Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng niệm Ni Trưởng Tâm Đăng

10/04/201311:10(Xem: 6331)
Tưởng niệm Ni Trưởng Tâm Đăng

nitruongtamdang-2

Tiểu Sử
Ni Trưởng Thích Nữ Tâm Đăng

Ni Trưởng Thích Nữ Hạnh Viên Tọa Chủ Chùa Linh Sơn, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ni Trưởng, thế danh BÙI THỊ HẢI, húy thượng TÂM hạ ĐĂNG.

Tự HẠNH VIÊN, hiệu CHƠN NHƯ, đời thứ 43 dòng Lâm Tế.

Sanh ngày 25 tháng chạp năm Ất Mão (1915) tại Thành nội Huế, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình nhiều đời tin Phật.

Thân phụ là ông Đốc Học BÙI CHƯƠNG, Pháp danh: HỒNG HUY.

Thân mẫu là cụ bà TRẦN THỊ LAN – Pháp danh: TÂM ĐỨC.

Ni Trưởng là con cả trong gia đình có 8 chị em, 5 gái, 3 trai.

Năm 18 tuổi (1933 – Quí Dậu) xuất gia, thọ giới Sa-Di-Ni với Ngài thượng TRỪNG hạ PHƯỚC, hiệu HUYỀN Ý tọa chủ chùa Liên Tôn Bình Định.

Năm 24 tuổi (1939 – Kỷ Mão) thọ Cụ Túc Giới tại Đại Giới Đàn chùa Bình Quang, Phan Thiết do Hòa Thượng TÔN THĂNG PHỔ THIÊN làm đàn đầu.

Năm 25 tuổi (1940 – Canh Thìn) được Bổn Sư cho phép vào học Phật Pháp tại chùa Hội Sơn Thủ Đức Sài Gòn.

Mùa An Cư năm 1942 (Nhăm Ngọ) tùng hạ tại chùa Phổ Đà - Đà Nẵng và được thọ giáo với Hòa Thượng TÔN THẮNG. Sau mùa An Cư, Ni Trưởng được Hòa Thượng TÔN THẮNG gởi ra học tại Ni Trường Diệu Đức Huế. Trong thời gian tu học tại đây, Ni Trưởng đã phát nguyện chặt ngón tay út (tay phải) cúng dường cầu nguyện quốc thái dân an, và nhân dân thoát khỏi thiên tai bão lụt.

Từ năm 1943 – 1947, vân du tham học tại các Tổ Đình danh tiếng từ miền Trung đến miền Nam tới tận miền Tây Sa Đéc, nơi nào cũng đựoc các danh Tăng truyền thọ những cốt lõi thâm sâu của Kinh Luật Luận…

Năm 33 tuổi (1948 – Mậu Tý) mới dừng bước vân du và nhận Trú trì chùa Linh Sơn (Chutt) Vĩnh Nguyên Nha Trang Khánh Hòa, bắt đầu thực hiện tâm nguyện: Kiến Lập Đạo Tràng Hoằng Dương Chánh Pháp.

Năm 36 tuổi (1951 – Tân Mão) tiếp nhập và Đại Trùng tu chùa Minh Hương tại Diên Toàn – Diên Khánh và đổi tên chùa là Minh Phước, trạch cử Đệ tử thứ hai là Ni Sư Thích Nữ Thông Ấn Trú trì để chăm lo phật sự tại đây. Hiện nay Ni Sư Thông Thuận và Ni Sư Thông Định kế thừa.

Năm 39 tuổi (1954 – Giáp Ngọ) Trùng tu chùa Linh Sơn (Chutt) Vĩnh Nguyên lần thứ nhất.

Năm 47 tuổi (1962 – Nhăm Dần) kiến lập Tịnh Thất Linh Sơn tại đồi núi Cầu Đá để hàng năm nhập thất Kiết Đông. Cũng vào năm 1962 Ni Trưởng được bầu làm Chánh Thư ký ban Kiến thiết sáng lập Ni Viện Diệu Quang.

Năm 48 tuổi (1963 – Quí Mão) tích cực tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Ni Trưởng đã phát nguyện thiêu thân nhưng Mẹ già và Huynh đệ không đồng ý. Do đó Ni Trưởng phát nguyện chặt tiếp ngón tay áp út cúng dường cầu nguyện.

Năm 49 tuổi (1964 – Giáp Thìn) do việc phát nguyện thiêu thân vào Pháp nạn 1963 không toại, Ni Trưởng lại phát nguyện chích lưỡi lấy máu để tả “ Tâm Kinh Bát Nhã và Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa”tại chùa Hoa Nghiêm Sài Gòn.

Cũng vào năm (1964 – Giáp Thìn) Ni Trưởng kiến lập chùa Tịnh Đức tại đồi Trại Thủy – Mã Vòng – Nha Trang làm nơi cư trú cho Ni chúng đang theo học Văn hóa tại các trường Trung Học Bồ Đề, Nữ Trung Học Nha Trang v.v… Và trạch cử Trưởng tử là Ni Sư Thích Nữ Thông Huyền (Thông Thoại) làm Trú trì.

Năm 51 tuổi (1966 – Bính Ngọ) nhận chức Ủy Viên Ni Bộ Bắc Tông Vụ, kiêm Trưởng ban Ni Bộ Bắc Tông GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa .

Năm 53 tuổi (1968 – Mậu Thân) Đại Trùng tu Bảo Điện chùa Linh Sơn và xây dựng Trường Trung, Tiểu học Bồ Đề Linh Sơn, đồng thời mở Cô, Ký nhi viện tại chùa Linh Sơn.

Cũng vào năm (1968 – Mậu Thân) Ni Trưởng làm Đệ Nhị Tôn Chứng Ni tại Đại Giới Đàn Phước Huệ chùa Hải Đức, Ni đặt tại Ni Viện Diệu Quang Nha Trang.

Mùa hè đỏ lửa năm Nhăm Tý – 1972 trứoc cảnh chiến tranh tàn khốc tại Cổ Thành Quảng Trị, Ni Trưởng quá đau lòng nhưng chẳng biết làm sao nên phát nguyện chặt ngón tay út của bàn tay trái cúng dường cầu nguyện đất nước thái bình, nhân dân an lạc.

Năm 58 tuổi (19-2-Quí Sửu – 1973) Ni Trưởng được thỉnh làm giáo thọ A-Xà-Lê truyền giới Sa-Di-Ni tại Tiểu Giới Đàn chùa Linh Phong Đà Lạt.

Cũng vào năm 1973 (19-9-Quí Sửu) Ni Trưởng làm phó ban Kiến Đàn tại Đại Giới Đàn Phước Huệ – Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Ni đặt tại chùa Linh Sơn (Chutt), đồng thời là Đệ Nhất Tôn Chứng Ni tại Đại Giới Đàn này.

Kể từ năm 78 tuổi – 86 tuổi (1993-2001) Ni Trưởng luôn được thỉnh mời làm Phó ban Kiến đàn và là Hòa Thượng Đàn Đầu Ni tại Đại Giới Đàn Trí Thủ I – Trí Thủ II – Trí Thủ III tổ chức tại chùa Long Sơn Nha Trang, Ni đặt tại Ni Viện Diệu Quang.

Ngoài ra, trong suốt quá trình hành đạo Ni Trưởng đã mở nhiều Tiểu Giới Đàn và làm Đàn Đầu Hòa Thượng truyền thọ giới Thức-Xoa-Ma-Na và Sa-Di-Ni các Chùa trong và ngoài tỉnh.

Song song với việc phục vụ Phật sự chung trong Giáo Hội và khiến lập, mở mang, tu bổ Đạo tràng, từ khi hành đạo đến nay Ni Trưởng đã liên tục thu nhận và đào tạo bao thế hệ Ni sinh, nhiều vị đã thành tài đang phục vụ trong các cơ sở Giáo Hội, chăm lo Phật Sự tại khắp moi Miền đất nước.

Trong những tháng ngày gần đây, mặc dầu đã trải qua những cơn bệnh của tuổi già nhưng tinh thần luôn sáng suốt, minh mẫn. Ngài thường nhắc nhở hành hậu tấn phải luôn ghi nhớ bài Kệ của chư Phật đã dạy để làm Kim chỉ nam trên con đường tiến đến quả vị Giải thoát:



NHẪN NHỤC ĐỆ NHẤT ĐẠO
PHẬT THUYẾT VÔ VI TỐI
XUẤT GIA NÃO THA NHƠN
BẤT DANH VI SA MÔN.

Như trái cây đã chín mùi, như đi cuộc hành trình đã đến đích. Ni trưởng an nhiên thị tich vào lúc 15 giờ 30 phút, ngày mồng 05 tháng 10 năm Ất Dậu (06/11/2005), tại chùa Linh Sơn, thành phố Nha trang. Trụ thế 91 tuổi. Hạ lạp 66 năm.

NAM MÔ TÂN VIÊN TỊCH TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ LIÊN TÔN PHÁP PHÁI KHAI KIẾN LINH SƠN TỰ TRÚ TRÌ HÚY thượng TÂM hạ ĐĂNG Tự HẠNH VIÊN Hiệu CHƠN NHƯ ÂN SƯ GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

---o0o---

nitruongtamdang-2

Ý NGHĨA VIỆC LÀM CỦA
BỔN SƯ THƯỢNG TÂM HẠ ĐĂNG

N

ếu như Cố Ni Trưởng Thể Quán giáo hoá chúng sanh bằng những mẫu chuyện “tình đời ý đạo”, những dịch phẩm”Kinh Pháp Hoa”, Cố Sư Trưởng Như Thanh vận dụng những vần thơ trí huệ, những tác phẩm trước tác, những dịch phẩm “Kinh, Luật”…; thì Thầy lại sử dụng ngay thân liễu yếu của mình để làm Phật sự và giáo hoá chúng sanh. Nếu như Bậc Thầy, Pháp Tỉ đem ánh sáng trí huệ chiếu soi nhân gian; thì Thầy lại gieo hạt giống từ bi vào lòng người.Thầy hay bảo:”Người nhỏ làm việc nhỏ tuỳ theo sức của mình”.

Thật vậy, nếu ai đã từng đến Chùa Linh Sơn nương bóng từ bi của Thầy tu học, thì họ đều cảm nhận tình thương Thầy dành cho mọi người không thiên lệch. Thầy sống bằng tinh thần lục hoà đúng mức, không phân biệt đệ tử quy y hay đệ tử y chỉ. Bất kỳ người xuất gia nào đã vào chùa,là tăng chúng thì phải sống bằng giới luật phạm hạnh, không thể sống theo mô hình gia đình thế gian, đệ tử quy y là con ruột, y chỉ là con nuôi, càng không thể kết bè kéo cánh gây chia rẽ, làm mất sự đoàn kết Tăng đoàn, đó là lý do Thầy chọn chữ “Thông”. Không phải Thông một đời mà Thông cả ba đời ( quá khứ, hiện tại, và tương lai). Thầy muốn rừng Thông ngút ngàn reo khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng.

Nếu như “Minh” là ánh sáng trí huệ, thì “Thông” chính là lòng từ bi. Cũng như ánh sáng mặt tròi đem lại sự sống cho trái đất,nhưng trong đó có cả tia cực tím gây bệnh cho con người ;thì rừng Thông có công cứu con người, bằng cách kết oxy lại với nhau, tạo thành tầng ozon, ngăn chặn tia cực tím, bảo vệ con người. Như vậy, Thông và Minh không thể tách rời nhau.Cũng như Trí huệ và Từ Bi luôn hoà quyện trong hạnh nguyện người xuất gia, như nước hoà với sửa, như hai cánh con chim không thể thiếu một. Nếu hành giả chỉ có lòng từ bi mà không có trí huệ, thì lòng từ bi đó sẽ trở thành tình thương mù quáng. Nếu hành giả chỉ có trí huệ mà không có lòng từ bi, thì dễ dàng trở thành kẻ độc đoán chuyên quyền.

Chữ “Thông” hiểu theo nghĩatừ bi trí huệ, thì không chỉ dành riêng cho môn đồ pháp quyến, càng không thể hạn hẹp trong ba đời, theo nghĩathế gian là đòi Thầy, đời Trò, và đời cháu. Mạng mạch của Phật Pháp tồn tại vĩnh viễn trong thời gian vô cùng và không gian vô tận, thì rừng Thông này cũng tồn tại miên viễn như vậy. Bất kỳ hành giả nào không có khả năng dùng kim khẩu mình giáo hoá chúng sanh, mà sử dụng lòng từ bi và trí bình đẳng đem an lạc lại cho đời thì đó cũng là Thông rồi, dù họ có mang họ”Minh, Trí, hay như”…; nhưng nếu hành giả mang họ Thông mà còn đầy đủ chấp ngã và ngã sở hữu, thì đó cũng chỉ là “Thông” trên danh nghĩa mà thôi .

Suốt cả đời mình, Thầy không đầu tư riêng cho những người mang họ “Thông” trở thành nhân tài xuất sắc để đối lại những dòng họ khác. Bỡi Thầy biết rất rõ:”Một người xuất gia mà còn chấp có họ “Thông, Minh, hay Trí…”, hoá ra xuất gia là xa lìa một dòng họ nhỏ, để tìm một dòng họ lớn hơn”.Do vậy,bất luận là ai có khả năng đổ vào các trường Cao Cấp Phật học ở TP.HCM, huế, Hà Nội, hay du học Aán Độ, đến đảnh lễ mình, Thầy đều cho lộ phí như nhau kia mà ! Thầy càng hiểu rõ hơn:” đặt hy vọng vào một người đệ tử nào đó,nếu họ làm được theo ý mình thì mình vui, làm không đúng theo nguyện vọng mình thì mình buồn”. Một hành giả bị chi phối bỡi sự vui, buồn, được, mất, thì vị ấy đang còn ở trong vòng đối đãi, chưa đạt được mục đích giải thoát mà người xuất gia vươn tới.

Pháp nạn Việt Nam 1963-1964, Thầy đã lấy máu mình viết:” Bát nhã tâm kinh, Phổ môn kinh”. Ý nghĩa việc làm này, Thầy muốn gióng tiếng chuông thức tĩnh chế độ độc tài biết rằng:” Sự nghiệp của người xuất gia là trí huệ. Trí huệ không dành riêng cho Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trung Quốc, hay Phật giáo Aán Độ mà là sự nghiệp chung của toàn thể Phật giáo trên thế giới. Nơi đâu có phật pháp, nơi đó có trí huệ”. Một dòng họ cỏn con như dòng họ Ngô làm sao diệt được Phật Pháp chứ ! Chẳng qua các người bị lòng tham làm mù quáng, không liệu được sức mình, dùng” Trứng chọi đá” mà thôi. Kinh Phổ Môn nói về tiếng lòng , niềm tin người Phật tử, đặc biệt là niềm tin của các bà già trầu .Nếu tầng lớp tri thức làm cho Phật Pháp đạt đến đỉnh cao của sự hưng thịnh, thì chính niềm tin của các Bà Già Trầu này lại duy trì làm cho mạng mạch Phật Pháp tồn tại mãi mãi . Do vậy, việc làm của dòng họ Ngô không sớm thì chày cũng đi đến thất bại”.

Con xuất gia đầu thập niên 80. Đêm nào cũng vậy, sau thời tịnh độ, con đều nghe Thầy phục nguyện thật to cầu cho các ngài Huyền Quang, Quãng Độ, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, và Ni Sư Trí Hải được phóng thích. Thời gian đó, nước ta ở giai đoạn giao thời, chiến tranh vùng biên giới, và nạn di dân ồ ạt của người Việt Nam.Chính sách nhà nước lại chưa được thông thoáng như bây giò.Vậy mà, Thầy cứ gào thật to:”Tôi là người Việt Nam, rất yêu đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam;sẵn sàng chặt bỏ đi những ngón tay mình, để kêu gọi đồng bào Việt Nam:” Hãy vì Tổ Quốc sẵn sàng hy sinh bản thân mình , con cái mình, của cải mình, phục vụ chiến tranh đem lại hoà bình cho dân tộc”. Vì nước có an thì nhà mới ổn. Đồng thời , Tôi cũng là một thành viên trong Tăng đoàn. Thấy các Bậc Thầy, Pháp hữu mình bị lâm nạn, Tôi không thể làm ngơ”. Thầy càng kêu to lên:” Hãy thả các Bậc trí huệ của Phật giáo ra, Tôi đoan chắc rằng các Ngài không thể đem trí huệ mình làm việc có hại cho Tăng đoàn, càng không thể làm việc có hại cho Quốc gia Dân tộc được”.Thầy cứ biểu lộ lòng kính mến của mình, đối với các danh Tăng, bằng cách vận động Phật tử quanh vùng , thăm nuôi các Ngài. Việc Thầy làm không ít người cho là liều lĩnh, thiếu trí huệ. Nhưng theo con, Thầy nắm rất rõ quy luật nhà nước:”Nếu trong gia đình nào đó có người thân phạm pháp bị án tử hình, thì các nhà chức trách vẫn cho thân nhân thăm nuôi kia mà ! Huống hồ ở đây, các nhà trí huệ Phật giáo chưa làm gì có hại cho Quốc gia, Dân tộc, không có lý do gì thân nhân không được quyền thăm nuôi”.

Việc Thầy làm rõ ràng đầy đủ bi, trí,và dũng đấy chứ ! Sao gọi đem sinh mạng mình ra đùa bởn được ? Bỡi vì, Thầy biết rất rõ:” Mạng sống này tuy giả huyển, do duyên sinh hợp thành, thể của nó là không; nhưng không có chiếc bè này,làm sao vượt qua biển khổ, đến bờ giác được chứ ? Thật ra Bồ Đề, Niết Bàn, hay Phật Tánh đâu có thể tìm ngoài pháp tướng. Cõi tịnh độ đâu thể tìm ngoài nhân gian, bằng chứng Đức Bổn Sư Thích Ca đạt được quả vị niết bàn ngay trên cuộc đời này. Thiền Sư Trung Hoa nói:” Hằng đêm ôm Phật ngủ, mỗi sáng cùng thức dậy”. Bỡi vì thế giới này Phàm Thánh đồng cư mà. Nếu như Phật giáo Trung Hoa có các Ngài ăn, ngủ, làm việc, nói chuyện với Phật như Lục Tổ, Huyền Giác, cư sĩ họ Bàng…;thì Phật giáo Việt Nam cũng có các Ngài như Sơ Tổ Trúc Lâm, Mãn Giác, cư sĩ Tuệ Trung Thượng Sĩ vân vân và vân vân

.Dĩ nhiên, không thể so sánh Thầy với các Bậc Tiền Bối được,song từ lúc quy y với Thầy đến nay, theo quan điểm con,Thầy quả là một chiến Sĩ đấu tranh không mệt mỏi trong vấn đề xả ngã và ngã sở hữu. Thật tuyệt vời ! giây phút cuối cùng, Thầy đã xả ngã một cách trọn vẹn nhất.Thầy đã chuẩn bị cho sự ra đi thật chu đáo, cám ơn và sám hối các em đã chăm sóc mình trong những năm gần đây, dặn dò đắp hai y vào người xong,Thầy an nhiên thị tịch vào lúc 5:30 ngày 05 tháng 10 năm Ất Dậu .

Linh Sơn Ni Tự
Đệ Tử
TKN, Thích Nữ Thông Nhàn

KHÔNG BAO GIỜ
BIỂU LỘ TÌNH THƯƠNG CHO ĐỆ TỬ BIẾT

Nhờ nuôi bệnh Sư Thông Giải, con mới có cơ hội diện kiến Thầy. Vừa trông thấy Thầy, con đã phát tâm nhưng cơ duyên chưa đến. Năm sau con vào chùa Tịnh Đức xin xuất gia, vì Sư Thông Giải đang dưỡng bệnh ở đó. Trong thời gian ở chùa Tịnh Đức, con nhận thấy Ni Sư Viện chủ chùa Tịnh Đức tính tình vui vẻ, lời nói dịu dàng rất dễ thân cận. Đồng thời, con cũng nghe danh Thầy rất nghiêm khắc nhưng cũng rất bình đẳng. Hai từ bình đẳng này thúc đẩy con chọn Thầy, để đón nhận phương châm của Thầy là không bao giờ biểu lộ tình thương cho đệ tử biết.

Ngay đêm đầu tiên xuất gia, Thầy đã tiếp con bằng một cuộc phỏng vấn hết sức căng thẳng. Thầy hỏi: “Lý do vì sao con xuất gia?”. Thấy con do dự, Thầy tiếp: “Lý do phù hợp cho xuất gia, bằng không trả về gia đình”. Vận dụng giáo lý học được, con thưa; “Vì đời vô thường”. Thầy nghiêm giọng bảo: “Trước đây, vùng này chỉ có một cái Am tranh nằm giữa bãi cát hoang, bây giờ là một ngôi chùa đồ sộ. Đường xá ngày xưa là đường đất, xe kéo, bây giờ là đường nhựa, xe hơi, máy bay Vô thường chỗ nào? Nói mau!”. Trong sách dạy cho hàng sơ cơ, chỉ nói mặt biến hoại của vô thường, còn về mặt tích cực không thấy nói đến. Do đó, con không trả lời được. Thấy con im lặng hơi lâu, Thầy gằn giọng nói tiếp: “Nói không được xách gói về ngay đêm nay”. Vạn bất đắc dĩ con đành thưa thật: “Con sợ nhất việc sinh con của phụ nữ”.

Lý do của con hết sức tầm thường, con định để bụng chết mang theo. Không ngờ vừa nghe xong Thầy vui vẻ hẳn lên và chấp nhận liền. Con thở phào nhẹ nhỏm như vừa trút được gánh nặng vạn cân. Song con vẫn thắc mắc lý do chẳng cao cả tí nào sao Thầy lại vui như vậy nhỉ? Nhưng bây giờ con hiểu và thật sự hiểu Thầy ơi! Tuy con chỉ mới thấy được “một trong bốn khổ” mà Đức Bổn Sư Thích Ca Từ Phụ thấy trước lúc xuất gia, nhưng điều làm cho Thầy trân trọng là bản thân con tận mắt nhìn thấy cái khổ của cuộc đời, đặc biệt là nỗi khổ của người phụ nữ. Và chỉ có thế là lập nguyện mới kiên cường được.

Thỉnh thoảng, cửa sổ phòng Thầy xuất hiện những quyển sách nói về nỗi khổ của phụ nữ lập gia đình. Hồi đó, con và điệu Tường đều mê sách, nhưng điệu Tường mới 11 tuổi, nên khi mất sách, Thầy liền đi tìm. Đến hành lang chùa, thấy con đang đọc, Thầy chẳng la rầy mà còn bảo “Ừ, đọc được đấy”.

Thầy nghiêm từ Giới-luật, không cho chúng xem tivi, nhưng Chư Pháp tỉ lén xem vào những tối thứ bảy; Thầy biết nhưng Thầy không hề bắt. Hễ tối thứ bảy nào, vắng bóng con học bài ở phòng khách, Thầy ra ngay chỗ xem tivi để tìm. Con thường đứng vòng ngoài lại nhanh chân nên Thầy chẳng bắt được, song điệu Tường nhỏ thấp lúc nào cũng đứng vòng trong nên bị Thầy bắt quả tang. Thầy hỏi cung một hồi, điệu Tường khai hết, nhưng chỉ có mình con bị quỳ hương. Cũng may lúc đó, con mê giải toán hơn xem tivi. Do vậy, Chư Pháp tỉ tha hồ xem, đôi khi còn cười lớn nữa chứ, song Thầy cứ phớt lờ như chẳng nghe thấy gì cả. Chư Pháp tỉ lại gắn cho con biệt danh “cụ bà tám mươi”.

Con chuyên môn quên khóa cổng trước giờ hô canh, Thầy đã cảnh cáo hai lần. Đêm thứ ba con lại tái phạm. Hết chịu nổi, Thầy phạt con quỳ ngay cổng, nhưng chỉ 5 phút thôi, Pháp tỉ tri sự ra bảo nhỏ với con: “Hãy vào sám hối Thầy đi”. Sáng hôm sau, con mới vỡ lẽ vì con mà tối hôm đó tỉ tri sự bị Thầy la: Em còn nhỏ “ăn chưa no lo chưa tới, làm chị phải nhắc nhở chứ. Thấy em bị Thầy phạt, quỳ dưới cát trong đêm muỗi cắn, đành tâm ngủ được sao”.

Duy nhất một lần, con bị Thầy cú lên đầu 2 cái. Tay Thầy rất mảnh mai, vậy mà đầu con mềm đến 3 ngày vẫn còn đau. Lúc mới xuất gia, tay chân lóng ngóng thế nào, hễ đụng chén thì chén bể, đụng tách thì tách sứt quai. Lần đó, con làm bể nắp phích lọc nước sản xuất tại Nhật. Nước ta ở giai đoạn bao cấp và chiến tranh vùng biên giới làm gì có hàng ngoại. Cũng may, nắp chỉ vỡ làm 3 mảnh có thể dùng keo dán xài tạm. Lần đó Thầy đày con lên chùa Minh Đức làm khổ sai. Tuy nói khổ sai, nhưng Pháp tỉ Viện chủ chùa Minh Đức và các pháp hữu chẳng cho con làm việc nặng như nấu cơm, làm vườn, tưới nước… công việc con làm mỗi ngày là 3 thời tụng niệm (khuya, ngọ, cúng thí). Suốt cả tháng trời chẳng thấy bóng Thầy ghé thăm chùa. Con nghĩ chắc chuyến này Thầy từ luôn rồi. Nào ngờ, đến cuối tháng Pháp tỉ gọi con vào phòng dạy: “Sư thấy chú có tiến bộ, không gây lỗi lầm gì, mai chú về chùa sám hối Thầy và tinh tấn tu học nhé”.

Thật ra, không phải Thầy không biểu lộ thương nhưng do con không nhận ra đấy thôi. Con vừa hầu Thầy vừa đi học, giờ Thầy dùng điểm tâm chính là giờ con vào lớp. Do vậy, con phải dọn cơm cho Thầy sớm hơn nữa tiếng. Thầy ở tuổi thất thập cổ lai hy vậy mà sáng nào cũng xơi cơm canh nguội lạnh, nước và đồ tráng miệng Thầy tự phục vụ lấy. Buổi trưa tan học về, con nấu qua loa vội vàng, nhưng Thầy vẫn dùng hết, chẳng nghe Thầy than phiền ngon dỡ gì cả.

Lần đó trường cho nghỉ hai giờ cuối, con không về chùa mà vào tiệm sách cũ đọc hết quyển này sang quyển khác, khi chợt nhớ ra thì muộn một giờ, con chạy bay về chùa, thấy phòng Thầy tối om, con nghĩ may quá Thầy không có ở nhà. Thật hú vía! Cất xe đạp xong, con ung dung đi ngang qua phòng Thầy. Từ trong bóng tối vang lên hai tiếng khô khốc “đứng lại” khiến tim con đập thình thịch như sắp rơi ra ngoài, đèn phòng Thầy sáng choang lên, Thầy từ từ bước ra, giọng Thầy nghiêm khắc đến lạnh lùng “bây giờ mấy giờ rồi?”, con thưa: “dạ con không có đồng hồ”. Thầy bảo Thầy đã chờ hơn một tiếng rồi. Đi đâu? Làm gì? Con thưa thật: “con vào tiệm sách, sách hay quá con đọc quên cả giờ giấc”. Thầy vẫn lạnh lùng hỏi: “đọc tiểu thuyết phải không?”. Con thưa: “con tìm những quyển sách toán nâng cao”. Thầy không tin và Thầy lục cặp, không thấy gì Thầy mới cho đi ăn tối.

Thức khuya học bài, khi buồn ngủ quá, con nằm xuống ghế thiếp đi khoảng 5 phút, thì nghe bước chân Thày nhè nhẹ đi ra. Thấy con ngủ, Thầy chẳng đánh thức mà vặn nhỏ tim đèn xuống và nói “ngủ rồi”; song, Thầy lại về phòng.

Mỗi người chỉ thị giả Thầy một năm. Riêng con hầu Thầy đến 3 năm, song việc xoa bóp cho Thầy cộng lại chưa đến 1 ngày. Thầy biết con bài vở nhiều, khi nào chùa không có người, Thầy mới gọi con xoa bóp. Song cũng chỉ 5 phút thôi Thầy đã cho nghỉ rồi.

Năm con đậu vào Cao cấp Phật học, Thầy vui nhiều hơn con tưởng. Thầy dẫn con đi đảnh lễ hết Hòa thượng Ban Trị sự Tỉnh, rồi đến Quý Ni Trưởng. Nhớ bóng dáng Thầy hồi đó, thân thiệt tròn hai chân nhỏ xíu, Thầy leo lên cốc Ôn Thiện Bình thật vật vả. Gặp ai Thầy cũng khoe làm con xấu hổ muốn chết.

Tình thương Thầy dành cho con không phải là những viên kẹo, những cái bánh như Thầy dành cho điệu Tường; mà là những cái cú, những lần quỳ hương, và những câu hỏi lạnh lùng như băng giá; Song, đằng sau đó là những sự quan tâm lo lắng sâu sắc đến ngọt ngào.

Sau mỗi lần phạm lỗi rồi lên sám hối Thầy, Thầy dạy: “Vì chuyện của con cả đêm Thầy không chợp mắt được”. Rồi Thầy nói tiếp: “Khi nào làm Thầy con sẽ hiểu Thầy”. Thầy ơi! Tuy bây giờ con chưa có đệ tử, nhưng may mắn cho con có dịp cọ xát thực tế. Trong thời gian dạy các điêu học và tìm hiểu tâm lý các em, con mới hiểu hết giá trị lời Thầy dạy. Quả thật làm Thầy đúng nghĩa chẳng dễ chút nào. Thật diễm phúc cho con, suốt cả thập niên con nương đức từ bi của Thầy để tu học dưới mái chùa Linh Sơn này, đó là thời gian Thầy rât khỏe và hầu như chẳng có bệnh hoạn gì. Càng may mắn hơn, suốt 3 năm hành điệu, Thầy chỉ nhận có 2 đệ tử, con và điệu Tường. Do vậy, mỗi bước bước chân, mỗi hành động con làm, mỗi lời nói của con đều được Thầy theo dõi và quan sát thật tỉ mỉ.

Thầy ơi! Khi Thầy cần con về, thì năng lực con chưa đủ. Khi con về, bệnh Thầy đã nặng rồi. Hai bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể con người đó là đôi mắt và đôi chân Thầy bị đau cả hai. Nên nguyện vọng Thầy dành cho con, con vẫn chưa thực hiện được vì thiếu sự giúp đỡ của Thầy. Con tuy buồn nhưng không khổ, vì con biết rằng: “Mọi việc đều do nhân-duyên cả mà”. Nếu nhân duyên đến, con nguyện đem hết sức mình phục vụ mới ngỏ hầu đền đáp công ơn Thầy trong muôn một. Song, con lại tự hỏi mình: “Phải chăng Thầy ra đi lúc này để con tự thử sức mình khi không có Thầy bên cạnh? Phải chăng Thầy muốn con tự đi bằng chính đôi chân mình?” Con biết như vậy sẽ khó khăn rất nhiều. Nhưng Thầy ơi! Con nguyện sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ hoài bão đã Thầy dành cho con.

Linh Sơn Ni Tự

Đệ tử

TKN Thích Nữ Thông Nhàn.

---o0o---

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

CÁO BẠCH

Ni Bộ tỉnh Khánh Hòa cùng Môn Đồ Pháp Quyến vô cùng kính tiếc báo tin :

- Ni Trưởng THÍCH NỮ HẠNH VIÊN – Trưởng ban Ni Bộ tỉnh Khánh Hòa – Viện Chủ chùa Linh Sơn đã an nhiên viên tịch vào lúc 17h15 ngày 06/11/2005 (05/10/ Ất Dậu)

Trụ thế 91 tuổi, Hạ lạp 66 năm

Lễ Nhập Quan chính thức cử hành vào lúc : 15h30 ngày 07/11/2005 (06/10/Ất Dậu)

Lễ Di Quan Nhập Bảo Tháp chính thức cử hành vào lúc : 06h30 ngày 12/11/2005 (11/10/Ất Dậu)

Nay Ni Bộ và Môn Đồ Pháp Quyến chúng con xin thành kính cáo bạch đến chư Tôn Đức Tăng Ni và quí nam nữ Phật Tử xa gần được biết.

NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ TÂN VIÊN TỊCH TỰ LÂM TẾ CHÁNH TƠNG TỨ THẬP TAM THẾ KHAI KIẾN LINH SƠN TỰ TRÚ TRÌ HÚY thượngTÂM hạ ĐĂNG Tự HẠNH VIÊN Hiệu CHƠN NHƯ
NI TRƯỞNG GIÁC LINH

TM.Ban Tổ Chức Tang Lễ
Trưởng Ban
Ni Trưởng Thích Nữ Viên Minh

Thay mặt Ni Bộ và Môn Đồ Pháp Quyến
Ni Trưởng Thích Nữ Viên Minh
Ni Sư Thích Nữ Thông Huyền

---o0o---


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
CỐ NI TRƯỞNG THÍCH NỮ HẠNH VIÊN

Lãnh đạo Ni Bộ tỉnh Khánh Hòa – Viện Chủ Chùa Sư Nữ Linh Sơn
Viên tịch lúc 17h30 ngày 06-11-2005 (05-10-Ất Dậu)

---o0o---

( Ngày 07-11-2005 (06-10-Ất Dậu)

14g00: Cung an Chức sự

15g00: - Thỉnh nhục thân nhập Kim Quan

- Thiết Linh sàng – Phát tang

( Ngày 08-11-2005 (07-10-Ất Dậu)

06g00: Tiến trà

07g00: Lễ viếng

10g00: Cúng ngọ – Tiến Giác Linh

13g00: Lễ viếng

16g30: Tiến chúc

17g00: Lễ viếng

21g00: Luân phiên tụng niệm

( Ngày 09-11-2005 (08-10-Ất Dậu)

06g00: Tiến trà

07g00: Lễ viếng

10g00: Cúng ngọ – Tiến Giác Linh

13g00: Lễ viếng

16g30: Tiến chúc

17g00: Lễ viếng

21g00: Luân phiên tụng niệm

( Ngày 10-11-2005 (09-10-Ất Dậu)

06g00: Tiến trà

07g00: Lễ viếng

10g00: Cúng ngọ – Tiến Giác Linh

13g00: Lễ viếng

16g30: Tiến chúc

17g00: Lễ viếng

21g00: Luân phiên tụng niệm

( Ngày 11-11-2005 (10-10-Ất Dậu)

06g00: Tiến trà

07g00: Lễ viếng

10g00: Cúng ngọ – Tiến Giác Linh

13g00: Lễ viếng

17g30: Thỉnh Giác Linh – Lễ Phật – Yết Tổ

21g00: Luân phiên tụng niệm

( Ngày 12-11-2005 (11-10-Ất Dậu)

06g30: Lễ Khiển Điện

06g45: Lễ Tưởng Niệm (chương trình riêng)

08g00: - Phất trần – Thỉnh Kim quan nhập Phù đồ

-Quải Chân dung.




chua linh son vinhnguyen nha trang

Liên lạc phân ưu:

Chùa Sư Nữ Linh Sơn
75 Trần Phú, VĩnhNguyên
TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa
Điện thoại: 84.58. 590881

---o0o---


Xem : Hình ảnh tang lễ> lễ viếng> Lễ Cung Tống Kim Quan nhập bảo tháp> Chùa ở Nha Trang

vcd-subatamdang2



(Vào xem)

---o0o---

Vi tính: Nguyên Trang
Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 12620)
Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên thấy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ.
09/04/2013(Xem: 6234)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
09/04/2013(Xem: 7309)
Từ ngày 18-23/5/1996 HT.Thích Minh Châu, Phó CT kiêm Tổng thư ký GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Hiệu trưởng trường CCPHVN... đã lên đường đến Thái Lan để nhận bằng Tiến Sĩ Phật Học Danh Dự (Honarary Doctorate Degree in Buddhist studies) tại Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkornrajvidyalaya, Thủ đô Bangkok, Thái lan.
09/04/2013(Xem: 9593)
Thiền sư THÍCH ĐỨC NHUẬN, pháp hiệu Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quí hợi (thứ bảy, ngày 19 tháng giêng, 1924). Chính quán : làng Lạc Chính, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Đồng Văn Trung và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn hiệu Trinh Thục (cả hai vị đều đã mãn phần). Là con thứ tư trong một gia đình thanh bần - dòng quí tộc. Ngài có 2 anh, 1 chị và 3 người em dì bào (2 trai, 1 gái).
09/04/2013(Xem: 4791)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.
09/04/2013(Xem: 6939)
Hòa Thượng Bửu Chơn thế danh là Phạm Văn Thông, sinh năm Tân Hợi (1911) tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Thuở thiếu thời Ngài sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia, do đó Ngài thấm nhuần Phật Giáo Nam Tông vốn là quốc giáo của Vương quốc này. Sẵn có túc duyên Phật pháp nên vào năm 1940, Ngài xuất gia thuộc hệ phái Nam Tông. Sau đó Ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu đà (Dhatanga) suốt mười hai năm. Năm 1951 Ngài được Phật tử Việt Nam cung thỉnh về Sài Gòn để truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy
09/04/2013(Xem: 6044)
Hòa thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhỏ, Ngài theo học Nho, luôn tỏ ra là một Nho sinh xuất sắc.
09/04/2013(Xem: 7959)
Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
09/04/2013(Xem: 6496)
Hòa thượng Thích Hưng Từ, thế danh Bùi Vạn Anh, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm Tân Hợi ( 1911 ) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ là cụ Bùi Thế Vĩ, pháp danh Như chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh là Thị Bửu. Từ nhỏ Ngài được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xả của Phật, nên Ngài sớm mộ cửa Thiền.
09/04/2013(Xem: 5979)
Hòa thượng Huệ Quang, thế danh Nguyễn Văn Ân sing năm 1888 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, sau theo mẹ về Trà Vinh. Năm 1902,Ngài xin xuất gia vào chùa Long Thành ở Trà Cú được Hòa thượng Thiện Trí mến thương đặt danh pháp là Thiện Hải. Ngoài giờ học Phật pháp, Ngài lại được Hòa thượng cho học thêm y học.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567