Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử HT Thích Chí Tín

21/09/201321:43(Xem: 12773)
Tiểu sử HT Thích Chí Tín

HT_Thich_Chi_Tin


TIỂU SỬ

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ TÍN

TRỤ TRÌ SẮC TỨ LONG SƠN TỰ - TỈNH HỘI PHẬT GIÁO KHÁNH HÒA
NHA TRANG, VIỆT NAM
1922 – 2013


Thân thế:

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chí Tín họ Lê, húy Văn Dụ, sinh ngày 16.02. năm Nhâm Tuất (1922), tại làng Trâm Bái, thôn Dương Xuân Thượng, xã Xuân Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ngài xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nhiều đời thâm tín Tam Bảo, Thân phụ là cụ ông Lê Văn Tác, Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Châu. Gia đình Hòa Thượng có năm anh chị em, Ngài là người con thứ 4 trong gia đình.

Thời kỳ xuất gia học đạo và thọ giới:

Vốn sẵn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi, chí xuất trần đủ mạnh, Ngài được song thân cho đầu sư học đạo với Hòa Thượng Thích Chánh Hóa tại Tổ đình Từ Hiếu, được Hòa Thượng ban cho Pháp danh Tâm Nhẫn, Tự Hành Từ. Hai năm sau, Hòa Thượng Bổn Sư nhận lời thỉnh cầu của Hội Phật Học Khánh Hòa làm trú trì chùa Long Sơn đời thứ 2, Ngài được Bổn Sư cho theo tu học.

Năm 26 tuổi (1947), Ngài được Bổn Sư cho đăng đàn thọ Cụ Túc giới tại Đại Giới Đàn chùa Thiên Bửu Hạ, Huyện Ninh Hòa, do Hòa Thượng Phước Huệ chùa Hải Đức Nha Trang làm đàn đầu và được Hòa Thượng Bổn Sư phú pháp với pháp hiệu Chí Tín, nối dòng Lâm Tế pháp phái Liễu Quán đời thứ 43.

Thời kỳ hành đạo:

Năm 36 tuổi (1957-Đinh Dậu), Hòa Thượng Bổn Sư viên tịch, Ngài được Hội Phật Học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh kế thế trụ trì chùa Long Sơn đời thứ 3.

Trải qua hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Long Sơn, Hòa Thượng đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội duy trì cơ sở, phát triển đạo tâm, gieo trồng hạt giống bồ đề cho Tăng Ni, Phật tử.

Sau Pháp nạn 1963, đến năm 1964, với tâm nguyện cầu nguyện thế giới hòa bình, Ngài cùng Thượng tọa Thích Đức Minh, Chánh Đại diện Phật giáo Khánh Hòa xây dựng tượng Kim Thân Phật Tổ lộ thiên tại đỉnh đồi Trại Thủy. Và cũng trong năm này Hòa Thượng đã cho xây dựng hội trường văn phòng Tỉnh Giáo Hội bên cạnh chánh điện của chùa.

Với tâm nguyện hoằng truyền Phật Pháp, để có nơi cho Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt tu tập, năm 1970, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Thiện Bình phát tâm đại trùng tu Chánh điện chùa Long Sơn trang nghiêm và quy mô như ngày hôm nay.

Năm 2003, với tâm nguyện tạo nên cảnh đep tinh thần, làm nơi chiêm bái cho du khách khắp nơi khi đến viếng cảnh chùa Long sơn, Hòa Thượng đã khởi công kiến tạo Tôn Tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Nhập Niết Bàn dài 17m trên đồi sau chánh điện chùa Long sơn. Ngoài ra, Ngài đã không ngừng sửa sang tòan cảnh của chùa càng thêm trang nghiêm như ngày hôm nay.

Trong công tác hoằng truyền Phật pháp, từ khi kế vị trụ trì chùa Long Sơn đến nay, Hòa Thượng đã quy y cho hàng chục ngàn Phật tử tại thành phố Nha Trang và đồng bào Phật tử hải ngoại khi có duyên về nước. Bên cạnh đó, Hòa Thượng thường xuyên ấn tống kinh sách để biếu tặng và sách tấn Tăng Ni, Phật tử tìm cầu học hỏi giáo lý Phật Đà.

Với đức tánh khiêm cung, từ hòa, Hòa Thượng luôn được chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử khắp nơi kính trọng. Ngài đã từng gần gũi hầu cận Chư Tôn Trưởng lão Hòa Thượng, như Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Hòa Thượng Thích Thiện Minh…, và nhất là Ngài đã đồng hành tùy duyên Phật sự cùng với Hòa Thượng Thích Đỗng Minh hơn 50 năm tại chùa Long Sơn này.

Vào thời Pháp thuộc khi đất nước bị đô hộ, Hòa Thượng đã cống hiến không ít tâm huyết sức lực cho công cuộc bảo vệ quê hương đất nước trong mạch sống trường tồn của Đạo Pháp và Dân Tộc.

Một đời giản dị “ khắc kỷ vị tha” và ẩn nhẫn, Hòa Thượng luôn ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, đến những loài vật bé nhỏ như con sâu con kiến. Trong những năm chiến tranh, tù nhân ở thành phố Nha-trang rất nhiều, tuần lễ nào Ngài cũng mua từng củ khoai, từng gói xôi, từng trái chuối, đem vào nhà tù phân phát cho các tù nhân, làm vơi đi nỗi đau khổ của họ. Có được bao nhiêu tiền của Phật tử cúng dường, Hòa Thượng đều chi tiêu vào những công việc như vậy; có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không quyên góp, không ham nhiều, không chê ít. Rất nhiều binh lính bị giam ở quân lao, khi được trả tự do, họ đều vào chùa xin Hòa Thượng cho chén cơm bát cháo, sau đó lại xin chút ít tiền để đi xe về quê. Năm 1974-1975, các tỉnh ở Vùng I Chiến Thuật bị thất thủ, hàng ngàn quân nhân và đồng bào nơi đó di tản vào Nha-trang. Tàu thủy chở họ cập bến Nha-trang. Phần thì đói khát, phần thì chen chúc tranh nhau lội vào bờ, số người chết nhiều, xác người nằm rải rác trên bãi biển. Thấy cảnh tượng vô cùng thương tâm ấy, Hòa Thượng một mình xuống bờ biển, thuê xe xích lô chở từng xác người đem ra nghĩa địa chôn cất. Lòng từ của Hòa Thượng đã làm cho các bác đạp xích lô cảm động, họ đã tự nguyện phụ giúp Hòa Thượng làm việc ấy, không lấy tiền công, hoặc chỉ lấy chút ít mà thôi. Sau năm 1975, có lúc số trẻ mồ côi tại Nha-trang tăng vọt, nhiều viện mồ côi do các ni cô điều hành được thành lập để nuôi dưỡng các trẻ. Và đó cũng là điều rất mực quan tâm của Hòa Thượng. Nhiều đệ tử của Ngài ở hải ngoại gửi tịnh tài về cúng dường, cứ nhận được bao nhiêu là Ngài đều cho người đi mua gạo và những nhu yếu phẩm đem phân phát cho các viện cô nhi. Không những thế, Hòa Thượng còn thường xuyên đích thân đến thăm các bệnh nhân tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hòa, trao tặng từng hộp sữa, từng trái cam cho bệnh nhân ngay giường bệnh. Đại thể, suốt đời, Hòa Thượng đã làm những công việc như vậy.

Trong cuộc sống hằng ngày, Hòa Thượng đã thể hiện tối đa tinh thần tri túc; do vậy mà cả đời Ngài chỉ có một cái giường gỗ cũ kỹ, một chiếc xích đu cũng cũ kỹ, một chiếc ghế đẩu làm bàn, một bình trà, vài cái tách, tất cả cũng đều cũ kỹ! Ngày nay thật hiếm có vị nào có cuộc sống đơn sơ, khiêm tốn đến thế!

Suốt đời tận tụy hy sinh cho mọi người như vậy nhưng Hòa Thượng vẫn nhất tâm chuyên cần tu niệm để trang nghiêm cho chính mình. Tự lợi, lợi tha, công hạnh của Ngài hoàn toàn đầy đủ!

Viên tịch:

Rằm Trung thu Quý tỵ - 2013, buổi sáng Chư Tăng về bố tát, Hòa Thượng vẫn thanh thảng ngồi trên chiếc xích đu, hoan hỷ thăm hỏi sách tấn mọi người đến vấn an.

Đến chiều tối, Hòa Thượng thấy trong người hơi mệt, nên sai thị giả lấy lò than cho Ngài sưởi, các đệ tử đến chăm sóc, và mời các Bác sĩ đến khám. Hòa Thượng đã từ chối không đi bệnh viện theo yêu cầu của Bác sĩ. Tuy nhiên ít phút sau sức khỏe Ngài dần ổn định.

Đến 21giờ 45 phút cùng ngày, Hòa Thượng an nhiên ngồi thị tịch ngay trên chiếc xích đu thường ngày của hơn 30 năm qua. Hòa Thượng trụ thế 92 năm, 72 pháp lạp, 67 hạ lạp.

Thật là:

Giới Định thường tùy từ thời ứng pháp
Kinh sám hành trì điều phục thân tâm
Khuya sáng trưa chiều tối chuyên cần
Phạm hạnh thanh tâm sạch như băng tuyết...

Hoá duyên đã mãn, Hoà thượng đã trở về cảnh giới Niết Bàn Vô Dư, nhưng gương sáng về đời sống phạm hạnh và công đức tu hành của Hoà thượng vẫn còn mãi mãi với Đạo Pháp, với Tăng Ni Phật tử Việt-nam.

Nam Mô Tân viên tịch Từ Lâm Tế Chánh Tôn, tứ thập tam thế, Húy Thượng Tâm Hạ Nhẫn, Tự Hành Từ, Hiệu Chí Tín Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng Liên đài chứng giám.

Môn Đồ Pháp Quyến Hải Ngoại kính soạn





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/02/2019(Xem: 5495)
Trong cuộc sống, người ta thường chọn cho mình một mục tiêu để tiến tới. Riêng tôi, thường tìm về những mưu cầu tâm linh để thăng hoa cuộc sống của mình. Điều làm cho cuộc đời tôi thay đổi khi tôi cảm nhận được ánh sáng nhiệm mầu của Phật pháp đã sáng soi khởi nguồn từ thuở ấu thơ. Có thể nói sự đưa đẩy tìm về ánh sáng Phật pháp đã đến với tôi rất sớm bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình thương một người Mẹ của đứa bé vừa lên một tuổi đã mồ côi.
29/01/2019(Xem: 9660)
Tiểu La Nguyễn Thành, nhân vật kiệt xuất của đất Quảng Nam, người khai sáng Duy Tân Hội, nhà lãnh đạo xuất sắc đồng thời cũng là người tri âm, tri kỉ của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
27/01/2019(Xem: 9936)
Thông Điệp Xuân Kỷ Hợi 2019 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
19/01/2019(Xem: 6708)
Thời gian là cái gì thật mầu nhiệm, không hình không tướng, tưởng như nó dửng dưng, lạnh lùng trước muôn sự, nhưng lại thầm lặng ân cần cất giữ những gì đã đi qua, rồi tùy đối tượng mà hoài niệm. Không ai nắm bắt lại được những tờ lịch đã rơi, nhưng bước chân của bao bậc hiền nhân quân tửđều như còn in hằn trong không gian khi thời điểm luân lưu trở lại theo vận hành của trời đất.
12/01/2019(Xem: 15237)
Thông Bạch Tết Kỷ Hợi 2019 Của Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Sa Môn Thích Thắng Hoan
11/01/2019(Xem: 10589)
Co lẽ mùa trăng Thành Đạo 2562 – 2018 sẽ khó quên đối với nhạc sĩ Hằng Vang và gia đình, khi giữa bao cơn lốc thực dụng xâm chiếm nhiều ngõ ngách cuộc sống và lấn sang cả khu vực luôn được bảo trọng của tâm hồn trong từng con người: Trái tim ! Nếu nói về một sự tưởng thưởng hay tri ân thì nhạc sĩ Hằng Vang có thể còn đi bên trên những khuôn sáo, danh vọng đó. Hơn thế nữa sẽ không ai có thể nhân danh để ghi nhận sự tận tâm , cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc Phật giáo mà không hề đòi hỏi một đồng lương, một phần thưởng nào trong suốt 86 năm dài tận tụy của người nhạc sĩ lão thành hiện đang còn sống duy nhất bên chúng ta.
01/01/2019(Xem: 8509)
Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình mà Nội Ngoại đều tin Phật và nhiều nguời trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
16/12/2018(Xem: 8516)
1.Bảo An Hòa Thượng Nhất Đại Tôn Sư Đại Hỷ Đại Từ Trung Nam Bắc Phái Tề Tâm Kính Ngưởng. 2. Phổ Bảo Danh Lam Thiên Ban Diệu Dụng Ban Tuệ Ban Ân Thượng Hạ Biên Phương Chí niệm Quy Y.
07/12/2018(Xem: 6843)
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân.
28/11/2018(Xem: 6321)
Thế là đã tròn 15 năm kể từ ngày Thầy giã từ cuộc mộng. Chuyến hóa duyên này của Thầy khá là dài.... Con bây giờ đi gần hết đời người, quá nửa việc ngày xưa lẫn ngày nay gần như quên bẵng, nửa còn lại nhập nhằng giữa đôi bờ mộng thực chông chênh. Thếmà, từng chi tiết về lớp học năm xưa vẫn sáng ngời, vẹn nguyên trên đỉnh đồi tâm thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]