Pháp tử: TỊNH MINH
Những ai đã được Ôn Già Lam dưỡng dục tại ba Phật Học Viên: Báo Quốc Huế, Hải Đức Nha Trang, và Quảng Hương Già Lam Sài Gòn thì khó mà bộc bạch hết tâm tư tình cảm của mình về ân đức sâu dày của Người. Riêng Tịnh Minh thì được Ôn hạ cố về nhiều phương diện, trong đó có một việc mà lâu nay Tịnh Minh muốn giữ kín, muốn che dấu đi cái lỗi lầm vụng dại của chính mình, nhưng nó cứ râm ran, nhoi nhói mỗi khi nghĩ đến Ôn Già Lam. Vốn là thế này:
Khoảng năm 1972 hay 1973 gì đó, tôi phụ trách việc hô canh khuya, thay thầy Đồng Tiến đi làm Hiệu trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Phú Yên. Một hôm, sau khi xả chuông thiền tọa, tôi vừa bước ra khỏi cửa chánh điện chùa Già Lam thì thấy Ôn ngồi trên thềm tam cấp. Tôi chắp tay định vái chào thì Ôn vẫy vẫy tay ra hiệu tôi ngồi xuống bên cạnh. Tôi làm theo tín hiệu và hỏi nhỏ:
- Bạch Ôn có chuyện gì mà Ôn đợi con sớm quá vậy?
- Ngồi đây nghe ta hô canh. Lúc ở Báo Quốc, mỗi khi ta hô canh khuya thì ai cũng phải thức dậy ngồi niệm Phật, kể cả Ôn Trúc Lâm hay Ôn Linh Mụ, nằm ngủ nướng không được mô! Rồi Ôn cất giọng hô:
“Ngũ canh dĩ đáo pháp môn khai
Phổ nguyện đồng đăng bát nhã đài
Liễu triệt tam thừa dung nhị đế
Cao huyền huệ nhật tịnh vân mai.”
Giọng Ôn hô canh thật là độc đáo: chậm rãi, trầm hùng, uyển chuyển, truyền cảm, nói chung là đầy ắp hương vị thiền môn. Tôi đã âm thầm nhại theo âm điệu luyến láy của Ôn bài hô canh này, đặc biệt là câu “Liễu triệt tam thừa dung nhị đế”. Hai từ “nhị đế” được Ôn đưa hơi lên cao theo dạng tột đỉnh Parabole bên này rồi chuyển tông qua “Cao huyền huệ nhật tịnh vân mai” xuống đường Parabole bên kia cho đến khi âm vọng lan xa, xa mãi theo nhịp chuông đổ hồi. Ôn biết tôi thích bắt chước theo tiết tấu của Ôn nhưng chưa đạt nên Ôn thương mến, muốn truyền lại cái âm hưởng đặc thù ấy cho tôi. Vậy mà trong thâm tâm tôi quả thật còn có chỗ vướng mắc, nên khó thẩm thấu và diễn đạt ngữ điệu một cách trọn vẹn. Ôn thấy ngay cái vô duyên vụng dại của tôi, nói trắng ra là cái tập khí u mê, ngu si dại dột của một thằng “mọi” chưa biết quý trọng kim cương hột xoàng. Ôn vỗ vai tôi, nói: “Thôi được rồi! Hôm sau tập tiếp”, rồi Ôn đứng lên về căn phòng bé nhỏ bên hông chánh điện. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần nghĩ đến Ôn Già Lam thì lòng tôi lại dâng lên một niềm xấu hổ, tự trách mình không xứng đáng với những ân huệ mà Ôn đã dành cho mình. Nhất là khi Thầy Trí Hoằng bảo lãnh tôi đi tham quan Hoa Kỳ, nghe nói họ đòi biên lai thu thuế bất động sản của chùa, trong khi Thầy Trí Hoằng không còn ở chùa Hải Ấn, bang Connecticut nữa! Trong lúc tôi đang phân vân, buồn buồn, thì Thầy Trí Hoằng gởi Email, khích lệ: “Cứ nạp hồ sơ! Tịnh Minh đi đâu cũng có Ôn Già Lam nắm tay chỉ đường mà sợ gì!” Và đúng như vậy, khi phỏng vấn, họ chỉ hỏi tôi vài câu đại khái rồi chấp thuận hồ sơ ngay. Nhắc lại lời thầy Trí Hoằng, hai mắt tôi lại cay xè, nhòe nhoẹt, không thấy rõ nét chữ trên màn hình Computer.
Kính lạy giác linh Ôn, ước gì bây giờ được Ôn dạy hô canh trong một không gian tĩnh mịch như năm xưa, thì con sẽ ôm đầu gối Ôn, áp má lên đó mà nghe, mà luyện từng âm ba luyến láy. Tiếc thay: “Thời gian không chờ đợi ai” (Time waits for no one).
Nhân ngày về cội, và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ôn (1909-2009), xin Ôn tha thứ cho con về cái tôi vụng dại đó để tâm tư con được nhẹ nhàng thanh thản như áng mây bay, không còn bị vướng kẹt trong vòng tư duy áy náy nữa. Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cuối Đông Mậu Tý, 2008