhưng cuối cùng, Ôn kết luận: mỗi khi cô Tấm gặp đau khổ rắc rối đều kêu Bụt và Bụt đều hiện ra để giúp đỡ. Hình ảnh Bụt đã trở thành biểu tượng của lòng trắc ẩn, luôn cứu khổ ban vui còn cái gì dữ dằn thì luôn luôn là hiện thân của quỷ sứ. Tác viên xã hội cần phải có tâm từ bi, phải sống làm sao để vừa trông thấy mình là người ta đã cảm thấy yên tâm và muốn thế thì mình phải là một trung tâm của an vui hạnh phúc như hình ảnh Bụt trong nhân gian.

Ôn kể chuyện đức Phật trông thấy hũ vàng trong bụi tre chỉ cho ngài A Nan rồi nói “độc xà, A Nan” và A Nan cũng thưa “Độc xà, Thế tôn”. Khi một nông dân vác cuốc đi sau nghe vậy tò mò vào xem thì té ra là một hũ vàng, anh ta mang về tậu đất ruộng nhà cửa sang trọng. Sau khi bị tịch biên gia sản, ngồi tù, mất hết an ổn, anh ta mới biết Phật nói đúng. Chuyện ấy ai cũng nghe, nhưng cái kết luận của Ôn thật độc đáo: vàng là rắn độc, nhưng biết cách bắt rắn thì không hề gì. Ví dụ người kia nếu biết mang vàng về phân chia cho cả làng và cứu giúp những kẻ khó thì đâu đến nỗi mang họa vào thân. Bởi vậy dù nghe Ôn dạy một chuyện rất thường, mình cũng rút ra được bài học thâm thúy.

Biện tài về Pháp của Ôn thì ai cũng đã được thưởng thức, nhưng có một lần đến chùa Trúc Lâm lúc sinh tiền Hòa thượng trú trì thượng Mật hạ Hiển, tôi nghe ngài hỏi quý vị thượng tọa cao tăng ở Huế đang ngồi quanh rằng, mấy ông có biết ở Huế ai đọc sớ hay nhất không? Các vị này đều là những kinh sư nổi tiếng về nghi lễ Phật giáo, đang ngơ ngác thì Hòa thượng dạy:

“Ông Thiện Siêu! Có lần gặp đại lễ mà ông công văn gặp trục trặc, mình phải nhờ ông Thiện Siêu thay, ai ngờ giọng ông ta đọc sớ hay không ai bằng.”

Hòa thượng Trúc Lâm nổi tiếng rất khó thế mà phải khen Ôn thì đủ biết. Chuyện Ôn đọc sớ là một điều tôi nghe rất lạ tai vì tưởng Ôn chỉ thuyết pháp và dịch kinh. Thế đấy, Ôn gồm đủ mọi mặt và còn hơn thế nữa, Ôn còn có đức nhẫn siêu phàm. Tôi không thể nào quên được những lúc đến hầu thăm ngài ở Bệnh viện Chợ Rẫy cách nay đã hai năm. Khi siêu âm thì khối u trong gan đã quá lớn, ai cũng nói Ôn chỉ sống thêm được ba bốn tháng là nhiều. Lúc tôi vào thăm, ngài hỏi đùa “Cô Trí hải này, cơ chi tui biết trướcnói tiếng Anh thế nào?” Ôn rất thích học sinh ngữ, nhưng vì quá giỏi Hán văn nên khó mà để công phu vào chuyện học tiếng khác. Kho tàng kinh điển Hán thì đọc hoài không hết, lại sâu sắc quá chừng, làm sao Ôn còn thì giờ học ngôn ngữ khác để đọc những tác phẩm mà đa số dịch từ hán ngữ ? Nhưng phải công nhận rằng ngày nay, không biết sinh ngữ để học Phật là một thiệt thòi lớn vì đa số kinh điển Tạng ngữ đều được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức do những nhà khoa học vàø ngữ học uyên bác. Tôi mang các sách mới dịch lên Ôn xem, và Ôn rất thích quyển “Thiền sư và triết gia” thuật cuộc đối thoại giữa hai cha con người Pháp Jean Francois Rével và Mathieu Ricard, một tiến sĩ vật lý học đệ tử của nhà bác học Francois Jacob người được giải Nobel vật lý cách nay mấy chục năm. Sau khi trình luận án và tốt nghiệp xuất sắc ngành vật lý về tính di truyền, ông đã xuất gia theo một bậc thầy Tây tạng và hiện đang du hóa khắp hoàn cầu, trừ Việt Nam. Mới đây ông qua Đài loan, Hongkong thuyết pháp và bán rất chạy những sách ông dịch có chữ ký của ông, thu thật nhiều tiền về xây chùa Tây Tạng. Ông bán được nhiều sách có lẽ nhờ chữ ký của ông và nhất là nhờ ông có tướng hảo trang nghiêm y như thầy Khế Chơn ở Huế. Cha ông là một triết gia vô thần người Pháp nổi tiếng đã viết quyển sách bán chạy nhất thế giới được dịch ra 25 thứ tiếng nhan đề là “Ni Marx ni Jésus”. Ôn thích quyển Thiền sư và Triết gia đến nỗi Ôn đã photo tặng các bác sĩ trong bệnh viện. Có khi Ôn còn đọc cho thị giả nghe những đoạn Ôn thích. Không ai nghĩ Ôn là một bệnh nhân đang mắc bệnh ngặt nghèo! Tôi còn mang thơ Vũ Hoàng Chương lên đọc hầu Ôn nghe nữa; những bài thơ không có trong các tuyển tập hiện nay nhưng lại là những bài thơ hay nhất của VHC. Nhất là bài “Trẩy hội chùa Hương” với những câu như :

...” Suối biếc chuyển lời kinh vọng khắp,

Bụi hồng theo ngọn gió tung hê.

Bỗng dưng tìm thấy con người thật

Của chính mình xưa trót lạc đề.

Bài thơ Hương tích vô đề,

Cắm sâu vần điệu bên lề thời gian.

Chữ bay từng cánh chim ngàn,

Mỗi câu là một Niết bàn hóa thân.”

Đọc đến đây tôi còn nói: “Hay ghê Ôn hí.” Và Ôn “ừ.” Tôi cố tảng lờ chuyện Ôn đang lâm trọng bệnh, và muốn làm cho Ôn quên đau. Ôn tùy hỉ với tất cả mọi người, cả với những kẻ lãng nhách như tôi chẳng có bao giờ hỏi gì đến bệnh tình của ôn, mặc dù Ôn đang nằm viện! Mỗi khi có người vào thăm, tôi ngưng đọc. Mặc dù đang chăm chú lắng nghe những vần thơ, Ôn vẫn nhớ tên người mới đến, làm cho họ rấùt vui vẻ. Đủ biết tâm Ôn luôn chánh niệm tỉnh giác như một tấm gương sáng phản chiếu ngay mọi sự vật trước mắt, mà không đắm một vật gì. Khi họ hỏi thăm bệnh tình Ôn, tôi cũng hỏi:

“Bạch Ôn, như ông bác sĩ phật tử cùng sưng gan một lần với Ôn đó (nhưng nhẹ hơn, và đã chết gần hai năm nay) đau gan là phải, vì uống nhiều rượu. Nhưng Ôn sống đời đạm bạc điều độ thanh tịnh là thế, tại sao mà đau gan ?”

Ôn điềm tĩnh dạy: “Cũng có nhiều nguyên nhân.”

Bây giờ nghĩ lại, tôi rất thấm thía những “nguyên nhân” làm cho Ôn đau và trở bệnh nặng - không loại trừ sự cố tòa tháp đôi ở New York bị không tặc làm chết trên sáu ngàn người. Những vị hóa thân Bồ tát trên đời đau vì căn bệnh của thế nhân, và khi các ngài trở về tịch diệt cũng là lúc những tai họa mới sắp đến với con người, mà sự hiện diện của các ngài không cứu được nữa. Trên xe lửa về dự lễ tang Ôn, tôi nghe tin Mỹ đã tấn công Afghanistan lúc nửa đêm và nghĩ rằng chắc thế chiến thứ ba sắp bùng nổ trong lúc Ôn đã sạch nợ trần, rũ áo ra đi. Đời Ôn đã trải qua bao nhiêu lần tị nạn, thời Pháp, thời Mỹ, và đau nhất là thời nội bộ phân hóa - nhưng từ nay Ôn sẽ hết nạn vĩnh viễn.

Tàu đến ga Huế lúc đã tối trời, còn hai đêm nữa là thỉnh kim quan Ôn nhập tháp đã xây gần tháp tổ Liễu quán. Tôi đến thẳng chùa Từ đàm nơi rất đông người quy tụ từ một tuần nay, để kịp tháp tùng đoàn ni chúng Hồng Ân kính điếu giác linh Ôn. Kim quan được tôn trí tại giảng đường chùa Từ đàm, gian phòng rộng nhất chùa nhưng cũng không đủ chỗ cho tang lễ khi mà ước tính có đến hơn mười ngàn người chen chúc. Họ đứng tràn ra cả sân chùa, vườn chùa và đường Nam giao, dốc Bến ngự, đâu đâu cũng đầy cả người dù trời nắng hay mưa. Những trướng đối, vòng hoa quá nhiều phải treo cả lên cây ngoài vườn chùa, cổng chùa. Nghe nói ở các chợ tại Huế không còn một cọng hoa nào để bán cho người đi phúng điếu các đám tang khác. Ni sư Cát Tường (đáng lẽ phải gọi bằng Sư Bà) kể khi về làng thầy Hải Ấn để điếu tang Bà Cụ, Ni sư đã “mượn tạm” mấy lẵng hoa của Ôn tại chùa Từ đàm về làm lễ điếu vì không còn hoa để mua nữa! Đồng lúc với đám tang Ôn còn có hai đám tang của thân mẫu thầy Hải Ấn và thân mẫu sư cô Như Tường. Bào huynh của cô Như Tường là thầy Tánh Thiệt ở Pháp cũng về dự tang mẹ và tang Ôn. Đại chúng luân phiên đi về Thuận an và Quảng Trị để dự lễ tang hai bà cụ tốt phước đã sinh những quý tử và được xả báo thân đồng thời với Ôn. Sau khi đảnh lễ kim quan Ôn và cùng ni chúng làm lễ phúng điếu, sáng hôm sau 23.8 (10 tháng 10.2001) được biết nhằm sơ tuần cụ thân sinh sư cô Như Tường, tôi nhờ sư cô Như Minh thuê xe về Quảng trị để dự lễ cầu siêu cho cụ và luôn tiện thăm viếng quê hương thầy Tánh Thiệt và cô Như Tường cùng nhiều vị xuất gia khác. Quảng trị là nơi sinh ra nhục thân rất nhiều vị cao tăng và Huế là cái nôi nuôi dưỡng pháp thân họ. Hai miền đất đầy thống khổ nhưng cũng chan chứa vẻ đẹp đạo đức thanh cao. Qua đài BBC tôi nghe nói một người Quảng trị định cư ở Mỹ đã tặng hai triệu Mỹ kim cho chính phủ Mỹ để an ủi các nạn nhân vụ khủng bố làm chết trên sáu ngàn người và sập ba tòa nhà tại New York và Washington ngày 11 tháng 9 vừa qua. Thật là một nghĩa cử cao đẹp; nhưng khi tôi thuật lại với hai sư cô Như Minh và Huyền Trí - cũng là hai người Quảng trị đang ưu tư cho những ngôi chùa xơ xác vì chiến tranh ở Gio Linh và các vùng địa đầu giới tuyến - thì họ chép miệng than: “Cơ chi họ cho mình bớt một ngàn đô la cũng đỡ khổ!”

Tài xế phật tử tên Trung đã đưa xe đến đón, chúng tôi lên xe đi ra Quảng Trị; có sư cô Huyền Trí cùng đi. Xe chạy bảy mươi lăm phút thì đến nhà thầy Tánh Thiệt. Ông cụ thân sinh Thầy đã tám mươi tám tuổi nhưng còn rất tráng kiện, lưng thẳng boon, gương mặt hồng hào như ông tiên. Còn quá sớm chưa tới giờ cúng tuần nên thầy Tánh Thiệt và sư cô Như Tường đã đi thăm mộ. Cô Huyền Trí cho biết ngôi chùa do cô vận động xây cất cho dân làng Lâm Xuân ở quận Gio linh cách đấy chỉ nửa giờ xe hơi. Bởi thế chúng tôi nhờ Trung lái xe đến đấy. Hóa ra đi về mất hai tiếng đồng hồ. Ngôi chùa đang dang dở, nợ nần lên đến hai mươi triệu mà chưa xong đâu vào đâu vì xây quá lớn. Phật tử Quảng Trị là thế, ở đâu họ cũng ưa xây chùa thật to dù họ chưa có nhà để ở, không đủ gạo để ăn. Tôi được chứng kiến điều ấy khi đi thăm các vùng kinh tế mới của dân Quảng trị khắp mọi miền đất nước từ sau 75. Ban ngày không cho xây chùa thì họ làm ban đêm.

Sau khi thăm ngôi chùa xây dang dở, chúng tôi trở lại nhà cô Như Tường và kịp dự lễ cúng sơ thất. Thầy Tánh Thiệt đang làm chủ lễ cho bà con cúng cơm cho mẹ thầy. Dù xa quê hương đã lâu, thầy vẫn tán tụng rất hay vì thầy đã được đào tạo từ cái nôi đạo là các tổ đình xứ Huế. Nghe xướng “hiếu đồ bài ban” và “lễ nhị bái, tứ bái...” tôi tưởng chừng như trong nhà có mời thầy đến cúng, hóa ra chính thầy đang đại diện chư tăng cúng tuần cho người đã khuất. Thật vô cùng cảm động khi một người con đã cát ái từ thân từ xa xôi về cúng cơm cho mẹ, vừa trọn đạo vừa tròn hiếu nghĩa nhưng không để lộ cảm xúc thường tình. Khi cúng xong, thầy cho biết lúc Bà cụ hấp hối cô Như Tường đã chuyển điện thoại cho Bà nghe giọng nói của Thầy từ bên kia đại dương :”Mẹ ơi, con đây. Nếu mẹ chờ được ba ngày con sẽ về để tiễn đưa mẹ; nếu không chờ được thì Mẹ cứ về Phật trước đi Mẹ nhé.” Bà cụ nói “chờ được” và tỉnh dậy sống thêm ba ngày nữa cho đến khi thầy về. Như vậy thầy Tánh Thiệt may mắn hơn thầy Hải Ấn, dù ở ngay quê nhà mà lúc mẹ mình ra đi thầy đã không gặp được vì bận lo cho Hòa thượng đang hấp hối. Khi được tin mẹ mất, thầy về nhà nói với bà cụ: “Sao mệ tệ thế, mệ không đợi con về đã rồi hãy chết.”

Thầy Hải Ấn cũng tỉnh bơ như thầy Tánh Thiệt trước cái chết của mẹ, nhưng trong tang lễ Ôn thầy khóc thật nhiều, một phần cũng do thầy Khế Chơn làm xướng ngôn viên cứ dặm thêm những lời bình khiến ai nghe cũng muốn đứt ruột. Thầy Hải Ấn cũng như thầy Khế Chơn là những báu vật sống của Ôn và của tất cả phật tử Huế, đến nỗi muốn hăm dọa Ôn, người ta đã hăm dọa sẽ ám sát thầy, vì họ biết có ám sát Ôn thì cũng chả ăn thua gì với Ôn cả.

Lắm lúc đối với đệ tử Ôn có tâm hồn của một người mẹ săn sóc vỗ về. Tôi không bao giờ quên được bức thư ngắn gọn mà Ôn đã viết gởi cho mình lúc mới mất mẹ, tuy đơn sơ nhưng gói trọn tất cả tấm lòng của Ôn, làm tôi vô cùng cảm kích. Khi tôi cùng cô Huyền Trí về Huế lên Từ đàm thăm Ôn, nghe tin thầy Chánh Lạc ngã bệnh, có bao nhiêu tiền trong túi Ôn đều vét hết đưa cả cho tôi và cô Huyền Trí mang vào Sài gòn cho thầy thuốc thang. Cô Huyền Trí thưa:

“Bạch Ôn, sao Ôn không để lại một ít để tiêu dùng ?”

Ôn bảo đùa: “Để cho ta bòn chút phước chứ!”

Cô Huyền Trí là người rất thông minh nên được Ôn dạy chuyện nhiều nhất, tiếc rằng tôi không gặp cô Huyền Trí nhiều để được nghe thêm những giai thoại về Ôn vào những ngày Ôn còn ở Nha trang. Nhưng có một chuyện cô kể làm tôi rất cảm động. Hồi mới sau 75, hoàn cảnh sống đang còn hết sức khó khăn, cô Huyền Trí đi đường bị kẻ gian rạch túi lấy hết áo quần mang theo. Không biết làm sao mà tin ấy đã đến tai Ôn, nên khi cô Huyền Trí lên viện hầu Ôn, Ôn bèn lấy ra một chiếc áo cũ xếp cẩn thận bọc trong giấy trầm hương thơm phức mà cho cô đem về sửa lại để mặc. Với những học trò xa mà Ôn còn đối xử tận tình như thế, nói gì đến những đệ tử hầu cận Ôn trong những ngày ngọa bệnh, chắc họ còn thương tiếc Ôn muôn vạn lần. Ai ở gần Ôn cũng được ảnh hưởng đức tinh tấn, luôn sách tấn chuyện tu học tụng kinh niệm Phật không bỏ một pháp môn nào. Con người Ôn đầy thiền vị, uyên bác là thế, nhưng Ôn rất khiêm cung. Có lần không biết ai gọi Ôn là thiền sư, Ôn kể lại cho tôi nghe rồi nói đùa:

“Kêu thiền sư rồi cắc cớ tới hỏi gì trả lời không được cũng mạt chứ chơi à!”

Và Ôn cất giọng cười thật lớn, một tràng cười thực giải thoát hồn nhiên. Mấy ni cô đi làm xã hội đến hầu Ôn và bạch:

“Chúng con đi ra nhiều, gặp chuyện thường dễ nổi sân, sợ phải đọa.”

Ôn dạy: “Vì làm việc lợi tha mà nổi sân chút xíu thì cũng như đi ra trúng gió, uống thuốc là khỏi. Bệnh nhẹ không can gì.”

Có cô hỏi: “Con tụng kinh mà tâm tán loạn không tập trung được, có nên tiếp tục không?”

Ôn dạy: “Cứ tụng chứ, nếu tâm không tán loạn thì mi thành phật rồi cần gì phải tụng kinh nữa?”

Lời nào Ôn dạy cũng chí lý chí tình, không bao giờ quá khích. Ôn khuyên quý thầy muốn giỏi hãy xem sách thật nhiều (như Ôn). Ôn cũng gián tiếp dạy người tu hành không nên rời hai buổi công phu sớm tối bằng lời nói đùa như sau:

“Mỗi khi ai hỏi tui chùa đông ít, tui thiệt khó trả lời. Nói đông thì tại sao buổi khuya chỉ có vài người đi công phu sáng? Nói ít thì tại sao vào bữa cơm trưa lại đông đầy hai dãy bàn?”

Ôn không bao giờ dạy bảo thẳng, mà toàn nói những lời như vậy nên chắc các đệ tử ở gần cũng sợ. Hồi Ôn ở Nha trang, mỗi khi đi ra thấy bóng Ôn đi bách bộ, thầy CL lại tìm cách đi vòng ngã khác. Tôi hỏi tại sao thì thầy nói:

“Gặp Ôn, Ôn hỏi gì cũng rất cặn kẽ mình khó trả lời lắm.”

Lúc về Huế lần trước để thăm bệnh Ôn, tôi có dịp về làng thầy Hải Ấn để thăm Bà cụ mẹ thầy đang hấp hối, có thầy Phước Toàn ngày đêm túc trực tụng kinh niệm Phật tiếp dẫn Bà cụ. Làng thầy gần chùa Túy Vân và gần cửa biển Thuận an, cảnh trí rất đẹp nhưng cũng rất nghèo nàn hoang sơ. Chỉ cách Huế chừng sáu bảy chục cây số mà xe phải đi mất ba tiếng đồng hồ vì đường quá xấu, đi qua những vùng cát trắng phau không dấu chân người, y như là đi tầm sư học đạo. Xe đi qua vùng Hòa Duân là nơi xảy ra cơn lũ lớn nhất thế kỷ cuối năm 1999 đã làm sạt lở cửa biển, sập bảy mươi căn nhà kiên cố và làm chết hơn năm trăm người trên toàn tỉnh. Hiện nay chỗ ấy thiên nhiên tự bồi cát lại như cũ. Khi vào làng thầy, lần đầu tiên tôi chứng kiến một cảnh tàn sát rùng rợn và hiểu được thế nào là “cò mồi”. Trên cánh đồng xanh ngát, có một bầy cò trắng phau đứng bất động; té ra là cò giả do mấy tên thợ săn đặt sẵn. Bầy cò trên không thấy đồng bạn ở dưới đất cũng sà cánh xuống nhập bọn, thế là bị dính cứng vào đất không bay lên được nữa vì ở trên mặt đất những kẻ bẫy chim đã giăng sẵn những chất keo. Tàn ác hơn nữa là chúng lại còn may bít hai mí mắt của vài con cò sống đã mắc nạn, để chúng vừa đứng bất động vừa vẫy cánh liên hồi. Cái vẫy cánh đau đớn, nhắc nhủ đồng bạn đừng lầm bọn người gian ác, nhưng những con cò trên không lại lầm tưởng là cái vẫy cánh mời bạn sà xuống chơi để cùng mắc bẫy.

Sau khi ăn trưa tại nhà cô Như Tường, chúng tôi lên xe về Huế lúc đã quá mười hai giờ. Sợ tài xế ngủ gục tôi gợi chuyện cho Trung nói suốt quãng đường từ Quảng trị vào Huế, và Trung chứng tỏ là một người nói chuyện rất hay, vừa có khiếu hài hước vừa có trình độ tâm linh sâu sắc. Huế quả thật là một cái nôi của văn hóa, không chỉ ở những tổ đình cổ kính với những vị Hòa thượng trí đức song toàn; đặc biệt nét văn hóa của Huế còn biểu hiện nơi những người bình dân vô danh vô tướng, nơi những lời nói bâng quơ đầy ý vị của họ. Tôi nhớ có lần, sau 75, từ Sài gòn về tôi lên viếng chùa Thuyền tôn; đến ngã ba không biết rẽ lối nào tôi hỏi những nông dân đang vác cuốc đi làm. Chỉ đường xong, họ nói: “Mới có ba năm mà răng đã quên đường quên sá hết rứa hè!” Làm tôi không khỏi cười thầm. Đặc biệt, gia đình anh tài xế này là một điển hình gia đình rất văn hóa. Họ gồm bốn cha con vừa sở hữu vừa lái bốn chiếc xe du lịch từ bao năm nay, đáng lẽ phải giàu lắm, thế nhưng chắc vì gắn bó với chùa chiền, chuyên chở những người tu nên không giàu có mà cứ dậm chân tại chỗ. Họ không lấy nhiều tiền vì học được cái đức ly tham, chỉ làm vừa đủ sống. Cô Như Minh kể có lần Trung chở Sư Bà từ Hồng Ân về thăm Ôn ở Bệnh viện xong, khi cô trả tiền anh ta bảo: “Con mà đi lấy tiền chở sư bà thì còn ra gì nữa!”

Bây giờ, giữa trưa nắng chang chang trên đường vắng, vừa lái xe Trung vừa kể cho tôi nghe những chuyện hóm hỉnh về Ôn. Một lần, anh chở Ôn cùng với nhiều vị khác trên chiếc xe bảy chỗ. Khi tất cả đều lên xe, anh bắt đầu rồ máy, Hòa thượng nói với mọi người:

“Ở dưới đất thì hắn quy y mình, còn bây giờ lên xe thì mình phải quy y hắn. Này Trung, hãy lái cho cẩn thận nghe con!”

Đến một đoạn đường hẹp có nhiều người đi nghênh ngang, tài xế đi chậm lại. Hòa thượng nhắc khéo:

“Này Trung, ta hỏi cụ mi, cái còi để làm gì ?”

Trung thuật lại: “Lúc đó con phải hết sức cẩn thận, vì trả lời sao cho hòa thượng nghe được là chuyện rất khó. Nếu nói bóp còi để bắt họ phải tránh mình, thế thì sẽ lỗi to. May sao trong con nổi lên một sự thông minh đột xuất, con nói: “Dạ bạch Ôn, cái còi là để báo cho họ biết sự có mặt của mình cũng đang tham gia giao thông.” Ôn khen phải.

Trung lại kể: “Một hôm sắp tới ngày lễ Phật đản con vô chùa Từ đàm, thấy Ôn đang gõ lại một cây cọc bị xiêu trước sân chùa, con đến xin phụ với Ôn một tay. Ôn đưa cái búa cho con, nhưng tay Ôn vẫn giữ lấy cây cọc cho thẳng để con gõ xuống. Vì sợ lỡ trật xuống nhằm tay Ôn, nên con không dám gõ mạnh, mà cũng không dám xin Ôn dở tay ra. Ôn nói:

“Cụ mi tính đứng đây tới chiều à? Gõ như gõ mõ thế thì chừng nào mới xong?”

Nhân đấy tôi cũng kể cho Trung nghe vào một buổi sáng, chú tiểu từ chùa khác tới chùa Từ đàm có việc, trông thấy Ôn đang đục đục gõ gõ bên cánh cửa phòng khách, chú tiến lại thưa:

“Bạch Ôn, để con làm giùm cho.”

Ôn dạy: “Thôi, việc nhà ai nấy biết.”

Trung cười khoái chí ra vẻ rất am hiểu câu thiền ngữ ấy. Anh còn bảo, mỗi lời Ôn nói ra đều có nhiều nghĩa, phải suy nghĩ thật lâu mới hiểu ra được chứ không phải dễ. Tôi lại nhớ lúc Ôn còn ở Nha trang những ngày sau 75, khi Phật học viện vắng teo như chùa bà đanh chỉ còn một mình Ôn trong ngôi chùa rộng với vài thầy, mỗi thầy một thế giới. Mỗi lần đến hầu thăm, phải đi qua bao nhiêu lớp cửa mới đến được gian tịnh thất của Ôn nằm một nơi ẩn khuất tịch mịch, một vẻ tĩnh lặng đầy đe dọa chứ không còn thiền vị như trước. Hôm đó tôi không tìm được chú tiểu nào để nhờ dẫn đến Ôn, nên đã một mình đến tận cánh cửa có lưới sắt dẫn vào tịnh thất Ôn. Thường thì nó được khóa kỹ với ống khóa, nhưng hôm ấy không khóa nên tôi đẩy cửa để vào trong sân. Đẩy mãi không được, tôi cất giọng kêu ơi ới, nghĩ chắc là chú tiểu đã đi chơi đâu rồi. Bỗng Ôn xuất hiện, đi ra vừa lùa nhẹ cánh cửa qua một bên vừa lẩm bẩm:

“Đi mô cũng tới, mà mở cánh cửa không ra!”

Thì ra vì cánh cửa ấy có đường rây phía dưới để đóng mở bằng cách đẩy qua đẩy về mà tôi cứ xô tới kéo lui hèn gì mãi không mở được. Cửa đời đã vậy, cửa đạo cũng thế mà thôi! Lời Ôn dạy thực đầy ý nghĩa: tôi chưa vào được cửa đạo, vì không biết cách mở. Lại một lần vào những năm mới xuất gia, tôi ưa tới Ôn phân bua chuyện này chuyện nọ vì không được làm việc theo ý mình. Ôn chìa ra một quyển sách đang xem, thì ra là quyển “Con đường thoát khổ” mà tôi vừa dịch của ngài Rahula, và dạy:

“Này, cô về mà xem lại cái đoạn nói về Vô ngã, thật hay đáo để.”

Nghe khen một dịch phẩm của mình, tôi quên tuốt chuyện kiện cáo và bắt đầu hăng say nói về quyển sách. Khi trở về tôi mới nhớ ra rằng Ôn cốt dạy mình bằng cách nhắc đến lý vô ngã, nhưng vì quá vô minh mình không để ý, cứ tưởng là Ôn khen! Một trong những đức tính của Ôn là chịu khó đọc tất cả những sách viết về đạo Phật từ thượng vàng đến hạ cám, và thường khen chứ không bao giờ chê ai hết. Thế nên khi có lần tôi thuật lại với thầy Tuệ Sỹ rằng Ôn khen thầy viết bài này bài nọ, thì thầy tỉnh bơ bảo rằng :”Ôn Từ Đàm mà khen thì có gì đáng mừng, vì ai Ôn cũng khen.”

Ôn có một người em trai cũng là thượng tọa làm Chánh đại diện ở Bảo lộc, một hôm về thăm chùa Từ đàm, thấy hoa ni lông được cắm chung với những cành lá tươi trong các bình cúng Phật, thượng tọa rút hết những hoa ấy liệng mất. Khi trông thấy chúng nằm la liệt giữa sàn nhà, Ôn la lên:

“Hoa người ta cúng, ai đem vứt cả ra đây rồi?”

Thượng tọa nói: “Hoa giả mà cúng kiếng gì?”

Ôn hỏi lại: “Cái gì thật, cái gì giả?”

Trên đường từ Quảng trị về lại Huế, ngoài Ôn Từ đàm ra, thầy Khế Chơn cũng là đề tài nói chuyện của tài xế Trung. Anh bảo: “Thầy rất bình dị, nhưng những người không biết thầy cứ nói thầy khó khăn, không dễ gì mời thầy đến nhà. Con thường lái xe cho thầy mới biết thầy hết sức bình dân đáng mến. Trong các loại băng nhạc mà con mở cho thầy nghe, thầy chỉ thích nghe ca Huế và chầu văn. Có khi thầy còn ca cho con nghe nữa. Thầy ca hay lắm, sư ạ.” Nghe chuyện ấy tôi không khỏi ngạc nhiên vì cứ tưởng thầy thích nhạc tiền chiến hay Trịnh công Sơn thì còn có lý vì thầy chưa lớn tuổi lắm. Chứ chầu văn và ca Huế thường là gu của mấy người già bảy tám chục tuổi !

Nghỉ một lát, Trung lại phá lên cười lớn bảo: “Có khi thầy cũng nổi nóng một cách bất ngờ, sư ạ. Có lần con lái xe giữa đường bị một chị lái honda đâm ngang trước mũi xe con, may con tránh kịp. Thầy bảo con:

“Trung, mi lái xe đuổi theo con đó cho tao!”

Con ngạc nhiên không biết thầy bảo đuổi theo làm gì, nhưng cũng lái nhanh xe tới phía trước. Khi gần đến, thầy quay kiếng xe xuống, thò đầu ra quát vào mặt chị kia:

“Này con kia, mi muốn chết hả? Tau vừa đi nhập liệm về đây, mi muốn chết thì chết đi, tau liệm cho!”

Chúng tôi được một trận cười thoải mái khi nghe giai thoại ấy. Cái khả kính dễ thương nơi những vị thánh không phải là luôn luôn nghiêm trang trầm mặc, mà phải có lúc pha trò và nổi sân “chay” như vậy mới làm cho người ta cảm thấy gần gũi. Cách nay hai mươi năm, mỗi khi vào Sài gòn, thỉnh thoảng thầy lại ghé thăm chúng tôi. Hồi ấy thầy hãy còn trẻ lắm nhưng đã làm như một ông cụ, cứ than phiền Sài gòn ồn ào náo nhiệt, thầy không bao giờ ở được quá tuần lễ vì nhớ Huế, nơi có những vị Hòa Thượng khả kính khiến mình đi đâu cũng phải khép nép cẩn trọng như bước đi trên dao bén, không như ở Sài gòn muốn đi đâu thì đi, làm gì cũng không ai nói. Thầy thích được sống gần các bậc bề trên, không như đa số tu sĩ ngày nay ưa tự do phóng túng “trên không chằng, dưới không rễ.”

Xe trở về đến Huế lúc đã gần hai giờ chiều, chúng tôi ở lại chùa Từ đàm để dự lễ Yết Tổ vào lúc ba giờ. Khi một vị sư viên tịch, ở Huế (hay trong nghi lễ Phật giáo nói chung) có lệ đưa linh vị của người quá cố đến các tổ đình chính thức, những nơi mà sinh tiền vị ấy đã từng tu học, hành đạo, để yết kiến chư tổ trước khi làm lễ nhập tháp. Đấy cũng như làm lễ ra mắt với thế giới vô hình của những bậc tiền bối đã khuất bóng. Sóng đang trở về bản thể Nước và xin Nước hoan hỉ đón nhận lại một người con. Đây là lúc Mẹ con gặp gỡ, giờ phút mới cảm động làm sao! Chúng tôi được theo đoàn xe đưa linh vị Ôn đi yết Tổ ở các chùa Báo quốc, Tây thiên, Thuyền tôn. Xe chạy xuống ngả Bến ngự rồi vòng trở về Báo quốc trước khi đi Tây thiên, Thuyền tôn. Hai bên đường, dưới màn mưa lất phất, có rất nhiều bàn thờ (hương án) nghi ngút khói hương và tăng ni phật tử đang quỳ mọp khi đoàn xe yết Tổ đi qua. Trên mỗi hương án đều có di ảnh của Ôn rất trang nghiêm thanh thoát.

Đoàn xe yết Tổ trở về chùa Từ đàm lúc trời đã tối. Tối hôm ấy còn có lễ tịch điện của môn đồ hiếu quyến đọc điếu văn khóc Ôn cho đến chín giờ nhưng tôi không tham dự được vì đã quá mệt và vì trời mưa tầm tã. Trời như cũng tiếc thương trước cảnh ra đi của một bậc Chúng trung tôn.

Sáng hôm sau, 24.8 (11.10.2001) chúng tôi ra Từ đàm để dự lễ cung nghinh kim quan nhập tháp. Trời âm u không nắng không mưa suốt mấy tiếng đồng hồ, như cũng đồng cảm với rừng phật tử đang chen chúc đầy chật sân chùa Từ đàm ra cho đến ngoài đường Nam giao, Bến ngự. Dù mưa hay nắng đều sẽ rất mệt cho đám đông khổng lồ ấy, nên trời rất im mát cho đến lúc di quan ra đến xe tang. Y vàng chói lọi một vùng khi chư tăng ni hàng hàng lớp lớp đi bộ tiễn kim quan ra xe trong tiếng niệm phật vang rền. Trời bắt đầu đổ mưa nặng hột khi đoàn xe gần một trăm chiếc từ từ chuyển bánh hướng về tháp tổ Liễu Quán. Lễ nhập tháp diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm giản dị, vì tất cả nghi lễ đã được làm trước tại chùa Từ đàm, và cũng vì trời mưa lớn và đường đất sình lầy trơn trợt. Nhiều người tiễn đưa trong đó có tôi, vẫn ngồi trên xe vì đường quá đông đúc lầy lội và vì không có áo mưa.

Dự tang lễ xong, tôi về lại ni viện Kiều đàm lúc hai giờ chiều 24 âm lịch. Thấy cô Diệu Thường chuẩn bị bộ sậu trống kèn chuông mõ để đi A lưới làm lễ chẩn tế cô hồn tại một ngôi chùa khuôn mới thành lập, tôi cũng đi theo lên thăm vùng kinh tế mới mà năm 1999 chúng tôi đã đến cứu trợ sau cơn lũ thế kỷ. Xe khởi hành lúc ba giờ chiều đến sáu giờ chiều mới đến, vì phải qua một phà ngang tại trước lăng Khải định. Bên kia thượng nguồn sông Hương là vùng Bình điền nghèo khó, qua khỏi Bình điền rất xa nữa, qua hai con đèo là đèo Kim Quy và một đèo chưa có tên nhưng rất cao và dài hơn ba chục cây số, đầy nguy hiểm, mất đến hơn nửa giờ lái xe mới qua hết, nên dân gọi là đèo mẹ ơi. Xe đi qua những địa danh vừa xa lạ vừa quen thuộc (với người thường đi cứu trợ) như Hồng Tiến, Hồng Hạ, Bốt Đỏ, Mỏ Quạ...để tiến đến vùng núi non tận cùng của đất nước. Một bên là dốc núi dựng đứng, bên kia là thung lũng sâu hun hút, đã thế con đường cứ ngoằn ngoèo liên tục đến chóng cả mặt, còn khó đi hơn cả những đèo Hải vân, Rù Rì, Song pha hay Ngoạn mục. Tôi nghĩ đến những nạn nhân xấu số trong hai tòa tháp chọc trời đang yên ổn bỗng bị tai họa giáng xuống nát thây để cầu nguyện cho họ và thêm can đảm cho mình. Quả thực đấy là một bài học cho tất cả, để đừng xem chắc ăn bất cứ chuyện gì. Có lẽ họ không bao giờ ngờ đến tai họa bất thần, họ sống trong an ninh bảo đảm tối đa nên tai họa đối với họ càng thảm khốc. Còn chúng tôi luôn sống trong chánh niệm về vô thường, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ nên dù có gặp gì cũng coi thường; nhờ vậy mà tâm hồn rất an ổn trong cái “tuệ giác về bất an” (wisdom of insecurity) vì luôn luôn tâm niệm “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không.” Có một tấm thân tứ đại đã là cái đích để hứng chịu bao nhiêu tên đạn trong cõi tồn sinh. Thế nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến địa điểm A Lưới giáp ranh với xứ Lào, nơi có trên một ngàn gia đình từ nhiều nơi đến định cư đang sống khốn khổ nhưng đầy nhiệt tình với đạo. A Sao A Lưới là những địa danh kinh khủng vào thời chiến, nơi nhiều binh lính đã bỏ thây chiến trường. Ngày nay, đấy là một vùng đồi núi hiền hòa nơi định cư của hàng ngàn gia đình từ xa xôi đến lập nghiệp. Chùa Sơn Thủy do dân định cư được cấp đất để xây dựng lên dần dần từ sáu năm nay nhưng vẫn chưa hoàn tất công trình vì dân quá nghèo, khuôn viên chùa thiếu đất cho sinh hoạt gia đình phật tử địa phương khá đông. Ban hộ tự cho biết, cạnh chùa có một ngàn năm trăm mét vuông đất đã khai phá, trồng quế, chủ đất muốn nhường lại cho chùa với giá năm triệu đồng (tương đương ba trăm hai chục dollars). Nhận thấy nỗ lực của đồng bào ở đây thực đáng phục, tôi hứa khi về sẽ vận động tiền cho họ mua thêm mảnh đất ấy.

Chùa nằm trên một ngọn đồi, sau lưng là núi rừng chất ngất. Gió núi thổi về lạnh buốt xương mặc dù tiết trời chỉ mới vào cuối thu. Tối hôm ấy may sao trời tạnh ráo, phật tử ở gần chùa đến nghe pháp vào khoảng ba chục người; họ được hướng dẫn pháp môn thân hành niệm và đi thiền hành trong chánh điện đến chín giờ tối mới giải tán.

Sáng hôm sau, sáu giờ rưỡi sáng chúng tôi đã khởi hành về lại Huế. Đường về vì xuống đèo nên lái xe càng phải rất cẩn thận. Đến được Bình điền, qua phà rồi chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm biết mình vẫn còn sống sót. Xin dâng lên giác linh Ôn tất cả những ánh mắt nụ cười mang đầy niềm vui của dân định cư A Lưới lúc đón tiếp phái đoàn đến thăm. Ngày mai đây, họ sẽ còn vui hơn khi đón quý thầy lên làm lễ chẩn tế cho các vong linh và cầu nguyện cho âm siêu dương thái. Xin Ôn gia trì cho lễ chẩn tế này được viên mãn, dân A Lưới từ nay hết cảnh cơ hàn và được sống vui trong chánh pháp.

--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/09/2018(Xem: 7807)
Chúng tôi hổ thẹn mang nặng thâm ân 2 bậc Thầy lớn, đã để lại trong đạo nghiệp mình nhiều dấu ấn giáo dưỡng thâm trọng, dù cho có nghìn đời cố gắng cũng chưa thể báo đáp hết:
03/09/2018(Xem: 17623)
Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng. Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế. Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế. Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua cái được thấy và cái được nghe. Bùi Giáng đi đứng nằm ngồi giữa phố như không một nơi để tới chính là diệu chỉ sống với cái Như Thị của Kinh Pháp Hoa, hiển lộ qua cách thõng tay vào chợ. Bùi Giáng viết xuống chữ nghĩa xa lìa có/không, dứt bặt đúng/sai, hễ viết xuống là gửi vào tịch lặng bờ kia chính là diệu chỉ gương tâm rỗng rang của Bát Nhã Tâm Kinh. Đó là hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng trong tâm tôi nhiều thập niên qua.
23/08/2018(Xem: 6283)
Tôi thật may mắn được biết đến và là học trò của Hòa thượng Thích Minh Châu. Tôi có may mắn lớn này là nhờ bác Vũ Chầm, Chủ tịch VinaGiày, một tấm gương sáng về tu tập và phụng sự. Thế rồi mỗi lần từ Hà Nội vào Sài Gòn là tôi thường tìm mọi cách đến thăm Thầy. Mỗi lần được bên Thầy là một cơ hội được học hỏi, được dạy dỗ và chỉ bảo, được nhận năng lượng và bình an.
23/08/2018(Xem: 8399)
Thường trực BTS GHPFVN tỉnh Khánh Hòa vừa ký Cáo phó kính tiếc báo tin HT.Thích Đức Lưu, Ủy viên Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng BTS GHPGVN huyện Cam Lâm, Ủy viên Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh, trụ trì chùa Pháp Vân tân viên tịch. Theo cáo phó, HT.Thích Đức Lưu do bệnh duyên.đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 18 giờ, ngày 21-8-2018 (11-7-Mậu Tuất) tại chùa Pháp Vân, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa . Trụ thế 64 năm, hạ lạp 42 năm. Lễ nhập kim quan lúc 15g, ngày 22-8-2018 ( 12-7-Mậu Tuất), kim quan được tôn trí tại chùa Pháp Vân Lễ viếng bắt đầu từ 8 g, ngày 23-8-2018. Lễ tưởng niệm vào lúc 14g, ngày 25-8-2018 (nhằm 15-7-Mậu Tuất), sau đó 15g phụng tống kim quan nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Pháp Vân, Cam Lâm.
23/08/2018(Xem: 11831)
Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn tiếng anh chia sẻ với Phật tử thế giới
18/08/2018(Xem: 5807)
Lễ Huý Nhật Lần thứ 1 Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu tại Chùa Phật Quang, Victoria, Úc Châu. Thứ Bảy, 18-8-2018 Chương Trình Lễ Huý Nhật: - Cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni quang lâm - Cung An Chức Sự (NS Thích Nữ Chân Kim) - Nghi cúng tiến Giác Linh Đức Trưởng lão Hòa Thượng - Lễ Chào Phật Giáo Kỳ và một phút nhập Từ Bi Quán - Tuyên bố lý do và giới thiệu chư Tôn Đức tham dự ( MC TT Thích Nguyên Tạng) - Cung tuyên Tiểu Sử Cố Trưởng Lão Hòa Thượng ( TT Thích Tâm Phương - Lời Đạo Tình của Trưởng Lão HT Thích Huyền Tôn, Phó Thượng Thủ GHPGVNTTG, Tăng Giáo Trưởng GHPGTNHNUĐLTTL Viện Chủ Chùa Bảo Vương - Lời tưởng niệm về Đức Trưởng Lão HT Thích Tâm Châu ( HT Thích Tịnh Đạo) - Dâng hoa cúng dường Giác Linh Đức Trưởng Lão Hòa Thượng - Ngâm thơ của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Truy niệm Giác Linh. (Phật tử Tuệ Minh) - Cảm Tạ của ban tổ chức. (ĐĐ Thích Chân Phong) - Cúng Dường Trai Tăng và hoàn mãn.
15/08/2018(Xem: 7829)
Nếu chúng ta từ phương diện thư tịch nhìn về quá trình du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam, cho thấy số lượng kinh sách trước tác hay dịch thuật của người Việtquá ư khiêm tốn,nội dung lại thiên về thiền họcmang đậm nét cách lý giải của người Hoa về Phật học Ấn Độ, như “Khóa Hư Lục”, “Thiền Uyển Tập Anh” (禪苑集英), “Thiền Tông Chỉ Nam”, “Thiền Tông Bản hạnh”…Điều đó minh chứng rằng, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu nặng cách lý giải Phật học của người Hoa. Nguyên nhân nào dẫn đến sự ảnh hưởng này, theo tôi ngoài yếu tố chính trị còn có yếu tố Phật giáo Việt Nam không có bộ Đại tạng kinh bằng Việt ngữ mang tính độc lập, để người Việt đọc hiểu, từ đó phải dựa vào sách của người Hoa, dẫn đến hiểu theo cách của người Hoa là điều không thể tránh. Nếu thế thìchúng ta nghĩ như thế nào về quan điểm độc lập của dân tộc?Tôi có cảm giác như chúng ta đang lúng túng thậm chí mâu thuẫngiữa một thực tại của Phật giáo và tư tưởng độc lập của dân tộc.
13/08/2018(Xem: 6878)
Cách đây hơn một tuần, trong khi tìm kiếm tài liệu để viết lại tiểu sử tóm tắt của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương với các chi tiết chọn lọc, cần thiết, đã được cập nhật,theo ý của chúng tôi. Chúng tôi mới bỗng nhớ ra rằng: Năm 1978, lúc Ni Sư mới 15 tuổi, Ni Sư xuất gia với Sư Bà Hải Triều Âm (Đại Ninh - Việt Nam). Như vậy, tính đến năm 2018 này, là năm kỷ niệm 40 NĂM XUẤT GIA CỦA NI SƯ THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG. Tuy mới biết và được hầu chuyện Ni Sư chỉ năm mười phút ngắn ngủi tại Chùa Hương Sen, rồi sau đó đọc một số tác phẩm, những bài pháp luận, thuyết trình… của Ni Sư. Chỉ ngần ấy thôi, nhưng chúng tôi vẫn luôn lưu giữ cái cảm nhận rất chân thành và nghiêm túc này: Rằng Ni Sư Thích Nữ Giới Hương là người rất mực khiêm cung, suy nghĩ cẩn mật. Rằng Ni Sư là người kiên tâm trì chí tu học và hành Đạo suốt 40 năm ấy; Rằng Ni Sư Thích Nữ Giới Hương là “Người gieo duyên Phật pháp, gieo duyên Đạo”* không ngừng nghỉ và không biết mỏi mệt. Và rất nhiều đức khác mà chúng tôi kính trọng, ngưỡng vọng
11/08/2018(Xem: 7813)
Hòa Thượng Thích Huyền Tôn: Chúc thọ Đức Đại Thụ Tăng Thống Thích Quảng Độ. Cung Kính Chúc Thọ Đại Thụ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ Trí Lực câu viên Đạo Lực Tu Di ! Úc Châu Tiểu đệ HT Thích Huyền Tôn (91 tuổi).
03/08/2018(Xem: 24908)
Hòa Thượng Thích Minh Tuyền vừa viên tịch tại Nhật Bản, Hòa Thượng THÍCH MINH TUYỀN thế danh LÊ MINH TUYỀN sanh ngày 08 tháng 09 năm 1938 (Mậu Dần), tại thôn Bình Hội, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Xuất gia năm 7 tuổi (Năm Ất Dậu (1945) tại Chùa Bửu Tích thuộc thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Năm 1970, HT đến du học tại Nhật Bản và lưu trú đến ngày nay. Vì tuổi cao sức yếu, Nài đã thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 3giờ 35 phút sáng ngày 22 tháng 08 năm 2017 (nhằm ngày 01 tháng 07 nhuần năm Đinh Dậu), trụ thế 80 năm, 60 hạ lạp. Chương trình Tang Lễ của Hòa Thượng Tân Viên Tịch sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Ngưỡng mong Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và Quý Đồng Hương Phật Tử gần xa nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Tân Viên Tịch Thích Minh Tuyền Cao Đăng Phật Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com