Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lê Quý Đôn Với Phật Giáo

11/03/201311:13(Xem: 6983)
Lê Quý Đôn Với Phật Giáo
lequydon_1
LÊ QUÝ ĐÔN VỚI PHẬT GIÁO
Thích Nhuận Thịnh

Qua nghiên cứu thiên Thiền dật của Lê Quý Đôn, điều chúng ta có thể khẳng định ngay rằng, ông là một Nho sĩ có thiện cảm với Phật giáo.

Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác.[1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục,[2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.

Mở đầu thiên Thiền dật, Lê Quý Đôn đã khái quát tinh hoa của Nho giáo chính là nằm ở sách Trung Dung. Ông xem cương thường, luân kỉ, lễ nhạc, v.v., đều là do trời đất sáng lập, và Thánh nhân, chỉ cho các nhà Nho, giảng giải những điều ấy là nhằm làm sáng tỏ đạo Trời, giáo dục con người trở nên chánh trực…

Tuy ông là một Nho sĩ, nhưng không quá câu nệ vào tư tưởng Nho gia, mà có cái nhìn thiện cảm với cả Lão giáo và Phật giáo. Bởi lẽ, ông nhận thấy rằng, lời dạy của Phật giáo và Lão giáo đều trọng ở sự thanh tĩnh, hư vô, siêu việt, tịch diệt mà không hệ lụy vào sự vật…, cũng là những lời dùng để tu thân, và cũng rất cao siêu. Bên cạnh đó, ông thẳng thắn phê bình sự chấp trước và câu nệ hình thức nên hay bắt bẻ của các Nho sĩ, nhất là, thái độ phỉ báng cả Tiên và Phật của họ, mà nguyên nhân chính theo ông, đó là thiên hạ thì quá rộng lớn, phong tục, tập quán, tư tưởng, v.v., của các nước khác nhau rất nhiều, mà các Nho gia đem cái tri thức hạn hẹp của mình để phán xét các điều lạ lẫm, linh thiên, v.v., thì đó là cái nhìn quá nhỏ mọn, kém cỏi. Qua đây, ông đã gián tiếp khuyên các nhà Nho ở nước ta nên có thái độ phóng khoáng, đừng nên lúc nào cũng tự tôn rằng chỉ có Nho giáo là cao vời nhất, bởi vì những gì chúng ta hiểu được thì quá nhỏ bé, ngay cả về mặt địa lý đã thấy trở ngại, huống gì những điều huyền vi diệu pháp của Thánh nhân sao có thể hồ đồ mà bài xích được.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, sở dĩ Lê Quý Đôn có cái nhìn thiện cảm với Phật giáo là bởi ông phát hiện những giới luật của Phật giáo, cụ thể là 6 giới: tham-sân-si và dâm-sát-đạo, hoàn toàn phù hợp với 3 giới của đức Khổng tử là: sắc, đấu, đắc. Trong 3 giới mà đức Khổng tử dạy, thì sắc khởi đầu từ si mê, tột cùng của nó là dâm; đấu là đấu tranh, khởi đầu của nó là sân, tột cùng là giết hại; đắc là sự ham muốn thủ đắc, mà khởi đầu của nó là tham, tột cùng là trộm cắp. Điểm tương đồng mà Lê Quý Đôn nhận thấy, tức là 6 giới của Phật giáo và 3 giới của đức Khổng tử, chung qui cũng nhằm giúp con người tu thân, dưỡng đức. Tuy vậy, 6 giới của Phật giáo không chỉ giúp con người trở thành một con người trong sạch, hay nói khác hơn là trở thành một người tốt của xã hội, hoặc là một ‘chân quân tử’ như lời đức Khổng tử, mà 6 giới của đức Phật còn hướng đến mục tiêu đặc biệt, đó là giác ngộ, thành tựu Niết-bàn. Trong khi ấy, 3 giới của đức Khổng tử chỉ dừng ở mức làm cho con người được chân chánh, người không tham sắc dục là người chung thỉ với vợ mình, không có tà dâm; tột đỉnh của giết hại, theo Nho giáo, là giết người, nhưng Phật giáo còn chủ trương xa hơn là không giết cả những sinh vật vô tội nữa; còn giới không nên tham lam, trộm cắp, Nho giáo chỉ dừng lại ở mức là không tham lam tài vật của người khác, còn Phật giáo, ngay đến cả thân bằng, quyến thuộc, thậm chí thân thể của mình cũng không chấp trước vào nó, chính thái độ phóng xả hoàn toàn như vậy, mới có khả năng đạt đến sự giải thoát toàn vẹn. Đức Khổng tử dạy phải trung quân, ái quốc, nhưng như thế thì đã bảo người ta có sự phân biệt, đây không phải là vua của ta, kia không phải là nước, là dân của ta, và hẳn nhiên, khi đã có phân biệt như vậy thì phải có đấu tranh, để giữ nước, bảo vệ vua của ta, v.v., đó cũng là gốc của đấu tranh rồi.

Như vậy, Lê Quý Đôn chỉ mới dừng lại ở mức hiểu khái quát về giới của Phật giáo, mà chưa thấy cái sâu sắc của nó, nên ông có thái độ đánh đồng nó với 3 giới của đức Phu tử. Do đó, ông kết luận rằng: “Người nào có thể thụ bẩm được những lời răn trên đây của Phu tử là đã thành Phật rồi,”[3] là một lời vội vã và cạn cợt quá vậy!

Kế đến, ông đã dẫn sách Thượng thư cố thựcnói rằng: “Phật giáo thuộc về sao Quỷ…,” và chuyện chư thiên nói: “Đại Thánh thái tử và sao Quỷ đã hợp lại…,” và tin đó là sự ứng nghiệm.[4] Tuy nhiên đó là chuyện ‘bịa đặt’ của các sách vở ở Trung Hoa thôi, qua đây cũng cho thấy sự ‘dễ tin’ của ông vậy!

Đặc biệt, ông tuyển những đoạn dạy về đạo trị nước, được ghi chép trong sách Thái bình quảng kýPháp uyển châu lâm, để cho thấy rằng Phật giáo cũng dạy về đạo trị nước. Cụ thể, sách Thái bình quảng kýdẫn lời của Thiền sư Na-bạt-ma đáp câu hỏi của Tống Văn đế: “Đế vương và dân thường tu hành khác nhau… Đế vương lấy bốn bể là nhà…” Còn Pháp uyển châu lâm thì dẫn lời Phật kể chuyện chim Anh vũ khuyên vua nước Ca-thi: “Có bảy việc trái phép có thể gây ngụy hại cho thân thể của vua… bồi dưỡng cho muôn loài.” và sách này còn nói: “Ta nhờ xưa biết hiếu dưỡng nên nay mới được thành Phật.”[5]

Còn về đạo hiếu, ông cũng cho chúng ta biết rằng Phật giáo cũng chú trọng đạo hiếu chứ không phải Phật giáo chủ trương bác bỏ hiếu đễ và đi ngược lại truyền thống của Trung Quốc. Ông dẫn đoạn “Ta nhờ xưa biết hiếu dưỡng nên nay mới được thành Phật” trong sách Châu lâm đã dẫn trên, và một đoạn trong kinh Lăng nghiêmrằng: “Phật bảo A-nan rằng: Ta và em cùng khí huyết… bỏ hết thế gian nặng ân ái?” Ông cũng dẫn Kim cương luậnvà đoạn kinh Lăng nghiêmkhác cũng nói về tư tưởng hiếu đạo. Như vậy, đối với Lê Quý Đôn, Phật giáo cũng dạy về đạo trị nước, tề gia, hiếu đạo như là Nho giáo, nhưng Phật giáo thì nói được cụ thể và thâm thiết hơn rất nhiều. Đó là phát kiến của ông, nhưng trước đó khoảng 16 thế kỷ, trong Lý hoặc luận, Mâu tử đã biện giải vấn đề này rồi.[6]

Về mặt nhân và nghĩa của Nho giáo, thì Phật giáo cũng có dạy như thế, đó là sự làm lợi cho người, lợi mình. Do đó, ông cho rằng: “Tôi nghĩ, đại để thì tôn chỉ của pháp môn cho rằng thế gian này tất cả đều hư vọng, cho nên phải tu thành chân giác để có thể siêu thoát ra khỏi lục trần. Khi đã thành vô thượng diệu đạo thì tất nhiên sẽ thương xót chúng sanh và phổ thi phương tiện… chứ không phải bỏ hết luân thường đạo lý đâu.”[7]

Đây là lời nhận xét rất xác đáng của ông về Phật giáo, bởi đức Phật không bác bỏ luân thường đạo lý, tức là cái đạo làm người. Để làm một con người tốt, xa hơn là tránh bị quả báo khổ đau, Phật dạy người tại gia hay xuất gia đều phải giữ 5 giới căn bản là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm (người xuất gia thì cấm hẳn dâm), không nói dối, không uống rượu. Ngoài ra, trong kinh Thiện Sanh,[8] đức Phật đã dạy tỉ mỉ về bổn phận của cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ, chồng với vợ, vợ với chồng, v.v.

Phật giáo chủ trương từ bi, nhưng từ bi phải có trí huệ thì mới đúng đắn được, Lê Quý Đôn cũng đồng ý như thế, nên ông đã dẫn sách Thái bình quảng ký kể về lời của nhà sư Nhất Hạnh rằng: “…Chút từ tâm nhỏ là giặc của từ tâm lớn. Lời của ác quỷ lấy gì để bảo đảm được,” và ông kết luận rằng: “Trộm nghĩ phép quan cũng vậy. … không thể nhân từ với kẻ cố ý.”[9] Thật ra, Phật giáo không những nhân từ với người lương thiện và với kẻ ngu dại trót lầm lỡ, mà đối với kẻ gian tà nhũng nhiễu, những kẻ cố ý. Đối với những kẻ ác, Phật giáo đồng ý phải trừng trị họ, nhưng quan trọng nhất là dùng đạo lý để cải hóa họ trở thành lương thiện, đó là làm cho chính họ đánh thức cái bản tánh hiền thiện của chính họ, chứ không chủ trương loại họ ra khỏi hẳn xã hội, như chuyện Phật đã cảm hóa tên cướp Ương-quật-ma-la (Aṅgulimāla) trở thành Tỳ-kheo và sau đó đạt được quả A-la-hán (Arhat). Đây là điểm đặc biệt mà chúng ta không thấy có trong Nho giáo.

Lê Quý Đôn cũng tin vào thuyết báo ứng, nên khi đọc Thái bình quảng kýchép những chuyện linh ứng khi đọc kinh Kim cương, kinh Quan âm, kinh Cứu khổ. Đó là những người tin tưởng kinh Phật giáo, đọc tụng nên được cảm ứng. Ông cũng tin tưởng chuyện vua Chu Cao tổ nung chảy tượng Phật, đốt cháy kinh Phật nên bị quả báo là lở lói, 7 ngày rồi qua đời, sau đó vận nước cũng đổi thay. Và chuyện Chu Thế tông bắn trúng vú của tượng Phật nên sau đó cũng bị ung thư vú mà chết, như Vương Củng đã chép trong Tạp lục. Đây là một điểm nữa, mà Lê Quý Đôn nhận thấy rất tương đồng với thuyết báo ứng mà trong Kinh Thư Kinh Dịchđã chép. Tuy nhiên, ông vẫn còn bị hạn chế trong tư tưởng ‘thực dụng’, tức là những chuyện báo ứng trong một đời, nguyên nhân và kết quả xảy ra trong thời gian ngắn, hay trong một đời người nên tin được, còn kinh Phật nói đến nhân quả trong 3 đời thì ông không kiểm chứng được, nên đi đến khẳng định rằng: “Kinh sách nhà Phật nói về kiếp trước và kiếp sau, nghe mông lung không thể hiểu được.”[10] Thật ra không phải chỉ mình Lê Quý Đôn nghi ngờ về vấn đề đó, mà còn có rất nhiều không tin có luật nhân quả ảnh hưởng trong cả 3 đời.

Lê Quý Đôn cũng dẫn chứng đoạn kinh Lăng-giànói về 10 giới, và xem kinh này có giá trị rất cao, mang tác dụng thức tỉnh người đời. Tuy vậy, kinh Lăng-giàkhông chỉ dừng lại ở việc nói về 10 giới, mà còn bàn đến tư tưởng Như lai tạng, thức A-lại-da, v.v. Vì nó quá cao siêu, mà người không có nghiên cứu toàn bộ hệ thống giáo lý, cũng như tu tập theo Phật giáo như ông thì sẽ rất khó hiểu, có lẽ vậy nên ông chỉ đề cập đến 10 giới mà không bàn đến tư tưởng khác trong kinh này.

Như vậy, chúng ta thấy Lê Quý Đôn đã nhìn ra được khía cạnh tích cực nơi Phật giáo, nên không tái phạm sai lầm như những nhà Nho tại Trung Hoa, đem cái nhìn thiển cận của mình để chê bai Phật giáo, điển hình là Hàn Dũ, Vương An Thạch và Vương Dương Minh. Như Hàn Dũ nói: “Nay [Lão giáo và Phật giáo] muốn trị tâm, nhưng lại để tâm ra ngoài thiên hạ và quốc gia…;” còn Vương Dương Minh thì nói: “Nhà Phật sợ cái khổ lụy của cha con… nên chạy trốn.”[11] Đó là cái nhìn sai lầm, xuất phát từ sự không am hiểu Phật pháp, cũng như lòng tị hiềm và tự tôn Nho học quá đáng của những người này.[12]

Về mặt Nhân sinh quan, Lê Quý Đôn cho rằng chủ trương thân con người được tạo nên từ 4 yếu tố (Tứ đại, hay còn gọi là Tứ hành) là đất – nước – lửa – gió của Phật giáo, được dẫn trong kinh Viên giác, là hoàn toàn tương đồng với thuyết Ngũ hành của Nho giáo.

Ngoài ra, ông còn tin vào yếu tố Mật tông, bằng cớ là dẫn sách Thái bình quảng kýnói về phương pháp thoát nạn khi gặp kẻ ác, bằng cách cầm dao hoặc sừng tê giác, lấy đầu ngón tay cái bấm vào đốt thứ 3 của ngón giữa ở cùng bàn tay trái, rồi đọc thần chú: Cát trung cát ca tuất luật đề trung hữu luật đà ha bà ca ha.

Ông còn đặc biệt xưng tán kinh Lăng nghiêmlà “bộ kinh huyền bí nhất của Thiền gia, không những là ý nghĩa sâu rộng mà văn pháp cũng cao siêu, biện luận và phân tích rất tỉ mỉ, từ dùng rất khí thế, có thể nghiêng sông lật núi. Sách này nói rằng Pháp vương là đại hùng, đại biện. Thật đáng tin lắm.”[13] Nhưng kinh này cao siêu như thế nào thì ông không nói rõ.

Có thể nói, Lê Quý Đôn là người đầu tiên, ít nhất là với những tác phẩm Phật giáo thời sau khi Phật giáo truyền vào nước ta cho đến đời của ông còn bảo tồn được, đã chú trọng đến việc giải thích (hoặc sao chép lại sách Phật giáo từ Trung quốc) các Pháp số của Phật giáo, có cả phần phiên âm tiếng Phạn, hay giải thích các từ phiên âm tiếng Phạn sang tiếng Việt. Tuy rằng, số lượng từ mà ông giải thích còn hạn chế trong số lượng từ ít ỏi, nhưng cũng đủ cho thấy tinh thần khoa học của ông, đó là tinh thần có nhu cầu hiểu biết từ nguyên gốc của từ vựng Phật học.[14] Qua đây cũng đặt ra cho người Việt Nam nào hiện đang học Phật, cần phải học hỏi Phạn ngữ để hiểu ý nghĩa gốc của những từ Phật học để lý giải giáo lý Phật giáo cho chính xác.

Một điểm đáng chú ý trong thiên Thiền dật này, là Lê Quý Đôn dẫn lại lời của ông Chu Tử phê bình Phật giáo. Đại khái, Chu Tử cho rằng ban đầu khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, chỉ có vài quyển kinh được dịch sang Hán ngữ, như kinh Tứ thập nhị chương, Di giáo, Pháp hoa, Kim cương, [Kim] Quang minh. Những lời trong các kinh này bất quá cũng chỉ bàn về “thanh, hư, duyên, nghiệp và những thuật thần thông biến hóa. Về sau, các học giả như Huệ Viễn, Tăng Triệu mới bắt đầu cóp nhặt lời của Trang, Liệt mà thêm vào.”[15]

Có lẽ đây là một sự nhầm lẫn của Lê Quý Đôn, nhưng chúng ta có thể thông cảm được, vì ông là một Sử gia Việt Nam nên việc xảy ra trong nước thì bằng cách này hay cách khác, ông có thể kiểm chứng được, nhưng về lịch sử Phật giáo thì hẳn là với số tài liệu đang có trong tay, không thể giúp cho ông có đủ điều kiện để xét lại vấn đề, nên ông chỉ chép lại lời của Chu Tử mà không bàn gì thêm. Thật ra, Chu Tử nói lời đó chỉ là ‘đánh lận con đen’, nhằm thỏa mãn cho mục đích bài xích Phật giáo của ông ấy mà thôi.

Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, với sự khác biệt về ngôn ngữ, phong cách tư duy, thì người Trung Quốc khó lòng tiếp nhận được triết học Phật giáo được. Do đó, các nhà Phật học lúc ấy, như La-thập, Huệ Viễn, Tăng Triệu mới dùng khái niệm và từ ngữ có sẵn trong văn hóa cũng như triết học của Trung Quốc lúc bấy giờ để dịch và giảng Phật giáo, đó gọi là phương pháp cách nghĩa, nhờ đó mà Phật giáo mới bắt đầu được phổ biến, bời vì người Trung Quốc thấy Phật học, qua lời giảng của những vị ấy, gần gũi với tư tưởng sẵn có của dân tộc mình.[16] Điểm cần lưu ý ở đây là chỉ mượn từ ngữ chứ không mượn tư tưởng. Về sau, các nhà Phật học thấy được sự sai lầm ấy nên đã chỉnh đốn lại. Ngay như trong Liệt tử tự (列 子序) của Trương Trạm (張湛) – một học giả đời Đông Tấn, cũng đã nói rõ rằng: “Nhưng nhằm làm rõ tông chỉ ấy, nên thường thường tham chiếu với kinh Phật, rồi quy tất cả về tư tưởng Lão, Trang.”[17] Như vậy là quá rõ ràng, chính Phật giáo đã ảnh hưởng ngược lại đến tư tưởng triết học Trung Quốc, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng tư tưởng triết học Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến Phật giáo Trung Quốc.[18]

Tóm lại, qua nghiên cứu thiên Thiền dật của Lê Quý Đôn, điều chúng ta có thể khẳng định ngay rằng, ông là một Nho sĩ có thiện cảm với Phật giáo. Tuy rằng, sự tiếp cận của ông về Phật giáo chỉ ở mức ban đầu, tức là chỉ ở những điểm mà ông cho là Phật giáo tương đồng với Nho giáo, mà chưa đi tìm hiểu được những giáo lý sâu sắc hơn của Phật giáo. Điểm hạn chế của ông là không có nguồn sử liệu dồi dào về Phật giáo, và tất nhiên ông chỉ đọc được vài bản kinh mà vào thời của ông, chúng đang được lưu hành. Bởi vậy ông vẫn có những nhận định còn sơ sài, mà có lẽ ông cũng không có đủ thời gian để nghiên cứu những tư tưởng sâu sắc hơn ở trong kinh Lăng-già, Lăng-nghiêm, Pháp hoa, v.v. Ngoài ra, ông chép lại lời của Chu Tử mà không bàn luận gì thêm, chứng tỏ là ông đang đứng trên phương diện là sử gia, biên chép mà không luận, nên không rõ là ông có đánh giá gì về nhận xét đó.

Có thể nói, công lao to lớn của ông đối với Phật giáo Việt Nam nói chung, và Thiền phái Trúc lâm nói riêng, là sao chép lại những thi ca của các Thiền sư, đặc biệt là hành trạng của ba vị Tổ của Thiền phái Trúc lâm, cũng như toàn bộ ngữ lục của Thiền sư Hương Hải. Đặc biệt Lê Quý Đôn cho rằng, Tam tổ Huyền Quang xuất gia vào năm 19 tuổi, chứ không hề đi thi và đỗ Trạng nguyên.

Qua những ghi chép của ông, chúng ta cũng hình dung được một phần nào tình trạng Phật giáo vào đời Hậu Lê, tuy rằng Phật giáo không còn hưng thịnh và phát triển mạnh trong tầng lớp phong kiến, mà có lẽ nó đã phát triển thành phương pháp khác, đó là lan truyền và phát triển trong quần chúng xã hội nhiều hơn. Và chúa Trịnh Cương ở Đàng ngoài cũng mộ Phật giáo, vào năm 1724 (thuộc niên hiệu Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tông) đã sai mở rộng chùa Nguyệt Đường và cấp hơn 50 mẫu đất cho chùa.

Như vậy, vào đời Lê, Phật giáo vẫn phát triển, và kinh điển đang lưu hành lúc ấy, toàn bộ đều là những kinh Đại thừa, như Lăng-nghiêm, Lăng-già, v.v., mà Lê Quý Đôn đã dẫn.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  

- Nguyễn Q. Thắng, Từ điển Tác gia Việt nam, Nxb. Văn Hóa-TT, Hà Nội, 1999.

- Lê Quý Đôntuyển tập, Tập 5 – Kiến văn tiểu lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch – hiệu đính – chú thích, Nxb. Giáo Dục, Hà nội, 2009.

- Hoằng minh tập, q. 1, Mâu tử lý hoặc luận, T. 52, No. 2102.

- 《長阿含經》卷11, 善生經 (12), T. 1, No. 1.

- Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung quốc, Lê Anh Minh dịch, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2007, tập 2.

- 護法論, T. 52, No. 2114.

- Dương Bá Tuấn, Liệt Tử tập thích, (Hán ngữ), Trung Hoa thư cục xuất bản, 1979.

- Lữ Trừng, Trung Quốc Phật học nguyên lưu lược giảng (Hán ngữ), Trung hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1979.


[1] Nguyễn Q. Thắng, Từ điển Tác gia Việt nam, Nxb. Văn Hóa-TT, Hà Nội, 1999, tr. 493-504.

[2] Lê Quý Đôntuyển tập, Tập 5 – Kiến văn tiểu lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch – hiệu đính – chú thích, Nxb. Giáo Dục, Hà nội, 2009, tr. 186-309.

[3] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 191.

[4] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 191-192.

[5] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 193.

[6] Hoằng minh tập, q. 1, Mâu tử lý hoặc luận, T. 52, No. 2102.

[7] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 194-195.

[8] 《長阿含經》卷11, 善生經 (12), T. 1, No. 1.

[9] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 195.

[10] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 198.

[11] Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung quốc, Lê Anh Minh dịch, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2007, tập 2, tr. 469, 671.

[12] Về sự bài bác Phật giáo của Hàn Dũ và Vương An Thạch, Thừa tướng Trương Thương Anh đã phản biện trong Hộ pháp luận, xin xem: 護法論, T. 52, No. 2114.

[13] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 200.

[14] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 203-215.

[15] Lê Quý Đôntoàn tập, sđd, tr. 216.

[16] Xin xem: Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung quốc, Sđd, chương 7-9, tr. 281-465.

[17] Xin xem: Dương Bá Tuấn, Liệt Tử tập thích, (Hán ngữ), Trung Hoa thư cục xuất bản, 1979, tr. 279.

[18] Xem thêm: Lữ Trừng, Trung Quốc Phật học nguyên lưu lược giảng (Hán ngữ), Trung hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1979, bài giảng thứ 3, tr. 43-65.

Nguồn: http://nhuanthinh-thuvien.blogspot.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2023(Xem: 2916)
HOÀ thuận an yên hướng tĩnh tâm THƯỢNG cầu Phật đạo hoá mê nhân TRÍ tuệ thâm uyên kinh luật dịch TỊNH tu thiện nghiệp thoát mê trầm.
23/02/2023(Xem: 6719)
Xuất gia thọ giới tại Kỳ Viên Tăng thống ân sư pháp nhũ truyền Vạn Hạnh nghiên tầm kinh bối diệp Huyền Không gầy dựng pháp môn thiền Thư Thầy bút lực thơm hương đạo Thực Tại tâm nguyền rạng sắc liên Tuổi hạc ung dung trao diệu nghĩa Viên Minh Hoà Thượng đức ngời thiên.
16/02/2023(Xem: 2619)
Khi vua Trung Tông Lê Duy Thuyên băng hà không có con kế vị, Trịnh Kiểm muốn lên ngôi vua nhưng sợ hai người em vợ là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng là con của tướng quân An thành hầu Nguyễn Kim tranh giành quyền lực với mình nên tìm cách giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng lo sợ nên cho người tham vấn với Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông thái Kinh Dịch và am tường Phật Học.
16/02/2023(Xem: 2557)
Hòa thượng thế danh là Hồ Đắc Chương, pháp danh Nguyên Minh, Đạo hiệu Thích Phước Đường, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1932 (Nhâm Thân) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên – Huế
14/02/2023(Xem: 2613)
Tôi xin phép được chia sẻ với quí vị một số nhận xét và cảm nghĩ về công trình giảng dạy về Phật pháp của ThầyThiện Châu, trong khoảng thời gian 32 năm, từ 1966 tới 1998, tại Âu châu.
14/02/2023(Xem: 2267)
Con về đến Trúc Lâm thứ ba, trưa ngày 18.7. 2017 trời nắng gắt, hình bóng Thầy đâu không thấy chỉ thấy hai chiếc xe hoa đã kết sẵn để đưa Thầy đến nơi làm lễ Trà Tỳ, tim con như tan nát thành mảnh vỡ. Trời ơi! Có thể như vậy được sao? Suốt quãng đường dài từ Đức qua Pháp con chỉ mong sao đây không phải là sự thực, con không muốn tin dẫu biết rằng thế gian vô thường, tất cả rồi sẽ tan hòa vào vũ trụ.
09/01/2023(Xem: 3535)
Vào sáng thứ bảy ngày 07/01/2023, chùa Phổ Từ tọa lạc tại số 17327 Meekland Avenue, thành phố Hayward, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tiểu tường cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chánh điện. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và nhà hoạt động hòa bình, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam ngày 22 tháng 01 năm 2022. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức, tình thương cao rộng của Sư Ông Làng Mai qua nhiều năm giảng dạy thiền quán; với công trình trước tác, phiên dịch kinh sách to lớn; chùa Phổ Từ đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố Thiền sư vào ngày 29/01/2022; ngày 30/01/2022; Lễ Chung thất - tưởng niệm vào ngày 13/3/2022.
26/12/2022(Xem: 3019)
Thầy chào đời cuối Đông. Phủ Xuân Trường, Nam Định. Đất Bắc Hà - Thăng Long. Ngàn năm xưa hưng thịnh. Lập chí nguyện xuất trần, Thuở đồng chơn nhập đạo. Cội Đức Nhuận thắm nhuần. Đượm hồng ân Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]