Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phạm Công Thiện - Một thi sĩ kỳ tuyệt thiên tài

20/01/201309:46(Xem: 5980)
Phạm Công Thiện - Một thi sĩ kỳ tuyệt thiên tài

phamcongthien2


PHẠM CÔNG THIỆN
MỘT THI SĨ KỲ TUYỆT THIÊN TÀI

Tâm Nhiên

Lời BBT: Phạm Công Thiện(1/6/1941 - 8/3/2011), là một nhà văn, triết gia, học giả, thi sĩ và cư sĩ Phật Giáo người Việt Nam với pháp danh Thích Nguyên Tánh. Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận nghề triết gia, ông vẫn được coi là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 60 và của Việt Nam với những tư tưởng ít người hiểu và được bộc phát từ hồi còn rất trẻ. Dưới đây là bài viết của Tâm Nhiên nhân sắp đến ngày giỗ của ông.


Có những con người đến rồi đi qua mặt đất trần gian này như một cơn sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ tuyệt, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.

“Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại…Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương và sắc màu quá khứ không phai nhạt.”* Tuệ Sỹ giới thiệu như thế về Phạm Công Thiện, một tâm hồn hạo nhiên chi khí, một thi sĩ thượng thừa đã khơi nguồn mạch sáng tạo trào dâng ngất ngưởng, mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát dị thường. Bước đi một mình một bóng, đơn thân độc mã quá đỗi phong trần gần 50 năm trời nay, say gót mộng chuếnh choáng lang bạt kỳ hồ, lang thang lêu lổng suốt muôn chiều phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương. Lướt cánh đại bàng, tung hoành ngang dọc khắp năm châu bốn biển, thênh thang giữa thiên địa hoàn cầu.

Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam. Thi sĩ lớn lên từ đó, suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng rong chơi, tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng xa xôi.

Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng biết nhiều thứ tiếng, một thiên tài lỗi lạc : Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự điển Anh ngữ tinh âm, 19, 20 tuổi viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, 23 tuổi, viết Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26, 27 tuổi, viết Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn, Trời tháng tư, Ngày sinh của rắn, Mặt trời không bao giờ có thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger… làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức thời bấy giờ.

Thuở ấy, năm 1967, khi Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, đúng lúc 26 tuổi thì Tuệ Sỹ, Bùi Giáng cũng có mặt ở đó thường xuyên, là những cây bút cốt cán, nền móng trong tạp chí Tư Tưởng, tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Trước đó, nhà thơ cũng đã từng làm những chuyến giang hồ tứ chiếng, xách túi thơ bầu rượu ngao du sơn thủy qua Paris, London, New York, Washington rồi, từng diện kiến, sống gần gũi với những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trên thế giới như Krishnamurti ở Paris, Henry Miller ở Los Angles.


Đang là thần tượng của đám sinh viên các đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt thì đùng một cái, Phạm Công Thiện bỏ ngang chức Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường viễn phương hành, làm cuộc ra đi theo quẻ Lữ trong Kinh Dịch, lênh đênh qua tận bên kia bờ đại dương tuyệt mù tăm tích vào năm 29 tuổi, tức năm 1970. Đó cũng là năm cuộc chiến tranh Việt Nam đến độ khốc liệt, kinh hoàng, khủng khiếp nhất. trên khắp hai miền Nam Bắc tang thương.

Cất cánh phụng hoàng, thi sĩ bay vút đi xuyên qua gầm trời giông tố bão loạn, đang đắm chìm giữa dòng sử lịch hỗn mang, tang tóc cuồng phong gầm thét dữ dằn, tan hoang tàn bạo, xô đổ xuống mịt mù âm u hỗn độn, vây khổn đầy bóng tối vô minh trong đêm dài điêu linh, trầm thống, đoạn trường.

Trước ngày khởi hành, ngồi trên đồi cao chùa Hải Đức Nha Trang, thi nhân lắng hồn cô đơn, tịch mịch để nghe vọng về bao nỗi đời ly tán, đớn đau, bàng hoàng trong rưng rưng nhức nhối :

Hồi chuông chùa vọng luân hồi

Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương

Trùng dương nằm đợi vô thường

Đồi cao bạt gió hai đường âm u

Âm u hai đường, đông tây đôi ngã thê lương. Còn chi đâu mà nói nữa. Thôi thì cánh chim ngàn cứ tung bay cho hết bầu trời tính phận bao la của mình. “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.” Văn hào Nikos Kazantzakis đã nói như vậy, cũng như triết gia vĩ đại Heidegger làm những câu thơ như âm thầm khích lệ thi sĩ lên đường :

“Bước tới và chịu đựng

Sự thất bại và câu hỏi

Trung thành với lối đi duy nhất của mi.”

Thi sĩ Phạm Công Thiện đã cảm nhận chân thiết lời thơ đó, nên hùng tâm tráng khí, im lặng thực hiện một cách mãnh liệt cuộc lữ phi thường, khởi sự tấu khúc độc hành ca trên lộ trình hướng về hố thẳm uyên mặc, uyên nguyên. Cuộc lữ dữ dội bi tráng, mở ra những phương trời hoằng viễn như Rimbaud, Hoelderlin, như Nietzsche, Henry Miller, những đồng thanh tương ứng với thi nhân nên luôn luôn xuất thần, ngất trời túy lúy, phóng cuồng phiêu đãng hoan say. Đó là những cuộc đi vô định, vô sở trú, chất ngất trên tuyệt đỉnh núi cao và hun hút tận nguồn sâu hố thẳm tâm linh, vừa bừng bừng thần khí rực ngời lửa tim hồn cháy, vừa ầm ầm cuồng nộ, trào tuôn lai láng như sóng vỗ đại dương. Cháy và chảy, cháy và chảy mãi trong hồn, như một lần đặc biệt, nhà thơ đã từng nhắn gởi cho giới trẻ thanh niên Việt Nam : “Gởi một người đọc không quen, cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi, cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó chảy trôi như tôi, cùng sống như tôi đang sống : Cháy và chảy, cháy và chảy không ngừng…”**

Hừng hực ngọn lửa thiêng suốt ngày đêm bừng cháy trong trái tim nên chàng thi sĩ đã hào hứng lên đường ra đi từ dạo đó, từ thuở nào vô thường dâu bể loạn mù xa,



giã từ hồng nhan, bái biệt nàng thơ huyền mộng cũ trong ngậm ngùi chia phôi :

Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu

Hạ phương ngày tháng bể dâu

Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương

Có còn chi nữa mà thương

Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Chuyển hình trên đỉnh cô liêu

Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn

Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn

Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao

Án nga nga nẵng bạch hào

Một luồng sáng rưc chiếu vào trái tim

Đứng trên tuyệt đỉnh cô liêu, một chiều hoang vu nọ, nhà thơ bỗng nghe văng vẳng những lời ẩn ngữ mật ngôn huyền bí và chợt thấy thấp thoáng tiền kiếp mình ở tận xứ miền tuyết trắng Tây Tạng hoang sơ. Biết mình là hành giả Mật tông trong các dãy hang động trên tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn, nên trái tim Bát nhã ứng hiện những nàng tiên huyền diệu, dạo khúc cung đàn mười tám tiếng lòng Không Định rung ngân, khiến cho thi sĩ chỉ còn biết đọc thần chú lim dim :

Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm

Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không

Án đa la tịch mịch hồng

Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên

Bát nhã là gái thiên tiên

Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao

Gió lùa thơm tóc tơ đào

Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn

Trời mưa chim ngủ trên ngàn

Sắc son tình cũ nước tràn sang sông

Tiếng đàn tiêu dao vô thanh mà vang ngân bất tận lan dài theo cuộc lữ kỳ cùng, rung hồn rúng chuyển gió sương ngàn khắp vùng thung lũng sơn khê. Ơi chao ! Một đóa hồng hoa vut trổ im lìm như những nàng tiên nữ giáng trần sà nhẹ vào hồn tim, để cho thi nhân xuất thần bay phiêu linh, phiêu hốt trong bồi hồi rộn rã :

Đã đi rồi đã đi chưa

Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về

Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê



Một bông hồng nở bốn bề lặng im

Năm nàng tiên đậu vào tim

Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Năm nàng tiên ở đây là ẩn ngữ ám chỉ cho năm nàng thơ, năm người yêu dấu nhất trong cuộc sống thực tế thường nhật của thi nhân. Xuất thần nhập cốt, hưng phấn hân hoan rạt rào, vô cùng cảm hứng là những trạng thái kỳ diệu mà Phạm Công Thiện thỉnh thoảng rơi vào một cách phiêu diêu tuyệt cùng, như một thời sống bồng tênh trên núi rừng phố hoa Đà Lạt, một chiều hiu hắt nọ, chàng choáng váng, sững sờ khi bắt gặp Thiền tông giữa cơn mưa gió bão bùng : “Tôi quỳ xuống lạy lung tung, tôi lạy gió, lạy mưa, lạy nắng, lạy không khí, lạy cái ghế, lạy cái bàn, lạy vách tường, lạy đóa hoa trong ly, lạy cái giường. Ồ tôi hạnh phúc, sung sướng, yêu đời, yêu cả vũ trụ. Cảm tạ hết mọi đau khổ, mọi bất công, mọi bi kịch, cảm tạ hết, cảm tạ bất tận. Tôi đã tìm được tất cả những gì đã đánh mất từ mấy ngàn năm nay.”***

Hay một lần nơi thành phố Garden Grove ở California, trong căn phòng trống trải cô tịch vô vi, thi nhân cũng nhập diệu, thấy mình hóa thân trùng trùng giữa mười phương pháp giới vô ngần : “Trong tận cùng sâu thẳm của kiếp người, nó không khác người khác, nó là tất cả mọi người đang di động trên trái đất, nó là tất cả những định tinh và hành tinh, nó là con sâu, cái kiến, con bướm, con quạ, trái cam, chiếc lá. Nó là cơn gió thổi vèo qua kẹt cửa, nó là luồng ánh sáng và đêm tối…Nó là một cảm giác, một tư tưởng, một ý tưởng và một cử chỉ. Nó là mỗi chữ, mỗi tiếng, mỗi lời trong tất cả ngôn ngữ loài người…Nó là sự trống không mênh mông của mười tám cái không tràn trề của Trí tuệ Bát nhã sang sông…Nó là sức mạnh vũ bão của tất cả năng lực vũ trụ, sự tập trung tư tưởng mãnh liệt nhất của tất cả tư tưởng nhân loại, tập thành khủng khiếp của tất cả đạo lý và triết lý…Nó là nguyên lý đồng nhất tối thượng, đồng thời là sự chuyển hóa tối hậu của chính nguyên lý đồng nhất và bước nhảy tịch liêu vào cõi tịch mịch của một đóa hoa hồng tơi tả…”****

Rồi một lần kia, nhà thơ cô đơn, tha thẩn dạo chơi những ngày cận kề cuối năm ở tận góc bể chân trời Ý Đại Lợi xa xăm bỗng nhập thần mộng thấy đại thi hào Nguyễn Du và Thúy Kiều hiện về thấp thoáng vi vu :

Năm tàn nằm mớ Nguyễn Du

Kiều trôi đâu mất la phù dặm khơi

Cuốc kêu bảng lảng tháp hời

Nhắc tên người cũ rã rời cuối năm

Trầm tư bên một góc quán cà phê ở Glebe, trên vùng đồi cao Eanwood, nhìn xuống dòng sông xanh, gần thành phố Sydney ở tận bên kia bờ Úc Châu, thi nhân chợt nghe ra tiếng ngựa hí, tiếng đàn vô thanh của Mã Minh và thấy Long Thọ lang thang dưới ánh trăng thái cổ ảo huyền :

Con ngựa ô lồng lộn Mã Minh gãy đàn



Long Thọ thở dài nhật nguyệt lang thang

Rồi lại một chiều phiêu bồng lãng bạt, rong rêu bên dòng sông Seine bồng bềnh, rực ngời hoa nắng óng ả mới lạ ở thành phố hoa lệ Paris, thi sĩ bỗng thấy Van Gogh nhập cốt ứng hiện huyền hòa :

Úm tô rô Van Gogh hiện ra

Úm ba la u linh ma ha

Đất nứt nở ra bầy quạ trắng

Hồn thiêng Van Gogh nhập vào ta

Van Gogh là một họa sĩ dị thường, có một câu nói bất hủ : “Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể mi bỏ qua không cần Thượng đế, nhưng mi, kẻ khổ đau, mi không thể bỏ qua, không cần tới một điều cao viễn hơn mi, chính là đời mi : Quyền năng sáng tạo.” Vâng, sáng tạo là một nghệ thuật tối thượng, là bước đi tuyệt cùng tự giải phóng, tự giải thoát bản thân khỏi nhà tù do chính mình tự tạo cho mình, như nhà văn xuất chúng Henry Miller cũng đã từng tuyên bố : “Kẻ sáng tạo kêu gọi con người trực nhận rằng, tất cả mọi tự do có sẵn trong bản thân rồi. Rằng con người không cần phải bận tâm lo lắng đến vận mệnh thế giới ( vì đó không phải là vấn đề của hắn ) mà chỉ nên lo giải quyết vấn đề riêng tư của chính riêng mình, tức là vấn đề giải phóng, giải thoát, chứ không phải vấn đề nào khác cả.”***

Nhà thơ tài hoa Phạm Công Thiện của chúng ta, cũng trên tinh thần giải phóng ấy, vẫn quảy túi thơ bầu rượu, xuôi ngược bước đi nhảy múa trên thông lộ phong quang sáng tạo vô lường. Hướng về uyên nguyên khơi mở, thở cùng linh khí của nhật nguyệt thiên thu, tái tạo từng điệu thở, từng ý niệm, nổ tung mọi cố chấp thâm căn cố đế để thể nhập Tánh Không, xô cửa huyền vi mà bước vào Tâm giới, nơi tuyệt cùng của vạn vật Nhất như. Bước tự do tự tại, thênh thang giải thoát mọi dính mắc, buộc ràng, chỉ còn sáng tạo và sáng tạo miên man, dốc hết tinh hoa, tinh túy để tựu thành những tác phẩm độc đáo vô song :

Từ Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất đến Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, từ Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử đến Nguyễn Du đại thi hào dân tộc, từ Đối mặt với một ngàn năm cô đơn của Nietzsche đến Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất, từ Nét đẹp tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo đến Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ tát sáng rực khắp bốn phương, từ Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng đến Trên tất cả đỉnh cao là lặng im…là những bước nhảy thượng đẳng, ngoạn mục, hùng tráng, phi thường, vượt qua sự chuyển hóa toàn diện của tâm thức đến độ vô sư tự ngộ, bùng vỡ ra một điều chi như thị đang là, ngay ở đây thôi :

Những gì không vói tới

Thì có sẵn đó rồi

Bao nhiêu danh vọng hời

Vài ba cụm bèo trôi



Ba mươi năm nằm dài

Một hôm đứng phắt dậy

Bất nhị xòe tầm tay

Bất ngờ tôi sụp lạy


Từ trống trải nhận thấy

Tự trống trải lắng nghe

Tịch diệt liền tại đây

Xuân dậy giữa trưa hè

Xuân là Nguyên xuân, Tâm xuân, mùa xuân miên viễn trong lòng người, thi sĩ đã thấy và nghe được như một phép nhiệm mầu làm biến tan mọi niềm đau sầu khổ :

Hôm nay là hôm nào

Thôi đừng hỏi tại sao

Phép lạ đập vào cửa

Bông súng nở trắng phau


Ngồi im giữa vòng tròn

Thở nhẹ như chim non

Mộng thân trùm Pháp giới

Bông quỳnh vừa nở trọn


Lắng vào trong cái nghe

Rót vào lòng thật khẽ

Lọt vào trong lặng lẽ

Động tịnh đều dứt nhẹ

Những bài thơ ngắn gọn, tuy đơn sơ giản dị nhưng đi thẳng vào lòng người một cách tự nhiên, thể hiện cốt cách đặc thù riêng biệt, hàm dung ý thiền “một là tất cả. tất cả là một” của tinh thần Hoa nghiêm, nói như Phạm Công Thiện : “Nếu chúng ta xoay chuyển cái nhìn của chúng ta vào trái tim vũ trụ theo nhịp thở kinh Hoa nghiêm thì tất cả mọi sự đều dung thông, dung nhiếp, viên dung tự tại vô ngại, thời gian là không gian, một thời gian là tất cả không gian, một không gian là tất cả không gian, tất cả thời gian là một không gian, tất cả không gian là một thời gian.”*****

Khi tiềm ẩn nguyên khí, nội lực thâm hậu thì bậc cao thủ cự phách thường kiệm lời, ít nói mà linh hoạt, tùy hứng như trẻ thơ, hồn nhiên đùa rỡn, xem cuộc đời như một trò chơi. Còn kẻ thi sĩ xuất chúng, sáng tạo vô vàn cảnh giới thi ca quá mộng thì ít nhất cũng sờ đụng tới hố thẳm và đỉnh cao tâm linh của chính mình.

Đỉnh cao và hố thẳm tâm linh ấy, Phạm Công Thiện đã từng va chạm, giáp mặt trong một bình sinh hy hữu nào đó, cho nên cả trời thơ đất mộng dạt dào bao nhựa sống thâm trầm nhập vào trong từng điệu thở tinh khôi :



Lùa nhẹ vào một mối

Đập mạnh một nhát thôi

Tất cả đều bày phơi

Trí tuệ sáng rực ngời

Muốn có được ánh sáng quang minh trí tuệ rực ngời đó thì chẳng phải chạy tìm đâu xa mà chính ngay nơi tận đáy lòng mình, chính nơi mình đang cư ngụ, lưu trú, ngay nơi những nghịch cảnh, thử thách mà mình phải giáp mặt ngày đêm một cách anh dũng, không nao núng, như nhà thơ từng nhắc nhở : “Chúng ta chỉ thành Phật được, khi chúng ta là con người ở giữa thị tứ, không có cảnh Bồng lai thiên thai địa đàng nào là thuận cảnh để ta giải thoát được, chinh tất cả Nghịch cảnh của nơi ta sinh sống mới là nơi ta tự chuyển hóa tâm thức để nhập vào Tự chứng Thánh trí.”***** Thánh trí đó là trí tuệ, tuệ giác, là cái bản tâm nguyên sơ thanh tịnh của mình đấy thôi. Khi thấy rõ tận tường được điều đó thì xem mọi sự ở đời như sống chết, đến đi, hơn thua, đúng sai, phải trái, giàu nghèo, thành công, thất bại… đều là nhân duyên giả hợp, chẳng hề sợ hãi, lo âu chuyện còn hay mất :

Thất bại giữa đời này

Chết sáng ngời trên cao

Bông tàn phai cõi đất

Mọc lại giữa trăng sao


Nhảy thẳng vào sự việc

Chẳng có gì đáng tiếc

Sự việc lớn lao nhất

Là hiện tiền tịch diệt

Thực tại hiện tiền là ngay đây, bây giờ, ngay trong mỗi phút giây là chứa đầy thiên thu vĩnh cửu, ngay trong từng hơi thở ra vào là đủ cả nghìn năm :

Bôn ba ngoài vạn dặm

Cũng chỉ một trăng rằm

Bao nhiêu là hố thẳm

Xoáy về nốt ruồi đậm

Hố thẳm là ẩn ngữ chỉ cho tư tưởng của chúng ta. Chỉ cần một chút tơ tưởng móng lên thôi là cả ba nghìn thế giới, sơn hà đại địa hay tiên nữ, thục nữ mười phương liền hiển lộ, bừng dậy huy hoàng, rõ ràng hiện ngay trước mắt tức thì :

Chỉ cần một ý tưởng

Khắp vũ trụ mười phương

Sáng bừng lên vô lượng

Thiên tiên hiện đầu giường

Phải chăng đó là cái thấy tuệ giác siêu việt của một tâm hồn bao la thông suốt lẽ sâu xa của trùng trùng duyên khởi Hoa nghiêm pháp giới diệu kỳ :

Mỗi bước chân ra đi

Triệu vũ trụ thiên di


Mỗi chỗ tôi ngồi lại

Sáng bừng lên diệu lý

Chân lý vi diệu đó, thi nhân bỗng phát hiện chẳng ở đâu xa mà ngay tại đây và bây giờ, ngay giữa phù du cát bụi giữa vui buồn sướng khổ trong cõi lòng huyền diệu của thức tâm :

Trăm năm đời hờ hững

Đêm ngày buồn lơ lửng

Linh địa là tại đây

Nơi chỗ tôi đang đứng

Linh địa là mặt đất thiêng liêng này, nơi thi sĩ đang sống từng phút từng giây đầy trọn vẹn. Sống từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên sương mù Đà Lạt, từ Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn, Nha Trang đến Paris, London, Rome, Monterey Park, Long Beach, Los Angeles, Houston, Washington… ngút ngàn viễn xứ xa xôi :

Thoắt đi một đời người

Buồn hoài cũng thế thôi

Trăm năm là giây phút

Chưa đi đã tới rồi

Hàng triệu tỷ năm trôi qua và giờ đây ngưng đọng trong cái đang là, nơi người em thi ca từ vô lượng kiếp trở về đang mỉm cười nguyên sơ rạng ngời mới lạ :

Mười lăm tỷ năm qua

Từ vạn triệu thiên hà

Bây giờ ta mới tới

Gặp lại em hôm qua

Cuộc trùng phùng kỳ ngộ thật vô cùng thú vị, tuyệt hảo tân kỳ như một kẻ đốn ngộ vô ngôn vì thấy toàn thể vũ trụ là chốn đạo tràng đầy đủ chư Phật, Bồ tát, Thần linh đều viên dung cùng một ngọn ngành thanh tịnh :

Tất cả là đạo tràng thần linh

Ta ngồi tham ngưỡng cội vô hình

Thênh thang phù thế làm chim ó

Bay lượn tháng ngày cõi lặng thinh

Bay lượn giữa phong quang trời đất, nhật nguyệt hay thả trôi trên dòng sông Mật tông thấm đẫm tình Mẹ Đại bi, Đại trí Tãra xanh biếc huyền mộng chan hòa. Cả vũ trụ mênh mông là một tu viện rồi thì về chùa hay xa chùa cũng trong vòng tay bao dung mở rộng :

Tãra mười tiếng đại không

Ảo thân nằm giữa dòng sông Mật thừa

Về chùa một dúm muối dưa

Xa chùa cũng thế : Hứng mưa mỉm cười

Hầu như suốt cuộc đời Phạm Công Thiện thường gắn bó, thân mật, cận kề với những ngôi chùa ở quê hương cũng như các ngôi chùa nằm dọc ven đường lang bạt



trên toàn thế giới, chàng ở chùa nhiều hơn là ở nhà. Mặc dù, mới buổi sáng giảng kinh Kim cang thao thao bất tuyệt trên thiền đường, rồi buổi chiều thõng tay vào chợ uống rượu ngâm thơ túy lúy cùng bọn văn nghệ sĩ, giang hồ tứ chiếng đó đây mà phong thái vẫn nhàn nhã, tự tại, tiêu dao. Mỉm cười buông bỏ nhẹ nhàng để bước đi trầm hùng sư tử, tự do vô sự. Vô sự như “chim hải hồ bay trắng tháng ngày” bay khắp thiên thanh vĩnh thúy rồi đậu xuống mái hiên chùa rêu phong tịch mịch, ngồi nhập định du hý tam muội làm thơ kính tặng cõi thinh không lồng lộng :

Mồng tơi mây ngủ hiên chùa

Dâm bụt rực đỏ hai mùa gặp nhau

Hơi rừng thơm nức chiêm bao

Đêm thâu nín thở ngó vào bài thơ

Toàn thể cuộc đời là bài thơ, sống chết là bài thơ, có không là bài thơ, mộng thực là bài thơ, buồn vui, sướng khổ là bài thơ, hơn thua, được mất là bài thơ, thành công, thất bại là bài thơ, gặp gỡ, ly biệt là bài thơ, phiền não, an lạc là bài thơ, khổ đau, hạnh phúc là bài thơ, chiêm bao mộng mị là bài thơ hay Vô thượng chánh đẳng, chánh giác cũng đều là thơ thơ hết thảy, thơ ở trong thơ :

Tượng Phật ở bàn thờ

Dọn dẹp để trống trơ

Tôi vẫn lạy chỗ trống

Chỗ trống thành bài thơ

Chính cuộc đời của Phạm Công Thiện là một bài thơ quá tuyệt vời bát ngát, quá tuyệt mỹ lý thú, quá tràn trề mê say, ngợp đầy hào sảng rạt rào vô hạn, đã khơi dậy nguồn cảm hứng dồi dào, thắp lên ngọn lửa thiêng huy hoàng sáng tạo, bừng cháy bất tận giữa lòng nhân thế tuyệt trần :

Hứng lúc nào cũng đến

Giờ nào cũng giờ hên

Ngồi thẳng lưng mà viết

Vạn tơ tưởng bồng bềnh

Viết là sống. Sống một lần Tự do đầu tiên và cuối cùng như Krishnamurti hay sống Alexis Zorba Con người chịu chơi như Nikos Kazantzakis hoặc sống Chơi giữa mùa trăng như Hàn Mặc Tử : “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống.”

Thể điệu sống ấy, thật giống hệt với thi sĩ Phạm Công Thiện xiết bao !

Thật vậy, chẳng những giống như Hàn Mặc Tử về phong cách nhập cuộc tha thiết, kiệt tận bình sinh, dốc hết toàn thể xương xảu máu me vào ly rượu tình yêu nồng say óng ả mà Phạm Công Thiện còn tương ứng, tương tợ với nhà thơ lãng tử Rimbaud từng trải qua Một mùa địa ngục bi tráng, bi hùng, với đại thi hào Walt Whitman, chỉ một Lá cỏ cũng đủ chứa đựng cả vô tận đất trời, với Suzuki Thiền luận, với Padmasambhava Tổ sư Mật tông Tây Tạng, với Milarepa Con người



siêu việt, với Long Thọ Trung quán luận, với Heidegger Về thể tính của Chân lý, với Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế trên ngõ về vĩnh cửu, với thi hào Hoelderlin lên đường Quy hồi cố hương, với Apollinaire, một thi nhân trầm lặng mặn nồng, sống trọn vẹn hết mình với tình yêu và nhất là với Henry Miller, một tâm hồn thượng đẳng mà Phạm Công Thiện kính phục, ca tụng hết lòng : “Henry Miller là một trong vài ba thiên tài nhân loại đã đánh thức dậy thế lưc mãnh liệt nhất của lòng Đại bi trong ý thức và vô thức của con người trên mặt đất.” Lòng Đại bi là tình thương, tình yêu vô lượng vô biên có từ buổi sơ khai, nguyên thủy mà Henry Miller đã thấu thị được hương vị của tình yêu tuyệt vời, diễm kiều, vi diệu đó và vượt qua, vượt qua bên kia bờ Nhất nguyên tuyệt bích.

Tìnht thương, tình yêu dịu dàng phát sinh, khởi sự từ những thục nữ, thuyền quyên, từ nàng thơ, tiên nữ, duyên dáng mỹ miều, yểu điệu ngát hồng nhan :

Càng xa càng mông lung

Tới gần vẫn lạ lùng

Nhắm mắt sao lạ quá

Mở ra ồ không cùng

Linh hồn con gái, phải chăng là nhiệm huyền thi vị như vậy, khiến cho chàng thi sĩ mơ màng mộng mị trong từng trận trận chiêm bao ảo dị dập dìu :

Một người nằm thở quạnh hiu

Mơ mòng thiếu nữ cô liêu giáng trần

Gió khuya đập cửa bất thần

Giựt mình thức dậy mấy lần chiêm bao

Có nàng tiên dáng cao cao

Nước da mòng mọng hao hao bông hường

Cái đêm lành lạnh chiếu giường

Gió lùa hương lạ bên đường tạt qua

Đêm qua thương nhớ người ta

Tối nay tơ tưởng thiên hà bơ vơ

Tháng ngày tôi nhớ bâng quơ

Những nàng con gái bao giờ gặp đâu

Gặp nhau bao giờ chưa hỡi những sắc nước hương trời, những kỳ hoa dị thảo, những hương đồng cỏ nội khắp lâm tuyền, biên ải ngoài bến gió bờ sương ở mọi chốn muôn nơi, hỡi Quế Hương, Thanh Hoài, Phong Sương Trần Thi Loan, Hoàng Thu Uyên… diễm tuyệt một thuở nào quyến rũ du dương tận xứ miền Liên Chiểu hay ngút ngàn sương khói Đà Lạt quá mang mang :

Bầy chim bạc má gọi đàn

Thương nhau gặp lại trên ngàn đỉnh cao

Trở về Đà Lạt ngó đào

Ghé thăm Liên Chiểu thuở nào yêu nhau

Yêu nhau cảm động dường nào, xao xuyến, xốn xang, rộn ràng trong tiếng hát liêu



trai của nàng ca sĩ yếu gầy mà thi nhân hơn một lần say đắm mộng lao đao :

Cô đơn về trắng sương rừng

Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm

Khuya buồn tủi nhục môi em

Mưa run lặng lẽ bên thềm bơ vơ

Tiếng ru vàng xuống đôi bờ

Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu

Tay gầy ôm chặt tình yêu

Anh về phố gục những chiều hư vô

Đời đi trên những nấm mồ

Đau tim em hát cơ hồ khăn tang

Phố chiều thả bước lang thang

Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh

Nửa đêm khói đốt đời anh

Yêu em câm lặng khô cành thu đông

Lời em như một dòng sông

Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên

Mưa chiều nước chảy triền miên

Một con chim dại lạc miền hoang lương

Về đâu thương những con đường

Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

Hè xưa phố cũ tuy buồn mà vẫn có một vẻ đẹp não nùng của thứ tình yêu diêu mang lãng đãng. Chàng thi sĩ đa tình đa cảm, trót vương mang nàng thơ gầy guộc có đôi mắt sầu mộng u huyền trên cao nguyên nghi ngút sương mù bay trắng cả rừng thông, suốt mười năm trời đằng đẵng mộng mơ, nhớ thương tưởng vọng trong da diết ngậm ngùi :

Mười năm qua gió thổi đồi tây

Tôi long đong theo bóng chim gầy

Một sớm em về theo giấc ngủ

Bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông

Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

Trong mơ em vẫn còn bên cửa

Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông

Mưa hạ ly hương nước ngược dòng

Tôi đau trong tiếng gà xơ xác

Một sớm bông hồng nở cửa đông

Phải chăng đó là cõi mộng hư ảo tự thuở nào xa ngút ở trên rừng Phi Nôm Đà Lạt hay dưới vùng biển Vạn Giã Nha Trang. Ơi nhớ một chiều mưa thấp thoáng, chàng



thi sĩ rời bãi biển cát trắng, gõ nhịp bước đơn hành đi về leo lên sườn đồi cao Hải Đức, bỗng sực thấy cây khế bừng rộ hoa tim tím bên triền dốc đá hoang thưa :

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

Hoa nở rồi tàn cũng như những nàng con gái mộng mơ đến rồi đi. Tuy vậy vẫn còn phảng phất những làn hương tóc mị kỳ cứ ám ảnh chập chùng mãi lung linh :

Tình bay lên nóng trăng sao

Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm

Thầm cảm nhận thấm thía hương vị mị kỳ của tình yêu tương đối và tuyệt đối, rồi từ đó, thi nhân tự nhiên như nhiên chuyển dần sang ngạt ngào tuyệt bích tình thương. Tình thương yêu tối thượng như mây lan tỏa khắp mười phương, chan chứa trộn lẫn trong giọng chim ca lăng tần già hòa quyện tiếng kêu thanh tao, thánh thót nhập hồn sương khói vô vi trở thành Bồ đề tâm thâm viễn miên trường :

Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy cúng dường

Lôi bồ đề tâm dậy

Chấn động khắp mười phương


Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy vô lượng

Lôi bồ đề tâm dậy

Địa động cả mười phương


Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy đại dương

Lôi bồ đề tâm dậy

Sấm sét nổ mười phương


Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy vô thường

Lôi bồ đề tâm dậy

Sấm chẻ đứt kim cương


Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy thiên hương

Bồ đề tâm tăng trưởng

Bông quỳnh nở bất thường


Chim ca lăng kêu sương

Tôi sụp lạy vách tường

Bồ đề tâm quy ngưỡng

Bông trang trổ đầu đường

Khi thi nhân quỳ xuống, sụp lạy tất cả muôn loài vạn vật, đất trời thiên vạn cổ là lúc Bồ đề tâm bừng dậy tỏa chiếu hào quang rạng rỡ khắp muôn phương. Bồ đề tâm chính là Đại bi tâm, có thể làm sụp đổ tất cả mọi ác pháp. Phạm Công Thiện từ bao giờ đến bây giờ vẫn thường xuyên miên mật hít thở trong bầu khí hậu phong nhiêu ấy, hơi thở biến thành hành động sụp lạy là đã nhập vào vô ngã, vắng lặng cái tôi, vắng lặng mọi so đo chân giả, xa lìa mọi giả danh, tham chấp, chỉ còn đương xứ tức chân, hiện bày ngay cái đang là.

Đang là thì không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, dù cuộc lữ bắt đầu khởi sự từ vô lượng kiếp rồi, dù có đi vòng quanh hết quả địa cầu này thì cũng đẻ thấy lại cái tâm hồn mình, như Henry Miller nói : “Vì chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại thôi, đó là đi vào bên trong mình và đi vào trong lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.”**** Thì ra là vậy, thật đơn giản mà độc đáo vô cùng.

Cùng nòi giống, cùng dòng máu Henry Miller nên Phạm Công Thiện cũng nhiệt liệt, hiên ngang theo dõi cuộc phiêu lưu thám hiểm vào nội tâm thầm kín, để khai phá ra những bí mật bên trong thế giới tâm linh sâu thẳm của chính mình. Cuộc lữ tư duy khủng khiếp từ khi thi sĩ tự nguyện làm lạc đà gánh nặng, băng qua những sa mạc cát trắng khô hạn, cháy bỏng vết hằn cay đắng, thê lương, vượt qua ngàn cơn bão lốc khốc liệt, kinh hoàng của nỗi đời dâu bể tan hoang cũng như từng say đắm, say sưa chén rượu hồng nhan, túy lúy càn khôn bổi hổi, rồi dấn thân làm sư tử oai phong lẫm liệt, đi đứng một mình, không bè nhóm, không đảng phái, không ý thức hệ, chỉ gầm rống vang động, làm rung chuyển khắp sông hồ dữ dội, hùng tráng, uy nghi, khí phách giữa tồn sinh bức bách, xuống biển lên đồi.

Rồi bất ngờ đến kỳ lạ, sư tử biến thành thằng bé trẻ dại hài nhi với nụ cười tươi tắn niềm hân hoan thơ ngây, thấy gì cũng rực ngời mới lạ, bằng con mắt trong veo, trong trẻo trinh nguyên xanh biếc trời thơ đất mộng không tên.

Trên cung bậc ngân vang ngút ngàn sáng tạo, Phạm Công Thiện cùng tương ứng với triết gia Nietzsche về ba hóa thân : Lạc đà,. sư tử và hài nhi. Trước hết tinh thần trở thành lạc đà, chuyên chở gánh nặng văn hóa, truyền thống… tiêu biểu những giá trị lỗi thời xưa cũ. Sư tử là chúa tể rừng xanh, tượng trưng cho ý chí, trí tuệ siêu việt, mạnh mẽ phá hủy tất cả những triết thuyết độc thần, hư vô, duy vật lỗi thời đó, làm sụp đổ hết thảy mọi thần tượng do con người sợ hãi dựng lên và cuối cùng là hài nhi hồn nhiên, là biểu tượng cho sự bắt đầu, khởi nguyên hoàn toàn mới mẻ, là một tiếng cười rỗng rang, một tiếng ừ chấp nhận thiêng liêng.

Hài nhi xem mọi sự như trò chơi, trò đùa vui vẻ, chẳng có chi phải trầm trọng, nặng nề, chẳng có gì phải van xin, tôn thờ, sợ hãi. Hài nhi chỉ biết yêu thương múa



hát, hân hoan sáng tạo và sáng tạo thênh thang.

Thênh thang ca hát như Trang Tử dạo khúc Tiêu dao du bên bờ sông Dương Tử hay như Milarepa hát ca những lời thơ siêu thoát trên tuyệt đỉnh Hy Mã Lạp Sơn lạnh rờn tuyết trắng, hoặc như Beethoven Hòa tấu khúc thứ 9 bất hủ và Phạm Công Thiện cười vang lên như tiếng gầm sư tử trầm hùng tự tại thong dong :

Anh vụt cười to động đóa hồng

Dịu dàng em rắc giữa hương nồng

Anh ngồi chỗm dậy như sư tử

Vồ chụp bướm ngàn lúc rạng đông

Khi sư tử mà đùa rỡn, nhảy múa với chim ngàn hoa bướm là lúc mọi sự đã trở thành một trò chơi của hài nhi hý lộng, rất mực thuần nhiên thoải mái, thanh thản nhẹ nhàng như thi sĩ tâm sự khơi vơi về thái độ ứng xử giữa cuộc luân lưu sinh tồn linh động : “Sống, ăn ở đời một cách khiêm tốn, tầm thường, nhỏ thấp, cung cách, cử chỉ lặng lẽ từ tốn, nhún nhường, không tìm cách tỏ ra rằng mình là quan trọng đối với con mắt thế gian, nhưng đằng sau bề ngoài tầm thường đó thì hãy để tâm thức mình bay vút, vượt lên trên tất cả quyền lục và danh vọng thế gian…

Chấp nhận tất cả những gì xảy đến đời mình với sự dửng dưng bình thản, mặc kệ giàu hay nghèo, mặc kệ khen hay chê, không thị phi phân biệt cái này với cái kia như đức hạnh và đồi bại, vinh quang và nhục nhã, tốt và xấu. Không đau đớn khổ sở và cũng không ân hận những gì đã qua, không sung sướng hớn hở và cũng không hãnh diện về những gì mình đã thực hiện thành tựu.

Ngó nhìn những quan điểm xung đột và những phát hiện sinh hoạt đa dạng của chúng sinh với lòng bình thản, khinh an và tâm thức siêu thoát. Phải hiểu rằng đời là thế và là thể điệu tác động không thể tránh được của mỗi một sinh thể. Hiểu như thế thì hãy luôn tỉnh thức, thanh thản trầm lặng. Ngó nhìn nhẹ nhàng xuống cuộc đời như một người đứng trên tột đỉnh núi cao nhất, nhìn ngó xuống những thung lũng và những ngọn núi nhỏ thấp trải ra dưới chân mình.”*****

Giữa muôn trùng cuộc lữ, trên con đường mây trắng bềnh bồng, gió trăng đồng vọng, rung ngân lên văng vẳng những cung đàn lã lướt dưới gót chân của chàng thi sĩ dị thường. Bước đăng trình vạn lý du, có đôi lúc cũng dừng gót chân lãng tử lại nghỉ ngơi một vài quán trọ dọc đường như giảng dạy triết lý, văn chương ở đại học Toulouse, nước Pháp hay thuyết trình Thiền tông, Mật tông ở các đại học, thiền viện trên khắp miền viễn xứ California và Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nhật Bản Nohira Munehiro khi làm luận án tốt nghiệp tiến sĩ, lấy đề tài về triết gia Phạm Công Thiện, cho biết các nhà học giả uyên thâm xứ hoa Anh Đào đều tôn vinh, ca tụng Phạm Công Thiện là Long Thọ của Việt Nam.

Từ năm 1966, mới 25 tuổi, Phạm Công Thiện đã nói về Long Thọ : “Theo Trung quán luận, thì sự nô lệ, sự phiền muộn, đau khổ, chấp trước…chỉ là vọng tưởng.

Chúng ta bám chặt vào sự vật, vào ý tưởng, vào con người, vào hoàn cảnh, vào nguyên nhân, vào kết quả, vào mục đích, vào cứu cánh, vào phương tiện, vào sống



và chết : Chỉ vì vọng tưởng tạo ra những đặc tính và những hình ảnh mà chúng ta tưởng rằng có thực và bất di dịch…

Con người giải thoát làm việc thiện, cứu đời, độ thế, không phải để đạt đến kết quả nào ở đời này hay đời sau. Hành động của con người giải thoát là hành động không mục đích và không lý do. Lý tưởng Bồ tát thể hiện trong Đại bi là lòng thương không mục đích, vì còn mục đích là còn trói buộc vào nhân và quả. Trói buộc là nô

lệ, là chấp nhân hoặc chấp quả, chấp ngã hoặc chấp pháp, chấp hữu hoặc chấp không. Hố thẳm chính là phá chấp và phá chấp triệt để…”******

Tinh thần phá chấp triệt để ấy, thể hiện nhất quán qua toàn bộ tác phẩm Phạm Công Thiện từ thuở xưa cho đến bữa nay, nên các học giả Nhật Bản sánh Phạm Công Thiện với Long Thọ cũng là tương xứng, xác đáng. Đại văn hào Mỹ Henry Miller thì cho rằng, Phạm Công Thiện là hậu thân của Rimbaud, một thi sĩ tiên tri thấu thị của nước Pháp. Nhà thơ Giang Trần, nhà thơ Phan Tấn Hải bên Hoa Kỳ thì tôn vinh, tấn phong Phạm Công Thiện là bậc Bồ tát nghệ sĩ, còn riêng người viết bài này, đã từng hân hạnh được bắt tay, gặp mặt trò chuyện với Phạm Công Thiện ở Đại học Vạn Hạnh, vào một chiều mùa hạ năm 1969 thì vẫn xem Phạm Công Thiện là một thi nhân, một thi sĩ với trọn vẹn ý nghĩa của danh từ.

Chính Phạm Công Thiện cũng thường mặc nhiên tự nhận mình chỉ là nhà thơ, một thi sĩ thuần túy mà thôi : “Ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ, ai muốn hiểu sao đó thì cứ hiểu… Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc, hình ảnh của thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh : Hiện hình và hiện ảnh của thơ chính là hiện cảnh linh động, hiện thực hơn tất cả những cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền… Thơ không nói về bất cứ cái gì cả, như vậy mới là tất cả. Thơ chỉ là thơ và thơ tự nói về thơ từ trong thơ đến trong thơ, cả cao và thấp, cả trong và ngoài, ở trên và dưới mặt đất, tất cả chỉ là thơ.”

Vâng, tất cả chỉ là thơ, khi thấy muôn sự muôn việc trên cõi đời này chỉ là thơ và thơ thôi thì lúc ấy mới bừng sáng rực ngời lên chân thực nghĩa vô lượng vô biên của Diệu Tâm thâm diệu, của Nhất Chân pháp giới, trùng trùng duyên khởi Hoa nghiêm, thấy tất cả mọi sự đều tốt đẹp và tốt đẹp. Vì thế, cho nên thi nhân vẫn tiếp tục hân hoan sáng tác, sáng tạo vô ngần bất tuyệt miên man :

Tháng ngày làm thơ chơi

Hồn bay thẳng ra khơi

Bạch phát ngút ngàn tới

Thu phong tắt nghẹn lời


Làm thơ lúc rửa chén

Nước chảy tuôn rỏn rẻn

Bột trắng sạch rêu đen

Bếp nhà rân tiếng én




Xin gọi đại là thơ

Làm lúc nào chẳng nhớ

Cho một cô gái nhỏ

Chưa từng gặp bao giờ


Muốn gì mà có ngay

Thì tai nạn vạ bay

Không thèm muốn gì nữa

Đời tràn ngập thơ hay

Khi thơ hay bay ngập tràn mặt đất trần gian, thì ngôn ngữ Việt Nam cũng bay về ngợp trời xanh bát ngát, làm trang nghiêm cho nụ cười thanh tịnh, quang minh tính thể. Thế là trên ngõ về im lặng, người thi sĩ kỳ tuyệt của chúng ta đã xuống tận hố thẳm cũng như đã lên tột đỉnh cao chất ngất của tâm linh và chợt bừng ngộ thấy ra toàn thể trò đời chỉ là một cuộc đại hòa điệu chơi tối thượng, một trận du hý tam muội lồng lộng, phiêu bồng. Sống là chơi, chết là chơi, yêu là chơi, thương là chơi, vui buồn, sướng khổ là chơi, có không, còn mất là chơi, hơn thua, phải trái là chơi, thành cộng, thất bại là chơi, chiêm bao, mộng mị là chơi, tỉnh thức, thực tế, thực tại là chơi, phiêu bạt giang hồ khắp thế giới là chơi, giảng dạy triết lý, thi ca, thiền học là chơi, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hán, Phạn, Pali… là chơi, thương yêu năm nàng tiên nữ là chơi, làm đại đức, thiền sư Nguyên Tánh là chơi, làm hành giả Mật tông là chơi, làm văn nghệ sĩ là chơi, làm thơ làm thẩn cũng là chơi chơi hết thảy mà thôi. Ơi chao ! Một cuộc đại hòa điệu chơi trùng trùng vô thủy vô chung giữa mênh mông vô tận, bất khả tư nghì…Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng…


Tâm Nhiên



Thơ Phạm Công Thiện, trích trong 2 tác phẩm :

Ngày sinh của rắn. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1966

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn,TP.HCM 2009

* Phạm Công Thiện. Trên tất cả đỉnh cao là lặng im. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM 2009

** Phạm Công Thiện. Ý thức mới trong văn nghệ và triết gọc. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1966

*** Phạm Công Thiện. Henry Miller. Nhà xuất bản Phạm Hoàng, Sài Gòn 1969

**** Phạm Công Thiện. Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất. Nhà xuất bản Trần Thi, California 1988

***** Phạm Công Thiện. Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng. Nhà xuất bản Phương Đông, TP.HCM 2008

****** Phạm Công Thiện. Hố thẳm tư tưởng. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1966
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/02/2019(Xem: 5463)
Trong cuộc sống, người ta thường chọn cho mình một mục tiêu để tiến tới. Riêng tôi, thường tìm về những mưu cầu tâm linh để thăng hoa cuộc sống của mình. Điều làm cho cuộc đời tôi thay đổi khi tôi cảm nhận được ánh sáng nhiệm mầu của Phật pháp đã sáng soi khởi nguồn từ thuở ấu thơ. Có thể nói sự đưa đẩy tìm về ánh sáng Phật pháp đã đến với tôi rất sớm bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình thương một người Mẹ của đứa bé vừa lên một tuổi đã mồ côi.
29/01/2019(Xem: 9610)
Tiểu La Nguyễn Thành, nhân vật kiệt xuất của đất Quảng Nam, người khai sáng Duy Tân Hội, nhà lãnh đạo xuất sắc đồng thời cũng là người tri âm, tri kỉ của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
27/01/2019(Xem: 9883)
Thông Điệp Xuân Kỷ Hợi 2019 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
19/01/2019(Xem: 6664)
Thời gian là cái gì thật mầu nhiệm, không hình không tướng, tưởng như nó dửng dưng, lạnh lùng trước muôn sự, nhưng lại thầm lặng ân cần cất giữ những gì đã đi qua, rồi tùy đối tượng mà hoài niệm. Không ai nắm bắt lại được những tờ lịch đã rơi, nhưng bước chân của bao bậc hiền nhân quân tửđều như còn in hằn trong không gian khi thời điểm luân lưu trở lại theo vận hành của trời đất.
12/01/2019(Xem: 14902)
Thông Bạch Tết Kỷ Hợi 2019 Của Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Sa Môn Thích Thắng Hoan
11/01/2019(Xem: 10431)
Co lẽ mùa trăng Thành Đạo 2562 – 2018 sẽ khó quên đối với nhạc sĩ Hằng Vang và gia đình, khi giữa bao cơn lốc thực dụng xâm chiếm nhiều ngõ ngách cuộc sống và lấn sang cả khu vực luôn được bảo trọng của tâm hồn trong từng con người: Trái tim ! Nếu nói về một sự tưởng thưởng hay tri ân thì nhạc sĩ Hằng Vang có thể còn đi bên trên những khuôn sáo, danh vọng đó. Hơn thế nữa sẽ không ai có thể nhân danh để ghi nhận sự tận tâm , cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc Phật giáo mà không hề đòi hỏi một đồng lương, một phần thưởng nào trong suốt 86 năm dài tận tụy của người nhạc sĩ lão thành hiện đang còn sống duy nhất bên chúng ta.
01/01/2019(Xem: 8351)
Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình mà Nội Ngoại đều tin Phật và nhiều nguời trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
16/12/2018(Xem: 8386)
1.Bảo An Hòa Thượng Nhất Đại Tôn Sư Đại Hỷ Đại Từ Trung Nam Bắc Phái Tề Tâm Kính Ngưởng. 2. Phổ Bảo Danh Lam Thiên Ban Diệu Dụng Ban Tuệ Ban Ân Thượng Hạ Biên Phương Chí niệm Quy Y.
07/12/2018(Xem: 6680)
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân.
28/11/2018(Xem: 6280)
Thế là đã tròn 15 năm kể từ ngày Thầy giã từ cuộc mộng. Chuyến hóa duyên này của Thầy khá là dài.... Con bây giờ đi gần hết đời người, quá nửa việc ngày xưa lẫn ngày nay gần như quên bẵng, nửa còn lại nhập nhằng giữa đôi bờ mộng thực chông chênh. Thếmà, từng chi tiết về lớp học năm xưa vẫn sáng ngời, vẹn nguyên trên đỉnh đồi tâm thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]