Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Di Ngôn Hòa Thượng Bửu Huệ

30/05/201317:33(Xem: 6761)
Di Ngôn Hòa Thượng Bửu Huệ

thichbuuhue


Hòa Thượng Thích Bửu Huệ
(1913-1991)
Phó Viện Trưởng Viện Cao Ðẳng Phật Học Huệ Nghiêm.
Phó Tổng Lý Tổ Ðình Ấn Quang
Viện Chủ Chùa Huệ Nghiêm

---o0o---

Di Ngôn

Hòa Thượng Bửu Huệ

Nhóm Cựu Học Tăng Sưu Tập

---o0o---

Không

Bồ Ðề lý nhiệm có trong không

Giác ngộ chơn Tâm vạn vật đồng

Hiện tướng mênh mông rồi biến mất

Chỉ còn lưu lại Diệu Chơn Không.

TVT Thích Bửu Huệ

DL. 2515 – Xuân Nhâm Tý 1972

Lời Ðầu Sách

Kính dâng Giác linh Hòa Thượng chứng minh.

Kính bạch Giác linh Hòa Thượng!

Trước tiên, chúng con xin thành tâm đảnh lễ sám hối Giác linh Hòa Thượng, bởi vì chúng con từng biết Hòa Thượng không muốn khoa trương sở học, cũng như việc tu hành của mình. Do đó mà Hòa Thượng thường nhắc nhở chúng con rằng:

“Nếu như giáo lý của Phật mình không thông suốt mà tu thì chỉ tự sai một mình mà thôi. Còn đem giảng dạy thì có nhiều người sẽ hiểu sai nhưng nếu viết in thành sách mà nội dung chưa hoàn chỉnh thì có hại không biết bao nhiêu thế hệ về sau”. Vì thế, Hòa Thượng không hề lưu lại một bút tích nào cả. Trong những buổi họp chúng, hoặc dạy ở lớp học, Hòa Thượng thường hay nhắc nhở chúng con qua bài thơ của một Thiền sư:

“Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

Tạm dịch:

“Nhạn liệng trời không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý để hình

Nước vô tình giữ bóng làm chi”.

Bài thơ này ý nói đến tâm và cảnh, cảnh thì có hình tướng, còn tâm thì không tướng cũng không hình.

Cổ đức dạy:

Hữu tâm vô tướng

Tướng tự tâm sanh

Hữu tướng vô tâm

Tướng tùng tâm diệt.

Bài kệ trên nhằm xác định: Tâm không dính mắc vào trần cảnh, dù cảnh có hiển hiện như thế nào nhưng tâm không hề vướng bận. Ðây chính là chủ ý của Hòa Thượng không lưu lại một bút tích nào, dù đó là đường lối tu hành giải thoát.

Kính bạch Giác linh Hòa Thượng,

Từ lâu, chúng con mong muốn làm sao khơi lại những lời dạy của Hòa Thượng nhưng chưa thực hiện được. Hôm nay, chúng con không nệ sự hiểu biết hạn hẹp của mình mà chỉ vì nghĩ đến sự lợi ích cho hàng tứ chúng nên mới mạo muội sưu tập và ghi lại những lời này. Chúng con rất trân trọng coi đây là những lời di huấn vô cùng quý báu, nhắc nhở chúng con trên bước đường tu học, đồng thời có dịp hồi tưởng lại công hạnh tu hành cũng như bản nguyện của Hòa Thượng là suốt đời vì Ðạo và đào tạo Tăng tài theo chủ trương “Tre tàn măng mọc” của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (Viện trưởng Viện Hóa Ðạo) luôn ưu tư.

Thưa quí Phật tử, làm việc này chúng tôi cảm thấy không thuận theo ý của Hòa Thượng nhưng thiết nghĩ nếu Phật tử nào hữu duyên với Hòa Thượng cùng chúng tôi được xem qua và xét thấy những lời dạy của Hòa Thượng là đúng thì hãy cố gắng thực hành theo. Như vậy, mới có thể báo đáp được thâm ân của Hòa Thượng và chắc chắn rằng Giác linh Hòa Thượng sẽ hoan hỷ cho việc làm của chúng ta. Vì lần đầu tiên làm việc này nên không sao tránh khỏi điều sơ sót, kính xin quý vị tôn túc đạt ý quên lời và từ bi hoan hỉ và chỉ giáo cho.

Ban sưu tập xin chân thành cảm tạ.

Huệ Nghiêm – Nhân ngày húy kỵ Hòa Thượng 27/10/2004 (Giáp Thân)

Kính ghi.

Bia Lưu Niệm

Huệ Nghiêm Viện chủ- Bửu Huệ Thượng Nhơn

91htbuuhue1

Thượng nhơn tộc tánh Nguyễn, húy Văn Ba, người xã Tân Hội, tỉnh Long An, sanh năm Giáp Dần (1914). Căn lành gieo sẵn, vào đạo đồng chơn. Khi còn làm cư sĩ tại gia, Thượng Nhơn từng dự nghe pháp tại nhiều giảng hội. Kế lại cầu pháp nơi Hòa Thượng Huệ Ðăng, chùa núi Thiên Thai. Ngài trì chú Chuẩn Ðề và niệm Phật, lấy đó làm thường khóa, từng được nhiều ứng nghiệm. Sau khi xả tục đến cầu Hòa Thượng Pháp Long chùa Khánh Quý làm thầy thế độ. Tiếp theo lại xin thầy cho vào các Phật học đường: Phật Quang, Liên Hải, Ấn Quang để học Phật. Mãn khóa Cao Ðẳng, Thượng Nhơn về cất thất trong khu vườn gần nhà, tự tu liên tục hơn 10 năm, nhân tiện để hóa độ hương thôn và quyến thuộc mong báo đáp thâm ân.

Mùa Ðông năm Quý Mão (1963), Thanh Từ Ðại Sư tìm đến thỉnh ra hoằng hóa. Ngài xét thấy pháp duyên đã thành thục nên nhận lời lìa thất đến dạy chúng ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm và Ni trường Dược Sư trước sau gần 30 năm. Cuối Tân Mùi niên (1991), hóa duyên đã mãn, Thượng Nhơn an lành viên tịch vào ngày 27 tháng 10 tại bản viện.

Tiếc thay! Ma quân chưa diệt, pháp tướng mất tăm, thuốc độc còn vương, cha lành vắng bóng! Gió mây biến sắc, thương sen tươi đẹp sớm tàn, tùng trúc phất phơ, sầu hóa hạc mơ trăng sáng! Than ôi!

Lối hiểm sương giăng, ngày trước đạo sư đâu tá?

Tăng hiền đạo diệu, tưởng chừng liên quốc hoa khai

Ðã về An dưỡng chừ, mau lên pháp nhẫn.

Chẳng bỏ mê sanh, chừ, xin nguyện tái lai.

Ngày Phật Thành Ðạo – Vô Nhất đề.

Diễn Văn Khai Mạc

Trích diễn văn khai mạc lễ mãn khóa Trung Ðẳng II – Ban chuyên khoa. Hòa Thượng đọc ngày 25 – 4 -1971 (01-4-2514 Tân Hợi)

Kính thưa liệt quý vị,

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, trước sự hiện diện đông đảo của liệt vị, chúng tôi không thể không dành một vài phút để sưởi ấm lại những gì về quá khứ. Khơi sâu lại dĩ vãng, không gì khác hơn để quý vị cùng chúng tôi tưởng niệm lại một phần công đức sâu dày của quý vị sáng lập cùng quý Phật tử nhiệt tâm vì đạo pháp mà hết lòng đóng góp xây dựng.

Thật ra, danh hiệu Phật học viện hôm nay được phát xuất từ một bảng hiệu nhỏ nhất “Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa”, có vẻ âm thầm kín đáo sau mùa pháp nạn 1963. Vượt thoát khỏi những tang thương khổ não, Giáo hội đang nghĩ đến một vấn đề trọng đại là Ðào tạo Tăng tài để cung ứng cho giai đoạn. Trong thời gian phôi thai nhưng gần như đúng lúc, hai Thượng Tọa Thanh Từ, Thiền Tâm và tôi, sau khi tốt nghiệp đã tạm lui về thiền cốc tịnh tu. Gần như cơ duyên đã đến, ba chúng tôi phát nguyện đóng góp Phật sự bằng cách nhận lời của chư Thượng Tọa Hội đồng Viện hóa đạo, mở lớp Trung Ðẳng Phật Học chuyên khoa để hướng dẫn cho đàn hậu tấn. Cùng lúc quý Phật tử Diệu Nhẫn, Minh Thiện, Như Thông v.v... đã góp công đức một cách mạnh mẽ nên trường đã trưởng thành gần như đúng với ý nghĩa. Thế là một lớp thi tuyển thành hình vào tháng 2 năm 1964. Kết quả trúng tuyển được 38 vị. Mài miệt cả hai chương trình nội cũng như ngoại điển suốt 3 năm, kết thúc bằng một buổi lễ mãn khóa và phát phần thưởng thật đơn giản nhưng trang nghiêm không kém vào tháng 2 năm 1966.

Sau khi mãn khóa, Tăng sinh lại được dự kỳ thi tuyển vào đại học Vạn Hạnh, kết quả 16 vị trúng tuyển. Một số hiện còn theo học, số anh em khác đã rời khỏi viện đảm nhận những Phật sự quan trọng tại các địa phương; một số lưu tâm đến việc dìu dắt đàn em nên đã cũng chúng tôi ở lại bản viện đóng góp duy trì lớp Trung đẳng này trong mấy năm qua, và kết quả là quý vị đã quang lâm chứng minh buổi lễ mãn khóa phát phần thưởng hôm nay.

Ghi chú của Ban biên tập:

Qua bao tháng năm thăng trầm, theo định luật vô thường của cuộc đời nên kẻ còn người mất là lẽ tất nhiên. Dưới đây là số hiện diện mà Ban biên tập còn biết được:

1. H.T Thích Phước Hảo trụ trì TV Chơn Không – VT

2. H.T Thích Ðắc Pháp trưởng BTS Vĩnh Long

3. H.T Thích Pháp Chiếu phó BTS tỉnh Lâm Ðồng

4. H.T Thích Quảng Hiển PBTT,HT Trường Cao Trung Bà Rịa, Vũng Tàu...

5. H.T Thích Nhật Huệ PBTS tỉnh Vĩnh Bình

6. H.T Thích Ðồng Huy trưởng BTS tỉnh BRVT

7. H.T Thích Thiện Chí trú tại Thủ Ðức

8. H.T Thích Phước Ðịnh trụ trì chùa Giác Sanh

9. H.T Thích Tâm Thọ cư trú tại Mỹ

10. H.T Thích Tịnh Nghiêm CÐD huyện Cam Ranh (KH)

11. H.T Thích Nhật Quang phó BTS tỉnh Ðồng Nai

12. H.T Thích Tâm Thủy trưởng BTS tỉnh Phú Yên

13. H.T Thích Tịnh Diệu CÐD huyện Vạn Ninh-KH

14. H.T Thích Huệ Hà trưởng BTS tỉnh Bạc Liêu

15. H.T Thích Minh Kiến 

16. H.T Thích Quảng Hiển trưởng BTS Bà Rịa-Vũng Tàu

17. H.T Thích Minh Bá Bảo Lộc

18. H.T Thích Chơn Lạc trụ trì chùa Huệ Nghiêm

19. H. T Thích Viên Thành Mỹ

20. H.T Thích Ðồng Hạnh trụ trì Thiền Tịnh đạo tràng-CL

Tóm lại, lớp Cao Ðẳng Phật Học chuyên khoa I gồm 36 vị chính thức và cộng với số dự thính là 45 vị. Hiện Ban sưu tập biết được còn 19 vị. Nếu vị nào có dự học mà Ban sưu tập chưa biết được, xin quý vị từ bi hoan hỷ cho.

Theo Dấu Chân Xưa Trở Về Cảnh Cũ

Hòa Thượng soạn bài này là kim chỉ nam cho chúng ở Huệ Nghiêm áp dụng tịnh tu trong thất, từ năm 1976 (ngày 15-4 Bính Thìn) đến nay.

Ðức Bổn Sư dạy:

Nhược ly tiền trần, hữu phân biệt tánh tức chơn nhữ tâm (chỉ chơn tâm)

Tánh giác bổn minh, minh năng sanh sở, hựu chấp sở minh, năng sở uyển nhiên, toại thành hư vọng (phá chấp)

Nhược nhất nhật chí thất nhật nhất tâm bất loạn, kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Ðà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền. Thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh (phải được tam muội).

Thân Ðâu Tâm Ðó

(Cảnh duyên tâm)

Từ xưa tâm cảnh liên quan

Cảnh mà xao động tâm an mấy người?

Muốn tâm lắng bớt duyên đời

Cảnh mà thay đổi dễ dời bản tâm

Cảnh không tâm lại chưa không

Tâm thầm duyên cảnh ngấm ngầm khó thay

Tự mình xét tự mình hay,

Vọng duyên trôi mãi biết ngày nào ngưng

Càng trôi càng cách nguồn chơn

Vô tâm để vậy chuốc hờn về sau.

Sớm đem chánh niệm thay vào,

Di Ðà sáu chữ tiêu hao vọng trần

Sâu là bể ái nguồn ân

Niệm rành nghe rõ lần lần tiêu ma.

Lắm gương chư Tổ thiền gia

Thoại đầu câu Phật chứng đà quả cao

Ðặt gương tổ trước ta sau

Bớt duyên chuyên niệm pháp mầu nào hơn.

Ưu Cần Tại Niệm

(Tâm duyên cảnh)

Kẻ ngu quên tâm chỉ giữ cảnh

Người trí bỏ cảnh để giữ tâm

Nào hay tâm cảnh chỉ một thể

Tùy duyên trấn định sẽ không lầm.

Tà tà trăng lặn đầu non

Lạc đà con vượn véo von kêu sầu

Trước đèn tàn thuở đêm thâu

Khách thơ ngân ngợi vẳng đâu bên đồi

Lúc này ai rõ khúc nôi

Có ông sư cụ đứng ngồi trong mây.

Khi xưng tụng danh hiệu

Không Phật cũng không ta

Duy chỉ nghe có tiếng

Nam Mô A Di Ðà Phật.

Nhiều năm ngồi tịnh núi Ðại Hùng

Quả thật thân cùng đạo chẳng cùng

Lục tự chuyên trì chân thọ ký

Lưu truyền hậu thế rõ tông môn.

Bổn Lai Diện Mục

(Tâm duyên tâm)

Trăng trong in khắp muôn dòng nước

Thông cỗi tha hồ bốn gió rung

Xưa mê nay tỉnh là như thế

Ðạo cả sâu xa lòng hiểu lòng.

Nghe lại những điều mình đã biết

Xét đi nghĩ lại cho thật tinh

Chớ tìm tri thức trong mơ mộng

Ngắm lại mình thấy mặt thầy mình.

Sắc tướng tắt nhãn quan cũng tắt

Thanh trần tan nhĩ thức liền tan

Gốc kia còn mãi bao tàn

Hôm qua qua khỏi, lại sang hôm này.

= = = =

Muôn xưa biết mấy nhiêu đàng

Bây giờ coi lại rõ ràng là đây.

= = = =

Không phải gió động, phướn động, chính tâm ông động.

= = = =

Khi không nghĩ thiện nghĩ ác, lúc đó là bản lai diện mục của ông.

= = = =

Gương Chư Tổ

Ngài Ca Diếp:

Ẩm quang trọn kiếp đầu đà hạnh

Thị chúng mỉm cười rõ lý mầu.

Ngài A Nan:

Khánh hỷ đa văn trọn kiếp hầu

Gạn lòng bảy chỗ chẳng tìm đâu

Về sau thức trắng chừng ra lẽ

Mới rõ năm xưa chẳng luống hầu.

Ngài Huệ Viễn:

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang

Lập thành liên xã hướng liên bang

Một đời cấm túc chuyên câu Phật

Tam tiếu hổ khê tổ viễn công.

Ngài Huệ Khả:

Vì muốn an tâm khổ nhọc cầu

Tổ kêu đem lại chẳng tìm đâu

Sau câu tỏ ngộ an rồi đó

Ðoạn tý an tâm chẳng luống cầu.

Ngài Huệ Năng:

Tiều ông chợt ngộ ưng vô sở

Tám tháng công phu chẳng để hở

Tổ gọi trắng chưa, bạch thiếu sàng

Huỳnh mai đêm ấy truyền y tổ.

Y bát truyền xong bảo đợi cơ

Chỉ tâm nguồn động không chi khác

Ðại pháp Tào khê thạnh bấy giờ.

Trở về nẻo cũ

Trở về nẻo cũ chẳng đâu xa

Chánh niệm lâm chung Phật hiện ra

Tự tánh tương ưng ta sẵn đủ

Hợp cùng bổn nguyện đức Di Ðà.

*******

Hợp cùng bổn nguyện đức Di Ðà

Ta thấy lợi này mới nói ra

Nặng nghiệp chúng sanh cơ mạt pháp

Nương môn Tịnh độ thoát Ta bà.

Tứ Oai Nghi

(của Thiền sư Văn Thủ, Hòa Thượng Bửu Huệ dịch)

Ði:

Khoan thai rảo bước mà đi

Chướng tai gai mắt có gì bận tâm

Nhiễu quanh tư thế trầm ngâm

Tay lần tràng hạt âm thầm cùng đi.

Ðứng:

Chỉ hằng biết chiều chiều sớm sớm

Duyên khởi lên phân biệt mà chi

Muôn vàn sai khác cõi này

Nhơn nào quả nấy nhọc gì đến ta.

Nằm:

Bụng no nê đánh khò một giấc

Gối êm ru tĩnh mặc an nhàn

Mừng thay chẳng kẻ tìm ta

Món hàng ế ẩm nằm trơ nay kìa.

Ngồi:

Trời nam trước án ngồi chễm chệ

Tối ngày chẳng hề nghĩ ngợi gì

Nào phải cố giữ lòng chi tỉnh

Bởi vì chẳng vướng việc chi chi.

Thân Ðâu Tâm Ðó

(Bài giảng của Hòa Thượng Bửu Huệ nhân ngày Khánh Ðản Ðức Phật A Di Ðà – 17 – 11 – 1981- Tân Dậu)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hôm nay là ngày Khánh Ðản Ðức Phật A Di Ðà, quí Phật tử có duyên lành, mặc dù rất bận rộn cũng cố gắng sắp xếp việc gia đình để đến dự lễ khánh đản của đức Phật. Nhưng tiếc vì sức khỏe của tôi quá kém, hay mệt bất thường nên buổi lễ khai kinh lẽ ra phải đi đúng giờ nhưng đành phải trễ nãi đôi chút. Do vì lòng thành của Phật tử đối với Tam Bảo và đức Phật, nên dù giá nào quí vị cũng cố gắng về đây tham dự nên tôi rất cảm động. Do đó dù cho có mệt mỏi thế nào, tôi cũng cố đến gặp quý Phật tử để nói đôi lời cho thỏa lòng của tôi.

Nói tóm lại, chúng ta là người con Phật lại ở thời mạt pháp nên thân tâm luôn luôn khổ sở, mà có cái gì để an ủi tinh thần, chỉ có đạo đức, đạo đức thì có gì tượng trưng cho thật xứng đáng, muốn được xứng đáng thì chỉ có ngày vía của Ðức Phật A Di Ðà. Vì sao? Vì đức Phật Di Ðà đã phát nguyện từ nhiều đời rồi, Ngài đã thành Phật để độ tất cả chúng sanh nào thành tâm niệm Phật mười câu, Ngài sẽ rước về nước của Ngài. Tụng trọn bộ Kinh Pháp Hoa là giáo Pháp của đức Phật Thích Ca đã dạy. Hôm nay đầy đủ duyên lành, tôi sốt sắng đến đây, tùy thuộc vào cái duyên thầy trò của chúng ta nói được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nếu tôi mệt bất thường thì ngưng ngay chỗ đó.

Bây giờ nói về bổn phận của Người Phật tử, là người con của Phật mà có sở nguyện, thì dù giá nào hay ở cõi nào, đời nào cũng phải cố gắng nghe lời đức Bổn Sư Thích Ca, phải niệm Phật để trở về với Phật, đó là ước nguyện chung của tất cả chúng ta. Tôi có ý định là muốn nói thật nhiều, nhưng vì sức khỏe kém nên nói được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Quí Phật tử nên thông cảm ở chỗ đó.

Nam Mô A Di Ðà Phật.

Tất cả chúng ta ai cũng có thân, mà có thân thì có tâm, cái tâm đó có công dụng là nghe và nhớ, nhớ để làm, vì đó là cái họa đồ có 3 công dụng:

1.Tâm làm chủ cho việc thiện

2.Tâm làm chủ cho việc ác

3.Tâm làm chủ cho cả hai thiện và ác.

Con người chúng ta đều có thiện lẫn ác, vậy khi làm chủ cho cái thiện thì phải khéo léo vì thiện chỉ cho sự thương, mà thương tức là ái. Khi làm chủ cho cái ác, chỉ cho sự ghét, thì bị ngũ dục lộng hành và bị nó cướp quyền. Như vậy thì dù thương hay ghét cũng dẫn đến trầm luân. Cả 2 dù thiện hay ác đều lệ thuộc vào cái thứ 3, đó gọi là chơn tâm.

Tất cả chúng ta ai cũng có cái tâm, trong cái thiện hay ác còn có làm chủ, lại còn có cái không thiện cũng không ác, nó không có khả năng áp đảo ai hết, nên dù thiện hay ác lôi kéo theo ngũ dục nó cũng làm thinh. Hiện tại chúng ta đang bị 2 cái ở ngoài là thiện và ác nó sai khiến, mà chưa thấy được cái hữu dụng ở bên trong và chưa thực hiện được, hoặc thực hiện không đúng. Do vậy chúng ta phải chịu trầm luân sanh tử. Tôi muốn nhắc lại là đức Phật Thích Ca đã dày công tu hành mới thành đạo. Trước hết Ngài đã phải bỏ tất cả hoàng gia, đất nước, vợ đẹp con xinh, xuất gia thực hành tu khổ hạnh nhiều năm vẫn chưa tìm thấy con đường giải thoát cho mình và chúng sanh. Ngài phải ngồi thiền thêm 49 ngày nữa và cuối cùng đã thấy được chân lý. Ngài mới nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh sao lại trầm luân”. Vậy thì Phật tánh thẩm sâu trong con người này chớ không phải ở đâu xa. Bây giờ tôi hỏi tất cả Phật tử, quí vị phải thật tâm nói lên, không phải nói với tôi mà nói với tâm của mình. Trong 3 ngày về đây tụng kinh Pháp Hoa, trong 10 phần thì Phật tử để ở đây được bao nhiêu phần, còn lại thì quí vị nhớ việc nhà, việc buôn bán, làm ăn v.v... Nói thẳng ra tuy thân đang ăn, ở, tu tại Huệ Nghiêm, tâm lại đi tản mác khắp nơi có phải vậy không? Tóm lại, nói đúng nghĩa “thân đâu tâm đó” chúng ta thực hiện cao lắm chỉ được 20 phần trăm. Quí Phật tử bỏ hết công việc về đây 2,5 ngày và 2 đêm, nhưng quí Phật tử xét lại mình xem thân ở chớ tâm ở được bao nhiêu. Phải thành thật xét lại mình mới biết cái lỗi là ở tại mình. Nếu người nào muốn vãng sanh, được Ðức Phật Di Ðà rước về nước của Ngài thì phải thực hành đúng theo lời của đức Phật Thích Ca dạy, như vậy mới có thể là ở trong tâm này chớ không phải ở đâu xa, mà nếu chưa biết thì nó vòi vọi muôn trùng xa.

Nếu biết tự tánh Di Ðà duy tâm tịnh độ ở đây, như vậy mình đến đó đâu có xa. Ðó là tại mình không làm, làm không quen, không kiên nhẫn làm, hoặc không đủ duyên phước để làm. Còn anh em chúng tôi ở đây cũng có chút duyên, chút phước được nhập thất tịnh tu, nhưng nhập thất đó thì cũng tập theo đời nay chớ đâu phải như người xưa.

Ðức Phật Thích Ca chỉ tự tánh Di Ðà của mình sẵn có ở đây mà mình không có lần nào gặp được, và cũng không có sống được với nó, diệu dụng lắm mà không hưởng được việc đó. Tôi xin nhắc lại ở trong ta có thiện, cái thiện thường thường nó cảm tình, mà cảm tình thì thuộc về ái, thứ 2 là cái sân, cả 2 thứ này đều thuộc về ngoại cảnh, mà ngoại cảnh luôn luôn bị ràng buộc trong ngũ dục, nhất là danh lợi, ngủ nghỉ, ân ái, ngũ dục luôn lôi cuốn chúng ta và nó là bạn thân nhiều đời kiếp. Còn chúng ta ngày nay đã có giới định huệ sẵn, chúng ta phải dùng giới định huệ để vô hiệu hóa tham sân si, nếu cứ để tham sân si lôi kéo rồi chạy theo ngũ dục thì sẽ bị ngũ dục lôi kéo, do ngoại cảnh nó chạy đầu này đầu kia, nó không từ chỗ nào hết, nên gọi là vọng duyên, chỉ có duyên vọng chứ không có cái duyên nào chơn hết. Mặc dù là vọng duyên nhưng nguồn chơn cũng dần dần bị vọng duyên lôi kéo, cho nên dù nằm đó niệm Phật mà nhớ nhung đủ thứ không yên khiến cho phải ngồi dậy đi tìm cái vọng trần. Do vọng duyên thúc đẩy, lại bị vọng trần lôi kéo, nên dù nằm cố ngủ mà không ngủ được. Còn nguồn chơn thì vốn sẵn có, nó thuộc về cái thứ 3, chỉ khi nào nhiếp tâm niệm Phật là gặp nó. Do vọng duyên thúc đẩy, tay chân làm việc gì đó tức là chạy theo vọng trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.) đó là ý chính của bài này. Muốn nói rõ ý “thân đâu tâm đó” tôi xin hỏi lại một lần nữa. Thân đang ở đây còn tâm thì ở đây được bao nhiêu? Vậy “thân đâu tâm đó” nghĩa là thân đang làm việc gì tâm cũng ở đó. Ví dụ như Phật tử đang tụng kinh quyển thứ 3, tung xong, vị nào siêng thì xuống phụ ở nhà trù, đang ngồi lặt rau nhưng lại nói chuyện tụng kinh: “Buổi chiều này chị ngồi kế bên ở nhà tụng thiếu hết 1 quyển”. Tôi xin hỏi vị đó đúng hay sai? Vậy thân ngồi đó lặt rau thì tâm cũng phải ở đó. Còn nhớ nghĩ đến việc khác là sai. Như vậy Phật nói đúng mà chúng ta lại làm sai phải không?

Bây giờ đi vào đề tài “Thân Ðâu Tâm Ðó”.

Từ xưa tâm cảnh liên quan

Cảnh mà xao động tâm an mấy người

Muốn tâm lắng bớt duyên đời

Cảnh mà thay đổi dễ dời bản tâm

Cảnh không tâm lại chưa không

Tâm thầm duyên cảnh ngấm ngầm khó thay.

Từ xưa tâm cảnh liên quan: Như Phật tử liên quan với chùa, với bạn bè, với bà con, với chợ v.v.. vì có liên quan nên ngày nào cũng đi chợ để mua thứ này thứ nọ, thành ra chúng ta bị kẹt với chợ do cái ăn, cái mặc, cái ở. Vì ăn mặc ở dính liền với con người. Tôi liên quan với quý thầy ở Huệ Nghiêm, còn quý Phật tử không quên quan sao. Khi tiếp xúc với quý thầy để học hỏi về đạo có bao giờ quí Phật tử nói chuyện mà sanh buồn phiền không? Vào chùa để học hỏi đạo lý chớ đem chuyện chê bai ở ngoài chợ mà nói thì nguy to, vì nó liên quan làm cho mình có sự thương sự ghét. Như vậy nó liên quan ngoài chợ nhiều hơn mà mình không biết. Nó liên quan cũng như chim với hư không, như cá với nước, như mình với xã hội qua việc giao tế hàng ngày. Có mặt thì liên quan đã đành, vắng mặt cũng liên quan, sự liên quan đó khổ sở cũng như cá bị nước đục, bị sóng đánh, chưa nói đến bị nước phèn nước dơ hay bị nước mặn, con người mình còn liên quan nhiều việc hơn thế nữa, nên nói khổ hơn cá liên quan với nước, chim với hư không.

Cảnh mà xao động tâm an mấy người: Như có người nói dù tôi bán buôn ở ngoài chợ chớ tâm tôi vẫn an như thường. Ai nói như vậy là nói thiệt thay nói dối? Còn Phật tử niệm Phật ghi công, cứ hay niệm mà không còn nhớ chuyện này chuyện nọ nữa, ghi thì cứ ghi chớ người hỏi cũng biết, bởi vì người niệm rành cũng như người thợ chuyên môn, còn đối với Phật tử người ta chỉ khuyến khích mà thôi.

Muốn tâm lắng bớt chuyện đời: Dù muốn dù không quý Phật tử về đây tụng kinh Pháp Hoa là muốn bỏ bớt chuyện này chuyện nọ ở nhà. Tôi đồng ý chứng minh khuyến khích, khen ngợi những vị có mặt hôm nay là muốn tâm lắng bớt duyên đời. Do muốn như vậy phải mang thân đến Huệ Nghiêm để tâm nó yên, nhưng ở nhà lại có cháu nội ấm đầu, do vậy thân dù ở chùa tụng kinh mà tâm thì chạy về nhà lo cho cháu. Như thế thì:

Cảnh mà thay đổi dễ dời bản tâm: Muốn cảnh thay đổi thì cần phải có duyên, vì muốn tâm yên nên phải đến chùa để tụng kinh, thọ bát, sám hối v.v... cảnh đã không rồi, nhưng tâm còn vướng mắc nhiều việc buồn giận ở nhà với con vì nó cãi lại hồi tối, như vậy có phải là cảnh không mà tâm chưa không đó phải không? Trong mấy ngày ở chùa tụng kinh và được nghe quý Thầy khuyên nhưng vẫn còn ấm ức trong lòng, nên khi về nhà còn nói: “Tại hôm qua tao đi chùa, chớ ở nhà thì biết tay tao”. Như vậy câu này nói cảnh không mà tâm chưa không. Vậy thì:

“Tâm thầm duyên cảnh ngấm ngầm khó thay.”Ai thấy dễ đưa tay lên coi, nếu không ai đưa tay lên thì tôi nói đó là rất khó. Vậy việc mới đây chưa có gì mà đã thấy là khó, còn nhân duyên trăm ngàn thứ khó nữa. Cái khó thay này cần giải quyết, chớ đâu phải khó rồi để đó. Ngay nơi thân của mình cũng thấy khó, như bệnh hoạn đủ thứ, còn tâm thì chạy lung tung, nhưng việc đó phải tự mình biết tự mình hay phải không? Cái vọng duyên do chạy theo ngoại cảnh thì tự mình biết, tự mình hay chớ không ai biết, nhưng có đức Phật biết. Nếu đức Phật không biết sao nói được câu “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh sao lại trầm luân”. Vậy cứ để vọng duyên trôi mãi biết ngày nào ngưng. Do cái vọng duyên này nó trôi mãi không bao giờ ngưng, nó trôi từ kiếp này sang kiếp khác và đến kiếp hiện tại chúng ta vẫn để nó trôi. Là Phật tử, chúng ta muốn được giải thoát, tâm muốn được giải thoát mới than rằng:

“Vọng duyên trôi mãi biết ngày nào ngưng”,đó là Phật tử chơn chánh. Cái trôi mãi biết ngày nào ngưng, dòng nước cứ trôi mãi, càng trôi thì càng cách xa nguồn chơn là chỉ cho Phật tánh tức là tự tánh Di Ðà sẵn có của chúng ta mà đức Phật Thích Ca đã nói. Ðức Phật Thích Ca đến được cội bồ đề là do dụng công đến chỗ vô tâm. Chữ “vô tâm” của Phật tức là tâm không dính mắc vào mọi hoàn cảnh hay mọi duyên, tức là vô phân biệt. Còn vô tâm của chúng ta là vô mà có phân biệt, vô tâm mà không hiểu biết. Do vì không hiểu biết nên cứ để vô tâm buông xuôi theo ngũ dục, lục trần sai khiến, do vậy mới trầm luân trong sanh tử không ngừng. Ðức Phật dụng công để đến chỗ vô tâm để trở thành bực Thánh và thành Phật giải thoát khỏi sự ràng buộc sanh tử, còn chúng ta vô tâm để rồi trôi lăn trong trầm luân sanh tử. Nên nói:

“Vô tâm để vậy chuốt hờn về sau”.Về sau là về đâu? Là ở kiếp sau, hoặc làm súc sanh, hoặc đọa địa ngục, ngạ quỉ, hoặc nghèo hèn khổ sở v.v.. Ðến lúc Diêm Vương kêu mới biết thì đã muộn rồi. Thế nên chúng ta đừng vô tâm đối với vọng duyên này. Hôm nay đã biết rồi chúng ta phải nên tự giác sớm đem chánh niệm thay vào, đem chánh niệm thay vào chỗ vọng duyên. Vì công dụng của chánh niệm trừ được vọng duyên. Tức là phải chí tâm niệm Nam Mô A Di Ðà Phật sẽ dứt được vọng duyên. Vậy có phải là:

Di Ðà sáu chữ tiêu hao vọng trần”, đối với Phật tử dù cho thật lòng nhưng cũng khó tin, vì đã từng theo mẹ đi chùa và niệm Phật từ lúc nhỏ mà đã tiêu hao gì đâu?

Thế nào là “Di Ðà sáu chữ tiêu hao vọng trần”. Trong kinh nói: “Tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não, Ðức Phật nói tám muôn bốn ngàn pháp môn để đối trị” là gì? Ở đây muốn nói chí tâm niệm rành nghe rõ, thời gian niệm được 3 hay 5 phút được chí tâm nghe rành rõ, trong thời gian đó tâm không bị phiền não chi phối, cũng như ngồi yên một chỗ. Do đó trong thời gian 3 hay 5 phút đó, có phải là vọng trần đã bị tiêu trừ, lúc đó tâm không chạy theo phiền não, suy nghĩ bậy bạ và tạo tội mới. Như vậy thì nhờ sáu chữ Di Ðà mà được tiêu trừ vọng trần, nghiệp chướng phải không? Nếu tiếp theo mình lại niệm lơ là, không rành rõ, thì bị vọng tưởng lôi kéo, lấn áp. Như vậy chúng ta niệm sai, thì theo vọng duyên, còn niệm đúng cách, thì nó có công dụng trừ được tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não. Nên phải gia công cố gắng hết sức mình, chí tâm niệm cho đúng, càng nhiều thì càng tiêu được nhiều tội chướng.

Nói niệm rành là phải niệm từng tiếng cho rành, như Nam Mô v.v... cho rành chớ niệm giống như người ngọng thì gọi là không rành. Còn rõ là khi niệm phải lắng nghe từ trong tâm niệm rõ ràng. Bình thường tai nghe là nghe tiếng từ bên ngoài, cái nghe này còn phân biệt xen lần nên ai nói gì hay tiếng động nào cũng nghe cũng biết. Còn nghe từ trong tâm là nghe lại cái tánh nghe tiếng bên ngoài nhưng không hề biết, tức là vô phân biệt. Ðó gọi là nghe lại tự tánh. Còn lần lần tiêu mathì sao? Xưa có câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, vậy Phật tử muốn có kim thì phải dày công, cũng như câu chuyện Bà già mài đá thành kim. Tôi nói ví dụ, quý Phật tử phải chú ý nghe: Như trong mùa nắng hạn thì nước đục bèn đem đi kiếm nước trong để đổi. Người có nước trong bảo rằng: “Ngươi đã có sẵn nước rồi, sao không tự lóng cho trong để dùng. Chứ nước muốn có nước trong liền, thì ai có thể đổi cho ngươi được”. Ðức Phật ví dụ như nước trong còn chúng ta là nước đục. Chúng ta muốn thành Phật thì phải tự gia công tu tập để chuyển phiền não thành bồ đề, chứ Phật không thể chuyển đổi cho mình được. Chúng ta ai cũng biết rằng ăn thì được no, muốn no thì mình phải tự làm cái việc ăn, chớ ngồi ì ra đó mà chỉ nói là tôi ăn món này món nọ hoài để được no, thử hỏi việc đó có được không? Người niệm Phật, phải gia công niệm cho đúng, niệm cho nhiều, thì tham sân si, phiền não từ từ lắng xuống, hễ nhiếp tâm niệm cho được thanh tịnh, thì cái động bên trong nó tự yên. Phải nhiếp tâm niệm Phật, niệm đến lúc nghe mà không nghe, biết mà giống như không biết và cũng không còn nhớ gì hết, cho đến không niệmmà nó tự niệm. Gọi là đương niệmtức vô niệm. Ðây gọi là chứng được về , là có thể thấy được pháp thân của Phật. Nếu người căn cơ cao thì niệm một ngày là được nhất tâm bất loạn, còn bậc trung thì niệm 2 hoặc 3, 4, 5, 6, 7 ngày thì được, còn bậc căn cơ thấp kém thì niệm liên tục một năm, hai năm rồi cũng được, nếu chúng ta cố gắng hết sức mình và có tâm nhàm chán sự khổ của cõi đời này. Như trong kinh Di Ðà đức Phật Thích Ca đã nói: “... chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhựt, nhược nhị nhựt... nhất tâm bất loạn, kỳ nhơn lâm mạng chung thời...” thì Phật và Thánh chúng hiện ra trước mặt tiếp độ được vãng sanh. Như thế người niệm Phật được nhất tâm sẽ biết được ngày lâm chung và khi lâm chung sẽ được Phật tiếp độ về cõi nước Cực lạc của Ngài. Chư Tổ đã chứng được nhờ câu thoại đầu sáu chữ Nam Mô A Di Ðà Phậtnày không phải là ít. Vậy đặt gương Tổ trước ta sau, nghĩa là phải noi gương theo chư Tổ và cố gắng hết sức mình bỏ hết mọi duyên bên ngoài để chuyên lo niệm Phật. Ở đây gọi là bớt duyên chuyên niệm pháp mầu nào hơn.

Tóm lại bài “Thân đâu tâm đó” này chỉ cho chúng ta đường lối tu để đi đến giải thoát. Chúng ta muốn được giải thoát thì phải biết trở về sống cho chính mình, không buông trôi theo vọng trần, không thể vọng duyên chi phối mà phải sống theo cách thân ở đâu thì tâm cũng ở đó, đồng thời buông xả hết tất cả và chuyên tâm niệm Nam Mô A Di Ðà Phật. Nếu được như vậy thì một ngày nào đó chúng ta sẽ được “Dạ dạ bảo Phật miên, triêu triêu tùng Phật khởi” nghĩa là đêm đêm ôm Phật ngủ, như thế thì khi lâm chung sẽ biết ngày, biết giờ, và chắc chắn sẽ được Phật cùng Thánh chúng hiện ra trước mặt tiếp rước vãng sanh về nước của Ngài, đúng với lời nguyện thứ 17 và 18 của đức Phật A Di Ðà.

Một lần nữa tôi xin nhắc lại là chúng ta phải cố gắng hết sức mình và thành tâm cũng như buông xả tất cả để ngày lâm chung được như ý nguyện của Phật và của chúng ta.

Nam Mô A Di Ðà Phật

Ghi xong ngày vía Quan Thế Âm tháng 2 năm Giáp Tuất (2004)

Phụ chú:

Nguyện thứ 17: Lúc tôi thành Phật, nếu vô lượng chư Phật trong thập phương thế giới chẳng đều khen ngợi xưng danh hiệu của tôi, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tin mộ muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh (trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng hủy báng chánh pháp), thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Giảng Thiền ở Chơn Không

(Hòa thượng Huệ Nghiêm giảng Thiền tại Thiền viện Chơn Không năm 1974)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa chư đại đức Tăng Ni,

Kính thưa Quý quan khách và chư Phật tử hiện diện hôm nay,

Hôm nay ở nơi đạo tràng này làm lễ mãn khóa I sau ba năm tu học Thiền, và vừa rồi cũng khai giảng lớp Thiền thứ II cũng 3 năm do Hòa Thượng Thanh Từ đảm trách hướng dẫn. Chúng tôi hân hạnh được mời dự lễ, đồng thời Hòa Thượng cũng ngõ ý mời chúng tôi nói chuyện, vì sau buổi lễ vẫn còn một số quan khách và Phật tử lưu lại nơi thiền viện. Do đó chúng tôi mới có sự gặp nhau với quí vị. Trước xin vấn an sức khỏe cùng nhau, sau sẽ có vài ý kiến nói lên về sự tiến tu của quý vị để hỗ trợ cho thiền sinh đang học trong 3 năm tới hơn là thuyết pháp, bởi vì chúng tôi không hay thuyết pháp. Lời đầu tiên của chúng tôi hôm nay là rất vui mừng vì ở thiền viện có được số thiền sinh theo học rất đông. Sự vui mừng này là vì chúng ta đời trước, nếu không khéo trồng cái duyên về thiền học thì hôm nay dù có nghe đủ và nghe đồng đi nữa rồi chúng ta cũng bị duyên này duyên khác làm trở ngại, đó là lý do nhân duyên của thiền. Bởi vì, người được học thiền thì không phân giai cấp và không phân thông minh hay kém thông minh, điều đó chúng tôi xin chứng minh cho thấy rõ, và Hòa Thượng đây cũng có dạy nhiều lần. Cũng như đương ở môi trường và dưới sự hướng dẫn của ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, dĩ nhiên có hai cách sai biệt, là Thần Tú rất thông minh và Huệ Năng thì không biết chữ. Do vậy, chỉ có những vị nào đời trước có duyên lành với Phật giáo và nhất là về môn Thiền học, môn trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật, chúng ta mới có đủ duyên. Trong buổi lễ hôm nay qua bài diễn văn mà thiền sinh đã trình bày đó, chúng tôi rất vui mừng với lòng, tôi thấy không đủ, hơn là giúp cho thiền sinh 3 năm tới đây thêm ý kiến gì về thiền. Nếu chúng ta cùng nhau có phước, Tam bảo gia hộ tôi có thêm phần kiến thức để nhận rõ ý thiền. Như vậy, danh từ nói thiền là để so sánh với các tên khác. Xưa nay người con Phật thường đánh giá pháp môn nầy pháp môn kia hay pháp môn nọ, cũng như những bài diễn văn nói tu thế này không điên, thế kia điên, tu thế này dễ, tu thế kia khó. Như vậy, danh từ thiền là môn tự tu, tự nhận, tự biết, tự chứng và tự giải thoát cho mình, không kèm theo những phương tiện.

Bây giờ tôi xin nói thẳng về lý do của thiền, tức là trực chỉ chơn tâm kiến tánh Thành Phật. Tâm phải kiến tánh, tức là thấy chơn tâm của mình, mà tâm đó tức là Phật. Như vậy ở đây, chắc quý vị đều có duyên với thiền thì không ai có thể nhận rằng mình không có Phật, và cũng không ai đành phủ nhận rằng mình phàm phu quá, chắc mình không có Phật. Không có lý đó. Như vậy Phật ở đâu? Chúng ta nghe nhiều bộ kinh, đọc nhiều quyển sách và từng ăn chay, từng cúng dường, từng làm các Phật sự, nhiều khi đem hết tâm lực tài của để đi tìm Phật. Nhưng đến bây giờ tôi chắc rằng có một số ít mới thấy được tánh Phật của mình, còn bao nhiều hình như không biết được nó cũng như cho là ngoa (không thiệt chắc).

Hôm nay, tôi cố gắng phần nào để chỉ ra cái lỗi đó. Tôi kể đoạn đối thoại mà sau này Tổ thiền tông liệt vào công án. Trọng tâm bài giảng hôm nay chỉ có điểm này, quý vị cố gắng nghe lại mình, xét lại mình, rồi từ lời nói của tôi động với cái tâm suy xét đó. Trước khi nói, tôi hướng dẫn câu chuyện, như người tập điều chỉnh những băng tầng radio, như rà đài mà không biết bắt, rồi đi hỏi thăm người ta, mà người thì cũng chưa biết cách dò tìm, mà ta chỉ coi trong họa đồ hoặc sách hướng dẫn, mình bắt chước rồi cũng trật hoài. Vì sao? Trong kinh có chỗ nói đức Phật Thích Ca đâu có tịch diệt mà hiện còn ở hội Linh Sơn đang thuyết pháp cùng hàng Bồ tát..., nhưng đối với chúng ta thì không hề hay biết. Ví như đài phát thanh hay truyền hình, lúc nào cũng có phát sóng, nhưng sóng điện của ta chưa tương ưng nên không bắt được. Ðức Phật cũng thế, luôn luôn hiện hữu nhưng tâm của chúng ta chưa khế hợp, do đó không thế hay biết được. Ðể chứng minh điều đó, đức Phật nói Phật tánh mà tất cả chúng ta đều có. Tất cả chúng ta đều có Phật tánh, do đức Thích Ca đã dày công 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh, còn phải ngồi thêm 49 ngày mới nói câu: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tại sao trầm luân”.

Tôi cố gắng trong những lới nói hôm nay thử tìm chỗ đó, vô minh cũng từ chỗ đó, mà trí huệ cũng từ chỗ đó. Vậy chúng ta đã nhận biết nó là vô minh rồi thì phải lo diệt trừ nó. Ðã nhận biết nó là vô minh rồi mà còn cho đó là trí tuệ sao? Chúng ta phải biết rằng kiếng (gương soi mặt) của chúng ta đã nhiều năm không lau bụi và không biết cách lau. Ðức Phật vì chúng ta chỉ cho cách lau và cho vải để lau nhưng chúng ta chỉ có một nùi giẻ đó lau hoài, giống như người giặt áo mà không thay nước, cứ giặt hoài thì áo không sạch, cũng như biết cách lau kiếng mà không chịu thay nùi giẻ. Như vậy đến bao giờ kiếng mới sáng, áo mới sạch.

Bây giờ tôi đưa ra một công án và tạm giải thích. Thuở xưa trong đoạn tu tâm quyết, trong đó có một vị vua tên là Dị Kiến Vương hỏi thiền sư Ba La Ðề Tôn giả: “Phật là gì?” Chỗ này quý vị cố lắng nghe, nếu chúng ta lầm nghe qua chỗ khác, hoặc đọc trong sách cũng được. Tất cả quý vị hôm nay có mặt trong đây ai cũng có đọc sách thiền rất nhiều, Hòa Thượng viện chủ đã dịch ra tiếng Việt cũng không ít. Bây giờ tôi có nói cũng là nói lại những việc mà quý vị đã từng đọc, từng nghe rồi. Ở đây chúng tôi nhắc lại từng ý từng câu hơn là khi quý vị đọc sách nhiều mà tâm còn bận rộn việc này việc nọ hoặc đọc sơ thì làm sao hiểu. Còn khi tâm rất thanh tịnh sau 5, 6 năm và sau 49 ngày mới nói lên được câu đó (Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tại sao trầm luân). Còn chúng ta đã ngồi được đêm nào chưa, mà cũng nghe cũng nói. Bây giờ tôi lại thí dụ: Chúng ta 6 giờ tối đóng cửa 7 giờ sáng hoạt động thế này thế khác, sáng nói lại chúng ta không biết gì hết, giống như nói chuyện ở một thế giới khác vậy. Chuyện đó rõ ràng; còn như chúng ta tối ngủ sáng dậy, những việc xảy ra ban đêm chúng ta không biết gì hết mà muốn biết việc đó cũng đã là khó rồi. Trở lại việc hỏi đáp.

Tôn giả đáp: Kiến tánh là Phật.

Vua hỏi: Ngài kiến tánh chưa?

Tôn giả đáp: Rồi (ý nói có Phật tánh).

Vua hỏi: Vậy Phật tánh ở đâu?

Tôn giả nói: Phật tánh ở nơi tác dụng.

Vua nói: Tác dụng sao tôi không thấy?

Tôn giả đáp: Có tác dụng nhà vua tự không thấy.

Vua hỏi: Tôi có tác dụng không?

Tôn giả nói: Tất cả việc nhà vua làm hằng ngày không việc gì mà không có tác dụng. Nếu ông không có tác dụng thì thể cũng khó thấy mà thể khó thấy thì ông vẫn trầm luân. Nhưng nếu ông không có thể thì tại sao đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.

Vua hỏi: Nếu có tác dụng, vậy khi phát hiện, nó hiện mấy chỗ?

Tôn giả nói: khi phát hiện có 8 chỗ.

Vua nói: Xin ngài nói tác dụng của 8 chỗ cho tôi nghe.

Tôn giả nói: Nếu khi ở bào thai gọi đó là thân.

Khi ra đời gọi đó là người.

Khi ở mắt gọi là thấy.

Khi ở tai gọi là nghe.

Khi ở mũi thì nhà vua biết ngửi.

Khi ở lưỡi thì nhà vua biết đắng, cay, chua, ngọt.

Khi ở tay thì nhà vua biết co duỗi, cầm nắm.

Khi ở chân thì nhà vua đi, đứng...

Nếu nói công năng của nó rộng ra thì bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, còn nói hẹp thì nó chỉ bằng một vi trần.

Vì muốn nói rõ thêm đoạn công án đó, các Tổ sau mới thêm bài kệ cho dễ hiểu hơn.

Dạ dạ bảo Phật miên

Triêu triêu tùy Phật khởi

Tọa lập dữ tương tùy

Ngữ mặc đồng cộng trụ

Dục tri Phật hành xứ

Duy thị thử ngôn dã.

(Tùng Duyệt Thiền Sư)

Tạm dịch:

Ðêm đêm ôm Phật ngủ

Ngày ngày cùng Phật thức

Ngồi đứng vẫn theo nhau

Nói nín đồng chung ở

Muốn biết chỗ Phật đi

Chỉ lời nói này vậy.

Như vậy, công án và bài kệ đó nói rõ lên rằng tất cả hành động của chúng ta hằng ngày đều có Phật tánh ẩn trong đó. Nếu có Dụng thì luôn luôn có cái Thể. Dụng ví như sóng mà Thể ví như nước. Sóng không thể rời nước mà có. Một điều dễ hiểu, dễ nhận hơn mà chúng ta có thể suy tư được là chúng ta hằng ngày, đói thì kiếm cơm ăn, khát thì kiếm nước uống, áo rách biết thay áo khác; ai đói, ai khát, ai thương, ai ghét, ai buồn, ai vui, tất cả việc làm của chúng ta từ cái nháy mắt, búng tay, đói khát.v.v.. đều không phải có Phật tánh ẩn làm động cơ bên trong để nó có tác dụng bên ngoài? Như vậy, muốn tìm Phật tánh ấy thì phải ngay nơi tác dụng hằng ngày đó để tìm. Người tu như vậy thì làm sao sa vào ngoại đạo, làm gì phải điên. Còn người sống ra ngoài mới bị cảnh ngoài làm điên, làm ăn thất bại mất hết tiền của mới điên, hay bị ông chồng, bà vợ ngoại tình mới điên. Còn người lo nội tâm thì làm sao điên được.

Con người có một khả năng chỉ chiếm một mặt không ngoài thì trong, không trong thì ngoài. Chúng ta trầm luân từ xưa đến nay vẫn còn đây là cũng do bị vướng bận bên ngoài. Tất cả những việc khổ vui, buồn giận, thương ghét đều bị vướng bên ngoài hết. Nếu chúng ta ngó lại bên trong của chúng ta, rồi lo việc bên trong đó mới thấy việc bên ngoài không có giá trị.

Ðã nói rằng xưa nay con người mình quá khôn, quá lanh, quá thông minh, lên cung trăng cũng được, lặn xuống biển cũng được. Do đó, tưởng rằng mình làm được những việc mà đức Phật nói là Phật tánh của mình đã tìm thấy chớ gì, hình như “Nó” cách vách mà mình không làm sao tìm được.

Bây giờ xin trở lại, xin đảnh lễ ba vị thầy trò của Tổ sư ta và tôi nói thế này là giúp các vị giải thích, đồng thời cũng làm tư lương để hiểu rõ tác dụng như thế nào. Chính sự hiện diện của Tổ Hoằng Nhẫn là Tổ thứ năm, có hai vị học trò đáng để chúng ta so sánh, cân nhắc, làm vốn liếng cho chúng ta tu hành trong đời mạt pháp đương ở cái thời buổi văn mình của ngoại quốc tràn ngập Việt Nam. Ngài Thần Tú thông minh tuyệt vời, còn Ngài Huệ Năng thì không biết chữ, nhưng chúng ta cứ nói Ngài Thần
Tú thông minh tuyệt vời còn Ngài Huệ Năng thì không biết chữ, nói như vậy là để cho yên mà thôi. Nếu chúng ta mãi cả đời tu hành là Phật tử, mãi yên cái chuyện Ngài Thần Tú thông minh còn Ngài Huệ Năng không biết chữ, cứ như vậy hoài e có lỗi với ba thầy trò đó. Vì sao có lỗi? Tại sao không nói thêm thế này: Ngài Thần Tú chỉ thông minh trên chữ nghĩa văn chương, về đạo lý thì không thông minh. Còn Ngài Huệ Năng thì trên hình thức học hành, văn chương lại không thông minh mà trên đạo lý thì rất thông minh.

Ðể chứng minh việc đó cho rõ, nếu Thần Tú thông minh, sao cái buổi chiều đó, Ngài Huệ Năng đang giã gạo ở nhà bếp, Tổ Hoằng Nhẫn đi xuống, lại đứng trước cối giã gạo hỏi: “Giã mà gạo trắng chưa?”Huệ Năng thưa: “Bạch thầy, trắng rồi mà thiếu giừng sàng”. Ý nghĩa nói rằng con giã gạo trắng rồi mà còn thiếu điều kiện, không ai chỉ dạy để sàng cám ra cám, gạo ra gạo mà thôi. Vừa nói câu đó xong, Tổ liền đưa gậy gõ vào cối ba cái rồi chắp tay sau đít đi. Việc làm của hai thầy trò đó trong lúc ban ngày, không phải ban đêm, lúc ấy Thần Tú còn đang ở trong chùa chớ không phải đi vắng nhưng Thần Tú không biết gì hết. Ðến canh ba đêm đó, hai thầy trò làm việc đó (truyền y bát), chắc quý vị đa số đều biết việc truyền y bát đó. Ðến sáng lại Tổ không ra, Thần Tú mới vào thăm Tổ, chừng đó mới hay là Tổ đã chứng nhận và truyền y bát cho Huệ Năng là Tổ thứ sáu. Khi đó, Thần Tú mới cho người đuổi theo giành lại, thì sao nói Thần Tú thông minh. Có phải Thần Tú chỉ thông minh trên văn chương thôi hay sao, còn đứng về mặt ngộ đạo giải thoát thì Huệ Năng mới thông minh, mỗi người thông minh một nẻo, nhưng hai sự kiện đó chúng ta phần nhiều ngày nay chấp cái thông minh và đường lối của Thần Tú. Tại sao muốn học lối giải thoát của Huệ Năng mà lại tham cái thông minh văn chương của Thần Tú, như vậy có trái ngược với nhau không?

Bây giờ tôi lặp lại, quý vị nên lưu ý, tất cả những việc tôi trình bày để chứng minh công án, tất cả những hành động riêng của quý vị đây đều có tác dụng mà tác dụng đó chính là Phật tánh cả. Tôi nói như vậy cũng còn là mượn sách vở, cũng còn là ăn cắp sách vở, người nghe rồi cũng lại nô lệ tôi, nô lệ sách vở luôn. Muốn vượt qua những trở ngại trên thì quý vị nên lưu ý ở đây.

Tất cả quý vị từ đây về sau, tùy trường hợp, mỗi vị phải khéo một chút, đừng vội vã về đến nhà áp dụng làm liền công việc đó. Làm thế thì không đúng thời tiết, không nhận được cái lý của Tổ mà tôi trình bày. Bởi khi đi Vũng Tàu về mệt mà làm liền việc đó là sai; hoặc khi về gặp ông chồng hay bà vợ rồi buồn phiền, cái buồn đó chưa cởi mở hết lại bắt đầu thực tập áp dụng cái tác dụng hằng ngày đó cũng sai, không bao giờ việc đó cho phép. Chúng ta hãy để một ngày nào đó, một đêm nào đó hay một thời gian nào đó cảm thấy tâm hồn của ta lâng lâng, sảng khoái, trong lòng được cởi mở tất cả những ràng buộc hàng ngày, sự chi phối từ gia đình, xã hội, vợ con, tất cả đều được cởi mở, lúc đó ta ngồi ăn cơm hay uống một tách trà, ta khoan thai không hấp tấp, không có cái gì làm bận rộn, cái cũ bỏ đi, cái mới đừng chấp nhận chừng ba phút thôi, ba phút đó là vàng. Thật ra, khéo cởi mở cái tôi vừa nói đó chừng một chút thôi, nhắm một chút trà, nghĩ “Ai uống trà, cái gì biết mùi trà?” Nhớ, được như trước mới được, không nên lúc đi về mệt rồi bảo người khác nấu nước để chế trà làm như thầy dạy xem thử. Bởi lúc về mệt, những viễn ảnh của Vũng Tàu còn đương ngự trị trong tâm mà uống trà thì làm sao biết được. Hình ảnh quý báu tốt đẹp hôm nay, quý vị về chừng một tháng sau nhưng nó vẫn còn lảnh vãng bên lòng, hễ giờ rảnh thì nó chạy về những hình ảnh tốt đẹp của thầy mình, các vị nhập thất tu hành các việc, thấy nó hâm mộ quá. Các chuyện đó cho dù lâu rồi nhưng bất kỳ lúc nào, hễ biết trong lòng mình đã cởi mở hay nguội lạnh, dù những chuyện cố nhớ mà cũng không nhớ và trong lòng chẳng còn mang theo thì mình tự biết chớ gì, còn nếu Phật tử nào chưa biết gì thì khoan đã, nhưng cố làm rồi cũng trôi theo sách vở, lại cũng thành ra lời nói tầm thường mà thôi không ích gì cho chúng ta hết; đâu khác gì chúng ta được cho giống tốt, lại chỉ cho đủ cách gieo trồng, nhưng khi về nhà rồi lại đem gieo liền, không chờ đủ thời tiết nhân duyên rồi nói tại sao gieo nó không lên. Ðó là vì chưa có đủ hoàn cảnh thuận tiện như đất, nước v.v... Chữ thuận tiện ở đây tức là trong lòng mình chưa yên mà đem làm việc đó thì làm sao có kết quả tốt như ý được. Như vậy là lỗi ở quý vị. Quý vị nhớ làm sao sống với thực tại đó, dù cho chỉ trong một phút hay một giây, đừng trước một giây cũng đừng sau một giây. Nếu trước một giây thì thuộc về quá khứ, sau một giây thì thuộc về tương lai. Ngay trong phút giây hiện tại ta hiểu được ai uống trà, ai biết mùi trà đó chính là nó (Phật tánh) rồi. Ta nghe được danh mà chưa từng biết mặt, nếu ta lơ đểnh thì nó đi qua và như vậy lần lần sẽ bị lờn đi. Lần đầu tiên nếu bị lờn rồi thì về sau khó kéo nói lại. Lòng con người nó vẫn vậy, nó hay lờn công việc đó lắm, nhứt là trong tâm mình bởi nó rất vi tế, cho nên mình dại gì chạy theo luân hồi, mình thường nghe giảng, đọc kinh sách, làm Phật tử đàng hoàng mà tại sao vẫn luân hồi sanh tử. Ai lại muốn khổ sở mà tại sao vẫn bị khổ sở, do tạo nhơn khổ sở nên bị quả khổ sở, còn do làm việc luân hồi nên mới luân hồi, chứ luân hồi, khổ sở đâu có ràng buộc, áp đảo ai bao giờ đâu. Mình vô tình tạo khổ sở mà muốn sung sướng, việc đó được hay sao? Vậy ai tạo khổ cho mình, ai áp đảo mình, nhưng khi bị khổ sở hay bị áp đảo thì kêu Phật cứu hay Bồ tát cứu, cúng dường cho nhiều để mong được cứu rỗi. Thử hỏi việc cầu cứu đó là cứu cái gì, mình không tự làm cho mình lại đi cầu bên ngoài để cứu cho mình, việc làm đó có phải nhờ tha lực không? Ngay trong giờ phút đó, chỉ trong cái tích tắc, nếu ta nhận ra nó thì đó chính là Phật tánh. Chúng ta đã nhận ra được rồi thì cố gắng giữ một chút, khi đó chúng ta hãy khách quan ngó ra ngoài coi có phiền não không; có hờn giận vui buồn không. Không có phải không? Như vậy thì chính nó chứ ai. Thử hỏi trong giờ phút suy tư đó có vui buồn, hờn giận, thương ghét v.v... gì không? Chính mình còn không có huống là phiền não nhiễm ô v.v... Nhưng tiếc vì nó là nó; lại bắt đầu vô minh ở đây. Mình dặn nấu nước chế trà cho ngon, nhưng về hấp tấp, nó nấu nước không sôi, không tráng bình trước đem chế ào vô, nhắm vô rồi hỏi: Ai uống trà đây? Lại nhè mùi trà bay lên mũi lại nghe hôi khói liền áp rầy: “Ðứa nào nấu nước, tao đã dặn nấu cho sôi sao để hôi khói vậy?” Chính ngay lúc đó vô minh đã nhảy vô và lái mình chạy theo nó rồi. Uống trà như vậy và nghĩ ai uống trà, lại nghe mùi trà không ngon rồi khởi lên cái ý chưởi mắng, giận hờn. Ngay lúc đó trật rồi.

Trong giây phút thôi, vô minh đó, phiền não đó, Bồ đề đó, Niết bàn đó, ngay chỗ đó mà biết được sanh tử và Niết bàn; cũng ngay chỗ đó là phiền não, là Bồ đề, là trí tuệ, là vô minh. Ta bảo uống trà, nghiệm coi: “Uống trà đây là ai?” Theo thói quen uống trà thì ngửi mùi, rồi áp rầy đứa nọ đứa kia. Do đó chư Tổ dạy Tam đề ngũ quán là vậy. Bởi vì cơm ta ăn để no, nước ta uống để hết khát. Một mình ta không đủ điều kiện để phát huy Phật tánh hay trí tuệ nên cần phải có công việc của thân tâm. Nếu không như thế thì một mình nó sống với ai. Nếu không Tâm (là vô tâm không để ý) thì quen cái tật, hễ ăn cơm lại chê ngon chê dở, nếu không vừa ý lại giận hờn, bởi phiền não ở kế một bên nó áp vô liền.

Xin nhắc lại, uống trà thì không cần biết mùi, ai đòi uống và uống cho ai. Nếu uống cho thân thì lúc đó thân với tâm là một, tâm nhờ nơi thân – mà lúc đó thân thiếu nước – còn thân nhờ nơi tâm, thân đói không làm được việc cho vừa ý của tâm. Nếu cứ đói khát mà thành đạo thì đức Thích Ca đã tuyên bố thành đạo lúc ốm đói 6 năm trước khi ngồi thiền định dưới cội bồ đề. Việc đó dạy cho chúng ta một bài học mà chúng ta lại còn dẫm theo dấu đó nữa hay sao? (Tức là thân ốm yếu thì tâm không yên) Cho nên tất cả lỗi lầm đó đều do chúng ta sai một chút mà thôi.

Tôi xin nhắc lại lần nữa, khi chúng ta uống trà cũng là tác dụng. Có tác dụng nào của sóng mà lìa nước để có được hay không? Nếu gió lặn thì sóng yên. Quý ví có thể nghiệm ngay trong khi ăn uống, còn ai giỏi hơn có thể áp dụng ngay trong lúc xuôi ngược trong dòng đời; những việc vui buồn, ai, vui, ai buồn mà giữa đời này việc gì đáng vui, việc gì đáng buồn, đáng thương, ghét, nhớ, ai là người đáng vui, buồn, thương, ghét, nhớ. Nếu người này đáng thương thì tại sao người kia đáng ghét... và chạy theo nhớ thương, ganh ghét, giận hờn, hơn thua, phải quấy mà bỏ quên trọng tâm mà động cơ chính đó là Phật tánh thường hiển lộ ở trong tác dụng, chính tác dụng đó thường gây ra để làm thương yêu, ganh ghét, giận hờn, buồn vui, phải quấy. Nếu quý vị suy tư được điều đó thì trong kinh Pháp Hoa có đoạn nói: “Gã cùng tử không dám nhận mình” Bây giờ tôi đề nghị: Mình là cùng tử thì nên nhận ngay rằng tôi là con ông trưởng giả đây, nhưng còn đang dơ bẩn lắm, để tôi tắm rửa sạch sẽ rồi hãy vào nhà. Ðừng như cùng tử trong kinh Pháp Hoa bảo rằng mình không phải là con để cho ông cha mình phải cực khổ, nhớ thương, lại cho người gánh phân đi theo làm bạn bao nhiêu năm. Bây giờ hãy nhận ngay rằng mình là con ông trưởng giả đi nhưng còn dơ bẩn lắm, cần phải tắm rửa sạch sẽ rồi hãy vào nhà. Chính mình là cùng tử là chính mình có Phật tánh, mình phải thay đổi liền, mình ham cái việc nhận Phật tánh thì sẽ thành Phật. Như vậy, mình hơn Ngài Huệ Năng là khi nhận được Phật tánh rồi ngài còn phải trốn trong núi 16 năm, hơn ngài Huệ Trung tìm được tâm ấn rồi còn phải lên núi 40 năm và còn hơn các vị khác nữa hay không. Khi nhận rồi thì tự biết mình không phải dơ bẩn mà tại vì chạy theo phong trần quá lâu, bây giờ cần phải tắm rửa sạch sẽ lại thôi. Có khi mình bị lầm, vì lúc nghe thầy giảng thì đã nhận mình có Phật tánh, có thân, có đủ thứ hết. Như con ông trưởng giả còn dơ bẩn cần phải tắm rửa sạch sẽ đã, chứ nhận là con ông trưởng giả rồi vô nhà liền được sao.

Vậy, ngay trong những hành vi hằng ngày của quý vị, tùy theo mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi phải nói chung rằng: Sự ăn uống, vui buồn, những vui buồn đó khó suy nghiệm vì bị vui buồn ám ảnh, chỉ có lúc buông hết muôn duyên, lòng mình thấy lâng lâng giống như người ở trong thiền thất, rồi uống trà hay mấy ông thì hít vài hơi thuốc, rồi nghiệm: “Ai uống trà, ai hút thuốc đó?” mà đôi khi uống trà, đang hút thuốc trong tích tắc ấy, quý vị nghĩ coi mình có phiền não, vui buồn, danh lợi, giận hờn, thương ghét... gì không? Như vậy lúc đó là Phật tánh hiện ra, cũng như gương được lau chùi, tìm trâu thì gặp trâu, nhưng lại không tiếp tục lau, cũng như không chăn trâu thì chăn ai đây? Cho nên giữa chợ đời văn minh này không khác nào đi tìm trâu mà gặp rất nhiều dấu con này con kia, nếu không nhờ thầy chỉ ra dấu trâu có hai móng, cho dù có ham tìm dấu nhưng gặp phải dấu bò, heo, dê... Tìm dấu là tìm chỗ đó, tìm được dấu trâu rồi lo chăn, nếu được như vậy, chắc chắn ta sẽ không lạc vào ngoại đạo, không bao giờ đi trùng vết. Tôi tha thiết xin quý vị bớt duyên ngoài, hướng vào nội tâm, thì nhất định được kết quả tốt. Chúng ta chỉ cần trong giờ phút nào đó nó trở về, có khi nó trở về trong buổi sáng, trưa chiều hay trời nắng oi bức, không biết lúc nào. Còn các Thiền sư thì nó về lúc:

Tà tà trăng lặn đầu non

là lúc trăng rằm, tức khoảng 3 giờ khuya, khi cảnh vật đang ngủ yên, các thiền sư lúc đó đã dẹp hết ngoại cảnh, cảnh đã yên thì tâm cũng yên, còn mình vì không dẹp được cảnh nên tâm không yên.

Lạc đàn con vượn véo von kêu sầu

Con vượn là ý của mình, nó chạy lăng xăng, bây giờ đã lạc đàn rồi. Nghĩa là lúc này ý thức không còn nghĩ bậy. Do cảnh yên thì ý thức phân biệt phiền não nhiễm ô ràng buộc đều yên. Con vượn là nói “Tâm viên ý mã”. Tâm ý lúc đó không nghĩ bậy thì nó yên giống như thiền định vậy, như vậy con vượn lúc ấy đã lạc đàn rồi còn gì. Ý thức thì hay chạy theo cảnh bên ngoài.

Dưới đèn tàn thuở đêm thâu

Chúng ta thấy ngọn đèn dầu hay nến chỉ đứng yên được khoảng 2, 3 giờ khuya, còn ban ngày lúc nào cũng bị chao đảo (bị ngoại cảnh cho phối) nên ngọn đèn không thể đứng được. Còn cảnh trong nội tâm không còn nghĩ chuyện này chuyện khác... tức là lúc con vượn lạc đàn, nghĩa là con vượn không có cây để chuyền (nhảy nhót từ cây này sang cây khác). Chính là lúc

Khách thơ ngân ngợi vẳng đâu bên đồi”.

Khách thơ có bao giờ ôm những phiền não vẩn vơ ràng buộc hay không? Khách thơ ngày xưa thì 9, 10 tuổi (thần đồng) nhưng bây giờ thì chỉ còn 2, 3 tuổi; ở tuổi này sống hồn nhiên, tự tại không biết phân biệt tốt xấu, hay dở, chưa bị phiền não chi phối gọi là khách thơ. Nó ngân ngợi du dương, ngân nga văng vẳng bên đồi nhưng không biết nó ở đâu mà vẫn chấp nhận nó đang hiện hữu nên tìm kiếm nó (Tâm) mà tìm kiếm nó không biết ở đâu để tìm. Cảnh ngoài đã yên, cảnh trong cũng yên, ý thức yên, Nó mới ngân nga lên, nhưng ai biết nó ở đâu. Như vậy thì:

Lúc này ai rõ khúc nôi

Khúc nôi ở đây là chỉ người đó tự biết lấy. Nên lại nói:

Có ông sư cụ đứng ngồi trong mây

Ðây chính là sự sinh hoạt của Chân như, bản thể của tự tánh (ông sư cụ) Chúng ta cố gắng làm cho ngoại cảnh yên, những chuyện lăng xăng bên ngoài yên, rồi đèn lòng (tâm sáng suốt) cũng yên. Lúc đó ông (Tâm) mới ca hát du dương. Nhưng đừng tìm kiếm ông vô ích, vì biết ông ở đâu mà tìm, ai biểu tìm? Khi nhận ra ông rồi, nên lo trau dồi ông sáng thêm lên. Ông thường hiện ra lúc tâm ta không còn dích mắc vào ngoại cảnh (lúc cảnh ngoài, cảnh trong điều yên). Chính vì vậy mà đức Phật Thích Ca thành đạo vào lúc canh ba, canh tư.

Chúng ta không làm những chuyện sau (cảnh và tâm được yên) mà chỉ muốn chuyện sau mau thành (tâm không yên mà muốn thành Phật). Việc làm đó khác nào trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Nấu cát mà muốn thành cơm”. Nếu mình làm không được thì phải biết hối hận, ăn năn, không nên đổ thừa cho ai hết. Tôi xin nhắc lại, nếu muốn uống trà thì phải suy ngẫm: “Ta là ai, ai đòi uống trà đây?” Làm việc đó cũng giống như ngài Hương Nghiêm tham công án: “Trước khi cha mẹ chưa sanh ra, ta là ai?” Có một câu đó thôi mà phải cắt đứt duyên trần ở ẩn trong núi 5 năm.

Như vậy ngay chỗ đó suy nghiệm được ngay trong tác dụng mà có Phật tánh, Phật tánh tức là tác dụng, Phật tánh là Thể, cái biết suy nghiệm là Dụng, cũng như nước sanh ra sóng, sóng từ nơi nước mà có, bỏ nước mà đi tìm sóng thì không thể được. Còn nếu trước đó chừng bằng cái nháy mắt mà nghĩ là ngon dở là đã qua vô minh, phiền não rồi. Khi bị vô minh áp vô rồi thì la rầy đánh đập là hết chuyện. Ðó là chuyện của người khác làm. Còn Phật tử thì đừng làm việc đó, mà phải trở về với chính mình, đó gọi là “hồi quan phản chiếu” như trong kinh nói là “phản quan văn tự tánh”. Khi được hai việc đó nghĩa là định huệ song tu, hay gọi là quán chiếu song hành.

Tất cả chư Tăng cũng như Phật tử hiện diện hôm nay, nếu quý vị làm được việc đó thì tôi thành thật chúc mừng, quý vị thiền sinh nên lấy đó làm bài học. Chính Hòa thượng Viện chủ hướng dẫn là để sau nầy ra làm giảng sư, hoặc có nhập thất mà không thực hành. Bản hoài của Hòa thượng Viện chủ cũng như của tôi và sự tha thiết cầu giải thoát của quý vị. Chúng tôi mong quý vị lãnh hội được ý chỉ của đức Bổn Sư và những lời nhắc nhở của chúng tôi mà cố gắng thực hành làm công việc đó. Có như vậy mới không phụ công tu hành của mình, không phụ tánh linh của mình, không phụ ơn Phật Tổ đã dày công truyền dạy, không phụ ơn Hòa thượng viện chủ mở lớp dạy, và cũng không phụ ơn của đàn na thí chủ đã giúp đở ít nhiều để Hòa thượng có phương tiện thực hiện những điều mà Hòa thượng muốn.

Tóm lại, chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa, Thiền tông đã chỉ rõ trong “Thập mục ngưu đồ rằng “Theo dấu tìm trâu”, bây giờ chúng ta phải theo dấu trâu để khỏi lạc vào dấu khác, vì giữa đường đời có biết bao nhiêu dấu vết, ở ngã ba đường mà bước sai một bước là đã lạc đường rồi. Người tu mà sai một chút là đã lạc vào vô minh, phiền não, là động, là trầm luân v.v... Còn khi tìm được dấu trâu thì phải theo dấu tìm cho được trâu, khi được trâu rồi phải chăn, vì không cột chăn thì nó sẽ chạy rong mất; hể mất dấu là lạc vào vô minh. Bởi vì vô minh đã có từ vô lượng kiếp đến giờ, cho nên khi bắt được rồi thì phải chăn (giữ). Ðến đây chúng tôi xin dừng lại còn quý vị thì phải ráng lo làm việc đó đi.

Trước khi dứt lời chúng tôi xin nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng hội, những người dù xuất gia hay tại gia, hãy sớm tìm được dấu và cố gắng chăn để sớm được giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Theo Dấu Chân Xưa

Kính tặng chư thiện hữu đồng chí hướng “theo dấu chân xưa”. Xin quý vị xem nên dụng ý bỏ lời vì tôi không quen cầm viết. Thành thật tri ân. (Ðặc san Theo dấu chân xưa, kỷ niệm mùa Thành đạo PL.2515, xuân Nhâm Tý)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tác đại chứng minh.

Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con thật vô phước quá! Sanh nhằm thời pháp nhược ma cường, xa Phật cách Thánh quá lâu; chúng con nơm nớp lo âu vì sợ giáo pháp của Ngài lần lần bị phai màu biến chất. Bởi người con Phật lầm nhận phương tiện cho là cứu cánh; rồi chạy theo nghi lễ hình thức của các tôn giáo và sắc thái xã hội hiện đại.

Kính bạch Ngài! Nỗi thao thức lo âu trên chúng con chưa tìm được biện pháp nào khả dĩ để cứu vãn cho thỏa đáng. Thêm vào đó, một thảm trạng quá bi đát là khói lửa chiến tranh.

Chiến tranh gây ra cảnh cốt nhục tương tàn, giang sơn sụp đổ, bi cảnh này đã và đang sôi sụt tiếp diễn, chưa có một tia sáng hy vọng nào đến với quê hương chúng ta, mà nguyên nhân thảm kịch này là do tam độc Tham, Sân, Sicủa chúng sanh tạo ra. Nói gần và thật tế hơn là do sự tham vọng điêu cuồng của kẻ mạnh. Vì tham vọng chỉ một đời, vô tình tạo thành tội đọa nhiều kiếp, nên nói rằng đó là tham vọng điên cuồng.

Kính lạy Ngài! Hoàn cảnh khổ đau hỗn loạn hiện nay là một chướng ngại vật, là một khúc quanh trầm trọng đưa chúng ta vào ngõ cụt, nó làm lạc hướng, chùn chân và chặn bước tiến đối với đàn con đang tha thiết hướng tiến theo dấu chân xưa, quay về nẻo cũ.

Kính lạy Ngài! Hoàn cảnh đã là chướng ngại, còn về tâm tư chúng con tự xét mình nghiệp chướng sâu dày, tâm lực kém cỏi.

Chúng con không đủ đức tin để lãnh hội được diệu pháp trung đạo nhất thừa thật tướng của Phật, để rồi trọn kiếp khổ nhọc tu hành chung quy cũng chỉ là phàm tiểu, tà ngoại. Kết quả đã lạc hướng chân xưa rồi cũng lại quanh quẩn trong ba nẻo sáu đường, mãi mãi đắm chìm trong bể khổ.

Kính lạy đức Thế Tôn! mặc dầu cảnh có chướng, duyên có nghịch, tâm lực kém cỏi nhưng chúng con không vì đó mà thối tâm hay dừng bước. Trái lại, chúng con rất hân hoan và phấn khởi; vì chúng con khẳng định từ nhiều kiếp qua rồi đã gieo trồng cội phước sâu dày, huân tập được chủng lành vững chắc, tuy sanh nhằm đời ác trược, chúng con cũng hội đủ thiện duyên, chánh tín xuất gia, hảo tâm phụng đạo, thấm nhuần được giáo pháp đại thừa của Phật; giáo pháp đó như đám mưa nhứt vị bình đẳng thắm nhuần làm tăng trưởng cho muôn loài cây cỏ. Pháp đó cũng là diệu dược trị lành được tất cả chứng bệnh sai khác của chúng sanh. Lại cũng là một thức ăn tinh thần siêu tuyệt, thỏa mãn được sự đòi hỏi của hạng người này đã từng gục ngã, tuyệt vọng và lạc hướng trên nẻo đường tìm về pháp vị đó. Cũng chính pháp vị đó mà một vị đại tiên như A Tư Ðà còn phải ngậm ngùi rơi lệ vì tủi mình không đủ duyên chờ đợi để thưởng thức; lại cũng có một vị sắp chứng quả vị trời tột đỉnh của tam giới như ông Uất Ðầu Lam Phất còn tha thiết yêu cầu rằng: “Khi nào Ngài hoàn thành được pháp vị đó thì Ngài thương xót ban bố cho con trước”. Nhưng cả hai đều bất hạnh.

Kính lạy Ngài! Ðối với hai vị trên chúng con là kẻ hữu hạnh. Thật vậy, chúng con tuy còn mang nặng nhiều chướng nghiệp, nếu chúng con tự giác một niệm hồi quang thì chính lúc đó chúng con đã tận hưởng trọn mùi pháp vị. Bởi pháp vị này được tầng lớp người trước chúng con nguyện từ bỏ cuộc đời riêng tư, thật sự làm việc: “Tục Phật tuệ đăng, thiệu long Thánh chủng” tương tục truyền thừa cho đến ngày hôm nay. Nhưng chúng con tủi vì nghiệp lực quá nhiều đối cảnh, dụng tâm chấp tâm cố gắng theo dấu chân xưa, nhưng càng đi càng thấy lạc dấu.

Chúng con ngưỡng nguyện đấng Thế Tôn thùy từ gia hộ cho chúng con sớm vượt khỏi lưới ma, đoạn trừ nghiệp hoặc, được có một đạo lực để chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển sanh tử thành niết bàn, sau đó lợi dụng phiền não, sanh tử làm phương tiện để hướng dẫn chúng hữu duyên vượt sang qua bên kia bờ giác, thẳng đến bảo sở trọn hưởng cảnh thường, lạc, ngã, tịnh sẵn có của chúng con. Chừng ấy thật là tấc bước chưa dời mà dấu chân xưa đã hiện. Cổ đức có câu:

“Muôn xưa biết mấy nhiêu đàng,

Bây giờ coi lại rõ ràng là đây”.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát

Sa Môn Thích Bửu Huệ

Nếp Sống Hướng Thượng

Huệ Nghiêm thể hiện bóng Lăng già

Thắng cảnh tồn tâm pháp độ tha.

Phún thủy ngư long bồi chúng đức

Trừng thần giả hạc dẹp quần ma

Thanh sơn chẳng ngại ngày mưa tuyết

Hải nguyệt đâu vì gió thoảng qua.

Tôn trí Kim Thân An dường địa

Huệ Nghiêm thể hiện bóng Lăng già.

Vu Lan - Kỷ Mùi 1979

H.T Thích Bửu Huệ

Kính Họa

Huệ Nghiêm ẩn hiện bóng Lăng già

Pháp Phật tùy Tâm để độ tha

Giới luật chuyên trì bồi chúng đức

Vô minh tận diệt dẹp bầy ma

Tâm không nào ngại gì mưa tuyết

Biển lặng can gì gió thoảng qua

Thong thả dạo chơi trong các địa

Lo gì chẳng hiện bóng Lăng già.

Vu lan – Tân Dậu 1981

Tỳ kheo Thích Nguyên Tâm

Song Dẫn

Tung tích người trâu chẳng thấy đâu

Lâng lâng muôn trượng bóng trăng thâu

Y này đoan tích ai hay được

Cỏ nội hoa ngàn mọc với nhau

Tặng Hòa Thượng T. Bửu Huệ khi nhập thất

Thanhtịnh trước gìn một niệm đầu

Phongba buồm lái phải lo âu

Tâmnương sáu độ nguồn tâm lặng

Nguyệngiữ bốn hoằng bổn nguyện sâu.

Bửugiám lau trong soi cửa pháp

Huệđăng khêu tỏ rọi nguồn tu.

Ngộchơn bước khỏi vòng thanh sắc

Ðạoquả viên dung rõ nhiệm mầu.

Cư sỹ Thanh Phong tặng – 1954

Họa Vận

Bửugiám hằng lau ở buổi đầu

Huệtâm đột khởi hết còn âu

Thànhtrì phiền não ngày mong lặng

Thậtchứng Bồ đề đáp nguyện sâu.

Cámứng máy huyền siêu vạn pháp

Ðạogiao cơ mật vượt muôn tu

Thanhvân một thệ lìa thanh sắc

Phongnguyệt thời gian chứng đạo mầu.

H.T.T. Huệ Hưng gởi H.T.T. Bửu Huệ

2.11.1975

Thuyền vừa đổ bến qua cơn sóng

Dẫu biết bờ kia người lóng nhóng

Nhưng thôi chầm chậm vội vàng chi

Chỉ có bình tâm là việc chóng.

Chóng qua bỉ ngạn phải bình tâm

Ðừng để muôn duyên hoạt động ngầm

Bặt nẻo sắc thanh dừng ngựa ý

Thời gian một niệm ví muôn năm.

H.T Thích Bửu Huệ họa vận

Là thuyền có bến sao lo sóng

Ðừng để người thân phải lóng nhóng

Vội vàng chầm chậm khác chi đâu

Vượt sóng giương buồm cho việc chóng.

Muốn qua bỉ ngạn phải bình tâm

Nào ngại muôn duyên hoạt động ngầm

Công năng lưu chú không thành niệm

Sinh hoạt ngoài vòng tháng những năm.

H.T Thích Bửu Huệ

H.T. T. Thiền Tâm – Vô Nhất Ðại Sư

Bên đường xe tang buồn đi qua

Chiều hôm mồ hoang sương trăng tà

Vô thường đời trần thương ôi mau!

Người đi rồi lần sang phiên ta.

Nghìn xưa xa vời trong mông lung

Tài hoa tan về nơi vô cùng!

Luân hồi không cầu đường siêu thăng

Dù cho hiền minh sao anh hùng.

Hoàng hôn mây hồng in non xa

Dung hoa thầm khô theo suy già

Di Ðà chuyên tu phòng lâm chung

Tương tư mơ về trời liên hoa.

H.T T. Thiền Tâm gởi H.T T. Bửu Huệ

Sống chết thạnh suy lý vẫn thường

Tuổi cao gần Phật bận chi thương

Sen thanh thơm thoảng tòa kinh Phạn

Trăng bạc soi ngần mái tóc sương

Phai khách viếng thăm phai tục vị

Ðậm câu trì niệm đậm liên hương

Nghìn tầm bặt dấu trâu người mất

Muôn trượng đài kim ánh tỏ tường.

Bất Huệ Nhơn – Vô Nhất

Năm 1988

H.T Vô Nhất gởi H.T Chơn Không

Chốn cũ Chơn Như lắm nẻo về

Ðường tuy có khác vẫn đồng quê

Trong Thiền có Tịnh trời Lư Lãnh

Nơi Tịnh gồm Thiền nước đọng Khê

Tiến bước nguồn tâm ngời nguyệt sáng

Quay nhìn bể tục ngát hương thề

Bao giờ học kẻ cười hoa được

Ðem ý sen lành rải bến mê.

Vô Nhất Ðại Sư

Cũng Một Mùa Xuân

Xuân đời

Xuân đến thì ta cũng muốn cười

Nhưng lòng lại ngại lắm xuân ơi!

Răng long, tóc bạc, thân cằn cỗi

Vì bởi xuân sang lắm độ rồi.

Vì bởi xuân sang lắm độ rồi,

Dẫu cười chưa hẳn lại là vui

Trần vui sao lại cho là tục

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi.

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi

Khóc vì thế sự lắm đãi bôi

Khóc cho số phận trầm luân mãi

Lăn lộn vào ra mấy kiếp rồi?

Xuân đạo

Ta muốn, xuân nào ở mãi ta

Thì xuân đạo lý ở đây mà

Tâm thanh, thân tịnh màu xuân sắc,

Cảnh lặng vật yên vẻ đậm đà

Xuân chẳng lại đi xuân bất diệt

Sắc khôn dời đổi sắc không pha

Hỡi ai tận hưởng xuân muôn thuở?

Xuân lại lòng ta thiệt chẳng ngoa.

H.T Thích Bửu Huệ

Xuân với lòng tôi

Mấy xuân qua lòng tôi như tan nát

Khi xuân về rào rạt suốt canh thâu

Ðêm giao thừa chồng chất nỗi đâu sầu

Tiếng chuông mõ át đi lòng thảm não

Tụng cứu khổ chưa tan tâm cường bạo

Niệm từ bi xương máu vẫn còn rơi!

Mỗi xuân qua đầu óc vẫn tơi bời

Vì xuân đến đầy đau thương tang tóc

Lòng cảm nghĩ con người sao quá ác

Cứ bạo tàn xây đắp cuộc vinh thân.

Xuân Bính Ngọ mang về nguồn vinh hạnh

Với xuân lòng bao lạc cảnh hân hoan

Trải bao năm ly tán cửa nhà tan

Mong đoàn tụ vui xuân tình xiết kể.

Xuân thanh bình mới lấp hố thê lương

Mùa quang đãng trời xuân đầy nhựa sống

Người Phật tử thỏa lòng bao nguyện vọng

Vì sanh linh thoát khỏi mộng tham tan

Ðể cùng nhau xây dựng kiếp vinh quang

Và sống mãi trên con đường tự giác.

Lòng cứu khổ hỡi người con phiêu bạt

Chí đại hùng vẫn tan tác từ lâu

Hãy chung vai sát cánh mối tương đầu

Cùng thực hiện nền tự do bác ái

Nguyện thanh bình trời xuân sẽ mang lại

Hiện vui còn xa tít với quần sanh

Bởi trần gian còn đầy dẫy bất công

Người Phật tử thấy mình bao nhiệm vụ

Rồi đây phải kiên gan cùng tiến thủ

Dù gian truân với bão vũ không nao

Lòng độ sanh nhất quyết cũng trước sau

Ðến nhân loại hưởng thanh bình an lạc

Giờ vui ca trong nguồn vui Chánh giác

Khi giống nòi thành một khối yêu thương.

H.T Thích Bửu Huệ

Tiểu Sử HT Thích Bửu Huệ

---o0o---

Vi tính: Diệu Mỹ ; Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2016(Xem: 6225)
Hòa Nhập Ta Bà Bát Thập Tam Thượng Tôn Chánh Pháp Sáu Mươi Năm Như Như Lão Giả Như Như Thật Huệ Đắc Nào Hay Lão Chẳng Tầm Cao Tột Một Đời Thông Cửu Phẩm Đăng Soi Vạn Thuở Sáng Ngàn Năm Phật Đà Tiếp Dẫn Hương Quang Tỏa Quốc Độ Tây Phương Linh Giác Tâm.
23/06/2016(Xem: 30849)
ISBN: 978-0-9945548-4-0 , Ban Tổ Chức Tang Lễ và Môn Đồ Pháp Quyến chúng tôi trân trọng kính báo tin: ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ HUỆ Pháp tự Giải Trí, Đạo hiệu Trí Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41. - Nguyên Hội Chủ Giáo Hội PGVNTNHN tại UĐL-TTL (1999- 2015) - Chứng Minh Đạo Sư của Giáo Hội; Phương Trượng Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc, Australia. Sinh ngày 02/04/1934 (Giáp Tuất) tại làng Cẩm Phô, TP Hội An, Tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Vừa thuận thế vô thường thâu thần an nhiên thị tịch vào lúc 9.25 tối ngày 23/06/2016 (nhằm ngày 19/5/Bính Thân) tại Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc. Thọ thế: 83 tuổi, 60 Hạ lạp
20/06/2016(Xem: 7966)
Hòa-Thượng pháp húy Nhựt-Thuận, Tự Thiện Lý hiệu Thích Bửu-Thắng thế danh Huỳnh-Văn-Giác., thuộc dòng LÂM-TẾ đời Gia Phổ thứ 41, là đệ tử của Tổ HỒNG-HOA. Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại Thị Xã GÒ-CÔNG Tỉnh TIỀN-GIANG. Thân phụ là cụ HUỲNH VĂN THIỆT, thân mẫu là cụ ĐỖ-THỊ-THẾ. Ngài là con trai độc nhứt trong gia đình khá giả, nên thuở thiếu thời Ngài rất mực phong lưu, cầm, kỳ, thi, họa đều tinh thông nhưng sở trường là môn thi phú. Nhân một dịp lên Sài-Gòn Ngài được xem vở tuồng về Lịch Sử Đức Phật, tâm hồn Ngài tự nhiên biến chuyển, thường suy tư trầm mặc, hình ảnh Đức Phật Thích Ca luôn xuất hiện trong tâm tưởng Ngài. Nhưng hột giống xa xưa vừa được khơi dậy thì lượng sóng của dòng đời cũng bắt đầu lôi cuốn. Theo quan niệm người xưa, quan trọng việc kế thừa hương quả. Năm 16 tuổi trên gương mặt của người thiếu niên còn rạng rỡ nét hồn nhiên thanh thản, Ngài vâng lệnh nghiêm đường tác thành hôn phối.Trong cuộc sống gia đình, tâm tư Ngài luôn luôn tư duy khắckhoải về cái gì ngoà
17/06/2016(Xem: 18379)
Ngài sinh ra để kế thế Sơ Tổ Nhân Tông Ngài hiện thân để khôi phục Thiền Tông Việt Nam Phật Giáo Việt Nam có Thiền Phái Trúc Lâm Rạng rỡ huy hoàng gần ngàn năm lịch sử Ngài sinh ra để chấn tích hưng long nghiệp Tổ Ngài hiện thân để giương trượng chống đỡ Thiền Môn Phật Giáo Việt Nam có sắc thái ửng son Có một chỗ đứng đường đường giữa thiên hà hoàn vũ
14/06/2016(Xem: 7258)
Sư Cô Diệu Huệ đã ra đi thật rồi! Tôi còn bàng hoàng như người vừa tỉnh mộng. Người ra đi chóng thế sao? Chiều hôm kia, khi cùng Thầy Trụ Trì và Tăng Đoàn Chùa Giác Ngộ đến với giây phút tạ từ và trong thời trợ niệm cho Sư Cô tôi thấy Sư Cô biểu hiện xúc động trên khuôn mặt và trong hơi thở gấp gáp. Sư Cô tuy không đủ sức nói hoặc cử động nhiều được nữa nhưng vẫn cảm nhận những âm thanh quen thuộc, cảnh sắc và ý thức được rằng chư Tăng đang vân tập để an ủi, chia sẻ, hộ niệm cho mình trong bước đăng trình. Sắc mặt Sư Cô vẫn còn tươi lắm, thế mà sau khi xong thời Kinh trợ niệm, tôi về phòng và đi công việc trong chốc lát, khi trở về Chùa Giác Ngộ thì hay tin rằng : Sư Cô đã viên tịch. Nhanh thật, mới vào bệnh viện được 2 hôm, hôm qua còn tỉnh táo nói năng nhắn nhủ được, hôm nay đã ra đi rồi…!
09/06/2016(Xem: 13455)
CÁO PHÓ Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Gia đình chúng con, chúng tôi vô cùng thương tiếc, kính báo tin cùng Chư Tôn Đức, Thân Bằng Quyến Thuộc và Bạn Hữu xa gần; Mẹ, Bà của chúng con, chúng tôi là: Chơn Linh Sa Di Ni Bồ Tát Giới Thích Nữ Diệu Niệm Thế danh: NGUYỄN THỊ NỔI Sinh ngày 6/1/1925 tại Quảng Ngãi, Việt Nam Vãng sanh lúc 6am ngày mùng 5-5-Bính Thân (9-6-2016) Tại Melbourne, Úc Châu Thọ thế: 91 tuổi Chương Trình Tang Lễ: - Lễ nhập liệm, Phát tang: lúc 11am, Thứ Bảy:11/06/5/2016 tại Vãng Sanh Đường Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060, Phone:(03) 9357 3544 (sau lễ nhập liệm, lễ cầu siêu và phúng viếng đến 10.pm) - Lễ Cầu Siêu và Phúng viếng: 8am-10pm: Chủ Nhật 12/06/2016 tại Vãng Sanh Đường Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060, Phone:(03) 9357 3544 - Lễ Động Quan: lúc 1pm, Thứ Hai:13/06/2016 ,Linh Cữu được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa Trang Fawkner, sau đó gia đình thỉnh Chơn Linh về làm lễ An Sàng và cúng thất tuần tại C
31/05/2016(Xem: 9217)
Trưởng Lão HT Thích Chơn Phát-Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hộ -Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; -Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam; -Viện chủ Tổ đình Long Tuyền, phường Thanh Hà, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 18giờ00 ngày 28 tháng 5 năm 2016 (nhằm ngày 22 tháng 4 năm Bính Thân) tại Tổ đình Long Tuyền, phường Thanh Hà, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. * Trụ thế: 86 năm * Hạ lạp: 59 năm - Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 17giờ00, ngày 29 tháng 5 năm 2016 (nhằm ngày 23 tháng 4 năm Bính Thân). - Kim quan Trưởng lão Hòa Thượng được tôn trí tại Tổ đình Long Tuyền, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. - Lễ viếng bắt đầu từ lúc 07giờ00 ngày 30 tháng 5 năm 2016 (nhằm ngày 24 tháng 4 năm Bính Thân). - Lễ truy điệu được cử hành lúc 07giờ 30 ngày 02 tháng 6 năm 2016 (nhằm ngày 27 tháng 4 năm Bính Thân),
27/05/2016(Xem: 5639)
Khánh Hòa: Trang nghiêm lễ tưởng niệm lần thư 53 ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân Sáng nay, 20-4- Binh Thân (26-5-2916) chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã thành kính trang nghiêm cử hành Lễ tưởng niệm lần thứ 53 ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và hiệp kỵ chư Thánh tử đạo tại lễ đài chùa Long Sơn - Văn phòng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa. Quang lâm chứng minh và tham dự có chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa: Đại lão HT.Thích Thiện Bình, Phó Pháp chủ HĐCM- Trưởng BTS GHPGVN tỉnh; chư Tôn Đức Tăng Ni Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; Ban giám hiệu, Tăng Ni sinh trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử các tự viện tại thành phố Nha Trang.
18/05/2016(Xem: 11209)
Không hiểu vì sao khi chú mất, tôi lại nghĩ mình cần phải viết điều gì đó cho chú, và chính tôi mới hợp nhất trong vai trò người viết này. Có lẽ vì trong quan hệ giữa tôi và chú có cả hai cực Dương và Âm thuần tịnh nhất để tạo nên một khối chân thực. Chính tôi là người chống và phê bình chú nhiều nhất và cũng chính tôi đã thấu được lòng yêu thương chân thành của chú đến người Việt ở đây và nỗi khát khao đem Phật pháp đến cho họ. Và tôi viết những dòng này cho chú.
17/05/2016(Xem: 12063)
Ngày Hoan Hỷ, Tập Văn Kỷ Niệm Khóa Huấn Luyện Trụ Trì năm Đinh Dậu 1957_HT Thích Thiện Hòa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]